Nov 21, 2024

Biên khảo

Thói Đời
Mây Cao Nguyên * đăng lúc 05:53:58 PM, Aug 02, 2010 * Số lần xem: 1924
Hình ảnh
#1



Biên khảo: Mây-Cao-Nguyên

Vào tháng Năm 1931, tên sát nhân chuyên xử dụng một lần hai cây súng đã bị bắt-với một lực lượng cảnh sát thật hùng hậu, 150 người, đầy đủ súng ống và lựu đạn cay- Cảnh sát trưởng Mulrooney tuyên bố hắn ta là một trong những tội phạm nguy hiểm nhất trong lịch sử Nửu Ước. Tên hắn là Crowley, nhưng hắn đã tự nhận mình là con người như thế nào ?. Trong khi lực lượng cảnh sát bắn vào chung cư của hắn đang ở, hắn đã viết một đoạn thư ngắn với nội dung: “Gửi cho người liên hệ- Dưới lớp áo khoát của tôi là một trái tim mòn mỏi, nhưng rất tử tế- Một tấm lòng chưa bao giờ làm hại đến ai”. Trước đó không lâu, Crowley đang tham dự một buổi tiệc nhỏ trên con đường tại Long Island. Bất chợt một cảnh sát viên tiến đến chiếc xe đang đậu và nói: “Xin ông cho xem bằng lái xe”.

Không nói lấy một lời, Crowley rút súng ra và bắn viên cảnh sát chết ngay tại chỗ.

Crowley đã bị xử ngồi ghế điện. Khi hắn được đưa đến phòng xử tử Sing Sing, bạn có nghĩ rằng hắn nói: “Đây là điều tôi phải lãnh vì tội giết người?” Không, hắn đã nói: “Đây là điều tôi phải lãnh chịu vì tự vệ”.

Điểm chính ở câu chuyện này là: Tay súng đôi Crowley đã không tự trách mình về bất cứ gì. Đây có phải là thái độ bất thường trong đám tội nhân?. Theo sự giám sát và nghiên cứu của những cấp có thẩm quyền tại các trại giam đều cho rằng: “Rất ít tội nhân tự coi mình là những thành phần xấu. Đa số tự biện minh cho những hành động tội ác chống lại xã hội của chúng, không đáng phải bị cầm tù”.

Nếu những tội nhân trong bốn bức tường của nhà tù không tự quở trách mình vì những tội ác của chúng đã gây ra- Như vậy, đối với thường nhân mà bạn và tôi đang có những sự liên hệ hàng ngày thì sao?. Trong một trăm người, đã có đến 99 người chưa bao giờ tự chỉ trích mình về bất cứ gì, cho dù hắn ta có sai quấy đến đâu, luôn luôn tự cho mình phải, mình đúng…

Bạn quí mến,

Mọi điều chúng ta làm bị ảnh hưởng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp do chính thái độ của chúng ta. Thay đổi thái độ có thể ảnh hưởng hầu như về mọi điều khác trong cuộc sống của con người. Nếu bạn có con cái còn đang đi học thì bạn mới thấy đúng. Một sự thay đổi thái độ có thể đem đến kết quả cho con cái của bạn về điểm, về cách ăn mặc, thói quen và bạn bè.

Thái độ càng tốt, kết quả càng đem đến khả quan hơn gần như bất cứ mọi điều mà chúng ta làm. Bởi vì thái độ ảnh hưởng đến cảm giác và cảm giác ảnh hưởng đến công ăn việc làm, có được thái độ lạc quan, yêu đời đó là một yếu tố quyết định cho sự thành công hay thất bại của chúng ta. Thái độ của chúng ta rất quan trọng! Không có những thái độ đúng đắn chúng ta sẽ không bao giờ có được chìa khóa chính yếu để mở cánh cửa hạnh phúc và sự thành công mà chúng ta khao khát ao ước trong cuộc sống ngắn hạng này.

