Trường thiên lục bát
Thanh Hiên Thi Tập # 200 - Het
Băng Ðình *
đăng lúc 06:41:06 PM, Jul 01, 2008 *
Số lần xem: 3541 200
Hoàng Châu (1) Trúc Lâu
Hợp vi cự trúc biến giao cù
Tằng hữu tiền nhân kiến thử lâu (2)
Cựu chỉ hà thời thành bạch địa
Di văn (3) tòng cổ ký Hoàng Châu
Hậu nhân đồ hữu thiên niên cảm
Đương nhật tằng vô cách tuế mưu (4)
Duy hữu Trường Giang xảo thu thập
Nhất thành nhất hủy tẫn đông lưu
Lầu Trúc Ở Hoàng Châu
Những bụi trúc lớn vừa một ôm mọc khắp các nơi,
Người thời trước từng dựng lên lầu này
Nền cũ trở thành đất hoang từ thời nào?
Vẫn còn có bài ký nói về việc dựng lầu Hoàng Châu.
Người đời sau luống xúc cảm về việc nghìn năm cũ,
Khi ấy đâu tính đến việc năm sau.
Chỉ có sông Trường Giang là khéo thu xếp
Bên bồi, bên lở vẫn chẩy hết ra biển đông.
Chú thích:
(1) Hoàng Châu: Vùng đất thuộc tỉnh Hồ Bắc.
(2) Tiền nhân: Chỉ thi hào Vương Vũ Xứng thời Tống, khi bị trích ra Hoàng Châu dựng lầu trúc ở đây.
(3) Di văn: Áng văn còn lại, chỉ việc Vương Vũ Xứng dựng xong lầu, có làm bài ký đề là: “Hoàng Châu trúc lâu ký”.
(4) Trong bài Hoàng Châu trúc lâu ký có câu: “Chưa biết sang năm đi nơi nào, há sợ lầu trúc này dễ hỏng nát sao?”.
Lầu Trúc Ở Hoàng Châu
Bụi tre bụi trúc ôm đầy
Gác tre người dựng đất này Hoàng Châu
Nền xưa hoang phế từ lâu
Vẫn còn bài ký ban đầu ghi công
Người sau chuyện cũ chạnh lòng
Bấy giờ ai tính trong vòng sang năm
Trường Giang thật khéo lo toan
Bên bồi bên lở vẫn tràn biển đông
201
Hoàng Mai Sơn Thượng Thôn (1)
Sơn hạ hữu trường tùng
Sơn thượng hữu dao thôn
Sơn hạ trường tùng cao
Chính đường sơn thượng môn
Môn nội sở cư nhân
Cùng niên hà sở vi
Nữ sự duy tích ma
Kỳ nam nghiệp vân ti
Vân ti cẩu đắc nhàn
Hà sơn phạt tùng chi
Liêu dĩ túc quan thuế
Bất sự thư dữ thì
Thôi tô nhất bất đáo
Kê khuyển giai hi hi
Mật thạch ngại xa mã
Tạp hoa đương tuế thì
Sơn ngoại hưng dữ phé
Sơn trung giai bất tri
Toán lai nhất niên trung
Sở ưu vô nhất thì
Sở dĩ sơn trung nhân
Nhân nhân giai kỳ dị
Tùng hoa bách tử khẳng hứa thực
Bạch đầu khứ thử tương an quy
Xóm Trên Núi Hoàng Mai
Dưới chân núi có cây tùng cao,
Trên núi có xóm xa.
Ngọn tùng cao dưới núi,
Lên đến đúng ngang tầm cổng trên núi.
Những người ở phía trong cổng ấy
Quanh năm làm việc gì?
Việc của đàn bà chỉ là xe sợi gai,
Việc của đàn ông là cầy cuốc.
Cầy cuốc, lúc nhàn rỗi,
Xuống núi chặt cành tùng.
Kiếm cho đủ tiền thuế nộp cho quan,
Không thiết học thi, thơ.
Kẻ giục thuế mà không đến,
Gà, chó vui phởn phơ
Đá ken dầy cản lối đi của ngựa, xe,
Các loại hoa báo cho biết mùa trong năm.
Những cuộc hưng, phế ở ngoài núi,
Người trong núi thảy không hay.
Điểm lại trong suốt cả một năm,
Không một lúc nào phải lo âu.
Cho nên người trong núi,
Người người đều sống lâu trăm tuổi.
Hoa tùng quả bách mà ăn được,
Khi đầu bạc không về đây thì về đâu?
