Nov 23, 2024

Trường thiên lục bát

Thanh Hiên Thi Tập # 140 - # 159
Băng Ðình * đăng lúc 09:23:03 PM, Jul 01, 2008 * Số lần xem: 3995
140
Đăng Nhạc Dương Lâu (1)

Nguy lâu trĩ cao ngạn
Đăng lâm hà tráng tai
Phù vân Tam Sở tận
Thu thủy cửu giang lai (2)
Vãng sự truyền tam túy (3)
Cố hương không nhất nhai
Tây phong ỷ cô hạm
Hồng nhạn hữu dư ai

Lên Lầu Nhạc Dương

Lầu cao ngất đứng sừng sững trên bờ cao,
Đứng trên cao nhìn xuống phong cảnh sao mà tráng lệ!
Mây nổi che kín cả ba vùng đất Sở,
Nước thu từ chín sông đổ về.
Việc cũ còn truyền lại ba lần say ở lầu này
Quê hương một góc trời trống không.
Trước ngọn gió tây, một mình đứng dựa lan can,
Vẳng tiếng chim hồng, chim nhạn bay qua thêm buồn.

Chú thích:
(1) Nhạc Dương Lâu: Lầu ở huyện Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, nhìn ra hồ Động Đình do Trương Duyệt đời Đường xây.
(2) Cửu Giang: Chín ngọn sông đổ về hồ Động Đình, gọi chung là Cửu Giang.
(3) Tam túy: Ba lần say. Nhắc chuyện Lã Đồng Tân đời Đường thi trượt, được Chung Ly Quyền dạy thuật trường sinh, được người đời liệt vào hàng bát tiên. Ông có hai câu thơ: “Tam túy Nhạc Dương nhân bất thức. Lãng ngâm phi quá Động Đình hồ” nghĩa là: Ba lần say ở lầu Nhạc Dương mà không ai biết. Ngâm tràn bay qua hồ Động Đình.

Lên Lầu Nhạc Dương

Lầu cao trên ngọn đê cao
Bước lên ngó xuống cảnh nào đẹp hơn
Mấy miền Sở áng mây vương
Chín sông thu dội nước nguồn về đây
Ba cơn say một gác này
Quê hương mờ mịt chân mây cuối trời
Dựa lan can gió lên rồi
Hồng xa nhạn vắng ngậm ngùi lòng ta

141
Hoàng Hạc Lâu

Hà xứ thần tiên kinh kỷ thì
Do lưu tiện tích thử giang mi
Kim lai cổ vãng Lư Sinh mộng (1)
Hạc khứ lâu không (2) Thôi Hộ thi (3)
Hạm ngoại yên ba chung diểu diểu
Nhãn trung thảo thụ thượng y y
Trung tình vô hạn bằng thùy tố
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri

Lầu Hoàng Hạc

Thần tiên ở nơi nào đến đã trải qua bao thời,
Còn để lại dấu tiên ở bờ sông này?
Nay lại xưa qua chỉ là giấc mộng của chàng họ Lư,
Hạc đi, lầu vắng, còn lại lời thơ Thôi Hiệu.
Khói sóng phía ngoài lan can, một cõi mênh mang,
Cỏ cây trước mắt vẫn y như cũ.
Biết cùng ai bầy tỏ niềm cảm xúc từ trong đáy lòng?
Trăng trong gió mát cũng không biết được (nỗi niềm đó).

Chú thích:
(1) Lư Sinh mộng: Lư Sinh đời Đường đi thi bị trượt. Trên đường về nghỉ trọ ở Hàm Đan, gặp một đạo sĩ cho mượn chiếc gối để nằm ngủ. Trên gối ấy, Lu Sinh mơ thấy mình thi đỗ, làm quan đến Tể Tướng, hưởng giầu sang trên mười năm. Khi tỉnh dậy nồi kê (hoàng lương) của chủ quán nấu vẫn chưa chín.
(2) Hạc khứ lâu không: Hạc bay lầu vắng. lấy ý từ hai câu thơ của Thôi Hiệu: “Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ. Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu”.
(3) Thôi Hiệu (704-754) nhà thơ đời Đường, người Biện Châu (nay là Khai Phong) tỉnh Hà Nam, nổi tiếng về bài thơ đề trên lầu Hoàng Hạc.

Hoàng Hạc Lâu

Thần tiên ở tận chốn nao
Thời gian đã trải biết bao tháng ngày
Dấu tiên còn bến sông này
Lư Sinh ảo mộng xưa nay kê vàng
Còn thơ Thôi Hiệu mơ màng
Hạc bay lầu vắng lầu càng vắng không
Khói sông một cõi mênh mông
Cỏ cây cây cỏ mịt mùng như xưa
Biết ai tâm sự bây giờ
Trăng trong gió mát cũng chưa thấu tình

142
Hán Dương (1) Vãn diểu

Bá Vương trần tích thuộc du du
Hán Thủy (2) thao thao trú dạ lưu
Quy Hạc (3) lưỡng sơn tương đối ngạn
Thần tiên nhất khứ chỉ không lâu (4)
Thi thành thảo thụ giai thiên cổ (5)
Nhật mộ hương quan cộng nhất sầu (6)
Tưởng tượng đương niên xuy địch dạ (7)
Bạch tần hồng liệu mãn đinh châu

Ngắm Cảnh Chiều Hán Dương

Dấu cũ của Bá Vương đã đi vào cõi mung lung rồi,
Sông Hán ngày đêm cuồn cuộn chảy.
Hai núi Rùa và Hạc ở hai bờ đối mặt nhau,
Thần tiên đi rồi chỉ còn cái lầu hoang.
Thơ làm xong, cỏ cây cũng cùng thơ được truyền đến ngàn năm,
Trời chiều ai cũng chung một mối sầu nhớ quê hương.
Tưởng tượng lại đêm thổi sáo năm ấy,
Rau tần trắng, rau liệu hồng còn đầy bãi sông.

Chú thích:
(1) Hán Dương: Một huyện thuộc tỉnh Hồ Bắc.
(2) Hán thủy: Một nhánh của sông Trường Giang, trên cửa sông có thị trấn Hán Khẩu.
(3) Quy, Hạc: Tên hai quả núi ở hai bên bờ sông Dương Tử.
(4) Thành Hán Dương đối diện với Vũ Xương nơi có lầu Hoàng Hạc.
(5) Câu này có ý nói: cây cỏ nhờ bài thơ của Thôi Hiệu mà còn lưu truyền đến nay, “Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ. Phương thảo thê thê Anh Vũ châu”.
(6) Trong thơ Thôi Hiệu cũng có câu: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị”. (Chiều tà quê hương ở về phía nào).
(7) Tác giả nói như thế vì Lý Bạch có câu thơ: “Hoàng Hạc lâu trung xuy ngọc địch” (trong lầu Hoàng Hạc có tiếng sáo ngọc thổi).
(8) Hồng liệu: Rau liệu hồng.

Ngắm Cảnh Chiều Hán Dương

Bá Vương dấu cũ phai rồi
Ngày đêm sông Hán cuốn trôi ào ào
Đôi bờ Quy Hạc vút cao
Tiên đi lầu ở nghẹn ngào bơ vơ
Cỏ cây bất tử cùng thơ
Trời chiều ai chẳng thẫn thờ hoài hương
Nhớ đêm sáo ngọc canh trường
Rau tần rau đắng đầy vườn bãi sông

143
Nhiếp Khẩu (1) Đạo Trung

Thu mãn phong lâm sương diệp hồng
Tiểu oa hào (2) xuất đoản ly đông
Sổ huề canh đạo kê đồn ngoại
Nhất đới mao từ dương liễu trung
Hồng Lĩnh cách niên hư túc mộng (3)
Bạch đầu thiên lý tẩu thu phong
Mang nhiên bất biện (4) hoàn hương lộ
Xúc mục phù vân xứ xứ đồng

Trên Đường Nhiếp Khẩu

Khí thu đầy rừng phong, sương nhuộm đỏ lá cây,
Tiếng chó con sủa vang nơi hàng rào thấp phía đông.
Ngoài gà lợn còn mấy đám lúa nếp,
Một dãy nhà tranh trong rặng dương liễu.
Hơn một năm qua, chỉ mộng mị suông về dải non Hồng,
Mái đầu bạc vẫn lặn lội trong gió thu ngàn dặm.
Mịt mù xa thẳm không nhận ra được con đường trở lại quê nhà,
Mây nổi ngợp mắt trông chỗ nào cũng như nhau cả.

