Nov 21, 2024

Biên khảo

Những Bài Viết về Hàn Mặc Tử III
Hàn Mặc Tử (1912 -1940) * đăng lúc 07:08:04 AM, Jun 27, 2008 * Số lần xem: 2046
Hàn Mặc Tử



Quỳnh Dao


Hàn Mặc Tử là tác giả tập “Gái Quê” xuất bản từ hồi Octobre 1936. Một tập thơ phần nhiều tả những cảnh sắc nhà quê, cây tre, khóm lau, bờ cỏ, hay những phút yêu mong, nhớ của những cô gái quê.
Hồi tập thơ này xuất bản là hồi chúng tôi đang còn chủ trương tờ HA NOI Báo. Nhận được tập thơ ông, chúng tôi đã vui mừng giới thiệu ông-một thi sĩ mới-với độc giả, và nói rõ tính cách của tập thơ ông nó có cái phong vị mộc mạc, ngây thơ và thi vị.
Tuy cả tập GÁI QUÊ không phải bài nào cũng hay ngang bài nào, nhưng nhiều bài đủ tỏ rằng tác giả có một tâm hồn đa cảm lắm, một tâm hồn nồng nàn của thi nhân, và vì thế Hàn Mặc Tử đã ở trên nhiều những ông thợ thơ khác. Ta phải nói hẳn ngay Hàn Mặc Tử là một thi sĩ.
Bài mà chúng tôi thích nhất trong quyển GÁI QUÊ (hồi ấy có trích đăng lại ở Hanoi Bao) là bài TÌNH QUÊ mà bạn Quỳnh Dao cũng có trích ở đoạn đầu bài dưới này.
“Tình Quê” có một âm điệu như “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư. Đọc lên, ta nghe như tiếng gió rào rạt trong khóm tre một buổi chiều hôm, tiếng nghe văng vẳng buồn, một cái buồn nhè nhẹ.
Nhưng, đó mới chỉ là mấy vần thơ đầu. Sau này thơ của Hàn Mặc Tử còn “hứa hẹn” nhiều và đi qua từ Sáng-Tạo, sang Siêu-Việt và gần đây lại hơn nữa là Điên lúc Hàn Mặc Tử đau buồn quá.
Muốn độc giả rõ Hàn Mặc Tử hơn, tôi xin nhường lời cho thi sĩ Quỳnh Dao, người đã gặp Hàn Mặc Tử và đã sống những phút đầy đủ bên Hàn Mặc Tử.
Lê Tràng Kiều

Mùa hè năm 1937, tôi gặp Hàn Mặc Tử ở Quy Nhơn. Rất cảm động khi thấy một thân hình tiều tụy, như van lơn cầu khẩn một điều gì. Dù gặp lần đầu, mà đã thân nhau. Vì chúng tôi quen nhau đã lâu trong tập “Gái Quê”!
“Gái Quê”, tập thơ đầu của Hàn Mặc Tử, tuy chưa được hoàn toàn đặc sắc, nhưng đã chiếm một địa vị rất cao rồi. Lời đi nhẹ nhàng uyển chuyển như hơi may, đọc lên nghe ngọt đến đáy hồn, cho nên dễ nhớ. Trong đó, thỉnh thoảng chơi vơi một nổi buồn kín đáo.

Từ ấy anh ra đi
Bóng trăng vàng giải cát,
Cánh cô nhạn bơ vơ…
Liệng dưới trời xanh ngắt,
Từ ấy anh ra đi,
Tiếng dương cầm vắng bặt,
Dường tan trong đám sương,
Thoảng về nơi làng mạc…
(Nhớ Nhung)

Và đã mấy khi ta nghe một điệu nhạc hiền từ:
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
Gió chiều quên ngừng lại;
Giòng nước luôn trôi đi…
Ngàn lau đường đê mê.
Cách nhau ngàn vạn dặm,
Nhớ chi đến trăng thề
Dầu ai không mong đợi,
Dầu ai không lắng nghe
Tiếng buồn trong sương đục,
Tiếng hờn trong lũy tre,
Dưới trời thu man mác,
Bàng bạc khắp sơn khê.
Dầu ai trên bờ liễu,
Dầu ai dưới cành lê…
Với ngành xanh hờ hững,
Cố quên tình phu thê,
Trong khi nhìn mây nước
Lòng xuân cũng não nề…
(Tình quê)

Giữa hỗn tạp của thứ thơ Tây, Hàn Mặc Tử lần đầu tiên cho ta nghe một điệu nhạc ngọt ngào:
Kìa anh xem! Giải mây hờ trên đỉnh núi,
Buổi chiều hôm đã nhuộm một màu lam
Và trên không hàng cò trắng đương làm
Một bài thơ dài không vần điệu.
Bài thơ ấy xóa dần trong rặng liễu,
Mà chúng ta – thi sĩ – đương mơ say
Đương lặng nhìn hiện tượng của trời mây,
Lòng ta bổng xôn xao và nức nở.
Rồi tự nhiên âm thầm trong tiếng thở,
Lời ca ngâm vang dậy khắp đồi thông,
Khiến vi lau im lặng, suốâi không ngừng,
Không lay nữa cũng không thèm chảy nữa.
Chỉ ngây ngất lắng nghe lời mai mỉa
Những linh hồn vất vả vì yêu thương
Kìa anh xem! Cô gái đứng bên đường!
Mặc yếm thắm, dáng ngây thơ và bẽn lẽn;
Hái rau sam, nhưng xuân tình không thể nén
Trên làn môi ươn ướt như thèm duyên.
Mà chúng ta – thi sĩ – lặng triền miên
Đương tìm vần: trẻ, đẹp, non trong nếp áo.
(Hồn Thơ)

