Dec 03, 2024

Tập thơ

Men Thu thơ Hà Thượng Nhân
Hà Thượng Nhân * đăng lúc 04:22:06 PM, Jan 05, 2024 * Số lần xem: 27666
Hình ảnh
#1

 

Ðôi Lời Trước Sách

Cuối năm 1990, tôi sang Mỹ. Bệnh thấp khớp làm cho tôi không ngồi, đứng được, chỉ có nằm. Giữa lúc ấy, do Võ Phiến giới thiệu, Huệ Thu đem đến cho tôi tập “ Sương Chiều Thu Ðọng ” tôi đọc xong, thực tình kinh ngạc. Trên nửa thế kỷ làm thơ, còn có một người thơ nào ở Việt Nam mà tôi chưa biết đến đâu ? Huệ Thu đối với tôi, chưa phải là một nhà thơ tầm cỡ. Thế mà nhiều câu trong Sương Chiều Thu Ðọng đã làm tôi phải sững sờ. Dù đang trên giuờng bệnh tôi vẫn đọc thơ Huệ Thu mê mãi. Tôi nhặt ra những câu mà tôi thích rồi tôi tự ý thêm vào hoặc hai, hoặc nhiều hơn, có khi đến 6 - 7 câu, coi như một sự “ nối điêu ” mà tôi gọi là Hòa Âm.
Sau này, bệnh thuyên giảm, tôi có nhiều cơ hội đi dự những cuộc mạn đàm văn chương và ra mắt sách. Do đó, tôi càng có nhiều dịp để gặp gỡ Huệ Thu hơn, và cũng do đó mà lòng cảm phục tài năng của nhau ngày một sâu đậm hơn.
Tôi đã xướng họa với Huệ Thu rất nhiều thơ. Tôi đã từng xướng họa thơ với rất nhiều người. Nhưng tôi vẫn không thích lối họa thơ đầy thù tạc này. Tuy nhiên, những bài thơ tôi xướng họa với Huệ Thu thì nó thoát khỏi mọi khuôn sáo. Tuồng như là tôi chỉ nương theo ý thơ của Huệ Thu mà phát triển ý thơ của mình. Thơ Huệ Thu đã giúp tôi một nguồn cảm hứng đặc biệt. Tôi tưởng như không còn xướng họa nữa. Ðây là những vần thơ sáng tạo đích thực.
Buổi chiều tôi theo lời khuyên của Bác Sĩ thường uống rượu chát - Huệ Thu cũng vậy. Một buổi tối, khi tôi đang ngà ngà say Huệ Thu gọi điện thoại lại. Người bạn thơ xin tôi một bài thơ, đúng một trăm câu viết cho Huệ Thu. Tôi biết đây lại là một trò chơi chữ. Tôi vẫn viết, nào ngờ thơ bay trên đầu ngọn bút. Tôi viết không ngừng, không nghỉ, không sửa chữa, nhìn đồng hồ, mới 45 phút đã viết xong. Sau đó ít lâu, cuộc chơi thơ lại tiếp diễn đến chục lần, lần nào cũng qua điện thoại, và lần nào cũng một trăm câu và viết trong lúc say, viết về Huệ Thu. Huệ Thu hỏi tôi một cái tên cho tập thơ. Tôi đề nghị là “ Men Rượu Tình Thu ”, Nhưng Huệ Thu muốn sửa lại là “ Men Thu ”. Tôi nghĩ đến một giai thoại: Vương Bột sau khi viết xong bài “ Ðằng Vương Cao Các Tự ” thường lấy làm đắc ý về hai câu thơ:

Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc,
Lạc hà dữ cô lộ tề phi

(Nước Thu cùng trời dài một sắc
Ráng chiều với cò lẽ cùng bay)

Vương Bột sang thăm cha làm thứ sử Giao Châu không may bị chết đuối. Hồn hóa thành một thứ chim, đêm đêm bay trên sông ngâm “ lạc hà dữ cô lộ tề phi / Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”, và hồn thường níu áo những văn nhân thi sĩ và hỏi hai câu này dở ở chỗ nào? Một hôm, có một lão ngư phủ - đương nhiên là thi tiên - cười lớn và bảo chim: Im đi! Thơ dở như thế mà cũng ngâm. “Thu thủy trường thiên nhất sắc, lạc hà cô lộ tề phi” là đủ rồi ! Cần gì thêm hai chữ cộng và dữ nữa. Chim nghe ra lấy làm thẹn. Từ đó trên sông không còn nghe thấy tiếng ngâm thơ nữa.

Có lẽ hai chữ Rượu và Tình của tôi cũng nằm trong trường hợp đó! Tôi thành thật cảm ơn người bạn thơ thông minh này.

Hà Thương Nhân
San Jose, mùa Thu 1998


*

Ta Viết Trăm Câu

Ta viết trăm câu chưa hả bút,
ta viết trăm bài chưa hả tay.
lòng ta khi đã vì tri kỷ,
thơ bỗng từ trong ngọn bút bay.
thơ ta như nước sông Hồng chảy
một sớm nhìn ra đã dẫy đầy.
thơ ta gió thổi trên triền núi,
hoa cỏ chiều Xuân bát ngát say.
ta không cần uống đủ trăm chén,
đã trắng trời xanh những đám mây.
ta gửi Men Thu cho bốn hướng,
cùng ta giở đọc tập thơ này...

Hà Thượng Nhân
San Jose,1999

*

*

Men Thu I
Gửi Tác Giả
Ðầu Non Mây Trắng

Nhớ Ðà Lạt ngậm ngùi cay đắng,
Từ ngàn năm mây trắng còn bay.
Ngàn năm vẫn tấm lòng này,
Mà sao trang sách thêm dày dặn thơ ?

Nhớ cô bé trước tờ giấy mới,
Nét mực xanh phơi phới ân tình
Trước song ai đứng một mình ?
Bên kia con dốc có hình bóng ai ?

Ðêm thao thức, thức hoài chẳng ngủ,
Nói là yêu, chưa đủ là yêu,
Ðứng ngồi, thôi sớm lại chiều,
Ngày xưa đãy gấm khăn điều vắt vai.

Hạt mưa nhỏ đường dài vô tận
Nghĩ đến người, vừa giận vừa thương.
Tại sao lại đứng bên đường ,
Tại sao thư viết lại vương trước nhà ?

Tại sao để người ta trông đợi,
Trong tấc gang vời vợi ngàn trùng !
Chao ơi ! Thương đến vô cùng,
Làm sao nói hết nhớ nhung hở người ?

Dù muốn khóc, vẫn cười giả lả,
Thiếu một người tất cả đều dư
Trời ơi chỉ mấy trang thư,
Mà sao nước mắt tuôn như thế này ?

Yêu là thế, đắng cay là thế,
Bỗng từ đâu một kẻ giữa đường,
Chưa hề nói đến yêu thương,
Mà rồi chung gối, chung giường chung chăn.

Cuộc duyên nợ bảy năm ngắn ngủi,
Buồn riêng ai, mà tủi riêng ai ?
Hồn người bên dưới tuyền đài,
Thấu chăng giọt lệ ngắn dài thâu canh,

Ðành uổng cả ngày xanh, tuổi trẻ,
Ly rượu buồn san sẻ riêng ta.
Thơ như máu, lệ mình pha,
Cửa thiền khép, mở cũng là riêng tư !

Thôi chân giả thực hư cũng một,
Ta ơi ta ! Dại dột chưa ta!
Vừa gần đã tưởng như xa,
Vừa qua đã tưởng như là cố nhân!

Khi Tổ Quốc muôn phần nguy khốn,
Yêu Quê Hương mà trốn Quê Hương .
Tự do chỉ có một đường,
Bốn phương chỉ có một phương thanh bình!

Liều má phấn lênh đênh biển cả,
Bao hãi hùng khó tả thành thơ.
Thương Kiều chân vướng bùn nhơ,
“ Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu ”

Thân lưu lạc bắt đầu làm lại,
Chữ văn chương trót dại đa mang,
Nhưng rồi tất cả dở dang,
Trọng nhau càng trọng lại càng phải xa.

Con thơ dại tạm đà thành đạt
Ngẫm cuộc đời như hạt sương mai.
Thì về vun chậu bonsai,
Nuôi con anh vũ, gây vài cụm lan

Có cành liễu trước làn gió lạnh,
Có bông quỳnh hiu quạnh đêm trăng.
Có trong ly rượu bất bằng,
Chuyện nay lại cứ tưởng rằng chuyện xưa.

Có hoa dại xuân vừa chớm nở,
Có cỏ xanh hớn hở đường chiều.
Có người đãy gấm khăn điều,
Vắt vai thấy có rất nhiều thi ca.