Chú thích:
(1) Nhiếp khẩu: Thị trấn ở cửa sông Nhiếp Giang, phía đông thành Vũ Hán.
(2) Câu chữ Hán là: “Tiểu oa hào xuất đoán ly đông” (Tiếng chó con sủa vang bên hàng rào thấp ở phía đông).
(3) Nguyễn Du khởi hành từ cuối năm trước.
(4) Bất biện: Không phân biệt rõ ràng.

Trên Đường Nhiếp Khẩu

Mùa thu chín đỏ lá rừng
Gâu gâu cún sủa vang lừng dậu đông
Lợn gà nếp cấy vài công
Dẫy nhà tranh dưới rặng thông dạo đàn
Hơn năm Hồng Lĩnh mơ màng
Bạc đầu lặn lội khơi ngàn gió thu
Mịt mùng quên lối quê xưa
Nhìn mây nơi ấy cũng như nơi này

144
Lý Gia Trại (1) Tảo Phát


Hiểu sắc hà thương mang
Sơ nhật ẩn sơn phúc
Lộ thượng nhân ký hành
Chi đầu điểu do túc
Vạn cổ nhất hồng trần
Kỳ trung giai lục lục
Khuyển phệ trúc thôn trung
Định hữu cao nhân ốc

Sớm Từ Lý Gia Trại Ra đi

Sắc trời buổi sớm sao mà bát ngát mênh mang,
Mặt trời bắt đầu mọc còn nấp trong lòng núi.
Trên đường người đã đi,
Đầu cành chim còn ngủ.
Muôn thủa vẫn đám bụi hồng
Trong đó mọi người đều tất bật.
Bên xóm trúc nghe có tiếng chó sủa,
Chắc chắn ở đó có nhà của bậc cao nhân.



Chú thích:
(1) Lý gia Trại: Trại của nhà họ Lý, một chủ trại nào đó đã cho sứ bộ ngủ trọ.



Sớm Từ Lý Gia Trại Ra Đi


Tàn canh trời đất mênh mang
Vừng hồng còn khuất dưới ngàn non xanh
Đường thôn người đã khởi hành
Chim đêm vẫn luyến đầu cành giấc trưa
Một vùng bụi đỏ ngàn xưa
Người người sớm nắng chiều mưa rã rời
Xóm tranh chó sủa tre còi
Cao nhân hẳn lựa đây nơi lánh mình


145
Vũ Thắng Quan (1)


Cốc Khẩu (2) hùng quan Vũ Thắng danh
Cổ thời thử địa hạn Man Kinh (3)
Nhất binh bất thiết tự hùng tráng
Bách tải thừa bình vô chiến tranh
Bán nhật thụ âm tùy mã bối
Thập phần thu ý đáo thiền thanh
Thương tâm thiên lý nhất hồi thủ
Mãn mục Sở sơn vô hạn thanh

Cửa Ải Vũ Thắng

Cửa ải hùng tráng ở cửa hang sâu có tên là ải Vũ Thắng,
Thời cổ đất này chia ranh giới với đất Man Kinh.
Không phải đặt quân canh giữ, tự thân nó đã hùng tráng rồi,
Trăm năm nay hưởng thái bình không có chiến tranh.
Suốt nửa ngày bóng rợp của cây cối còn đuổi theo lưng ngựa,
Mười phần ý thu đến trong tiếng ve kêu.
Đau lòng ngoảnh lại phía nghìn dặm,
Ngợp mắt núi nước Sở xanh vô cùng.

Chú thích:
(1) Vũ Thắng: Cửa ải phía nam tỉnh Hà Nam.
(2) Cốc Khẩu: Núi thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, trong khi đó ải Vũ Thắng lại thuộc huyện Tín Dương.
(3) Man Kinh: Là vùng đất nước Sở. (Sở vốn tên là Kinh thuộc về miền Nam Man, nên gọi là Man Kinh).



Ải Vũ Thắng


Hùng quan Vũ Thắng nổi danh
Ải đầu trấn giữ Man Kinh cõi ngoài
Cần chi binh mạnh tướng tài
Tự thân thiên hiểm trần ai lũy thành
Trăm năm thịnh vượng thái bình
Nửa ngày bóng rợp phủ mình ngựa câu
Ý thu quyện tiếng ve sầu
Đau lòng ngoảnh lại phía sau dặm ngàn
Núi non nước Sở vô vàn
Màu xanh muôn thủa chứa chan mắt người


146
Tín Dương Tức Sự (1)


Hà Nam thủ Tín Dương
Thiên hạ thử trung ương (2)
Phiến thạch tồn Thân quốc (3)
Trùng sơn hạn Sở cương
Mã minh tư tự mạt
Dân thực bán tì khang
Bạch phát thu hà hạn
Tây phong biến dị hương

Tức Cảnh Ở Tín Dương

Huyện Tín Dương ở đầu tỉnh Hà Nam,
Đây là trung tâm của thiên hạ.
Tấm đá còn ghi dấu nước Thân
Núi non trùng điệp ngăn cách bờ cõi nước Sở.
Ngựa hí đòi ăn thóc lúa,
Dân ăn chỉ nửa tấm cám.
Tóc bạc, thu đến, giận làm sao!
Gió tây thổi khắp trên đất Bắc.


Chú thích:
(1) Tín Dương: Tên một huyện thuộc tỉnh Hà Nam.
(2) Thời cổ Hà Nam là đất chính giữa chín châu.
(3) Thân Quốc: Nước nhỏ do nhà Chu lập ra để phong cho con cháu của Bá Di, Thúc Tề.


Tức Cảnh Tín Dương


Tín Dương phần đất tỉnh Hà
Người xưa gọi chốn này là trung tâm
Bia còn ghi dấu nước Thân
Biên cương Kinh Sở xa gần nhấp nhô
Ngựa đòi ăn thóc hí to
Dân đen tấm mẳn đói no nửa lòng
Bạc đầu đối sắc thu dung
Gió tây thổi lộng khắp vùng quê ai


147
Ngẫu Hứng


Tín Dương thành thượng động bi già
Thu mãn Hà Nam bách tính gia
Vạn lý hương tâm hồi thủ xứ
Bạch vân (1) Nam hạ bất thăng đa

Cảm Hứng Ngẫu Nhiên

Trên thành Tín Dương vang lên tiếng khèn buồn thảm,
Hơi thu tràn ngập nhà dân Hà Nam.
Lòng nhớ quê nhà cách xa vạn dặm, quay đầu nhìn lại,
Phía nam mây trắng nhiều không kể xiết.



Chú thích:
(1) Bạch vân: Lấy ý Địch Nhân Kiệt đời Đường trỏ đám mây trắng ở một phương trời nói rằng nhà của ta ở dưới đám mây đó.


Ngẫu Hứng


Tín Dương thành vẳng điệu buồn
Hà Nam thu đã ngập muôn vạn nhà
Lòng quê ngàn dặm xa xa
Ngoảnh nhìn mây trắng bao la khắp trời



148
Độ Hoài (1) Hữu Cảm Hoài Âm Hầu (2)


Tầm thường nhất phạn báo thiên câm (kim) (3)
Ngũ tải quân thần phận nghị thâm
Thôi thực giải y nan bội đức (4)
Tàng cung phanh cẩu diệc cam tâm (5)
Bách man khê động lưu miêu duệ (6)
Lưỡng Hán sơn hà biến cổ câm
Trù trướng giang đầu tư vãng sự
Đoạn vân suy thảo mãn Hoài Âm

Qua Sông Hoài, Nhớ Hoài Âm Hầu

Một bữa cơm tầm thường mà đền đáp ngàn vàng,
Tình nghĩa năm năm vua tôi thật sâu sắc.
Cái đức nhường cơm, sẻ áo khó mà quên được,
Dù bị cảnh “Cất cung giết chó” cũng cam lòng.
Trong các khe động của đất Man còn để lại con cháu,
Núi sông hai nhà Hán đã thay đổi với thời gian.
Qua bến sông, ngậm ngùi nhớ lại việc cũ,
Mây rời rạc, cỏ tàn úa bao trùm đất Hoài Âm.