Ở đời thật có lắm điều khiến cho chúng ta lấy làm tức giận. Nguyên nhân của sự tức giận là vì chúng ta chỉ biết có người, trách người mà không biết tự trách mình. Mời bạn đọc phương cách để làm cho khỏi tức giận của người xưa như sau: “Người ta ở đời, đối với loài người mà gặp phải kẻ xử với mình một cách ngang ngược, thì nên coi như đi trong bụi rậm, áo vướng phải gai, chỉ nên thong thả đứng lại, gỡ dần ra mà thôi. Cái gai góc kia có biết gì mà đáng giận?”.

Xử được như thế, thì tâm mình không phiền não mà bao nhiêu nỗi oán hận cũng tiêu tan được ngay. Cổ nhân có câu nói: “Ta nên coi những sự ngang ngược phạm đến ta như chiếc thuyền không lỡ đâm phải ta, như cơn gió dữ lỡ tạt phải ta, ta nghĩ cho cùng, có gì mà đáng giận”.

Ba câu tự phản (ba câu tự mình hỏi mình, xét lại mình đã thật là nhân hậu chưa, đã thật là lễ độ chưa, đã thật là khôn ngoan chưa) của ông Mạnh Tử, thật là cái phép để giữ thân, cái phương để nuôi tính vậy. Vì nếu ta chỉ một mực thấy cái trái của người, thì ngay như anh em, vợ con, bè bạn, tôi tớ cho đến con gà, con chó trong nhà, thật cũng có nhiều lúc đáng làm cho ta bực.

Nếu ta việc gì cũng biết tự phản thì sự tức giận mười phần giảm ngay năm phần. Thật chẳng khác nào như người đang phải bệnh nóng sốt mà được uống thuốc thanh lương (thuốc giải nhiệt) vậy.

Xin gửi hầu bạn những điều sau đây để bạn suy gẫm:

*Tôi không tin, người ta bao giờ cũng yêu thích bạn trừ phi bạn thật sự yêu thương người khác. Ngay cả bạn nuôi con chó, con mèo chúng cũng biết khi nào bạn yêu thích chúng. Khi nó thấy bạn, nó chồm và bấu hai chân trước vào người bạn và mừng rỡ, nó nhìn bạn với đôi mắt thật trìu mến, xinh đẹp như muốn nói: “Tôi đây này”.

*Đời sống trên quả đất tuyệt vời và thích thú này không tồn tại lâu dài. Sinh, lão, bệnh, tử. Sống rày, chết mai, vì vậy bạn hãy cảm tạ Trời, Phật đã sinh ta ra. Cuộc đời có tốt đẹp tùy theo cái cung cách mà bạn đối xử với nó. Yêu thương cuộc đời và cuộc đời sẽ yêu thương bạn lại. Đó gần như là một quy luật.

*Chúng ta là con người thường thường gắn bó vào trong cái tiến trình bi thảm trong việc dựng lên những khó khăn thuộc về tinh thần quá cỡ và vì vậy trở nên sợ hãi chúng. Chúng ta tự cho rằng chúng ta chiến bại trước khi chúng ta khởi đầu và không chịu tiếp tục cố gắng. Đây chính là lúc phải thả ra người khổng lồ đang ngủ say trong con người của bạn. Có như vậy bạn mới trở nên một con người vĩ đại như y’ bạn mong muốn. Bạn sẽ chiến thắng thay vì đau khổ.

*Một lần, trong một tiệm ăn, người ta hỏi ông vua xe hơi Henry Ford, “Ai là người bạn tốt nhất của ông?”. Ford suy nghĩ một chốc, rồi rút bút ra viết hàng chữ lớn trên tấm khăn trải bàn: “Người bạn tốt nhất là người nói lên được những điều tốt đẹp nhất về bạn”.

*Một vị bác sĩ kể lại một bệnh nhân đã chết về bệnh “thù hận”- Sự ghét bỏ đời đời kiếp kiếp về một người khác. Điều lành mạnh nhất là loại bỏ nó đi, những sự hận thù đó, vì chúng ít khi làm cho người khác đau đớn nhưng chúng có thể làm cho bạn bệnh hoạn.

*Về lâu, về dài, mỗi một người trong chúng ta tự ghép mình đúng như con người của mình. Nếu bạn muốn biết cuộc đời sẽ mang lại cho bạn những gì, tất cả điều bạn cần phải làm là tự phân tích lấy con người của mình.

