Trường thiên lục bát
Thanh Hiên Thi Tập # 160 - # 179
Băng Ðình *
đăng lúc 10:54:19 AM, Jul 01, 2008 *
Số lần xem: 3428 160
Thất Thập Nhị Nghi Trủng (1)
Nghiệp Thành (2) thành ngoại dã phong xuy
Thu thảo tiêu tiêu cựu sự phi
Uổng dụng nhất nhân vô hạn trí
Không lưu vạn cổ hứa đa nghi
Xú danh mãn quách tàng hà dụng
Tặc cốt thiên niên mạ bất tri
Hà tự cẩm thành Tiên Chủ miếu (3)
Chí kim tùng bách hữu quang huy
Bẩy Mươi Hai Ngôi Mộ Giả
Bên ngoài thành Nghiệp gió đồng thổi,
Cỏ thu tiêu điều, việc cũ qua.
Dùng mưu trí vô hạn của một người một cách uổng phí,
Chỉ để lại bao nỗi ngờ cho muôn đời sau.
Tiếng xấu đầy trong quách thì còn chôn dấu kỹ để làm gì?
Nắm xương tên giặc nghìn đời, bị chửi bới cũng chẳng hay biết.
Sao bằng được miếu Tiên Chúa ở Cẩm Thành,
Đến tận ngày nay cây tùng, cây bách vẫn còn tỏa sáng.
Chú thích:
(1) Tào Tháo đề phòng sau khi chết có kẻ đào mồ, nên sai làm 72 mộ giả ở ngoài Nghiệp Thành.
(2) Nghiệp Thành nay thuộc huyện Lâm Chương tỉnh Hà Bắc.
(3) Tiên Chủ Miếu: Miếu thờ Lưu Bị ở Cẩm Thành, phía nam huyện Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên tức đất Ba Thục, kinh đô của họ Lưu.
Bẩy Mươi Hai Ngôi Mộ Giả
Nghiệp Thành gió thổi đồng xa
Cỏ thu man mác chuyện qua qua rồi
Uổng công mưu trí một người
Nỗi hoài nghi để muôn đời vấn vương
Quách đầy ắp mối bất lương
Đào sâu chôn chặt dễ lường gạt nhau
Giặc già xương cốt hay đâu
Lời nguyền câu rủa ngập đầu Tào Man
Cẩm Thành miếu vũ khói nhang
Đức Tiên Chúa tỏa chói chang bách tùng
161
Lạn Tương Như (1) Cố Lý
Đại dũng bất dĩ lực
Cận hữu Lạn Tương Như
Kiểu hãnh năng hoàn bích
Bồi hồi thiện tị xa (2)
Phong bi lưu tính tự
Toàn Triệu miễn khưu khư
Tàm quý lực ách hổ
Bình sinh vô khả thư
Làng Cũ Của Lạn Tương Như
Bậc đại dũng không cần đến sức mạnh,
Chỉ có Lạn Tương Như.
Cầu may đòi lại được ngọc bích,
Đi vòng đường khéo tránh xe.
Bia lớn ghi tên họ,
Bảo toàn cho nước Triệu không bị trở thành gò đống.
Thẹn thay kẻ có sức bắt cọp,
Mà trọn đời chẳng có gì đáng ghi.
Chú thích:
(1) Lạn Tương Như người nước Triệu, là môn hạ của hoạn quan Mục Hiền. Vua Triệu, Huệ Văn Vương được viên ngọc bích của họ Hòa. Vua Tần, Chiêu Vương xin đổi 15 thành để lấy ngọc. Vua Triệu nghe Mục Hiền tiến cử, cho Lạn Tương Như đem ngọc sang Tần. Vua Tần lấy ngọc mà không muốn giao thành như đã hứa. Lạn Tương Như nói: “Ngọc bích có vết, thần xin chỉ cho bệ hạ coi”. Vua Tần trao lại. Tương Như cầm ngọc đứng lùi vào cột, nổi giận tóc dựng ngược, biện bác với vua Tần, dọa đập vỡ ngọc bích. Vua Tần đồng ý đem bản đồ cắt 15 thành cho Triệu. Tương Như biết là lừa dối, đòi vua Tần trai giới 5 ngày để nhận ngọc, rồi cho người lẻn đem ngọc về. Vua Tần nổi giận nhưng vẫn tha cho Tương Như về. Chuyện đổi ngọc lấy thành không xong. Vua Triệu cho Tương Như là một quan đại phu giỏi, đi sứ không làm nhục mệnh vua, phong Tương Như làm Thượng Đại Phu.
(2) Mấy năm sau vụ ngọc bích, Tần liên tiếp đánh Triệu, rồi mời vua Triệu đên họp ở Dẫn Trì. Lạn Tương Như tháp tùng Huệ Văn Vương, giữ được quốc thể nước Triệu trước ý đồ vua Tần muốn hạ nhục vua Triệu. Vua Triệu phong cho Tương Như chức Thượng Khanh (như tướng quốc) trên cả địa vị Đại Tướng của Liêm Pha. Liêm Pha giận muốn làm nhục Lạn. Để tránh xung đột với Liêm, Lạn thường tránh mặt trong các buổi thiết triều. Ngoài đường thấy bóng Liêm Pha, Lạn ngoặc xe lẩn tránh. Kẻ dưới trách Lạn sao khiếp nhược như vây. Lạn nói: “Liêm Tướng Quân đâu có đáng sợ bằng vua Tần. Sở dĩ Tần không dám đánh Triệu vì Triệu có Liêm Pha và Lạn Tương Như. Nay hai hổ chọi nhau thì một sống một chết, cho nên ta phải làm thế vì nghĩ đến việc cấp bách của nước nhà.” Liêm Pha nghe được lời ấy, bèn cởi trần, mang roi đến gặp Lạn tạ tội: “Kẻ hèn mọn này không biết tướng công rộng lượng đến thế”. Rồi hai người kết bạn sống chết có nhau.
Làng Cũ Lạn Tương Như
Mấy người đại dũng thủa xưa
Đâu cần sức bắp lực cơ làm gì
Lạn Tương Như một lần đi
Liên thành ngọc bích đem về như chơi
Bia ghi danh tiếng muôn đời
Cứu nguy nước Triệu khỏi tơi tả gò
Trách ai trói cọp cướp cờ
Trọn đời chẳng chút danh hờ ghi công
162
Hàm Đan (1) Tức Sự
Nhất đái thùy dương bán mộ yên
Hàm Đan thắng tích kiến di biên
Cao nguyên phong thảo hô ưng lộ
Hà xứ Vân Hòa (2) hiệp kỹ diên
Hồng Lĩnh mộng trung hoang xạ liệp
Bạch đầu túc tích biến sơn xuyên
Hoàng Hà nam bắc giai thu thủy
Hương tín hà do đạt nhạn biên
Hàm Đan Tức Sự
Một dải dương liễu rủ trong khói gần chiều,
Thắng cảnh Hàm Đan còn ghi trong sách cũ.
Bãi cỏ tươi tốt trên cao nguyên là lối huýt gọi chim ưng (đi săn),
Núi Văn Hòa nơi có tiếng đàn, tiệc vui mang theo ca kỹ, nay ở đâu?
Trong mơ núi Hồng vắng những cuộc đi săn,
Đầu bạc rồi mà dấu chân còn in khắp núi sông.
Nam bắc Hoàng Hà đều ngập nước lũ mùa thu,
Tin tức gửi về quê làm sao đưa đến bên chim nhạn?
Chú thích:
(1) Hàm Đan: Kinh đô nước Triệu thời Chiến Quốc, nay là Thị Trấn Hàm Đan thuộc tỉnh Hà Bắc.
(2) Vân Hòa: Tên núi nơi có hòa nhạc. Sách Chu Lễ, xuân cung đại ty nhạc: “Vân Hòa chi cầm sắt” (Đàn câm sắt ở núi Vân Hòa). Có lời ca chép trong chương Minh Đường đời Bắc Tề: “Cô Trúc chi quán Vân Hòa huyền” (tiếng sáo Cô Trúc, tiếng đàn Vân Hòa). Chỉ một nơi có hòa nhạc, có ca kỹ, nữ nhạc.
Hàm Đan Tức Sự
Liễu dương lồng khói sương chiều
Hàm Đan thắng cảnh bấy nhiêu vẫn còn
Vẫy chim bãi tốt cỏ non
Vân Hòa yến tiệc nhạc thơm má đào
Thú săn Ngàn Hống chiêm bao
Bạc đầu gót vẫn lao đao khắp miền
Hoàng Hà nam bắc triều lên
Mùa thu tin khó tới bên cánh nhàn
163
Hàn Tín Giảng Binh Xứ
Bách vạn tinh huy bắc độ Hà
Yên (1) giao địa hạ hữu trầm qua
Du du sự hậu tam thiên tải
Đãng đãng thành biên nhất phiến sa
Khoái (2) ngũ vị thành cam lục lục
Quân tiền do tự thiện đa đa (3)
Khả liên thập thế sơn hà tại
Hậu thệ đồ diên Giáng Quán gia (4)
Chỗ Hàn Tín Luyện Quân
Trăm vạn cờ xí vượt sông Hoàng Hà kéo lên phía Bắc,
Dưới đất Yên còn có giáo gươm vùi lấp.
Việc đã xa xôi trải qua hai nghìn năm,
Còn ở bên thành một bãi cát bồi mênh mông.
Cùng hàng với bọn Phàn Khoái công nghiệp chưa thành đành cam chịu tầm thường,
Nhưng trước mặt vua vẫn tự phụ: ”Quân càng nhiều càng tốt”.
Khá thương cho ông, sơn hà Hán Quốc trải qua mười đời
Nhưng lời thề đền đáp hậu hĩ chỉ bọn Giang, Quán được hưởng mà thôi
Chú thích:
(1) Yên: Đất ở vùng đông bắc Trung Quốc, gần Bắc Kinh ngày nay.
(2) Khoái: Tức Phàn Khoái, anh em bạn rể với Lưu Bang (Hán Cao Tổ) là tướng tiên phong của Hàn Tín. Sau khi bị giáng từ Sở Vương xuống Hoài Âm Hầu do sự nghi kỵ của Lưu Bang, Hàn Tín oán giận, bực bội, thẹn mình phải ngang hàng với Chu Bột, Quán Anh. Tín từng qua chơi nhà Tướng Quân Phàn Khoái. Khoái quỳ lạy đón và tiễn ra cửa, xưng là “thần” và nói: “Đại Vương lại chịu quá bộ đến nhà thần sao?”. Tín cười mà rằng: “Ta nay hóa ra ngang hàng với bọn Khoái” (Sinh nãi dữ Khoái đẳng chi ngũ). Theo Sử Ký. Lục lục: hèn hạ, theo đuôi
(3) Hán Cao Tổ có lúc nói chuyện với Hàn Tín về tài năng các tướng. Cao Tổ hỏi: “Như ta thì có thể cầm được bao nhiêu quân?” Tín nói:”Bệ hạ chẳng qua chỉ cầm được mười vạn.” Hói: “Thế còn nhà ngươi thì cầm được bao nhiêu?” – “Thần thì càng nhiều càng tốt”. Lúc bắt Tín Cao Tổ cười nói: “Càng nhiều càng tốt sao lại bị ta bắt?”. Đáp: “Bệ hạ không thể cầm quân, nhưng giỏi chỉ huy các tướng. Vì vậy nên Tín mới bị Bệ hạ bắt…” (Sử Ký).