Chú thích:
(1) Hoài: Sông Hoài, con sông ở phía bắc thành Tín Dương phát nguyên từ tỉnh Hà Nam, chẩy vào tỉnh An Huy, ra biển phía nam Giao Châu Loan.
(2) Hoài Âm Hầu: Tức Hàn Tín đời Hán, người ở đất Hoài Âm thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay) vốn theo Hạng Võ, nhưng không được dùng. Sau nhờ Tiêu Hà tiến cử, Lưu Bang đã dùng Tín làm Đại Tướng. Tín lập được nhiều công trạng, Hán Cao Tổ đưa Tín vào hàng công thần bậc nhất. Cùng với Tiêu Hà, Trương Lương gọi là Tam Kiệt thời bấy giờ. Được phong Tề Vương rồi Sở Vương. Sau có người tố oan Tín làm phản, Hán Cao Tổ giả vờ đi chơi ở đất Vân Mộng, bắt Tín về giáng làm Hoài Âm Hầu. Lữ Hậu sau đó giết cả ba họ nhà Tín.
(3) Lúc trẻ Hàn Tín nhà nghèo đi câu dưới thành gặp bà Xiếu (Phiêu) mẫu cho ăn bữa cơm. Lúc làm Sở Vương, Tín vời Xiếu Mẫu tới đền ơn ngàn vàng.
(4) Nhắc lại câu nói của Hàn Tín: “Vua Hán trao ấn thượng tướng cho ta, cấp cho mấy vạn quân, cởi áo cho mặc, nhường cơm cho ăn, ta nói điều gì vua đều nghe, bàn kế gì vua đều dùng, nên ta mới được thế này.”
(5) Nhắc câu nói của Phạm Lãi: “Phi điểu tận lương cung tàng, giảo thỏ tử , tẩu cẩu phanh.”(Chim bay hết thì cung tốt bị dấu đi, thỏ chết thì chó săn bị làm thịt) để nói về thủ đoạn tàn ác của các ông vua dựng nghiệp thời phong kiến, đánh bại giặc rồi thì giết các công thần vì sợ họ cướp mất ngôi vua. Hàn Tín ở vào cảnh ấy.
(6) Tương truyền khi Hàn Tín bị nạn, hai người bạn là Tiêu Hà và Khoái Triệt dấu nàng hầu của Tín lúc ấy đang có mang trong rừng núi phương nam, nên sau này họ Hàn mới còn nòi giống nhưng đã đổi thành họ Vi (một nửa chữ Hàn).


Qua Sông Hoài Nhớ Hoài Âm Hầu


Bữa thường báo đáp thiên kim
Năm năm vua thánh tôi hiền kề bên
Nhường cơm xẻ áo há quên
“Cất cung giết chó” cũng xin cam lòng
Động man lưu giọt máu hồng
Cả hai nhà Hán non sông còn gì
Qua đây cố sự não nề
Mây nhầu cỏ úa nhớ về Hoài Âm


149
Độ Hoài Hữu Cảm Văn Thừa Tướng (1)


Sơn hà phong cảnh thượng y nhiên
Thừa Tướng cô trung vạn cổ truyền
Nhất độ Hoài Hà (2) phi cố vũ
Trùng lai Giang Tả (3) cánh hà niên
Ai trung xúc xứ minh kim thạch
Oán huyết qui thời hóa đỗ quyên (4)
Nam Bắc chỉ kim vô dị tục (5)
Tịch dương vô hạn vãng lai thuyền

Qua Sông Hoài Cảm Nhớ Văn Thừa Tướng

Phong cảnh núi sông vẫn y nguyên như cũ,
Tấm lòng cô trung của Thừa Tướng lưu truyền mãi muôn đời.
Vượt khỏi sông Hoài, không còn là đất cũ nữa,
Biết đến năm nào mới trở lại được miền Giang Tả?
Nỗi lòng bi thương đến chốn nào cũng thốt ra những lời thơ vàng đá,
Máu oán hờn khi trở về sẽ hóa thành chim đỗ quyên.
Phong tục Nam Bắc cho đến nay không khác nhau nữa,
Trong bóng chiều tà thuyền qua lại khôn xiết kể.


Chú thích:
(1) Văn Thừa Tướng: Tức Văn Thiên Tường (1236-1282), anh hùng dân tộc và nhà thơ yêu nước nổi tiếng thời Nam Tống. còn có tên là Lý Thụy, hiệu Văn Sơn, người Giang Tây, 20 tuổi đã đỗ tiến sĩ. Làm quan đến Hữu Thừa Tướng, kiêm Khu Mật Sứ. Khi quân Nguyên đánh Lâm An (Hàng Châu ngày nay) ông được phái đi cầu hòa, bị bắt. Sau đó ông trốn về Ôn Châu (Chiết Giang) lập Tống Đoan Tông để chống Nguyên. Năm 1278 thua trận bị giặc bắt, sau đó bị giải về Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay) giam 3 năm, Nguyên Thế Tổ tìm mọi cách dụ hàng, nhưng ông cương quyết cự tuyệt, và ung dung chịu hành hình. Tác phẩm tập họp trong Văn Sơn Tiên Sinh Toàn Tập (20 cuốn), trong đó nổi bật những bài thơ bi tráng làm trong thời bị giải lên phía Bắc và bị cầm tù như các bài: Dương Tử Giang, Quá Linh Dương, Kim Lăng Dịch… và nhất là kiệt tác Chính Khí Ca được lưu truyền muôn thủa. Thơ Văn Thiên Tường kế thừa truyền thống thơ bi tráng của Đỗ Phủ. Nằm trong nhà ngục Yên Kinh, Văn Thiên Tường ngày nào cũng đọc thơ Đỗ Phủ và nói: “Phàm tôi muốn nói gì thì Đỗ Tử Mỹ đã nói trước thay cho tôi”. Nguyễn Du quý trọng Văn Thiên Tường và thâm cảm Đỗ Phủ “mộng hồn dạ nhập Thiếu Lăng thi”, việc ấy có mối quan hệ.
(2) Hoài Hà: Thuộc phần đất hai tỉnh Giang Tô và An Huy là ranh giới giữa quân Kim và quân Nam Tống. Tống Cao Tông, ông vua đầu tiên của Nam Tống ký hòa ước với quân Kim cắt Trung Quốc làm hai, từ sông Hoài trở lên Bắc là thuộc về Kim.
(3) Giang Tả: Chỉ vùng đất phía tả, tức phía đông, hạ du Trường Giang (các miền thuộc tỉnh Giang Tô), đây chỉ đất thuộc Nam Tống.
(4) Văn Thiên Tường có hai câu thơ; “Tòng kim biệt khước Giang Nam lộ. Hóa tác đề quyên đới huyết quy”. (Từ nay cách biệt đường Giang Nam. Sẽ hóa thành chim đỗ quyên kêu đến rỏ máu mà quay về).
(5) Ý nói không còn bị chia cắt như thời cuối Tống.


Qua Sông Hoài Nhớ Văn Thừa Tướng


Núi sông sông núi y nguyên
Cô trung Thừa Tướng danh truyền ngàn thu
Vượt Hoài thôi nhé đất xưa
Hỡi ôi Giang Tả bao giờ hồi quy
Oán thương xuất khẩu thành thi
Máu oan khiên hẹn ngày về cuốc kêu
Bắc Nam phong tục cùng theo
Ngược xuôi rộn rã mái chèo hoàng hôn


150
Hà Nam (1) Đạo Trung Khốc Thử


Hà Nam thu bát nguyệt
Tàn thử vị tiêu dung
Lộ xuất lương phong ngoại
Nhân hành liệt nhật trung
Đồ trường tê quyện mã
Mục đoạn diệt quy hồng
Hà xứ thôi xa hán
Tương khan lục lục đồng

Nắng Dữ Trên Đường Hà Nam

Tiết thu, tháng tám ở Hà Nam.
Khí nóng tàn vẫn chưa tan hết.
Đường ra ngoài chỗ có gió mát,
Người đi trong nắng gắt của mặt trời.
Trên đường dài, mệt hí vang ngựa,
Mỏi mắt trông, vắng mắt bóng chim hồng.
Anh chàng đẩy xe kia quê ở đâu nhỉ?
Nhìn nhau thấy vất vả như nhau.

