TƯỞNG NIỆM NỮ SĨ MINH ĐỨC HOÀI TRINH (1930-2017)
Biên soạn: Phan Anh Dũng
Nguồn: Cỏ Thơm Magazine
(nguồn: http://cothommagazine.com/CoThompdf/MinhDucHoaiTrinh.pdf)
Nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh của ‘Kiếp Nào Có Yêu Nhau’ qua đời
Đỗ Dzũng/Người Việt – June 10, 2017
HUNTINGTON BEACH, California (NV) – Nữ thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh vừa qua đời lúc 2 giờ 19 phút chiều Thứ Sáu, 9 Tháng Sáu, tại bệnh viện Huntington Valley Healthcare Center, Huntington Beach, hưởng thọ 87 tuổi, nhà văn Nguyễn Quang, phu quân của bà, xác nhận với nhật báo Người Việt.
Nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh tên thật là Võ Thị Hoài Trinh, thường lấy các bút hiệu là Hoàng Trúc, Nguyễn Vinh, Bằng Cử, là một trong những văn sĩ nổi tiếng nhất miền Nam Việt Nam, đặc biệt với hai bài thơ “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” và “Đừng Bỏ Em Một Mình,” đều do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc.
Ngoài ra, bà cũng là tác giả của bài thơ “Ai Trở Về Xứ Việt,” sau này được nhạc sĩ Phan Văn Hưng phổ nhạc, và trở thành một trong những nhạc phẩm tiêu biểu của người tị nạn Việt Nam hải ngoại.
Nhà văn Nguyễn Quang cho biết, bà sinh ngày 15 Tháng Mười, 1930 tại Huế, sống ở Pháp từ năm 1953 đến 1964. Sau đó bà đến định cư tại Orange County, California, từ năm 1980.
Bà là con quan Tổng Đốc Võ Chuẩn, ông nội bà là Võ Liêm, Thượng Thư Bộ Lễ của triều đình.
Năm 1945, bà tham gia phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp, sau đó biết sự lợi dụng của phong trào, bà bỏ về Huế tiếp tục học.
Năm 1964, bà đi du học tại Pháp về ngành báo chí và Hán văn tại trường ngôn ngữ Á Đông La Sorbonne, Paris.
Năm 1967, bà ra trường và làm phóng viên cho đài truyền hình Pháp ORTF, đi làm phóng sự nhiều nơi sôi động nhất như Algeria và Việt Nam.
Năm 1972, bà được cử theo dõi và tường thuật Hòa Đàm Paris.
Năm 1973, bà sang Trung Đông theo dõi cuộc chiến Do Thái, một thời gian sau bà trở về Việt Nam giảng dạy khoa báo chí tại Viện Đại Học Vạn Hạnh, từ năm 1974 đến năm 1975.
Sau biến cố 1975, bà trở lại Paris cho xuất bản tạp chí “Hồn Việt Nam” và trở lại cộng tác với đài ORTF, qua chương trình Việt Ngữ để tranh đấu cho những nhà cầm bút, những văn nghệ sĩ Việt Nam bị cộng sản cầm tù.
Bà đứng ra thành lập Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và vận động để được công nhận tư cách hội viên Hội Văn Bút Quốc Tế tại Rio de Janeiro, Brazil, vào năm 1979.
Bà đã dùng ngòi bút và khả năng của mình thường xuyên tranh đấu cho các văn nghệ sĩ bị cộng sản giam cầm phải được trả tự do.
Ngoài những bài báo, bà còn sáng tác hơn 25 tác phẩm giá trị, trong đó có truyện ngắn, thơ…
Nhà văn Nguyễn Quang đã thực hiện một tập sách rất công phu khá đầy đủ những tài liệu, bài vở và hình ảnh với tiêu đề: “Văn Nghiệp và Cuộc Đời Minh Đức Hoài Trinh.”
Có đoạn nhà văn viết: “Sau khi đọc quyển sách này người ta tự hỏi làm sao Minh Đức Hoài Trinh một con người nhỏ bé lại có thể hoàn thành trên nhiều lãnh vực trong thời gian đen tối nhất của lịch sử Việt Nam. Bà đã đi trên khắp năm lục địa, vào những vùng chiến tranh lửa đạn. Những đóng góp của bà với một cuốn sách nhỏ nầy chắc chắn không diễn tả hết được những gì bà đã làm cho quê hương cho nền văn học Việt Nam.”
Các tác phẩm của bà gồm có Lang Thang (1960), Thư Sinh (1962), Bơ Vơ (1964), Hắn (1964), Mơ (1964), Thiên Nga (1965), Hai Gốc Cây (1966), Sám Hối (1967), Tử Địa (1973), Trà Thất (1974), Bài Thơ Cho Ai (1974), Dòng Mưa Trích Lịch (Thanh Long Bruxelles, 1976), Bài Thơ Cho Quê Hương (Nguyễn Quang Paris 1976), This Side The Other Side (Occidental Press USA 1980), Bên Ni Bên Tê (truyện dài, Nguyễn Quang USA, 1985), Niệm Thư 1 (tái bản 1987), Biển Nghiệp (Nguyễn Quang USA, 1990).
Về bài thơ “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” rất nổi tiếng của bà, nhà văn Phạm Xuân Đài cho biết: “Đây là bài thơ bà sáng tác khoảng cuối thập niên 1950 hoặc đầu thập niên 1960, lúc đó lấy tên là Hoài Trinh, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc cùng tên.”
“Còn một bài thơ nữa của bà, cũng rất nổi tiếng, và được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc cùng tên, đó là bài ‘Đừng Bỏ Em Một Mình,’” nhà văn cho biết thêm.
Theo nhà báo Đinh Quang Anh Thái, phụ tá chủ nhiệm nhật báo Người Việt, một trong những bài thơ nổi tiếng khác của bà là “Ai Trở Về Xứ Việt” (1962). Sau năm 1975, bài thơ được nhạc sĩ Phan Văn Hưng phổ nhạc cùng tên.
Trên trang web dutule.com của nhà thơ Du Tử Lê cũng có lưu lại bài này, và cho biết bà sáng tác tại Paris năm 1962.
Nói về hoạt động và con người của bà, nhà văn Việt Hải có lần viết: “Trên cao tất cả, tôi quý nhà văn Minh Đức Hoài Trinh vì bà trung thành với đất nước Việt Nam Cộng Hòa, bà chống Cộng Sản, bà chống bạo lực và ác tính đè nặng lên vai người dân, bà bôn ba vận động can thiệp trả tự do cho giới văn học báo chí, những nạn nhân của những trại tù Cộng Sản. Bà xin lại tư cách Văn Bút Hội Viên Việt Nam tại diễn đàn Văn Bút Quốc Tế.
Trong vai trò phóng viên chiến trường bước chân Minh Đức Hoài Trinh đi qua các địa danh thân yêu từ Sài Gòn ra miền Trung, qua các vùng thân quen của xứ sở như những Qui Nhơn, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Trị,…”
MINH ĐỨC HOÀI TRINH ĐI VỀ “CÕI VÔ CÙNG”
Khoảng 5 giờ chiều thứ Sáu ngày 9 tháng Sáu, 2017, nhà văn Nguyễn Quang gọi điện thoại cho tôi. Rất vô tình, tôi hỏi: “Anh đi Pháp về rồi hay bây giờ mới sắp sửa đi?” Chả là cách đây ít lâu, Anh cho tôi hay là có thể trong tháng Năm hay tháng Sáu, Anh sẽ về thăm thân nhân ở bên Pháp. Anh Nguyễn Quang trả lời tôi: “Nào có đi đâu đâu.” Rồi giọng Anh chùng xuống: “Minh Đức mất rồi Anh ạ.” Sau câu nói ấy, cả hai bên đều thinh lặng. Lát sau, tôi nghe tiếng sụt sịt ở đầu dây bên kia. Trời ạ, người đàn ông to lớn, vững chãi và thanh lịch ấy đang khóc. Anh khóc vì thương người phụ nữ thân hình bé nhỏ mà trong biết bao nhiêu năm nay đã cùng Anh đầu gối tay ấp. Tôi vụng về nói lời an ủi: “Thôi Anh ạ, phần số Minh Đức như thế là đã trọn vẹn. Anh bình tâm để lo việc hậu sự.” Ở đầu dây bên kia, Anh Nguyễn Quang cố nén cảm xúc, nói: “Minh Đức mất lúc 2 giờ 19 phút. Anh là người đầu tiên tôi gọi báo tin, vì với vợ chồng tôi, anh là người thân nhất.”
Chị Minh Đức Hoài Trinh hơn tôi 17 tuổi, nhưng tôi vẫn quen gọi Chị là “Minh Đức” mà không có tiếng “Chị” đằng trước. Đó là do “lệnh cấm” của Chị. Chị bắt tôi gọi chị trống không là “Minh Đức” thôi. Tôi đành phải vâng lời Chị, gọi Chị trống không như vậy và tự xưng tên mình khi chuyện trò với Anh Chị.
Người phụ nữ “chọc trời khuấy nước” ấy càng về già càng yếu đuối và càng “nhõng nhẽo” ông chồng. Ai chứng kiến cảnh chị “nhõng nhẽo” chồng cũng thấy vừa vui vừa cảm động. Khó có người đàn ông nào chiều chuộng được vợ như Anh Nguyễn Quang. Biết Chị quý tôi nên mỗi lần ép Chị ăn uống không được, Anh Nguyễn Quang doạ: “Không ăn, anh Quyên Di không đến chơi nữa đâu.” Ai ngờ lời doạ ấy lại có hiệu quả.
Tôi cho cái yếu đuối và tính “nhõng nhẽo” của Chị Minh Đức rất thuận với lẽ Trời. Càng về già, người ta càng nhìn rõ thân phận mỏng giòn và hữu hạn của con người khi đối diện với cái “vô cùng”; vô cùng về không gian cũng như vô cùng về thời gian; càng “vô cùng” của bản chất “vô thuỷ vô chung” của Đấng Sáng Tạo.
Chào tạm biệt nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, nhà văn, nhà thơ, ký giả, phóng viên chiến trường, học giả, nhạc sĩ, nhà giáo, chủ tịch tiên khởi Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại… Tôi “chào tạm biệt” mà không “chào vĩnh biệt,” vì cuối cùng tất cả chúng ta đều sẽ gặp nhau trong “cõi vô cùng.” Tất cả những người yêu quý chị đều là “vị vong nhân: người chưa mất.” Chị đã mất rồi, chúng ta rồi ra cũng sẽ mất đi như chị, có điều bây giờ thì chưa mất đấy thôi.
Xin kính viếng Chị hai câu, tạm gọi là câu đối:
MINH ĐỨC ngàn năm hồn lộng lẫy;
HOÀI TRINH một thuở ý tròn đầy.
Quyên Di
Thành Kính Phân Ưu: Nhớ Minh Đức Hoài Trinh
Hay tin chị Minh Đức Hoài Trinh vĩnh viễn ra đi, tôi cầu nguyện cho chị ấy sớm tiêu diêu nơi miền Cực Lạc. Tôi nhớ thập niên 60, tôi gặp chị Minh Đức Hoài Trinh trong cuộc họp báo 4 bên tại Pháp, và sau đó đi ăn với chị ấy, và ngày hôm sau chị ấy đến đại học xá tìm tôi, hai chị em đi uống cà phê ở Paris 5 th, bỗng dưng tôi nhớ nhiều kỉ niệm quá.
