Phóng tác: Mây-cao-Nguyên
Ánh nắng của một sáng mùa xuân chiếu xuyên qua cửa sổ. Vài tiếng chim hót líu lo trên cành Anh Đào báo hiệu một ngày đẹp trời sau những tháng mùa đông băng giá. Trong góc của chiếc trường kỷ một con búp bê đôi mắt làm bằng hạt cườm màu đen, sáng bóng, đang nhìn chầm chập về phía trước.
Những chậu hoa cảnh treo lủng lẳng trên thành cửa sổ đang độ nở hoa, những tấm màn cửa làm bằng vải mỏng mịn màng, trong suốt đang phất phơ trong gió. Sách vở bày la liệt trên bàn, nhiều cuốn còn trên những kệ sách chung quanh phòng. Sách đủ loại với những đề tài khác nhau. Về đời sống, sự chết và về tình yêu bằng thơ và bằng văn xuôi. Một tấm vải lụa đang thêu dở với những đường nét sắc sảo, mềm mại như da dẻ của một đứa bé.
Chiếc dương cầm đang mở nắp. Nhạc phẩm được chọn lọc, vừa cổ điển vừa hiện đại mở sẵn nằm tựa trên giá nhạc: của Chopin, Scriabin…
Đứa bé từ ngoài cửa bước vào, băng qua phòng khách, ẵm con búp-bê trên tay và nói lảm nhảm; lục lọi trong đống sách vở trên bàn để tìm cuốn sách hình, chọt ngón tay trên chiếc dương cầm. Đứa bé trông có vẻ tươi mát, khỏe mạnh, với đôi cánh tay và đôi chân trần trụi, rám nắng bởi gió và ánh nắng mặt trời. Đôi mắt trong sáng, đen nhánh, ngây thơ của đứa bé trông thật dễ thương làm sao.
Những người lớn cũng có riêng đời sống của họ. Họ biết được thế đứng của mỗi người. Người đàn bà hết đi ra rồi lại đi vào. Bà tưới cây, dọn dẹp, phủi bụi, thỉnh thoảng bà cầm quyển sách trên tay ngồi đọc, hoặc nhặt tấm vải lụa thêu một vài đường, không bao giờ thêu nhiều. Vì vậy, những tấm vải thêu không bao giờ được hoàn tất. Có những cuốn sách bà chỉ liếc nhanh, chưa từng đọc hết. Chúng nằm im lìm, bà gấp lại và vứt chúng sang một bên.
Bà cảm thấy bồn chồn. Vừa ngồi xuống lại phải đứng dậy để tìm kiếm một việc gì đó để làm hết chỗ này đến chỗ khác; chùi những khung cửa sổ, phủi bụi những mặt bàn, ghế đã bóng lưỡng, bà tự tạo cho mình bận rộn với những công việc không mấy cần thiết. Đôi khi bà hát nho nhỏ. Rồi đưa tay lau những hạt lệ bỗng nhiên đọng trên khóe mắt chảy dài xuống đôi má. Dáng bà thon nhỏ và nước da ngâm ngâm.
Từ dưới bếp bước lên phòng khách với đôi tay còn ướt, khuôn mặt hiện lên nét nôn nóng chờ đợi. Bà chùi vội đôi tay ướt vào chiếc khăn choàng làm bếp và đi nhanh đến chiếc dương cầm. Màn bi kịch theo sau. Những tiết điệu du dương trầm bổng quyện lấy nhau, lúc như van lơn, mời mọc, lúc như sung sướng hạnh phúc vui tươi. Bỗng nhiên, nhạc trở nên cuồng loạn, bà buông đôi tay trên các phím đàn để mặc những âm thanh réo rắc vang động: bà cúi gập người về phía trước, đầu chạm vào các phím đàn, chiếc dương cầm lại vang lên. Những dòng lệ lăn dài giữa những ngón tay thon.
Nhưng bà cũng có thể chơi một khúc nhạc buồn một cách êm dịu; đôi má lấm tấm mồ hôi. Bà đứng dậy và xoay một vòng giữa sàn nhà. Bà nhảy từ mé phòng này đến mé phòng khác, những bước chân êm dịu, nhẹ nhàng như con thú trong chuồng. Luôn luôn đến giờ chót chiếc khăn tay được xử dụng.
