|
Đường thi Trung QuốcĐăng Kim-Lăng Phụng-Hoàng đài
#1 |
登 金 陵 鳳 凰 台
鳳 凰 台 上 鳳 凰 游,
鳳 去 台 空 江 自 流。
吳 宮 花 草 埋 幽 徑,
晉 代 衣 冠 成 古 邱。
三 台 半 落 青 山 外,
二 水 中 分 白 鷺 洲。
總 為 浮 雲 能 蔽 日,
長 安 不 見 使 人 愁。
李白
Đăng Kim-Lăng Phụng-Hoàng đài
Phụng hoàng đài thượng phụng hoàng du,
Phụng khứ đài không giang tự lưu.
Ngô cung hoa thảo mai u kính,
Tấn đại y quan thành cổ khâu.
Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại,
Nhị thủy trung phân bạch lộ châu.
Tổng vị phù vân năng tế nhật,
Trường an bất kiến sử nhân sầu.
Lý-Bạch
Dịch nghĩa :
Đến Kim Lăng viếng Phượng Hoàng Đài
Đài Phượng Hoàng cao,
phượng hoàng đã đến chơi
Phượng đi rồi, đài trở nên vắng.
Nhưng nước trên sông vẫn chảy bình thường
Cung điện triều Ngô hoa cỏ hoang che khuất
Áo mão y quan nhà Tấn trở thành một
gò đất cũ kỹ
Một nửa núi Tam Sơn như rơi ra ngoài
bầu trời xanh
Bãi Bạch Lộ chia sông ra làm hai dòng chảy
Tất cả cũng vì đám mây trôi nổi
che mất mặt trời
Không thấy được kinh thành
Tràng An khiến người buồn.
|
Dịch:
Lên đài Phượng-Hoàng ở Kim-Lăng
Phượng-Hoàng đài, phượng đến chơi,
Phượng đi, đài trống, sông trôi chảy đều.
Cung Ngô, hoa cỏ tiêu điều,
Gò xưa, mũ áo Tấn triều vùi sâu.
Tam-Sơn nửa lọt trời sầu,
Dòng sông Nhị-Thủy, Lộ-Châu đôi bờ.
Mặt trời đã khuất mây mờ,
Trường-An chẳng thấy, thẫn thờ lòng ai...
Anh-Nguyên
Dịch Thơ:
LÊN ĐÀI PHƯỢNG HOÀNG Ở KIM LĂNG
Đài Phượng Hoàng cao, phượng đến chơi,
Phượng đi, đài vắng, dải sông trôi !
Cung Ngô hoa cỏ che đường lối,
Đời Tấn cân đai hoá núi đồi.
Ba ngọn thanh sơn, trời khuất nửa,
Một vùng Bạch Lộ nước chia đôi.
Chỉ vì mây nổi che vầng nhật,
Chẳng thấy Trường An não dạ người.
Khương Hữu Dụng
Phượng Hoàng đến Phượng Hoàng đài,
Phượng đi, đài bỏ, nước trôi lạnh lùng.
Cỏ hoa lấp lối Ngô Cung,
Y quan đời Tấn nay trong thấy đồi.
Mịt mù ba núi màu trời,
Bãi kia Bạch lộ nước trôi hai dòng.
Đám mây che khuất vầng hồng,
Trường An không thấy, nỗi lòng băn khoăn
Trần Trọng Kim
Đài Phượng xưa nơi kia Phượng đậu,
Phượng đi, đài vắng, nước sông trôi.
Cung Ngô, lối hẻm hoa cây lấp,
Triều Tấn, gò xưa áo mũ vùi.
Ba núi lửng lơ nơi khoảng biếc,
Hai dòng chia sẻ bãi sông bồi.
Vừng ô mờ mịt sau mây nổi,
Không thấy Tràng An, dạ rối bời.
Trần Trọng San
|
Ý kiến bạn đọcVui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh. +++++++
Lý Bạch nhảy xuống nước ôm trăng mà chết.