*Mỗi một người trong chúng ta đều có quyền sống một cuộc đời tuyệt diệu; tuy nhiên có người sống trong khốn khổ một cách không cần thiết. Chúng ta phải tự hỏi chúng ta đã làm gì với những tài năng và khả năng mà Đấng Hóa Công đã ban phát cho chúng ta. Mỗi chúng ta hãy nhìn sâu vào nội tâm của mình và cảm tạ một cách chân thành Trời, Phật là chúng ta chưa có dùng đến hết sức mạnh của chúng ta có sẵn- và bắt đầu đem ra mà xử dụng.

Những mẫu mực, cung cách cư xử là những biểu lộ ngoại tại về cá tánh của bạn. Một người với một cá tánh cương quyết có thể đương đầu với những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống và biết cách hành xử để ứng phó một cách có hiệu quả. Thật vậy, trong sự sinh hoạt của loài người đầy những phiền toái, bất trắc, lo âu, giận dữ, khinh thị….từ nơi làm việc, ngoài xã hội đến ngay cả trong gia đình đã từng làm cho đầu óc của bạn bị căng thẳng, sầu khổ, trằn trọc, thao thức….những vấn đề đó của bạn không những không giải quyết được mà còn không thể chịu đựng nổi, bạn cảm thấy chán nản gần như tuyệt vọng. Bạn đâm ra sợ hãi và xa lánh thế nhân. Nhưng bạn đi đâu bây giờ? Không lẽ đi tu? Đi tu chưa chắc sẽ đưa bạn về cõi phúc. Bạn có biết tại sao những phiền toái đã biến tâm trí của bạn trở nên thất điên, bát đảo hay không? Bởi vì bạn đã dồn đống chúng lại và nhảy tọt vào giữa ngồi một cách ngon ơ. Nếu bạn để cho những sự lo âu, phiền muộn đóbao phủ lấy con người của bạn, chúng sẽ chế ngự con người của bạn.

Nói một cách khác, nếu bạn tách chúng ra từng vấn đề một và tuần tự giải quyết một cách cương quyết, bạn sẽ tìm thấy câu trả lời đúng đắn cho mỗi vấn đề. Bóp chết nó đi khi vấn đề vừa chớm nở, đừng đợi “nước đến trôn mới nhảy” bạn sẽ bị chết đuối ngay.

Thật là lạ lùng, con người hình như có khuynh hướng chần chừ, hoãn lại về những hành động quan trọng. Nếu họ có chiếc xe hơi bị trục trặc máy móc, họ lập tức đem đến cho thợ sửa chữa ngay. Nhưng họ có những gì sai quấy họ luôn luôn chờ đợi. Bản chất của con người là vậy. Khi đi đến một bữa tiệc, bạn ngồi chung với một số người lạ mặt, bạn cảm thấy lạc lỏng, áy náy, khó chịu hoặc không biết làm cách nào để điều chỉnh thái độ cư xử cho đỡ bị ngột ngạt, đây không phải là dấu hiệu chứng tỏ sự bấn loạn về cá tính và cũng không phải là ly’ do bạn tránh né không muốn gặp họ. Những cảm giác khó chịu trỗi dậy từ sự kiện thực tế là bạn chưa quen với đời sống giao tế, và cũng không học hỏi được cách thức làm thế nào để cư xử với những khuôn mặt mới mẽ nầy.

Để học hỏi “biết làm cách nào” và đem ra thực tập thì dễ dàng hơn và đáng tưởng thưởng hơn là ngồi bất động từ đầu cho đến cuối bữa tiệc trong cô đơn chất ngất.

Căn bản mà nói, con người là những sinh vật thích hợp đàn. Họ cần kết bạn với nhau. Chỉ thiếu sự dạy dỗ đúng đắn từ thuở còn bé hoặc sự huấn luyện thích đáng đã xô đẩy con người vào trong những ốc đảo riêng tư. Trẻ con ở đây chúng không có được tuổi thơ, vì những bất trắc, tội ác luôn luôn chực chờ. Một bước đi ra khỏi nhà cha mẹ phải đi kèm. Không được trò chuyện, trả lời với những người lạ mặt. Sự dạy dỗ và huấn luyện con trẻ theo kế hoạch đã được đặt ra, như vậy, khi chúng bước vào ngưỡng cửa cuộc đời điều cần phải làm để đương đầu với thực tế là chúng phải tái điều chỉnh lại cá tính của chúng.