Bà nghe đứa con bước vào, lau mặt thật nhanh và thay đổi nét mặt như một nữ tài tử già dặn kinh nghiệm.. Đứa con chạy xổ nhanh, sa đầu vào đôi vòng tay của mẹ nó, khóc hay cười như những đứa trẻ thường làm. Hoặc nó sẽ mang đến cho mẹ nó một bó hoa được kết với đủ loại hoa dại, một vài cành với cuống ngắn ngủn, cành khác với cuống dài thườn thượt không vừa với những lọ cắm hoa, tuy nhiên bà phải đón nhận. Nhìn xem, hoa con hái ở đâu mà đẹp quá vậy?
Lần khác đứa con chạy vào đưa cho bà xem đôi nắm tay dơ bẩn hoặc cái đầu gối dính đầy cát và đang chảy máu. Nó xuy’t xoa, đau đớn gọi mẹ. Bà phải an ủi, chăm sóc, dỗ dành một cách khó khăn. Chẳng bao lâu đứa bé cười đùa trở lại; nó ngồi trên chiếc trường kỷ và ôm con búp bê vào lòng, với miếng băng keo dán trên vết thương, đang ngồi mút kẹo và xem sách hình. Bà mẹ nói chuyện và cười giỡn với nó, cố làm cho nó quên đau, bà bồng và hôn nó. Hình như đó là một sự tự trách, một sự thông cảm thể hiện ngay trong cử chỉ của bà. Bà hát những đoản khúc trong các nhạc phẩm, kể chuyện cổ tích.
“Ngày xưa, có một người đàn đàn bà nhỏ xíu, nhỏ bằng ngón tay út, bà sống trong một căn nhà cũng nhỏ xíu như hộp diêm…”
Đứa con lắng nghe với đôi mắt chăm chú mở lớn một cách thích thú. Nhưng bỗng nhiên người mẹ mất sợi chỉ may và không tìm thấy. Bà vội vã đặt đứa bé xuống: “Kìa, bây giờ, con chạy ra ngoài chơi trở lại đi. Mẹ con mình không thể ngồi đây suốt cả ngày được”.
Và đứa bé hớn hở chạy đi. Đó là điều luôn luôn xảy ra. Đã xảy ra rất nhiều lần.
Gần tối bà nghe tiếng mở cổng và âm thanh của những bước chân của người đàn ông xào xạc trên con đường lát sỏi. Khuôn mặt bồn chồn của bà lập tức nghiêm trang và căng thẳng.
Bà cử động một cách hối hả chạy đi đóng nắp chiếc dương cầm, dẹp mấy bản nhạc, che dấu những vết tích. Trong khoảnh khắc bà đứng cầm tấm vải thêu trên tay, lưỡng lự, rồi để nó nằm ngay ngắn trên bàn.
Rồi bà bước ra khỏi phòng. Người chồng bước vào.
Ông là một người đàn ông lịch sự, phong nhã, tự tin, ăn mặc chững chạc vừa mới thoáng nhìn. Ông ta cũng là một người vui vẻ và dễ kết bạn, và người chồng muốn có một mái ấm gia đình hạnh phúc, nhưng ngược lại. Ông ta nhìn chung quanh căn phòng với vẻ hồ nghi, bậm môi, và thì thầm một mình.
Đứa bé chạy vào với ông. Nó đang đứng tựa vào chân của ông, khoe những thành tích suốt một ngày của nó. Có thể đó là một con sóc nhỏ xinh xắn. Một vài con bướm đủ màu sắc rực rỡ…..
-À, chúng đẹp quá phải không con?
Người cha ẵm đứa con để nó ngồi trên lòng, nhưng tư tưởng của ông để đâu đâu.
Đứa con đòi hỏi sự chú y’ của ông ta. Nó nhặt cuốn sách hình lên và chỉ vào đó. Người cha nói một cách máy móc: “À, con mèo đẹp quá há. Con chim hoàng anh cũng đẹp nữa”.