Kỷ niệm về chị Minh Đức Hoài Trinh thì nhiều lắm, chị Minh Đức nói về chính trị, chị thường đi họp báo Ủy Ban Liên Hợp 4 bên, chị thường chất vấn phái đoàn CS, câu hỏi nào của chị cũng rất hóc búa, chị là người Trung, chị quan tâm đến đồng bào miền Trung, nhất là biến cố Mậu Thân, tôi còn nhớ phòng họp báo không rộng lắm, người nào quốc gia thì ở bên tay mặt, người quốc gia khác thì ngồi bên tay trái, hôm đó tôi đặt câu hỏi : Trong biến cố Mậu Thân, các ông giết 4 giáo sư người Đức, đến VN dạy học theo diện trao đổi văn hóa quốc tế, họ dạy học đâu có làm chính trị sao các ông lại giết họ?
Tôi nhận được nhiều tràng pháo tay vang dội vì câu hỏi này, tràng pháo tay của chị Minh Đức Hoài Trinh là dòn tan nhất … lớn nhất.
Sau này tôi gặp lại chị Minh Đức Hoài Trinh ở Sài Gòn, chị viết bài cho báo của ông Phạm Thái , tôi lại nhà thăm chị, tôi nhớ nhà lầu 2 tầng, chị ấy vui vẻ và rất dễ thương, tôi nhớ chị đem trái cây cho tôi xơi, đến thăm chị Minh Đức Hoài Trinh ở một ngôi nhà có nhiều trúc trước nhà, và trúc ở hai bên tường, nhà của chị Minh Đức Hoài Trinh cùng con đường với nhạc sĩ Phạm Duy. Chị ấy dạy đàn tranh, nhiều lớp khác nhau, học trò rất yêu thương cô giáo, sau này chị dời nhà đến một nơi khác cùng thành phố, nhà này nhỏ hơn, đặc biệt nhà có nhiều sách, sách đầy phòng khách, phòng ăn, chổ nào cũng sách, sách tiếng Việt, Anh, Pháp, tiếng Tàu, chị Minh Đức Hoài Trinh thông thạo tiếng Tàu, còn nhớ ở Pháp có lần chị đi dự tiếp tân do Liên Hiệp Quốc hoãn đãi, chị Minh Đức Hoài Trinh dùng tiếng Tàu để nói chuyện với phu nhân Đại Sứ Đài Loan, chị thông thạo nhiều thứ tiếng, chị rất thông minh, biến ứng nhanh nhẹn, chị Minh Đức Hoài Trinh kể cho tôi nghe nhiều chuyện thú vị lắm!
Chị sang Pháp, chị gặp anh Quang, rồi anh chị sang định cư ở Hoa Kỳ, và sau này gặp chị ở Mỹ, tôi mừng lắm! Chị cho rằng người và người có duyên với nhau đi đâu cũng gặp. Thơ của chị được Phan Văn Hưng phổ nhạc như Ai Về Xứ Việt. Sau 75 Hưng Từ Thụy Sĩ sang Paris, phổ nhạc, ôm đàn vừa đàn vừa hát thơ của Minh Đức Hoài Trinh, chị em quây quần bên nhau ở một mobile home đường Bolsa thành phố Westminster, có Hưng, Thúy An, bác sĩ Nguyễn thị Nhuận, người nào cũng ca, chỉ có tôi là ngồi yên lặng thưởng thức, tôi thuộc bài quốc ca nhưng không ai cho ca, vì ở trong phòng khách ấm cúng chỉ có nhạc mà không có chào cờ, có thức ăn nhiều mà người ăn thì ít quá.
Anh Quang và chị Minh Đức tiếp khách rất niềm nở, có một lần trên đường về, Tina Vũ nói với tôi :
Chị Minh Đức dễ thương quá, nhà của anh chị như một thư viện.
Chị cười :
-Văn sĩ, thi sĩ mà.
Bây giờ chị đã ra đi, cầu chúc chị lên Niết Bàn, vì suốt cuộc đời chị làm có ý nghĩa, để lại cho đời những bài thơ tuyệt vời, những cuốn sách hữu ích.
Gia đình, bằng hữu, độc giả thương mến chị Minh Đức Hoài Trinh chắc chắn sẽ cầu nguyện cho chị về cõi Niết Bàn.
Lại một người ra đi để thương nhớ cho nhiều người, chị Minh Đức Hoài Trinh ơi, chị được thương mến lắm.
KIỀU MỸ DUYÊN
Orange County ngày 10 tháng 6 năm 2017
LANG THANG
CAO MỴ NHÂN
Trong lúc đang lang thang ở Bắc Cali, chờ 2 ngày nữa xuống San Jose ” Ra mắt sách “tức là lần thứ hai giới thiệu tập thơ tình NHỊP TIM THƠ, thì nhận được tin nữ sĩ Mình Đức Hoài Trinh, đã ra đi về cõi Vĩnh hằng hôm nay, ở nam Cali, do nhà văn Nguyễn Quang, phu quân chị thông báo.
Bất giác hình ảnh nữ sĩ Mình Đức Hoài Trinh thấp thoáng,chơi vơi…rồi nổi bật lên trong mông mênh biển nghiệp…
Thủa thanh xuân, chị như một con tàu say gió viễn phương …
Chị hơn tôi cả giáp, nhưng với tôi, chị lúc nào cũng mới mẻ trẻ trung, cũng đầy khuôn thước mẫu mực trong suy nghĩ, văn chương …để có thể trở thành ” khó tính ” một chút.
Tôi cũng giữ nhiều khách sáo, tự trọng đối với chị . Không bao giờ tôi nghĩ tôi sẽ vượt khỏi cái rào cản đặt trước chị và tôi, mặc dầu tôi rất cảm phục và kính mến chị về sở học dân gian, hơn là từ chương sách vở .
Tôi từng quen biết chị trước khi tôi có mặt trong Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (cứ gọi là PEN/VNHN ). Thủa đó, khoảng giữa thập niên 60 thế kỷ trước, chị từ năm châu thế giới về Saigon, làm phóng viên chiến trường với bằng cấp làm báo ở châu Âu, chứ không từ các lớp phóng viên chiến trường cấp thiết thành lập thời đệ nhị Cộng Hoà .
Chị theo một phái đoàn từ trung ương ra Vùng I chiến thuật , tức QĐI/QKI của …tôi .
Khối Chiến Tranh Chính Trị phải tiếp đón phái đoàn này.
Đại tá Chang là trưởng toán cố vấn của Trung Hoa Quốc Gia , nên ông quá phục tài nói tiếng Hoa của nữ sĩ Mình Đức Hoài Trinh. Tất nhiên chị vẫn xài tiếng Pháp và tiếng Anh với các thành phần khác trong phái đoàn.
Hôm đó chị mặc bộ đồ hoa rừng Dù, chắc của vị sĩ quan mũ đỏ nào tặng, để tóc thẳng cắt ngang như tôi.
Minh Đức Hoài Trinh vừa từ QĐII/ QKII Pleiku về, nên chị đeo mấy cái vòng đồng, và khoác bên ngoài một chiếc áo thổ cẩm Ra Đê .
Tôi chỉ đứng nhìn chị thôi, không thể len vào khả năng chị được, kể cả thơ, vì chị cũng là thi sĩ, với tập thơ đầu tiên, tên sách là ” Lang Thang” Chị ngó tôi, đôi mắt sáng nhưng mơ hồ ánh lửa rừng xa.
Sau một thời gian ra các chiến trường miền Nam, chị lại xuất ngoại. Có một thời chị mang quốc tịch Anh .
Tôi không có dịp gặp chị nữa …
Nhưng tôi vẫn có tin tức của chị qua vị họa sĩ tên Văn Thanh, khi vị họa sĩ này tới Câu Lạc Bộ Dưỡng Sinh học thể dục Dưỡng Sinh, mà tôi là một trong những Huấn luyện viên hướng dẫn cho học viên đến tập thể dục đó.
Họa sĩ Văn Thanh còn dặn chừng tôi, là đi được Hoa Kỳ thì tìm gặp chị, cho ông gởi lời thăm và lời chúc phúc sức khỏe chị…
Tới khi qua được Hoa Kỳ theo diện tị nạn, tôi thỉnh thoảng gặp nữ sĩ Mình Đức Hoài Trinh qua sinh hoạt Văn Bút VNHN.
Chị với tôi có hơi thân một chút, nhưng tôi vẫn xem chị như “tiền bối ” về niên tuế và tài năng.
Chị có nhiều tài riêng hơn hẳn quý vị cùng thời, cùng sinh hoạt văn hoá văn nghệ ở những vùng đất mà chị vẫn gọi là đã và đang lang thang …
Nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh luôn giữ thái độ chững chạc , nhân diện nghiêm trang, dung nhan xa vắng …
Phu quân chị là một mẫu người hết sức phẩm cách, tôn trọng quý mến bạn đời, song không đánh mất ” cái tôi” của ông .
Những ngày tháng sau cùng, phu quân chị Mình Đức Hoài Trinh, tức nhà văn Nguyễn Quang chăm sóc chị thật tỉ mỉ , từ nấu nướng đến cơm ăn , áo mặc… ông đều lo như một người mẹ lo cho con vậy.
Cả tháng nay tôi rất buồn, rất bận, rất bịnh, nhưng tôi vẫn nghĩ tới những ngày mùa xuân sẽ không còn tươi thắm với bất cứ ai nơi cõi đời này …khi được gọi là người luống tuổi .
Tôi vẫn nhớ những lời tôi hẹn với anh chị Nguyễn Quang, Mình Đức Hoài Trinh, là sẽ thu xếp để xuống nhà anh chị thăm, rong chơi một ngày thật trọn vẹn.
Tôi cứ hẹn, dù biết mình sẽ không phải quên, mà chưa tới được …
Tại sao chúng ta dư biết ngày tháng với người già , người bệnh không là chuỗi thời gian vô vị, đến nỗi ta cố để nó thất thoát từ từ…không biết tiếc rẻ gì cả.
Anh bảo biết chuỗi thời gian đó thất thoát mất, thì phải trân trọng, nâng niu …dù anh “độc đoán” tới đâu, mình text cho anh trong nỗi tuyệt vọng rằng:
” Khi nghe tin nữ sĩ Mình Đức Hoài Trinh mệnh chung, mình thấy mùa xuân không còn nán lại đợi chờ…”
Và chị Minh Đức Hoài Trinh có bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, mình rất thích: “Đừng bỏ em một mình”
Mình đã dùng lời này, để thay cho câu kết bài gởi anh hôm nay, đồng thời mình sẽ không …lang thang nữa, mình đi tìm một cái mốc để dừng lại …
CAO MỴ NHÂN
Mây Trên Đèo Hải Vân, Minh Đức Hoài Trinh
Những ngày của Tết Mậu Thân là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho người dân Huế. Nỗi thê lương, kinh hoàng trở về cố đô Huế, với biến cố u buồn trở về với Tết Mậu Thân 1968 năm xưa, trước bao thảm cảnh chiến tranh chết chóc đổ nát từ thành phố đến cuộc đời của sinh linh tử nạn oan khiên.