(4) Hậu Thệ: Lời thề nồng hậu: Hán Cao Tổ phong tước cho các công thần có lời thề: “Bao giờ sông Hoàng Hà chỉ còn bé như chiếc giải áo, núi Thái Sơn chỉ còn bằng viên đá mài, nước vẫn còn truyền cho con cháu”. Nhưng số công thần đó chỉ có Giáng Hầu Chu Bột và Quán Anh là được hưởng phú quý, còn Trương Lương thì bỏ đi tu tiên, Tiêu Hà bị hạ ngục, Hàn Tín bị giết chết.
Hàn Tín Luyện Quân
Vượt Hoàng Hà nhắm bắc phương
Đất Yên muôn vạn giáo gươm lấp vùi
Hai ngàn năm chuyện cũ rồi
Bên thành trơ bãi cát bồi hoang vu
Đành ngang Phàn Khoái vai u
“Quân nhiều càng tốt” trước vua tự hào
Khá thương vũ lộ Hán Trào
Quán Anh Chu Bột dồi dào mà thôi
164
Liêm Pha (1) Bi
Liêm Pha vong khứ Võ An (2) tướng
Tứ thập vạn nhân đồng huyệt táng
Nhũ xú tiểu nhi dị ngôn binh (3)
Nhất quốc trường thành (4) đồ tự táng
Ký khổn trọng nhậm tu lão thành
Nội thẩm quốc thế ngoại địch tình
Sở dĩ lâm địch năng chế thắng
Đoan tại quyên cừu tri phụ kinh
Nhất quốc lưỡng hổ (5) bất khả phạm
Nhị thập dư niên thùy dữ tranh
Tướng quân tại thời Triệu dĩ trọng
Tướng quân khứ thời linh Triệu khinh
Sở hận sàm nhân chức thê phỉ
Hà tu nhất thực tam di thỉ (6)
Bạch đầu khứ hậu bất trùng lai
Hàm Đan (7) chi sự khả tri hĩ
Triệu vong Tần kế tam thiên niên
Tướng quân danh tự chí kim truyền
Ma sa cổ kiệt tam thái tức
Bột bột tráng khí tưởng kiến kỳ sinh tiền
Kim nhân bất thiểu thực đa nhục
Cơ linh gia dưỡng vô di súc
Thanh bình thời tiết vô chiến tranh
Nhất khẩu hùng đàm bất sổ Liêm Pha dữ Lý Mục
Bia Liêm Pha
Liêm Pha bỏ đi, Võ An lên làm tướng,
Bốn chục vạn người bị chôn chung một huyệt.
Trẻ con hoi sữa nói việc dùng binh một cách dễ dàng,
Bức trường thành của một nước luống tự phế bỏ.
Trọng trách ngoài bờ cõi nên giao lại cho bậc lão thành,
Trong hiểu thế nước, ngoài nắm vững tình hình địch.
Sở dĩ (người ấy) gặp địch có thể giành được thắng lợi,
Ấy là vì quên thù riêng, mang roi gai (đến tạ tội).
Một nước có hai hổ không kẻ nào có thể xâm phạm được,
Trên hai mươi năm ai tranh nổi (với Liêm Pha)?
Thời còn tướng quân, nước Triệu được coi trọng,
Thời tướng quân đi mất, nước Triệu bị coi khinh.
Đáng giận kẻ gièm pha kiếm điều thêu dệt,
Sao lại bịa chuyện một bữa ăn ba lần són phân!
Sau khi người bạc đầu ra đi không trở lại nữa,
Việc Hàm Đan như thế nào có thể biết được rồi.
Triệu mất, Tần nối đã ba nghìn năm,
Tên tuổi của tướng quân vẫn còn truyền để lại.
Ta lau chùi bia xưa để đọc, than thở mãi,
Tưởng thấy như khí hùng của tướng quân vẫn bừng bừng như lúc sống.
Người thời nay không ít kẻ ăn nhiều thịt (như tướng quân),
Cơ hồ khiến cho không còn con gia súc nào trong nhà.
Gặp thời thanh bình không có chiến tranh,
Đều nhất loạt nói hăng, chẳng kể Liêm Pha, Lý Mục.
Chú thích:
(1) Liêm Pha: Lương tướng nước Triệu thời Chiến Quốc. Năm thứ 16 đời Huệ Văn Vương (283 trước CN) phá tan quân Tề được phong Thượng Khanh. Phục thiện, bỏ hiềm cùng Lạn Tương Như làm bạn sống chết, khiến Tần không dám đem quân đánh Triệu. Năm 263 trước CN đời Hiếu Thành Vương, Tấn và Triệu đánh nhau ở Trường Bình, Triệu sai Liêm Pha làm tướng. Liêm Pha cố thủ, quân Tần khiêu chiến cũng không đánh. Vua Triệu nghe lời gián điệp của Tần, cho Triệu Quát làm tướng thay Liêm Pha. Quát bị tướng Tần là Bạch Khởi giết, quân Triệu đại bại, nhờ chư hầu cứu Triệu mới khỏi bị diệt. Năm năm sau, nước Yên đem quân đánh Triệu, Triệu lại dùng Liêm Pha làm tướng đánh tan quân Yên, Yên phải cắt 5 thành cầu hòa, Triệu phong Liêm Pha làm Tín Bình Quân, quyền Tướng Quốc. Điệu Tương Vương (244-236 trước CN), sai Nhạc Thừa thay Liêm Pha, Pha giận đánh Nhạc Thừa rồi bỏ chạy sang Ngụy. Triệu bị khốn vì quân Tần, lại muốn dùng Liêm Pha. Sứ giả bị kẻ thù của Liêm Pha là Quách Nhai cho nhiều vàng để nói xấu ông ta là đã quá già, nên không đón về Triệu. Sau Liêm Pha sang Sở, chết ở Thọ Xuân.
(2) Võ An: Tức Võ An Quân, tức Bạch Khởi, tướng Tần. Thời Tần Chiêu Vương được phong Võ An Quân. Giỏi dùng binh, đã đánh được hơn 70 thành. Đánh bại quân Triệu, giết Triệu Quát, chôn sống hơn 40 vạn hàng binh Triệu. Sau cùng Ứng Hầu Phạm Thư hiềm khích, bị bãi quan, bị bắt phải tự tử.
(3) Chỉ Triệu Quát, con của tướng giỏi nước Triệu là Triệu Xa. Lúc nhỏ Triệu Quát học binh pháp, bàn việc quân, cho thiên hạ không ai bằng mình. Quát thường cùng cha luận bàn. Triệu Xa biết con nói không đúng nhưng không bắt bẻ được. Vợ Triệu Xa hỏi tại sao, Xa đáp: “Việc binh là việc chết người mà Quát nói một cách khinh thường. Nước Triệu không cho Quát làm tướng thì thôi, chứ nếu cho nó làm tướng thì người phá vỡ quân Triệu nhất định là Quát”.
(4) Nhất quốc trường thành: Chỉ Liêm Pha.
(5) Lưỡng hổ: Chỉ Liêm Pha và Lạn Tương Như.
(6) Tam di thỉ: Ba lần són phân. Sứ giả tâu vua: “Liêm Tướng Quân tuy già ăn còn khỏe nhưng khi cùng thần ngồi trong khoảnh khắc mà ba lần són phân” (Khoảnh chi, tam di thỉ). Vua Triệu cho là già, không triệu về.
(7) Hàm Đan: Kinh đô Triệu, nay thuộc tỉnh Trực Lệ.
(8) Vua Triệu sai sứ giả xem Liêm Pha còn dùng được nữa hay không. Vì vậy Liêm Pha ăn một đấu gạo, mười cân thịt (cân Tầu thời cổ) trong một bữa cơm, mặc giáp lên ngựa chứng tỏ rằng mình còn dùng được.
(9) Lý Mục: Tướng giỏi ở biên giới phía bắc nước Triệu. Lý Mục phòng chống quân Hung Nô rất giỏi, nhưng quân sĩ không hiểu, cho là nhát, vua Triệu trách cứ gọi về. Hung Nô đánh, tổn thất, vua Triệu lại vời Lý Mục. Lý Mục đánh Hung Nô thua chạy, mười năm không dám phạm biên giới. Năm 254 trước CN, sau khi Liêm Pha bỏ qua Ngụy, Lý Mục đánh thắng Yên. Bẩy năm sau Tần đánh Triệu, chém mười vạn người. Lý Mục được phong Đại Tướng, đánh tan quân Tần được phong Võ An quân. Vì chi tiết này, có thể hiểu câu đầu bài thơ là Liêm Pha bỏ đi, Võ An Quân Lý Mục lên thay thế chứ không phải Võ An Quân Bạch Khởi.
Năm thứ 7 đời vua Triệu tên Thiên (235-238 trước CN), Tần đánh Triệu, bày kế ly gián, nói Lý Mục mưu phản, vua Triệu thay Lý Mục, Lý Mục không vâng mệnh, bị bắt và bị giết, Ba tháng sau Tần diệt Triệu.
Bia Liêm Pha
Liêm Pha xuống Võ An lên
Bốn mươi vạn lính huyệt đen ngậm sầu
Trẻ con chưa sạch máu đầu
Trường Thành Giữ Nước hùa nhau san bằng
Biên khu cần tướng lão thành
Trong tường thế nước ngoài rành địch nhân
Tướng tài trăm trận ra quân
Xóa thù riêng để mình trần dâng roi
Nước nhà hổ dữ có đôi
Hai mươi năm Triệu Quốc ngời Liêm Pha
Người còn nước được tụng ca
Người đi nước bị nhuốc nha coi thường
Giận thay miệng lưỡi lật lường
Bữa ăn ba bận són vương đũng quần
Người đi chìm khuất bụi trần
Hàm Đan thôi nhé khòi cần bàn suông
Triệu thua năm kể ba muôn
Tướng Quân danh tiếng sóng cồn biển khơi
Lau bia dạ những bồi hồi
Tưởng như hùng khí ngất trời ai kia
Người nay thịt ních ê hề
Cơ hồ chuồng trại lợn dê chẳng còn
Thanh bình nước nước non non
Liêm Pha Lý Mục nỏ mồm tán nhăng
165
Tô Tần Đình (1)
I
Tệ tận điêu cừu bất phục tê (tây)
Triệu đài để chưởng thổ hồng nghê
Tung hoành tự khả ngu dung chúa
Phú quý hoàn năng cứ quả thê
Lục quốc ấn tiêu sa mạc mạc
Nhất đình thu mộ thảo thê thê
Nhân sinh quyền lợi thành vô vị
Kim cổ thùy năng phá thử mê (2)
II
Quý Tử hắc cừu tệ (3)
Đồ bộ đảm nang quy
Kỳ thê bất há ky
Kỳ tẩu bất vị xuy
Phụ mẫu bất phục cố
Tương khan như lộ kỳ
Trượng phu nhất thất chí
Cốt nhục giai tương ly
Nhất triêu đại vận hữu thời chí
Lục ấn triền yêu minh đắc ý
Hoàng kim bách dật bích bách song
Tụng xa thiên thặng lai hương lý
Phụ mẫu lai nghênh tẩu tất hành
Thê kiến kỳ phu trắc mục thị
Bình sinh chí nguyện tất ư tư
“Tiền cứ hậu cung” ngôn chính bỉ (4)
Hợp tung bất tại khước cường Tần
Đãn hướng sở thân kiêu phú quý
Thích cổ (5) nguyên vị quyền lợi mưu
Ta hồ thử nhân tiểu tai khí
Thư trung bão văn Tô Tần danh
Đạo trung khước quá Tô Tần đình
Xa mã kim ngọc dĩ vô tích
Đình tiền chi thảo không thanh thanh
Thế nhân đa độc Tô Tần truyện
Do vi vị thế phú quý thương kỳ sinh
Đình Tô Tần
I
Rách hết áo điêu cừu, không trở lại miền tây,
Sang triều đường nước Triệu, đập bàn tay, thở ra khí cầu vồng.