Sự uyển chuyển về cá tính: Một ngày mùa hè, sau khi cắt cỏ xong, tôi đang ngồi nhâm nhi ly rượu chát đỏ và đĩa lươn xào lăn do nhà tôi nấu- Ông bạn Tây hàng xóm chạy qua đưa trả cho tôi cái kéo tỉa cây- Thấy tôi đang ăn lươn ông nhăn mặt, nhíu mày hỏi: “Ông ăn cái giống gì ghê quá vậy?” Tôi đã trả lời một cách nhỏ nhẹ: “Ông có bao giờ thử món này chưa?” Ông ta trả lời một cách giận dữ: “dĩ nhiên là chưa”. “Như vậy tại sao ông lại có y’ kiến không tốt về cái món mà tôi đang ăn?”. Tôi bắt thêm ghế, rót cho ông ta một ly rượu chát đỏ và mời ông ta ăn thử. Kết quả? ..ông van xin tôi cho ông một đĩa lớn lươn xào lăn.

Phản ứng loại này đối với những điều chưa biết là đặc tính của hầu hết con người. Bản chất “quơ đũa cả nắm”, thành kiến, ác y’ về phong tục, tập quán, văn hóa, tôn giáo….không cần biết đúng hay sai và cứ khư khư bám lấy nó. Cho nên, tôi khuyên bạn khi đi du lịch đến bất cứ quốc gia nào trên mặt đất này, đừng nên phán đoán vội, bạn phải tìm hiểu về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa và con người của xứ đó để tránh sự hiềm khích, ác cảm, phẫn nộ, buồn khổ….Nói một cách khác, nếu bạn vứt đi tấm vải tưởng tượng đang che mắt, cỡi mở với những kinh nghiệm mới mẽ, và trở nên quan tâm đến những người khác, cá tính uyển chuyển đừng nên quá khe khắt bạn sẽ gây được thiện cảm.

Coi chừng những sự so sánh, bắt chước, chúng chỉ làm cho bạn tự ti mặc cảm: Đến đây tôi lại nhớ câu chuyện xưa: “Bắt chước nhăn mặt” xin kể hầu bạn: Nước Việt có nàng Tây Thi nổi tiếng đẹp một thời. Nàng có chứng đau bụng, mà khi nào đau, ôm bụng nhăn mặt, thì lại càng đẹp lắm.

Có người đàn bà ở cùng làng thấy mặt nhăn mà đẹp, muốn bắt chước, về nhà cũng ôm bụng mà nhăn mặt. Người làng trông thấy, tưởng là ma quỉ; nhà giàu thì đóng cửa chặt không dám ra, nhà nghèo thì bồng bế vợ con mà chạy trốn.

Chỉ biết nhăn mặt là đẹp. Không biết nét mặt phải thế nào thì nhăn mới đẹp. Thực là đáng tiếc! Kẻ quên phận mình, chỉ muốn bắt chước người thì có khác gì người xấu muốn bắt chước nàng Tây Thi nói trong truyện này không? Ôi! Bắt chước là một cái hay, nhưng nếu không chịu suy nghĩ cứ nhắm mắt bắt chước liều như con lừa thổi sáo, con nhái muốn to bằng con bò, thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ, chẳng những không được lợi gì mà lại thiệt đến thân.

Bệnh tự ti mặc cảm là một hiện tượng thuộc về cảm xúc. Một tâm bệnh truyền nhiễm từ người này sang người khác, dân tộc này sang dân tộc khác. Tuy nhiên, nghe có vẻ hơi lạ lùng, những con vi trùng của loại tâm bệnh này không bao giờ sinh sản do những người gây ra nó, chỉ có những người bị đau khổ vì nó.

