(Truyện ngắn của Nguyễn Thành Giang)
Quán cóc ven đường vừa dọn cũng là lúc Vũ làm xong một chai rượu và con mực nướng. Bà chủ nhìn hắn ái ngại rồi hỏi:
- Chú có về nhà được không vậy? Khuya lắm rồi đó!
Hắn cười:
- Cảm ơn chị, em còn đạp xe đi suốt đêm được.
Rồi hắn lên xe. Chiếc xe đạp loạng choạng mấy vòng rồi cũng đi thẳng được trên đường. Tiền rượu, tiền mồi thì Vũ đã trả trước rồi. Hắn quen như thế. Giờ thì bắt đầu “cuộc rong chơi xuyên màn đêm”.
Vũ có cái thú đạp xe suốt đêm, vòng vòng Tam Kỳ, có hồi ra Quán Gò, có hồi xuống biển Tam Thanh, có hồi vào tới cầu Bà Bầu. Nhất là những khi có chuyện buồn, thêm chút rượu vào, hắn đạp xe trên đường như theo quán tính hay như có ai đó lái giùm. Cũng nhiều lúc giật mình, hắn thấy lạc giữa những con đường đất, những xóm làng xa lạ. Tiếng chó sủa đuổi theo từng vòng bánh xe. Vậy là ráng hết sức mà đạp thiệt nhanh cho ra đường cái lớn để tìm lối về.
Đêm ni, Vũ không có ý định đạp lang thang xa. Trong đầu, hắn vạch ra con đường xuống cầu An Hà, xuống thẳng luôn một đoạn nữa chưa tới biển rồi đạp về. Cả ngày hắn đi xin việc. Bữa trước, Vũ đã cùng thằng bạn thân cùng lớp đem hồ sơ lên Nông Sơn, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My, v.v.. nhưng chỗ mô họ cũng lắc đầu nói hết chỉ tiêu. Giờ, với cái bằng Cao Đẳng Sư phạm Ngữ văn loại Khá trên tay, với chiếc xe đạp cà tàng, với bộ đồ không được mới cho lắm, hắn cầm hồ sơ đi tới phòng Giáo dục - Đào tạo, khắp các trường THCS trong nội thành cũng như ở các huyện lân cận. Hầu hết các vị có thẩm quyền ở các phòng, các trường đều nhìn chiếc xe hắn đi, nhìn bộ đồ hắn mặc trước khi cầm vào bộ hồ sơ bằng ánh mắt nghiêng nghiêng, rồi buông một câu khá kinh điển: “Em thông cảm, đã hết chỉ tiêu môn Văn. Em thử đến nơi khác xem. Bảng điểm em tốt đấy, chắc sẽ sớm tìm được chỗ thôi.”
Duy chỉ có một vị làm hắn thấy cảm phục vì “chân thật với người khác và chân thật với chính mình”. Vị này cầm hồ sơ lên rồi giơ 3 ngón tay ra. Hắn lắc đầu không hiểu. Vị chân thật hơi nhăn mặt, rồi nói: “Còn một suất, nhưng phải mất 30 triệu chi phí em à”. Tự dưng lúc ấy hắn nghĩ ngay đến câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều : “Có ba trăm lạng việc này mới xong”. Cụ Tiên Điền tài thật! Hắn bật cười. Vị kia chắc đến giờ cũng vẫn không hiểu vì sao một thằng sinh viên oắt con mới ra trường mà nghe nói 30 triệu lại cười ngon lành như vậy.