Kế lớn tung, hoành có thể lừa phỉnh được bọn vua chúa tầm thường,
Giàu sang còn có thể ngạo nghễ với đàn bà góa.
Ấn sáu nước (phong tướng) tiêu tan, chỉ còn bãi cát mịt mùng,
Một ngôi đình trong cảnh thu muộn, cỏ rậm rạp.
Đời người, quyền lợi thật vô vị,
Xưa nay, ai có thể phá được cái mê muội ấy!
II
Quý Tử, áo cừu đen rách mướp,
Đành đi bộ quẩy gói trở về.
Vợ chàng không dời khung dệt bước ra đón,
Chị dâu không nấu cơm cho ăn. Cha mẹ không đoái nhìn,
Như gặp người lạ ở ngã ba đường.
Trượng phu khi thất chí,
Cốt nhục đều lìa bỏ.
Một sớm vận lớn đến,
Ấn tướng quốc sáu nước đeo ở lưng, vẻ đắc ý.
Vàng trăm nén, ngọc bích trăm đôi,
Ngàn cỗ xe đi theo trở về làng.
Cha mẹ ra tận ngoài đồng đón, chị dâu quỳ gối lết ra chào,
Vợ thấy chồng lấm lét nhìn.
Chí nguỵên một đời tất cả ở lúc đó,
“Trước sao khinh rẻ, sau sao cung kính” lời nói ấy thật hèn hạ.
Kế hợp tung chẳng nhằm chống nước Tần hùng mạnh,
Mà nhằm để kiêu căng khoe giầu sang với người thân!
“Dùi đâm vế” vốn là để mưu quyền lợi,
Than ôi! Người ấy khí độ nhỏ mọn thay!
Trong sách, nghe danh Tô Tần đã lắm,
Nay trên đường đi, lại qua đình Tô Tần.
Ngựa xe vàng ngọc không còn dấu vết,
Trước đình chỉ thấy cỏ mọc xanh tươi.
Người đời lắm kẻ đọc chuyện Tô Tần,
Thế mà còn để cho địa vị, giầu sang làm hại đời mình!
Chú thích:
(1) Tô Tần người Lạc Dương (nay thuộc Hà Nam) đi du thuyết mấy năm, không ai nghe theo, tiền hết, áo rách, trở về bị cả nhà rẻ rúng. Tô Tần cố học thuật nghị luận, sang nước Tần, Tần không dùng, bèn đi du thuyết sáu nước: Yên, Triệu, Hàn, Ngụy, Tê, Sở từ bắc xuống nam, gọi là Hợp Tung chống Tần. Tô Tần được làm Tung Ước Trưởng, đeo ấn Tướng Quốc của sáu nước. Mười lăm năm sau, Trương Nghi du thuyết sáu nước từ đông sang tây thần phục nước Tần, gọi là Liên Hoành với nhau phá thuyết Hợp Tung của Tô Tần.
(2) Về sau Tô Tần làm quan ở nước Tề, tranh dành địa vị với quan đại phu, bị ám sát chết.
(3) Quý Tử: Tên chữ của Tô Tần.
(4) Khi Tô Tần đeo ấn sáu nước về nhà được đón tiếp trân trọng, chàng hỏi: “Sao trước kia khinh rẻ nay lại cung kính quá thế?” Nguyễn Du chê Tô Tần nói như thế là thù hằn nhỏ nhen.
(5) Khi đi du thuyết lần đầu bị thất bại, về nhà bị khinh rẻ. Tô Tần đem sách Âm Phù Kinh ra đọc, lúc mệt mỏi buồn ngủ, tự lấy dùi đâm vào vế (chủy thích cổ) cho tỉnh ngủ.
Đình Tô Tần
I
Áo cừu rách chẳng về tây
Tìm sang nước Triệu vung tay luận bàn
Tung hoành bịp đám ương gàn
Vênh vang gái góa giàu sang hợm mình
Ấn kiêm sáu nước tan tành
Bãi hoang thu muộn ngôi đình tiêu sơ
Cuộc đời danh lợi hư vô
Mấy ai tỉnh được giấc mơ hão này
II
Chàng Tô sơ xác áo cừu
Giang hồ mỏi gót đành liều về quê
Vợ ngồi khung dệt quay đi
Chị dâu cơm đỏ canh lê chẳng mời
Nhìn con cha mẹ dể duôi
Khác chi khách lạ gặp nơi phố phường
Thân trai mạt lộ cùng đường
Thân bằng ghẻ lạnh lẽ thường xưa nay
Một ngày cờ kiếm trong tay
Ấn vàng sáu nước lưng này đeo chơi
Vàng trăm nén ngọc trăm đôi
Muôn xe lớn nhỏ rước người về thăm
Mẹ cha đón tận cổng làng
Chị dâu quỳ gối bẽ bàng chào thưa
Vợ nhìn sửng sốt ngẩn ngơ
Một đời ước nguyện một giờ vểnh râu
“Xưa sao rẻ rúng cơ cầu
Nay sao cung kính hùa nhau lấy lòng”
Lời ngu đến thế là cùng
Phải đâu diệu kế Hợp Tung chống Tần
Khoe giầu sang với thân nhân
“Dùi đâm vế” cũng chỉ cần lợi danh
Than ôi người thế mà đành
Bao trang sách chép tài lành họ Tô
Sứ trình ta gặp đền xưa
Ngựa xe vàng ngọc bây giờ thấy đâu
Bãi không cỏ biếc dãi dầu
Người đời truyện đọc từ lâu Tô Tần
Cớ sao chẳng chịu giới răn
Để cho danh vọng giầu sang hại mình
166
Dư Nhượng Kiều Chủy Thủ Hành (1)
Tấn Dương (2) thành ngoại thao thao thủy
Trí Bá (3) tất đầu vi niệu khí
Vô nhân báo cừu thành khả bi
Kỳ thần Dự Nhượng thân đương chí
Tất thân vi lại dịch tu mi
Đương đạo khất thực (4) thê bất tri
Thân hiệp chủy thủ phục kiều hạ
Nộ thị cừu phúc cam như di
Sát khí lẫm lẫm bất khả cận
Bạch nhật vô quang sương tuyết phi
Tái hoạch tái xả tâm bất di (5)
Lâm tử do năng tam kích y
Lăng lăng kỳ khí thiên tiêu thượng
Tự thử kiều danh canh Dự Nhượng
Quân thần đại nghĩa tối phân minh
Quốc sĩ (6) chúng nhân các dị thượng
“Quý sát nhân thần hoài nhị tâm” (7)
Thiên cổ văn chi sắc trù trướng
Bất thị Kinh Kha Nhiếp Chính đồ (8)
Cam nhân hoạn dưỡng khinh kỳ khu
Huyết khí chi dũng bất túc đạo
Quân độc tranh tranh thiết trượng phu
Lộ kinh Tam Tấn (9) giai khâu thổ
Chú mục kiều biên như hữu đổ
Tây phong thê thê hàn bức nhân
Chinh mã tần tần kinh thất lộ
Chủy thủ đương thời thất thốn trường
Độc hữu vạn trượng quang mang cắng kim cổ
Bài Hành Về Chiếc Gươm Ngắn Của Dự Nhượng
Ngoài thành Tấn Dương nước chẩy cuồn cuộn,
Đầu Trí Bá bị trát sơn làm chậu đựng nước tiểu.
Không có người trả thù cho, thật đáng thương,
Bề tôi của ông là Dự Nhượng tự gánh lấy viêc ấy.
Sơn thân mình làm người hủi, cạo râu mày,
Giữa đường ăn xin, vợ gặp không nhận ra,
Trong mình cắp dao găm, nấp dưới cầu,
Giận, nhìn bụng kẻ thù thấy đâm ngon ăn như ăn đường.
Sát khí đằng đằng không ai có thể đến gần được,
Giữa ban ngày mà trời tối, sương tuyết bay.
Bị bắt, được tha, lại bị bắt, lại được tha mấy lần liền, lòng vẫn không dời,
Đến lúc chết còn đánh được ba lần vào áo Tương Tử.
Khí lạ cao ngất nghìn tầng mây,
Từ đó tên cầu đổi là Dự Nhượng,
Nghĩa lớn vua tôi cực rõ ràng.
Người quốc sĩ và người thường có cách ứng xử khác nhau,
Kẻ làm bề tôi mà hai lòng thật đáng hổ thẹn đến chết.
Nghìn xưa nghe chuyện ai cũng ngậm ngùi,
Không phải là bọn Kinh Kha, Nhiếp Chính,
Cam chịu cho người ta nuôi nấng thừa mứa mà coi nhẹ thân mình.
Cái mạnh huyết khí của họ không đáng nói,
Chỉ mình ông là đấng trượng phu có chí cứng rắn như sắt thép.
Đường qua Tam Tấn toàn là gò bãi,
Mắt chăm chú nhìn bên cầu dường như thấy bóng ông.
Gió tây lạnh lẽo rét tê người,
Ngựa đi nhiều lần hí lên sợ lạc lối.
Chiếc gươm ngắn thời đó dài bẩy tấc,
Nhưng có tia sáng dài vạn trượng ngời rọi suốt cổ kim
Chú thích:
(1) Dự Nhượng người nước Tấn, làm bề tôi cho họ Phạm và họ Trung Hàng, sau bỏ về làm bề tôi Trí Bá, được Trí Bá yêu quý tôn trọng. Trí Bá bị Triệu Tương Tử giết, sơn xương sọ làm chậu tiểu..
Chủy thủ: Một thứ gươm ngắn, dao găm.
(2) Tấn Dương: Đất Chu Thành Vương phong cho em, sau đổi thành nước Tấn (nay thuộc tỉnh Sơn Tây). Trí Bá phá đê cho nước lụt tràn vào Tấn Dương.
(3) Trí Bá: Tức Trí Dao, một trong 6 quan khanh của nước Tấn thời Tấn Xuất Công. Sáu quan khanh thuộc 6 họ đại quý tộc: Phạm, Trung Hàng, Hàn, Ngụy, Trí, Triệu. Nước Tấn thời gian này đã suy. Trí Bá muốn cướp ngôi vua, trước hết tìm cách chia rẽ rồi tiêu diệt dần 5 nhà quý tộc kia. Đầu tiên y dùng ba họ Hàn, Triệu, Ngụy diệt họ Phạm và họ Trung Hàng, lấy đất đai của hai họ này chia cho nhau, rồi chuyên quyền lấn cả đất của vua. Tấn Xuất Công ngầm mời hai nước Tề và Lỗ giúp sức đuổi bọn chúng thì bị 4 nhà hợp quân đánh úp. Xuất Công chạy sang Tề. Trí Bá lập cháu nội của Xuất Công lên ngôi (tức Tấn Ai Công) rồi nắm hết quyền bính trong tay và tiến hành diệt nốt ba họ Hàn, Triệu, Ngụy để cướp ngôi nhà Tấn và để không còn lực lượng nào chống lại hoặc đòi chia xẻ quyền lợi với y. Hai họ Hàn Ngụy bị Trí Bá ép phải hội quân đánh Triệu. Quan khanh họ Triệu là Triệu Vô Tuất (tức Triệu Tương Tử) phải bỏ chạy về thành Tấn Dương. Trí Bá vây thành Tấn Dương và tháo nước sông Tấn vào thành để diệt Triệu Tương Tử. Tương Tử cho Trương Mạnh Đàm đi thuyết phục Hàn, Ngụy diệt Trí Bá, rồi đem sọ Trí Bá sơn làm đồ đựng nước tiểu. Sở dĩ Tương Tử làm như vậy là vì căm thù Trí Bá ép ông uống say không được, ném chén vào mặt, máu chẩy đầm đìa, sau lại phá đê phân thủy, dìm thành Tấn Dương trong nước lụt.