Người sóng nước vào ra thư thái,
Sao lời thơ tê tái canh trường ?
Muốn thương mà chẳng dám thương,
Muốn yêu mà lại như dường ngẩn ngơ.

Rót ly rượu bất ngờ ướm hỏi,
Người nhìn ta vời vợi xa xăm.
Ðâu vì một chút tiếng tăm ?
Hình như duyên nợ ngàn năm vẫn chờ !

Ôi ! Vườn Nhật bây giờ mới biết,
Lòng chúng mình tha thiết vì nhau.
Chia nhau chung một nỗi đau,
Nắm tay chung một mối sầu cổ kim.

Tưởng tri kỷ chỉ tìm, khó thấy,
Một cuộc đời biết mấy nắng mưa.
Hỏi anh, anh đã hiểu chưa ?
Hỏi em, em tóc cũng vừa chớm xuân.

Lại cứ rót mấy tuần rượu chát,
Lại vì nhau bát ngát thơ xanh,
Và em, và nữa lại anh,
Bỗng dưng ta lại hóa thành trẻ thơ.

Nhớ từng phút, ngẩn ngơ từng phút,
Mỗi chia tay heo hút đường về.
Chưa từng thốt một lời thề,
Suối tương tư ấy đã kề cạnh ta.

Em nếu trước vốn là tiên nữ,
Thấy trần gian còn chữ yêu thương.
Ta từ nửa kiếp tơ vương,
Thử liều sợi chỉ văn chương buộc mình.

Mây hết trắng lại xanh man mác,
Giọt sương trong lác đác vườn hoa.
Ngọc lan em ngắt tặng ta,
Nửa đêm sực tỉnh thiết tha nhớ người.

Người phone lại, người cười, người nhắc
Một trăm câu hứa chắc nghe anh,
Trăm câu với tấm lòng thành
Ðêm nay mộng hẳn là xanh bất ngờ !


Men Thu II
Gọi Là Chúc Tết
Người Thơ
Huệ Thu

Tết rồi ! Lại tết rồi đây,
một trăm câu giống lần say hôm nào !
thơ ta như nước tuôn trào,
lưng trời đổ xuống ào ào tưởng mưa.

Ta say đó ! Hay chưa say nhỉ ?
say không say thực chỉ tại mình.
hoa lê trắng điểm mấy cành ?
mặt hoa nào nép cho anh nhớ nàng ?

Truyện Kiều cũ lại mang ra đọc,
chữ tài tình ai học dùm ai ?
đó đây đường sá bao dài ?
núi sông mấy đoạn cõi ngoài mấy xuân ?

Với tay rót một tuần rượu nhạt,
cơn gió nào rào rạt ngoài sân ?
ngày xưa họ Lý cởi trần,
múa thanh kiếm gỗ thay vần thơ say.

Muốn bắt chước thả bay theo gió,
những vần thơ tưởng có mà không.
có ư ? Giữa khoảng mênh mông,
rượu chưa đủ để cho nồng tình xuân.

Tự nhiên nhớ vầng trăng năm ấy,
tự nhiên thương nắng cháy đường mòn.
ơ hay ! Trên lối cỏ non,
vó câu người cũ có còn tuyết in?


Sao đau mãi nỗi niềm nhân thế ?
ôi nương dâu bãi bể sự thường.
thì ngay giữa chốn nhiễu nhương,
sao chưa vẽ chữ yêu thương dùm mình ?

Xuân lại tới thình lình Xuân tới,
Xuân muốn say cùng với ta chăng ?
rượu chưa đủ ngấm chân răng,
lại nghe lá đổ tưởng rằng trời mưa !

Nhìn giọt nắng nghĩ trưa quá trễ,
khó như ai ngạo nghễ: rằng ta,
ngang tàng bướng bỉnh từ xưa,
đoạn trường thử chiếm vài tờ mà chơi.

Không thể được ! Cuộc đời còn bạn,
lại vẫn còn muôn vạn tri âm.
cớ chi giữa chốn cát lầm,
hơn nhau chỉ một chữ Tâm chân thành...

Xuân không có cây xanh cỏ biếc,
nhớ quê nhà tha thiết từng cơn.
rượu say còn biết gì hơn ?
biết rằng ở đó Giang Sơn còn người.

Giữa xiềng xích vẫn cười ngạo nghễ,
Hà Sĩ Phu là kẻ nào đây ?
gặp người ta sẽ nắm tay,
Kinh Kha hồ dễ một ngày hơn anh !

Không cần biết mắt xanh, mắt trắng,
càng đói nghèo, cay đắng càng cao.
xưa nay những bậc anh hào,
đếm xem thử có kẻ nào giàu sang ?

Uống đi bạn, Xuân đang trước cửa,
nghe đất trời sắp sửa bàn giao.
bạn thơ chẳng hiểu tại sao
đòi trăm câu để xếp vào trang Xuân,

Bạn thơ ạ ! Trầm luân chẳng mỏi,
thì trăm câu thử hỏi bao dài ?
ngày Xuân, muốn uống cùng ai,
làm sao đáy chén ngấm vài giọt sương ?

Ừ ra lẽ đoạn trường có thực,
nhớ ngày xưa Từ Thức lên tiên,
khi về cởi áo trước hiên,
bỗng thành người lạ ở miền thế gian !

Ta gõ chén, xô bàn mà hỏi:
khoảng trăm năm trong cõi ta bà,
mùa Xuân cùng với cỏ hoa,
sao không cứ mãi là ta, là mình ?

Sao sông núi lại thành cách trở ?
sao nắng mưa dang dở ngày đêm ?
sao đường lại cứ dài thêm ?
tại sao gió cứ bên thềm quẩn quanh ?

Ô ! Tri kỷ đã thành cổ tích !
ô ! Thơ ta có ích gì đây ?
mùi hoa nào đó thoảng bay
tưởng như hương sắc những ngày đã qua !

Xuân ! Xuân đó ! Xuân ta ! Xuân bạn !
ta mời ta hãy cạn chén này.
chúc nhau gì giữa cơn say,
chúc thơ như gió, như mây giữa trời.

Lúc muốn đến, chẳng mời cũng đến,
lúc muốn đi quyến luyến cũng đi.
chúc cho trước chén nhâm nhi,
gật gù: vẫn có Tử Kỳ, Bá Nha

Gần cũng có mà xa cũng có,
bạn của ta đây đó vô vàn,
dẫu không lớp lớp hàng hàng,
cũng thừa để viết trăm dòng tạ nhau .

Ngàn năm trước Giang Châu Tư Mã,
nghe tiếng đàn lã chã châu rơi.
truyện Kiều còn mãi với đời,
phải chăng cũng có cuộc chơi đáng tiền ?

Vậy thì hãy vì duyên bút mực,
thơ dù say thưởng thức dùm nhau !
hãy khen đủ một trăm câu,
người và ta vẫn trước sau một nòi

Ta đã viết giờ đòi người đó,
đòi tám câu cho có văn chương.
chẳng cần cứ phải luật Ðường,
miễn là vẫn đậm mùi hương Xuân nào !

Men Thu III
Chúng Ta Say

Ta đang uống rượu một mình,
Em phone lại hỏi giờ anh làm gì ?
Em ơi ! Em hãy uống đi,
Ðể nghe rụng cái say về với anh...

Ðể nghe trăng sáng mông mênh,
Mà ta, ta chỉ riêng mình cõi ta.
Cái gì gần ? Cái gì xa ?
Mùa Xuân hay lại đang là mùa Ðông ?

Em ơi ! Em có lạnh không ?
Ðội thêm mũ lạnh, cho lòng buồn thêm.
Hai tuần nằm bệnh triền miên,
Tưởng như chén rượu pha thêm men nồng.

Em còn thương nhớ đấy không ?
Còn nghe sương rụng giữa lòng ngọc lan ?
A ! Ðêm ! Ðêm chửa kịp tàn,
Ngày chưa thấy sáng vội vàng đã quên.

Sá gì chén rượu làm duyên,
Mềm môi lỡ uống hóa nên tội tình
Phải thơ là của chúng mình,
Con chim nào ngủ trên cành sầu đông ?

Em về em có thấy không ?
Lòng ai buổi ấy giờ trông võ vàng.
Tự nhiên rót rượu hỏi rằng:
Tại sao lại gọi nhau bằng cố nhân ?

Trời ơi một tiếng tri âm !
Ngàn năm hồ dễ đã lầm được nhau ?
Ðến như hoa cỏ còn đau,
Nữa là thương nhớ trước sau phũ phàng.