Chú thích:
(1) Hà Nam: Một tỉnh của Trung Quốc phía nam sông Hoàng Hà


Nắng Dữ Trên Đường Hà Nam


Hà Nam tháng Tám thu vàng
Dẫu mùa chưa hết nắng tàn chưa qua
Ngoài trời gió mát dặm xa
Người đi trong ánh chói lòa gắt gay
Đường trường ngựa hý nắng say
Mỏi con mắt vọng cánh bay chim hồng
Xa phu quê quán đâu chừng
Nhìn nhau vất vả ta cùng như nhau



151
Cựu Hứa Đô (1)


Hứa Châu thành Hán đế đô
Tào thị vu thử di Hán đồ
Thụ thiện đài cơ dĩ bất kiến
Phong vũ dạ dạ do hào hô
Tự cổ đắc quốc đương dĩ chính
Nại hà vụ quả nhi khi cô (2)
Ngụy thụ Hán thiện Tấn thụ Ngụy (3)
Tiền hậu sở xuất như nhất đồ
Ngụy vong Tấn tục canh triều đại
Tự thử hất kim kỷ thiên tải
Kỳ trung hưng phế tri kỷ nhân
Nga nga thành điệp hà tằng cải
Thành ngoại thanh sơn tự cựu thì
Gian hùng soán thiết nhân hà tại
Hán nhân tông miếu dĩ vô tung
Ngụy nhân viên lăng diệc đồi bại
Đãng đãng thành trung nhất phiến thổ
Đình ngọ thị nhân xu mại mãi
Duy hữu Kiến An nhị thập ngũ niên sự (4)
Nhân khẩu thành bi chung bất hoại
Viễn lai sử ngã đa trầm ngâm
Di xú lưu phương giai cổ câm (kim)
Đột ngột danh thành đương đại đạo
Cự gian đáo thử ung hàn tâm


Thành Hứa Đô Cũ

Thành Hứa Châu, nơi vua nhà Hán đóng đô,
Họ Tào cướp cơ đồ nhà Hán ở chốn này đây.
Nền đài nhận ngôi vua không thấy đâu nữa.
Chỉ thấy đêm đêm mưa gió réo gào.
Từ cổ được nước đều lấy chính nghĩa
Sao lại lừa vợ góa dối con côi của người ta?
Ngụy nhận ngôi của Hán nhường, Tấn lại nhận ngôi của Ngụy nhường.
Trước sau đều đi theo một con đường ấy.
Ngụy mất Tấn nối, đổi thay triều đại,
Từ ấy đến nay đã mấy ngàn năm rồi?
Trong khoảng thời gian ấy biết bao kẻ dấy lên và xụp đổ,
Mà tòa thành cao ngất vẫn chưa từng thay đổi.
Ngoài thành núi vẫn xanh như thời xưa,
Lũ gian hùng cướp ngôi có kẻ nào còn đâu?
Tôn miếu nhà Hán đã không còn dấu vết,
Vườn, lăng nhà Ngụy cũng đổ nát tan tành.
Một miếng đất rộng ở trong thành,
Giũa trưa người đến họp chợ chen nhau mua bán.
Duy có cái việc năm thứ hai mươi lăm đời Kiến An,
Thành bia miệng để đời không bao giờ mất.
Khiến ta từ xa đến suy nghĩ hoài,
Lưu thơm, để thối xưa và nay đều có cả.
Tòa thành cao ngất nổi tiếng đứng giũa đường cái,
Bọn đại gian hùng đến đây ắt phải thấy lạnh trong lòng.

Chú thích:
(1) Hứa Đô: Đất nước Hứa thời xưa, nay ở phía đông huyện Hứa Xương, tỉnh Hà Nam. Năm Kiến An Nguyên Niên (196) Tào Tháo dời đô nhà Hán từ Lạc Dương đến đó nên gọi là Hứa Đô.
(2) Chỉ vợ Linh Đế và Hiến Đế, con của Linh Đế.
(3) Tào Phi (187-226) bắt Hiến Đế nhường ngôi cho mình, đổi quốc hiệu là Ngụy, sau đó Tư Mã Viêm lại bắt vua Ngụy nhường ngôi, lập nên nhà Tấn.



Hứa Đô Cũ


Hứa Đô kinh khuyết Hán Triều
Tào Phi một sớm một chiều cướp ngôi
Đài trao ấn kiếm đâu rồi
Chỉ nghe đêm vắng vang trời gió mưa
Được nhờ chính nghĩa ngàn xưa
Con côi vợ góa lọc lừa người ta
Ngụy cướp lại Tấn dành qua
Trước sau cũng một mưu ma chước hề
Tấn nối Ngụy đổi triều nghi
Tới nay kể đã mấy kỳ ngàn năm
Biết bao hưng phế thăng trầm
Tòa thành cao ngất chưa lần đổi thay
Núi xanh xưa vẫn như nay
Gian hùng thoán nghịch lũ này còn không
Miếu đường nhà Hán tiêu vong
Tẩm lăng triều Ngụy xóa cùng gò khâu
Giữa thành một khoảng đất nâu
Buổi trưa họp chợ buôn rau bán hàng
Kiến An năm thứ hăm lăm
Thành bia miệng chẳng nát tan bao giờ
Khiến ta viễn khách ngẩn ngơ
Xưa nay thơm thối ai ngờ cả hai
Thành cao trấn ngự đường dài
Gian hùng qua đó ghê gai lạnh mình


152
Âu Dương Văn Trung Công Mộ


Ngũ xích phong bi lâp đạo bàng
Tống triều cổ mộ ký Âu Dương (1)
Bình sinh trực đạo vô di hám
Thiên cổ trùng tuyền (2) thượng hữu hương
Thu thảo nhất khâu tàng thử hạc (3)
Danh gia bát đại (4) thiện văn chương
Trường tùng chi thảo sinh hà xứ
Tiều mục ca ngâm quá tịch dương


Mộ Ông Âu Dương Văn Trung

Bia cao năm thước dựng bên đường,
Mộ cổ triều Tống có ghi tên họ Âu Dương.
Suốt đời theo đường lối ngay thẳng không để lại điều gì đáng ân hận.
Nghìn xưa dưới suối vàng còn nức mùi hương,
Một gò cỏ thu trở thành nơi chứa chuột chồn,
Đứng trong hàng tám văn hào lớn lừng tiếng văn chương.
Cây tùng cao và cỏ chi mọc ở nơi nào?
Người kiếm củi kẻ chăn trâu ca hát dưới bóng chiều.

Chú thích:
(1) Âu Dương (1007-1072) tự Vĩnh Thúc, biệt hiệu Túy Ông, tính tình trung trực, nên khi chết được tặng hiệu Văn Trung. Nhà nghèo, mồ côi cha, nhờ mẹ dạy, khắc khổ học tập nên 24 tuổi đậu tiến sĩ. Làm quan, không được lòng bọn quyền quý, nhiều lần bị giáng chức, vẫn hết lòng can vua đừng nghe bọn nịnh ruồng bỏ người hiền. Khởi xướng cách tân văn học, chống lại những trường phái thơ văn hình thức, ủy mị đương thời. Chủ trương văn chương phải” minh đạo” (sáng lẽ đạo) và “trí dụng” (thiết thực). Có nhiều thành tựu trong tản văn, thơ, từ, được tôn là Hàn Phi đương thời và có nhiều ảnh hưởng đối với văn học đời Tống. Được tôn vinh là một trong tám nhà văn lớn đời Tống.
(2) Trùng tuyền: Suối vàng.
(3) Hạc: Giống thú giống như con cầy, con chồn. Các bản khác phiên âm là lạc, hác, hát,


Mộ Ông Âu Dương Văn Trung

Bia cao năm thước bên đường
Tống triều cổ mộ Âu Dương rõ ràng
Trọn đời ngay thẳng hiền lương
Suối vàng còn nức mùi hương đau đời
Gò thu chồn cáo đùa vui
Một tay kiện tướng tám người đại danh
Nơi nào cây cỏ mướt xanh
Tiều ca mục hát trôi nhanh dáng chiều


153
Bùi Tấn Công Mộ


Đãng đãng thu nguyên khâu lũng bình
Mộ bi do chí Tấn Công (1) danh
Đan tâm nhất điểm lưu kim cổ
Bạch cốt kim niên cách tử sinh
Tẩn hữu du vi ưu tướng tướng
Vô phương hình mạo yếm đan thanh (2)
Thương tâm cận nhật Chiêu Lăng (3) thụ
Nhất đái đề quyên triệt Vị Thành (4)

Mộ Bùi Tấn Công

Cánh đồng mùa thu rộng, gò đống bằng phẳng.
Tấm bia mộ còn ghi tên Tấn Công.
Một tấm lòng son lưu tiếng xưa nay,
Nghìn năm xương trắng chia cắt người sống và người chết.
Ông có thừa mưu lược làm tướng văn tướng võ.
Còn về hình tượng không cần vẽ tranh xanh đỏ điểm tô làm gì.
Đau lòng gần đây thấy cây ở Chiêu Lăng,
Tiếng quyên kêu suốt một giải Vị Thành.