Làm cách nào họ đã sinh sản loại vi trùng này? Bằng cách tập bắt chước, so sánh đủ thứ. Đủ các giai cấp trong xã hội đều mắc tâm bệnh này. Tôi có một ông bạn thương gia ông luôn luôn so sánh với những thương gia giàu có khác, ông cảm thấy chán nản, xao lãng hết mọi công việc hàng ngày cho đến khi ông gần như bị phá sản. Đã hai lần ông ta thất bại về vấn đề kinh doanh. Một lần trong cơn chán nản và lần khác, người hùn hạp hại ông. Cả hai lần ông đều làm trở lại. Hai lần ông đều bán cửa tiệm để trả nợ. Nhưng điều đó có làm cho ông ta chùn bước hay không? Không đời nào “sự thất bại chỉ là đối cực của sự thành công”, ông đã thôi không còn so sánh về sự thành công của những người khác và bắt đầu tập trung hết năng lực và sự khôn ngoan vào chính sáng kiến, giải quyết mọi vấn đề đâu ra đó, chú tâm vào chính cuộc đời, tương lai, gia đình, vợ con của chính ông ta.

Ngày nay, ông trở nên một thương gia giàu có và thành công.

Làm việc không có nghĩa chỉ làm việc cho sự thành công về tài chánh. Bạn phải làm việc đủ mọi thứ mà bạn muốn có hoặc đạt cho bằng được trên mọi lãnh vực.

Trên phương diện giao tế cũng vậy. Bạn phải thay đổi cá tánh của mình để thích hợp với bạn bè , phải uyển chuyển, đừng nên tự so sánh với những người thành công về phương diện đánh bạn chỉ xô đẩy bạn vào trong ốc đảo cô đơn. Phải vui vẻ, cỡi mở, chân tình, không bắt bẻ, hạch sách, tránh tranh luận, vị tha, vô vị lợi, hòa đồng với họ, mến trọng…Bạn có thể tự huấn luyện những cá tánh đó, bạn sẽ thành công trên phương diện đánh bạn.

Bước tiên khởi đối với sự giao tế là bạn đừng để y’ đến sự thành công của những người khác. Đừng tự mình so sánh với bất cứ ai. Tập trung một cách nghiêm minh vào sự tiến bộ của chính bạn. Bạn phải nhận thức rằng con người cần lẫn nhau. Không những bạn cần họ, họ cũng cần đến bạn vậy. Một nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần của mỗi con người của chúng ta. Tôi còn nhớ mang máng một vài câu trong bài tập đọc do ông Nguyễn Bá Học viết: “Chim có đàn cùng hót, tiếng hót mới hay. Ngựa có bạn cùng đua, nước đua mới mạnh. Huống gì người lại chẳng có bạn để cùng nhau tranh đua về việc học hành ư?....”. Sự giao tế là một thú tiêu khiển vui vẻ và đơn giản nếu bạn biết rằng tất cả mọi người đều mong thấy bạn ăn mặc gọn ghẽ, sạch sẽ, cử chỉ, thái độ đàng hoàng, và có lối nói chuyện duyên dáng, bặt thiệp (đặc biệt đối với phái nữ: đừng chê họ già, mập, xấu…sẽ bị ăn guốc cao gót ngay).