Cặp mắt của ông nhìn ra hướng cửa chính, ông lắng nghe. Và đột nhiên ông đặt đứa bé xuống và nhấc điện thoại; ông nhanh nhẹn quay số và đang nói chuyện nửa chừng thì người vợ bước vào.
Ông không nghe thấy bà vợ đến gần, ông vẫn nói và cười một cách thân mật, như một người hoàn toàn bận rộn với bạn bè và những chuyện thích thú của mình. Ngay cả khi ông gát máy điện thoại ông cũng không có vẻ gì để y’ đến bà và vẫn tiếp tục tìm số điện thoại trong cuốn niên giám.
-“Anh mới về?” Bà hỏi nhỏ nhẹ và ngồi xuống.
-“Sao…?”.
Giọng nói của bà thiếu nhẫn nại nhưng hoàn toàn có một sự trông đợi thật trẻ con: bà đang bất mãn. Ông ta nhún vai: “Sao? –À, anh mới về-không có gì đặc biệt cả”.
Bà ta ngồi đó như đang mong ngóng được nghe một vài điều hơn là những sự việc bình thường. Bà luôn luôn chờ đợi chồng của bà nói một vài điều mà ông ta chưa bao giờ nói với bà; suốt cuộc đời làm vợ bà đã chờ đợi. Bà cũng không biết chắc một cách chính xác là bà chờ đợi cái gì, bà chỉ biết đêm nay lại thêm một điều bất mãn khác.
-“Không…” Ông đưa tay làm điệu bộ một cách mơ hồ.
Ngày của ông cũng giống như mọi ngày khác. Không có gì xảy ra cả. Năm ngày làm việc tại văn phòng với những giấy tờ, máy móc. Sau giờ làm ông lái xe thẳng về nhà không la cà đâu hết. Tối về cơm nước xong, xem TV, sách báo hoặc gọi một vài người bạn để chuyện trò tâm sự. Cuộc đời của ông thật là bình dị. Nhưng cái vai trò của ông không giúp giải quyết được vấn đề. Bà vợ vẫn còn ngồi đó, nét bất mãn đang ầm ỉ, một sự bất mãn vu vơ làm cho không khí trở nên ngột ngạt. Bà muốn gì đây?
-“Còn em, sao vậy? Có khỏe trong người không?” ông hỏi một cách nghiêm nghị.
-“Có sao đâu, cám ơn anh” Bà trả lời một cách lạnh lùng.
Để xóa tan bầu không khí ngột ngạt,m ông nhặt tấm vải lụa đang thêu dở cầm trên tay một cách vụng về và nói:
-“Đàn bà của mấy người sao lại có đủ thì giờ và kiên nhẫn để làm những chuyện tào lao như thế này”.
-“Thì giờ! Chúa ơi! Nó nằm đó cả mấy tuần nay rồi: Em ước sao em có đủ thì giờ….”
Bà dừng lại ở đó. Ông nhìn quanh một vòng căn phòng, dừng mắt tại chiếc dương cầm. Chiếc dương cầm đóng nắp, không thấy một bản nhạc nào cả. Nhà cửa thì sạch sẽ, ngăn nắp, bàn ghế thứ tự, bóng láng không có gì để có thể chê trách. Ông muốn bươi móc thêm nhiều điều nữa để có cớ đay nghiến bà, nhưng cuối cùng rồi ông chịu thua.
Ông trở lại tấm vải thêu:
-“Lâu nay anh đâu có thấy nó bao giờ đâu”.
-“Có một hoặc hai điều mà anh không thấy”, bà nói trong khi bà đứng dậy:
-“Thôi, đến giờ ăn rồi”.
Cùng lúc đó bà bật lên cười thật lớn đầy vẻ miệt thị.
-“Hãy nghĩ đến….”, ông dự định nói một điều gì đó, mắt hướng nhìn về đứa con đang ngơ ngác nhìn cha mẹ nó.
-“Em không nghĩ gì khác cả. Nếu em đã nghĩ….”.
-“Nếu em đã nghĩ....” Ông ta nhìn bà một cách khiêu khích.