(4) Sử ký chép: “Hành khất ư thị, kỳ thê bất thức dã” (đi ăn xin ở chợ, vợ không nhận ra).
(5) Dự Nhượng bị Tương Tử bắt được hai lần trước đều tha, lần thứ ba bắt được Nhượng, Tương Tử cảm phục lòng trung của Nhượng nhưng không tha nữa. Nhượng xin được đâm ba nhát vào áo của Tương Tử rồi tự đâm cổ chết.
(6) Dự Nhượng nói với Tương Tử: “Tôi đã làm tôi cho họ Phạm và họ Trung Hàng, hai họ ấy đãi tôi như người thường nên tôi báo đáp theo lối người thường. Đến như Trí Bá thì lại đãi tôi như quốc sĩ cho nên tôi báo đáp theo lối quốc sĩ.
(7) Bạn Dự Nhượng khuyên nên nhờ Tương Tử rồi lợi dụng sự yêu mến gần gũi mà giết chứ không nên khổ thân sơn mình. Dư Nhượng cho như thế là nhị tâm: “Tôi làm thế này là để hạng làm tôi thờ vua mang hai lòng trong thiên hạ sau này phải hổ thẹn”.
(8) Kinh Kha là thích khách giúp Thái Tử Đan nước Yên giết Tần Thủy Hoàng nhưng không thành công. Nhiếp Chính là thích khách giúp Nghiêm Trọng Tử nước Tề giết Tể Tướng nước Hàn là Hiệp Lũy.
(9) Tam Tấn: Ba nước Triệu, Hàn, Ngụy. Sau khi Trí Bá chết nước Tấn bị ba họ Triệu, Hàn, Ngụy chia làm 3 nước nên gọi là Tam Tấn.
Bài Hành Đoản Đao Dự Nhượng
Tấn Dương thành ngoại sóng cồn
Đầu lâu Trí Bá trét sơn chế vò
Đựng đồ tiểu tiện nhớp nhơ
Thù không ai trả kể như tuyệt nòi
Tay chân còn lại một người
Vẽ mình hủi lở gọt cùi mày râu
Vợ còn chẳng nhận được nhau
Đoản đao ghìm sẵn gầm cầu phục binh
Giận trông bụng phệ thù nhân
Dao này một lụi ngọt ăn mật đường
Đằng đằng sát khí ai đương
Giữa trưa mù mịt tuyết sương bay dài
Bắt tha tha bắt một hai
Sa cơ thất thế chẳng thay đổi lòng
Cảm vì lượng cả bao dong
Cúi xin được chém áo rồng ba đao
Khí thiêng máu đỏ tuôn trào
Lấy tên Dự Nhượng gán vào cầu xưa
Vua tôi nghĩa lớn phụng thờ
Thường dân quốc sĩ khuông phù khác nhau
Bề tôi hai chúa một đầu
Lòng riêng hổ thẹn đứng sao giữa đời
Ngàn xưa ai chẳng ngậm ngùi
Kinh Kha Nhiếp Chính tay người chăm nom
Của ăn thừa mứa sớm hôm
Cái thân coi nhẹ dũng còn kể chi
Riêng ai dạ thép gan chì
Nẻo qua Tam Tấn lối đi bãi gò
Bên cầu thấp thoáng mơ hồ
Bóng ai ẩn hiện gió thu tê người
Dặm xa ngựa hí liên hồi
Chỉ e lạc bước vào nơi núi rừng
Một thời bẩy tấc đoản gươm
Chói chang tỏa ánh soi đường cổ kim
167
Dự Nhượng Kiều
Dụ Nhượng nặc thân thích Tương Tử
Thử địa nhân danh Dự Nhượng Kiều
Dự Nhượng ký sát Triệu diệc diệt
Kiều biên thu thảo không tiêu tiêu
Quân thần chính luận kham thiên cổ
Thiên địa toàn kinh tận nhất chiêu
Lẫm liệt hàn phong đông nhật bạc
Gian hùng quá thử thượng hồn tiêu
Cầu Dự Nhượng
Dự Nhượng dấu mình đâm Tương Tử,
Chỗ này nhân thế đặt tên là “Cầu Dự Nhượng”.
Giết Dự Nhượng rồi, nước Triệu cũng diệt vong,
Cỏ thu bên cầu luống xơ xác.
Lời bàn đúng đắn về nghĩa vua tôi đáng để muôn đời,
Làm trọn đạo trời đất trong một sớm mai.
Gió lạnh gay gắt, trời đông nhợt nhạt,
Kẻ gian hùng qua chốn này còn mất hồn.
Cầu Dự Nhượng
Đổi tên Dự Nhượng cầu này
Núp mình chờ lúc ra tay báo thù
Dự diệt thì Triệu cũng chu
Chỉ còn sơ xác cỏ thu dãi dầu
Vua tôi nghĩa nặng tình sâu
Đạo trời trang trắng làu làu sớm mai
Căm căm gió buốt đông dài
Gian hùng qua đó ghê gai xác hồn
168
Kinh Kha (1) Cố Lý
Bạch hồng quán nhật thiên man man
Phong tiêu tiêu hề Dịch Thủy hàn (2)
Ca thanh khẳng khái kim thanh liệt
Kinh Kha tòng thử nhập Tần quan
Nhập Tần quan hề trì chủy thủ
Lục quốc thâm cừu nhất dẫn thủ
Điện thượng thốt nhiên nhất chấn kinh
Tả hữu thủ bác vương hoàn trụ (3)
Giai hạ Vũ Dương như tử nhân (4)
Thần dũng nghị nhiên duy độc quân
Túng nhiên bất sát Tần Hoàng Đế (5)
Dã toán cổ kim vô tỉ luân
Quái để hành tung nguyên thị ẩn
Tằng dữ Yên Đan vô túc phận
Sát thân chỉ vị thụ nhân trì
Đồ đắc Điền Quang khinh nhất vẫn (6)
Khả liên vô cô Phàn Ô Kỳ (7)
Dĩ đầu tá nhân vô hoàn thì
Nhất triêu uổng sát tam liệt sĩ
Hàm Dương (8) thiên tử chung nguy nguy
Yên giao nhất vọng giai trần thổ
Thụ nhật thu phong mãn quan lộ
Thị thượng ca thanh bất phục văn
Dịch Thủy ba lưu tự kim cổ
Cố lý chỉ cúc tung phục hoành
Chỉ hữu tàn bi do vị khuynh
Mạc đạo chủy thủ cánh vô tế
Yết can trảm mộc vi tiên thanh
Làng Cũ Của Kinh Kha
Mống nắng xuyên ngang mặt trời, bầu trời mênh mang,
Gió thổi hắt hiu, nước sông Dịch lạnh.
Tiếng ca khảng khái, tiếng thép rít,
Vào ải Tần cầm dao nhọn,
Thù sâu của sáu nước gửi cả vào một tay.
Khắp trên cung điện đột nhiên kinh động,
Quan tả hữu dùng tay không bắt lại, vua chạy quanh cột.
Dưới thềm Vũ Dương đờ ra như người chết rồi,
Thần dũng hiên ngang chỉ có một mình ông.
Dẫu chẳng giết được Hoàng Đế nhà Tần,
Tính ra xưa nay cũng không có người nào sánh kịp.
Lạ thay, vốn dấu kỹ hành tung giữa chợ,
Không từng có duyên nợ từ kiếp trước với Yên Đan.
Liều thân chỉ vì được người biết đến mình,
Luống được Điền Quang nhẹ nhàng đâm cổ chết.
Khá thương Phàn Ô Kỳ chẳng có tội tình gì,
Đem đầu cho mượn không hẹn kỳ trả lại!
Một sớm ba liệt sĩ chết oan,
Mà ngôi thiên tử ở Hàm Dương cuối cùng vẫn cao ngất ngưởng.
Đất Yên nhìn khắp toàn đất bụi,
Nắng thu, gió thu đầy trên đường quan.
Trong chợ không còn nghe thấy tiếng ca nữa,
Sông Dịch từ ngàn xưa đến nay vẫn chẩy hoài.
Nơi làng cũ (của Kinh Kha) cây chỉ, cây gai mọc ngang, mọc dọc,
Chỉ có chiếc bia tàn chưa bị đổ.
Chớ bảo rằng mũi dao nhọn kia chẳng có ích gì,
Nó mở đầu cho việc chặt cây làm giáo, làm cán cờ (khởi nghĩa).
Chú thích:
(1) Kinh Kha: Kiếm khách người nước Vệ, tổ tiên xưa là người nước Tề họ Khánh. Kinh Kha trở về quê tổ (Tề), sau lại dời sang nước Yên. Làng cũ Kinh Kha ở đất Yên, gần với Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay). Thái Tử Đan, con của Yên Vương Hỉ, bị đưa sang nước Tần làm con tin, giận Tần Vương Doanh Chính (sau này là Tần Thủy Hoàng) là bạn chơi hồi nhỏ, nay lên ngôi lại đối xử không tốt với mình, bèn bỏ trốn về nước. Đến khi Tần thực hiện chính sách bành trướng đem quân đánh Tề, Sở, Triệu, Ngụy Hàn (Tam Tấn), sắp sửa đánh đến Yên, Thái Tử Đan lo sợ bèn tìm người dũng cảm sang Tần, uy hiếp Tần Vương Chính bắt phải bỏ ý đồ đánh Yên hoặc đâm chết y tại chỗ. Điền Quang giới thiệu Kinh Kha giúp Thái Tử Đan làm việc đó.
(2) Dịch Thủy: Sông Dịch, tức là con sông chảy qua Di Thành và Dịch Huyện tỉnh Hà Bắc ngày nay. Khi Kinh Kha đến sông Dịch Thủy, Thái Tử Đan làm lễ tiễn. Cao Tiệm Ly thổi sáo Kinh Kha hát bài: “Phong tiêu tiêu hề Dịch Thủy hàn. Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn” (Gió hiu hắt nước sông Dịch lạnh. Tráng sĩ một đi không trở lại).
(3) Khi Kinh Kha cầm địa đồ dâng lên vua Tần, Vua Tần mở ra, Kinh Kha cầm chủy thủ chĩa vào người, vua Tần sợ hãi đứng dậy chạy quanh cột, các quan hoảng hốt cuống quít chỉ lấy tay mà đánh Kinh Kha, vì theo phép nước Tần các quan chầu trên điện vua không được cầm binh khí.