Chú thích:
(1) Bùi Tấn Công: Tức Bùi Độ, tự Trung Lập, người đời Đường , đậu tiến sĩ làm quan dưới triều Đường Hiến Tông (806-820), có công dẹp giặc được phong Tấn Quốc Công, làm Tể Tướng 30 năm. Sau vì bọn hoạn quan lộng quyền, ông cáo quan về nhà dựng Lục Dã Đường ngâm vịnh với các nhà thơ đương thời như Bạch Cư Dị, Lưu Vũ Tích.
(2) Hai câu này lấy chú thích ở câu của Bùi Độ đề vào bức vẽ truyền thần của mình: “Nhữ thân bất trường, nhữ mao bất dương, hồ vi tướng, hồ vi tướng nhất điểm linh đài, đan thanh mạc trạng”. Nghĩa là: Thân hình không cao, diện mạo không đẹp mà sao làm được tướng văn, sao làm được tướng võ? Chỉ có cái tâm linh thiêng không vẽ được.
Bùi Độ tướng mạo tầm thường nhưng văn võ toàn tài.
(3) Chiêu Lăng: Tên lăng của Đường Thái Tông ở Thiểm Tây, cách đó có một khu táng các văn thần võ tướng có công giúp nước. Mộ Bùi Độ có lẽ cũng táng ở đó.
(4) Vị Thành: Ở phía tây bắc huyện Trường An tỉnh Thiểm Tây.


Mộ Bùi Tấn Công


Đồng thu man mác gò khâu
Tấn Công bia mộ dãi dầu nắng mưa
Cổ kim một khối tâm tư
Ngàn năm xương trắng chia bờ tử sinh
Tài kiêm văn võ trị bình
Đâu cần son phấn ngoại hình điểm tô
Chiêu Lăng hồn phách ngẩn ngơ
Vị Thành một dải trăng mờ cuốc kêu



154
Hoàng Hà (1)


Nhất khí mang mang hỗn độn tiền (2)
Kỳ lai vô tế khứ vô biên
Thiên hoàng cự phái cửu thiên lý (3)
Thánh chủ hưu kỳ ngũ bách niên (4)
Hoài cổ vị năng vong Hạ Vũ (5)
Chí kim thùy phục tiện (6) Trương Khiên (7)
Thu trung khả hữu phù sà quá
Ngã dục (8) thừa chi tái thượng thiên

Sông Hoàng Hà

Một bầu khí mênh mông giữa thời hỗn độn,
Không biết từ đâu chảy đến, mà đi cũng chẳng biết đến tận bến bờ nào.
Nhánh lớn của “Sông trời” dài chín ngàn dặm,
Năm trăm năm lại đến thời đại thịnh với bậc vua thánh (ra đời).
Nhớ chuyện xưa không thể quên được vua Hạ Vũ,
Đến nay chẳng ai còn muốn làm như Trương Khiên.
Gió mùa thu, nếu có được người thả bè sông này,
Ta cũng muốn cưỡi theo chiếc bè đó lên trời lần nữa.

Chú Thích:
(1) Hoàng Hà: Sông lớn ở phía bắc Trung Quốc phát nguyên từ Thanh Hải qua các vùng Cam Túc, Ninh Hạ, Tuy Viễn, Sơn Tây, Thiểm Tây, Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Đông rồi đổ ra biển.
(2) Câu này ý nói thời vũ trụ chỉ có một khí hỗn nhiên, chưa chia thành trời đất.
(3) Câu này tác giả dựa theo truyền thuyết cổ Trung Quốc: Sông Hoàng Hà như liền với trời. Thơ Lý Bạch: “Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai” (Nước sông Hoàng Hà từ trên trời đổ xuống).
(4) Câu này cũng dựa theo truyền thuyết cổ Trung Quốc: Năm trăm năm nước sông Hoàng Hà lại trong lại một lần, có vua thánh ra đời, thiên hạ đại thịnh.
(5) Hạ Vũ: Vua Vũ của nhà Hạ đào ngòi lạch tiêu nước trị thủy sông Hoàng Hà tránh lụt cho dân.
(6) Tiện: Tham muốn.
(7) Trương Khiên: Người thời Hán theo Vị Thanh đánh Hung Nô được phong tước hầu. Trương Khiên theo dòng sông Hoàng Hà đi thuyết phục các nước miền tây bắc Trung Quốc, chinh phục nhiều nước ở Tây Vực.
(8) Ta cao hứng sẽ theo để lên trời lần nữa.



Sông Hoàng Hà


Hỗn mang mờ mịt một vùng
Đến rồi lại tách khơi chừng nơi nao
Chín ngàn dặm nhánh sông cao
Năm trăm năm một thịnh trào thánh quân
Trương Khiên ai dám theo chân
Lòng vua Hạ Vũ thương dân còn truyền
Giữa thu ai đó dong thuyền
Cho ta lần nữa thăng thiên ngại gì


155
Hoàng Hà Trở Lạo


Long Môn (1) tây thướng xích vân phù
Khuynh tận Côn Lôn (2) nhất phiến thu
Bách lý tản lưu vô định phái
Nhất ba súc (3) khởi tiện thành châu
Mạch cao thổ cẩu (4) nan vi thực
Lạc ngạnh phiêu bình nhất tự mưu
Thăng hữu nhàn tâm vô quái (5) ngại
Bất phương chung nhật đối phù âu

Bị Nước Lũ Sông Hoàng Hà Làm Nghẽn Đường

Trên phía tây núi Long Môn mây đỏ nổi,
Làm sạt cả một mảnh trời thu của núi Côn Lôn.
Một đợt sóng vọt cao lên là thành bãi,
Bánh mạch ép khô và thịt dê khó ăn.
Cành cây rụng, cánh bèo trôi không tự mưu toan gì được,
Chỉ còn có một tấm lòng nhàn không gì trở ngại,
Không ngại suốt ngày đối mặt với chim âu.

Chú thích:
(1) Long Môn: Dải núi chạy qua các tỉnh Thiểm Tây, Sơn Tây.
(2) Côn Lôn: Dải núi lớn ở Trung Quốc.
(3) Súc: Vọt lên cao.
(4) Thổ cẩu: Con dê.
(5) Quái: Trở ngại.



Bị Nước Lũ Sông Hoàng Hà Làm Nghẽn Đường


Long Môn ráng đỏ trời tây
Khiến rơi một mảng thu gầy Côn Lôn
Tràn lan khắp cõi nước tuôn
Sóng cao nên bãi nên cồn chơi vơi
Khô dê cốm mạch khó nhơi
Bèo trôi cành gẫy thương ôi còn gì
Chút lòng chẳng quản ngại chi
Cánh âu ngắm mãi đi về lượn bay


156
Tỷ Can (1) Mộ


Độn (2) cuồng (3) quân tử các toàn thân
Bát bách chư hầu hội Mạnh Tân (4)
Thất khiếu hữu tâm an tỵ phẫu
Nhất khâu di thực tận thành nhân (5)
Mục trung sở xúc năng vô lệ
Địa hạ đồng du khả hữu nhân
Tàm quý tham sinh Ngụy điền xá (6)
Trung lương hồ loạn cưỡng tương phân (7)

Mộ Tỷ Can

Các vị quân tử có đi trốn tránh và giả điên đều giữ được an toàn tính mệnh.
Tám trăm chư hầu họp ở Mạnh Tân.
Có trái tim bẩy lỗ thì còn làm sao tránh khỏi bị mổ?
Một gò cây cỏ đều thành “Nhân”
Tận mắt nhìn, có thể nào không rơi lệ,
Dưới đất có người có thể cùng giao du.
Xấu hổ thay cái lão nhà quê tham sống họ Ngụy,
Gượng ép chia một cách hồ đồ ra “Trung” và “Lương”.