Tết Mậu Thân 1968 là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho người dân Huế
Tôi xem hình và bài phóng sự của người người phóng viên đồng nghiệp là Trọng Kim của phóng viên chiến trường Minh Đức Hoài Trinh, hãy đi trở về Huế để chia sẻ nỗi đau này với dân tộc. Nhà báo Minh Đức Hoài Trinh cộng tác với đài phát thanh Pháp ORTF (Office de la Radiodiffusion et Television Francaise, tiền thân của đài RFI), bà phụ trách tin tức Việt Nam cho đài. Nhân kế hoạch tái chiếm Quảng Trị và Thừa Thiên năm 1968, bà và đoàn chuyên viên theo cánh quân Hoa Kỳ, Sư đoàn 1 Không Kỵ (The 1st Cavalry Division). Trong cuộc phản công lại chiến dịch Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân của Cộng Sản(CSVN), cuối tháng Giêng năm 1968 quân Bắc Việt tung đợt Tổng Tấn Công vào ngay dịp Tết. Tết theo thông lệ là dịp lễ đón mừng năm mới cổ truyền tại Việt Nam, bao giờ cũng là thời gian thanh bình. Cuộc tấn công qui mô của CSVN đã khiến giới chức Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ phải sửng sốt khi quân CSVN a6m mưu tấn công tiến chiếm Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn.
Sư đoàn 1 Không Kỵ phối hợp cùng Sư đoàn 101 Nhảy Dù, cùng với Trung đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến, bắt đầu tiến hành phản kích tại Huế. Huế là một nơi cần chiếm theo ý định của CSVN vì nó có tính chất chính trị gây tiếng vang và có tính lịch sử một cố đô lâu đời. Quân CSVN cho rằng Huế có thể là địa bàn chiến lược đầu tiên chiếm lấy để đưa quân thọc sâu vào Miền Nam Việt Nam. Ngoài quân đội của Việt Nam Việt Nam, phía Hoa Kỳ cho Sư đoàn 101 Nhảy Dù và Sư đoàn 1 Không Kỵ được điều dộng đến để tái chiếm Huế. Các trận đánh ở Huế diễn ra rất ác liệt trong vòng 3 tuần và phe VNCH cùng Hoa Kỳ đẩy lùi dần quân CS ra ngoại ô.
Sau đó Trung đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến được tăng viện để tiếp ứng thêm cho Sư đoàn 101 Nhảy Dù và Sư đoàn 1 không Kỵ.
Cuộc chiến ở Huế rất khốc liệt và phải giành giật từng căn nhà. Tiến chiếm nhà này sang nhà kia. Điều khó khăn là nhiều nhà có quân CS chiếm đóng cùng gia đình người dân. Quân giải vây VNCH và Hoa Kỳ phải đánh xáp lá cà. Do vậy cho nên sau khi thành phố được tài chiếm thì hoàn toàn đổ nát, quân xâm lược Cộng Sản cuối cùng đã bị đánh bật ra khỏi Huế. Trong trận Tổng Tấn Công Tết, khoảng hơn 30.000 quân CS đã bị giết và hàng ngàn tên bị bắt làm tù binh.
Ký giả viết bài Minh Đức Hoài Trinh cũng là một nữ phóng viên quốc tế, xông pha ra mặt trận để thu những phóng sự nóng bỏng ngoài tuyến đầu. Nhiệm vụ phóng viên chiến trường là chấp nhận những rủi ro, hiểm nguy, bà được các đồng nghiệp trọng nể vì sự can trường.
Trên bình diện hậu chiến tranh Việt Nam người ta thấy những nữ phóng viên khác đã lặn lội theo các mặt trận sôi động, những trận đánh khốc liệt như Christiane Amanpour của CNN tại cuộc chiến Vùng Vịnh, Bosnia và Libya. Người phụ nữ khác như Francesca Borri, nữ phóng viên chiến trường (Frontline freelance reporter) lăn lộn từ mặt trận Trung Đông, Kosovo và Syria, bà từng bị trúng đạn lê lết khi săn tin tại mặt trận Syria, bà mục kích tại vùng kiểm soát của lực lượng nổi dậy hồi giáo ở Aleppo và chứng kiến đầy đủ những dã man của con người trong chiến tranh.
Những Christiane Amanpour và Francesca Borri là những thế hệ hậu sinh so với Minh Đức Hoài Trinh, nhưng những người nữ này có cùng đặc điểm chọn ngành ký giả chiến trường, là những phóng viên săn tin đầy mạo hiểm, chấp nhận những liều lĩnh, những rủi ro cho tính mạng.
Sự nguy hiểm nghề nghiệp đối với các phóng viên thời sự quốc tế, đặc biệt là các phóng viên chiến trường, những hiểm nguy mà thành quả nghề nghiệp của họ mang lại dường như đã trở thành nhu cầu tin tức mới để các nơi biết. Họ dấn thân vì nghiệp dĩ, vì lòng đam mê ngành đã trót chọn, cái nghiệp dĩ sinh nghề tử nghiệp như James Wright Foley mới đây. cái chết của Foley thật thương tâm và dã man. Chính có những sự mạo hiểm can
đảm của những James Foley, Christiane Amanpour và Francesca Borri và Minh Đức Hoài Trinh,… con người ở khắp nơi mới biết tin nhau, đâu là an tàn, đâu là loạn lạc. Cái giá của nghề báo chiến trường yêu nghề vốn đắt giá vì vong mạng. Theo báo cáo của tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters Without Borders (RWB), hay (RSF) Reporters Sans Frontières), trong năm 2013, đã có ít nhất 52 nhà báo đã bị sát hại. Nhưng con số này vẫn còn ít hơn con số 141 nhà báo bị sát hại vào năm 2012. Năm 2011, gần 70 nhà báo cũng đã thiệt mạng tại các khu vực đang giao tranh.
Do vậy, nghiệp báo được khẳng định là một nghề rất nguy hiểm, sự liều mạng khi phải đối mặt với tử thần. Sự nguy hiểm đó lại càng lộ rõ nét hơn đối với các phóng viên chiến trường, những người hàng ngày phải lăn lóc ở những nơi có cảnh máu lửa, có tiếng bom đạn nhằm cung cấp đến cho độc giả, khán thính giả những tin tức mới nhất những hình ảnh, những đoạn băng video mới nhất về những gì đang xảy ra.
Nhà văn Nguyễn Quang và nhà văn Minh Đức Hoài Trinh
Trong một bài ghi nhận của nhà văn Nguyễn Quang về nhà văn Minh Đức Hoài Trinh, ông viết:
“Trong lúc tôi soạn đọc một số lớn tư liệu của Minh Đức Hoài Trinh, ngẫu nhiên tìm ra một mảnh giấy nhỏ viết tay viết từ ngoài chiến trường, dù bị gián đoạn, chỉ có một vài dòng nhưng tôi cảm nhận được tâm tư xót xa của một ký giả chiến trường, tôi rất xúc động nên muốn chia xẻ cùng quí độc giả như sau:
“Mùi hôi không cản được tình thương”, Minh Đức Hoài Trinh.
“Đi đếm xác chết đó là một công việc tôi hay làm trong những năm hành nghề ký giả. Ai nghe nói cũng nhắm mắt rùng mình, kêu ghê, kêu sợ, kêu eo ôi gì mà kinh thế. Nhưng mỗi người, nhất là mỗi đứa sống với cái nghề cầm bút thường mang một chứng điên khác nhau riêng biệt. Ở giai đoạn chiến tranh lịch sử nầy mà không cầm súng ra trận thì cũng phải làm một cái gì. Nói cầm súng ra trận không phải là tại thích nhìn cảnh bắn giết nhau, nhưng để nghe những tiếng khóc của chính trong lòng mình. Khóc người đang quằn quại, đang gục ngã, đang hấp hối. Đi tìm cảm giác lạ, mỗi người “viết sỉ” đi tìm một nẻo khác nhau, bên bàn đèn, trong cánh tay, mái tóc tình nhân, trong hộp đêm trong điệu nhạc, hoặc là những đứa như tôi, thẩn thờ quanh quẩn bên mấy cái xác chết. Tại sao tôi không đi tìm cảm hứng ở những nơi khác, chính tôi cũng có lần đặt câu hỏi tại sao?
Có lẽ vì tò mò muốn nhìn xem những cái xác ấy mới hôm qua còn thơm sạch, còn cười nói, ăn uống, những sự học hỏi, suy nghĩ, những lời đùa vui dí dỏm mới ngày hôm trước đã phát ra từ cái mắt cái miệng ấy. Thế rồi chỉ một tiếng nổ, một lát gươm, tất cả đều tiêu tan, không phải được thành mây khói…“. “
Minh Đức Hoài Trinh lặn lội săn tin trên các vùng lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, ghi nhận những sự kiện giao tranh mất còn, từ miền Nam ra miền Trung. Miền Trung là nơi sinh quán và miền Nam là nơi trú quán.
Sau những cuộc chiến có những tử sĩ con yêu của miền Nam Việt Nam hay những chàng trai thế hệ của QLVNCH đã vĩnh viễn ra đi vì bốn chữ “Tổ Quốc Ghi Ơn”, trong bài viết “Mây Trên Đèo Hải Vân”, Minh Đức Hoài Trinh viết:
“Trực Thăng từ từ hạ cánh chúng tôi trở về phòng đợi. Đợi mây tan nhận nụ cười an ủi trên môi người phi công kiên nhẫn, chỉ có thế không có cách gì khác. Mãi đến hai giờ chiều chúng tôi trở lên trực thăng. Chiếc áo quan vẫn còn nằm đấy, y nguyên…
Mây đã chịu tan bớt đi trên đỉnh đèo, trực thăng đã đủ sức vượt qua làn mây. Phi trường Phú Bài không mở chúng tôi đỗ ở phi trường Đại Nội trong thành Huế.
Trước khi ra khỏi phi cơ tôi quay lại nhìn cái hòm, nhìn cái hòm lần cuối cùng, nhìn người chết, nhìn lá cờ VNCH, thì thầm một lời vĩnh biệt. Anh ngủ cho yên và lá cờ hãy che chở cho anh.”, Minh Đức Hoài Trinh.
Lưu Anh Tuấn – Hoàng Nam.
Một bài thơ của Minh Đức Hoài Trinh
Bài của Nguyễn Liệu
Minh Đức Hoài Trinh từng là nhà báo, phóng viên chiến trường, nhà thơ nhà văn ở trong nước và cả ở ngoài nước.
Có thể nói Minh Đức là một nữ sĩ rất đa dạng, có nền học vấn vững chắc. Từ 13 tuổi Minh Đức đã biết làm thơ và đã từng xuất bản nhiều tập thơ. Tôi nhớ lần đầu tiên đọc thơ Minh Đức tôi quá ngạc nhiên thích thú bài “ Mẹ khuyên ta đừng nhìn qua cửa sổ”. Đây là một bài thơ tình, một tình yêu thất vọng , một mối tình đau khổ.
Nhưng sự hiện diện của tác giả, của nhân vật chính, gần như không có. Đó là một điểm là lạ kỳ thú khi đọc qua bài thơ này. Suốt bài thơ , sáu đoạn hâm bốn câu nhưng hết hai mươi câu là lời khuyên của người mẹ trước sự đau khổ của người con gái vừa thất vọng trong tình yêu :
“ Mẹ bảo ta đừng nhìn qua cửa sổ
Khi hoàng hôn đang chầm chậm bước chân”
Trạng thái tâm lý của con người phần nhiều khác biệt ngày và đêm, buổi sáng trưa chiều và tối. Buổi sáng mới thức dậy người ta thường uống trà, buổi chiều buổi tối thường uống rượu. Rất ít người uống trà canh trưa và gần như không ai uống rượu khi tản sáng mới thức dậy. Nhất là con người buồn nản thất vọng càng chán chường hơn khi chiều đến khi hoàng hôn về, khi đêm tối. Hoàng hôn và đêm tối là môi trường tốt,thích hợp cho sự buồn chán nhất là buồn khổ vì tình yêu thất vọng.
