Bình thơ
Trong bài “Hồn của mái nhà trong ký ức nhà thơ” đăng trên tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp, tôi có trích dẫn mấy câu thơ của Nguyễn Ngọc Hưng:
“Ngôi nhà thơm tuổi ấu thơ
Ngày xưa xanh nắng bây giờ xanh rêu”.
Một chị bạn, nhân đọc bài viết trên, hỏi tôi có biết Ngọc Hưng không? Tôi thành thật rằng, không. Và thế là chị kể cho tôi nghe câu chuyện cảm động về Hưng (sinh năm 1960 tại Quảng Ngãi, anh bị mắc bạo bệnh phải nằm một chỗ từ năm 23 tuổi…). Sau đó, tôi ra bưu điện gửi phần nhuận bút của mình mới nhận, nhờ người thân ở Quảng Ngãi tìm và trao giúp cho Hưng.
Tôi và Hưng biết nhau từ đó. Mới đây, Hưng gửi bản thảo tập thơ “Từ Khi có Phượng” kèm theo giấy phép xuất bản nhờ tôi in giúp. Tôi vui vẻ nhận lời, bởi thâm tâm tôi muốn giúp Hưng việc gì đó – và đây là cơ hội để thể hiện lòng mình. Tối đó, lập tức tôi đọc rồi phác thảo maquette, số trang, khổ sách, loại giấy bìa, giấy ruột và điện thoại cho Hưng biết. Sau đó, nhờ một chị họa sĩ, nguyên là cựu nữ sinh TH Bùi Thị Xuân - Đà Lạt vẽ tranh bìa sách. Chị bảo: “Ồ, một người như thế em nên giúp đỡ. Em đem bản thảo để chị đọc qua một lượt”.
Tôi vừa làm việc cơ quan, vừa tranh thủ chạy theo dõi in ấn, cố hết sức mình chăm chút tập thơ của Hưng. In xong, chở hết về cơ quan để trong hầm giữ xe. Chủ nhật lên để đóng thùng vận chuyển đi các tỉnh theo danh sách đặt hàng (1.906 cuốn) mà Hưng gởi. Và 3.000 cuốn gửi về Quảng Ngãi Hưng tự phát hành. May thay có hai anh ở cơ quan, nhiệt tình, tự nguyện nhận lời đóng gói 15 thùng sách rồi chở ra Bưu điện để những vần thơ Hưng làm cuộc hành trình đến với những tâm hồn đồng điệu. Và dĩ nhiên rồi, những tập thơ trước, bạn bè cũng kết nối vòng tay tiếp sức cho Hưng. Còn Hưng mỉm nụ cười:
“Nếu được vinh quang chia làm hai nửa
Nửa dâng mẹ người khai tâm thắp lửa
Còn nửa kia san sẻ khắp thân bằng”
(Nửa thế giới trong tôi)
“Từ một góc trời yêu cả bao la” – Đó là cảm nhận, là ánh nhìn yêu thương của nhà thơ, nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên dành cho Hưng khi giới thiệu thơ Hưng trên báo Phụ Nữ . Vâng, bạn bè ai biết cảnh ngộ đều dang tay dìu đỡ Hưng. Bởi từ năm 1983, sau khi tốt nghiệp thủ khoa Đại học Sư phạm Quy Nhơn, ngày khai giảng, Hưng về nhận nhiệm sở ở một trường cấp ba, bỗng bị trúng gió và liệt luôn từ đó. Ngày ngày Hưng phải đối mặt với nỗi bất hạnh : không đi, không đứng được. Đau đớn tột cùng cả thể xác lẫn tinh thần. Hưng cố gắng chấp nhận, thích ứng với bệnh tật: “Mầm bệnh cười trong máu / Mầm bệnh cười trong gân”. Nhưng Hưng tuyệt nhiên không cho phép mình được quyền bi lụy. Đôi bàn tay co rút nhưng anh cố rèn nên chữ viết vẫn chân phương, thanh thoát :
“Từng nét chữ toát mồ hôi khó nhọc
Vỡ ruộng hồn em những luống cày
Dẫu vụ mùa chưa ươm hạnh phúc
Thoảng bên đời đã có hương bay”
(Vượt lên số phận)
Nếu như nhà thơ Quách Tấn “Vịn câu thơ mà đứng dậy” thì cũng chính những vần thơ thấm đẫm tình người, chan chứa hồn quê và khát vọng sống hữu ích của anh đã làm người đọc ngậm ngùi, những giọt nước mắt không làm sao ngăn được:
“Mẹ mây trắng rồi cha trắng mây
Con còn mưa nắng vẫn xanh cây
Một mai con cũng thành mây trắng
Vườn xưa côi cút lá rơi đầy”
(Bốn cành tứ tuyệt)
Ba mất, mẹ không còn. Anh nương tựa vào bạn bè suốt mấy chục năm trời. Câu chuyện bi tâm của đời anh như chuyện cổ tích thời hiện đại.
Chính nhân cách sống của Hưng cho ta nhìn lại mình để sống tốt hơn, yêu cuộc đời này nhiều hơn.
