Oct 31, 2024

Bài giới thiệu

Cách gọt, tỉa hoa Thủy Tiên
Webmaster * đăng lúc 03:49:16 PM, Mar 05, 2015 * Số lần xem: 2769
Hình ảnh
#1

Hoa thủy tiên trắng (2)

Hoa thủy tiên có tên khoa học là Narcissi, tên tiếng anh là Chinese sacret lily, thuộc họ hành tỏi. Thủy Tiên là tên một loài hoa thanh nhã, cánh hoa trắng muốt, tinh khiết, mùi hương ngọt ngào, mọc từng chùm, nhụy hoa màu vàng, lá xanh hình lưỡi liềm dài độ hơn một gang tay, mọc trên một củ tựa như củ hành tây. Hoa thủy tiên tượng trưng cho sự may mắn và trường thọ. Ngày tết, hương thủy tiên quyện với mùi hương trầm từ ban thờ trong cái lạnh đặc trưng của ngày xuân tạo nên một vẻ linh thiêng huyền bí và ấm áp.

Hoa thủy tiên mà người Trung Quốc, người Việt Nam thuờng gọt chơi vào ngày Tết cổ truyền được trồng tại vùng Chương Châu – tỉnh Phúc Kiến – Trung Quốc, đây là loại thủy tiên đẹp và nổi tiếng nhất. Củ thủy tiên trồng sau 3 năm thì đường kính của củ khoảng 7-15cm, lúc này đã đạt kích thước lý tưởng để tạo hình.

Hoa-thuy-tien-12

Hoa thủy tiên cánh đơn đẹp và được ưa chuộng hơn thủy tiên cánh kép. Tuy nhiên, việc xem củ để xác định là hoa đơn hay hoa kép là điều không thể, chỉ còn cách là mua củ tại nhà của người buôn có uy tín. Nếu lỡ phải hoa kép thì cũng không sao, hoa vẫn thơm như vậy, vẫn mang lại may mắn nhưng chỉ hình dáng hoa không đẹp thôi.

Củ thủy tiên rất giống củ hành tây, cũng có nhiều lớp vỏ củ như vậy. Toàn củ gồm một củ chính lớn nhất và một số củ nhỏ hơn mọc xung quanh, được gọi là mầm sườn. Vỏ thân củ hoa màu trắng sữa, đáy củ là vầng rễ già có màu vàng ngà, lớp rễ mới mọc ra sau này sẽ có màu trắng muốt, óng ánh như râu tóc của tiên ông. Giữa củ có lá non màu vàng và các tia hoa gồm nụ hoa, cuống hoa nằm thẳng hàng.

Hoa Thủy Tiên Tháng Chạp 2013 (1)

CuthoPhía dưới của củ bao giờ cũng có một chút đất để bảo vệ vầng rễ.

Cut Thuy Tien

Thủy tiên có sức sống rất mạnh mẽ, các vết cắt, gọt sẽ lành sau vài ngày. Gọt hoa thủy tiên mục đích là để tạo ra những hình dáng độc đáo như ý muốn. Vỏ củ, cuống hoa, lá được gọt, xén, tỉa sau đó sẽ lành nhưng dù sao, sự sinh trưởng cũng bị kiềm chế. Ngược lại, mặt bên kia của củ không bị gọt vẫn phát triển bình thường. Gọt, tỉa, cạo, cắt và thủy dưỡng tốt sẽ cho ta những giò thủy tiên có lá uốn lượn thấp, hoa vươn cao, nghiêng nghiêng duyên dáng.

II. Dụng cụ gọt thủy tiên :

Gồm một số dụng cụ chính như sau : .

- Dao vát lưỡng dụng : dùng để bóc, cắt, cạo, gọt, xén… toàn dao dài khoảng 18cm, lưỡi vát 45 độ, rộng 2.5cm sống dao dày khoảng 2mm
-
Panh kẹp
– Dao máng : dùng để xén lá nằm sâu trong bẹ củ. Lưỡi dao hình vòng cung dài khoảng 5mm. Tôi gắn luôn dao này vào chuôi của dao lưỡng dụng
– Kéo nhỏ – Chổi lông (loại chổi quét sơn)

- … và một số thứ khác mà các bạn có thể nghĩ ra để sử dụng cho phù hợp.

Dao vát lưỡng dụng, loại dao có thể sử dụng để gọt mọi công đoạn 1 củ thủy tiên

Loại dao gọt thủy tiên không quá sắc, kiểu sắc lẻm của lưỡi dao cạo râu, rất dễ đứt cuống hoa hoặc phạm vào bao hoa.

III.Phương pháp cắt tỉa, tạo hình : Nguyên tắc chung là phải tĩnh tâm, tỉ mỉ, nhẹ nhàng trong mọi công đoạn gọt củ thủy tiên

1. Làm sạch củ :

Củ mua về bóc bỏ đất ở đáy củ, bóc hết các bẹ lá khô và ngâm nước 48h cho vỏ củ hút nước căng mọng ra để dễ gọt.