Này em có biết đá vàng,
Mênh mông sông nước Tràng Giang có sầu ?
Ta về đâu ? Ta ở đâu ?
Ta còn thuộc nổi những câu thơ Ðường ?

Ta còn giữa chốn tuyết sương,
Nghe ca dao rót Quê Hương vào lòng ?
Có buồn không ? Có nhớ không ?
Sao ta lại chẳng cạn chung chén đầy ?

Tóc thưa rụng xuống bàn tay,
Ta mừng vẫn có những ngày bên nhau.
Thời gian gỗ đá còn đau.
Tấm lòng vô hạn, nỗi sầu vô biên.

Ba nghìn chén rượu, ba nghìn,*
Ðứng trên ngọn sóng rót nghiêng chén mời.
Ngàn xưa từng có những người,
Ngàn sau ngó lại giữa đời là ta.

Vỗ bàn tay, lựa khúc ca,
Trăm năm ngoảnh lại phỏng là bao nhiêu ?
Tiếng phone gọi lại buổi chiều,
Tự nhiên háo hức những điều trẻ thơ.

Tự nhiên ta cũng không ngờ,
Bao nhiêu chìm nổi bây giờ còn ta.
Còn người tình đứng từ xa,
Thấy tà áo trắng bay qua thẫn thờ.

Thấy lòng rộn rã, ngu ngơ,
Rồi mong rồi đợi rồi chờ rồi vui.
Trăm câu ! Dẫu một cuộc đời,
Yêu nhau rượu biến thành lời nhớ thương.

Uống đi em ! Hãy nói rằng,
Giờ này hai đứa uống bằng nhau đây !
Có trăng ta rót rượu đầy,
Thiếu trăng ta rót cả mây vào lòng...

Rót vào nỗi nhớ niềm mong,
Cho mùa Xuân vẫn bềnh bồng tóc em.
Cho ta một phút lãng quên,
Hình như sông Khúc* ai trên lối về.

Thì ra nợ rượu bề bề,**
Ta may hơn bạn, chưa hề nợ ai !
Em ta uống đã mấy chai ?
Ta không kề cạnh để nài em say,

Ta nhìn ta hỏi thế này:
Trần Vương tiệc ấy đặt bày chẳng vui***
Lấy tay gõ trống thay lời,
Ta mời mặt trống uống vài hớp suông.

Tự nhiên trống cũng hết buồn,
Tự nhiên bạn hữu ta còn đông thêm.
Bạn như mây đến bên thềm,
Cây bonsai lả cành mềm đòi say !

Cây quỳnh giữ mãi bàn tay,
Cỏ cây xúm xít vui vầy bên ta.
Lại con cá chép lững lờ,
Lại con chó nhỏ ngẩn ngơ đòi vào.

À ! Vui ! Vui đến thế sao,
Khi vui thì có thứ nào chẳng vui.
Em tôi rượu có hả mùi ?
Ta còn uống nữa hay thôi hở mình ?

Rượu kia chẳng có tội tình,
Nếu như thiếu vắng thì thành vô duyên.
Chẳng xa mấy dặm sơn xuyên,
Nhắc phone quay số là liền gặp nhau.

Trăm năm chung một nỗi đau,
Xóa làm sao được mối sầu thế gian ?
Tiệc sông Xích Bích đã tàn,
Câu thơ ngày ấy muôn ngàn còn đây.

Lũ ta trước đã thế này,
Thì nay lại lấy cái say làm tình.
Khi buồn ném chén bất bình,
Khi vui bỗng thấy chúng mình Trích Tiên.

Cái say chẳng phải mất tiền
Trăm câu vừa viết tự nhiên lại buồn.
Hỏi sông suối có về nguồn ?
Phù vân mở ngõ sao còn ở đây ?

&&&
* Khúc Giang: thơ Ðỗ Phủ
** Tửu trái tầm thường hành xứ hữu- Ðỗ Phủ
nợ rượu thì ở đâu cũng có
*** Tức Tào Thục, con Tào Tháo

Men Thu IV

Hong Ngọn
Lửa Tình Cho Ấm Cỏ

“Hong ngọn lửa tình cho ấm cỏ,
Hỏi hoa có nở tới Thiên Thu? ” *
Hỏi thơ có được bao người đọc ?
Có những ai còn nhớ Nguyễn Du ?

Nhớ như nhớ khúc Tân Thanh cũ,
Mà đọc ngàn sau vẫn Ðoạn Trường.
Mây Trắng Ðầu Non ta chợt hỏi ?
Cuộc đời đãợ mấy lớp phong sương ?

Ta không chìm nổi, không đau đớn,
Giở đến thơ người vẫn ngẩn ngơ.
Người có ướp buồn trong chữ nghĩa ?
Sao nghe lạnh buốt mấy tầng thơ.

Ta thương tài tử trong thiên hạ,
Cái lụy văn chương chẳng một ai.
Ví thử uống chung ly rượu đắng,
Ngoài trời lạnh trắng một bông mai.

Bông mai nở muộn ta thầm hỏi
Có nợ duyên gì giữa chúng ta ?
Nếu nợ làm sao mà trả được,
Mà duyên năm tháng cũng phôi pha !

Người ơi giữa đất trời lưu lạc,
Sao tưởng mình như tuổi thiếu niên.
Có phải sông Lam người thuở trước,
Riêng vui vườn Trúc mái Thanh Hiên...

Thanh Hiên ! Tên của ai vừa đặt ?
Ta có là ta của thuở nào ?
Những thuở nắng hè như đổ lửa,
Con chuồn chuồn đỏ đã bay cao.

Mưa bay những tháng năm vừa lớn,
Giấc mộng si mê vẫn chẳng tàn.
Em ngắt ngọc lan, anh ướp mộng,
Một đời thơm mãi mộng hoa lan !

Có ai trên biển Ðông ngày cũ,
Nghe sóng trùng dương khóc nghẹn ngào ?
Sóng bạc đầu dâng chiều phẫn nộ
Cõi đời ngủ lịm giấc chiêm bao !

Có ai ? Còn có thơ ai đó ?
Lưu lại ngàn sau mối hận này !
Xin hãy đốt lên trăm ngọn nến,
Rượu nồng cho hả một cơn say.

Người mời ta uống. Ta mời bạn,
Bạn chẳng xa nhưng cũng chẳng gần.
Ly rượu vừa nâng chưa kịp uống,
Ðã nghe mờ mịt ngõ phù vân ?

Phù vân ngõ nếu vì ta mở,
Xin thắp dùm cho đốm lửa thiêng.
Ðể thấy trăm năm dù cõi mộng,
Còn ta, duy chỉ một ta riêng.

“ Hong ngọn lửa tình cho ấm cỏ,
Hỏi hoa có nở tới Thiên Thu ? ”*
Hỏi em có nghẹn niềm oan khổ,
Có tắt cùng nhau lửa hận thù.

“ Ở đó dấu chân và dấu lệ ”*
Xa gần nhòa nhạt những cơn mưa
“ Tiếng chuông rung mỗi lần ta thở
Mắt nhắm mơ hồ một giấc trưa ”*

Uống say rượu hết còn hơi ấm *
Còn bóng hình ai sống giữa thơ ?
Còn buổi dưới trăng nhìn đắm đuối,
Giở trang lưu niệm khóc tình cờ !

Người lại lên non đứng cúi đầu,
Thơ tình gom lại mấy ngàn câu.
Một câu duy nhất người quên viết:
“ Anh ở đâu và em ở đâu ? ”*

Ở đâu giữa chốn Ta Bà ấy ?
Mấy chữ vô thanh lạnh cõi bờ.
Giữa chốn vô ngôn ta muốn viết
Câu kinh vô tự nghĩ là thơ.

Thơ ta chẳng biết trăm năm tới,
Ai kẻ vì ta thức trắng đêm ?
Và hỏi ngày xưa người ấy nhớ,
Có như ta nhớ gọi tên em ?

Ôi ! Lầu Hoàng Hạc chơ vơ đứng,
Còn một bài thơ giữa gió mưa,
Còn lại trên sông vần vũ khói,
Tiếng quê nghe đã não lòng chưa ?

Có ông Lý Bạch âm thầm đọc,
Chưa kịp nghiêng bầu đã tưởng say.
Ta viết làm sao thơ được nữa,
Một khi Thôi Hiệu có thơ này !

Phục nhau đến thế ư tri kỷ ?
Người tự xưng mình vốn Trích Tiên.
Ta đọc thơ người ta cúi mặt,
Thơ người như một nỗi oan khiên.

“ Ðất không sông núi thành trơ trẽn,
Người chẳng phong trần khó có duyên ”**
Người bởi phong trần đà sạm mặt,
Thơ nghe ai khóc đó triền miên !