Cầu An Hà đã ở trước mặt. Hắn thấy hơi mệt. Thôi kệ, dắt bộ lên dốc, vừa đi vừa ngắm cảnh cũng vui. Nhưng kìa, có cái gì đó không bình thường trên thành cầu. Hình như một dáng con gái đang cố gắng trèo lên. Cô đã bỏ được một chân qua phía bên kia. Chết cha, con bé ni tự tử rồi. Hắn bỏ xe đạp, lao về phía thành cầu, nắm một cánh tay người con gái giật lại, vừa la lên: “Nè em, đừng dại thế. Tự tử ở đây không chết đâu. Anh nói thiệt. Cần thiết anh chỉ chỗ nào dễ chết hơn cho mà nhảy”. Mà hắn nói thiệt. Hắn biết một thằng thi Đại Học năm đầu rớt, đã nhảy cầu An Hà ni ngay chỗ kia thôi. Khi nghe cái “bủm” một phát, thấy mình chạm vào nước, thằng chả mừng vì thể nào cũng được chết vì uống nước no. Nhưng nó không thể nào ngờ được rằng dưới chân cầu An Hà luôn có một đội quân tiêm chích vô gia cư. Bọn này ngoài cái tật xấu là hút chích, ăn trộm, đánh nhau, còn biết cứu người nữa. Chúng cử 1 thằng bơi ra, kéo nó vào, xốc nước, đốt lửa lên sưởi ấm cho nó. Một thằng lên cầu dắt xe đạp của nó xuống. Vậy là ở với chúng một đêm, sáng đạp xe về. Chết không được.
Con bé cứ dùng dằng để mong thoát khỏi tay Vũ, hoàn thành ước nguyện đi theo ông bà của mình.
- Anh thả tui ra. Để tui chết đi cho rồi!
Vũ sững lại. Giọng nói ni quen lắm. Hắn ghé mắt sát mặt con bé. À, Nguyệt con bà Hà cùng xóm với hắn đây mà. Hồi nhỏ, Nguyệt hay sang nhà hắn chơi lắm. Hai anh em thường tìm những chùm dủ dẻ, từng con bồ rầy quanh lối rào. Có những chiều hè cùng chăn trâu, thả diều ngoài đồng. Nhưng rồi dòng đời cuốn cả hai vào vòng xoáy liên hoàn. Vũ xuống phố, quay cuồng trong chuyện học hành, trong những lo toan của đứa con trai duy nhất làm trụ cột của gia đình. Ba mẹ hắn đã cắm mặt xuống ruộng cả một đời mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Hắn quyết tâm học một cái nghề vừa có lương ổn định, vừa thật cao quý. Đó là nghề giáo viên. Nguyệt thì nghỉ học sớm, làm giày da ở khu công nghiệp. Rồi ba năm trước, hắn nghe nói Nguyệt lấy chồng. Người ta đồn lấy thằng ấy đánh vợ như cơm bữa. Chịu không được, Nguyệt phải bỏ về nhà mẹ.
Hắn lớn giọng:
- Nè Nguyệt. Chồng con ở nhà không lo, ra đây nhảy cầu làm chi? Rủi chết rồi răng?
Lúc này Nguyệt như bừng tỉnh, quay ngoắt lại nhìn Vũ. Nhanh như chớp. Hắn trườn tới, bồng Nguyệt bỏ xuống đường rồi thở phào 1 cái. Cô đứng dậy, bỗng ôm lấy Vũ, khóc nấc lên:
- Anh Vũ ơi, em khổ quá.
Vũ bỗng thấy sợ. Chồng Nguyệt dữ lắm. Rủi nó đi tìm vợ, thấy được cảnh ni thì một cái xương mình cũng bể làm mấy miếng. Chết mẹ. Hắn vừa đẩy từ từ Nguyệt ra, vừa hỏi:
- Em đi bộ xuống tới đây hả? Thôi để anh chở em về. Về chứ không ba mẹ lo, con em nữa.
- Không, em muốn chết. Anh cứ để em tìm chỗ nào đó chết cho rồi. Em không có nhà để về...
Vũ cúi xuống, hơi ngạc nhiên:
- Sao vậy em? Em vẫn ở với ba mẹ mà?
- Nhưng càng ngày ba mẹ cứ chửi em là đồ ăn hại, hàng xóm lại cứ bàn ra bàn vào. Mà mẹ con em ăn hại thiệt. Em làm khu công nghiệp có triêu rưỡi mà tiền ăn uống, thuốc thang, gửi nhà trẻ của thằng cu đã tốn 2 triệu bạc rồi
- Rứa thằng chồng em đâu?
- Hắn bỏ luôn mẹ con em rồi. Không gửi 1 đồng coi thử...