Ngâm nước rồi làm sạch lại một lần nữa :

2. Bóc vỏ củ : Bắt đầu động dao trên mặt củ theo vòng cung của củ, cách vầng rễ 1cm, rạch một đường vòng cung :

Nhẹ nhàng tách từng lớp vỏ củ :

Cứ bóc như vậy khi vào gần đến giữa củ thì phải hết sức thận trọng kẻo phạm vào bao hoa, cuống hoa và lá, cho đến khi để lộ hoàn toàn mâm củ. Trong khi tách, nếu gặp các mầm xiên xẹo bên ngoài thì cắt bỏ, chỉ giữ lại các mầm ở chính giữa củ nằm thẳng hàng nhau :

Đối với các mầm sườn cũng bóc vỏ như với củ chính. Thông thường, các mầm sườn cũng có một cành hoa nên chúng ta khi gọt cũng hết sức chú ý vì các lớp vỏ ở mầm sườn ít nên khi gọt rất dễ phạm vào bao hoa.

3. Bóc bào mầm : . Sử dụng dao vát lưỡng dụng và máng để khoét sâu các khe giữa các bào mầm để dễ bóc bào mầm và xén lá sau này. Sau đó, dùng mũi dao nhẹ nhàng rạch bào mầm để lộ ra lá và hoa. Thao tác này các bạn hết sức chú ý vì rất dễ phạm vào bao hoa. Nếu làm rách bao hoa thì chắc chắn hoa sẽ bị câm và thối hoa. Theo kinh nghiệm của tôi, các bạn nên rạch một đường ở bên cạnh của bào mầm, từ trên xuống dưới, thay vì rạch chính giữa bào mầm vì ở bên cạnh đã có các lá nằm bên trong che chở cho bao hoa. Sau đó, dùng dao máng bóc bào mầm (là một bao màu trắng bao bọc quanh lá và cuống hoa như trong hình) để lộ ra lá và bao hoa :

Khi bóc tách bào mầm xong, củ chính và các mầm sườn nó sẽ như thế này :

Các bạn nhìn thấy trong hình giữa những lá xanh màu lá mạ có một bao lồi ra, nho nhỏ màu vàng nhạt đó là bao hoa. Đây chính là phần quan trọng nhất của củ thủy tiên, nếu lỡ tay làm thủng hoặc gọt phạm phải là hỏng một hoa. Khi gọt mà thấy có mấy mẩu màu vàng cam sẫm rơi ra là hỏng một cành hoa rồi đấy. Thông thường, mỗi mầm có 4-5 lá, bên trong là cuống và bao hoa.

4. Xén lá : . Các lá thủy tiên, nếu không được xén tỉa thì sẽ luôn mọc thẳng lên tua tủa, nhiều khi che lấp mất hoa nên không được đẹp lắm. Do vậy, muốn lá mọc thấp và uốn lượn phía dưới hoa thì ta phải xén lá. Xén lá theo cạnh nào thì nó sẽ uốn lượn theo cạnh đó . Dùng dao lưỡi vát rạch một chút trên ngọn lá rồi dùng dao máng xén dọc theo chiều dài của lá cho tới tận cuống lá.

- Tạo lá cong hình móc câu : gọt, cạo một chút đằng sau lá từ ngọn lá cho tới giữa lá hoặc tới gốc lá, tùy theo bạn muốn cong ít hoặc cong nhiều.
 
- Tạo lá lượn vòng tròn : Từ đỉnh lá xén đi 1/3 tới ½ độ rộng của lá từ ngọn lá cho tới gốc lá. – Linh tinh : kết hợp cả hai loại trên .

5. Cạo cuống hoa : .Cũng như lá, nếu không tác động, trụ hoa thủy tiên sẽ cùng nhau mọc thẳng và trên đỉnh sẽ là một chùm những bông hoa nhỏ. Nếu muốn cuống hoa cong nghiêng nghiêng thì ta dùng dao cạo nhẹ lớp vỏ mỏng của cuống hoa ngay dưới đế bao hoa. Cạo chiều nào, hoa sẽ cong theo chiều đó. Có thể cạo một chút, có thể cạo từ đế bao hoa cho tới gốc cuống hoa, tùy theo yêu cầu tạo hình cong ít hay cong nhiều. Cần chú ý kẻo đứt cuống hoa.

6. Tạo hình : Tôi mới gọt thủy tiên được vài lần, chủ yếu là mày mò gọt theo cách dễ nhất, phổ thông nhất. Để tạo hình con cua, gà trống, thiên nga, thuyền buồm… đòi hỏi sự tập luyện nhiều năm, khéo léo, có óc tưởng tượng phong phú và thường xuyên rút kinh nghiệm. Tiếc rằng, không phải dễ dàng mà tập gọt và tạo hình thường xuyên được vì mỗi năm chỉ có một lần và chỉ gọt trong một thời điểm nhất định, trong phạm vi vài ngày, sớm cũng hỏng, muộn cũng chẳng ra gì. Hy vọng vài năm nữa sẽ học hỏi và tạo hình được theo các chủ đề.