Ta viết trăm câu chưa hả bút
Năm bài chưa đủ nói cùng ai.
Rằng thưa: tri kỷ tìm đâu dễ ?
Sao chẳng yêu nhau một chữ tài ?

Sao chẳng đem thơ làm gió bão,
Thổi vào xác chết chữ thương yêu ?
Thổi vào những cõi hoang vu lạnh,
Ðốm lửa bình minh sóng thủy triều ?

Ta bắt chước người hong ngọn lửa,
Cho hoa nở mãi đến Thiên Thu.
Cho thơ nở mãi cùng năm tháng,
Cho sáng vầng trăng giữa ngục tù.

&&&

* thơ Huệ Thu
** Ðịa vô sơn thủy phi kỳ khí
Nhân bất phong sương vị lão tài
Tam Nguyên Trần Bích Lan

*

Men Thu V

Huệ Thu
Qua
Ðầu Non Mây Trắng

Ðầu Non Mây Trắng, Xuân Ðà Lạt,
Liệu có còn ai để nhớ thương ?
Mây trắng, ở đâu mây chẳng trắng,
CaLi mây trắng mấy mùa sương.

Trắng từ Ðà Lạt bao năm trước,
Vẫn trắng bây giờ đất tạm dung.
Ta đọc thơ người, ta bỗng nhớ,
Bỗng nghe lòng lạnh, bỗng rưng rưng.

Ðang giữa mùa Xuân lại tưởng Thu,
Tưởng đâu lũng nắng khói sương mù.
Có nàng thiếu nữ buồn như gió,
Tóc hững hờ bay như lá khô.

Em tưởng bao năm, tưởng đã quên,
Mà sao sương vẫn trắng triền miên ?
Trắng trong ký ức trong tâm tưởng,
Người vẫn ngồi đây, gió lại lên !

Gió đã lên rồi em nhớ ai ?
Tóc còn xanh đó, lược chưa cài.
Mái Tây hoa lý vườn xưa rụng,
Vẳng tự ngàn xưa tiếng thở dài.

Cây quỳnh năm cũ buồn như liễu,
Như nhớ mùa Xuân thuở học trò.
Thuở mực tím nhòe trang sách mở,
Nhìn ai cuối phố đứng ngu ngơ.

Em về vui với chậu bonsai,
Góp cả Thu Ðông, cả đất trời.
Góp cả trăm năm vào huyễn mộng,
Ðường xa bao dặm nhớ bao dài ?

Ôi ! Từ Lầu Hạc chơ vơ đứng,
Em nhớ làm sao nắng Hán Dương !
Anh Võ cỏ xanh nghe lớp lớp,
Ở đâu tìm ngọn khói Quê Hương ?

Ở đâu còn chút tình lưu luyến ?
Một tiếng mo cau rụng cuối vườn.
Cứ tưởng tiếng ru xưa vẳng lại,
Không đâu sao cứ ngẩn ngơ buồn !

Em đọc Ðường Thi ngắm lại mình,
Ca dao, ai ghé nón bên đình ?
Ai khăn điều đó ? Ai qua đó ?
Trúc mọc bờ ao trúc vẫn xinh...

Trúc vẫn xinh trồng ở xứ người,
Trúc vì ai đẹp ? Trúc nào tươi ?
Không còn cái thuở mưa Ðà Lạt,
Tiếng guốc âm thầm, tiếng guốc ai !

Tiếng guốc xa rồi, tuổi trẻ xa,
Mùa Xuân đứng lặng một mình ta.
Muốn vin cành liễu chờ nhau lại,
Mới đó, trời ơi ! Ðã vội xa.

Xa lắm, phải không em lớp Sáu ?
Có còn nhớ chị đó không em ?
Chị Thu của những ngày thơ ấu,
Lưu bút ngày xưa thử giở xem.

Biết bao dâu bể, bao chìm nổi,
Lòng vẫn nguyên lòng buổi chớm xuân.
Một khoảnh vườn con trời đất hẹp,
Hồng nhan sao cứ phải đa truân *

Bà Ðoàn Thị Ðiểm là ai đó ?
Lòng cũng buồn như chính Huệ Thu.
Chinh Phụ, Khúc Ngâm ai bảo học ?
Ðể mưa ướt mãi mảnh trăng lu ?

Lại nữa Xuân Hương, lại Nguyễn Du
Nguyễn Du lại cũng một vần Thu ?
Phải rằng tài tử trong thiên hạ,
Thăm thẳm đau cùng một kiếp thơ ?

Bà Huyện Thanh Quan, hỡi Tiểu Thanh,
Ta từng nghe lạnh tuổi vừa xanh.
Ngày nay tóc đã buồn sương muối,
Vẫn tưởng người như cũng chính mình.

Vẫn cứ thơ người mình đã thuộc,
Thơ mình hậu thế có ai xem ?
Hỡi ơi ! Chén rượu chờ trăng sáng,
Lý Bạch là ai nữa Trích Tiên ?

Em viết Ðầu Non Mây Trắng đó,
Khi không vang dội đáy lòng ta.
Tri âm hoặc có trong thiên hạ,
Cũng đỡ buồn cho bọn Bá Nha.

Ta chẳng Tử Kỳ, không Bá Nhạc **
Thì đời đâu hết Bá Nha đâu.
Ta không đọc thấu thơ người viết,
Sao đổ từng cơn giọt lệ sầu ?

Ta biết chữ duyên và chữ nợ,
Biết thơ, biết khúc Ðoạn Trường xưa.
Biết rằng trong cõi mù sương ấy,
Có giọt tình như những giọt mưa !

Em dù chẳng viết thêm gì nữa,
Ðọc chỗ không lời vẫn thấy thơ...
Là bởi cứ nhìn đàn cá lội,
Ðủ say trời đất buổi hoang sơ.

Ðầu Non Mây Trắng mây nào đó ?
Có phải mây lòng em đó không ?
Ðà Lạt mùa này mây có trắng ?
Nhìn xem, trời đất vẫn mênh mông...

Ta như hạt cát sông Hằng ấy,
Ướp ánh trăng vàng một thuở xa.
Giở đọc Ðầu Non khi ngoảnh lại,
Hóa ra mình chẳng phải là ta !

Hóa ra trong cõi vô cùng tận,
Một kiếp cô đơn lạnh dị thường !
Mây trắng ngàn năm mây vẫn trắng,
Còn lưu lại đó chút văn chương...

&&&

* Thiên địa phong trần
hồng nhan đa truân
** Bá Nhạc là tên
một người có tài xem tướng ngựa

*
Men Thu VI

Ðâu Rồi
Chiếc Lá

Ðọc xong Lục Bát Huệ Thu
tưởng nghe tiếng võng mẹ ru ngày nào.
đằm đằm hương vị ca dao,
tình Quê Hương bỗng ngạt ngào trong ta.

Thật gần mà cũng thật xa,
ở đây vẫn tưởng còn là Việt Nam .
tưởng nhìn thấy ngọn khói lam,
bay trên mái rạ chiều chan chứa chiều.

Tưởng như tuổi trẻ chơi diều,
chẳng sao cũng cứ ít nhiều nhớ thương.
người không làm chuyện văn chương,
lời thơ giản dị bình thường tự nhiên.

Bát canh mẹ nấu thật hiền,
thèm ơi ! Ðọt bí, hoa hiên trước nhà.
người về chi hỡi người ta,
gừng cay muối mặn có là nhớ nhau ?

Hãy ra nằm giữa vườn sau,
nửa khuya một chiếc mo cau rụng về.
hãy trông công việc bộn bề
tiếng ca ai nổi bên lề hoàng hôn ?

Bỗng dưng lại cứ bồn chồn,
phải vì sông nước núi non quê mình ?
ai đi ngả nón bên đình,
có còn nhớ đến chút tình của ai ?

Ðêm khuya bấc lụn, canh dài,
ngoài hè lá có bay vài mảnh trăng ?
ngày đi trúc chửa ra măng,
ngày về măng đã cao bằng ngọn tre.

Giữa trưa uống bát nước chè,
tóc hương bồ kếp thoảng nghe gió Nồm.
thơ như những buổi chiều hôm,
vòng tay của mẹ còn ôm đến giờ.

Có bao giờ tới Cô Tô,
mà sao sông nước Ngũ Hồ mang mang ?
có bao giờ tới đâu chàng,
mà sao chuyện kể có nàng bồng con.

Lâu ngày giữa chốn núi non,
có người hóa đá héo hon đợi chờ.
thơ người, đọc thật không ngờ,
làn mây, bóng nắng cũng ngơ ngẩn tình.

