Nhân mấy ngày nghỉ lễ, các bạn cũ tha thiết gọi tôi về họp lớp, vậy là cả nhà tôi tranh thủ "bay" lên Đà Lạt. Ban đầu dự định đi máy bay để có nhiều thời gian hơn với Đà Lạt nhưng thú thật, đi Đà Lạt mà không để con tim tội nghiệp hồi hộp khi xe bò chầm chậm lên những dốc đèo quanh co, uốn lượn thì mất đi cảm xúc ban đầu.
Xe qua đèo Preen, cái lạnh "ấm áp" se se quyến rũ quyện với mùi thông thơm mát khiến nội cảm dâng trào vì sắp được trở về chốn cũ, đường xưa.
Đà Lạt vốn là thành phố của hoa, của hồ, của suối, của núi mộng đồi mơ... thành phố của thơ, của nhạc, của tình yêu và nỗi nhớ.
Khí hậu mát dịu trong lành là đặc ân mà Tạo hóa ban tặng cho Đà Lạt. Cảnh quan là nét hấp dẫn rất riêng của Đà lạt với những quần thể kiến trúc độc đáo, lãng mạn của những kiến trúc sư người Pháp và Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Vì thế, ngay từ buổi ban đầu nó đã thành Hoàng triều cương thổ, là nơi nghỉ mát nổi tiếng rồi.
Buổi chiều, cái nắng hanh vàng còn vương, để con ở khách sạn, tôi lần bước lững thững theo những con dốc thanh vắng. Người Đà Lạt có cái thú đi bộ, vừa thả hồn mơ mộng vừa để nạp năng lượng cho cơ thể. Tôi tìm về chốn cũ đương xưa. Con đường Đinh Tiên Hoàng có ngôi nhà tuổi thơ thần tiên của tôi. Con đường thoai thoai dốc rất yểu điệu và trữ tình, một bên là nhà, một bên là Đồi Cù. Con đường cả một thời hoa niên đã cùng tôi tung tăng đến trường. Con đường mà có khi mỗi sáng chỉ có mỗi mình tôi nhịp bước... Tự nhiên tôi thích ngân nga mấy câu hát của nhạc sĩ Từ Huy "Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi, cho tôi tìm lại một thời ấu thơ".
Đồi Cù đây rồi! Ngày ấy là thảm cỏ xanh như nhung, mênh mông thoáng đãng, những hàng thông cổ thụ vươn cao soi bóng xuống mật hồ Xuân Hương, reo vi vu trong gió. Vậy mà giờ đây rào chắn lại rồi. Đồi Cù khởi thủy là sân golf 9 lỗ, nay được cải tạo thành 18 lỗ cũng không có gì lạ. Nhưng ngày nay người dân không còn được thong dong dạo gót nữa rồi. Cây thông mà tôi trồng ngày xưa biết có còn tình tự nữa không(?) Làm sao tôi có thể quên, năm lớp đệ lục cả bọn 5 đứa rủ nhau cúp cua chui lỗ rào của trường (BTX) đi qua Đồi Cù chơi, xuống thung lũng nơi có cái ao nho nhỏ, chỉ vì mê mấy cái bông súng mà cởi giày, xắn quần, vén áo dài lom khom bước xuống giành nhau hái hoa. Vừa bước xuống thì hỡi ôi, tiếng thất thanh: Lún! Lún! Lún bùn rồi. Một bạn bị lún tới đ�
��u gối. Sau đó thì sao nhỉ... Sợ quá, bèn chui vào bụi... nhờ bạn vò giúp cho hai ống quần, phơi trên vạt cỏ nắng, đợi khô cả bọn mới dám kéo nhau về.
Nắng chiều lặng tắt, lòng rưng rưng nỗi niềm tiếc nuối, bỏ hai tay vào túi áo cho đỡ lạnh, tôi tiếp tục bước trên con đường yêu thương, con đường của dĩ vãng cuộc đời và tìm về ngôi trường Nữ Trung học Bùi Thị Xuân. Bỗng cổ tôi nghèn nghẹn: Ngôi trường nữ duy nhất xưa kia của thành phố sương mù nằm trên triền dốc thoai thoải, tĩnh lặng, trang nghiêm, giờ đã khuất sau những nhà hàng, khách sạn cao tầng!