Với kinh nghiệm trong cuộc sống, người mẹ khuyên người con gái đang đau buồn vì thất vọng, vì người yêu không trở lại. Nỗi đau buồn còn mới quá, chưa được thời gian làm dịu bớt, nên nàng thường một mình trong phòng sống những phút dằn vặt cô đơn. Bởi thế mẹ khuyên không nên nhìn qua cửa sổ, vì không muốn nàng thấy cảnh buồn của buổi chiều tà “ khi hoàng hôn đang chầm chậm bước chân”, Và cảnh hoàng hôn bắt đầu một đêm kinh khủng một đêm cô đơn, một đêm lẻ loi.
Nhìn qua cửa sổ vào buổi chiều sẽ bắt gặp những đàn chim bay về tổ. Cảnh đàn chim bay về tổ, nói lên được một tập thể sum họp, những cặp chim như những cặp người yêu về tổ ấm, một giấc mơ của nàng vừa ra khỏi tầm tay. Cảnh sum họp đầm ấm sống động tích cực của đoàn chim trong một không gian bao la bay về tổ, đối chọi hẳn cảnh cô đơn đau buồn của nàng trong một căn phòng chật hẹp trống trãi âm u lạnh lùng.
“Đừng ngước mắt theo lũ chim vể tổ
Khi trăng tàn nhẹ trải lối quanh sân”
Người mẹ quá tỉnh táo khi người con quá mê mang. Tỉnh táo nên người mẹ đưa ra những lý do như đương nhiên, nguyên nhân đó sẽ tạo ra kết quả đó. Vì yêu không đúng chỗ, cho nên những lời hứa hẹn, những tin tức ngày càng vắng. Mà không riêng gì con bà, mà hầu hết đều như vậy vì cuộc đời là “ một cõi u mê tăm tối.”
“ Mẹ dặn ta đừng nhìn qua cửa sổ
Khi niềm tin lỗi hẹn vắng đi về
Khi đã trót giao bôi không đúng chỗ
Mà cuộc đời là một cõi u mê.
Lý luận của người mẹ nhuốm đầy triết lý Phật. Đời là một cõi u mê, một cõi ta bà. Muốn cho thoát cõi u mê phải tu thân phải diệt dục. Bởi vì mọi sư sai lầm mọi sự đau khổ, truy cho cùng, vì dục, vì ham muốn. Và tình yêu đau khổ tình yêu thất vọng cũng vì muốn, vì dục.
Bốn câu đoạn thứ ba tôi trích dưới đây, là những câu thơ hay quá, ý rất tân kỳ:
“Mẹ khuyên ta đừng nhìn qua cửa sổ
Sau những đêm quằn quại ngủ không mơ
Ngoài gió siết run từng cơn lá đổ
Hãy xuống hàng chấm dứt một bài thơ
Từ ngày người yêu không trở lại, nàng chờ đợi hoài, không tin tức. Quằn quại không ngủ được nên cũng không mơ thấy người yêu. Nói như một thi sĩ bậc tiền bối đã thổ lộ: “Nằm gắng cũng không thành mộng được- Ngâm tràng cho đở chút buồn thôi”. Trên cuộc đời không gặp lại được thì chỉ còn hi vọng gặp trong giấc mơ, nhưng nàng cũng không có được giấc mơ vì nàng quằn quại ngủ không được. Trong khi đó bên ngoài những cơn gió hãi hùng, những cơn gió mạnh làm cho cây cối phải run lên và lá rụng. Một thứ gió ác độc tàn nhẫn đối với loài cây bên ngoài trong đêm khuya có khác gì một số phận nghiệt ngã, oan trái chụp xuống đầu nàng, lên cuộc đời hẩm hiu của người đàn bà bất hạnh, “Ngoải gió riết run từng cơn lá đổ”. Gió riết chứ không phải gió nhẹ nhàng, lãng mạn, mơn trớn như gió của nhà thơ Hàn Mạc Tử:
“ Vô tình để gió hôn lên má
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm”.
Còn nữa, cũng của Hàn Mạc Tử
“Gió lùa ánh sáng vô trong bãi
Trăng ngập đầy sông chảy láng lai
Buồm trắng phất phơ như cuống lá
Lòng tôi bát ngát rộng bằng hai.
Mẹ nàng khuyên nàng đừng nhìn qua cửa sổ để khỏi phải thấy những trận gió tàn nhẫn phủ phàng làm cho cây run lá đổ, để tránh bớt nỗi đau lòng nhân lên gấp bội. Và nàng làm thơ vì nàng là một thi nhân. Những đêm như thế đó, những đêm quằn quại, những đêm cô độc, hồn thơ của nàng lai láng. Hồn thơ càng tuông ra không làm cho nàng bớt đau khổ, trái lại chuốt mãi, nuôi dưỡng mãi nỗi đau khổ cùng cực của thi nhân, của nàng. Bởi vậy mẹ nàng khuyên nàng nên “ xuống hàng” chấm dứt bài thơ. Bài thơ thất tình này có thể bất tận với nỗi đoạn trường bất tận, nên phải chấm dứt để may ra ngưôi bớt nỗi sầu. Tại sao “ xuống hàng” ? Thường thường khi nguồn thơ lai láng, khi cảm hứng trổi dậy thi nhân ghi vội vã gấp rút cho kịp hồn thơ đang dâng trào, và khi ý đã hết, cảm hứng đã cạn, thi nhân chấm dứt bài thơ bằng cách “ xuống hàng” để ghi năm tháng ngày giờ địa điểm nơi sáng tác bài thơ. Thông thường là như vậy, nhưng ở đây mẹ nàng như ra lệnh, chấm dứt việc làm thơ, dù bài thơ trường ca này mãi mãi không chấm dứt được.
Tôi dám bảo hai câu thơ “ Ngoài gió siết run từng cơn lá đổ, Hãy xuống hàng chấm dứt một bài thơ” là những câu thơ hay nhất trong nền thi ca Việt nam. Hai câu thơ đó hình ảnh quá mạnh, có cả âm thanh, có cả những động tác dữ dội, có cả sự ngăn cản sự đối phó trước một cảnh trí không thích hợp cho nỗi đau bất tận của nàng.
Và ý rất mới rất lạ. Và gió siết run, siết là nhân run là quả, tác giả dùng từ đáng bậc thầy, vì khó tìm một từ khác để thay thế mà không giảm sức mạnh hình ảnh của câu thơ. Ba chữ siết, run, đổ, vô cùng đắc thể. Nếu chúng ta thay thế chữ đổ bằng chữ rụng “ Ngoài gió siết run từng cơn lá rụng” thì hình ảnh nhẹ nhàng, không dữ dội, không hoang tàn, không khắc nghiệt như lá đổ. Lá rụng có thể là lá đã già đã tới thời kỳ phải lìa cành, còn lá đổ là lá bị sức mạnh bị sự hùy diệt của gió làm cho phải lìa cành dù là lá còn non còn cuộc sống. Nhiều lắm, trong suốt bài thơ tôi dẫn chứng ở đây, tác giả chọn chữ rất cẩn thận tạo nên những hình ảnh sống động.
Hai đoạn tiếp theo:
Mẹ cấm ta không cho nhìn qua cửa sổ
Không cho nghe âm đoản giọng trầm buổn
Khi đã biết rừng đời nhiều trái khổ
Tô đậm làm chi bóng lẻ dưới trăng suông
Mẹ xin ta đừng nhìn qua cửa sổ
Nghiã lý gì đâu những hình ảnh vô thường
Một kíp người chưa bằng viên đá nhỏ
Hãy gạt sang bên hờn giận với yêu thương
Hai đoạn trên hoàn toàn ý tưởng Phật giáo. Thường thường khi khuyên bảo hay an ủi một người đau khổ, hoặc người thất bại, hoặc người gặp bịnh nan y, người ta thường dùng nhân sinh quan của Phật giáo, “ một cuộc đời vô thường” “Đời là bể khổ” “ Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển đại dương”… bởi thế điều khôn ngoan nhất là diệt thất tình ( bảy tình ) thì con người nhẹ nhàng ra khỏi biển khổ “ Hãy gạt sang bên hờn giận với yêu hương”
Dù người mẹ đã bảo, đã khuyên, đã dặn, kể cả đến cấm, đến xin, nàng đừng nhìn qua cửa sổ để vơi bớt nỗi buồn nỗi thất vọng; dù người mẹ lý giải theo tinh thần vô thường của Phật “ Một kíp người chưa bằng viên đá nhỏ” nhưng nàng vẫn :
Nhưng ta vẫn lén nhìn qua cửa sổ
Thả tâm tư về cúi nẽo chân trời
Tìm trong ánh sáng một vì sao bé nhỏ
Nói với sao:
Trần gian này còn một kẻ đơn côi.
Đoạn kết của bài thơ thật bất ngờ vì hoàn toàn trái ngược với suốt bài thơ hai mươi câu trên. Thì ra những lời khuyên, lời dặn thiết tha của mẹ nàng, đủ những lý giải, đủ những giãi bày của một người mẹ đã từng trãi qua cuộc đời, không ngăn chận được nỗi đau khổ cùng cực của nàng. Vì người mẹ quên rằng có khi càng cố làm cho quên đi lại làm cho càng nhớ càng đau càng buồn. Cho nên người đàn bà tuyệt vọng , người đàn bà bị người yêu bỏ rơi này vẫn lén nhìn ra cửa sổ, để đêm đêm tâm sự với bầu trời bao la, với những vì sao lạnh xa xôi, để tự biết mình là một người cô đơn nhất ở trần gian.
Cách nay trên dưới một năm, nhà văn Việt Hải cùng hội nghệ sĩ tổ chức buổi lễ vinh danh và chúc mừng nhà thơ lão thành Thinh Quang ở tại San Jose, bắc Cali. Buổi lễ này có nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh và phu quân, nhà văn Nguyễn Quang. Năm mươi năm trước tôi đã đọc một số tác phẩm của Minh Đức ở Sài Gòn, nhưng mãi tới năm vừa rồi tôi mới được gặp người nữ sĩ tài danh này. Đêm đó anh chị Việt Hải và một số chị em trong đoàn ở lại nhà tôi và chúng tôi chờ mãi gần khuya anh Nguyễn Quang mới đưa Minh Đức tới. Anh Nguyễn Quang thì đúng là một người Nam kỳ cũ, tức chân thành cởi mở, rất dễ mến. Tất cả những đức tính tốt đó thể hiện rõ nét trong cuốn sách anh cho tôi. Còn chị Minh Đức, chỉ còn là hình dáng một người đàn bà rất Việt nam vào tuổi xế chiều. Vợ chồng tôi rất xúc động tiếp đãi chị với sự kính trọng một thượng khách.
Anh Quang vừa uống xong một ly rượu nho Napa, chị chỉ nhấp một chút. Bổng dưng tôi nhớ đến bài thơ của chị mà tôi ưa thích, bài “ Mẹ bảo ta đừng nhìn qua cửa sổ”. Tôi đọc bài thơ đó để chào mừng chị. Anh Quang và chị rất bất ngờ, rất xúc động thấy rõ, nghe từng câu tôi diễn ngâm.