Ngàn sau ai nữa vì mình,
Ðoạn Trường viết khúc Tân Thanh não nùng.
lạ chưa ! Buồn đến vô cùng,
chẳng Thu sao đã trùng trùng heo may !

Tầm xuân đang độ vừa tay,
sao người không hái để bay tóc thề.
để ai trên bước đường về,
trăm năm còn nỗi si mê thuở nào.

Sương Chiều Thu Ðọng đấy sao ?
chẳng qua một giấc chiêm bao học trò !
hẹn hò đã lỡ hẹn hò,
cầm bằng buổi ấy chuyến đò sang ngang.

Mây chiều trắng, nắng mai vàng,
trong thơ ai nhắc đến chàng nữa đây ?
sao người lại chẳng cỏ cây,
sao trong khóe mắt lại đầy hạt sương ?

Ðọc thơ bỗng ngậm ngùi thương,
những câu lục bát tầm thường sao đau ?
nếu như ai đó mai sau,
có còn nói dối qua cầu gió bay.

Có còn khóc mướn thương vay,
có còn thao thức đêm ngày vì thơ.
có còn phút đợi, giây chờ,
che nghiêng vành nón giả vờ đã quên.

Ôi con bướm lượn vườn bên,
vàng màu hoa cải có bền không anh ?
đâu rồi chiếc lá em xanh ? *
tuy chưa kịp hái đã thành chuyện xưa.

Nỗi lòng thuở ấy phai chưa ?
ca dao ai hát giữa trưa vẫn nồng.
gió nào lại thổi đầy sông ?
soi gương tóc biếc má hồng là đây.

Xấp thơ lục bát tưởng dầy,
hóa ra còn nỗi buồn ngây ngất buồn !
khi về Ðà Lạt mù sương,
nhớ ơi ! Tuổi trẻ con đường cheo leo !

Nhớ ơi ! Ngõ trúc trăng treo,
còn ai bên cửa nhìn theo em về ?
tưởng đâu muôn dặm sơn khê,
cảnh xưa nay đã cận kề vẫn xa !

Ðọc người ta gặp lại ta,
gặp non, gặp nước quê nhà đêm đêm.
nhớ dù cho có nhớ thêm,
phút giây cũng thấy êm đềm tuổi xanh.

Quê người nhiều lúc buồn tênh,
mở thơ thắm thiết như mình với ta.
như là bước xuống vườn cà,
trèo lên cây bưởi hái hoa buổi nào.

Cám ơn người khúc ca dao,
cám ơn tiếng nói ngọt ngào Quê Hương.
dù xa muôn vạn dặm đường,
vẫn nghe Ðất Nước vấn vương bên mình.

Phải không sông núi đa tình ?
tiếng ca nào đó thình lình cất lên,
người dù còn nhớ hay quên,
vẫn thơ Lục Bát, vẫn bền tình Thu.

Nẻo xa sương xuống mịt mù,
nẻo gần mây thấp, tình như não nùng !
đọc ta, người có cảm thông ?
viết chi Lục Bát cho lòng ngẩn ngơ...


*

Men Thu VII

Ta Yêu
Mỗi Một
Chàng Thôi Hộ

Người đã xa ta ngàn dặm lẻ,
đêm nay thơ đọc để ai nghe ?
rượu không vì bạn mà say được,
trăng những ngày xưa vướng ngọn tre

Lá liễu vườn em xanh mấy độ ?
mái Tây hoa lý lạnh đêm nay.
ta vì em rót ba ly rượu,
cho đỡ buồn thêm đám cỏ gầy.

Cỏ cũng buồn như thơ chúng ta,
gió nào đuổi mãi đám mây xa ?
mây lầu Hoàng Hạc ngây mầu tuyết,
đất Trích Tầm Dương lệ có pha ?

Em ơi ! Vẫn có hoa đào thắm,
mặt ngọc dù cho khuất dặm ngàn.
Thôi Hộ vẫn còn thừa diễm phúc,
lời yêu lỡ thốt giữa trần gian.

“ Ta yêu chỉ một chàng Thôi Hộ ” *
câu nói này ghi giữa sử tình
bởi thế gió Ðông dù buốt giá,
vẫn bên thềm cũ nguyệt lung linh.

Vầng trăng em có thơ anh viết,
có bạn tài hoa vẫn nhớ mình.
vẫn có ngọc lan thơm tuổi mộng,
ôi màu hoa phượng tím trời xanh.

Màu xanh phượng tím Mễ Tây Cơ
có đủ cho ta lúc bấy giờ ?
ngơ ngẩn đứng nhìn Thu trước cửa,
sương bay theo gió thật tình cờ.

Xé mãi bài thơ vừa mới viết,
đang tay sao nỡ xé lòng nhau ?
nhưng mà càng xé thơ càng viết,
càng xé thơ càng thấm thía đau.

Em muốn làm mây giữa núi cao,
mây bay dừng lại ở nơi nào ?
phương nào thì cũng phương trời nhớ,
nỗi nhớ từng đêm vẫn ngọt ngào.

Em hỏi làm gì gió với sương ?
hỏi ai thì cũng hỏi người thương.
người về bên ấy kê tay lạnh,
thăm thẳm thơ như nỗi đoạn trường.

Anh gửi thơ anh, em nhận không ?
mực ai ngóng đợi ? Bút ai trông ?
sao em vuốt tóc bay vài sợi,
tưởng điểm trang rồi cũng uổng công.

Ừ nhỉ ? Trăng xưa còn vẫn đó,
người nay đâu thấy được trăng xưa ?
cuộc đời ngắn ngủi không hay có ?
sao phút chờ mong cứ vẫn thừa ?

Ngàn triệu năm rồi vẫn chúng ta,
vẫn còn lụy mãi nghiệp tài hoa.
bao giờ áo lụa em bay mỏi,
đẫy gấm anh chào tự nẻo xa.

Chiều chiều biết có nhớ chiều chiều,
núi chẳng cao bằng một chữ Yêu
nên núi dẫu che, chàng vẫn đó,
nụ cười anh đẹp biết bao nhiêu !

Nụ cười và cặp mắt si mê,
mây thả dùm em mái tóc thề.
gió nhắn dùm em, em nhớ hết,
lòng em từ đó vẫn gần kề.

Bởi vậy thơ anh dầu chẳng viết,
mà sao em vẫn thuộc từng câu.
hình như anh viết bao nhiêu nữa,
cũng vẫn là mình thương nhớ nhau !

Anh ngồi dưới ngọn đèn cô độc,
muốn uống, ai mời chén rượu say ?
muốn hát như ngàn xưa họ Bạch,
che đàn thuyền rộn gió heo may.

Người đọc Ðường Thi đọc Sở Từ
đọc rồi lòng lại bỗng tương tư.
thương cô em bé bên trường học,
vở chép bài, không, chỉ chép thơ.

Cô bé lớn lên dài tuổi mộng,
tóc dài cho mỏi bước chân theo.
tài ba cô bé thành thi sĩ,
trăng sáng đầu Thu trước cổng treo.

Mấy chục năm trời dâu bể ấy,
thăng trầm chỉ đủ trắng bàn tay,
chỉ cho nhau thấm tình nhân thế,
chén rượu nồng thêm một vị cay.

Vị dẫu cay thêm, tình vẫn đượm,
vẫn chàng, vẫn thiếp, vẫn đôi ta.
chiều thu sương đọng từ năm ấy,
cửa kính sương chiều lệ vẫn sa.

Những câu mẹ hát ca dao cũ,
vẫn tưởng như là mới sáng nay.
vẫn tưởng Quê Hương chan chứa nắng,
rót dùm ly rượu để cùng say !

Ta say ta nhớ lời ai dặn,
một chút Men Thu lúc cuối đời.
ta viết gửi ai còn muốn hiểu,
giữa trường ảo hóa cuộc rong chơi.

Muốn hát, gõ thuyền ai họa lại ?
Tầm Dương người đẹp lệ như mưa.
áo xanh Tư Mã cùng chan chứa,
từ ấy lệ tình phỏng ráo chưa ?

Từ ấy tiếng thơ càng não nuột,
Men Thu, mình viết hỏi vì ai ?
nếu không vì chút tình tri kỷ,
thì phí trăm năm một chữ tài !

Thì phí bao nhiêu năm ngóng đợi,
chỉ Người ! Trân trọng lắm người thơ !
trăm câu, cho đến ngàn câu nữa,
nói hết làm sao nỗi bất ngờ ?