IV. Thủy dưỡng .

Thủy dưỡng là quá trình nuôi trồng trong nước. Đây là một khâu rất quan trọng trong quá trình gọt thủy tiên, nó quyết định phẩm chất của một giò thủy tiên. Trong quá trình thủy dưỡng phải thường xuyên xem xét, điều chỉnh lá và hoa cho đẹp vì lá và hoa trong giai đoạn này rất dễ điều chỉnh, uốn nắn.

1. Làm sạch trước khi thủy dưỡng : Dùng panh, kéo, chổi lông làm sạch các mảnh vụn giắt trong các khe bẹ củ, sửa lại các vết cắt cho thật ngọt. Xem kỹ mặt trước, mặt sau của củ xem có chỗ nào bị giập hay không, nếu có phải gọt sửa lại vì củ giấp rất dễ ủng, thối.

2. Loại nước sử dụng : Thủy tiên ưa nước sạch, trong, tốt nhất là dùng nước mưa, nước giếng khơi, nước suối. Nước máy cũng dùng được nhưng nên để vài ngày cho bay hết hơi clo mới dùng được. Thay nước hàng ngày đối với chậu nông và 2 ngày đối với chậu sâu. Nếu nhiệt độ ngoài trời cao phải thay nước hàng ngày vì trời nóng rễ và bẹ củ rất dễ thối, ủng. Nếu nước có hiện tượng vẩn đục, phải lập tức xem xét củ xem có phần nào bị thối không, nếu có thì dùng dao gọt rộng hết phần bị thối, ủng và rửa thật sạch dưới vòi nước chảy, có thể rửa bằng nước muối loãng rồi tiếp tục thủy dưỡng.

3. Ngâm cầu : Sau khi gọt và làm sạch xong thì ngâm mặt cắt, gọt, tỉa vào nước trong 24 h để rửa sạch nhựa chảy ra từ vết cắt, nhựa sẽ đùn ra và đông lại dẻo quánh trên các vết cắt gọt. Nếu không rửa sạch nhựa thì các vết cắt sẽ bị oxy hóa làm cho thâm lại.

Dùng chổi lông, bông cọ rửa mặt cắt và thay nước mỗi 8h :

4. Chậu thủy dưỡng : Sau khi ngâm cầu, ta đưa củ lên chậu thủy dưỡng, đặt củ nằm ngang và hướng mặt cắt gọt lên trên. Dùng bông hoặc vải mềm phủ lên các vết cắt và rễ sao cho mảnh vải, bông luôn ướt, mục đích để rễ và các vết cắt không bị khô dẫn đến thâm. Không đổ ngập nước thay vì dùng bông phủ vì nếu ngập nước thì các vết cắt gọt lại bị ủng, thối.

Có thể dùng loại bông tẩy trang, tách ra làm đôi rồi phủ lên mặt cắt của củ :

Tôi thường dùng thùng xốp đựng hoa quả để làm chậu thủy dưỡng, cắt bớt độ cao của thành, dùng tấm lưới sắt làm giá rồi đặt các củ thủy tiên vào đó để thủy dưỡng. Nó có thể chứa được 6-7 củ :

Sau khi đặt vào chậu thủy dưỡng thì ta nên để trong nhà 3-4 ngày do các vết cắt liền sẹo, lá bắt đầu mọc dài ra và hơi xanh mới đưa ra ngoài trời. Không để cây dưới ánh nắng trực tiếp, mưa gió. Ban đêm phải chuyển vào trong nhà để tránh sương đêm làm chột lá, hoa Hàng ngày khi thay nước cần rửa sạch củ hoa và kiểm tra, điều chỉnh lá và ngồng hoa theo ý muốn. Chú ý ngồng hoa vì lá mọc thấp, lượn vòng dễ chèn lấp ngồng hoa làm ngồng hoa cong vẹo không đẹp mắt.
.

5. Thời điểm gọt : Cái khó của người gọt hoa thủy tiên là phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Trời nóng ẩm thì nhanh nở hoa, trời lạnh thì chậm. Củ thô được bán ở chợ Bưởi, chợ Mơ và một số nơi khác ở HN từ tháng 11 âm lịch.

Thông thường, ở Hà Nội bắt đầu gọt trước ngày mồng 1 Tết từ 20 – 25 ngày. Tức là chúng ta sẽ tiến hành gọt vào những ngày từ mùng 5 đến mùng 9 tháng 12 âm lịch. Dự đoán năm nào ấm thì gọt trước tết 21-22 ngày, năm nào lạnh nhiều thì gọt trước tết khoảng 24-25 ngày. Tất nhiên, trong giai đoạn thủy dưỡng thì ta cũng có thể điều chỉnh được phần nào, nhưng dự đoán trước được thì nhàn hơn và cũng ấn tượng hơn..