Chú thích:
(1) Hoàng Mai: Núi ở huyện Hoàng Mai, tỉnh Hà Bắc.
Xóm Núi Hoàng Mai
Cội tùng chân núi ngọn cao
Xóm lưng chừng núi dựa và núi xanh
Tùng cao dưới núi vươn cành
Tầng cao ngang với cổng thành sơn thôn
Người bên trong cổng sườn non
Quanh năm suốt tháng sớm hôm miệt mài
Gái thời kéo sợi chỉ gai
Trai thời cầy cuốc lúa khoai cấy trồng
Cuốc cầy gặp buổi thong dong
Xuống non đốn củi chi dùng nộp quan
Thi thư chẳng biết chẳng bàn
Thuế vua chưa thúc cả làng cùng vui
Chó gà phớn phở tới lui
Đá lèn lối ngõ cách vời ngựa xe
Hoa bay báo hiệu mùa về
Phế hưng ngoài núi chẳng hề bận tâm
Thời gian điểm lại một năm
Chẳng vương vấn chút bất bằng âu lo
Lòng dân xóm núi đơn sơ
Sống lâu trăm tuổi chẳng nhờ thuốc men
Hoa tùng quả bách mà đem
Thay cơm thay cháo ta xin nguyện rằng
Tới kỳ tóc bạc răng long
Chẳng về đây biết hỏi lòng về đâu
202
Hoàng Mai (1) Đạo Trung
Ngô Sơn hành dĩ biến
Sở Sơn lai cánh đa
Đáo đắc thanh sơn tận
Kỳ như bạch phát hà
Hành Nhạc (2) tuyết sơ tễ
Động Đình xuân thủy ba
Kế trình tại tam nguyệt (3)
Do cấp thường vi hoa
Trên Đường Hoàng Mai
Đi khắp núi nước Ngô rồi,
Đến nước Sở, núi lại càng nhiều,
Đến được chỗ tận cùng núi xanh,
Đầu bạc biết làm sao!
Núi Hành, Nhạc tuyết vừa tạnh,
Hồ Động Đình, sóng xuân đã nổi,
Tính đường đi, tháng ba có thể về đến nơi.
Còn kịp thấy hoa tường vi nở.
Chú thích:
(1) Hoàng Mai: Dẫy núi ở huyện Hành Dương tỉnh Hồ Nam.
(2) Hành: Hành Dương ở Hồ Nam. Nhạc: Nhạc Dương ở Hồ Bắc. Hai nơi Nguyễn Du đi qua trên đường về nước.
(3) Ngày 29 tháng 3 năm Giáp Tuất (1814) Nguyễn Du về đến Nam Quan.
Trên Đường Hoàng Mai
Từng đi khắp xứ Ngô rồi
Lại qua đất Sở núi đồi nhiều hơn
Đã vào tận chốn thâm sơn
Bạc đầu thôi nhé thiệt hơn nỗi gì
Tuyết ngưng Hành Nhạc vừa khi
Động Đình sóng nổi xuân về đó đây
Tháng Ba ba tháng chóng chầy
Tường vi kịp thấy một ngày cố hương
203
Chu Phát
Khứ biến đông nam lộ (1)
Thông thông tuế dục chu
Tiện tòng Giang Hán khẩu
Lai phiếm Động Đình chu
Nhân tỉ lai thời sấu
Giang đồng khứ nhật thu
Hạc lâu thành vịnh xứ (2)
Bạch vân không du du
Thuyền Ra Đi
Đi khắp đường đông nam
Vèo vèo năm sắp hết.
Bèn theo cửa sông Giang Hán
Dong thuyền đến hồ Động Đình
Người, so với ngày mới đến, có gầy hơn.
Sông thì vẫn cảnh thu như ngày cũ
Chỗ người xưa làm thành thơ vịnh lầu Hoàng Hạc,
Mây trắng vẫn lững lờ trôi.
Chú thích:
(1) Đi khắp miền Giang Tô, An Huy là các tỉnh miền đông nam mà đến Hồ Bắc, do cửa sông Giang (Trường Giang) và sông Hán (Hán Khẩu) mà vào hồ Động Đình.
(2) Hạc lâu: Tức Hoàng Hạc Lâu.
