MỖI LẦN VỀ
Mẹ cha mất đã lâu rồi
anh em riêng phận quanh nơi xóm làng
người còn vất vả người chưa giầu sang
thương yêu đùm bọc lọt sàng xuống nia
ra nghĩa trang đọc bia
gặp toàn người quen
về làng gặp toàn người lạ
mấy người nhận ra
thăm hỏi câu sức khoẻ
hẹn đến chơi nhà
mời cơm một bữa
lâu lắm rồi còn gì
xa quê biền biệt đi
mình hoa tầm gửi nở
cứ mang mang bây giờ ngày xưa
NỖI NIỀM XA QUÊ
Tặng những người Việt xa quê ở Âu Châu – tôi gặp
Nỗi niềm day dứt tha phương
nửa thương mình
với nửa thương quê nhà
mẹ cha mỗi tuổi thêm già
người thân lận đận chưa qua thoát nghèo
biết là thay đổi rất nhiều
nhưng sao vất vả cứ theo vận thời
Thương mình còn cọn xứ người
lo công tìm việc cuộc đời mưu sanh
Với mình như thế...đã đành
nghiêng dồn vun vén học hành cho con
đất lành mượn ươm mầm non
mai sau cây lớn tán tròn sum suê...
Quê hương
nguồn cội
tìm về.
OLDENBURG - Đức: 9-2008
NGÃ NƠI ĐẤT QUÊ
Mải vui dẵm vệt phù sa
trượt chân tôi ngã tay sà đất quê
đầy tay chua mặn vụng về
đầy tay quê thói đất lề rưng rưng
Ngày Xưa ấy
Cái ngày xưa ấy ấy mà
lẽ ra tôi với mình là với nhau
thế rồi chẳng hiểu tại đâu
tôi và mình chẳng với nhau mới buồn
cau tươi héo trầu không têm
mình vui đường ấy tôi yên đường này
duyên ta số phận ngâu vày
tôi và mình chẳng có ngày với nhau
đành rằng dành để đời sau
biết con mình có yêu nhau mà hùn.
VŨ QUANG TẦN
Lên Chùa
(Rút trong tập “NGHÌN NĂM VỌNG MÃI”
NXB Hội Nhà Văn - 2009
Lên chùa đất Phật thâm nghiêm
sắc không cực lạc cõi thiền Tây Phương
người trong nhòa nhạt khói hương
hai ông Thiện - Ác ai thương giàu nghèo
mấy ai cho lộc phúc theo
chỉ xin cầu được thật nhiều lạ chưa?
chúng sinh la liệt ngoài chùa
ngửa tay hứng nắng hứng mưa tháng ngày
VŨ QUANG TẦN
Kéo dài suốt mùa Xuân là lễ hội, là lên chùa cầu may mắn an lành cho mọi nhà. Không chỉ có đền Bà Chúa Kho, để cầu tài lộc nhiều, mà chùa Hương Tích, ở Hà Nội hay Hà Tĩnh…Người ta đội cả lợn quay, gà luộc dâng Phật. Rất nhiều, rất nhiều hoa thơm, trái ngọt, rượu, bia chen lấn nhau, dâng lên Tam bảo, ngũ vị tôn ông, Tam tòa Thánh mẫu. Rồi khi lâý nhầm lộc phật của nhau, có thánh hiền chứng cho, người ta cãi nhau, ngay cả nơi thâm nghiêm nhất, cõi thiêng nhất.
Đã hiểu cả : Sắc không cực lạc cõi thiền Tây Phương, nhà thơ Vũ Quang Tần người đã ngắm nhìn ông Ác, ông Thiện rất lâu, không chỉ ở đền, chùa, không chỉ ở trang sách, mà tác giả còn chiêm nghiệm ông ác ông hiền ở nhân gian khi mà tác giả còn đương nhiệm Giám đốc ở Công ty xây dựng. Ông là viên giám đốc sống chay tịnh mà tôi được biết, chấp nhận sống đạm bạc để đánh đổi những câu thơ mà mình thích. (- Ông định làm Giám đốc hay làm thơ? Người “Trên” hỏi thẳng thắn như vây. Rủ rì như nửa đùa nửa thật: - Giám đốc thì bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm bất cứ lúc nào, còn thơ thì xưa nay có ai bổ nhiệm bao giờ?…Cũng từ ấy, không lâu, ông được điều động đi làm “Trợ lý” ở cấp cao hơn…) Không dưng, lên chùa lại nhìn: Người trong nhòa nhạt khói hương/hai ông Thiện- Ác ai thương giàu nghèo? Chẳng có ai đi hỏi ông Thiện, ông Ác thương người giàu hay người nghèo hơn như Vũ Quang Tần. Nhưng chỉ là một cách hỏi để nói một vấn đề khác. Câu hỏi lớn hơn: Mấy ai cho lộc phúc theo .
Rồi nghe rất rõ: chỉ xin cầu được thật nhiều lạ chưa?
Con người đến cửa Phật, vốn sắc sắc không không thế mà xin và cầu rõ nhiều. Thế không tham là gì? Ý tại ngôn ngoại, tác giả không nói hết ý mà lòng nặng trĩu nhìn tâm thế con người không chỉ có cầu may.
Người lắm lộc rồi còn cầu may nữa. Cầu thêm thật nhiều, mới thỏa thuê.
Cái sự cầu này mà người ngoài cuộc lại rất nặng lòng. Đặt ra một câu hỏi, mấy ai mang lộc, phúc theo. Lộc, phúc theo, nghĩa là không cần nhiều của cải chỉ vừa đủ sống thôi. Hãy biết cho người, thì lộc, phúc lại vào. Ai đã ví đời người trời cho có một đấu thóc thôi, thóc đầy quá sẽ trôi xuống. Nhưng có người đấu thóc đầy rồi lại vơ vét đấu khác. Có một nhà rồi phải có một nhà nữa. Có đất rồi mua thêm trang trại nữa. Vật chất vô cùng. Như chiếc túi không đáy.
Câu kết, tác giả nhìn thấy: chúng sinh la liệt ngoài chùa/ngửa tay hứng nắng hứng mưa tháng ngày. Sự phản cảm, giữa những người đi chùa cầu xin nhiều tài, nhiều lộc, giầu sang, quyền cao chức lớn; với la liệt người ăn mày ngửa tay xin từng đồng, từng hào, lo bữa qua ngày. Chao ôi, mưa còn hứng được chứ nắng thì hứng rát mặt lắm.
Không dễ vật lộn mưu sinh trong kiếp trần ai.
Tất cả cha mẹ cũng vì con cái, vì cái tổ ấm mà cầu xin bao điều.
Lên chùa, mấy ai, có ai, không xin Phật độ cho thứ gì không?
Có ai chỉ nhìn Phật không cầu gì không?
Mấy ai, không muốn lộc nhiều, phúc lớn không?..
Câu hỏi này nhân thế con người còn bỏ ngỏ.
Thơ Vũ Quang Tần gợi cho người đọc nghĩ ngợi. Vậy thôi.
HOÀNG VIỆT HẰNG