Vũ bắt đầu thấy trong người nóng ran lên:
- Sao hồi trước em đồng ý lấy nó?
Nguyệt im lặng khá lâu, rồi vừa nói vừa khóc:
- Em bị hắn lừa vào nhà trọ, cưỡng bức rồi có bầu, rồi phải đồng ý cưới. Con gái nhà quê đâu biết chi đâu anh. Có con rồi, nó đánh em như chó. Nó còn thách em viết đơn ly dị, nó ký liền
Hai tay Vũ bóp chặt lại:
- Vậy tại sao thay vì viết đơn ly dị, em lại đi tìm cái chết?
- Em nghĩ đến con trai mình anh ạ. Dù răng thì hắn cũng là cha thằng bé. Em không muốn sau này lớn lên, nó mang tiếng là con không cha. Miệng đời ác nghiệt lắm anh ạ...
Đến lượt Vũ im lặng. Không gian vùng cầu như dừng hẳn lại. Vũ thấy thương Nguyệt quá, một tình thương xuất phát từ chỗ nào hắn cũng không rõ. Hắn nghĩ về đời mình, về đời Nguyêt. Rồi lấy hết bình tĩnh, hắn nắm lấy tay Nguyệt:
- Nè, chừ nghe lời anh. Mai em làm đơn ly dị đem về cho chồng em ký. Rồi ra tòa, trình bày tất cả các tình tiết từ khi cưới nhau về. Sau đó, anh sẽ nói ba mẹ đem trầu cau qua hỏi cưới em, sẽ là ba của con em. Đồng ý không?
Nguyệt run run giọng:
- Anh đừng đùa giỡn với em. Tội nghiệp em lắm. Dù sao em cũng đã là gái một đời chồng, có con. Còn anh là trai tơ không hà!...
- Ui trời. Tơ với nái chi. Em không nghe họ nói “Gái một con trông mòn con mắt” à. Thôi khuya rồi. Ngồi lên anh chở về.
Chiếc xe đạp lại quay đều những vòng bánh về hướng đường Hùng Vương. Có lẽ cũng hơn 12 giờ rồi. Phố phường không còn bao nhiêu âm thanh hỗn tạp nữa. Mọi thứ im lặng. Vũ và Nguyệt cũng vậy. Chợt Nguyệt khẽ vỗ vào tay hắn:
- Nè anh, mà nếu cưới em về, anh định mình làm chi?
- Em làm rau, làm cải phụ giúp ba mẹ. Anh vay tiền mua mấy con bò, đào ao nuôi cá, khoanh vườn nuôi gà. Không giàu cũng đủ ăn. Em đừng lo.
- Chứ em nghe nói anh học Sư phạm, gần đi dạy rồi mà?
Vũ lại cười:
- “ Có ba trăm lạng việc này mới xong”
- Anh nói gì vây?
- À! Anh đọc câu thơ cho vui ấy mà. Mai em viết đơn, đem về cho chồng ký nghe. Còn giờ, nhanh về ngủ 1 giấc.
Nguyệt im lặng. Chiếc xe đã lăn trên con đường bê tông lồi lõm dẫn vào xóm. Bóng tre, bóng bạc hà dưới trăng như muốn hòa vào nhau. Tiếng chó sủa ma cầm canh đâu đó vẳng lại từng hồi thê thiết. Nguyệt chợt vòng tay, ôm chặt lấy Vũ. Lần đầu tiên trong đời có một người đàn bà ôm hắn như thế...
***
2 giờ 15 phút sáng
...Tiếng chuông điện thoại đánh thức giấc ngủ ngắn ngủi của Vũ. Hắn mới chợp mắt được khoảng hơn tiếng đồng hồ chứ mấy. Thời gian này hắn thường mất ngủ. Quái lạ! Trước khi lên giường, hắn đã cài chế độ im lặng rồi mà. Hắn sờ soạng tay với lấy điện thoại. Màn hình trắng toát, không có số người gọi đến. Vũ dụi mắt một lần, hai lần. Kệ, cứ nghe.
- A lô! Xin lỗi ai lại gọi vào giờ này vậy?