Sáng hôm sau tôi đưa chị ra xa lộ, với cảm nghĩ rằng tôi đang tiển đưa một thiên tài văn học bậc nhất, nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh. Và cũng có cảm nghĩ rằng đây là dịp cuối cùng, khó có dịp được gặp chị.
Nguyễn Liệu
Mối tình già
(Phu quân Nguyễn Quang viết tặng MĐHT)
Một kiếp người là mấy? Em thường hay hòi anh/hay anh thường hay hòi em? Một đời người, một chuổi đời hay một kiếp người có cùng một nghĩa: là từ ngày chúng ta được sinh ra cho đến ngày chúng ta ra đi, tuy nhiên mỗi từ ngữ nói trên đều có ý nghĩa sâu sắc của nó: Trong một đời người thì có những giai đoạn mà chúng ta hình dung như một sâu tràng hạt nên chúng ta gọi là chuổi đời, một hình ảnh đầy ý nghĩa.
Mỗi ngày trôi qua không khác nào một hạt chuổi đã được lần qua như chúng ta đang cầu kinh và ý nghĩa của một kiếp người là một đời người với những chuổi đời có thể được tái sinh nhiều kiếp theo truyền thuyết luân hồi của nhà Phật.
Chúng ta có cái may mắn được làm người; một động vật trong muôn ngàn động vật khác trên cỏi đời nầy, may mắn là vì con người có trí tuệ có sự hiểu biết nên có sự chọn lựa cách sống của chúng ta, những hành động hằng ngày của chúng ta là do chính chúng ta chớ không do một ai khác, nếu chúng ta không tự chọn lựa được và phú thác những hành động trong cuộc sống của chúng ta cho cái mà chúng ta gọi là định mệnh cũng là một hình thức chọc lựa, tuy nhiên khi chúng ta sống trong môi trường nào là chúng ta phải sống trong khuôn khổ luân thường của xã hội mình đang sống, muốn thoát ra khỏi khuôn khổ nầy phải là một vị siêu phàm mới thoát ra được và căn bản của cuộc sống là tình yêu. Các vị siêu phàm là những vị đã hy sinh những tình yêu nhỏ bé trong nhiều đời trong nhiều kiếp để tìm chân lý giải thoát cho chúng sinh, là tình yêu nhân loại, vô cùng cao quí, cao thượng, nhưng đây chúng ta chỉ là những người phàm, nhỏ bé, sống với căn bản của cuộc đời là tình yêu. Chúng ta yêu những người chung quanh chúng ta; cha mẹ anh em, bạn bè và sau cùng là người phối ngẩu của chúng ta.
Khi còn nhỏ, xa mẹ thì nhớ hơi của bà, xa cha thi nhớ sự bao dung, đùm bọc của ông, xa anh em thì nhớ những ngày anh em quay cuồn với nhau trong những trò chơi của tuổi trẻ, ngay cả những cuộc cải vã ồn ào nhất với nhau cũng nhớ! Đến trường thì nhớ đến những thằng bạn từ mẫu giáo, rồi đến tuổi biết yêu thì có những cuộc tình yêu “nháp” tập tành yêu, ngay thơ, không bờ bến, không đến đâu vì yêu không đúng chổ; yêu người lớn hơn mình bội lần nhưng chỉ yêu để mà yêu! Khi vào quân trường thì lại nhớ những thằng bạn cùng khóa, rồi không biết bao nhiêu hạt chuổi được lần qua để đến một lúc nào đó không tìm mà gặp người mình yêu, nếu may mắn thì cuộc tình được thành tựu và sống bên nhau như một đôi “Uyên Ương” đến tuổi hạc.
Cuộc tình đẹp nhất của thế kỷ thứ hai mươi làm hao tốn không biết bao nhiêu giấy mực, xôn xao cả thế giới, điêu đứng cả một giang sang mà mặt trời không bao giờ lặng, đầy quyền uy và được kính trọng nhất trên quả địa cầu nầy: Trong một chuyến công du Hoa Kỳ của Thái Tử Edward, ông gặp bà Wallis Simpson ông đấm đuối yêu một cách say mê như “kiếp nào có yêu nhau” mà nay được gặp lại. Khi nhà vua George V băng hà thì Edward VIII kế vị ngay sau đó. Suốt mười một tháng ông đảm trách nhiệm vụ của một vị vua, vô cùng nặng nề, quằn quại, dau khổ và cảm thấy không sao làm tròng nhiệm vụ nếu không có người yêu của ông bên cạnh. Đã là một thành phần của Hoàng tộc thì chỉ được kết hôn với những dòng máu Hoàng tộc (Blue Blood) mà thôi, nhất là ở Âu Châu, còn đây ngàn lần phức tạp hơn vì Hoàng tử Edward là một vi vua tương lai thì không thế nào được kết hôn với một thường công dân thường (commoner) huốn chi bà Wallis Simpson là người Hoa Kỳ mà lại đã ly dị hai lần, hơn nữa hai người chồng của bà vần còn sống, nếu vua Edward cưới bà Wallis Simpson thì bà trở thành Hoàng hậu, vô hình dung hai ông chồng kia trở thành Hoàng tử sao? Vì thế sức ép vô cùng mãnh liệc từ Hoàng gia cũng như toàn dân làm cho sự chọn lựa của Thai tử Edward vô cùng khó khăng, nhưng đến ngày đang quang vào năm 1936 Quốc Vương Edwad VIII quyết định thoái vị và bằng lòng với một tước vị rất là khiêm tốn; Công tước Duke of Windsor để sống một cuộc sống an bình, hạnh phúc với người tình của mình ở Pháp quốc cho đến lúc ông qua đời vào ngày 28 tháng 5 năm 1972 và bà âm thầm đi theo ông mười hai năm sau.
Thái tử Rudolf là người sẽ nối ngôi của gia đình Habsburg, hùng mạnh thời ấy (Áo quốc = Austria). Những cuộc hôn nhân được sấp sếp giữa hai gia đình hoàng tộc để có đồng minh hầu tăng cường sức mạnh là một tập tục thường xẩy ra ở Âu Châu. Rudolf thành hôn với Stephanie Hoàng tộc Hung Gia Lợi (Hungary) nhưng cuộc hôn nhân không đem lại hạnh phúc cho ông. Một hôm Thái tử Rudolf đi rong chơi trong một buổi lễ hội, vô tình gặp, không tìm mà gặp nữ tước (Baroness) Mary Vetsera, sau những lần hẹn hò, họ cảm thấy tha thiết yêu nhau.
Mary Vetsera ở tuổi bẽ gẩy sừ trâu (17), không biết Rudolf là thái tử của Hoàng gia Áo đến khi nàng tham dự buổi hòa tấu thì thấy ông ngồi nơi dành riêng cho Hoàng tộc, cô mới biết ông là thái tử Hoàng gia. Cuộc tình của của hai người rất là chân thật trở nên đấm đuối say mê. Vua cha phát hiện cuộc tình của Rudolf và Mary, ông triệt để cấm không cho hai người gặp nhau nữa, nếu không thì ông sẽ bắt Mary Vetsera bỏ vào Nhà Dòng (convent) vì ông lo sợ bên ngoài biết gia cảnh giữa Rudolf và Stephanie không được êm ả thì sẽ ảnh hưởng đến thỏa ước của hai quốc gia; Áo và Hung Gia Lợi. Sự cấm đoán càng mạnh mẽ thì tình yêu giữa hai người trở nên càng quyết liệt. Thái tử Rudolf bí mật dàng dựng cuộc gặp gở với Nữ tước Mary Vetsera tại một trại săn bán Hoàng gia ở Mayerling. Hai người cảm thấy không thể sống xa nhau, trong tuyệt vọng. Nên quyết định tự vấn để sẽ không bao giờ xa nhau. Rudolf ở tuổi ba mươi và Mary chỉ có mười bảy! Những cuộc tình quá đam mê khi bị ngan trái họ cảm thấy không có lối thoát vì vấn đề tâm lý họ bị mất thăng bằng và tự vấn mới không phải là lối thoát. Nếu họ để thời gian làm lành vết thương hay thời gian sẽ cho họ cơ hội để hội ngộ thì sẽ đẹp biết bao!
Trong văn chương thì có cuộc tình thảm thương như trong vở kịch “Romeo and Juliet”. Trong lịch sử chuyện Mayerling cũng đã làm cho gia đình Habsburg, Áo quốc, quyền uy nhất phải điêu đứng. Cuộc tình bất hạnh làm hao không biết bao nhiêu mực và tốn không biết bao nhiêu giấy ở cuối thế kỷ thứ mười chính và đó cũng có thể là nguyên nhân, hay nói cách khác là cái ngòi nổ của đệ nhất thế chiến, cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng!
Tất cả những cuộc tình hạnh phúc hay bất hạnh của các vị vua chúa đều được ghi chép trong văn chương hay lịch sử, còn những chuyện tình của những người dân thường như chúng ta không được biên chép vào lịch sử tuy nhiên vẩn được phổ biến rộng rải trong ca giao hoặc trong những vở kịch cải lương bình dân không kém phần dí dỏm, tươi đẹp, rực rỡ hay bi ai, bi đát!
Trong chuổi đời của chúng ta, nếu nói một cách nôm na, có thể được chia ra làm ba giai đoạn; Giai đoạn đầu là từ ngày được sinh ra là phải bắt đầu học hỏi: Học đi, học đứng, học ăn, học nói, học tiếp cận với nhưng người trong gia đình, cha mẹ, anh chị em các bạn và sau cùng là những người sống chung quanh chúng ta trong xã hội và sự học hỏi nầy sẽ phải tiếp tục không ngừng cho đến cuối đời, mà cũng là giai đoạn nhìn lên với sự ngưỡng mộ những người anh lớn hơn mình. Trong lúc được cưng quý mà chúng ta không biết trái lại chúng ta vô tình làm buồn cha, làm khổ mẹ nhưng tình thương bao la của các bậc cha mẹ luôn sẳn sàng tha thứ tuy nhiên những hành động ngu xuẩn vẩn tiềm tàng trong thâm tâm của chúng ta dù có ăn năn hay sấm hối.
Đến giai đoạn thứ hai là lúc phải xa nhà trường, nhìn đến tương lai, xong pha, vật lộn với đời mà cũng là giai đoạn biết yêu nên tìm người bạn đời, người bạn đồng hành để cùng nắm tay nhau đi trong cuộc hành trình của cuộc đời. Cách danh xưng “Anh và Em” hai danh từ đẹp nhất, dể thương nhất, là bí quyết keo sơn mà ít ai nghĩ đến vì thế chúng ta phải gìn giữ nó một cách thận trọng “Anh và Em” là hai từ của yêu thuật (Magic) bất cứ trong hoàn cảnh nào cho đến khi tóc bạc răng long, cũng như khi chúng ta trao đổi lời hứa hẹn trước bàn thờ ông bà, sẽ chia xẽ buồn vui, nhục vinh lúc nào cũng có bên nhau. Ngay trong cơn giận mà mình còn gọi nhau Anh hoặc Em thì mình làm sao có thể dùng những lời lẽ để làm buồn người “Anh” hay người “Em” của mình.