Đời sau có người làm thơ :
Cho ta cạn nốt đêm trăng rằm
Rượu say ta đốt đuốc tìm trăng
Hình như có một vừng trăng sáng
Nhưng ở đầu sông hay cuối sông
............. ĐĂNG KIM LĂNG PHƯỢNG HOÀNG ĐÀI ĐĂNG KIM LĂNG PHƯỢNG HOÀNG ĐÀI
—-o—-
Bài này của thi hào Lý Bạch (701-762), gồm tám câu bảy chữ như sau :
Phượng Hoàng đài thượng phượng hoàng du
Phượng khứ đài không giang tự lưu
Ngô cung hoa thảo mai u kính
Tấn đại y quan thành cổ khâu
Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại
Nhị thủy trung phân Bạch Lộ châu
Tổng vị phù vân năng tế nhật
Trường An bất kiến sử nhân sầu.
Dịch (theo cụ Trần Văn Ân và GS Trần Trọng San) :
Đài Phượng, Phượng Hoàng đã ghé chơi
Phượng đi, đài vắng, nước còn trôi
Cung Ngô đường nẻo cỏ hoa lấp
Triều Tấn mũ xiêm gò đất vùi
Nửa rụng ngoài trời ba núi đứng
Chia đều giữa bãi mấy dòng xuôi
Chỉ vì mây nổi che vừng nắng
Chẳng thấy Trường An luống ngậm ngùi.
HOÀNG HẠC LÂU
Bài này lấy ý bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu. Khi đến lầu Hoàng Hạc, Lý Bạch thấy bài thơ của Thôi Hiệu đề ở đây, liền cúi đầu chịu phục mà nhắn lại rằng :
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu
(Có cảnh trước mắt, mà nói ra không được
Vì Thôi Hiệu đã nói hết cả rồi trong bài thơ đề ở trên đầu)
Tuy vậy, sau đó Lý Bạch vẫn làm ra ít là hai bài phỏng theo ý chính của “Hoàng Hạc Lâu”. Đó là các bài Phượng Hoàng Đài, và Anh Vũ Châu.
Bài Hoàng Hạc Lâu gợi lên ý tưởng rằng người xưa đã cưỡi hạc bay đi mất rồi, và đã trở thành cát bụi, như bao đấng Thánh Nhân tự cổ thời. Ngôi lầu Hoàng Hạc còn lại đây chỉ là cái thừa thãi, chẳng có giá trị gì bao nhiêu. Tuy nhiên, nếu chịu khó nâng tâm hồn lên, ngửa mặt nhìn trời, thì sẽ thấy đám mây trắng trước kia đã từng nâng đỡ cánh hạc của người xưa, nay vẫn còn đó, biểu tượng cho cái chân lý thường hằng tiềm ẩn trong Đạo Lý của các Ngài. Biết được như vậy, thì nên quý trọng cái thường hằng ấy, mà rẻ khinh những cái bề ngoài, những kinh điển từ chương, những chuyện phù phiếm hư huyễn, như ngôi lầu Hoàng Hạc. Rồi tác giả nói sang vẻ rực rỡ xanh tươi của cảnh vật chung quanh lầu Hoàng Hạc, để cho rằng những cảnh đẹp ấy cũng chẳng làm rung động được tâm hồn ông, vì lòng ông luôn mãi hướng về quê cũ. Trong lúc màn chiều buông phủ, khói sóng dâng lên làm mờ cảnh vật tươi đẹp chính là biểu tượng của nỗi buồn nhớ quê hương của tác giả, sóa nhòa những thắng cảnh trước mặt ông, khiến ông chẳng muốn đoái hoài gì đến chúng, như đã từng rẻ khinh lầu Hoàng Hạc ở đoạn trên.
THỪA MỘT CÂU ?