-“Thôi đừng nói nữa”.
Bà đưa tay dắt đứa bé rời khỏi phòng: “Đi con, hai mẹ con mình đi rửa tay, rồi ăn cơm”.
Bữa cơm chiều hôm nay bày biện một cách khéo léo và trông có vẻ thịnh soạn. Cá mòi chiên, khoai Tây hầm kiểu mới, xà-lách, nửa chai bia và bánh ngọt. Chắc là ngon lắm.
Và đối với ông đang đói bụng chắc phải ngon rồi. Ông nghĩ phải có một cuộc hưu chiến.
-“Đồ ăn ngon quá”, ông nói nịnh vợ.
-“Ngon sao?”, bà hỏi vặn một cách lạnh lùng.
-“Em sung sướng được nghe anh khen”.
Sau đó thì họ nói về đứa con. Một cách máy móc họ nói những điều như những người lớn luôn luôn hỏi những đứa trẻ nít.
-“Suốt ngày con làm những gì?”.
-“Cầm tay phải, con chó!”.
-“Con có đi chơi với mấy đứa trẻ hàng xóm không?”.
-“Con hư quá, vấy thức ăn vào áo quần của mẹ hết rồi! Con không được cầm cái muỗng như vậy- Cầm như thế này, này”.
-“Mấy con gà con nhà kế bên, chúng như thế nào rồi?”.
-“Đừng có ăn khoai tây không. Con phải ăn cho hết cá. Như vậy phải ngoan không”.
Đứa con hết trả lời bên phải rồi lại trả lời bên trái, hài lòng được cha mẹ chú y’ chăm sóc cho mình quá nhiều; nó không hiểu được nó đang ở trong vùng chiến địa nguy hiểm.
Con mèo ăn một con gà con. Con khác được mẹ nó cứu. Nhưng nó bị gãy chân và chắc có lẽ cũng phải chết thôi; họ đã giết con gà con nhỏ xíu dễ thương đó và đem chôn, trên mộ nó có cây thánh giá và một cây thược dược. Và cá thì không được ngon lắm nếu không cảm thấy đói bụng.
Đứa bé giẫy nẫy không chịu ăn thêm cá. Cha mẹ nó lại có cớ để đôi co nhau qua trung gian của đứa bé.
-“Không ăn nữa thì để đó, con chó của ba”.
-“Ăn hết đi con, ngoan mẹ thương”.
-“Có lẽ nhiều quá con ăn không hết, phải không?”.
-“Đừng ngang bướng, con. Giỏi, ăn hết mẹ cho con ăn bánh ngọt”.
Đứa con trả lời nó muốn ăn bánh ngọt, không muốn ăn cá. Nó ngả người trên ghế và vứt mạnh cái muỗng xuống dĩa. Nó không còn ngồi ngay ngắn, tề chỉnh như trước và mẹ nó phải bồng nó xuống cho nó chạy đi chơi mà không cho ăn bánh ngọt.
Nhưng người cha tự đi lấy một miếng bánh ngọt để trước mặt đứa con: “Mình đừng nói một lời nào nữa. Thời tiết quá nóng nực mà mình đòi hỏi quá nhiều. Để yên cho nó”.
Ít nhứt, ông ta đã cư xử với tư cách là chủ nhân của căn nhà này và chứng tỏ quyền làm chồng. Điều này làm ông mãn nguyện.
Đứa con bắt đầu ăn bánh ngọt. Nhưng nó nhìn lấm lét cha mẹ một cách bối rối, thẹn thùng. Một sự y’ thức mập mờ chợt đến trong trí nó chứng tỏ cho nó biết cuộc đời không phải bình dị và êm trôi như nó tưởng.
Cha mẹ nó không còn nói gì nữa.
Màn đêm chợt đến. Đêm về với những hàng cây in rõ rệt, nằm im lìm dưới bầu trời trong xanh và chúng càng rõ nét khi những vì sao xuất hiện. Mùi hương của rơm rạ, hoa xa-trục-thảo và hoa hồng phảng phất đâu đây. Tiếng con dế mèn rả rích bên thềm. Quang cảnh đang quạnh hiu bỗng nhiên vang lên những tấu khúc rộn rã của muôn loại côn trùng, động vật, chim chóc. Tiếng cú kêu đêm đâu đây nghe buồn não nuột.