Chú thích:
(1) Tỷ Can: Chú của vua Trụ là vua cuối cùng của nhà Thương, rất tàn bạo. Ông thường can gián Trụ nên bị Trụ ghét. Trụ nói: “Ta nghe nói tim của thánh nhân có 7 lỗ… “ bèn ra lệnh mổ bụng Tỷ Can để xem tim.
(2) Vi Tử: Là anh của vua Trụ, thấy Trụ bạo ngược quá, phải trốn đi sợ bị Trụ sát hại.
(3) Cơ Tử cũng là chú của vua Trụ, giả điên để khỏi bị Trụ giết.
(4) Bến trên sông Hoàng Hà, nơi Chu Vũ Vương họp quân của 800 nước chư hầu để đánh Trụ.
(5) Thành Nhân: Thành đức nhân. Khổng Tử nói: “Hữu sát thân dĩ thành nhân” (chịu chết để thành người nhân).
(6) Ngụy Điền Xá: Tức Ngụy Trưng, tể tướng đời Đường Thái Tông, hay nói thẳng để can vua, bị Thái Tông gọi là “Điền xá hán” (lão nhà quê)
(7) Ngụy Trưng chia ra hai loại trung thần và lương thần: trung thần là người vì can vua mà bị giết (như Tỷ Can can vua Trụ), còn lương thần là tôi hiền.


Mộ Tỷ Can


Lánh đời giả dại an thân
Tám trăm một hội Mạnh Tân chư hầu
Trái tim bẩy lỗ mất đầu
Tận trung cây cỏ cùng nhau thành người
Mắt nhìn ai chẳng lệ rơi
Kẻ nằm dưới đất xin mời giao du
Lão nhà quê thật dại khờ
Đem chia hai thứ hồ đồ trung lương



157
Trở Binh Hành


Kim tương tương, thiết tranh tranh
Xa mã trì sậu kê khuyển minh
Tiểu hộ bất bế đại hộ bế
Phù lão huề ấu di nhập thành
Bản địa lục nguyệt chí cửu nguyệt
Hoạt Tuấn nhị huyện tề xưng binh (1)
Tặc sát quan lại thập bát cửu
Mãn thành tây phong xuy huyết tinh
Cánh hữu Sơn Đông Trực Lệ dao tương ứng (2)
Bạch Liên dị thuật đa thần linh (3)
Châu quan văn tặc chí
Khiêu đăng chung dạ tịch dân đinh
Châu biền văn tặc chí
Ma lệ đao kiếm kiết kiết minh (4)
Châu nhân văn tặc chí
Tam tam ngũ ngũ giao đầu tế ngữ thanh y anh
Hành nhân viễn lai bất giải sự
Đản văn thành ngoại tiến thoái giai pháo thanh
Hà Nam nhất lộ giai chấn động
Vũ hịch cấp phát như phi tinh
Cổn cổn trần ai tế thiên nhật
Bộ kỵ nhất tung phục nhất hoành
Kỵ giả loan giác cung
Trường tiễn mãn hồ bạch vụ linh
Bộ giả kiên đoản sáo
Tân ma thiết nhận huyền chu anh
Hựu hữu tân điểm đinh tráng chi binh khí
Tước trúc vị thương bì thượng thanh
Đại xa tải cung chước
Tiểu xa trang tiêm đinh
Chung nhật vãng lai vô tạm đình
Sổ bách lý địa biến qua giáp
Đạo lộ ủng tắc vô nhân hành
Trường tống trường thán đoản tống mặc
Tiến thoái duy cốc nan vi tình
Tạc nhật Hoàng Hà thủy đại chí
Ngũ nhật vô thực thê sa đinh
Kim nhật Vệ Châu trở đạo tặc (5)
Bất tri tiền lộ hà thời thanh
An đắc phong xa nhật vạn lý
Phi nhân nhất tức lai thiên kinh
Ngô văn nội cố tần niên khổ hoang hạn
Chỉ hữu xuân tác vô thu thành
Hồ Nam Hà Nam cửu vô vũ
Tự xuân tồ thu điền bất canh
Đại nam tiểu nữ tần cơ sắc
Khang tì vi thực lê vi canh
Nhãn kiến cơ biểu tử đương đạo
Hoài trung táo tử thân biên khuynh
Không ốc bích thượng hữu “tra” tự (6)
Sổ bách dư hộ giai cơ linh
Tiểu nhân bất nhẫn hàn thả cơ
Cẩu đồ bão úc thân vi khinh
Hoàng trì lộng giáp bất túc đạo (7)
Sảo gia tồn tuất đương tự bình
“Dân tử tại tuế bất tại ngã” (8)
Vật đắc khi tâm tế thánh minh
Tạc kiến Tân Trịnh thành môn niêm bảng thị (9)
Án hộ cấp túc tô tàn manh
Hoàng Hà dĩ bắc mạch hựu thục
Bách nhật nhi bối thê tử giai đắc sinh
Quy lai quy lai vật tác tử
Phủ thần huệ bảo như phụ huynh

Bài Hành Về Việc Binh Đao Làm Nghẽn Đường

Các đồ binh khí bằng đồng bằng sắt va chạm vào nhau kêu loảng xoảng,
Xe ngựa chạy rầm râp, gà chó kêu.
Nhà nghèo không đóng cửa, nhà giầu đóng cửa.
Dìu già, dắt trẻ dời vào trong thành.
Đất này từ tháng sáu đến tháng chín
Hai huyện Hoạt, Tuấn cũng nổi binh.
Giặc giết quan lại mười người đến tám chín người,
Đầy thành gió tây thổi mùi máu tanh.
Lại thêm Sơn Đông, Trực Lệ ngoài xa hưởng ứng,
Bọn Bạch Liên Giáo có nhiều thuật phép thần linh.
Quan châu nghe tin giặc đến,
Khêu đèn suốt đêm lập sổ dân đinh.
Quan võ của châu nghe tin giặc đến,
Mài đao, liếc kiếm tiếng thép kêu xoèn xoẹt.
Dân trong châu nghe tin giặc đến,
Túm năm, tụm ba, châu đầu nói nhỏ, nói to
Khách từ xa đến không biết chuyện gì đang xảy ra
Chỉ nghe ngoài thành tiến thoái đều có tiếng pháo lệnh.
Cả một miền Hà Nam chấn động.
“Hịch Lông Gà” phát vội, chạy như sao bay.
Bụi cuốn che lấp cả mặt trời,
Quân bộ, quân kỵ đạo chạy dọc đạo chạy ngang,
Quân kỵ giương cung sừng,
Tên dài có gắn lông chim trắng để đầy bầu.
Quân bộ vai vác giáo ngắn,
Mũi thép mới mài, tua đỏ treo lủng lẳng.
Lại có binh khí của các đội tráng binh mới gọi theo.
Vót trúc làm giáo dài vỏ còn xanh,
Xe lớn chở cung dây,
Xe nhỏ chở chông nhọn.
Suốt ngày qua lại không chút nào tạm ngừng,
Mấy trăm dặm chỗ nào cũng có quân binh
Đường sá tắc nghẽn, không có người đi.
Người đưa tiễn xa thì than dài, người đưa tiễn gần thì im lặng
Tiến, lui đều trong tình trạng khó khăn.
Hôm qua nước lớn sông Hoàng Hà dâng lên,
Năm ngày không có ăn, đậu thuyền bên bãi sông.
Hôm nay ở Châu Vệ bị giặc cướp ngăn đường,
Chẳng biết con đường trước mặt bao giờ mới yên ổn.
Sao được cỗ xe gió một ngày đi vạn dặm,
Bay một hơi tới thiên kinh.
Ta nghe người vùng này nhiều năm khổ vì lúa mất trắng và nắng cháy,
Chỉ có cấy xuân mà không thu hoạch được.
Hồ Nam, Hà Nam không có mưa,
Từ mùa xuân đến mùa thu ruộng bỏ không cầy.
Trai lớn gái bé luôn có sắc mặt ốm đói.
Tấm cám làm cơm, rau lê làm canh,
Ta nhìn thấy tận mắt người đói chết giữa đường,
Hột táo trong bọc túi lăn bên mình.
Nhà không người trên vách có chữ “Tra”
Hơn mấy trăm hộ đều vì đói mà trôi giạt,
Dân mọn không kham nổi cái cảnh đã rét lại thêm đói.
Chỉ lo miếng ăn một cách không thận trọng mà coi nhẹ thân mình.
Chơi đùa đồ binh trong vũng ao, chẳng đáng nói,
Khéo tỏ lòng thương một chút là yên ngay.
“Dân chết vì gặp năm hạn, đâu phải tại ta?”
Chớ nên dối lòng mà che mắt vua thánh.
Hôm trước thấy trong thành Tân Trịnh yết bảng cáo thị:
“Xét theo hộ mà cấp lúa cứu sống lũ dân sống sót.
Phía bắc sông Hoàng Hà lúa mạch lại chín
Trăm ngày nữa thì vợ con các ngươi đều được sống
Về đi, về đi, chớ có liều chết,
Quan Tuần Phủ hãy gìn giữ cho dân như cha, anh”