Để chắc ăn, trong vòng 4 ngày thì mỗi ngày gọt 1 củ, thế nào cũng có 1-2 củ nở trúng 30 tết. Trước đây, các cụ có lệ thi gọt, tạo hình thủy tiên làm sao nở đúng giao thừa thì đoạt giải thưởng lớn. Người ta cho rằng, năm nào gọt hoa thủy tiên mà nở đúng giao thừa thì năm đó sẽ rất may mắn. Tất nhiên, những giò thủy tiên nở sớm hay nở muộn thì đều cũng tốt vì người phương Đông quan niệm thủy tiên đem lại sự may mắn và trường thọ.

Hoa Thuỷ Tiên

6. Điều chỉnh thời điểm nở hoa : Từ khi hoa xé bao nang đến khi hé nở khoảng 5-6 ngày. Ta có thể điều chỉnh ngay trong thời điểm này. Cách thường dùng là can thiệp bằng nhiệt độ, ánh sáng.

Điều chỉnh cho củ ra hoa sớm dễ hơn là ra hoa muộn. Muốn củ ra hoa sớm thay nước ấm để thủy dưỡng, phơi ra ngoài nắng trực tiếp. Đêm đưa vào trong nhà che giấy, nilon rồi dùng bóng điện chiếu sáng.

Muốn củ ra hoa muộn thì phải nhiều lần thay nước lạnh, có thể dùng đá trong tủ lạnh ngâm nước xuống khoảng 15 độ C rồi dùng nước này để thay. Không phơi nắng mà phải để trong nhà tối hoặc chỗ râm mát, ban đêm đưa ra ngoài trời.

Hoa thủy tiên trắng 2013 (MH)  (2)

Trên đây là những kỹ thuật cơ bản mà tôi mạnh dạn đưa lên để các bạn tự tay gọt được thủy tiên chơi tết. Để có một giò thủy tiên theo cách thức giản dị nhất thì cũng không phải là quá khó hay đòi hỏi kỹ thuật cao siêu gì cho lắm, chỉ cần một chút khéo léo, một chút tỉ mỉ là chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra được một giò thủy tiên cũng không đến nỗi nào, chắc chắn sẽ đẹp hơn “hàng chợ”. Tự mình làm được cũng là một điều rất thú vị.

Hy vọng xuân này, các bạn sẽ có được những giò thủy tiên “cây nhà lá vườn” để chơi và tặng cho bạn bè, người thân.

Chúc các bạn và gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng, hạnh phúc.

Hoa thủy tiên trắng 2013 (22)

Dec 7 – 2013
LSV sưu tầm trên Internet (xin lỗi không được biết tên của tác giả bài viết này)

Thuy Tien ngay Tet

Hương gây mùi nhớ…

Nguyễn Xuân Phác

“Từng bông, từng bông bắt đầu mở hé và qua sáng mồng một Tết thì hương thơm nồng nàn, đài các của hoa đã quyện trong không khí lẫn với hương trầm của những thẻ nhang.”

Giòng máu mê chơi thủy tiên dường như đã lưu truyền từ ông tôi qua mẹ tôi rồi đến tôi, dù rằng đến tuổi có cháu ngoại vào tiểu học tôi mới tập tễnh bước vào đường mê say thú gọt tỉa loài hoa đẹp vượt ngoài cõi thế ấy. Không đẹp sao được gọi là Tiên? Mà không đẹp sao lại có nhiều người được mang tên Thủy Tiên đến thế?

Ông tôi nổi tiếng khắp vùng vì những giò thủy tiên gọt tỉa mỹ thuật, trưng vào dịp Tết trên bàn thờ tổ tiên. Ông tôi chỉ thích hoa đơn, bảo rằng như vậy mới đúng là “đĩa bạc chén vàng.” Mà càng ngắm thì càng thấy quả đúng là sáu cánh hoa trắng muốt xòe ra như chiếc đĩa bằng bạc đỡ lấy chiếc nhị vàng chói, dáng khum khum như chiếc chén bằng vàng. Hoa kép ông tôi cho là nhiều cánh quá, lại không có chiếc nhụy vàng rõ rệt, trông tạp lắm.

Đến mẹ tôi thì đúng là nghề riêng ăn đứt. Mẹ tôi tỉa và chăm sóc cách nào không biết, nhưng cứ mỗi đêm giao thừa, trước hay sau khi thắp mẻ trầm thơm phức trong chiếc lư nhỏ là thế nào những giò thủy tiên của mẹ tôi cũng hàm tiếu. Từng bông, từng bông bắt đầu mở hé và qua sáng mồng Một thì hương thơm nồng nàn, đài các của hoa đã quyện trong không khí lẫn với hương trầm của những thẻ nhang.

Mẹ tôi còn khéo kén những bát kiểu, đặt mua tận Hồng Kông, để trưng bày những giò hoa đã tốn công xén tỉa và chăm sóc. Bàn thờ tổ tiên chúng tôi không năm nào thiếu những giò hoa mà ông tôi rồi đến mẹ tôi đã lựa chọn cẩn thận ở phố khách từ trước Tết khoảng một tháng. Tôi nhớ mang máng là ông tôi khi nào không đích thân đi mua thì thế nào cũng căn dặn mẹ tôi – dù có lẽ bà đã thuộc lòng – rằng phải chọn củ nhẹ và dẹp, đáy phải hơi lồi ra và chỗ mọc rễ đầy đặn mới là củ đơn. Mà phải là củ từ huyện Nghi Xuân tỉnh Phúc Kiến bên Tàu cơ, mới là được.