Trong phòng nơi đặt chiếc dương cầm ngọn đèn được bật sáng. Những con mòng bay va vào mặt gương cửa sổ đang đóng. Xuyên qua một vài cửa sổ hé mở một vài con thấy ánh sáng bay vào nhưng không tìm được lối ra; chúng bay lượn vòng vòng chung quanh chụp đèn điện. Những con thiêu thân thấy ánh sáng tưởng hạnh phúc thiên đường đang va đầu vào cõi chết.
Người chồng đang ngồi đây.
Ông ta bỏ tờ báo sang một bên và đang ngồi nhìn những con thiêu thân. Có giúp chúng cũng vô dụng thôi. Hãy để chúng trì chí cho đến khi tử thần thương xót đến đón chúng đi. Nhưng ông biết chúng cảm thấy như thế nào. Chính ông cũng đã bay vào trong thứ ánh sáng đó một lần và nay đang nhìn hoàn cảnh của những con thiêu thân đang làm mồi cho ánh sáng, ông cảm thấy một nỗi buồn man mác len nhẹ vào hồn. Người ta nghĩ họ đã tìm thấy được một vòng tay ôm ấp áp, một nơi chốn an bình, thú vị để cho tâm hồn ngự trị. Nhưng thay vì người ta đã tìm thấy một sự bất ổn triền miên, một tính khí bất thường, một sự dằn vặt khó hiểu. Âm nhạc ư? Không có lấy một âm điệu. Chiếc dương cầm đang nằm im lìm, mang dấu hiệu miệt thị và một sự tố cáo chống lại ông. Nếu không có sợi dây thiêng liêng đang ràng buộc hai người, đó là đứa con, thì chắc chắn ông đã bỏ bà và ra đi thật xa.
Ông có thể nghe rõ từng bước chân của bà ngoài vườn sau. Ngoài kia bà đang đi đếm nỗi buồn.
Bà cứ đi và đi, viên sỏi mừng đang reo dưới gót chân vang. Thỉnh thoảng bà dừng lại và trầm ngâm suy nghĩ, có rất nhiều tâm sự dằn vặt, ngỗn ngang không nói được mà chồng bà không thể nào đoán cho ra, ông đang ngồi nhấp nhổm trên ghế.
Bà cũng nhìn thấy những con thiêu thân, bà cũng thấy cái hấp dẫn của ánh sáng. Chính bà cũng đã từng cảm thấy đã bay vào những điều mà bà tin tưởng rằng đó là một cuộc phiêu lưu miên viễn, ngây ngất không chấm dứt. Bà đã sa vào vùng ánh sáng với những y’ nghĩa mới mẽ của một điều duy nhất, trước sau như một, là cố đem lại hạnh phúc và sung sướng cho chồng, cha của đứa con trai của bà, người đàn ông xa lạ đang ngồi im lìm, trơ trơ như đá tìm lấy thú vui cho mình mà không quan tâm đến nỗi giận hờn đang nổi loạn trong lòng bà.
Đứa con đang nằm ngủ trên chiếc giường nhỏ. Nó hất tung chiếc khăn trải giường vì nực nội và nằm duỗi tay chưn bụ bẫm, rám nắng, khuôn mặt dễ thương như một đóa hoa tươi. Đứa con đang mơ màng trong giấc điệp, đã quên không còn thấy vết đau nhức vừa mới bị thương. Thật là vô tư, nó là kết tinh của máu, mủ, da thịt, trí óc của hai con người mâu thuẫn nhau đã cấu tạo nên nó. Ngày mai khi đến tuổi trưởng thành, nó sẽ tiếp nối, đuổi theo cái vũng ánh sáng hạnh phúc mơ hồ của nhân loại mà nỗi buồn luôn luôn chờ đón nó trước ngưỡng cửa thiên đường.
MÂY-CAO-NGUYÊN
(Canada,July 1st 2010)