Trong bài Hoàng Hạc Lâu, lầu Hoàng Hạc chỉ được nhắc đến có một lần ở câu hai. Tương tự như vậy, trong bài Phượng Hoàng Đài này, Lý Bạch chỉ nói đến đài Phượng Hoàng ở hai câu đầu, mà câu thứ nhất lại thường bị coi là thừa thãi. Thật vậy, nói: “Đài Phượng, Phượng Hoàng đã ghé chơi” có một vẻ gì không cần thiết, như nói đến một sự đương nhiên. Kim Thánh Thán chê câu này thậm tệ. Tuy vậy, riêng tôi lại rất khoái câu ấy. Cái “duyên” của nó là chẳng nói gì cả, có vẻ như giỡn chơi, nhưng lại nhẹ nhàng đưa xuống câu dưới một cách thực là thấm thía. Bạn thử tưởng tượng khách đa tình nọ ghé chơi nhà người yêu, được khách coi như “của mình” :“Đài Phượng, phượng hoàng đã ghé chơi” đấy ! Rồi khách ra đi : “Phượng khứ, đài không”, đài kia bỏ trống, đơn lẻ quạnh hiu, trong lúc “nước sông vẫn chảy”, thời gian vẫn trôi, thách thức sự đợi chờ mòn mỏi...Não nùng đấy chứ ? Lý Bạch có nghĩ giống vậy không ? Biết đâu chừng ! Chàng thi sĩ lãng mạn này đã từng thâm cảm tình huống :
“Mỹ nhân tại thời hoa mãn đường
Mỹ nhân khứ hậu dư không sàng
(Người yêu kề bên, hoa nở đầy nhà,
Người yêu vắng bóng, giường chiếu trống không)
(Ký viễn)
thì cái cảnh “Phượng đi, đài vắng” này nào có khác gì bao nhiêu ? Dù sao, cái khéo của tiên sinh ở chỗ đang nói những chuyện đương nhiên, nào “đài Phượng, Phượng Hoàng đã ghé chơi”, nào “Phượng đi, đài vắng”, rồi bất chợt chặt đứt sự trôi chảy nhẹ nhàng ấy bằng ba chữ “giang tự lưu": nước sông vẫn chảy. Đang nói chuyện Phượng và Đài Phượng, có ăn nhằm gì đến “sông vẫn chảy” ? Quả thực chẳng ăn nhằm gì, nếu “sông vẫn chảy” không biểu tượng cho thời gian trôi. Ôi ! “Tương tư hoàng diệp tận, bạch lộ thấp thanh đài": nhớ người đến lá vàng rụng sạch, chỉ còn sương trắng ướt rêu xanh, như mái tóc đã bạc màu, trong khi tấm lòng ngày càng lạnh lẽo...Người chờ đợi, nhưng thời gian nào có đợi chờ ai ?
SÔNG VẪN CHẢY, MÂY TRẮNG VẪN TRÔI :
Nếu lấy ý của bài Hoàng Hạc Lâu, thì “sông vẫn chảy” ứng với câu “mây trắng ngàn năm vẫn mãi trôi” (Bạch vân thiên tái không du du), tức là biểu tượng cho cái thường hằng bất biến ở trong sự vật vô thường luôn biến đổi. Nhưng họ Lý khác với Thôi Hiệu. Bài của Lý Bạch cũng nói theo ý ấy, nhưng không mấy gì có vẻ “Đạo Lý”, mà lại làm cho ta liên tưởng đến một chuyện tình...
Cũng như Thôi Hiệu, Lý Bạch dùng hai chữ “khứ” và “không” để vào đề. Thôi Hiệu đặt các chữ ấy ở hai câu :
Tích nhân dĩ thừa Hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu
Lý Bạch thì dồn cả “khứ” và “không” vào một câu (Phượng khứ đài không giang tự lưu). Thánh Thán cho đó là để dấu hình tích, tránh bị chê là bắt chước. Tôi không đồng ý với quan điểm này. Còn nhiều sự tương đồng khác giữa hai bài thơ, Lý Bạch cần gì phải “dấu hình tích” bằng một tiểu xảo như vậy ?
