Truyện ngắn
Nguyễn Thị Ngọc Tư -Nhà Văn của xóm ao bèo
Nguyễn Thị Ngọc Tư - nhà văn của xóm ao bèo
Ở xóm Bà Điều (Cà Mau), có một phụ nữ mới 27 tuổi, ngày ngày gánh rau ra chợ bán nuôi sống gia đình, được bình chọn là một trong số 10 gương mặt văn chương trẻ tiêu biểu của VN. Ngọc Tư tâm sự những câu chuyện của chị đều có bóng dáng của xóm nghèo nơi mình đang sinh sống.
Tuổi thơ của Ngọc Tư là những chuỗi ngày vất vả, đi học về, chân trái chưa bước vào nhà thì chân phải đã phải bước ra với luống cần, mồng tơi... Đang tuổi ăn tuổi học mà sớm tối lặn hụp với đám rau nên người chị gầy đét, hầu như lúc nào trên tay cũng có dấu xước vì cắt rau khứa, có hôm gánh nước bị vỏ ốc múc luôn một lõm thịt gót chân cà nhắc cả tháng trời chị vẫn cắn răng bám luống rau.
Đúng lúc nhà chật vật thì ông ngoại bị tai biến liệt giường, thế là mẹ chị bảo: “Tư ơi! Thôi con nghỉ học ở nhà lo hái rau, chăm sóc ông ngoại nghe!”. Tư chỉ năn nỉ một lần: “Má cho con học thêm một tuần nữa thôi”. Những buổi học cuối cùng cứ ngắn dần và rồi cuộc đời học sinh của Tư kết thúc. Chín năm đến lớp thế cũng đã đủ, chị tự an ủi và bù đắp cho mình bằng những trang nhật ký... Thấy con có khiếu văn chương, cha chị động viên: “Nghĩ gì viết nấy, viết điều gì con đã trải qua”.
Ba truyện ngắn đầu tay của Tư viết về tình bạn ở đồng quê đã được cha đem gửi thử ở tạp chí Văn nghệ Cà Mau. Cả ba đều được đăng báo. “Con nhỏ học hành dở dang này viết được đó”. Ông tổng biên tập vừa nói vừa xoa đầu Tư dặn dò: “Viết nữa đi con!”. Thế là ngày xuống ao, ra liếp rẫy, tối về chị lại viết say sưa.
Mọi người khuyên chị nộp hồ sơ vào tạp chí Văn Nghệ Cà Mau thử việc. Năm ấy tách tỉnh, thiếu nhân sự, Tư được chọn vào làm văn thư và học việc phóng viên. Viết tin, viết bài, lại viết truyện ngắn. Hôm cơn bão số 5 ập vào đất Mũi, chị tất tả đi thực tế đến cửa biển Khánh Hội, sông Đốc, đất Mũi... Cảnh làng quê hoang tàn, cảnh cụ bà khóc con đời ngư phủ hẩm hiu… đã thành ký sự Nỗi niềm sau cơn bão dữ. Tư bảo đọc lại ký sự này thấy mình viết hơi… sên sến, nhưng tác phẩm này đã giúp chị đoạt giải ba báo chí của tỉnh năm 1997.
“Được giải thưởng quy ra lúa chẳng là bao nhưng đã cho mình chút hy vọng là nếu mình cố gắng có thể viết tốt hơn”, chị giải thích. Cái “công nghệ” cho ra đời hết tác phẩm này đến tác phẩm khác của chị được khẳng định là rất... đơn giản: viết là viết, bất kỳ lúc nào, không sắp đặt, không bố cục, cứ thế đoạn sau cuốn theo đoạn trước. Viết gần gũi như chính đời thường ăn nói, đi đứng thô thô kệch kệch của mình.
Ngọc Tư viết như đang trong tâm trạng của nhân vật, của chính đất đai hào sảng Cà Mau. Sau một chùm năm truyện ngắn Nỗi buồn rất lạ, Lý con sáo sang sông, Chuyện của Điệp, Ngọn đèn không tắt, Ngổn ngang... chị như cảm thấy mình đã nói hộ được ước mơ của người dân nghèo khó vùng quê, nói ra những yêu lầm yêu lỡ yêu không thành cũng từ cái nghèo mà ra. Những nhân vật, cốt truyện tủn mủn ấy không hề có một nguyên mẫu nào trước đó, cứ đi cứ tìm như bắt sâu đuổi gà trong luống rau nhà mình mà thành chùm truyện ngắn về làng quê.
Năm 2001, chị đoạt giải B của Hội Nhà văn VN, rồi giải cho tác giả trẻ nhất của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật VN. Bao nhiêu bằng khen, tiền thưởng có được Tư đều đem về cho mẹ, bà chẳng khen chẳng chê chỉ nói mỗi câu: “Mày tả bà già trong truyện sao giống tao quá. Phải chi được học lên đại học chắc bà già trong truyện sẽ khá hơn phải không con?”.
Cuộc sống đời thường của Tư diễn tả chỉ là “sáng đạp xe đưa con đi nhà trẻ, trưa nội trợ cá rau, không văn vẻ gì cả”, nhiều người vặn vẹo: “Sao viết văn mà lấy chồng sớm thế?”, chị giải thích: “Có gia đình cách đây 4 năm, chồng là anh thợ bạc - cuộc hợp hôn không hẹn mà có... hạnh phúc. Mình nghĩ chuyện viết văn là chuyện của cả đời, còn đường chồng con cũng song trùng cả đời đấy thôi! Quan trọng là không để có chồng mà xuống dốc ”.
Ý kiến bạn đọc
Vui lòng
login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin
ghi danh.