Trong trường hợp bạn tình cờ ngồi giữa những ông, bà trí thức như: bác sĩ, kỹ sư, luật sư, giáo sư, hoặc các khoa học gia…Bạn đừng có ngại ngùng rằng sự học thức của mình còn quá non kém đối với họ. Nếu bạn cố gắng đem sự hiểu biết về những ngành nghề chuyên môn của họ, chỉ làm cho họ chán bạn đến rơi nước mắt. Các giới này không thích tranh cãi nhau về những ngành nghề chuyên môn của họ trước đám đông khi họ đi tiêu khiển. Họ khoái nghe được những câu chuyện vui, một cô ca sĩ xinh đẹp, một hoa hậu chân dài, một nhà hàng mới mở với những món ăn độc đáo, giá cả phải chăng…Cũng có những người không thích bạn trở nên một kẻ lão luyện đủ mọi vấn đề khi họ nói chuyện trong suốt buổi họp mặt. Khi bạn hòa nhập với họ cần nói thì nói và cần lắng nghe thì chăm chú mà nghe. Đừng làm tài khôn. Bạn có bao giờ để y’ đến đám con nít ngồi nói chuyện với nhau chưa? Chúng nói huyên thuyên đủ thứ chuyện một cách rất ngây thơ và dễ thương vô cùng. Và đó là điều mà chúng ta phải thực tập. Nói chuyện với người hàng xóm, anh bán thịt, ông gát cửa, người đánh giày, bạn đồng nghiệp và đặc biệt vợ chồng con cái, thân bằng, quyến thuộc trong gia đình. Không phải chỉ chào xã giao một, hai tiếng rồi thôi. Gợi cho họ nói đủ thứ chuyện mà bạn muốn hỏi. Thời tiết, tin tức hấp dẫn trong báo chí hàng ngày, nội dung của một cuốn sách hay của các nhà văn Thanh Ty, Phạm Tín An Ninh, Duy Xuyên, Bạch Tuyết, cuộc đời binh nghiệp của nữ trung tá Phạm Lang..v.v..giá cả sinh hoạt đắt đỏ, giá xăng nhớt, vật giá leo thang…; bất cứ gì cũng có thể để cho bạn gợi chuyện để nói với nhau. Bạn hãy nhớ rằng, đây chỉ là một phần rất nhỏ để bạn thực tập nếu bạn thật sự muốn cho không khí họp bạn được vui vẻ, cỡi mở. Xin bạn ghi nhớ cho điều đó. Thực tập ngay từ bây giờ.

Như tôi đã thưa với bạn như trên, bạn cũng phải tìm cách gợi chuyện với những người trong gia đình như vợ, con và người thân. Điều này sẽ rất hữu ích không những cho bạn, mà còn cho họ, đặc biệt đối với con cái. Chúng sẽ có cơ hội để học hỏi từ lúc ấu thơ phương cách giao tế, thân mật, cỡi mở, và khi trưởng thành chúng không bị bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa cuộc đời, chúng sẽ không phải đương đầu với những vấn đề xã hội với một cá tính ngại ngùng như bạn hiện nay. Chỉ có một đề tài duy nhất tôi khuyên bạn là đừng bao giờ đem ra bàn thảo tại nhà, và đó là những vấn đề phiền phức tại sở làm.

Khi bạn từ văn phòng, hay cơ xưởng trở về, cố gắng quên hết mọi sự, những khuôn mặt nhăn nhó, cau có của bọn chủ, thằng quản ly’, hay thằng bạn đồng nghiệp mắc dịch. Quên và gạt bỏ hết những chuyện đáng ghét đó như bạn bỏ những đống đồ dơ vào máy giặt. Gia đình chính là tổ ấm để bạn thảnh thơi, yên nghỉ. Nhiệm vụ chính yếu của bạn lúc này cố gắng tập: NÓI CHUYỆN.

Xin gửi hầu bạn một câu chuyện xưa khác: “Thư viết cho bạn” đọc chơi giải buồn:

Trong thiên hạ có hai cái khó: lên trời khó, mà cầu cạnh nhờ vả người càng khó hơn.

Trong thiên hạ có hai cái đắng: hoàng liên (một thứ cỏ rễ rất đắng dùng làm vị thuốc) đắng, mà nghèo kiết khốn cùng càng đắng hơn.

Nhân gian có hai cái mỏng, giá mùa xuân mỏng mà thói đời càng mỏng hơn.

Nhân gian có hai cái hiểm: núi sông hiểm mà lòng người càng hiểm hơn.

Biết được cái khó, chịu được cái đắng, quen được cái mỏng, dò được cái hiểm mới có thể ở đời được.

Bài này ngụ y’: biết được cái khó, là người có chí tự lập không làm phiền ai, chịu được cái đắng, là người có tâm kiên nhẫn, cố làm nên việc; quen được cái mỏng là người có bụng đại độ bao dong được đời; dò được cái hiểm là người có trí tinh khôn thấu được nhân tình thế thái. Ở đời mà có được bốn điều ấy, thì giao thiệp với ai mà chẳng được, làm công việc gì mà chẳng nên.