Sự bất đồng thỉnh thoản xẩy ra trong gia đình nên phải có sự đối thoại hơn là tìm lổi của người nầy hay người khác, không cải vã để tránh sự bất hòa. Không gì đẹp đẽ bằng hình ảnh của một gia đình thành công trong vinh quan và cũng có những hình ảnh vô cùng đẹp đẻ mặc dù gia đình lăm vào cảnh hoạn nạn; mới nghe qua thì hình như có sự mâu thuẫn, sau ngày 30 tháng tư 75, ngày đen tối nhất trong lịch sử Viết Nam, có biết bao nhiêu người trẻ đẹp đã từng sống trong nhung lụa mà phải gian lao, chẳng những để nuôi dưởng cha mẹ chồng và các con mà lại còn xong pha bốn phương tìm chồng trong các trại tù cộng sản để thăm nuôi. Người chồng lo lắng cho người phối ngẩu của mình khi ốm đau là chuyện bình thường vì đó là việc của đấng trượng phu còn trái lại khi người chồng găp phải tai nạn mà người vợ trẻ tận tụy châm nom, săn sóc cho chồng là một hình ành vô cùng cao quý đúng nghĩa của hai chữ tình yêu.
Rồi đến giai đoạn cuối cuộc đời, thông dông nhìn lại hay ôn lại những gì đã trải qua trong quá khứ; những thành công, thất bại, những gì đáng ra phải làm mà không làm, hay trái lại những gì không nên làm mà chúng ta đã làm, chắc cháng là mỗi người của chúng ta, cố ý hoặc vô tình hay thờ ơ không nghĩ đến mà chúng ta đều phạm phải, lắm khi chúng ta ước mong nếu cho chúng ta làm lại cuộc đời thì chúng ta sẽ sống một cách khác chăng?
Chúng ta không làm sao đi ngược thời gian được thì chúng ta phải dùng những kinh nghiệm thiện tri thức để sống một cách ung dung và hài hòa trong khoản đời còn lại với những người chung quanh và nhất là với người phối ngẩu của mình, đã từng chung sống qua những thăng trầm trong cuộc đời. Chúng ta không nên phung phí những giấy phút mà chúng ta còn bên nhau để không lăm vào sự hối tiệc nếu một trong hai người của cúng ta ra đi!
Chúng tôi là một nhóm bạn già, muốn chia xẽ những kinh nghiệm cùng các bạn trẻ với sự ước mong là quý bạn trẻ sẽ có một cuộc sống vui và thanh thản ở tuổi của chúng tôi. Vài năm trước đây thì đông nhưng ngày nay thì không còn lại bao nhiêu, vì phần đông chúng tôi đều ở tuổi bát thập cổ lai hy, mỗi tháng chúng tôi gặp nhau một lần để kể cho nhau nghe những chuyện đời xưa để vui cười với nhau nhưng không kém phần triết trong cuộc đời. Mổi người trong nhóm của chúng tôi có những nghề nghiệp khác nhau nên có nhiều chuyện khác nhau rất lý thú.
Vốn là một thủy thủ, mỗi chuyến đi là phải xa gia đình hằng tháng, còn trẻ, chuyện năm châu bốn bể là nhà dầu không thành văn nhưng có thể được chấp nhận. Trong suốt thời gian nghề nghiệp thời khóa biểu ở nhiều hải cảng gần như bất di bất dịch, đăc biệt nhất là ở Geneo, một hải cảng nhỏ xứ Ý chuyên sửa chửa hay trùng tu tàu bè nên thường ở lại một tuần lễ mười ngày, qua tới Marseille (Pháp quốc) dợi hàng hóa năm bảy ngày xong chuyển qua hải cảng Malaga (Tay Ban Nha). Những chuyến đi năm nầy qua năm nọ thì làm sao tránh khỏi gập những người bạn ở mỗi nơi tàu thường ghé, nhất là lúc bấy giờ không có bao nhiêu người Á đông nên anh rất đắc hàng, ai cũng muốn làm quen. Maria cô giáo người Ý ở Geneo, rất thích họp với chành thủy thủ vì cách sống yêu thương gia đình giống như người Việt Nam. Đến Marseille (Pháp quốc) thì được cô thư ký Denise của Service Maritime làm quen và khi qua đến Malaga (Tay Ban Nha) Conchita hai người gặp nhau trong một buổi coi đấu bò. Những cuộc tình nầy trải dài trong những năm nghề thùy thủ của ông nhưng không cùng một lúc.
Mỗi cuộc tình không giống nhau: với Maria thì cuộc sống êm ả trong không khí của gia đình thú vui của hai người là được ở bên nhau, với Denise thì thích vui chơi trên các sàng nhảy còn với Conchita thì rộn rả nồng nhiệc yêu, rào rạc với bầu máu nống của cô gài miền Nam Âu châu, ít kỷ không chấp nhận chia xẽ với một ai!
Khi về lại tổ ấm lắm khi vô tình để quên những bức ảnh của cô bồ với những lời rất là tình tứ viết phía sau, làm bà xả nổi cơn ghen, bà không nói một lời, lúc ông vắn mặt bà và các con dẩn nhau đi về quê mẹ, ông cũng không hay biết vì quá bận rộn với chuyện tàu bè, hai ngày sau bà bồng bế con trở về nhờ mẹ người hiểu biết đời, khuyên con: “Nó là thủy thủ, dù có năm châu bốn bể đến mấy đi nữa sau cùng nó sẽ trở về bến cũ mà thôi”.
Nghe lời khuyên nhưng về đến nhà bà cũng không sao dàng lòng được nên làm trận ghe với cô Conchita, cái hay là ông xuống nước dổ danh bà và cho bà biết là ông đã xin hảng tàu sau chuyến đi nầy ông sẽ không đi nữa và sẽ làm việc ở văn phòng tại xứ nhà.
Như thường lệ khi tàu cập bến Malaga ông lên nhà, lấy chia khóa dười chậu hoa vào nhà một cách tự nhiên khi Conchita không đi vắn, ngủ đến gần sáng, ông nghe tiếng la hét bên ngoài phòng khách, khi ông ra thì thấy cô em gái của Conchita mở cửa cho chị trong bộ đồ ngủ rất khêu gợi và khi ông bước ra, chỉ mặc cái quần đùi, bị sô qua một bên cô làm cho ông một tràng tiếng Tay Ban Nha mà ông không hiểu chi hết, khi ông hỏi chuyện gì thi Conchita hét càng to hơn và khi cô tước lưởi gưm đấu bò của Natador trên tường ra thì ông chỉ ôm quần áo chạy một nước xuống tàu! Nói đến đây tất cả các bạn già cười lăn, có cả bà xả cũng cười một cách thích thú.
Ông bạn già khác khi sang Mỹ, vào tuổi tương đối trẻ ngoài năm mươi, có công ăn việc làm ở Oregon, Hai ông bà sống khắn khích với nhau, rất hạnh phúc, đến cuối tuần thì đi cấm trại bên veng sông vì ông là một tay sát cá và ông rất đam mê nghề câu, nhất là khi đến mùa cá Sturgeon, nhưng về hưu hai ông bà dọn về Nam Cali để ở gần con cháu, hơn nửa ở Oregon rất buồn vì ít người Việt, sự đam mê nghề câu vẩn tiếp tục, không bỏ. Ban đầu bà còn đi câu theo ông mỗi cuối tuần đến ba bốn giờ sáng mới về. Sau một thời gian bà thấy mệt mỏi nên để ông đi câu một mình, tháng nầy qua tháng nọ với tay nghề của ông lúc nào cũng đem cá về không nhiều thì it.
Thường lệ trể lắm là ba bốn giờ sáng ông mới về hình như sự đam mê của ông càng ngày càng sâu đậm nên khi ông về đến nhà thì mặt trời đã lên cao. Vô tình bà gặp những người bạn câu họ thắc mắc sau ít thấy ông ngoài Pier nơi ông thường câu, bà chẳng nói chi. Một hôm cũng như thường lệ sau một đêm câu vất vả ông hớn hở đem về ba bốn con cá còn tươi rói, nhưng khi bà hỏi ông làm sao câu được cá khi tôi cắt hết mấy lưởi cân ngày hôm qua? Quá bất ngờ ông lúng túng, biết chuyện bí mật của mình bị lộ nhưng cũng còn lanh trí ông bảo ông mượn cần câu của các bạn. Để cứu giải tình thế ông diệu dàng nói với bà xả “Mà thôi từ nay tôi giải nghệ, không đi câu nữa” là một hình thức thú tội cho bà xả hài lòng. Sau câu chuyện là một trận cười một cách hồn nhiên của các cụ ông và có cả cụ bà.
Người lạc quan nhìn khoản đời nào trong cuộc đời đều có những thú vui và hạnh phúc, người đàn ông cũng như người đàn bà lắm khi không tránh khỏi những lổi lầm nhất thời nhưng với lòng vị tha và sự tương tri thì sẽ tránh những đổ vỡ không cấn thiết và khi đến tuổi già nhìn lại và cảm nhận được cuộc đời là phù du là vô thường vì thế tình yêu ở tuổi già rất là êm thấm và vô cùng sâu đậm. Họ thì thầm với nhau với những lời lẻ bình thường hằng ngày: “Cám ơn anh. Cám ơn em. Hay anh thương em, em thương anh”. Họ gần với nhau cho đến độ họ không cần phài thì thầm nữa mà hiểu nhau qua những ánh mắt: mong chờ khi một trong hai người xa vắn, ánh mắt long lanh cười khi sung sướng được ở bên nhau. Mối tình già là mối tình đẹp nhất trong cuộc đời nên chúng ta bằng mọi giá phải vun trồng và bao vệ nó ngay khi lúc chúng ta còn trẻ!
Nguyễn Quang
KỶ NIỆM ĐẸP VỀ NHÀ VĂN MINH ĐỨC HOÀI TRINH.
KIỀU MỸ DUYÊN
Hồi còn học trung học tôi rất ngưỡng mộ những nhà văn nổi tiếng, trong đó có nhà văn Minh Đức Hoài Trinh và tôi mơ ước một lần được gặp chị.
Tôi đọc bài của chị trên báo của giáo sư Nguyễn Thái, mỗi năm chị về VN một lần để rẫy mả và thăm mộ ba má của chị, tôi phục chị vì chị viết văn rất sôi nổi, từ một sinh viên du học ở Tàu, rồi đến Hồng Kông rồi đến Pháp, còn chị Linh Bảo là chị của chị thì ở Luân Đôn.
Ngưỡng mộ nhà văn nữ nổi tiếng trong Văn Bút Quốc Tế, từ năm này đến năm kia, nhưng chưa được một lần gặp mặt cho đến khi sang Pháp thập niên 60, tình cờ tôi gặp chị ở phòng họp báo Quốc tế, tôi chất vấn phái đoàn VC, tôi còn nhớ mãi câu hỏi của tôi như sau:
Những giáo sư đại học người Đức dạy ở Huế trong chương trình trao đổi văn hóa quốc tế, tại sao các ông giết họ, họ làm văn hóa không làm chính trị, mà bị chết một cách oan uổng.
Sau câu hỏi của tôi, tôi nghe tiếng vỗ tay thật to trong lúc diễn giả chưa trả lời.
Trong tiếng vỗ tay đó tôi nhìn thấy hai bàn tay của nhà văn Minh Đức Hoài Trinh.
Trong lúc ra về tôi về cùng thang máy với chị, chị mời tôi đi uống cà phê, và ngày hôm sau chị đến cư xá sinh viên VN đón tôi. Chị muốn mời tôi về nhà chị, tầng thứ 30 hình như thế.