Chú thích:
(1) Hoạt, Tuấn: Hai huyện ở phía bắc tỉnh Hà Nam.
(2) Sơn Đông, Trực Lệ: Sơn Đông ở phía đông sông Hoàng Hà, Trực Lệ ở phía bắc sông Hoàng Hà.
(3) Bạch Liên Giáo: Tổ chức tôn giáo chính trị ra đời từ cuối thời Nguyên.
(4) Soàn soạt, chối tai.
(5) Vệ Châu: Một châu nhỏ của tỉnh Hà Nam, cạnh huyện Hoạt.
(6) Tra: Tức là “kiểm tra” số người chết vì lụt hoặc đi tha phương cầu thực.
(7) Sách Hán Thư: “Hoàng trì lộng giáp” ý nói dân đói làm loạn, chỉ như trẻ con chơi đùa binh khí trong ao vũng.
(8) Sách Mạnh Tử: “Dân tử tại tuế bất tại ngã” (Dân chết tại năm trời làm mất mùa không phải tại ta” (lời của vua quan).
(9) Tân Trịnh: Huyện ở phía nam tỉnh Hà Nam, nay là Trịnh Châu.


Bài Hành Về Việc Binh Đao Làm Nghẽn Đường


Chói tai tiếng sắt tiếng đồng
Vịt gà quang quác xe lồng ngựa phi
Nhà nghèo cửa ngỏ ra đi
Nhà giầu cổng khép chạy về thành đô
Tháng hai tháng chín đến giờ
Huyện Tuấn huyện Hoạt phất cờ khởi binh
Mười quan tới chín bỏ mình
Đầy thành mưa máu gió tanh tơi bời
Sơn Đông Trực Lệ mất rồi
Bạch Liên dị giáo vẽ vời thần tiên
Quan châu nghe giặc nổi lên
Dân đinh lập sổ khêu đèn canh khuya
Quan võ nghe giặc gần kề
Liếc gươm xoèn xoẹt gai ghê lạnh hồn
Hay tin giặc tới gần hơn
Dân gian to nhỏ phao đồn lung tung
Khách xa thấy sự lạ lùng
Ngoài thành pháo lệnh đì đùng tiến lui
Hà Nam lở đất long trời
Hịch lông than đỏ sao ngời vút bay
Bụi đường mờ mịt trời mây
Dọc ngang kỵ bộ đội này đoàn kia
Kỵ binh nỏ cứng thị uy
Tên dài lông gắn lê thê đầy bầu
Bộ binh dáo ngắn đi đầu
Vừa mài mũi thép thắm mầu tua đao
Tân binh mới tuyển đi theo
Tầm vông vạt nhọn vỏ đều còn xanh
Xe to cung nỏ cồng kềnh
Ngàn chông nhọn hoắt gập ghềnh xe con
Suốt ngày lui tới bon bon
Hàng trăm dặm chỉ dập dồn binh gia
Nghẽn đường chẳng kẻ lại qua
Đưa gần nín lặng tiễn xa than dài
Tiến lui cùng khó cả hai
Đêm qua nước lại dâng vài thước cao
Năm hôm bụng đói ruột cào
Cắm thuyền Châu Vệ giặc vào hôm nay
Tiền đồ toan tính sao đây
Ước chi xe lướt một ngày dặm muôn
Một hơi thẳng tới miếu đường
Nơi đây dân đói ruộng vườn hoang vu
Vụ xuân thóc lúa thất thu
Hồ Hà trời cũng tạnh mưa lâu rồi
Xuân thu ruộng cỏ ngút trời
Trai lành gái tốt lả người đói xanh
Cám thay cơm cỏ làm canh
Giữa đường xác đói chương phình nằm trơ
Túi văng hạt táo nhỏ to
Nhà hoang vách nát treo tờ kiểm tra
Mấy trăm hộ giạt trôi xa
Chịu sao nỗi đói còn pha nỗi hàn
Miếng ăn coi nhẹ thân tàn
Trẻ đùa ao vũng làm càn đáng chi
Vỗ yên tỏ chút yêu vì
“Chết do hạn hán chẳng hề tại ta”
Chớ lừa dối Đức Vua Cha
Thành Tân Trịnh cáo yết tòa công sai
“Lệnh truyền gạo chẩn phát ngay
Bắc Hoàng Hà lúa chín đầy đừng lo
Trăm ngày nữa sống khỏe ru
Về đi vợ dại con thơ sum vầy
Chớ liều lĩnh chết bỏ thây
Quan thương dân ví cao dầy phụ huynh”


158
Kê Thị Trung Từ (1)


Cổ miếu tùng hoàng nhất đái u
Thanh phong do tự Trúc Lâm thu (2)
Quảng Lăng điệu tuyệt dư thanh hưởng (3)
Chính Khí Ca thành lập nọa phu (4)
Cắng cổ vị can lưu huyết địa (5)
Kỳ trung năng phá vấn ma ngu (6)
Khả liên Giang Tả đa danh sĩ (7)
Không đối giang sơn khấp Sở tù (8)

Đền Thờ Kê Thị Trung

Ngôi miếu cổ có một dẫy thông và trúc xanh um,
Cái vẻ thanh cao còn giống như mùa thu ở rừng trúc,
Điệu đàn Quảng Lăng dứt rồi mà âm hưởng vẫn còn,
Bài Chính Khí Ca làm xong, dù kẻ ươn hèn cũng lập chí.
Suốt từ xưa đến nay, đất này chưa ráo vết máu của người trung thần.
Tấm lòng trung khác thường phá được cái ngu của người hỏi chuyện ễnh ương.
Khá thương thay cho đất Giang Tả có nhiều danh sĩ,
Mà chịu ngồi suông nhìn non sông, khóc sướt mướt như người tù nước Sở.

Chú thích:
(1) Kê Thị Trung: Kê Thiệu, con Kê Khang, làm chức Thị Trung đời Tấn Huệ Đế (290-306). Khi Huệ Đế bị giặc đuổi, tên bắn như mưa, Kê Thiệu lấy thân che cho vua, chết, máu phun vào cả áo vua.
(2) Trúc Lâm: Tức Trúc Lâm Thất Hiền (bẩy người hiền trong rừng trúc), trong đó có Kê Khang, cha Kê Thiệu ( câu này ý nói con giống khí tiết cha).
(3) Quảng Lăng Điệu: Điệu đàn cầm của Kê Khang. Ý nói Kê Khang tuy đã mất nhưng con là Kê Thiệu còn noi theo khí tiết của ông như điệu đàn Quảng Lăng tuy dứt nhưng vẫn còn âm hưởng.
(4) (5) Chính Khí Ca: Bài ca của Văn Thiên Tường đời Nam Tống có câu: “Vi Kê Thị Trung huyết” nghĩa là làm giọt máu của ông Thị Trung họ Kê (liều chết bảo vệ vua)
(6) Vấn ma ngu: Cái ngu của người hỏi chuyện ễnh ương: Chỉ Tấn Huệ Đế. Tấn Huệ Đế nghe ễnh ương kêu, hỏi: “Ễnh ương kêu có ý vì công hay vì tư?”. Tuy ngu như vậy, nhưng có người tâu xui rửa vết máu ở áo thì Huệ Đế bảo chớ rửa, cứ giữ lấy để ghi nhớ Kê Thị Trung.
(7) Giang Tả: Chỉ các vùng ở phía hạ lưu sông Trường Giang như các tỉnh miền Giang Tô…cũng gọi là Giang Đông. Lúc bấy giờ, nhà Tấn bị Ngũ Hồ lấy Trung Nguyên, phải chạy xuống Giang Đông.
(8) Sở tù: Người nước Sở bị bắt làm tù binh. Sách Thế thuyết tân ngữ nói: “Những người Tấn thất bại qua sông, mỗi lần gặp tiết đẹp, họp nhau ở Tân Đình, chè chén và nhìn nhau khóc”. Vương Đạo mặt biến sắc, bùi ngùi nói: “Ta phải hết sức giúp nhà vua lấy lại nước cũ, sao bắt chước bọn tù binh nước Sở cứ nhìn nhau mà khóc?”