Nói tóm lại, xin bạn áp dụng những quan niệm sống sau đây, tôi cam đoan bạn sẽ không bao giờ thiếu bạn:

1.-Yêu thương, đối xử tử tế với vợ con và những người thân thích họ hàng trong gia đình trước đã, và đánh bạn ngay với chính mình. Nếu bạn không hành xử được như vậy, bạn không thể nào là người bạn tốt với người dưng, nước lã được. Bạn bè họ sẽ cảm thấy ngay cái bản chất so đo, tính toán lợi hại của bạn nên không mấy nể phục. Họ có thể thông cảm cho những vấn đề của bạn, nhưng lòng thương hại không phải là nền tảng vững chắc cho tình bằng hữu.

2.-Khi ngồi chung với bạn bè, cố gắng tránh né những lời nói có thể làm tổn thương đến tự ái, danh dự của người khác như chê người đối diện: mập, già, xấu, xoi mói đến đời tư, dĩ vãng, nghề nghiệp, lương tiền và con cái của họ…thờ ơ, lãnh đạm khi họ nói chuyện với bạn. Đó là những kẻ thù hung hiểm tàn phá tình bạn.

3.-Bạn hãy tưởng tượng bạn là người khác trong cơn hoạn nạn cần giúp đỡ về phương diện vật chất lẫn tinh thần, cố gắng đáp ứng trong vòng khả năng của bạn như lắng nghe tâm sự thầm kín của họ, giúp đỡ sơn cái hàng rào, bắt hộ giàn máy Karaoke..v..v..Thỉnh thoảng điện thoại cho nhau hỏi thăm, chuyện trò. Những nghĩa cử cao đẹp đó sẽ làm cho họ nhớ mãi và sẽ có dịp họ sẽ ơn đền, nghĩa trả.

4.-Chấp nhận cá tính của người khác. Con người không ai giống ai hết, đặc biệt khi họ sống thực con người của họ. Đừng cố thay đổi họ! Người khác không phải là bạn; phải chấp nhận con người của họ như vậy đó, đánh bạn được thì đến với họ, còn không rút lui. Một lỗi lầm rất nghiêm trọng trong đời sống giao tế là cố gắng sửa đổi, chỉ trích người khác phải hành xử đúng như y’ thích của mình. Tình bạn không dựa trên nền tảng đó. Bạn chỉ gây thù, chuốt oán mà thôi.

Để kết thúc bài biên khảo này, tôi xin bạn đọc bài “TỰ TỈNH” của Từ-mi-Vân:

Người ta, tối đến, trước khi đi ngủ thử kiểm soát xem trong một ngày:

-Ăn ở với cha mẹ đã hết lòng chưa?

-Đối xử với kẻ dưới đã hay thể tất (đem mình vào địa vị người mà sẵn lòng thương người) chưa?

-Xử với anh em đã hay thỏa thuận chưa?

-Đối với vợ con đã hay yêu quí chưa?

-Chơi với bạn bè đã hay tránh kẻ dở, gần người hiền chưa?

-Nói ra câu gì, đã hay không thẹn với lương tâm chưa?

-Làm công việc gì, đã hay không trái với công ly’ chưa?

-Đãi người ngoài đã hay không thất lễ chưa?

Hết thảy việc gì, việc gì cũng nghĩ để xử cho chu đáo, ngõ hầu mới xứng đáng làm người mà không xấu hổ. Bài Tự Tỉnh của Mi-Vân rất hay, nói lên đủ mọi hạng người mà chúng ta giao tiếp hàng ngày. Bổn phận của chúng ta phải cố giữ cho thật trọn vẹn những suy nghĩ, nói năng, hành động.

Nếu trước khi đi ngủ, ai ai cũng chịu kiểm soát lại lương tâm của mình để sửa đổi cho hay hơn lên, thì lo chi đời hiếm người tốt mà xã hội mỗi ngày không một bước gần đến nhân đạo, nhân loại mỗi ngày không tiến mãi đến hạnh phúc được.

MÂY-CAO-NGUYÊN

(White Rock, B.C. Canada -June 2010)

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.