(4) Vũ Dương: Tần Vũ Dương, cũng là một dũng sĩ người của nước Yên được Thái Tử Đan cử đi gíúp Kinh Kha. Lúc 13 tuổi Vũ Dương đã giết người, không ai dám trừng mắt nhìn. Nhưng Kinh Kha không bằng lòng, muốn đợi một người bạn cũng có bản lĩnh như mình cùng đi. Vào gặp vua Tần, Vũ Dương lộ vẻ quá hồi hộp, run sợ, Kinh Kha phải xử sự quá gấp nên hỏng việc.
(5) Tần Vương Chính, sau này là Tần Thủy Hoàng.
(6) Điền Quang: Người được thày học của Thái Tử Đan là Cúc Võ tiến cử là “người trí sâu mà dũng cảm thâm trầm” để Thái Tử Đan bàn mưu kế thích khách. Điền Quang già, tiến cử Kinh Kha. Thái Tử Đan dặn Điền Quang, không tiết lộ kế hoạch dùng thích khách sau khi Kinh Kha chấp nhận đến gặp Thái Tử Đan. Điền Quang tự đâm cổ chết để khích lệ Kinh Kha và tỏ rằng mình giữ chữ tín của người nghĩa hiệp, không để Thái Tử ngờ mình tiết lộ sự việc.
(7) Phàn Ô Kỳ: Tướng của nhà Tần, có lỗi với Tần Vương Chính trốn sang nước Yên, được Thái Tử Đan trọng đãi. Kinh Kha muốn Tần Vương tin là Yên thật bụng nên đến gặp Phàn Ô Kỳ xin cái đầu của tướng quân để nạp cho vua Tần, thực hiện kế hoạch thích khách. Kỳ khảng khái tự đâm cổ chết để Kinh Kha đem đầu sang nộp cho vua Tần.
(8) Hàm Dương: Kinh đô nước Tần.
(9) Tần Thủy Hoàng vô đạo, Trần Thắng, tên chữ là Thiệp người Dương Thành cùng với Ngô Quảng, tên chữ là Thúc, người Dương Hạ; cả hai đều là nông dân, bắt đi lính thú ở Ngư Dương, mưa to đường nghẽn, hai người và chín trăm nông dân bị bắt đi lính thú không thể đến đóng đồn ở làng Đại Trạch đúng kỳ hạn được, sợ bị tội chém đầu bèn rủ nhau khởi nghĩa chống Tần. Dân chúng nhiệt liệt hưởng ứng, không kịp sắm võ khí, hò nhau chặt cây làm gậy, trương sào làm cờ, (yết can, phạt mộc) để khởi nghĩa đánh Tần.
Làng Cũ Kinh Kha
Mống xuyên ngang mặt trời hồng
Bao la vũ trụ mênh mông bầu trời
Gió thu hiu hắt rạc rời
Nước sông Dịch lạnh tiễn người ra đi
Lời ca tiếng thép biệt ly
Vào Tần liễu kiếm kè kè dấu bên
Mối thù sáu nước còn nguyên
Một dao bệ ngọc rối ren lầu vàng
Tay không tả hữu bàng hoàng
Tần Vương mất vía xoay quàng cột son
Dưới thềm chết đứng Vũ Dương
Hiên ngang thần dũng miếu đường riêng ai
Nhà Vua mệnh hãy còn dài
Cổ kim hỏi được mấy tay sánh bằng
Lạ thay giữa chợ mịt mùng
Kiếp xưa duyên nợ chưa từng Yên Đan
Liều thân vì tỏ can tràng
Điền Quang cứa cổ sẵn sàng trợ mưu
Phàn Ô Kỳ thật cao siêu
Cắt đầu cho mượn bấy nhiêu há đòi
Chết oan một sớm ba người
Hàm Đan Thiên Tử ngôi trời vẫn cao
Đất Yên cát bụi lách lau
Nắng thu gió cuốn dãi dầu đường quan
Chợ không vẳng tiếng ca sang
Ngàn năm sông Dịch nước tràn thao thao
Làng xưa cây cỏ nghẹn ngào
Bia tàn xừng xững vẫn cao bằng đầu
Mũi dao dù chẳng đến đâu
Mở đường cho lớp sóng sau dựng cờ.
169
Đế Nghiêu (1) Miếu
Thái hư (2) nhất điểm đại quan chi
Thiên địa vô cùng vạn vật ty (tư) (3)
Tại nhật mao tư (4) do bất tiễn
Hậu thân hương hỏa cánh hà vi
Nhất trung (5) tâm pháp khai quần đế
Thiên cổ sùng từ đối Cửu Nghi (6)
Tằng hướng Hứa Do (7) nhượng thiên hạ
Thánh nhân danh thực hữu thùy tri (8)
Đền Đế Nghiêu
Một điểm trong thái hư xem ra rất lớn,
Như trời đất không mất công sức gì mà muôn vật được trông nhờ.
Lúc sống, nhà tranh, cỏ còn không cắt,
Chết rồi hương khói thờ cúng để làm chi?
Tâm pháp “Nhất trung” mở lối cho vua chúa các đời sau,
Ngôi đền cao nghìn thủa đối diện với chín ngọn núi Nghi.
Ta muốn nhường ngôi báu cho Hứa Do,
Cái danh và cái thực của bậc thánh nhân, ai kẻ biết?
Chú thích:
(1) Đế Nghiêu: Vị vua đời Đường thời cổ đại, sau truyền ngôi lại cho vua Thuấn. Nghiêu, Thuấn tượng trưng cho các vị vua giỏi, có tài,có đức.
(2) Thái hư: Thái không, chỉ trời đất.
(3) Câu này ý nói ông vua thánh cũng giống như trời đất không làm gì mà muôn vật muôn dân được nhờ (Nghiêu Thuấn vô vi nhi trị).
(4) Mao tư: Cũng đọc là mao tỳ. Tỳ: Lợp cỏ tranh.
(5) Nhất trung: Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn, dặn Thuấn “Doãn chấp quyết trung” nghĩa là phải giữ vững đạo trung.
(6) Cửu Nghi: Tên một dải núi thuộc tỉnh Hồ Nam. Đền thờ vua Nghiêu đặt ở Cửu Nghi, còn mộ thì ở Thành Dương (Sơn Đông)
(7) Hứa Do: Ca sĩ đời thượng cổ, người Hòe Lý, Dương Thành tự Vũ Trọng, ẩn ở Bái Trạch. Nghiêu đem thiên hạ nhường, không nhận, đi cầy ở Dĩnh Thủy, dưới núi Kỳ Sơn. Nghiêu lại muốn ông làm Trưởng Cửu Châu, Hứa Do không muốn nghe, rửa tai ở bến sông Dĩnh Thủy. Chết, chôn trên đỉnh Kỳ Sơn nên người sau gọi Kỳ Sơn là Hứa Do Sơn.
(8) Câu này lấy ý từ câu nói của Hứa Do khi Nghiêu định nhường ngôi cho ông: “Ông làm vua thiên hạ đã bình trị rồi, bây giờ bảo tôi thay thế thì tôi vì danh à. Danh chỉ là khách, thực mới là chủ.
Đền Vua Nghiêu
Thái hư một điểm lớn lao
Công lênh đôi chút biết bao cậy nhờ
Sống lều sợi cỏ chẳng vơ
Chết rồi hương khói phụng thờ làm chi
Nhất trung mở lối đi về
Đền cao chín ngọn núi Nghi đời đời
Hứa Do gọi đến nhường ngôi
Cái danh cái thực ai người nhận ra
170
Lưu Linh (1) Mộ
Lưu gia chi tử bất thành tài
Hà sáp dương ngôn tử tiện mai
Túy lý dĩ năng tề vạn vật (2)
Tử thời hà tất niệm di hài
Thiên niên cổ mộ trường kinh cức
Vạn lý quan đạo đa phong ai
Hà dĩ (3) thanh tinh khan thế sự
Phù bình (4) nhiễu nhiễu cánh kham ai
Mộ Lưu Linh
Anh chàng họ Lưu chẳng làm nên trò trống gì,
Vác cuốc rêu rao “Chết đâu chôn đó”
Trong cơn say đã có thể coi vạn vật như nhau,
Lúc chết hà tất phải lo nghĩ đến hình hài?
Ngôi mộ cổ nghìn năm đầy gai góc,
Đường quan muôn dặm nhiều gió bụi.
Sao ta lại đem trong sạch, tỉnh táo để nhìn đời,
Để phải như cánh bèo trôi giạt rất đáng thương.
Chú thích:
(1) Lưu Linh (210-270) người đời Tấn, quê đất Bái (nay thuộc Từ Châu, Giang Tô) tên chữ là Bá Luân. Là một trong Trúc Lâm Thất Hiền. Lưu Linh, thường ngồi xe đi chơi, đem theo rượu, sai người vác mai đi theo, nói rằng chết ở chỗ nào thì chôn ngay chỗ ấy. Có bài Tửu Đức Tụng 200 chữ được truyền tụng, đại ý nói trong vũ trụ chỉ có rượu là có ý nghĩa, mọi đạo lý đều chìm trong một hớp rượu.
(2) Lưu Linh cùng các bạn trong nhóm Trúc Lâm Thất Hiền nghiên cứu Lão Trang, phủ nhận Khổng Mạnh, chống lại thuyết Danh Giáo của họ Tư Mã lợi dụng Nho Giáo để thống trị thiên hạ. Trong câu thơ này Nguyễn Du phê phán Lưu Linh đã theo thuyết Tự Nhiên coi muôn vật là ngang nhau theo Tề Vật Luận của Trang Chu thì còn tiếc gì cái xác thừa nữa.
(3) Hà dĩ: “Sao mình lại đem thái độ trong sạch tỉnh táo để nhìn cuộc đời. Cho đến nỗi lênh đênh như cánh bèo thêm thương”.
(4) Phù bình: Trong bài Tửu Đức Tụng của Lưu Linh có câu “Việc đời như cánh bèo trôi nổi trên sông Giang sông Hán”.
Mộ Lưu Linh
Chàng Lưu chẳng tích sự gì
Nghênh ngang vác cuốc chết thì chôn ngay
Đã dìm mình đáy ly say
Cớ chi lo xác thân này ra ma
Ngàn năm cổ mộ cỏ già
Lau thưa gai góc dặm xa bụi đường
Mắt trong ngó cảnh thế thường
Cánh bèo trôi giạt cảm thương nỗi mình
171
Kỳ Lân Mộ (1)
Hà Bắc đạo trung ngũ xích phong bi đương đại lộ
Trung hữu khải tự đại thư KỲ LÂN MỘ
Đạo bàng cố lão vị dư ngôn
“Vĩnh Lạc tứ niên (2) cống lân đạo tử táng thử thổ
Quan mệnh lập bi dụng tồn cố”
Thử sự hất kim dĩ kinh cổ
Đãn kiến quan đạo đãng đãng vô khâu lăng
Kỳ bàng bất phong diệc bất thụ
Phiến thạch khuynh khi đài tiển man
Thê phong triêu xuy mộ khổ vũ
Hu ta lân hề hà do đổ (3)
Hu ta lân hề thiên thượng tường
Cốt nhục ủy chi trùng nghĩ đố
Lân hề lân hề nhĩ hà khổ
Hà huống Yên Đệ hà như nhân
Đoạt điệt tự lập phi nhân quân
Bạo nộ nhất sính di thập tộc (4)
Đại bổng cự hoạch phanh trung thần
Ngũ niên sở sát bách dư vạn
Bạch cốt thành sơn địa huyết ân
Lân hề quả vị thử nhân xuất
Đại thị yêu vật hà túc trân
Hoặc thị nhĩ sinh bất nhẫn kiến sát lục
Tiên tựu thử địa quyên kỳ thân
Hu ta nhân thú hề kỳ lân
Ư thế bất kiến dĩ vi tường
Kiến chi bất quá đồng khuyển dương
Nhược đạo năng vị thánh nhân xuất
Đương thế hà tất nam du tường (5)
Mộ Kỳ Lân
Trên đường đi Hà Bắc có tấm bia cao năm thước dựng bên đường cái.