Trên đường Bùi Thị Xuân, tôi ghé thăm người bạn cũ, ba của bạn cho biêt: Đà Lạt bây giờ tốc độ xây nhà nhanh gấp nhiều lần so với trước và tăng hai ba lần về độ cao. Khách sạn, nhà nghỉ mọc lên như nấm trong khi cơ sở hạ tầng cấp thoát nước chưa hoàn chỉnh. Chỉ riêng đoạn đầu đường Bùi Thị Xuân (hướng hồ Xuân Hương lên), nếu vừa đi vừ nói chuyện, vô ý sẽ lọt chân xuống cống, nhất là trẻ con, vì hầu như nắp cống nào cũng bị vỡ. Muốn tránh thì phải đi dưới lòng đường. Thế mà đoạn đường này nhà hàng, khách sạn, quán ăn lại san sát. Có lần, KTS Hoàng Đạo Kính, trong bài "Nghĩ về Đà Lạt" có viết: "Thế là cơ thể nhuần nhị đã tan vỡ, sự thống nhất trọn vẹn bị suy suyễn, có lẽ là mãi mãi". "...Hễ các tài nguyên cùng bị xâm phạm là t��
�ng thể trọn vẹn, mệnh danh là Đà Lạt tan vỡ". Khi đọc, tôi khóc và buồn mấy ngày liền. Cho đến một hôm trên báo Tuổi Trẻ đăng bài về cây cầu sắt ở Đơn Dương bị cưa, chặt đem bán phế liệu, lúc đó nhóm cựu nữ TH Bùi Thị Xuân chúng tôi đang họp để chuẩn bị ra mắt cuốn Đặc san Hoa Tâm, khi nghe tin, mọi người không ai nói với ai câu nào - lòng chùng xuống như một phút mặc niệm.
Tôi đến thăm một người bạn là viên chức nhà nước. Nhìn căn nhà mặt tiến đường với diện tích khoảng 500m2; nhà nằm ở giữa, bốn phía đều trồng hoa, cây kiểng, cây ăn trái (không mang nguồn lợi kinh tế) và một khoảnh rau xanh để cải thiện bữa ăn, tôi e dè hỏi bạn: Sao không cắt bớt đất bán, xây nhà cao tầng? Vị hôn phu của bạn trầm ngâm giây lát rồi nói: Đó là phong cách sống của người Đà Lạt. Rồi như để trêu tôi, bạn tôi đọc hai câu thơ của Nguyễn Khuyến: "Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ / Người khôn người đến chốn lao xao".
Tôi biết nói gì hơn là gật gù thán phục.
Ngày cuối, tôi đến Thung lũng Vàng, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 12km. Nơi đây - tôi thực sự tìm lại chút tĩnh lặng cho tâm hôn. Hèn chi mà tôi thấy đặt tên cho từng khu vực rất thơ, nào là: Nẻo về của ý, Suối Tứ linh, Đồi thông reo... Ở đây tha hồ ngắm đủ loại kỳ hoa dị thảo lung linh khoe sắc. Men theo con suối, tôi leo lên tận đỉnh đồi cao nhất, đặt lưng nằm trên thảm lá thông khô, nghe tiếng suối róc rách qua khu rừng đầy hoa thơm cỏ dại. Cả rừng thông vươn cao,trầm tư, tĩnh mặc.
Bất chợt tôi thầm nghĩ, nếu một tương lai Đà lạt không còn giá lạnh như bây giờ vì rừng bị đốn phá triệt hạ, thông ngày càng thưa dần, những tòa biệt thự duyên dáng chẳng còn ẩn mình e ấp dưới tán thông, thử hỏi du khách có còn náo nức tìm về hưởng chút bình yên, thơ mộng nữa không (?)Riêng tôi, dẫu những tòa nhà lỗ chỗ dọc ngang có phá đi cảnh quan đô thị vốn có thì cũng đâu thể làm mờ nhạt hình ảnh con người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch "đi không vội, ăn không nhanh, nói không to". Đà Lạt dẫu sao vẫn đẹp đến nao lòng để khi nghĩ về lòng mãi bâng khuâng.
"Ngàn thông ơi ở đó đón gió tà
Và giữ lại chuyện đời ta đi mất
Bước khúc khủy truông ngàn khe khóc lóc
Dặm mơ màng tăm tắp mấy mù khơi" (BÙI gIÁNG)
DTHC