Tôi nói tôi chuẩn bị đi Nice, Toulouse, Bordeaux và Bỉ, Anh, Đức, Thụy Sĩ v.v.
Tôi hẹn trở lại Paris lần nữa tôi sẽ thăm chị, vì tôi quý chị, nhưng sau đó bận rộn quá rồi trở lại VN, sự gặp gỡ giữa chị Minh Đức Hoài Trinh và tôi ở Paris chỉ gặp nhau vài ba lần, nhưng sau này nghe nhạc sĩ Phan Văn Hưng phổ nhạc thơ của chị Ai về sứ Việt mà sinh viên Âu Châu mỗi lần có họp hội hay cắm trại đều hát bài này, tôi rất xúc động. Có một hôm nhạc sĩ Phan văn Hưng kể trong nghẹn ngào:
-Khi Saigon thất thủ, chúng tôi một nhóm sinh viên họp nhau trong nghęn ngào tức tưởi, có sự hiện diện của chị Minh Đức Hoài trinh lúc đó tôi vừa phổ xong bản nhạc Ai về xứ Việt thơ của chị Minh Đức Hoài Trinh, và tôi vừa đàn vừa hát, mọi người bật lên tiếng khóc (lúc đó ở Paris) như rắn mất đầu, vì tòa đại sứ VN đã bàn giao.
Mấy chục năm sau gặp nhạc sĩ Phan văn Hưng vừa kể về Ai về sứ Việt rồi ôm lấy đàn guitar vừa đàn vừa hát ở một mobilehome, Bolsa, chúng tôi mấy người, Hưng, bác sĩ Nhuận, Hùng (nhạc sĩ) và Thúy An khoảng 10 người lắng nghe Hưng hát, hát hết bài này đến bài khác, hát xong không ai vỗ tay, tôi hỏi chủ nhà:
-Sao không mời chị Minh Đức Hoài Trinh đến.
Cô chủ nhà xinh xắn nói:
-Em không có điện thoại của chị ấy.
Tôi nói:
-Từ đây đến nhà chị Minh Đức Hoài Trinh chừng 2 phút.
Gặp nhau là duyên, gặp ở Paris hay gặp bất cứ nơi nào phải có duyên với nhau thì trước sau gì cũng gặp nhau, tôi tin vào số mệnh con người.
Trong lúc uống cà phê ở vĩa hè đông người qua lại, chị nói cho tôi nghe về tình hình sinh viên VN ở Pháp về những người quốc gia, 2 bên có hai giới tuyến khác nhau.
Sau đó trở về VN, chị cũng về VN hàng năm vào dịp Tết, chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên, tôi đến thăm chị ở nhà của chị, hình như nhà gần trường trung học Nguyễn Bá Tòng và tôi vẫn tiếp tục đọc bài của chị trên báo của giáo sư Nguyễn Thái.
Lúc nào chị Minh Đức Hoài Trinh cũng vui vẻ, chị thường kể chuyện cho chúng tôi nghe về người bạn ở Hồng Kông bán cây đàn dương cầm cho chị làm lộ phí để rời Hồng Kông sang Paris, tôi chưa biết người bạn đó là ai, như thế nào mà dám bán cây đàn để cho bạn mình làm lộ phí để đến Pháp, tôi phục lắm.
Ở đời lạ lắm, có những người mình chưa gặp hay chưa bao giờ gặp mà ngưỡng mộ, như những anh hùng trong truyện mình có gặp đâu nhưng ngưỡng mộ vẫn ngưỡng mộ.
Ngày xưa phụ nữ viết văn rất ít, người viết văn như chị Minh Đức Hoài Trinh mà còn có cơ hội đi khắp nơi trên thế giới không nhiều lắm, cho nên tôi ngưỡng mộ vì kiến thức của chị, sự hoạt động của chị qua bao nhiêu thập niên.
Bẵng đi một thời gian thật dài tôi không gặp chị, những hình ảnh đẹp của chị mặc áo dài trong buổi họp báo 4 bên ở Paris vẫn còn đậm nét trong tôi, tôi hy vọng gặp lại chị.
Thế rồi tôi tị nạn ở Hoa Kỳ, khi sang Cali tôi hỏi thăm chị, biết chị bình yên ở Paris tôi mừng lắm cho đến một thời gian sau nghe chị định cư ở San Diego.
Tôi quen với Hải Quân Đại Tá Võ Sum, được biết là anh ruột của chị, tôi mừng đến muốn rơi nước mắt, tôi nói thầm: cơ hội gặp lại chị Minh Đức không lâu.
Và chúng tôi đã gặp nhau ở Orange County. Chị vẫn viết đều đặn, phu quân của chị nhà văn Nguyễn Quang vẫn viết và in sách, mừng mừng tủi tủi khi gặp nhau, có duyên với nhau thì dù chân trời góc biển cũng sẽ gặp nhau.
Rồi cũng ăn cơm ở nhà chị, hoặc ăn ở tiệm, câu chuyện ngày xưa được nhắc nhớ nhiều, tôi nói với chị về chiếc áo dài của chị ở buổi họp báo, và khi tôi hỏi về các giáo sư đại học ở Huế bị giết trong biến cố Mậu Thân, và những ống kính của các đài truyền hình quay về phía tôi nhất là đài truyền hình Đức, và khi ra về những ký giả người Đức bắt tay tôi thật thân thiện.
Chị Minh Đức Hoài Trinh là người chị mà ai cũng thương mến. Chị có phúc đức lớn lắm, tuổi trẻ của chị được đi khắp nơi trên thế giới, và tuổi già thì được phước như thế? Chị được anh Nguyễn Quang chăm sóc chu đáo.
Mỗi năm anh chị về Pháp thăm con và thăm cháu.
Người nào có phúc hay không đợi tới tuổi già sẽ biết mà thôi.
Anh Nguyễn Quang, phu quân của nhà văn Minh Đức Hoài Trinh chịu khó viết và hàng năm thường ra mắt sách nếu có tác phẩm mới, anh chị bao giờ cũng đi chung với nhau, anh chăm sóc chị rất chu đáo. Tôi ngưỡng mộ tình cảm của anh chị. Tình cảm của anh chị rất ngọt ngào, gặp nhau nhiều lần nhưng tôi chưa bao giờ nghe anh chị cãi nhau, bất đồng ý kiến trước mặt người khác. Nhà văn, nhà báo thế hệ thứ hai thường thăm anh chị,
nhà của anh chị sách rất nhiều, ngồi nơi nào từ phòng ăn, đến phòng khách và nhà bếp tầm mắt lúc nào cũng thấy sách, sách đủ loại, sách Việt, Anh, Pháp v.v.
Có lần tôi nói:
Anh chị ơi, sách của anh chị nhiều quá, nếu nhà cháy không chạy kịp vì bị sách án ngữ tất cả nẻo đường ra cửa để chạy.
Nói cho vui vậy thôi, chứ anh chị sống rất cẩn thận thì có gì làm khó được anh chị chứ?
Có năm anh Quang về Pháp một mình anh phải nhờ người đến nhà để chăm sóc chị Minh Đức Hoài Trinh.
Chị lớn tuổi nhưng rất minh mẫn, vừa gặp chúng tôi chị chào mừng chúng tôi bằng nụ cười hiền lành.
Chị hiền lành, càng lớn tuổi chị càng ít nói, cười nhiều hơn nói, tôi kính trọng chị và thương chị cho nên cầu nguyện cho chị sống lâu trăm tuổi, hàng tuần tôi cầu nguyện rất nhiều cho những người quen ra đi, tôi mong những người tôi quen đừng đi vội, hãy vui, hãy sống hạnh phúc với người thân của mình, làm được điều gì cho người khác thì cứ làm, như cầu nguyện một cách chân thành.
Những người lớn tuổi nhu cầu danh vọng tiền bạc không cần nữa, chỉ cần nhất là sức khỏe, vui vẻ và sống hạnh phúc với người xung quanh, tôi mong cho tất cả những người lớn mà tôi quen, tôi cầu nguyện cho họ, trong những người đó có nhà văn Minh Đức Hoài Trinh.
Có lẽ những buổi gặp gỡ đầu tiên để lại trong lòng tôi nhiều ấn tượng đẹp như trong buổi họp báo quốc tế quân sự 4 ở bên Paris, với chị Minh Đức Hoài Trinh, hay ngồi ở quán cà phê ở Paris số 5 uống cà phê thơm phức cách đây gần nửa thế kỷ, tôi ngưỡng mộ chị Minh Đức Hoài Trinh từ dạo đó và trong lúc uống cà phê chị có nói rằng chị có cây đờn tranh đem từ VN sang, nhưng lúc đó nghe từng lầu thứ 30 tôi sợ quá nên không có cơ hội
ngắm cây đờn tranh của chị, chị vẫn treo ở tường của nhà chị ở.
Xin chúc chị Minh Đức Hoài Trinh giữ gìn sức khỏe để chúng tôi còn cơ hội gặp chị trong các buổi ra mắt sách, hay văn nghệ hoặc đến nhà thăm chị.
Cầu chúc anh chị ra mắt sách đều đều ở Cali hay nhiều nơi khác.
KIỀU MỸ DUYÊN
Intro: Cánh Hạc Hoàng Hôn
Việt Hải LA
Luận bàn về chủ đề “Cánh hạc hoàng hôn chiều về” là đề tựa của nét ảnh thẩm mỹ của nghệ sĩ Võ Thạnh Văn (*) được dùng làm trang bìa cho sách “Minh Đức Hoài Trinh: Chính Khí Của Người Cầm Bút”.
Nhà văn Minh Đức Hoài Trinh xuất dương du học bên Âu châu, dù ảnh hưởng nền văn minh Pháp quốc bà học ngành báo chí, nhưng vẫn giữa bản sắc người Việt Nam, qua văn chương, qua tư tưởng và cuộc sống, hay nội tâm dành trang trọng cho quê hương. Điều hiển nhiên là vậy.
Khi trở về quê nhà Việt Nam, trong cuộc đời làm ký giả là những chuỗi ngày dấn thân lăn lộn làm phóng viên chiến trường, rồi đấu tranh dành chính nghĩa của Văn Bút Việt Nam Cộng Hòa, đấu tranh cho quyền của người cầm bút, quốc tế vận để chế độ Cộng Sản được thả ra khỏi trại tù,… Những chính khí của người cầm bút được đặt cho tựa sách, trao tặng tước hiệu như vậy cho ngòi bút bất khuất, không bẻ cong ngòi bút, sống với cái tâm “Chân Thiện Mỹ”, với cái dũng “Uy Vũ Bất Năng Khuất” được Ban Biên Tập chọn lựa.
Đó là cánh hạc mảnh mai nhưng kiên cường, thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh. Cánh hạc bôn ba trôi nổi vì lương tâm, vì chính đạo và vì chính nghĩa, nay bóng tà dương về chiều là lúc mà Ban chủ trương muốn hình thành sách trong ý niệm đó.
Ngày hôm nay cánh hạc bay trong trời chiều, buổi hoàng hôn cuộc đời trong bức ảnh đẹp mắt, một “sharp shot” của nhà thơ nghệ sĩ Võ Thạnh Văn, thuộc nhóm Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ Bắc California. Ông nhận chân ra điều thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh vốn thích tranh hội họa thiền tĩnh, tranh hội họa thủy mặc của trường phái đông phương. Tranh dù là thiền tĩnh hay thủy mặc thì hạc là một trong những yếu tố chính góp phần ý nghĩa cho bức tranh. Thực vậy, âu đó cùng là biểu tượng chí lý trong nhiên nhiên và trong văn học nghệ thuật.