Thuyền Ra Đi
Đã đi khắp nẻo đông nam
Vèo bay tháng tận năm tàn phôi pha
Từ sông Giang Hán tiến ra
Dong thuyền hồ Động Đình xa mịt mờ
Gầy còm so với hôm xưa
Sông thì sông vẫn sông thu những ngày
Chốn người vịnh Hạc Vàng Bay
Phất phơ mây trắng vương đầy cõi không
19-7-2005
Kỷ niệm 45 năm ngày cưới
Băng Đình
TÓM TẮT
BẢN TẤU TRÌNH CỦA NGUYỄN DU
(Theo Nguyễn Du Toàn Tập)
Con đường đi về của sứ bộ do Nguyễn Du làm Chánh Sứ năm 1813, đã được chính Nguyễn Du tấu trình lên vua nhà Nguyễn, nội dung như sau (1):
“Chánh phó sứ thần là Nguyễn Du, Trần Văn Đại, Nguyễn Văn Phong dập đầu trăm lạy, kính cẩn tâu về công việc, nói lên tình xa, ngước trông thánh minh soi xét:
Chúng thần từ tháng 8 năm ngoái đến tỉnh Hồ Bắc, dọc đường đi thế nào đã có tờ bẩm dâng trước. Gần đây, thay đổi đi theo đường bộ, dọc đường mưa lụt ngăn trở, đến ngày mồng 4 tháng 10 (2) mới tới Kinh. Ngày hôm ấy, sau khi xong lễ dâng tờ biểu, chúng thần nghỉ lại ở công quán. Ngày mồng 5, tới tập lễ ở tòa Hồng Lô Tự. Ngày mồng 6, vào cửa Càn Thành, theo triều ban làm lễ, rồi lại tới lầu Duyệt Thị dự yến và đội ơn Hoàng Thượng ban cho các vật kiện. Ngày mồng 7, các quan phủ Nội Vụ tới công quán xem xét và thu nhận các phẩm vật tiến cống. Ngày 13 tới lầu Vĩnh An chờ xe Hoàng Thượng đi qua để làm lễ thỉnh an và xin về nước. Ngày 18 tới trước Ngọ Môn để nhận các vật thưởng theo thể lệ và các đạo sắc thư, tư văn. Ngày 19 tới công đường Bộ Lễ dự yến. Ngày 22 lại nhận được công văn thay đổi đường đi, theo một dãy các tỉnh Trực Lệ, Sơn Đông, An Huy, Hồ Bắc mà về Quảng Tây. Ngày 24 khởi hành (3), ngày 11 tháng 12 mới về đến tỉnh thành Võ Xương, từ đấy lại theo đường thủy mà đi. Dọc đường, nước sông khô khan, đường kênh cạn hẹp, đi rất chậm chạp, mãi đến ngày 4 tháng 2 nhuần mới đến tỉnh thành Quế Lâm. Ngày mồng 7 từ Quế Lâm ra về, đi theo đường thủy. Theo lộ trình mà tính, thì khoảng hạ tuần tháng 3 sẽ về tới Nam Quan…”
Có thể tóm tắt và nhận xét như sau:
1.Về sứ trình của Nguyễn Du: Nguyễn Du đi qua cửa Nam Quan ngày mồng 6 tháng 4 năm Quý Dậu, tức là ngày 6 tháng 5 năm 1813 và về qua Nam Quan ngày 29 tháng 3 năm Giáp Tuất, tức là ngày 18 tháng 5 năm 1814.
Như vậy tổng số thời gian Nguyễn Du ở trên đất Trung Quốc vào khoảng gần 12 tháng rưỡi.