Tuổi nhỏ của tôi cứ thế trôi qua hàng năm với đầy ký ức về những giò hoa của ông tôi và mẹ tôi nở vào đêm giao thừa, và mùi pháo chuột ngoài sân của lũ anh chị em chúng tôi ngày Tết. Sau đó lên Hà Nội học, tôi không thấy mẹ gọt thủy tiên nữa và cũng chẳng thắc mắc vì sao. Những Tết ở Hà Nội lại có những kỷ niệm khác, từ tiểu học đến trung học, yêu người hơn yêu hoa.

Hai mươi mốt năm tại miền Nam nắng ấm, thủy tiên không hề được nhắc nhở trong những dịp Tết. Hình ảnh những giò thủy tiên đẹp đẽ cũng phai nhòa dần trong những ngày đầu định cư trên đất Mỹ. Chạy sống đã tháo mồ hôi, ai đâu còn nghĩ đến thú chơi hoa?

Hoa Thủy Tiên Tháng Chạp (1)Thế rồi một đầu xuân ấy ở San Jose, trong lúc đang đi lang thang giữa những liếp hoa tulip tại một vườn ươm cây trên đường Alum Rock, tôi bỗng thoáng thấy một mùi hương quen quen. Bước lui dăm bước, tôi thấy một giò hoa đơn độc, sắp tàn, được đặt ở giữa những chậu hoa sặc sỡ của xứ Hòa Lan. Bê khóm hoa nhỏ lên ngửi lại cho chắc ăn. Đích thực là hương thủy tiên đây rồi! Nhãn hiệu đề là Chinese Narcissus đàng hoàng. Tôi bương bả ra trả tiền và không bỏ sót cái lắc đầu kín đáo của bà Nhật thâu ngân, ra chiều thương hại cho ông khách gàn dở, tốn tiền ôm về một khóm hoa đã hầu tàn.

Ngồi trong xe, tôi như cô-Pierrette-vai-mang-liễn-sữa trong câu chuyện ngụ ngôn của La Fontaine, không ngưng hình dung ra trong óc một viễn tượng đầy thích thú. Những củ hoa nhỏ này đây rồi sẽ được tôi tách ra, phơi khô, để dành qua năm sẽ trồng xuống cát ướt. Chúng sẽ cho tôi một dãy hoa. Hoa tàn, lại phơi khô củ, qua năm tới lại trồng nữa. Cứ thế nhân lên, không mấy chốc tôi sẽ có đầy một vườn thủy tiên sau nhà, bạn bè trông thấy chắc sẽ phục lăn.

Tôi còn bỏ ra cả một buổi cưa, đục, hì hục cho đến khi đóng được một bồn dài bằng gỗ, dành để trồng hoa bên ngoài cửa sổ. Rồi còn chạy xe qua cả tiệm Ace Hardware mua về một túi cát để sẵn nữa.

Nhưng than ôi, liễn sữa của cô Pierrette đã đổ tan tành ngay hôm sau, khi đi cầy về. Chậu hoa phơi nắng sau hè đã bị một con sóc từ bụi cây bên hàng xóm qua điểm tâm hết nhẵn cả mọi củ, chỉ còn lại chiếc chậu đổ trỏng trơ!

Học gọt thủy tiên

Phải đến nhiều năm sau, người Tàu tại San Francisco mới bắt đầu bán thủy tiên vào dịp giáp Tết. Vợ chồng tôi đã đội mưa đi dọc con đường Stockton để chọn ít củ về nuôi. Gọi là nuôi, bởi vì người Tàu có lối chơi giản dị là trồng hoa trên chậu cát hoặc sỏi. Củ hoa được khía vài đường để tạo dễ dàng cho các giò hoa và lá nhú ra rồi tăng trưởng. Trồng cách này, những giò hoa và lá đều mọc thẳng đứng, xum xuê, và thường khi lá mọc cao hơn hoa, nào có khác gì khóm hoa tulip.

Vậy mà bà ngoại lũ trẻ cũng hào hứng rảo qua đường Grant, mua lấy vài chiếc bát kiểu để trưng hoa. Ba củ trưng chung một bát, bên dưới có lót một lớp cuội trắng. Những bát hoa cũng được mang ra phơi sương, lấy ánh sáng, đắp nước ấm, nước lạnh đủ cả, rút cục có năm thì nở sớm, có năm nở trễ, chẳng có kỷ luật trật tự gì cả. Nhưng có còn hơn không, vì dẫu sao trong nhà vẫn còn được đượm mùi hương thủy tiên nồng nàn trong những ngày Tết.