TRỞ VỀ CÁT BỤI :
Hai câu ba và bốn nối tiếp ý tưởng giòng thời gian luôn mãi lạnh lùng trôi, và soi mòn, tàn phá tất cả. Của cải, uy quyền trên cõi thế, với thời gian đều trở về với cát bụi. Lý Bạch dõi mắt nhìn Cung Ngô, chỉ thấy đền đài bỏ hoang, cỏ hoa che lối. Rồi biết Tấn là triều đại đã đanh dẹp Ngô, mà nhìn về Tấn, cũng chỉ thấy áo mão xiêm y đã biến thành gò đất lạnh tự bao giờ rồi ! Còn tham lam đeo đuổi làm gì những của cải uy quyền thế gian ? Phải chăng là ứng với ý tưởng nên nâng tâm hồn lên, ngửa mặt nhìn trời, tìm một cái gì cao quý hơn những điều hư huyễn ở đời, như đã được diễn bày trong bài Hoàng Hạc Lâu ?
NGỬA MẶT NHÌN TRỜI :
Và Lý Bạch đã nhìn, nhìn mãi, để thấy :
Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại
(Ba ngọn núi nửa như rơi ra ngoài trời xanh)
Làm sao núi lại rơi được ra ngoài trời xanh ? Thưa rằng : vì cố sức nhìn mãi, như muốn xuyên thủng trời xanh, nhưng lại luôn bị ba ngọn núi kia cản trở (Tam Sơn ở Tây Nam thành Kim Lăng), cho nên dần dần thi sĩ có ảo giác sức nhìn của mình đẩy lùi được núi ra ngoài trời xanh ! Một ảo giác khá ngộ ! Cũng có thể nghĩ cảm giác này do nhìn mãi mỏi mắt mà sanh ra. Dù sao, điều cần tự hỏi là Lý Bạch nhìn gì mà dữ vậy ? Tìm một mối tình, một kỷ niệm, hay một chân lý thường hằng của Trời Đất, một sự giải thoát khỏi nỗi phù du của kiếp người ? Tìm gì, để rồi chỉ thấy một ảo giác ?
CÚI MẶT NHÌN XUỐNG :
Nhìn mãi mỏi mắt, tác giả cúi mặt trông xuống, và thấy bãi Bạch Lộ bị phân chia bởi hai nhánh sông. Ở đây chúng ta có được sự cắt nghĩa hiện thực (nhưng không cần thiết) của ba chữ “giang tự lưu” nơi câu hai. Thì ra là trong cảnh vật chỗ ấy có nước sông chảy. “Giang tự lưu” có thực chứ không phải chỉ là một biểu tượng. Và dòng nước kia, xưa đã chảy, nay vẫn còn chảy, lạnh lùng không biến đổi, bất chấp Phượng Hoàng đến hay đi, đài Phượng có Phượng ghé chơi, hay bỏ trống, Cung Ngô rực rỡ hay hoang phế, Triều Tấn oanh liệt hay suy tàn...Bất chấp cả anh chàng Lý Bạch đang dương mắt nhìn chốn xa xăm đến độ đẩy lùi ba ngọn núi ra khỏi trời xanh ! Thật vây, dù cho ta có mơ ước gì, có tìm kiếm chi, có suy tưởng ra sao, lý luận thế nào, thì “núi vẫn là núi, sông vẫn là sông” như lời một Công Án. Trí tuệ của con người có một vẻ gì hư huyễn, khiến ta thông cảm hơn với lối nói hồn nhiên của hai câu đầu :“Đài Phượng, phượng hoàng đã ghé chơi, phượng đi đài vắng...”. Đó cũng là những chuyện “đương nhiên” như “núi là núi, sông là sông”, nhưng chẳng phải vì thế mà tầm thường vậy.
“Tam sơn bán lạc” là ảo giác, “nhị thủy trung phân” là thực tại. Nhìn lên là ảo, nhìn xuồng là thực. Cố sức nhìn thì ảo, chẳng cố sức lại thực. Ảo thực, thực ảo, tri kiến của con người cứ quay tròn trong đó...