Đầu dây bên kia vang lên một tiếng con gái rất trong trẻo, nhưng nghe xa xăm và lành lạnh.
- Loan đây mà. Vũ phải không?
- Ừ, Vũ đây. Mà Loan nào vậy nhỉ!
- Loan quê Quảng Ngãi đây. Mới 3 năm không liên lạc mà đã quên nhau nhanh thế ?
Vũ bóp trán suy nghĩ. A! Cô bạn mà hắn đi tìm suốt chỉ bằng 1 cái nick “dakhucbuon_dhyh”, một cái tên Loan và quê Quảng Ngãi đây. Hắn tươi hẳn lên:
- Nhớ ra rồi! Lâu quá. Giờ Loan ở đâu? Làm gì vậy?
Im lặng khoảng 5 giây, bên kia rồi cũng lên tiếng, giọng trầm hẳn:
- Nhận được tin nhắn qua Yahoo của Vũ và biết số điện thoại của Vũ, mình liên lạc ngay để Vũ yên tâm. Giờ mình mong... được tâm sự cùng Vũ lắm.
Vũ nói liền:
- Khó gì đâu. Mai lên mạng gặp nói chuyện vô tư. À, mà Loan sử dụng dịch vụ giấu số à?
- Không. Mình đang nói chuyện trực tiếp với Vũ bằng sóng điện từ, nhờ hệ thống điện thoại di động
Hắn cười:
- Đừng đùa như thế chứ. Đâu có ai siêu việt đến mức đó!
- Có, người chết. Mình đã chết 3 năm rồi.
***
Chỉ cần nghe đến đó, Vũ như cảm giác có 1 luồng điện chạy xuyên qua người, dọc sống lưng. Bản năng khiến cái điện thoại rơi khỏi tay hắn, chạm vào giường cái bịch. Thì ra nãy giờ hắn nói chuyện với một người đã chết. Ba năm qua hắn cũng đi tìm một người đã chết. Ôi trời!
***
Vũ quen Loan 4 năm trước, một lần tình cờ chat với nhau trên Yahoo. Hắn lúc ấy như người đi trong vô định, không chí hướng, không mục đích. Lấy chat và game làm bạn qua ngày. Rồi nói chuyện với Loan, hắn thấy lòng đỡ trống trải, hiểu thêm nhiều điều. Loan thường khuyên nhủ Vũ, kể những câu chuyện về cô cũng như những gì có thể làm Vũ thấy ấm lòng. Họ thân nhau từ đó. Vũ nhớ Loan kể rằng cô quê ở Quảng Ngãi, nhà ở Bình Dương, thích ban nhạc Bức Tường và ước mơ cháy bỏng nhất là đậu vào Đại Học Y Huế...
Rồi đúng tháng 7 năm 2007, lúc Vũ vừa thi xong Đại Học lần 2 cũng là lúc mất liên lạc với Loan. Không 1 lời tạm biệt, cô bạn ra đi như ánh sao băng vụt qua bầu trời đêm. Đã bao lần, Vũ lục lọi trên hệ thống tìm kiếm Google, trên Website của trường Đại Học Y Khoa Huế để mong có 1 thông tin chỉ đường tìm đến cô bạn đặc biệt ấy. Cũng không biết bao lần Vũ gửi tin nhắn trên Yahoo, nói rõ: “Vũ cần gặp Loan gấp” kèm theo số điện thoại của mình. Song, tất cả đều rơi vào im lặng.
***
Cái điện thoại trên giường vẫn đổ chuông từng hồi, từng hồi. Vũ sực tỉnh ra. Trong thâm tâm, không biết nên nghe hay không. Rồi hắn lại run run cầm máy lên. Vẫn tiếng nói trong trẻo và xa xăm :
- Sao vây? Vũ sợ Loan à? Sao ai cũng sợ Loan hết vậy? Loan cũng như ngày nào mà?