Trong có mấy chữ viết to theo lối chữ “Chân”: “Mộ Kỳ Lân”
Ông lão ở bên đường bảo ta rằng:
“Năm Vĩnh Lạc thứ tư, con kỳ lân đem cống vua, chết giũa đường , chôn tại đây.
Quan trên cho dựng bia để ghi lại việc cũ.”
Việc ấy đến nay đã lâu rồi,
Nay chỉ còn thấy con đường cái quan bằng phẳng không gò đống
Cạnh bia chẳng đắp mộ cũng không trồng cây.
Phiến đá xiêu vẹo, rêu phủ mờ,
Sáng gió lạnh thổi, chiều mưa dầm dề tuôn,
Than ôi, kỳ lân vì đâu mày hiện ra?
Than ôi, kỳ lân là giống vật báo điềm lành ở trên trời!
Nay xương thịt bỏ cho sâu kiến đục.
Ôi kỳ lân! Ôi kỳ lân! Sao mày khổ thế!
Huống nữa Yên Đệ là người như thế nào?
Cướp ngôi của cháu để tự lập làm vua, y không phải là bậc nhân quân.
Để hả một cơn giận y giết cả mười họ (người ta)
Giết trung thần bằng cách đánh bằng gậy lớn và nấu trong vạc dầu lớn.
Trong năm năm giết trên trăm vạn mạng người,
Xương trắng chất thành núi, đất ngập máu.
Ôi kỳ lân! nếu mày vì kẻ ấy mà hiện ra,
Thì mày chỉ là đồ yêu quái, có gì đáng quý?
Hoặc là mày sống ở đời không nỡ nhìn cảnh chém giết,
Nên đến chỗ này mày chết trước.
Than ôi! kỳ lân là loài thú có đức nhân!
Trên trời chẳng thấy nên cho là điềm lành.
Thấy thì chẳng qua cũng như loài chó dê.
Nếu bảo kỳ lân vì thánh nhân mà hiện ra.
Thì thời ấy sao không lượn chơi sang phương Nam?
Chú Thích:
(1) Kỳ Lân: Theo sách cổ Kỳ Lân là một giống linh thú, không dẫm lên vật sống, không bẻ cành cây tươi, nên gọi là giống thú có nhân. Chỉ khi nào nước có thánh nhân thì Kỳ Lân mối xuất hiện. Do đó Kỳ Lân được tượng trưng cho điềm lành, báo hiệu đời thịnh trị.
(2) Vĩnh Lạc: Niên hiệu của Minh Thành Tổ (1403-1424).
(3) Ý nói không phải thời kỳ có thánh nhân thì Kỳ Lân hiện ra làm gì.
(4) Yên Vương Đệ: Chu Đệ là con thứ sáu Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (1368-1398) được cha phong tước vương ở đất Yên (Bắc Kinh). Yên Vương Đệ là chú Minh Huệ Đế (1399-1402) y cướp ngôi của cháu làm vua, gọi là Minh Thành Tổ. Y sai đại thần là Phương Hiếu Nhụ thảo chiếu lên ngôi. Hiếu Nhụ viết bốn chữ lớn “Yên tặc thoán vị” (giặc Yên cướp ngôi) rồi ném bút nói “Chết thì chết chiếu không thảo”. Đệ giận bảo “Không nghĩ đến chín họ sao?” Nhụ trả lời: “Dù chết mười họ ta cũng không sợ”. Tức thì Đệ cho đánh tan xác và phanh thây Hiếu Nhụ rồi bắt các học trò ông quy thành một họ, cộng với chín họ Hiếu Nhụ là mười, đem giết hết.
(5) Ý nói, nếu Kỳ Lân báo điềm lành sao không xuất hiện ở nước Nam, lúc bấy giờ có Lê Lợi. Ý Nguyễn Du muốn ca ngợi Lê Lợi vì là vua Thánh và cho Minh Thành Tổ là ông vua tàn bạo bất nhân.
Mộ Kỳ Lân
Bên đường Hà Bắc còn kia
Đứng cao năm thước bia đề MỘ LÂN
Nghe ông lão kể xa gần
“Vĩnh Lạc đệ tứ quan quân tiến triều
Cống vua Lân được dẫn theo
Bỗng nhiên Lân chết một chiều qua đây
Con Lân chết đúng chỗ này
Quan sai bia dựng nhớ ngày vùi sâu”
Việc xưa kể cũng đã lâu
Đường nay bằng phẳng gò khâu chẳng còn
Cạnh bia không mộ không cồn
Không cây xiêu vẹo đá mòn rêu xanh
Sáng chiều gió chậm mưa nhanh
Lân ơi Lân hỡi sao đành thác sinh
Lân ơi Lân giống tối linh
Mà sao xương thịt bỏ đành dế giun
Đau đớn nhẽ ngẩn ngơ nhường
Huống chi Yên Đệ sát cuồng ra chi
Đoạt ngôi cháu chính là y
Hả cơn giận diệt mười chi họ người
Trung thần nấu vạc quất roi
Năm năm trăm vạn cuộc đời tiêu ma
Xương núi chất máu sông hòa
Nếu vì kẻ ấy Lân ra cõi trần
Hỏi còn quý báu gì Lân
Hoặc vì đốm lửa từ nhân đáy lòng
Chết đi để chẳng thẹn thùng
Đến đây nhắm mất cho xong chuỗi ngày
Ôi Lân phận mỏng đức dầy
Vì chưng chẳng thấy tưởng đây cát tường
Thấy thì dê chó một phường
Nếu Lân vì bậc thánh hoàng hiện ra
Cùng thời tại cõi Nam xa
Sao Lân chẳng ghé trào ca Lê Triều
172
Yến Thành (1) Nhạc Vũ Mục (2) Ban Sư Xứ
Đương thời tằng trú Nhạc gia quân
Thử địa kinh kim hữu chiến trần
Đại tướng không hoài bang quốc sỉ
Quân vương (4) dĩ tuyệt phụ huynh thân
Kim bài (4) thập nhị hữu di hận
Thiết kỵ tam thiên không mộ vân
Huyết chiến thập niên thành để sự
Phong Ba Đình hạ tạ Kim nhân
Yển Thành, Nơi Nhạc Vũ Mục Rút Quân
Thời bấy giờ quân của Nhạc Tướng Công từng đóng ở đây
Vùng đất này từ cổ đến nay đã từng trải qua cát bụi chiến trận
Đại Tướng luống mang nỗi sỉ nhục của đất nước
Nhà Vua đã dứt tỏ tình thân với cha, anh.
Mười hai tấm kim bài để lại mối hận,
Ba ngàn quân kỵ chỉ còn lại đám mây chiều.
Mười năm huyết chiến để làm nên cái việc,
Bị giết ở Đình Phong Ba để triều đình tạ tội với người Kim!
Chú thích:
(1) Yến Thành: Thuộc tỉnh Hà Nam, ở phía nam thành Hứa Xương, nơi Nhạc Phi đóng quân.
(2) Nhạc Vũ Mục: Tức Nhạc Phi, người thời Nam Tống, nhà nghèo mà ham học, giỏi cả văn võ, đời Tống Huy Tông có công đánh giặc được nhà vua châu phê 4 chữ viết trên cờ ban cho: “Tinh Trung Nhạc Phi”. Sau bị Tần Cối hại chết. Đến đời Hiếu Tông, ông vua này đã phục chức cho Nhạc Phi và đặt tên thụy là Vũ Mục.
(3) Quân Vương: Chỉ Tống Cao Tông. Câu này ý nói Cao Tông không còn nghĩ đến việc cha (Huy Tông) anh (Khâm Tông) bị quân Kim bắt.
(4) Kim Bài: Thẻ bài bằng vàng, vua dùng để ban lệnh. Đây nhắc lại việc Tần Cối muốn hòa với Kim nên mạo lệnh vua, trong một ngày phát 12 đạo kim bài ra mặt trận triệu Nhạc Phi về, rồi hạ ngục giết đi.
(5) Phong Ba Đình: Tên một đình trong ngục Đại Lý Tự, nơi Nhạc Phi bị giết, nay còn di tích ở Hàng Châu, Chiết Giang.
Yến Thành Nơi Nhạc Vũ Mục Rút Quân
Binh hùng Nhạc soái trấn đây
Cổ kim trăm trận đất này giao phong
Tướng Quân quốc sỉ cành hông
Quân Vương nỡ bỏ chút lòng phụ huynh
Kim bài một tá ruổi nhanh
Ba ngàn cung kiếm kỵ binh mây chiều
Mười năm huyết chiến mạng liều
Phong Ba Đình tạ tội triều đình Kim
173
Đông Lộ (1)
Thái Sơn sơn sắc mãn Thanh Từ (2)
Thiên lý Sơn Đông túng mục sơ
Hà xứ thánh hiền tùng bách hạ
Biệt thành huyền tụng Lỗ Trâu dư (3)
Tha hương nhan trạng tần khai kính
Khách lộ trần ai bán độc thư
Hành sắc thông thông tuế vân mộ (4)
Bất câm bằng thức thán “Quy dư”
Đường Phía Đông
Sắc núi Thái Sơn tràn ngập châu Thanh châu Từ
Ngàn dặm đất Sơn Đông, phóng mắt nhìn qua,
Thánh hiền ở chỗ nào dưới cây tùng, cây bách?
Riêng còn tiếng đàn, tiếng đọc sách ở đất Lỗ, đất Trâu.
Trên đất khách, nhiều lần mở gương ra soi dáng mặt,
Dọc đường đất khách, đầy bụi bậm, nửa thì giờ dùng vào việc đọc sách.
Dáng đi vội vã vì năm đã sắp hết,
Không ngăn được việc tựa vào chiếc đòn ngáng ở trước xe mà than câu” Về thôi”.
Chú thích:
(1) Đông lộ: Đường phía đông, đây là đường của sứ bộ qua Sơn Đông để về nước.
(2) Thái Sơn: Dãy núi cao ở phía bắc Trung Quốc. Tỉnh Sơn Đông ở phía đông núi ấy. Thanh, Từ là hai châu thuộc phần đất tỉnh Sơn Đông.
(3) Lỗ, Trâu: Tên hai nước cổ của Trung Quốc, Khổng Tử người nước Lỗ, Mạnh Tử người nước Trâu. Học trò Khổng Mạnh học cả thi, thư, lễ , nhạc… nên ở đây nói còn lại tiếng đàn và tiếng đọc sách.
(4) Đoàn khởi hành về nước cuối tháng mười năm 1813.