CHỈ VÌ MỘT ĐÁM MÂY :
Hai câu kết :
Tổng vị phù vân năng tế nhật
Trường An bất kiến sử nhân sầu.
tóm thâu tất cả cái tuyệt vọng của kiếp người bé bỏng, mong manh, trước năng lực của định mệnh. “Tổng vị phù vân” là :“tất cả chỉ vì một đám mây nổi”. Đám mây bồng bềnh, như làn khói, có cũng như không, nhìn thì thấy, mà muốn nắm bắt lại chẳng được, khi chỗ này, lúc nơi khác, nổi trôi vô định, ngược hẳn lại với cái thực thể vô cùng “quan trọng” là mặt trời, đầy sức mạnh, đem lại năng lực cho muôn loài, và luôn theo một đường đi cố định, không bao giờ sai chuyển. Thế mà một đám mây nhỏ bồng bềnh, lại có khả năng che khuất mặt trời, làm cảnh vật mờ tối ! Cuộc sống con người có khác chi ? Những gì ta đã đem bao nghị lực và tài trí ra xây dựng : địa vị, sự nghiệp, tiền của, hạnh phúc gia đình v.v...tưởng rằng kiên cố lắm, nhưng chỉ cần một biến cố nhỏ, như đám “phù vân” kia, là có thể sụp đổ như lâu đài trên cát. Cung Ngô, Triều Tấn, cũng vậy. Phải chăng Vua nào lên cũng được tuyên dương “vạn tuế”, triều đại nào cũng được tán tụng “muôn năm”, nhưng rốt cuộc rồi cũng đều quay về cát bụi, nhiều khi chỉ vì một nguyên do vặt vãnh ? Ngô thắng Tào nghe đâu chỉ vì một ngọn gió ? Tấn diệt Thục, rồi diệt Ngô, phải chăng chỉ tại cơn đau bụng của Khương Duy ?
Trong đời sống tâm linh cũng thế. Nhiều người tưởng mình đã đạt đến một sự ổn định nội tâm cao độ, một nền tảng đạo đức không gì lay chuyển được, nhưng có biết đâu chỉ cần một thử thách nhỏ, nhưng trúng vào nhược điểm của họ, là họ có thể rơi vào những điều sai quấy, tội lỗi, ác độc ? Nếu một đám mây hư huyễn mà che được cả mặt trời thì bất cứ nguyên do nhỏ nhặt nào cũng có thể đưa đến bất cứ chuyện gì.
Câu chuyện đám mây che mặt trời, sau những suy tưởng đã được diễn bày trong các đoạn trước, khiến ta càng cảm nhận rõ ràng hơn sự bé bỏng khiêm nhường của kiếp sống con người.
TRƯỜNG AN BẤT KIẾN :
Cung như Thôi Hiệu, Lý Bạch kết thúc bài thơ bằng ba chữ “sử nhân sầu” (khiến người buồn). Ở đây, người buồn vì không thấy được Trường An, do đám mây nổi che khuất mặt trời. Thật ra, từ Kim Lăng làm sao nhìn được đến tận Trường An ? Đó chỉ là một biểu tượng. “Trường An bất kiến” đại diện cho tất cả những nỗi niềm ưu sầu của tác giả, đã được nói đến trong bài, từ chuyện đài Phượng với phượng hoàng, cho tới các suy nghĩ về “Ngô cung”, “Tấn đại”, thời gian trôi, ảo giác và thực tại, và nhất là ý tưởng “đám mây nổi che được mặt trời”. Cần chú ý câu :
Tổng vị phù vân năng tế nhật
phải được dịch là “Tất cả chỉ vì đám mây nổi che được mặt trời”. Tức là tất cả những sự mong manh của số kiếp con người mà Lý tiên sinh đã ghi nhận trong sáu câu trên, đều chỉ tùy thuộc những nguyên nhân vụn vặt, như đám mây nổi kia, chứ không phải chỉ riêng sự kiện “Trường An bất kiến” mà thôi đâu !