Như một lời tự bạch, một lời tri ân, Hưng gởi tới bạn bè:
“Hai mươi năm mai nhẵn một chỗ nằm
Dẫu thân xác có mòn hao quá nửa
Còn nguyên đó trái tim nghìn độ lửa
Bạn ngày đêm tiếp năng lượng cho mình”
(Nửa thế giới trong tôi)
Hưng vẫn nằm đó, trầm tư chiêm nghiệm như một căn phần. Một chỗ nằm mài nhẵn hai mươi năm – một chỗ nằm mà nỗi xót xa vẫn chan hòa trong mỗi sớm mai, âm ỉ theo từng vạt nắng chiều, ray rứt trong đêm dài lặng lẽ để dệt cho đời những cánh thơ xanh. Thơ Hưng nặng trĩu ân tình, chấp nhận nghiệp dĩ vì anh quan niệm: “Bất liêu nhân, bất oán thiên”, không trách người, không oán Trời. Chỉ tiếc “Cành phượng nhỏ giữ đôi chùm lửa hạ / Như tiếc giùm ai chưa cháy hết mình”.
Đọc thơ Hưng, ta thấy tình yêu chan hòa trong tình bạn, lắng đọng thành kỷ niệm, từ đó nhân lên thành tình người, tình quê hương thiết tha đằm thắm. Vốn là nhà giáo nên những tập thơ viết cho thiếu nhi mang giá trị nhân văn –giáo dục rất cao:
“Bất ngờ giữa phố người đông
Gặp thầy - năm - ngoái em “dông” cái ào
Nghĩ thầm trong bụng: ôi dào!
Chắc chi thầy nhớ… hỏi chào… mắc công!
Lúc về… ô, lạ lùng không
Có một ông cụ tóc bông ở nhà
Bố đang kính cẩn dâng trà
Một vâng hai dạ như là… tôn sư
Lắng tai nghe … thật thế ư?
Cụ là thầy dạy bố từ lớp ba”
(Nắng xấu hổ)
Với tập thơ “Từ khi có phượng”, anh chắt lọc những hồi ức của tuổi trăng tròn vốn dĩ là hoài niệm mà một khi đã qua rồi ai há dễ quên.
“Mười cây số bốn mùa chân xuôi ngược
Manh áo nghèo mưa nắng bạc tóc hoe
Không ngăn nổi hồn nhiên chim sáo hót”
(Đường đi học)
Thơ anh mênh mang, ẩn náu hồn quên bình dị: bụi chuối, vườn cau, mái rạ, tre làng, một dáng chiều quê, hình bóng mẹ hiền “cấp củm nuôi con”. Chí ít thì, với cái gọi là “văn minh thị thành”, con người cũng có lúc quay về nhìn lại chất chân quê, hồn hậu – vốn là hồn xưa của đất nước quê hương.
“Ôi thương quá cái thời cơm cõng củ
Lén nhìn con cạo rá mẹ thở dài”
Nhìn lại quá khứ để thấy giá trị của hôm nay và ước vọng cho ngày mai: “Ban mai ơi ban mai! Kìa biển xa chân trời đang rộng mở. Vẫn biết cập bến vinh quang phải cưỡi sóng gian nan, vượt bất trắc rập rình quanh cuộc sống. Dẫu trời yên hay ầm ào biển động. Hãy đi đến cùng hoài bão ước mơ” (Rạng rỡ chân trời).
“Từ khi có phượng” là tập thơ thứ 9 được NXB Hội nhà văn ấn hành. Đây cũng là tập thơ in với số lượng lớn (5.000 cuốn) tác giả lại tự phát hành! Và trên hết, những vần thơ Hưng đã được bạn bè gần xa đón nhận. Điều đó minh chứng qua các tác phẩm đã xuất bản, số lượng in và nhiều giải thưởng Hưng đã đoạt được.
Và đây là bài thơ “Sông Vệ” trích trong tập “Từ khi có phượng”:
“Sông Vệ chảy qua đời tôi
Từ thuở mẹ qua cầu lẻ mọn
Chiếc nhẫn cầu hôn trên tay người lỏng ngón
Sợi tơ tằm vương vướng bước cô dâu.
Bãi bắp khô râu
Nà dưa hé nụ
Mồ hôi mẹ đẫm mặt trời lam lũ
Có bao giờ tưới xanh lại ngày xanh?
Chưa kịp tủi phận mình lại cơ cực nỗi chiến tranh
Sông Vệ cuốn con thuyền tuổi thơ tôi về biển
Mới lên ba – nói chưa tròn tiếng
Tôi đã bắt đầu bập bẹ tiếng “đạn bom”!
Gánh nhọc nhằn xiêu vai mẹ còm nhom
Bùn nâu xạm chân cò lặn lội
Ngày di tản, đạn cày nát cả một triền sông tối
Những hạt cát khô dòn rên rẩm dưới trời sao.
Áo cột quần xăn ống thấp ống cao
Mẹ cõng con qua dòng sông cạn nước
Khuất lũy tre xanh còn quay đầu mấy lượt
Gởi cái nhìn về một thuở quê hương
Mười năm tha phương – mười năm con vui bước đến trường
Mười năm mẹ vẫn thương về sông Vệ
Con vẽ quê hương theo lời mẹ kể
Với bến đò, guồng xe nước nương dâu…
Tiếng súng im rồi, vừa tắt ánh hỏa châu
Con chở mẹ về quê trong nỗi đời xanh lá
Dẫu nhiều đoạn xe cưỡi người mệt lả
Những gương mặt hồi hương vẫn tươi lóa mặt trời
Nay xa rồi – xa lắm mẹ hiền ơi !
Dòng năm tháng chảy qua đời tức tưởi
Như một chú cá rô quẫy mơ chiều đứt lưới
Con bơi về… sông Vệ nước ngời xanh!”
(Sông Vệ – Nguyễn Ngọc Hưng)
Đỗ Thị Hồng Cúc