Bà Tuấn mới là người thực sự “khai nhãn” cho tôi trong thú chơi thủy tiên ở Mỹ. Bà Tàu này gốc Điện Biên nhưng lại nói tiếng Việt như máy, đúng giọng của dân Hà Nội chính thống, trước khi về làm nội tướng cho ông bạn Nguyễn Đình Tuấn của tôi. Một sáng kia, bà gọi tôi, hỏi có muốn coi bà gọt thủy tiên không? Có là cái chắc. Tôi vọt đến nhà đã thấy bà sắp sửa gọt qua củ thủy tiên thứ nhì.

Bà dạy tôi, này nhé, tôi đã ngâm củ qua đêm rồi, giờ vớt ra bóc bỏ lớp vỏ nâu bên ngoài, chùi sạch sẽ lớp đáy, bứt bỏ những rễ cũ đã khô đen. Bà nói, đặt củ lên bàn tay, coi cái thế của nó phía nào là bụng, phía nào là lưng. Phía lưng sẽ để nguyên, còn phía bụng sẽ cắt ngang một lằn, bóc lần những lớp bẹ bên ngoài để cho lộ những giò lá có ôm giò hoa bên trong. Bà vừa giảng vừa làm thoăn thoắt. Tôi nể phục bà quá chừng, quên cả hỏi là bà đã nhập môn với ông thày nào.

Rồi bà cũng cho tôi một củ, bảo gọt đi. Tôi cứ theo lời chỉ dẫn, nào cắt, nào gọt, nào moi, chừng một tiếng sau thì hoàn thành “tác phẩm đầu tay.” Nhưng mà củ của bà Tuấn được gọt tỉa gọn ghẽ bao nhiêu thì củ của tôi trông thảm hại bấy nhiêu. Giò nào cũng bị phạm, không đứt lá thì chạm hoa, hiển nhiên là đường đao của tôi còn lâu mới được ngọt.

Bà Tuấn bảo tôi đem củ về ngâm úp trong chậu nước qua đêm rồi sáng hôm sau gọi cho bà. Qua điện thoại, bà bảo tôi rửa cho hết chất nhớt tiết ra từ những chỗ bị gọt cắt rồi đến màn chạm lá. Bà dặn, dùng dao sắc gãi vào cạnh lá thì sau này lá sẽ quăn đi, trông giống như càng cua bò. Dĩ nhiên là kết quả đâu có “cua bò” vì tôi học chưa hết chữ thày.

Năm sau, bà rủ tôi xuống tận Morgan Hill, đến một vườn ươm cây của người Tàu trên đường San Martin. Bà lựa chọn kỹ càng từng củ, vừa chọn vừa giảng. Tôi chỉ việc bỏ vô bao năm sáu củ trong số bà đã chọn, thế là xong. Về nhà, bà lại chỉ cho tôi một ngón mới là dùng dao sắc xén bớt cạnh lá thay vì “gãi”. Lại thất bại, vì những giò lá của tôi vẫn dựng đứng như những khóm hành hẹ.

Tôi phàn nàn với bà Tuấn. Bà cười ha hả. Ông sợ nắng, để chậu hoa trong bóng dâm, lại sợ lạnh, để hoa dưới mấy khóm lan đất, thì thảo hèn nào lá nó chẳng dài. Nó vươn lên để tìm ánh sáng đấy. Thôi, lên đây tôi biếu ông một chậu về trưng chơi.

Quên, chưa kể thêm rằng ông Tuấn là cựu hướng đạo. Người hướng đạo là người nhiều sáng kiến. Thế cho nên đồ dùng gọt thủy tiên của bà Tuấn đã được ông chồng chế biến, từ dao exacto đến dao gọt khoai tây – mà ông đã mài đi để thay cho lưỡi dao lòng máng của các cụ chơi thủy tiên ngày trước. Tôi phải nài nỉ kỳ được để ông mua dùm một con dao tỉa giá 15 đồng, loại made-in-Vietnam, một đầu giống như con dao bầu chọc tiết heo, đầu kia khum khum hình lòng máng, rồi cũng chẳng có dịp dùng.

Tầm sư học đạo

Tôi hận khi nhỏ mải chơi, chẳng bao giờ ngồi coi mẹ tỉa thủy tiên để học lấy một vài ngón nghề. Nhưng vẫn chưa thoái chí, tôi quyết tâm “tầm sư học đạo.” Tôi tìm được những bài viết về thủy tiên của các ông Lê Văn Điền, Đỗ Khắc, đăng trên báo. Tôi được biết đến những cách trồng tỉa và dụng cụ phức tạp như dao lá lúa, dao lòng máng, dao mũi bằng v.v. Vẫn toàn là lý thuyết. Về thực hành thì ai chỉ cho mình được đây? Tôi hỏi thăm chung quanh và được nghe danh ông Lưu – mà người giới thiệu nói là sư tổ về thủy tiên. Tôi không ngại ngùng gọi cho ông và ông vui vẻ nhận lời đến chơi để chỉ vẽ cho tôi ngay.