Nguyễn Du đến Bắc Kinh ngày mồng 4 tháng 10 năm Quý Dậu, tức là ngày 27 tháng 10 năm 1813 và rời Bắc Kinh ngày 24 tháng 10 năm Quý Dậu tức là ngày 16 tháng 11 năm 1813. Như vậy Nguyễn Du lưu lại ở Bắc Kinh 20 ngày. Lộ trình của Nguyễn Du từ Nam Quan lên Bắc Kinh và từ Bắc Kinh trở về nước như sau:
6-4 Quý Dậu : đi qua cửa Nam Quan
8-4 -- : đến Ninh Minh Châu
2-5 -- : đến thành phủ Ngô Châu
5-6 -- : đến Quế Lâm, tỉnh lỵ Quảng Tây
18-7 -- : từ Toàn Châu đến Trường Sa, tỉnh lỵ Hồ Nam
27-7 -- : đến địa phận huyện Gia Ngư, tỉnh Hồ Bắc
30-7 -- : đến Võ Xương, tỉnh lỵ Hồ Bắc
9-8 -- : từ Hán Khẩu ra đi
22-8 -- : đi khỏi địa phận huyện An Dương, tỉnh Hà Nam
21-9 -- : đến trạm Từ Châu, tỉnh Trực Lệ, sau đó đi qua Bảo Định để lên Bắc Kinh
4-10 -- : tới Bắc Kinh
24-10 -- : từ Bắc Kinh khởi hành về nước
2-11 -- : về đến châu thành Cảnh Châu, thuộc tỉnh Trực Lệ, sau đó đi qua Đức Châu, tỉnh Sơn
Đông, rồi đi qua tỉnh An Huy mà xuống Hồ Bắc
11-12 -- : đến Võ Xương, tỉnh Hồ Bắc
25-12 -- : từ huyện Gia Ngư , tỉnh Hồ Bắc đi đến huyện Lâm Tương, tỉnh Hồ Nam
30-1 Giáp Tuất : đến huyện Kỳ Dương, tỉnh Hồ Nam
12-2 -- : đến Toàn Châu, tỉnh Quảng Tây
4-2nhuần -- : đến Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây
29-3 -- : về qua Nam Quan
Các tư liệu trên đây sẽ giúp chúng ta sắp xếp các bài thơ và nghiên cứu tập Bắc Hành Tạp Lục một cách dễ dàng hơn, đồng thời còn giúp chúng ta hiểu thêm một số chi tiết về con người và cuộc đời Nguyễn Du.
2. Trong Bắc Hành Tạp Lục có một số bài thơ chứng tỏ rằng Nguyễn Du có đến Hàng Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang. Nhưng trong tập hồ sơ này lại thiếu mất tờ bẩm của Tuần Phủ tỉnh An Huy, do đó chúng ta chưa có thêm tư liệu để có thể khẳng định rằng trên đường về, khi đi qua An Huy, Nguyễn Du lại tạt xuống Hàng Châu, thuộc Chiết Giang. Đó cũng là một chi tiết cần nghiên cứu thêm.
NIÊN BIỂU NGUYỄN DU
(Sơ Yếu)
1765 (Ất Dậu)
Nguyễn Du sinh tại phường Bích Câu, Thăng Long.
1766 (Đinh Hợi)
Nguyễn Nghiễm được thăng Thái Tử Thái Bảo, hàm tòng nhất phẩm, tước Xuân Quận Công, gia thăng Đại Tư Không. Ông được cử sát hạch quan lai, đã chọn Lê Quý Đôn là một trong ba người giỏi nhất.
1771 (Tân Mão)
Nguyễn Nghiễm trí sĩ, được gia thăng chức Đại Tư Đồ. Lại được gọi ra làm quan Tham Tụng, sau đổi làm Thượng Thư Bộ Hộ.
Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ khởi nghĩa Tây Sơn.
1774 (Giáp Ngọ)
Nguyễn Nghiễm sung chức Tả Tướng, cùng Hoàng Ngũ Phúc đánh Chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
1775 (Ất Mùi)
Trên đường hành quân Nguyễn Nghiễm lâm bệnh, về nghỉ và mất ở quê. Được truy tặng tước Huân Dụ Đô Hiến Đại Vương, thượng Đẳng Phúc Thần.
1778 (Mậu Tuất)
Bà Trần Thị Tấn (1740-1778), mẹ Nguyễn Du qua đời.
1779 (Canh Tý)
Trong “vụ án Canh Tý”, Nguyễn Khản (1734-1786) bị khép tội mưu loạn cùng Trịnh Tông, được tha chết nhưng bị bãi chức, giam ở nhà Châu Quận Công.
1782 (Quý Mão)
Trịnh Sâm mất, Trịnh Tông lên ngôi Chúa, cử Nguyễn Khản làm Thượng Thư bộ Lại, tước Toản Quận Công.
1783 (Quý Mão)
Nguyễn Du thi hương ở trường Sơn Nam đậu Tam Trường (Tú Tài).
Nguyễn Khản được thăng Thiếu Bảo, cuối năm được thăng Tham Tụng.
Nguyễn Du lấy vợ (đầu) là con gái của Đoàn Nguyễn Thục (1718-1775). Tập ấm chức Chánh Thủ Hiệu hiệu quân Hùng Hậu của cha nuôi họ Hà ở Thái Nguyên.
1784 (Giáp Thìn)
Kiêu binh nổi lên, kéo đến phá tan dinh Nguyễn Khản ở phường Bích Câu. Nguyễn Khản trốn lên Sơn Tây với em là Nguyễn Điều (1745-?) Trấn Thủ Sơn Tây.