Người xưa một tối dài thương nhớ,
sực tỉnh sông Tương nước ngập bờ **
chẳng biết mưa chiều, mây sớm nữa ***
hoa mai trước của rụng bơ thờ ****

Ta giờ nâng chén mời ta uống,
em có vì ta uống đó chăng ?
rượu thấm môi chưa khi gió lạnh ?
bơ vơ đầu núi một vầng trăng !

Ta mời trăng nhé trăng ngàn thuở
trăng của mùa Thu, của bạn thơ.
ta có trăng như ta có bạn,
bạn ơi ! Bạn có biết ta chờ ?

Bạn ơi ! Bạn hãy vì trăng uống !
ta cũng vì em cạn chén này.
chia một vầng trăng hai mảnh uống,
ta say cùng với một trăng say.

&&&
*“ Ta yêu mỗi một chàng Thôi Hộ ”
thơ Huệ Thu
** Giác lai lệ trích tương giang thủy (Lý Bạch)
Tỉnh ra nước mắt tuôn đầy mạch tương (Tản Ðà dịch)
*** Bất tri vi mộ vũ hề, vi triêu vân
Tương tư nhất dạ hoa mai phát
Hốt đáo song tiền nghi thị quân (Lý Bạch)
**** Chẳng biết mưa sớm hay mây chiều
Tương tư một tối hoa mai nở
Chợt đến trước song lại tưởng em.

*
Men Thu VIII

Thôi Hộ Với Hoa Ðào

Hứng Trào ngọn bút thơ ta đó!
ta viết lòng ta em biết không?
trăm câu, dù có ngàn câu nữa
viết hết làm sao được nỗi lòng?

Viết hết làm sao tình một thuở?
dễ gì đời có một tri âm?
từ ngàn năm trước bao danh sĩ,
rượu đắng ly suông lệ rỏ thầm.

Nguyễn Du may gặp Xuân Hương đó,
quặn thắt lòng đau viết chuyện Kiều.
ông khóc thúy Kiều hay khóc bạn,
khóc cho đời lỡ một tình yêu.

Ca dao hãy đọc mà thương giúp !
dối mẹ qua cầu, dạ: gió bay (1)
đứt ruột đêm khuya đèn chẳng tắt (2)
đèn thương nhớ suốt những đêm dài.

Ðông Tây kim cổ còn ai nữa,
xem lại Kinh Thi có giật mình ?
yểu điệu trời ơi là thục nữ (3)
làm sao quân tử dễ làm thinh ?

Quan lớn Nguyễn Du ai nhớ tới ?
nhớ chăng mấy khúc Ðoạn Trường Thi.
trăm năm sống thác quay nhìn lại,
mấy lớp tuồng kia nghĩa lý gì ?

Ta bỗng có em, thơ bỗng mới,
dường như tuổi trẻ ở đâu đây ?
soi gương tóc bạc ta cười lớn,
sao dễ đền nhau mái tóc mây ?

Hoa đào không có chàng Thôi Hộ (4)
người đẹp còn ai nhắc tới nàng ?
ôi nhỉ ! Kiều Thu còn sống mãi (5)
trong vần thơ đẹp gã Hoàng Lang. (6)

A ! Vũ Hoàng Chương sao nhớ vậy
gác mây (7) gõ chén luận thi ca.
người về xứ Phật còn linh thể,
có nhớ ngày xưa lũ chúng ta ?

Có nhớ Ðông Hồ và Mộng Tuyết (8)
khi về xóm Phượng (9) chẳng còn ai.
ngày nay trên bước đường lưu lạc
rút ngắn làm sao những dặm dài ?

Những kẻ đi sau về trước cả,
những là Mai Thảo, những Y Vân
những tên Phùng Quán râu như cước
gặp lại nhìn nhau rượu lạt dần...

Ấy đó cuộc đời như thế đó,
quay về tất cả chỉ phù vân.
người xưa một thuở thư đòi đoạn,
đâu biết ngày nay gọi cố nhân.

Năm ba năm nữa ai còn mất ?
lúc ấy em nghe chớm tuổi già.
dâu bể em đâu cần nghĩ tới
khi ta gửi lại mối tình ta.

Ta vẫn trẻ hoài trong chữ nghĩa,
mất ta, còn lại những bài thơ.
những bài thơ đẹp như hoa cúc,
nở rực vườn mình một sớm Thu

Vẫn biết tài hoa lụy đến giờ,
tại sao em lại cứ làm thơ ?
một đi biết có ngày quay lại,
sông núi vì nhau ? Vẫn đợi chờ .

Em về, Ðà Lạt nhiều thay đổi,
mà núi sông nào có đổi thay !
sương đọng chiều thu, em ướt áo,
bức thư thuở ấy vội vàng bay.

Em ơi ! Những bạn xưa cùng khổ,
bán sách bên hè có nhớ nhau ?
có nhớ rượu ngang bên quán nhỏ ?
đêm đêm hiu hắt những cơn sầu .

Bây giờ gặp lại thành xa lạ,
buồn thấm men nồng lệ chứa chan,
mà lạ ! Lòng em nguyên vẹn thế !
lòng em trắng tựa đóa hoa lan.

Anh vẫn thương em tựa chính mình,
biết đâu Hồ Ðiệp mộng Trang Sinh (10)
biết đâu trong nỗi vô thường ấy,
thơ lại vì nhau lại hiển linh.

Rượu lại vì thơ bát ngát hương,
cuộc đời còn lại chút văn chương,
viết cho em đủ ngàn câu nhớ,
mỗi chữ hình như một vấn vương...
Chiều nay Xuân vẫn còn đang lạnh,
em lại phone về hỏi chuyện thơ.
anh ngậm ngùi buồn bên chén rượu,
niềm thương nỗi nhớ cũng bơ vơ !

Bơ vơ trong cõi vô cùng ấy,
lạnh buốt cô đơn một nỗi chờ.
mình gặp lại nhau trong tưởng nhớ,
cũng buồn mà cũng thật đơn sơ.

Em ơi ! Ly rượu mời đêm ấy,
chếnh choáng năm qua vẫn cứ nồng.
anh uống và anh nhìn ngoảnh lại,
hỏi rằng tri kỷ có hay không ?

Có hay không có, anh không biết,
chỉ biết lòng anh ấm lại rồi.
chỉ biết tự nhiên thương nhớ lạ
canh khuya tỉnh giấc dạ bồi hồi.

Ơi con sông chảy mãi về đâu ?
ta muốn vì em nhắn mấy câu.
dòng nước sông Thương trong lẫn đục,
ai chờ ai đó chốn Giang Ðầu ?

&&&

Yêu nhau cởi áo cho nhau
về thày mẹ hỏi, qua cầu gió bay (ca dao)
2. Ðèn thương nhớ ai mà đen chẳng tắt
mắt thương nhớ ai mà mắt đăm đăm
3. Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu
4. Nhân diện bất tri hà xứ khứ
đào hoa y cựu tiếu Ðông phong (Thôi Hộ)
5 . Kiều Thu, tên người đẹp của Vũ Hoàng Chương
tức Hoàng Lang (Bài Mười Hai Tháng Sáu)
7. Tên căn gác nơi Vũ Hoàng Chương ở
8. tên hai vợ chồng thi sĩ Ðông Hồ và Mộng Tuyết
đã mất.
9 . Xóm Phượng, xóm Ðông Hồ ở (tên do Ðông Hồ đặt)
10 . Trang Sinh tức Trang Tử, tên một hiền triết Trung Hoa.
Trang Sinh mộng hóa thành Hồ Ðiệp (bướm)

Men Thu IX

Bài Ca Tiễn Người
(tặng bạn thơ sắp lên đường viếng thăm Trung Quốc)

Ngay từ nhỏ khi đọc thơ Trung Quốc,
Vẫn mơ hoài hàng liễu đất Tô Châu.
Mây trắng bay lớp lớp lạc về đâu ?
Ta cứ tưởng hoa đào ngàn dặm đỏ.

Ta cứ tưởng mùa Xuân nào Thôi Hộ,
Tìm về thăm đã lạc bóng giai nhân.
Ðứng bơ vơ không tìm thấy mùa Xuân !
Chuyện giản dị như nắng mưa sớm tối,

Mà làm sao bỗng dưng lòng bối rối,
Như là mình trong cảnh ngộ ai xưa !
Ta mơ hồ nhớ lại những chiều mưa,
Ai tiễn bạn trên bờ sông Dịch Thủy ?

Ta chợt nhớ đến bài ca Tận Túy
Sở Bá Vương nghe tiếng sáo Trương Lương,
Cả ba quân ngơ ngẩn suốt canh trường
Những chuyện đó ta tìm trong sách vở

Nên vẫn ước : rồi một ngày nào đó
Mình sẽ về thăm lại nước Trung Hoa.
Chưa lần nào thấy nắng đổ chan hòa,
Trên ly rượu Tô Ðông Pha đã uống.