Ông Lưu vui tính, tiếng nói lớn, cởi mở. Ông khiến tôi chưng hửng vì sự giản dị. Ông chỉ mang theo độc có một dụng cụ mà tôi không biết gọi là gì. Đó là một sợi dây sắt lớn đã được ông uốn cong một đầu cho dễ cầm và đầu kia được đập dẹp thành một lưỡi dao có đầu bằng. Ông biểu diễn ngay kỹ thuật riêng, vừa khoanh, vừa bóc, gọt, moi, xén, chỉ với một lưỡi dao ấy. Ông nói là dịp Tết trước, ông đã gọt tới hơn 90 củ để chơi và để tặng người quen. Tôi nể phục ông quá sức.

Hôm sau, ông còn ghé nhà, tặng tôi và cô em, mỗi người một con dao “biến tấu” để nhập nghề. Lại còn thửa dùm tôi một chiếc kéo nha sĩ để dùng chung với con dao nữa. Cô em này mới là người “điên” thủy tiên. Ở thì tận trên San Francisco nhưng dù đêm hôm, hễ có điều gì cần học – hay cần khoe – là bưng ngay cả chậu hoa, đồ nghề, phóng xe xuống San Jose để rồi lại lái về đi làm sáng sớm hôm sau.

“Hạt ngọc” của giò hoa lá

Năm ấy, tác phẩm của tôi gồm tới sáu củ, được gọt tỉa theo kỹ thuật của “thày” Lưu. Cũng qua kỹ thuật này, tôi mới biết thêm thế nào là “hạt ngọc” của giò hoa lá, biết đẽo bớt nó đi để uốn nắn những giò hoa cho mỹ thuật. Ông Lưu lại còn dặn rằng khi cọng hoa đã đủ cứng cáp thì phải “mở bầu,” tức là bóc lớp vỏ ngoài, cho hoa nở đều theo kiểu “tỷ muội tề khai”!

Nhưng trò làm sao theo kịp thầy? Những chậu hoa của tôi vẫn phát triển, nhưng vẫn lấy chiều cao làm quý. Tôi nghĩ cách ăn gian, lấy băng keo dán cho lá uốn cong, lấy chỉ kéo cổ cọng hoa cho nằm xuống. Thậm chí, khi hoa nở, cọng hoa quá cao, đổ rạp về một phía, tôi còn lấy chỉ xanh túm một vòng cho hoa đứng lên. Hỡi ôi, như vậy là tôi đã phản lại nghề gọt tỉa công phu, mỹ thuật của mẹ tôi rồi.

Năm sau, tôi có duyên gặp được ông bạn vong niên Hoàng Xuân Yên. Lại là một tay tổ thủy tiên nữa. Ông kéo tôi đi nghe buổi thuyết giảng và trình diễn gọt tỉa thủy tiên của “sư tổ” Lê Văn Điền, mà ông mới mời được từ Texas qua. Ông Điền quả là tay cự phách, đã có kinh nghiệm 40 năm chơi hoa. Người nghe kéo đến ngồi chật cả một phòng họp của hội Việt-Mỹ trên đường số 13. Có người còn mang cả video đi thu hình nữa.

Bài học đầu tiên mà “thầy” Điền dạy cho tôi là không ngâm củ trước, cứ việc gọt ngay. Gọt cách này dễ hơn vì theo ông, những lớp bẹ chưa được ngâm thì chưa ra nhiều nhựa và chưa dai. Bài học thứ hai – đến giờ vẫn chưa tiêu – là xén ở gốc giò hoa lá một miếng nhỏ hình thoi, mà ông Điền nói là bí quyết để khiến cho hoa và lá đều cong.

Năm ấy, những tác phẩm mà tôi mới gọt đã được nội tướng gật gù khen, ông “đạt” rồi đấy! Thực ra thì mới “đạt” khoảng 20 phần trăm, là phần gọt tỉa không phạm đến một giò hoa lá nào. Còn 80 phần trăm nữa là phần chăm sóc thì dù đã kỳ công đội nón, mặc áo mưa, hứng từng chậu cho được đầy một thùng rác nước mưa như ông Điền đã căn dặn, đã phơi sương lấy nắng cho những chậu hoa, nhưng chúng vẫn “thế nào ấy”.
Spring-2012.-2 - Copy - Copy - Copy - CopyLá năm ấy có cong, nhưng cái thì cong quá, cái lại bướng bỉnh mọc cao hơn hoa. Những giò cốt ý cho trổ thế “kiếm diệp,” lẽ ra phải vươn thẳng như thanh gươm, lại õng ẹo mọc cong. Cọng hoa thì dù đã cạo, đã gãi, đã châm chích nhưng vẫn không chịu ngừng tăng trưởng theo chiều cao, khi mãn khai vẫn còn đổ rạp xuống, rất ư là phản mỹ thuật.