Rồi trong điện thoại chợt òa lên tiếng khóc ai oán đến rợn người. Và tiếng nói đứt quãng chen vào:
- Hồi quen Vũ, mình đã bị ung thư giai đoạn cuối. Gia đình nghèo... còn mấy đứa em nữa... Ba mẹ thì cứ đòi phải chạy chữa cho hết... Mà hết sao được... Cuối cùng.. mình đã nhảy sông tự tử...chấm dứt sự đau đớn và dằn vặt... Ba năm mới được cho lên trần... chỉ có thể liên lạc với mọi người nhờ từ trường thông qua điện thoại... Vậy mà... từ ba mẹ... ông bà, anh chị em cho đến bạn bè... ai nghe cũng hoảng hốt, không nói với Loan câu nào cả. Vũ cũng vậy sao?
Hắn không biết làm sao. Đêm lạnh nhưng mồ hôi hắn vã ra ướt cả áo. Lấy hết bình tĩnh, hắn cất giọng:
- Mình hiểu cảm giác của Loan bây giờ. Nhưng thôi, mình nói thiệt lòng, Loan nên tìm chỗ nào trú ngụ hoặc đi đầu thai đi. Mỗi con người có một số phận. Duyên phận của Loan với trần gian đã hết, thôi đừng quyến luyến nữa. Vũ và tất cả người thân, bạn bè vẫn luôn quý trọng và yêu thương Loan như ngày nào thôi.
- Không, Loan không cam tâm. Loan vẫn chưa đạt được ước nguyện là bước vào trường Đại Học Y Khoa Huế, trở thành 1 bác sỹ chữa được bênh ung thư. Loan mất khi mới 16 tuổi Vũ biết không? Không thể nào bất công như vậy được! Loan sẽ gặp Vũ vào ngày mai, mình nói chuyện nhiều hơn nhé.
Màn hình điện thoại vụt tắt, kèm theo những tiếng dở, dở khóc nhỏ dần. Vũ liền kiểm tra ngay số vừa gọi đến. Trống không. Mặc dù đã coi lại đến mười mấy lần. Hắn tắt nguồn, tháo luôn pin ra. Rồi quấn mền lại thật kỹ, mong cho trời đừng sáng.
***
Quán ăn sáng thưa thớt người. Vũ cố tình ngồi vào góc khuất trong cùng. Bỗng một ông cụ già đi vào quán, chậm rãi ngồi vào cùng bàn với hắn. Cụ nói nhỏ, nhưng giọng nói thì Vũ nhận ra ngay là giọng tối qua trong điện thoại:
- Vũ phải thật bình tĩnh. Loan đây. Loan phải mượn xác ông cụ này vài giờ để gặp Vũ nói chuyện. Loan có nhiều điều cần tâm sự lắm...
Không cần nhìn lên ông cụ ngồi đối diện, hắn co chân vọt ra khỏi quán, lên xe đạp bán sống bán chết. Ông cụ đứng nhìn theo, sững lại, cười gằn một tiếng rồi đổ gục xuống nền quán.
Đi một đoạn khá xa, hắn nghe tiếng người xì xào:
- Có ông già xóm dưới nghe nói chết hồi khuya. Rồi sống lại. Con cháu ổng mừng lắm ...
***
Vũ mở choàng mắt. Câu nói : “Con cháu ổng mừng lắm” vẫn như còn vọng bên tai. Mồ hôi ướt đẫm. Vũ nhìn đồng hồ. Mới 2 giờ rưỡi. Vũ nhìn xuống xấp giấy trắng trước mặt. Vẫn chỉ có cái tên truyện Vũ ghi nắn nót từ tuần trước nhưng trăn trở hoài chưa viết nổi dòng nào. Vũ lạnh toát người khi nhớ lại cả câu chuyện dựng tóc gáy mà hắn vừa trải qua. Trong hắn bỗng đồng thời dào lên một cảm giác thật kỳ lạ. Hắn vụt hiểu rằng hắn đã có trong tay một truyện ngắn không phải tầm thường. Chà chà ! Nhưng mà hổng biết chép nguyên xi ra có in được hay không đây ? Hắn chợt giật bắn mình. Thế còn Nguyệt và các việc khác, thực hay là mơ ?
*** Nguyễn Thành Giang
Tổ 6, khối phố 2 phường Trường Xuân, Tam Kỳ, Quảng Nam
ĐT: 01225541886
Email: phonglan012002p@gmail.com