Đền Thờ Kê Thị Trung


Trúc thông cổ miếu xanh rờn
Thanh cao chốn ấy vẫn còn vẻ thu
Quảng Lăng điệu dứt âm thừa
Nghe ca Chính Khí kẻ hư nên người
Trung thần máu thắm còn rơi
Lòng ngay hóa giải ngu lời ễnh ương
Khá thương Giang Tả can cường
Đám tù binh Sở ngồi suông khóc vùi



159
Đồng Tước (1) Đài


Nhất thế chu hùng an tại tai
Cổ nhân khứ hề kim nhân lai
Bất kiến Nghiệp trung Ngụy Vũ Đế (2)
Đãn kiến giang biên Đồng Tước đài
Đài cơ tuy tại dĩ khuynh dĩ
Âm phong nộ hào thu thảo mỹ
Ngọc Long Kim Phụng (3) tận mang mang
Hà huống đài trung ca vũ kỹ
Tư nhân thịnh thời thùy cảm đương
Diểu thị hoàng đế lăng hầu vương
Chỉ hận tằng đài không luật ngột
Tiểu Kiều (4) chung lão giá Chu Lang
Nhất triêu đại hạn hữu thì chí
Thượng thực tấu ca đồ duyệt quỷ (5)
Phân hương mại lý khổ đinh ninh
Lạc lạc trượng phu hà nhĩ nhĩ
Gian hùng biệt tự hữu cơ tâm (6)
Bất thị minh ai nhi nữ khí
Thiên cơ vạn xảo tận thành không
Chung cổ thương tâm Chương Giang thủy (7)
Ngã tư cổ nhân hương ngã tình
Bồi hồi phủ ngưỡng bi phù sinh
Như thử anh hùng thả như thử
Huống hồ thốn công dữ bạc danh
Nhân gian huân nghiệp nhược trường tại
Thử địa cao đài ưng vị khuynh


Đài Đồng Tước

Anh hùng một thủa, giờ nơi đâu?
Người xưa qua rồi, người nay tới,
Chẳng thấy Ngụy Vũ Đế trong thành Nghiệp
Chỉ thấy đài Đồng Tước ở bên sông.
Nền đài tuy còn nhưng đã nghiêng lở
Gió lạnh réo gào giận dữ, cỏ thu tàn úa,
Hai lầu Ngọc Long, Kim Phụng đều đã mịt mờ dấu vết
Huống chi là những ca nhi, vũ nữ trong đài.
Người ấy lúc thịnh, nào ai dám chống lại?
Xem thường nhà vua, lấn lướt các vương hầu.
Chỉ hận mấy tầng đài xây cao sừng sững,
Mà nàng Tiểu Kiều đến già vẫn là vợ của Chu Lang!
Một buổi mai hạn lớn xẩy đến
Dâng thức ăn, tấu ca nhạc chỉ mong làm vui cho hồn ma
Chia hương, bán giầy, khổ tâm dặn dò cặn kẽ.
Bậc trượng phu lỗi lạc sao như thế!
Kẻ gian hùng riêng tự có mưu thâm khác trong lòng,
Chẳng phải là kêu thương ủy mị như tính khí đàn bà?
Nhưng dù muôn khéo, nghìn khôn cũng trở thành không hư hết.
Từ ngàn xưa đau lòng nước sông Chương,
Ta nghĩ đến người xưa, xót nỗi mình.
Bồi hồi ngẩng lên cúi xuống, thương kiếp phù sinh.
Anh hùng đến như thế mà như thế,
Huống nữa là kẽ chỉ có chút công nhỏ mọn và cái danh mỏng manh.
Nghiệp lớn ở đời nếu còn mãi được,
Thì tòa đài cao ở khoảng đất này chắc chưa bị đổ!

Chú thích:
(1) Đồng Tước Đài: Đài của Tào Tháo xây ở Nghiệp Quận để làm chỗ nghỉ ngơi vui chơi.
(2) Ngụy Vũ Đế: Tức Tào Tháo tự là Mạnh Đức, người đất Tiểu nước Bái (nay là huyện Hào tỉnh An Huy) cuối Hán tham gia thảo phạt Đổng Trác. Thời Kiến An bình định Viên Thiệu và các thế lực địa phương, thống nhất phương bắc Trung Quốc, làm đến Thừa Tướng, phong Ngụy Vương. Sau khi Tháo chết, con là Tào Phi phế bỏ nhà Hán, lên làm vua, truy tôn là Ngụy Vũ Đế.
(3) Ngọc Long Kim Phụng: Tên hai lầu ở hai bên đài Đồng Tước, có cầu thông với đài.
(4) Tiểu Kiều: Vợ Chu Du, Đô Đốc quân Ngô. Khổng Minh khích Chu Du đánh Tào Tháo, xuyên tạc bài phú của Tào Thực (con Tào Tháo) đọc cho Du nghe, nói ý là Tháo xây đài Đồng Tước để bắt hai chị em Đại Kiều (vợ Tôn Sách) và Tiểu Kiều (vợ Chu Du) đem về nhốt ở đài này. Du nổi giận quyết đánh Tào Tháo, diệt tám mươi vạn quân Tào ở trận Xích Bích.
(5) Trước khi chết, Tào Tháo dặn các tỳ thiếp hàng ngày phải cúng Tháo bằng các món ăn mà Tháo thích lúc còn sống và có nữ nhạc múa hát để hầu trong bữa ăn làm cho y vui. Tháo lại chia các thứ phấn sáp, giầy thêu, khăn lụa cho các tỳ thiếp đó để họ bán lấy tiền khi túng thiếu.
(6) Chương Giang Thủy: Sông ở tỉnh Sơn Tây và tỉnh Phúc Kiến, Đây là đoạn sông chẩy qua huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Bắc. Nghiệp Quận, nơi Tào Tháo xây đài Đồng Tước, là nơi xây 72 mộ giả của Tháo.


Đài Đồng Tước

Anh hùng một thủa còn đâu
Kẻ đi người đến dãi dầu cỏ hoa
Ngàn năm thành Nghiệp kiêu sa
Tào Man Vũ Đế dựng nhà Ngụy xưa
Còn chăng Đồng Tước bên bờ
Nền cao thủa trước bây giờ ngả nghiêng
Heo may gào thét cuồng điên
Mùa thu cỏ úa vàng lên bốn trời
Ngọc Long Kim Phụng xụp rồi
Kể chi yểu điệu mấy người ca nhi
Thịnh thời ai dám khen chê
Khi quân hiếp chúa kể gì vương gia
Hận sao xừng xững một tòa
Tiểu Kiều cho đến tuổi già vị vong
Phu nhân Đô Đốc Giang Đông
Tuyết băng vạn thủa thờ chồng kiên trinh
Xẩy khi hạn lớn thình lình
Dâng cơm tấu nhạc vui mình cõi âm
Bán buôn trăn trối khổ tâm
Trượng phu lỗi lạc mà lầm thế ư
Gian hùng toan tính riêng tư
Thảm thê ủy mị kể như đàn bà
Trăm khôn ngàn khéo cũng là
Hư không đau dải nước nhòa sông Chương
Cổ nhân nghĩ đến mà thương
Nỗi mình mình lại đoạn trường bấy nhiêu
Ngó lên nhìn xuống đăm chiêu
Càng đau cho kiếp sớm chiều phù sinh
Anh hùng cái thế oai linh
Huống chi mấy kẻ vô danh tầm thường
Nghiệp kia ví thử trường tồn
Hẳn đài Đồng Tước vẫn còn trơ trơ

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.