Ta vẫn thấy trên trời cao đổ xuống,
Sông Hoàng Hà soi kính tóc như tơ.
Ta bỗng nhiên lại nhớ đến bài thơ,
Trương Tiến Tửu ! Ngàn sau còn kẻ đọc.

Ôi Lý Bạch người không còn cô độc,
Chúng ta còn tri kỷ khắp muôn phương.
Ðọc Nguyễn Du thấy sông nước Tiền Ðường,
Những tên đất rất quen mà rất lạ.

Em sẽ đến Hàn San chiều cuối Hạ,
Nghe tiếng chuông trên bến cũ Tần Hoài.
Quạ kêu sương, sương đổ mái hiên ngoài,
Chén rượu cạn trăng hạ huyền lạnh lẽo.

Em có thấy như một điều kỳ diệu,
Là tại sao mình lại đứng nơi đây ?
Sông Trường Giang nước mắt chứa chan đầy,
Em sẽ đến trước đền thờ Tào Tháo.

Em sẽ khóc một thời làm gió bão,
Ngàn năm sau nấm cỏ xác xơ buồn !
Em ơi em, nước cứ đổ về nguồn,
Ta vẫn cứ là ta ngày trẻ dại.

Em có biết Khổng Minh dân áo vải,
Chỉ nằm dài trên xó núi Nam Dương,
Mà dựng nên một sự nghiệp phi thường
Sông Xích Bích mùa Thu năm Nhâm Tuất

Trăng như mộng bốn bề xanh bát ngát,
Rượu và thơ rung động mãi lòng nhau.
Nghe em đi, anh bỗng tự dưng sầu,
Anh chợt nhớ tiếng chầy xưa đập vải.

Những thiếu nữ dưới đêm sương mê mải,
Ðến bây giờ còn nhớ gái Tây Thi.
Xứ của Liêu Trai, xứ của Hồ Ly,
Của nhóm Thất Hiền sống trên rừng trúc.

Cả của bọn giang hồ Lương Sơn Bạc,
Xứ của thi ca, xứ của Bạo Tần,
Của những người hảo hán Mạnh Thường Quân.
Trăng vẫn chiếu trên Trường Thành đấy nhỉ ?

Tiếng Trụ Vương mê nụ cười Ðắc Kỷ.
Ðến mà xem lồng lộng bến Cô Tô,
Dìu giai nhân đi du ngoạn Ngũ Hồ,
Chưa có cuộc tình nào hơn thế nữa !

Ôi Trung Quốc, ta chưa hề đến đó,
Mà thân quen như mảnh đất Quê Hương.
Nghe mùa Thu hiu hắt bến Tầm Dương,
Lệ Tư Mã đã đổ vì son phấn.

Em thử đến Ðồng Tước đài một bận,
Thỏa những ngày nằm đọc chuyện Chu Du.
Em có nghe Hồ Dzếnh nói Tô Châu,
Từng lớp lớp Phù Kiều nằm bảng lảng.

Những cô gái cười như trăng chợt sáng,
Liễu còn xanh trên những dặm đường dài?
Sen còn thơm như những bước chân ai,
Em có nhớ đường đi lên đất Thục ?

Em có gặp ngọn gió mùa Tây Vực,
Khi Lý Lăng nằm chết ở quê người ?
Về Thiên An thăm một chút em ơi !
Ðể thấy máu sinh viên đang réo gọi,

Chúng cấm nói nhưng sinh viên vẫn nói.
Ðè tự do dưới xích sắt xe tăng,
Có còn chi ghê tởm nữa cho bằng ?
Ta muốn được cùng em vào tửu điếm,

Uống chén rượu hoàng hoa không dễ kiếm,
Ðọc bài thơ Hoàng Hạc líu lo cười.
Muốn cùng em đi dạo khắp muôn nơi,
Vào thiền viện nghe hồi chuông đổ muộn.

Nghe sương sớm trên cành cây gió cuốn,
Chợt nhớ ra: mình đang ở Trung Hoa.
Sao văn chương toàn những chữ thiết tha,
Mà thù hận vẫn đầy trong sử sách ?

Sao đã có những người như Lý Bạch,
Lại còn sinh bọn quỷ dữ họ Mao ?
Gái Hàng Châu nghe nói mắt như sao,
Bom đạn vậy vẫn còn nguyên mới lạ.

Thế mới biết chỉ tình yêu, người ạ !
Chỉ tình yêu sống mãi với thời gian.
Chỉ thi ca truyền hơi thở nồng nàn,
Cho cuộc sống không còn gì tẻ nhạt.

Khi về nước, hãy ghé thăm Ðà Lạt,
Giữ trong tà áo mỏng chút hương xưa.
Ðứng trên đồi nhớ lại, dẫu dư thừa,
Những sợi tóc ngày xưa không còn nữa.

Men Thu X

Thú Quê
Thuần Hức Bén Mùi

(hôm nay được bạn thơ HT đãi món cá kho riềng
và rau muống luộc)

Từng đi khắp Năm Châu
vẫn nhớ đĩa cà mặn
nhớ những thứ không đâu
nhớ những lời mẹ dặn:

Ăn phải biết trông nồi *
ngồi phải cần trông hướng.
bánh đúc chỉ bẻ đôi,
đã coi là nghiệp chướng **

Còn nghèo khổ nào bằng ?
vẫn gia đình đông đúc.
vẫn có một vầng trăng,
cài trên đầu ngõ trúc.

Vẫn có người ngâm thơ,
bên chén trà điếu thuốc.
vẫn có những bàn cờ,
dưới đèn khuya điểm nước.

Bây giờ ở Hoa Kỳ,
cháu con không hiểu được.
những cánh chim thiên di,
vì tự do độc lập.

Tản mát khắp địa cầu,
chúng ta mừng gặp nhau
vì thi ca, nghệ thuật,
cùng chung một niềm đau.

Ta viết ngàn câu thơ,
để tạ lòng tri kỷ.
ta chẳng thể nào ngờ,
có ngày trên đất Mỹ

Ta lại gặp người thơ,
tài hoa đến kinh ngạc.
ta lại quên đầu bạc,
canh khuya buồn ngẩn ngơ.

Có những bông ngọc lan,
ướp thơm ngàn trang sách.
có ánh trăng lan tràn
trên quãng đường xa cách.

Ta rót ly rượu nhỏ,
mà thương cho chính mình.
ngoài hiên nghe nỗi nhớ,
phảng phất giữa cây quỳnh.

Cây quỳnh, cây quỳnh đó,
nhìn cây quỳnh bỗng dưng,
nhớ chiều Thu đầy gió,
gió đầy trời rưng rưng...

Ta mang chậu quỳnh về,
có quỳnh như có bạn.
những buổi chiều lê thê,
mây đầy trời tán loạn.

Ta đem rượu cùng uống,
trên lá quỳnh thật xanh,
giọt sương nào rỏ xuống ?
giọt lệ nào long lanh ?

Ta nhớ hoa rau muống,
trắng bờ ao trước nhà
ta đã qua sông Ðuống
thơ Hoàng Cầm thiết tha.

Ta đã ở Bắc Ninh,
hát trắng đêm Quan Họ.
cô gái xinh thật xinh,
giải lưng xanh đầu ngõ.

Người thích ai đẫy gấm,
trong ca dao ngày xưa.
lời chào là trái cấm,
bỗng dưng trời lại mưa...

Có phải ở Ðà Lạt
chỉ có một mùa sương ?
hỡi ơi ! Là sợi tóc,
một thời còn vấn vương !

Sợi tóc còn sót lại,
thời gian không ngừng trôi.
cái màu đen thuở ấy,
nhắc lại vẫn bồi hồi.

Em cầm lên sợi tóc,
cắn nát tuổi thơ ngây.
ta nhìn em muốn khóc,
nói với nhau gì đây ?

Em còn những bài thơ,
người gần xa vẫn đọc
ta tại sao bất ngờ,
suốt canh khuya trằn trọc !

Cuộc đời dẫu phù du
vẫn còn nhiều tri kỷ
mùa Thu ơi ! mùa Thu,
xanh trên cành phượng vỹ.

Chiều nay bưng bát cơm
bên đĩa dưa quê mẹ
phảng phất một mùi thơm,
của những ngày tuổi trẻ.

Chiều nay khúc cá kho,
mặn mòi em có biết,
giữa trang sách học trò,
những lời thơ chưa viết.

Người xưa chán cao lương,
nhớ bát canh rau đắng.
chợt nhớ bài Hồ Trường,
giữa buổi chiều bảng lảng.