Nỗi buồn “Trường An bất kiến” rất “hiện sinh”. Đó chính là lo buồn cơ bản của cuộc sống (angoisse existentielle). Nó cho thấy một sự thiếu vắng ý nghĩa của đời người, một khoảng trống, mà Lý Bạch đã cố lấp đầy, không những bằng thơ văn, mà bằng cả rượu chè, trăng gió, mỹ nhân, bằng miệt mài truy hoan trong những cuộc chơi tuyệt vọng, những mong tiêu được “vạn cổ sầu” (dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu). Nhưng, sầu vẫn cứ sầu, như lời tiên sinh :
Trừu đao đoạn thủy thủy cánh lưu
Cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu
(Hạ gươm chặt nước, nước vẫn chảy,
Nâng chén giải sầu, sầu vẫn sầu).
Tương truyền ngày kia tiên sinh nhìn ánh trăng trong đáy nước, mà muốn ôm chầm lấy, để rồi lặng lẽ lìa đời trong giòng nước lạnh...
TÓM LẠI :
Người ta nói Lý Bạch làm bài này là thua Hoàng Hạc Lâu một bực. Tôi không nghĩ thế. Bài của Thôi Hiệu cho ta cảm giác khinh rẻ lầu Hoàng Hạc, và coi nhẹ cảnh vật chung quanh lầu này. Lý tiên sinh, ngược lại, cho ta cảm giác tội nghiệp Đài Phượng cô liêu, mỏi mòn đợi chờ Phượng Hoàng ghé đến, và thương cho bao sinh linh đã vùi chôn tánh mạng cho cung Ngô, triều Tấn, cũng như bao người khác đã lãng phí cuộc đời mình cho danh vọng, tiền tài, sự nghiệp v.v...Nếu ta thông cảm với nỗi buồn tưởng nhớ quê hương của Thôi Hiệu, thì ta càng thông cảm hơn với nỗi buồn “hiện sinh” của Lý Bạch trước năm tháng hững hờ trôi, trước số phận mong manh của kiếp người. Khoảng trống trong cuộc sống mà Lý Bạch gợi lên, quả thực là một cảm giác rất “người”, mà ta khó mà không chia sẻ.
Mặt khác, ý thức được khoảng trống ấy, chính là bước đầu để tìm cách lấp đầy nó. Thật vậy, kiếp người lẽ nào lại như những cung điện đền đài kia, chỉ hiện hữu để chờ thời gian soi mòn, tiêu hủy ? Đâu là giá trị, là ý nghĩa của cái kiếp sống mong manh, phù du ấy ?
Pascal từng nói đại ý rằng : con người chỉ là một cây sậy, một cây sậy biết suy tư, yếu đuối nhất trong thiên nhiên, chỉ cần một giọt nước, một ngọn gió, cũng có thể tiêu hủy được (Tổng vị phù vân năng tế nhật đấy !). Tuy nhiên, ngay cả khi toàn thể Vũ Trụ liên kết lại để hủy diệt con người, thì con người sẽ vẫn mạnh hơn tất cả những gì có thể giết nó, vì con người biết mình chết, trong khi chính sự ưu thắng của Vũ Trụ trên con người, Vũ Trụ cũng chẳng hề biết đến, chẳng thể ý thức được.
Thật vậy, chính nhờ ý thức mà con người có thể vươn lên. Chính nhờ ý thức mà con người hướng được đến Ý Thức Nguyên Thủy, nguồn của mọi sự, tiềm tàng trong tất cả, quy định tất cả. Thêm vào đó, nếu tin được rằng Ý Thức ấy là Tình Yêu, và sống thực trong Tình Yêu này, thì những lo buồn của kiếp người có nhiều hy vọng sẽ hóa giải được vậy.
Phúc cho những ai có một Niềm Tin, và sống thực Niềm Tin ấy...
NGUYỄN HOÀI VÂN
|
|