1785 (Bính Ngọ)
Nguyễn Huệ ra Bắc diệt Trịnh.
Nguyễn Khản mất ở Thăng Long.
1789 (Kỷ Dậu)
Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc. Nguyễn Du về quê vợ ở Quýnh Côi, Sơn Nam (nay là Thái Bình) sống nhờ anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn (1750-?) lúc này làm Thị Lang Bộ Lại triều Tây Sơn.
1789-1795
Sống ở Quỳnh Côi
1790 (Tân Hợi)
Tháng 10, Nguyễn Quýnh, con thứ tư của Nguyễn Nghiễm, đậu tú tài, giữ chức Quân Trấn Tả Đội, tước Mai Nhạc Bá thời Chiêu Thống, nổi lên chống Tây Sơn, bị bắt và bị giết; quân Tây Sơn phá sạch dinh cơ họ Nguyễn.
1791 (Nhâm Tý)
Nguyễn Huệ qua đời.
1792 (Quý Sửu)
Nguyễn Du về thăm Tiên Điền. Cuối năm vào kinh đô Phú Xuân thăm anh là Nguyễn Nễ. Nguyễn Nễ có thơ tiễn Nguyễn Du về lại Quỳnh Côi, viết năm Kỷ Sửu (1793).
1796 (Bính Thìn)
Nguyễn Nễ đi sứ Thanh về.
Mùa đông, Nguyễn Du toan vào Gia Định, việc tiết lộ, bị Tướng Tây Sơn là Thận Quận Công bắt giam. Thận Quận Công thân Nguyễn Nễ và mến tài Nguyễn Du, chỉ giam có 3 tháng rồi tha. Có “My Trung Mạn Hứng” (cảm hứng trong tù) ghi lại việc này.
1802 (Nhâm Tuất)
Mùa thu, Gia Long diệt Tây Sơn. Nguyễn Du ra làm Tri Huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam (nay là Hải Hưng). Sau đó được thăng lên làm Tri Phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam.
1803 (Quý Hợi)
Được cử lên Ải Nam Quan cùng với tri Phủ Thượng Hồng Trần Quý Chuyên, Tri Phủ Thiên Trường Ngô Nguyên Viện, Tri Phủ Tiên Hưng Trần Lưu nghênh tiếp sứ Thanh sang phong sắc cho vua Gia Long. Thơ tống tiễn sứ thần do Nguyễn Du viết.
Cáo bênh, xin từ chức về quê.
1804 (Giáp Tý)
Thăng Đông Các Học Sĩ (hàm ngũ phẩm) tước Du Đức Hầu, vào nhậm chức ở kinh đô Phú Xuân.
1807 (Đinh Mão)
Làm giám khảo trường thi Hương Hải Dương.
1808 (Mậu Thìn)
Mùa thu, xin về quê nghỉ.
1809 (Kỷ Tỵ)
Đầu năm được bổ làm Cai Bạ ở Quảng Bình (hàm tứ phẩm).
1813 (Quý Dậu)
Được thăng Cần Chánh Điện Học Sĩ và được cử làm Chánh Sứ sang Trung Quốc.
1814 (Giáp Tuất)
Đi sứ về, có Bắc Hành Tạp Lục và Đoạn Trường Tân Thanh (Kim Vân Kiều) ra đời.
1815 (Ất Hợi)
Thăng Hữu Tham Tri Bộ Lễ (hàm tam phẩm).
1816 (Bính Tý)
Kết thúc vụ án bị khép tội “mưu phản” của Nguyễn Văn Thuyên - Nguyễn Văn Thành: Thuyên bị chém, Thành bị bức tử. Vũ Trinh, anh rể Nguyễn Du, thầy học Nguyễn Thuyên, bị đưa đi đầy ở Quảng Nam.
1820 (Canh Thìn)
Gia Long mất, Minh Mệnh lên ngôi, cử Nguyễn Du làm Chánh Sứ đi Trung Quốc báo tang và cầu phong. Chưa kịp đi thì bị bệnh dịch mất đột ngột vào ngày 10 tháng 8 (tức 16 tháng 9 năm 1820). Thi hài được an táng ở đồng làng An Ninh, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên; đến năm 1824 mới cải táng, đưa về Tiên Điền.