Sau này, cụ Yên có rỉ tai tôi rằng đã quan sát kỹ củ thủy tiên do ông Điền gọt. Cụ thấy là mỗi lá, ngoài việc xén bớt phía cạnh, ông Điền còn ấn ba khấc nhỏ đều đặn theo chiều dài của chiếc lá, khiến cho nó soắn vòng rất đẹp. Mấy tháng sau, cụ còn rủ tôi lại nhà để nghe thuyết giảng của một “sư tổ” thủy tiên nữa là Dr. Hu, từ Hawaii qua vào tháng Mười năm ngoái.

Ông Hu nói là rất tiếc, không mang theo những củ để biểu diễn cách gọt. Nhưng ông nói rất nhiều về cách tăng trưởng của củ thủy tiên, của các giò hoa lá, về cách thức người dân Nghi Xuân trồng củ tới ba năm mới đem ra bán. Ông cũng chiếu slide cho coi những chậu hoa được triển lãm tại những hội chợ Phúc Kiến và nói về cách dùng bông đắp điếm những chỗ hở để cho mặt bị gọt khỏi có màu nâu. Ông không cho nước mưa là quan trọng, có lẽ vì nước tại Hawaii sẵn tinh khiết rồi chăng. Ông cũng nói là cứ phơi hoa ra ngoài nắng, không sao.

Ông còn mang theo và nhường lại cho mọi người một số hình ảnh những chậu hoa triển lãm, đủ mọi dáng, đủ mọi kiểu, từ con công, con cá, con vịt đến chiếc ấm, suối nước, xem mà thấy thán phục những nghệ nhân Tàu. Cũng dịp này, ông nhường lại một số hộp dao tỉa, gồm hai lưỡi bằng thép không rỉ, chỉ có năm đồng, mà bây giờ tôi thấy là tiện lợi hơn hết thảy những bộ dao rườm rà được sản xuất từ những lò rèn Việt Nam mà khi qua Mỹ lại bán đắt.

Một điều tôi không đồng ý với ông Hu là cách trưng hoa. Ông nói là cả ông lẫn các học trò đều trưng hoa trong những chiếc tô bằng móp hoặc chai Coca bằng nhựa, hoặc bất cứ chậu sứ chậu sành nào có trong tay. Tôi cho như vậy là làm giảm đến chín phần mười sự thanh nhã của giò thủy tiên. Hoa đã thanh tao, cách gọt tỉa lại cầu kỳ, nó phải được trang trọng đặt trong những bát kiểu có lót cuội trắng hoặc trong những ly lớn có chân bằng pha lê mới xứng đáng. Đã gọi là cầu kỳ mà.

Năm nay, tôi hết sức may là được lão hữu Hoàng Xuân Yên đặt mua dùm cho một thùng thủy tiên, mang nhãn hiệu Nghi Xuân, Trương Châu, Phúc Kiến đàng hoàng. Loại củ thượng hạng, thật lớn, xếp hai củ một hộp, kèm theo một sách nhỏ in màu, chỉ dẫn cách tỉa hoa.

Với bộ dao mua được của ông Hu, tôi đã áp dụng hết “sở học” vào việc gọt tỉa. Bốn tiếng đồng hồ một củ, không dám vội vã. “Môn đệ” của tôi năm nay là bác Tước Quân Cảnh. Ông này thì lý thuyết một bồ, vì khi nhỏ từng bị ông thân trưng tập vào việc thằng Quít, tức là cong lưng thay nước, bê ra bê vào các chậu hoa. Ông chỉ lý thuyết xuông, chứ chưa hề đụng tới một củ chưa gọt tỉa. Ngồi coi tôi vừa gọt vừa thuyết được chừng hai tiếng đồng hồ thì cặp mắt ông đã nhíp lại, không mở ra được nữa. Ông cáo lỗi, về nhà đánh một giấc trưa, dặn rằng khi gọt xong cho ông một chậu.

Bao nhiêu vốn liếng học hỏi được, tôi đã mang ra áp dụng trong việc chăm sóc. Nhưng vẫn chưa hết tính ngang bướng. Có sẵn nước mưa nhưng tôi vẫn cứ muốn thử theo ông Hu, dùng nước máy trong nhà. Kết quả là các cụ muôn đời vẫn đúng. Con cãi cha mẹ thì không khá. Trò cãi thày cũng không khá. Những chậu hoa dùng nước máy trong nhà đều đóng phèn ở lớp rễ, khiến cho khóm hoa yếu ớt hẳn đi. Những chậu dùng nước mưa mới tươi tốt, khỏe mạnh.

Năm nay, tôi đã không phải dùng băng keo dán cho lá cong, không phải dùng chỉ cột cổ cọng hoa. Đa số giò kiếm diệp đã vươn thẳng, đa số lá đã bò ngang.Tôi nghĩ đã có thể trưng những chậu hoa lên bàn thờ để hỏi mẹ tôi rằng, con được mấy phần của mẹ rồi? Dường như bà có nheo cặp mắt và nở nụ cười hiền hòa trong bức hình mà bảo: “Còn tử công phu lắm, con ơi. Mà chân cọng hoa con chạm nhẹ thế kia, cong làm sao được?”

Thuy Tien ngay Tet 2

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.