Ví như có kiếp sau,
ta lại làm thơ nhớ
ta lại trải lòng nhau
ướp chung sầu thiên cổ.

Ta viết ngàn câu thơ
gửi cho ngàn năm tới
ánh trăng xanh không chờ
trước hiên nhà vời vợi...

@
*Thuần Hức : Thuần là rau rút
hức là ngòi nước nhỏ ở trong ruộng
* nghĩa là phải ý tứ, nếu nồi cơm ít thì
phải biết ăn đói đi một chút để nhừng cho kẻ khác.
** em mà bánh đúc bẻ ba
mắm tôm quẹt ngược cửa nhà anh tan (ca dao)
bánh đúc là một thứ làm bằng bột gạo,
đó là một thứ quà rẻ mạt
thế mà ăn bánh đúc (mà bẻ đôi bẻ ba,
nghĩa là ăn miếng lớn) chấm với mắm tôm
đã có thể làm cho cửa hàng anh chồng sạt nghiệp.
Ðủ hiểu gia sản của anh chồng nghèo đến mức nào.

Hà Thượng Nhân

* ********

Tạ Tri Âm

Ơi người con gái tài hoa,
Ở đời đã dễ ai mà hơn Thu!
Chồng nhảy dù, học nhảy dù,
Bonsai cũng học, chơi trò bon sai.

Không chịu kém thua ai một bước,
Cũng chẳng thèm bắt chước một ai.
Sống như cây cỏ sơ sài,
Ðam mê chưa có một người như em...

Nhìn bề ngoài dịu hiền tha thiết,
Nhưng thực ra cương quyết vô cùng.
Không bằng lòng cái chung chung,
Dọc ngang những muốn vẫy vùng biển khơi !

Biết phải biết đến nơi đến chốn,
Bao gian truân nguy khốn coi khinh.
Tự tin, mình biết lấy mình,
Làm sao họ khỏi bất bình được đây ?

Người cứ đứng như cây thông thẳng,
Gió bay qua gió chẳng vô tình.
Miên man trong cõi vô hình,
Phải vì Ðà Lạt với mình cố tri ?

Nào triết lý An Vi Kim Ðịnh,
Nào thi ca ngâm vịnh mỗi ngày.
Khi vui rượu rót tiệc bày,
Bạn bè họp mặt, càng say càng hào.

Ta nhớ tới buổi nào Lý Ðỗ,
Rượu lưng vò, ngồi vỗ thuyền ca.
Mênh mông trăng sáng bao la,
Thú vui trời đất đãi ta vô cùng.

Tuy chẳng phải khơi trong gạn đục,
Cũng không phường dung tục áo cơm.
Hái hoa ướp lấy hương thơm,
Mặc cho cái bọn người rơm giở trò.

Chim hồng nhạn bay vù ải Bắc,
Ðàn gà con túc tắc kiếm mồi.
Miễn no, miễn đủ thì thôi,
Ðợi ngày vặn cổ bỏ nồi là xong.

Người tuy sống trong vòng trần thế,
Mà an nhiên như thể tu hành.
Cưỡi bò, dắt ả cốm chanh,
Lên chùa, Uy Viễn đã đành nho gia.

Không câu nệ miễn là thảng thích,
Tâm miễn thành, mục đích miễn cao.
Ðời nhìn ngứa mắt, xôn xao,
Nhưng người chẳng thể khuôn vào nếp xưa.

Người không hiểu hay chưa thể hiểu,
Vẫn hồn nhiên như kiểu Man Nương.*
Lòng riêng chỉ biết yêu thương,
Ðời riêng chỉ lấy văn chương làm tình.

Từ tấm bé đắm mình trong mộng,
Lời mẹ ru lồng lộng ca dao.
Tiếng ru rớt tự thuở nào,
Những câu lục bát rót vào lòng ta...

Trèo cây bưởi, hái hoa em nhớ,
Cây trúc xinh đứng đó một mình.
Vì tình cởi áo cho tình,
Qua cầu hoặc áo thình lình gió bay !

Ai đẫy gấm chiều nay qua cửa,
Ðèn nhớ ai sắp sửa tàn canh.
Chao ơi ! Sông nước hiền lành,
Nhớ sao, mà nhớ bát canh quê nhà !

Thơ lục bát gần ta biết mấy,
Ðọc thơ lên như thấy quê hương.
Man Nương ơi! Hỡi Man Nương,
Cám ơn người nhé ! Con đường Việt Nam.

Ðất Ðà Lạt núi lan cảnh mộng,
Sao sinh người năng động như Thu ?
Ngay còn đang lúc tuổi thơ,
Ngu ngơ nhưng thứ ngu ngơ khác thường...

Hỏi mẹ đến tận tường mọi thứ,
Tại sao mây lại cứ bay hoài ?
Ai treo mây lại không rơi,
Tại sao trời nắng rồi trời lại mưa ?

Sáu bảy tuổi nhà đưa nội trú,
Ðứa bé thơ ru rú buồn sao.
Một mình thui thủi ra vào,
Nhớ ơi giọng nói ngọt ngào anh em...

Hay cha mẹ cứ xem như bỏ ?
Gái kiểu chi, cứng cổ cứng đầu !
Lòng riêng sớm tủi, tối sầu,
Mà ai có thấu cho nhau bây giờ ?

Cứ như thế bơ vơ lạc lõng,
Quyết vươn lên hùng dũng một mình.
Thà làm một thứ cá kình,
Là người: chẳng có ai mình chịu thua,

Cám ơn nhé ! Làm thơ làm bằng lệ,
Bằng vô vàn xiết kể thương đau.
Ðọc nhau thêm ngậm ngùi nhau,
Tài hoa mối lụy trước sau buộc mình.

Bước lưu lạc thình lình quen biết,
Người muốn ta thử viết về người.
Nhìn nhau ta lặng lẽ cười,
Ngắt bông lan trắng xinh tươi tặng lòng.

Ta tự hỏi ở trong thiên hạ,
Biết lấy gì mà tạ tri âm ?
Thơ ta chỉ một chữ tâm,
Dù cho gió bụi cát lầm thản nhiên.

Ta đâu dám người hiền giữa chợ,
Ðọc thơ ai hớn hở đêm ngày.
Chia vui cùng với ai đây ?
Thơ là nghiệp dĩ, rượu say vì người.

@

* HT còn bút hiệu Man Nương

***

Chỉ Là Men Thu

Thơ lúc trẻ chán chường bi phẫn,
tuổi trẻ ta cùng quẫn vậy sao ?
đời dù là giấc chiêm bao,
trăm năm lại có lẽ nào xem khinh ?
nay tóc bạc thình lình ngoảnh lại,
nhớ những năm trẻ dại ngông cuồng.
sống chưa thực, dám buông tuồng,
chẳng qua mấy chén rượu suông canh tàn,
nhục đất nước ruột gan lửa đốt,
nghĩ đến người khí cốt trượng phu.
những mong liều sức đuổi thù,
râu mày thẹn với cơ đồ tổ tiên.
rồi đất nước triền miên súng đạn,
bạn bè thêm dày dạn phong trần.
riêng mình dừng bước phân vân.
ở đâu cách mạng ? Ðâu cần chúng ta !
nói nhân nghĩa chẳng qua lừa bịp,
nói hy sinh có dịp giàu to.
chết vì một chữ tự do,
là thôi ! Lỡ cả chuyến đò hoa niên.
ta chẳng phải người hiền thuở trước,
giữa ban ngày đốt đuốc tìm ai.
chẳng mong bước tới thiên thai,
chỉ mong gặp được một vài tri âm.
sống chỉ lấy cái tâm làm trọng,
gửi ngàn sau mấy giọng tiêu tao.
cuộc đời thế chẳng đẹp sao ?
lựa là cứ phải anh hào thần tiên ?
chẳng cầu cạnh, chẳng ưu phiền,
miễn sao lòng cứ an nhiên là mừng.
người đừng hỏi cũng đừng thắc mắc,
chuyện thị phi nào chắc đúng sai.
trời ban cho một chữ tài,
không dùng đem bán cho ai bây giờ ?
thì ta lại làm thơ vì bạn,
kẻ đồng tâm chán vạn gần xa.
nếu người chịu khó đọc ta,
trăm muôn ngàn chữ chỉ là Men Thu .

Hà Thượng Nhân



***
*

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.
Tưởng Nhớ Thi Lão Hà Thượng Nhân
Có ai trên biển Ðông ngày cũ,
Nghe sóng trùng dương khóc nghẹn ngào ?
Sóng bạc đầu dâng chiều phẫn nộ
Cõi đời ngủ lịm giấc chiêm bao !
HTN