Tố Như
(Thay lời bạt)
Kinh khuyết Thăng Long
Đệ nhất tài tử
Vọng tộc thế gia
Tân Thanh bất hủ
Nguyễn Trãi lớp xưa
Một tông một tổ
Thế giới tôn vinh
Danh nhân hoàn vũ*
Ngày vui chóng qua
Cô lái sông Đỏ
O Xạ O Uy
Trường Lưu nhị nữ
Vó ngựa vương tôn
Hoàn Kiếm liễu rủ
Điệu nhạc nàng Cầm
Hớp hồn vua chúa
Tình Hồ Xuân Hương
Gác Nguyệt trăng gió…
Hà Tĩnh kiệt linh
Hồng Lam kỳ tú
Kinh Bắc diễm kiều
Quan Họ quyến rũ
Cha khuất mẹ chìm
Mồ côi tuổi nhỏ
Nước mất nhà tan
Đời nhầu bão tố
Lỡ bước Cần Vương
Ngục tù giam giữ
Tuổi chớm ba mươi
Đầu xanh tóc úa
Bảo kiếm đeo vai
Lênh đênh cơ khổ
Thái Bình lao đao
Áo cơm câu trõ
Thân bệnh con đau
Đói thuốc khát sữa
Núi ấy sông này
Hồng Sơn Liệp Hộ
Bếp lạnh khói rơm
Bìm leo dậu đổ
Năm bẩy chưa già
Bệnh không thiết chữa
Lịch sử sang trang
Gió gào sóng vỗ
Trịnh Nguyễn cờ tàn
Tây Sơn vận mở
Chiêu Thống lỡ thì
Quang Trung thiện võ
Bền chí Gia Long
Phục hồi Quốc Tộ
Món nợ văn chương
Kẻ vay người vỗ
Thần bút Nguyễn Du
Vẫy vùng mưa gió
Thập Loại Chúng Sinh
Tháng Bẩy cúng giỗ
Thanh Hiên Bắc Hành
Nam Trung Tạp Sự
Phú Xuân cầu hiền
Học Sĩ Chánh Sứ
Đoạn Trường Tân Thanh
Cảo thơm lần giở
Đứt ruột đau đời
Tài tình thiên cổ
Ba trăm năm sau
Muôn ngàn năm nữa
Nước mắt đầm đìa
Từng trang nức nở
Nhả ngọc phun châu
Tài mệnh tương đố
Viêm Việt Viêm Bang
Võ công nở rộ
Văn nghiệp Nguyễn Du
Chiếu trên một chỗ
Phương cảo linh kinh
Bói điềm hay dở
Một nén tâm hương
Ngát bay dặm cỏ
Tiếng mẹ còn đây
Nguyễn Du còn đó
Bút chẩy máu tươi
Trúc se ngọn thỏ
Lược dịch Hán thi
Lục bát Việt Ngữ
Hay dở cúi đầu
Búa dìu nhận đủ
Băng Đình
(45 năm ngày cưới, 19-7-2005)
• Nguyễn Trãi, Nguyễn Du cùng một viễn tổ. Cả hai được UNESCO tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới.
• Xin lưu ý, đây là bản thảo đã được sửa chữa hoàn chỉnh (chỉ thiếu phần chữ Hán), sẵn sàng cho việc in ấn.
Lời quê góp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh
ND
Chịu trách nhiệm xuất bản:
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc NGÔ TRẦN ÁI
Phó Tổng Giám đốc kiêm Tổng biên tập NGUYỄN QUÝ THAO
Tổ chức bản thảo và chịu trách nhiệm nội dung:
Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc NXBGD tại Hànội NGUYỄN XUÂN HÒA
Biên tập nội dung:
NGUYỄN HUY QUANG
Biên tập kĩ thuật:
KIỀU NGUYỆT VIÊN
Trình bày bìa:
TẠ TRỌNG TRÍ
Sửa bản in:
PHÒNG SỬA BẢN IN (NXB GIÁO DỤC TẠI HÀNỘI)
Chế bản:
PHÒNG CHẾ BẢN (NXB GIÁO DỤC TẠI HÀNỘI)
Đơn vị liên doanh và phát hành:
Tác giả VŨ BĂNG ĐÌNH
THƠ CHỮ HÁN
Mã số: PVK43B6
In 500 bản, khổ 16 x 24 cm tại Công ty cổ phần In Diên Hồng 187B Giảng Võ - Hànội. Số in 198. Số xuất bản: 604/2006/CXB/47 – 1291/GD.
In xong và nộp lưu chiếu tháng 11 năm 2006.
Ý kiến bạn đọc
Vui lòng
login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin
ghi danh.