(5) Quy dư: Về thôi. Khổng Tử chu du khắp các nước chư hầu, không đươc vua nước nào tin dùng nên than rằng “Quy dư, quy dư”. Ở đây tác giả mượn hai chữ này để tỏ ý sốt ruột muốn về mau
Đường Phía Đông
Thanh Từ ngợp sắc Thái Sơn
Sơn Đông ngàn dặm phóng mòn mắt qua
Thánh hiền đâu cỗi tùng xa
Tiếng đàn tiếng đọc chan hòa tiếng xưa
Đất lành Trâu Lỗ thi thư
Chiếc thân khách địa gương mờ hằng soi
Bụi đường đọc sách tìm vui
Dáng đi vội vã sắp rồi một năm
Tựa mình trên chiếc đòn ngang
Trước xe chép miệng than rằng “Về thôi”
174
Quản Trọng (1) Tam Quy Đài
Cựu đài nhân (2) một thảo ly ly (3)
Tằng dĩ Hoàn Công bá nhất thì
Quận huyện thành trung không cửu hợp
Môi đài thạch thượng ký “Tam Quy” (4)
Tại triều xảo dữ quân tâm hợp
Một thế chung liên tướng nghiệp ti (5)
Hỉ trị thánh triều công phú (6) đảo
Vãng lai đài hạ tạp Hoa Di (7)
Đài Tam Quy Của Quản Trọng
Đài cũ chìm lấp mất, cỏ mọc tua tủa,
Đã từng giúp Tề Hoàn Công nên nghiệp bá một thời.
Trong thành luống đã chín lần họp các quận huyện,
Trên đá phủ rêu còn ghi chữ Tam Quy.
Ở triều đình khéo hợp lòng vua,
Chết rồi rốt cuộc bị chê là tể tướng tầm thường.
Mừng gặp thánh triều chở che chung thiên hạ,
Nên dưới đài người Hoa người Di quen nhau lại qua.
Chú thích:
(1) Quản Trọng: Người đất Dĩnh Thượng nước Tề (vùng Sơn Đông) đời Xuân Thu tên là Di Ngô, tự là Trọng. Lúc đầu làm tôi Công Tử Củ, sau thờ Hoàn Công, làm tướng Quốc. Quản Trọng có công làm cho Tề giàu mạnh, chín lần họp chư hầu, làm bá chủ thiên hạ, Hoàn Công tôn làm Thượng phụ, về già được thưởng đất Tam Quy.
(2) Nhân: Chìm, chìm mất.
(3) Ly Ly: Tràn lan, tơi bời, tua tủa, ý nói cỏ mọc đầy mặt đất.
(4) Cửu hợp, Tam quy: Chín lần họp chư hầu. Xây đài ở đất Tam Quy.
(5) Khổng Tử và Mạnh Tử đều chê Quản Trọng. Khổng Tử chê: “Khí cục nhỏ mọn” (Quản Trọng chi khí tiểu tai!) còn Mạnh Tử chê: “Sự nghiệp tầm thường”.
(6) Chữ phú còn đọc là phúc. Phúc là lật lại, xét lại. Phú là che chở. Ở đây phải đọc là phú mới đúng nghĩa.
(7) Quản Trọng đã từng đánh đuổi các “rợ” (nhương Di địch) cho nên Khổng Tử khen ông ta về việc này. Nay Hoa Di “chung sống” dưới sự “che chở” của “thánh triều”.
Đài Tam Quy Của Quản Trọng
Đài cao chìm khuất cỏ lan
Từng xây nghiệp bá cho Hoàn Công xưa
Chín lần quận huyện tôn vua
Đá rêu còn chữ lờ mờ Tam Quy
Minh quân lương tướng sử ghi
Chết rồi hậu thế lại chê tầm thường
Thánh triều che chở bốn phương
Hoa Di nườm nượp phố phường lại qua
175
Vịnh Khải Kỳ (1) Thập Tuệ (2) Xứ
Tam lạc nhân giai hữu
Như hà tử độc tri
Sinh bần do bất tuất
Lão tử phục hà bi
Khoáng dã Đông Sơn hạ (3)
Hành ca thập tuệ thì
Hiền danh lưu thử địa
Thiên cổ khởi nhân ti (tư)
Nơi Vinh Khải Kỳ Mót Lúa
Mọi người đều có ba cái vui của ông
Sao chỉ có một mình ông biết?
Sống nghèo còn không biết sợ
Già chết lại buồn chi?
Cánh đồng bát ngát cạnh núi Đông Sơn
Vừa hát ca vừa mót lúa
Tiếng tăm người hiền lưu mãi đất này.
Việc xưa, nay người ta vẫn nhớ.
Chú thích:
(1) Vinh Khải Kỳ: Một ẩn sĩ đời Xuân Thu. Sách Liệt Tử chép: Khổng Tử đi chơi, thấy Vinh Khải Kỳ ở ngoài đồng vừa đi vừa hát bèn hỏi: “Tiên sinh có điều gì vui mà hát thế?”. Vinh đáp: “Tôi có rất nhiều điều vui: Vui được làm người quý hơn muôn vật, vui được làm người đàn ông, quý hơn đàn bà, vui được sống lâu 90 tuổi, không chết non. Đó là ba điều vui vậy”.
(2) Thập tuệ: Mót lúa. Thập tuệ cũng là tên một bài ca.
(3) Đông Sơn: Tên núi thuộc tỉnh Chiết Giang, trên đường về của sứ bộ.
Nơi Vinh Khải Kỳ Mót Lúa
Ai mà chẳng đủ ba vui
Cớ sao ông lại mượn lời kể ra
Nghèo nàn đâu có kêu ca
Tuổi trăm phải chết lọ là buồn thương
Cánh đồng bát ngát Đông Sơn
Vừa ca vừa mót lúa vương tối ngày
Tiếng tăm lưu mãi đất này
Việc xưa để dạ người nay nhớ hoài
176
Mạnh Tử (1) Từ Cổ Liễu
Ngô văn thiên trì chi phần hữu long yêu kiểu
Kim chi họa đồ vô lược tiếu
Phong vũ nhất dạ phi hạ lai
Hóa vi Á Thánh cung môn liễu
Thử liễu hồn toàn bách thập vi
Dưỡng thành đại vật phi nhất thì
Vũ lộ thiên ý độc tư nhuận
Quỷ thần ám trung tương phù trì
Chi kha lạc lạc lão ích tráng
Tuế nguyệt du du thâm bất tri
Tả bàn hữu chuyển đương đại đạo
Quá khách bất cảm phan kỳ chi
Thông thông uất uất bão nguyên khí
Thiên hạ tư văn kỳ tại tư
Hương nhân chi dĩ nhị thạch trụ
Thạch trụ ký thâm căn dũ cố
Bất đồng phàm hủy tiểu xuân thu
Bán mẫu phong yên tự kim cổ
Hạo nhiên (2) chí khí phi tầm thường
Đại tài ung dữ thiên tề thọ
Cây Liễu Xưa Ở Đền Mạnh Tử
Ta nghe bên bờ ao thời có con rồng uốn khúc.
Những bức vẽ ngày nay không giống chút nào.
Một đêm mưa gió rồng bay xuống đây.
Hóa làm cây liễu trước đền Á Thánh.
Cây liễu này toàn vẹn, to trăm mười ôm.
Được nuôi dưỡng để thành to cao như thế không phải một lúc,
Trời có ý yêu riêng đem mưa móc nhuần tưới,
Quỷ thần ngấm ngầm giúp đỡ.
Cành nhánh sum sê càng già càng khỏe,
Tháng năm dài dằng dặc, không biết đã bao năm.
Uốn bên tả quanh bên hữu đứng ngay bên đường lớn,
Khách qua đường không dám vén cành.
Um tùm rậm rạp ôm chứa nguyên khí,
Nền tư văn thiên hạ có lẽ ở đây.
Người làng xây hai trụ đá chống đỡ.
Trụ đá càng sâu gốc càng bền,
Không như cây cỏ tầm thường tuổi thọ ít.
Cây choán nửa mẫu đất trong gió mây tự xưa nay,
Cái khí hạo nhiên chẳng phải tầm thường
Cây lớn sẽ cùng trời ngang tuổi thọ.
Chú thích:
(1) Mạnh Tử: (372-289 trước CN), tức Mạnh Kha người đất Trâu, Sơn Đông, triết gia lớn thời Chiến Quốc. Mạnh Tử tiếp thu và phát huy học thuyết Khổng Tử. Ông lên án các cuộc chiến tranh phi nghĩa “Tranh đất đánh nhau giết người đầy thành” thời đó, nhấn mạnh “nghĩa”, rất hùng biện, được tôn làm Á Thánh (dưới bậc thánh) trong Nho Giáo.
(2) Hạo nhiên: Khí lớn, cương trực, chính đại.
Cây Liễu Xưa Ở Đền Mạnh Tử
Từng nghe ở phía bờ ao
Có rồng uốn khúc bút nào vẽ nên
Một đêm mưa gió triền miên
Hóa thành cội liễu trước đền cổ nhân
Thân to tán lớn vô ngần
Phải đâu khoảnh khắc lần lần thời gian
Biết bao mưa móc trời ban
Thêm thần tiên giúp lại càng tốt tươi
Xum xuê ngọn thẳng vút trời
Tháng năm ai biết tuổi đời tuổi cây
Uốn mình tả hữu đông tây
Qua đường ai dám đưa tay vin hờ
Um tùm chất chứa nguyên sơ
Tư văn thiên hạ lên từ đất thiêng
Trụ cao chống đỡ hai bên
Càng sâu gốc rễ càng bền gió mưa
Khác loài cây cỏ phất phơ
Bóng trùm nửa mẫu gió lùa mây bay
Hạo nhiên thượng giới là đây
Tuổi trời tuổi đất tuổi cây sánh cùng
177
Kê Khang (1) Cầm Đài
Cầm đài (2) cổ tích ký Kê Khang
Nhân tử cầm vong đài diệc hoang
Văn võ thất huyền chung tịch tịch
Đông tây lưỡng Tấn (3) diệc mang mang
Chí kim bất hủ duy đồng tính
Thử hận hà nhân đáo túy hương
Thán tức Quảng Lăng huyền tuyệt hậu
Tỳ bà tân phổ bán Hồ Khương (4)
Đài Gẩy Đàn Của Kê Khang
Sách xưa ghi “Cầm đài” là của Kê Khang,
Người chết, đàn mất, đài cũng bỏ hoang.
Bẩy dây văn vũ cuối cùng đã im bặt,
Đông Tấn, Tây Tân cũng đã mất tăm rồi.
Đến nay cái bất hủ ở ông còn lại là tính trẻ con,
Sau đây ai là người đến với làng say?
Than thở cho tiếng đàn Quảng Lăng đã dứt,
Bài nhạc mới của đàn tỳ bà phân nửa là theo điệu Hồ Khương.