* Trong văn học đông phương dù Hoa, Việt, Nhật,… như trong thi ca Đường thi.
Tác phẩm điển hình mô tả về cánh hạc bay trong thơ của thi sĩ Thôi Hiệu. Người thơ cưỡi chim vàng bay đi mất hút, để lại lầu gợi hứng thơ. Thi nhân lên lầu cao, rồi ít lâu sau người cũng “bay” đi mất về vùng trời an lạc, cõi xa xăm để lại bài thơ bất hủ. Hoàng Hạc Lâu có lẽ là bài thơ Đường được nhiều thi nhân Việt chú ý và dịch nhất ra nhiều phiên bản khác nhau tùy ý cảm tác.
Về mặt lịch sử và địa lý, Lầu Hoàng Hạc vốn là đài quan sát quân sự được xây từ thời Tam Quốc, ở bờ nam sông Trường Giang, thuộc địa phận nước Ngô, rồi khi nước Ngô bị diệt vong thì đài không còn ý nghĩa quân sự quan trọng nữa. Từ đó do được xây ở nơi phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ nên lầu Hoàng Hạc dần trở thành tụ điểm thi ca của tao nhân, mặc khách ghé đến thuởng ngoạn hay trao đổi những áng thi phú, bài Hoàng Hạc Lâu của thôi hiệu là diển hình.
Thơ nguyên văn
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Diễn dịch nghĩa
Lầu Hoàng Hạc
Người xưa cưỡi hạc vàng bay đi rồi
Đất này nay chỉ còn trơ tòa lầu Hoàng Hạc
Hạc vàng một bay không trở lại
Mây trắng ngàn năm vẫn thong thả lửng lơ bay
Sông tạnh nom rõ hàng cây trên đất Hán Dương
Cỏ thơm xanh tốt trên bãi Anh Vũ
Chiều xuống, quê nhà không biết ở phương nào
Khói sóng trên sông khiến lòng buồn bã.
* Còn về thi ca Việt Nam cũng dùng cánh hạc bay:
Trong các bài thi cảm, thi nhân Sa Giang Trần Tuấn Kiệt vốn thích đem cánh hạc vào thơ của ông vào 5 trong số nhiều thơ hạc của ông như sau:
Bên Song Trần Giới
Non thần xa cách ngàn xưa
Hạc về gợi tiếng sầu đưa muôn trùng
Bến bờ sóng lớp mênh mông
Trăng khuya vàng rụng mấy tầng trời xa
Con thuyền giọng hát đêm qua
Ngở như Thần Hạc ngân nga giữa trời
Giòng sông chảy lạnh về khơi
Mộng trường sinh cuộn bến đời ngược xuôi
Niềm Hoan Hỉ
Trăng say đêm tỏa sáng
Bừng vui đón hạc về
Lòng sông sâu vô hạn
Bóng Hạc động hồn khuya
Hạc Thiêng
Thơ bay vàng cánh hạc chiều
Núi sông trăng mới bên triều biển xanh
Mươi năm lỡ bước thị thành
Mộng đời ủ lại mái tranh sau vườn
Bao người đánh mất quê hương
Trăm năm hiện hữu ai buồn vì ai!
Tuổi đời mỏng cánh hạc bay
Động lòng thiên cổ gió mây qua đèo
Hạc Đậu
Bến hồng bóng hạc về khuya
Nghe như băng giá trời chia bến bờ
Trăng sao thu khói tỏa mờ
Nhành cao Hạc đậu bên bờ lau không
Giấc Mơ Nào
Đêm khuya dạo khúc hạc cầm
Gió thu mát dãy sông Ngân bến bờ
Trời đầy mộng với cung tơ
Nỉ non xa vắng bụi mờ thinh không
Tóc mây ai vuốt nên giòng
Thơ bay cánh hạc lượn vòng thời gian
Lửa hương về với cung đàn
Giấc mơ thế kỷ muộn màng về khuya
Về hạc qua thi ca của Thế Lữ trong bài “Tiếng Sáo Thiên Thai”:
Trời cao, xanh ngắt,… Ô kìa,
Hai con hạc trắng bay về Bồng-lai.
Theo chim, tiếng sáo lên khơi,
Lại theo giòng suối bên người Tiên Nga
…
Còn thi nhân Đỗ Lanchy ghi nhận cánh hạc bay trong bài “Ta Về”:
Ta về lay ánh trăng ngà
Ta về vớt giải ngân hà chân mây
Rong rêu phù phiếm trên tay
Gánh thơ cỡi cánh hạc bay lên ngàn
…
Tác giả NuocMatMuaThu trong bài “Về Đâu Hỡi Hạc”:
Buồn như cánh hạc giữa trời thu
Gọi bạn trong đêm sương mịt mù
Đánh thức hồn thơ ta đã ngủ
Bên dòng đời nghiệt chốn phù du
…
Thi nhân Vũ Kim Thanh qua bài “Cánh Hạc Đêm Trăng”:
Người như cánh hạc êm đềm
Xuyến xao mây gió ấm êm tình người
Lời Thơ kia vẫn thắm tươi
Nở trong đêm tối nụ cười hiền nhân
…
Bài thơ “Nhớ Nhà” của Việt Hải Los Angeles ghi nhận cánh hạc bay xa:
Ngàn mây cánh hạc bay xa
Chân trời thăm thẳm chiều tà hoàng hôn
Buồn trong nỗi nhớ chiều hôm
Quê nhà cách trở chín hồn nhớ thương
…
* Về cánh hạc bay trong văn chương Nhật:
Thơ Haiku thường dùng 4 mùa trong năm làm thi cảm, mùa thu vẫn hấp dẫn thi nhân hơn cả. Lá thu phong ửng đỏ, hoa cúc vàng, vàơ triệu nhan tím là ba hình ảnh hoa thơ đẹp nhất và đặc trưng cho sắc thu, hương thu, vị thu trong thơ Haiku. Hơn một ngàn năm trôi qua rồi mà các thi nhân Nhật vẫn còn xao xuyến, rung động khi nghe lời thầm thì cùng lá đỏ trong bài thơ Manyoshu (Vạn Diệp Vận, tức Ngàn Chiếc Lá) khuyết danh dưới đây,
Manyoshu tương tự như thi tập Koifusso (Hoài Phong Tảo, tức Hoài Niệm Thi Ca), duy có điều Manyoshu gồm 2 thể thơ phổ thông Nhật Bản, mang đậm nét thơ cách tân Waka và thơ thuần Nhật Haiku; còn thi tập Koifusso gồm những bài thơ có gốc Đường thi, từ căn bản Hán văn. Văn hóa Nhật vốn phong phú thi ca. Manyoshu và Koifusso là những tập thi ca văn học loại truyền thống đại chúng, những thi ca cổ xưa:
Đàn nhạn bay về,
cây phong của ta ơi
đến lượt em rồi đó
đã sang mùa
em hãy đổi màu đi!
Khi người yêu tôi
mặc áo trắng đi ngang đồi
vương vào lá
vì đang là mùa thu.
(Khuyết danh, Manyoshu)
Bài thơ trên mô tả cánh nhạn bay khi giao mùa phong thu lãng mạn, tác giả tương lòng “ta nhó em”. Bài kế tiếp là thơ thi hào thiền sư Matsuo Bashō, cũng mang hình bóng nhạn bay:
Biển tối sầm
tiếng nhạn
phơn phớt trắng.
(Haiku Basho)
Khi cảm nhận sắc màu của vạn vật trong không gian thu, nhân vật trữ tình ẩn tàng trong những bài thơ Haiku trên đã có một năng lực trực cảm kỳ lạ đó là sự chuyển đổi cảm giác. Bài thơ mang sắc màu đen tối u sầm của biển tương phản và làm nổi bật màu phơn phớt trắng cánh nhạn bay qua, và dáng là đà tung cánh cùng tiếng nhạn. Tiếng nhạn trên biển cả không phải được nghe bằng tai không mà cần được thấy bằng tận mắt ta.
Trong rừng văn học Phù Tang, cánh nhạn còn nổi bật hơn qua phong văn của nhà văn Nhật Bản Kawabata Yasunari, sinh ngày 11/6/1899 và mất ngày 6/4/1972 . Ông đoạt giải Nobel văn học 1968, trong tác phẩm trứ danh “Ngàn Cánh Hạc” (Sembazuru, 1949), mà tên tiểu thuyết trong Anh ngữ là “Thousand Cranes”, dùng ẩn ý hạc nói lên nỗi lòng hay nội tâm của giới phụ nữ. Văn phong ông nhuốm nét đặc biệt tạo sự xúc cảm cho người đọc khi miêu tả nét lãng mạn trữ tình về cuộc sống thiên nhiên và số phận con người u ẩn nỗi buồn trong xã hội khép kín của Nhật nói riêng, hay đông phưong nói chung, Kawabata gợi nên sự phù du thoáng chốc của thời gian và sự ngắn ngủi của cuộc đời vô thường.
Kawabata Yasunari đã đươc nước Nhật và thế giới tôn vinh như một nhà văn lớn vì văn chương ông mang phong thái nhân bản, sự thông cảm văn hóa giữa người và người, đọc những tác phẩm của ông ta cảm nhận sự truyền đạt chuyển tải những nhận thức văn hóa mang vẻ đẹp thanh tao thẩm mỹ giữa con người và thiên nhiên, văn ông có triết lý sâu xa về đạo đức qua phong cách nghệ thuật độc đáo, do đó đóng góp vào nhịp cầu nối kết tinh thần hòa hợp Đông – Tây, như Rabinadrath Tagore của Ấn Độ theo cung cách như vậy Stockholm đã trao giải Nobel Văn học năm 1968 của Viện Hàn lâm Thụy Điển dành sự danh dự cho văn chương Kawabata.
Tưởng cũng ghi nhận thêm từ năm 1948 đến 1965 Kawabata giữ chức vụ chủ tịch Hội Văn bút Nhật Bản, sau năm 1959 ông là phó chủ tịch Hội Văn bút Quốc tế. Năm 1953 Kawabata trở thành viên Viện Hàn lâm Nghệ thuật Nhật Bản. Năm 1959 ông được tặng Huân chương cao quí của nước Đức mang tên Goethe cấp tại Frankfurt.
Ban Biên Tập xin cám ơn quý tác giả thi, văn, tranh họa, ảnh, thư pháp dùng trong bài này, đặc biệt bức ảnh bìa, cũng như quý tác giả có tác phẩm đóng góp trong sách “Minh Đức Hoài Trinh: Chính Khí Của Người Cầm Bút”. Khi đề cặp nhà văn Minh Đức Hoài Trinh vì những đóng góp trong nhiều lãnh vực khác nhau, một ngòi bút thủy chung với văn hóa dân tộc, vì lương tâm con người, vì lý tưởng quốc gia, cánh nhạn bôn ba thăng trầm, nhưng luôn lưu giữ “Chính Khí Của Người Cầm Bút”, đấy là lòng cảm kích sâu xa khi chúng tôi thực hiện ấn phẩm này trên tay quý độc giả.
Việt Hải LA
Vui lòng gởi thêm tài liệu và ý kiến xây dựng về Phan Anh Dũng: dathphan1@gmail.com