Đây, là một câu trả lời rất sâu cho phái cũ ghét thơ mới. Họ tưởng rằng thơ mới là một thứ thơ lởm chởm những đá sỏi, không âm điệu, không ý tứ, như hầu hết của những nhà lạm dụng chữ thi sĩ trước khi “Gái Quê” ra đời. Những nhà thơ non nớt ấy, vô ý gieo mầm họa lớn cho tính cách thơ mới, làm mất lòng tin cậy của người đi.
Buổi đầu, xuân trong lòng mới dậy, thi sĩ bồng bột lạ thường. Ai ngăn cản được những ý lẳng lơ, những lời hổn hển.
Từ gió xuân đi, gió hạ về
Anh thường gửi gắm mối tình quê.
Bên em mỗi lúc trên đường cái
Hóng mát cho lòng được thỏa thuê… Em có ngờ đâu trong những đêm
Trăng ngà giải bóng mặt hồ em
Anh đi thơ thẩn như ngây dại
Hứng lấy hương nồng trong áo em (Âm thầm)

Trăng nằm sóng soài trên ngành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi!…
Trong khóm vi lau rào rạt mãi
Tiếng lòng ai nói? Sao im đi!
Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe…
Vô tình để gió hôn lên má
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm.
Em sợ lang quân em biết được ,
Nghi ngờ tới cái tiết trinh em…
(Bẽn lẽn)

Hàn Mặc Tử khéo dùng những ý quê. Gió hôn trên má, với một nàng quê đã lấy làm bẽn lẽn. Ấy là nghệ thuật tinh vi!
Thế là ý tứ
Với tập “Gái Quê” Hàn Mặc Tử đã xứng đáng làm thi sĩ rồi!
Sao lại:
Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ
Em lấy chồng rồi hết ước mơ…
Đó chẳng qua thi sĩ hờn lẫy, trong chốc lát. Trời còn bắt anh làm thi sĩ mãi mãi, vì trời đã gieo trong người anh, sự nghiệp anh… một bài thơ!
Trời ơi! Trời bắt Hàn Mặc Tử làm thi sĩ rồi!
Đời anh càng lạ, lời thơ càng lạ hơn. Thơ anh lại bước sang thời kỳ sáng tạo!
Thời kỳ sáng tạo là cuộc cách mệnh trong thơ. Giữa lúc làm cho âm điệu ấy bằng phẳng rồi lại kêu vang lên, rồi lại bằng phẳng; ý tứ đi từ từ rồi lại lạ lùng quá, khiến ta phải để ý, ngừng lại để hưởng dư âm của hơi thở, cho lòng đi sâu vào để phân chất cái dụng công thi sĩ.
Thời kỳ sáng tạo làm cho thơ mới lạ hơn, làm cho thơ thoát sáo, một là về cách chọn chữ, hai là về cách đặt câu.

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hò reo…
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu!
(Đalat trăng mờ)

Nào đâu tráng lệ một thời xanh,
Mai vị thơm tho của ái tình,
Đố kiếm cho ra trong lớp bụi,
Ít nhiều hơi hám của kiên trinh
(…)

Đã có khi nào có ước mơ
Rồi đây khai mạc cuộc đời thơ,
Bằng đêm hôm ấy êm như rót
Lời mật vào tai, ngọt sững sờ…
(Tối tân hôn)

Một buổi chiều gần lặn, ngồi trên bãi biển Quy Nhơn. Tôi thinh lặng nghe anh cầu khẩn những vị thiêng liêng!
Trời hỡi bao giờ tôi chết đi.
Bao giờ tôi hết được yêu - Vì!
Bao giờ mặt nhật tan thành máu,
Và khổ lòng tôi cứng tợ si!

Tôi hãy còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ xuống trời sâu!
Sao? Bóng phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuốâng lòng tôi những giọt châu!