Chú thích:
(1) Kê Khang: (223-262) tên Thúc Dạ, người đời Tấn, ở đất Trất (nay thuộc huyện Túc tỉnh An Huy) dòng họ Hề, lánh nạn đến Kê Sơn, do đó tự đặt hiệu là Kê Khang. Ông là một trong Trúc Lâm Thất Hiền. Và là rể của tôn thất Tào Ngụy, từng làm quan đến Trung Tán Đại Phu. Ông thường cùng bạn đi chơi uống rượu ở Trúc Lâm. Là người đa tài, đa nghệ, thông minh học rộng, thích học thuyết Lão Trang, đề cao tự nhiên, tính tình chính trực, thích đàn rượu, hái thuốc, ngao du sơn trạch. Không chịu xu phụ tập đoàn Tư Mã, lại có ngôn luận “ly kinh phản đạo”, phỉ báng thánh nhân của nho gia, cho đó là lợi dụng lễ giáo để mưu đồ soán nghịch nên cuối cùng bị hãm hại xử tử. Chung Hội là kẻ thù muốn hại ông nên nói xấu ông với Tư Mã Chiêu nhân việc ông bênh bạn là Lữ An bị tố cáo là bị bắt vì tội bất hiếu (Tư Mã Chiêu muốn cướp ngôi nhà Ngụy, chủ trương lấy hiếu trị nước). Chung Hội khuyên Tư Mã Chiêu giết Lữ An và giết luôn Kê Khang. Tương truyền khi thọ hình ông vẫn ung dung lấy đàn gẩy khúc Quảng Lăng Tán do ông sáng tác, thần sắc tự nhiên không biến đổi. Đàn xong ông nói: “Có kẻ xin học bản nhạc này, ta không dạy, thế là từ đây không ai còn đàn bài Quảng Lăng này nữa”. Ông chết lúc 45 tuổi. Thơ có phong cách “Hùng kiện thanh viễn”. Văn xuôi đặc sắc và nổi tiếng với các tiểu luận “Thư tuyệt giao với Sơn Cự Nguyên”, “Bàn về thứ âm nhạc giọng không buồn… “ được Lỗ Tấn khen là “Tư tưởng mới lạ thông minh, thường hay phản đối các học thuyết cũ thời cổ đại”.
(2) Cầm Đài: Chỗ Kê Khang ngồi đánh đàn.
(3) Đông Tây lưỡng Tấn: Tức Tây Tấn và Đông Tấn. Con Tư Mã Chiêu là Tư Mã Viêm cướp ngôi nhà Ngụy tức Tấn Võ Đế đó là Tây Tấn đóng đô ở Lạc Dương. Đến đời Nguyên Đế phải bỏ miền tây bắc mà chạy về đông nam, đóng đô ở Kiến Nghiệp (nay là Nam Kinh) tức Đông Tấn.
(4) Hồ Khương: Người Hồ ở miền tây bắc. Ý nói sau Kê Khang thì đàn tỳ bà không còn có tính chất dân tộc như điệu của Kê Khang mà sẽ lẫn lộn giọng điệu của người Hồ.
Đài Gẩy Đàn Của Kê Khang
Cầm đài vốn nghiệp Kê Khang
Đàn tiêu người diệt đài hoang dãi dầu
Bảy giây văn vũ ngậm sầu
Đông Tây Lưỡng Tấn từ lâu chẳng còn
Còn chăng tính nết trẻ con
Ngàn sau ai ghé xóm cồn say điên
Quảng Lăng dòng nhạc thất truyền
Hồ Khương nửa điệu pha trên tiếng tỳ
178
Đông A (1) Sơn Lộ Hành
Đông A lộ xuất loạn sơn trung
Vạn thụ tùng sam nhất kính thông
Giản vụ tự sinh nghi ẩn báo (2)
Khê vân vô sự lãn tòng long (3)
Khâu long xứ xứ lưu tiền đại
Tang chá gia gia cận cổ phong
Tiếu ngã bạch đầu mang bất liễu
Nghiêm hàn nhất lộ quá Sơn Đông
Trên Đường Núi Huyện Đông A
Đường Đông A đi ra từ giữa lòng núi ngổn ngang,
Một con đường tắt nhỏ chạy qua muôn gốc tùng sam.
Sương móc ở khe bốc lên thích hợp cho con báo ẩn nấp,
Mây ở khe suối lười bay theo rồng.
Gò một nơi còn ghi dấu triều đại trước,
Nhà nhà trồng dâu trồng mía gần với lề thói ngày xưa.
Cười cho ta đầu bạc bận rộn mãi chưa xong,
Giữa trời rét đậm vẫn trên đường qua Sơn Đông.
Chú thích:
(1) Đông A: Một huyện thuộc tỉnh Sơn Đông.
(2) Ẩn báo: Con báo ẩn nấp. Theo Liệt Nữ Truyện, vợ Đào Đáp Tử bảo chồng: “Thiếp nghe nói trên núi Nam Sơn có con báo đen, trời sương mù bẩy ngày mà nó không xuống kiếm ăn là nó muốn giữ gìn bộ lông đẹp”. Ý nói khuyên chồng nên ở ẩn.
(3) Tòng Long: Theo rồng. Kinh Dịch: “Vân tòng long, phong tòng hổ” (mây theo rồng, gió theo hổ) ý nói mọi vật đều theo các loại hợp với tính của nó.
Đường Núi Đông A
Đông A đường giữa núi non
Nhỏ nhoi nẻo tắt lối mòn ngàn thông
Sương trùm hổ núp kín bưng
Mây vương khe suối theo rồng ngại bay
Tiền triều ghi dấu gò đây
Trồng dâu trồng mía như ngày xa xưa
Cười ta tóc bạc phiêu du
Dặm xa gió lạnh mịt mù Sơn Đông
179
Sở Bá Vương (1) Mộ
I
Bạt sơn (2) giang đỉnh nại thiên hà
Túc hận du du ký thiển sa
Bá Thượng (3) dĩ thành thiên tử khí
Trướng trung không thính mỹ nhân ca (4)
Nhãn tiền phiến thạch anh hùng tại
Sự hậu quần nho khẩu thiệt đa (5)
Dục mịch Trường Lăng (6) nhất phôi thổ
Xích my loạn hậu biến bồng ma (7)
II
Lộ bàng phiến thạch độc tranh vanh
Bất thị Ô Giang (8) thị Lỗ Thành (9)
Cập thức bại vong phi chiến tội (10)
Không lao trí lực dĩ thiên tranh
Cổ kim vô ná anh hùng lệ
Phong vũ do văn sất sá thanh (11)
Tịch tịch nhị thời vô tảo tế
Xuân lai Ngu thảo tự tùng sinh (12)
Mộ Sở Bá Vương
I
Có sức dời núi nhắc vạc nhưng làm gì được mệnh trời,
Mối hận cũ dằng dặc gửi dưới lớp cát mỏng.
Đất Bá Thượng đã hiện ra khí thiên tử,
Trong màn luống nghe tiếng hát của người đẹp.
Phiến đá trước mắt còn ghi dấu anh hùng,
Sau sự việc xẩy ra bọn nhà nho bàn tán quá nhiều.
Muốn tìm một mảnh đất ở Trường Lăng.
Sau loạn Xích My nơi ấy gai góc mọc đầy.
II
Tấm đá đứng một mình cao ngất bên đường,
Không phải ở Ô Giang mà ở thành nước Lõ.
Đến khi biết bại vong không phải do tội đánh trận kém,
Mới hay đem trí lực tranh với trời chỉ uổng công.
Xưa nay không biết bao nhiêu anh hùng đã rơi lệ,
Trong gió mưa còn nghe như tiếng la thét.
Vắng vẻ hai mùa không ai quét dọn cúng tế,
Mỗi mùa xuân đến cỏ Ngu Mỹ Nhân lại mọc xanh tươi.
Chú thích:
(1) Sở Bá Vương: Tức Hạng Tịch (232-202) tự Vũ người đất Hạ Tương (nay thuộc tỉnh Giang Tô) xuất thân từ gia đình quý tộc, đời đời làm tướng nước Sở. Cuối Tần theo chú là Hạng Lương khởi binh ở Ngô Trung, đánh phía bắc tới vùng sông Hoài, sông Hoàng Hà, đại phá quân Tần. Sau khi Tần mất, tự lập làm Tây Sở Bá Vương cùng Lưu Bang tranh đoạt thiên hạ, cuối cùng bị thua ở Cai Hạ, chạy đến Ô Giang và tự vẫn.
(2) Bạt Sơn: Bài Cai Hạ ca của Hạng Vũ, câu đầu: “Lực bạt sơn hề khí cái thế” (Sức nhổ núi chừ khí trùm đời). Giang đỉnh: Nhấc cái vạc. Ở trước cửa miếu vua Hạ Vũ có cái vạc, chỉ mỗi mình Hạng Vũ nhấc nổi.
(3) Bá Thượng, tên đất nay thuộc tỉnh Thiểm Tây. Khi Lưu Bang (Hán Cao Tổ) ở đất Bá Thượng có đám mây nổi trên trời như con rồng năm sắc, mọi nguời cho đó là điềm làm vua (thiên tử khí).
(4) Mỹ nhân ca: Khi bị Lưu Bang vây chặt ở đất Cai Hạ, Hạng Vũ làm thơ và ca lên mấy lần. Ngu Cơ họa theo. Hạng Vũ khóc, mọi người đều khóc, không ai có thể ngẩng lên nhìn.
(5) Ý nhắc các nhà nho hay bàn tán về việc Hạng Vũ sau khi thua ở Cai Hạ không chịu về Giang Đông.
(6) Trường Lăng: Mộ Hán Cao Tổ, nay thuộc huyện Trường Lăng tỉnh Thiểm Tây.
(7) Xích My Loạn: Cuộc khởi nghĩa của nông dân cuối đời Tây Hán. Để khỏi lộn với quân Vương Mãng, Nghĩa quân đều vẽ lông mày đỏ nên gọi là xích my
(8) Ô Giang: Sông ở phía bắc Hòa Huyện, tỉnh An Huy, nơi Hạng Vũ tự tử.
(9) Lỗ Thành: Thành cũ nước Lỗ, nay là huyện Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông. Khi Hạng Vũ bị đánh thua ở Cai Hạ chạy về bến Ô Giang có người khuyên Vũ nên về nước Sở nhưng Vũ đã tự đâm cổ. Sau khi Vũ chết, các thành của Vũ đều hàng phục Lưu Bang, riêng thành này không chịu hàng. Lưu Bang phải đem đầu Vũ cho xem mới chịu hàng.
Câu này nhắc lại lời Hạng Vũ nói ông ta bị thua không phải vì không biết đánh trận mà vì trời làm cho thua.
Hạng Vũ khi xuất trận thường hay la hét. Nguyễn Du tưởng tượng trong gió mưa gầm thét chừng như đó là tiếng la hét của Hạng Vũ thủa nào.
(10) Ngu Thảo: Tức Ngu Mỹ Nhân Thảo. Ngu Cơ là thiếp của Hạng Vũ. Khi Vũ bị vây ở Cai Hạ, nàng tự sát. Thứ cỏ mọc trên mộ nàng người ta gọi là cỏ Ngu Mỹ Nhân. Tăng Tử Cố trong bài thơ vịnh nàng có câu: “Tiêu huyết hóa vi nguyên thượng thảo” (Máu đào hóa thành cỏ mọc trên bãi).
Mộ Sở Bá Vương
I
Dời non cử đỉnh mà đau
Mệnh trời đâu có tặng nhau ngai vàng
Hận dài cát phủ còn mang
Xa trông Bá Thượng rỡ ràng khí thiêng
Màn trong vẳng tiếng ca em
Đá mòn trước mắt dấu riêng anh hùng
Chuyện xưa bút mực chưa ngừng
Muốn tìm thêm mảnh đất Trường Lăng xưa
Xích My khởi loạn đến giờ
Cỏ hoang gai góc ngập gò đống cao
II
Đài bia cao ngất bên đường
Chẳng Ô Giang lại phố phường Sơn Đông
Biết mình đâu thẹn kiếm cung
Mới hay thiên định vẫy vùng được sao
Anh hùng đổ lệ xiết bao
Trong mưa vẳng tiếng thét gào thúc quân
Xuân thu hương khói lạnh dần
Mỹ Nhân Ngu sợi cỏ xuân biếc mầu
Ý kiến bạn đọc
Vui lòng
login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin
ghi danh.