Lòng tôi nao nao đi trong một ngọn gió buồn từ xa thổi lại. Tôi lẩm bẩn: “Hàn Mặc Tử là yêu Ma” Dưới mấy lá dừa biếc sắc, hơi đêm càng làm rõ những nét ghê rợn của người anh. Thốt nhiên anh nói:
-Thôi ta đi về, tôi biết về thì tiếc trời tiếc nước, tiếc bao nhiêu là thơ nhưng tôi không dám ngồi chờ cho sương xuống.
Tôi lẳng lặng đem anh về. Những nét xương dưới áo lụa Quy Nhơn phai màu, theo sức gió, nổi hằn lên mỗi khi anh đi qua một ngọn đèn. Anh đi thất thểu như một người điên, dưới cằm lâu ngày không cạo, với bộ mặt bạc nhược, tuy ít tuổi đã để ra vài sợi râu!
Và ngày mai, khi nắng lên là Hàn Mặc Tử không thể ra ngoài đường được. Anh yếu lắm, mẹ anh buồn, và thơ anh buồn…
Anh đã kể tôi nghe hầu hết những mẫu đời, tôi chỉ nói anh là một Nạn Nhân, thế thôi! Những việc riêng tôi muốn giữ kín để thơ anh được giữ kín những nhiệm mầu.
Lời thơ không đi theo sự dồi dào của thực tế, thì lời thơ chỉ tặng những người mang chung một điệu lòng! Người ngoài có ai ưa đâu, người ngoài bạc đãi. Trời hỡi! Bao giờ ai ai cũng biết yêu thơ như ta.
Nhiều khi anh như ngây dại, nhắm mắt đuổi một ngày đẹp đã qua…

Trăng đang nằm trên sóng cỏ
Cỏ đưa trăng đến bên ao,
Trăng lại đắm mình xuống nước,
Trăng nước đều ngủ với nhau!
Đôi ta bắt chước thì sao!

Đọc câu ấy, tự nhiên đầu ta cứ chuyển! Hay là ta say!
Thời kỳ siêu việt làm bài thơ huyền ảo hơn, sâu xa ngâm ngầm hơn… Ta phải đi vào đến đáy thơ lòng ta ớn lạnh!

Hãy van lơn ở dưới chân Bàn Thánh
Cho yêu ma muôn năm vùng trở dậy
Náo không gian cho lửa hồng bùng cháy,
Và để cho kinh động đến người tiên…
Đang say sưa ở thế giới ảo huyền
Đang trừng dởn ở bên sông Ngân biếc
Anh rõ trước, sẽ có ngày cách biệt,
Ngó tuy gần, song vẫn thiệt xa khơi
Lau mắt đi! Đừng cho lệ đầy vơi,
Hãy mường tượng một người thơ đang sống,
Đang im lìm lẻ loi trong giẫy động.
Cũng hình như em hỡi! Động Huyền không!
Mà đêm nghe, tiếng khóc, ở đáy lòng,
Ở trong phổi, trong tim, trong hồn nữa,
Em có nghĩ ra… một chiều vàng úa.
Lá trên cành héo hắt gió ngừng ru
Một khối tình nức nở giữa ám u,
Một hồn đau đã lần theo hương khói
Một bài thơ cháy tan trong nắng dọi,
Một lời run hoi hóp giữa không trung.

Anh càng đau đớn bao nhiêu thơ anh càng tha thiết. Rồi dần dà đem anh vào thế giới lạ hơn:
Điên:

Ha! Ha! Ta đuổi theo trăng!
Trăng bay lả tả ngả lên cánh vàng…
Tới đây, là nơi ta được gặp nàng,
Rủ rê, rủ rê hai đứa vào rừng hoang,
Ta lượm lá trăng làm chiếu trải,
Chúng ta kê đầu lên khối sao băng!
Chúng ta nói chuyện bằng hơi thở,
Đon đón hoa cỏ biến ra thơ,
Chúng ta lại là người của ước mơ,
Không xác thịt, chỉ có linh hồn đang mộng

Cách đây tám tháng tôi ghé Quy Nhơn thăm anh, vì có việc gấp tôi phải đi ngay, nên chỉ ngồi chơi với anh được chừng năm phút. Bệnh anh càng ngày nặng, nước da anh đã thay màu. Nhìn thấy một cảnh tưởng thê thảm nghèo nàn, tôi cảm động quá, cầm lấy tay anh. Một bàn tay đã viết ra bao nhiêu là ngà ngọc mà nay lại khô và thâm tím, một bàn tay (tôi biết lắm) không ai dám cầm tay, mà anh cũng không đưa cho ai cầm.
Tôi hứa với anh, sẽ trở lại sau khi đi Đà Lạt về. Nhưng mà khi về, anh không còn ở đó nữa. Theo lời Chế Lan Viên thì mẹ anh không muốn cho anh trông thấy chúng tôi, không muốn cho anh trông thấy những cảnh ngoài xinh quá, sợ lòng anh lại chua chát thêm. Anh đã bị đưa vào một chổ vắng, một gian nhà có ít người qua, gần mé núi. Thường ngày chỉ có người đem cơm và thuốc uống. Cái nhà ấy bọn chăn trâu gọi là nhà “thằng ốm”! Biết đâu trong ấy lại chứa một hồn thơ thơm lắm.
Cảnh tình, nghèo ngặt, những người yêu anh thì cũng gần một số phận. Duy chỉ có anh Quách Tấn ở Nha Trang thường vẫn để tâm tới.
Tôi thường được tin anh, nên biết cả ngày cả đêm, công việc của anh chỉ có:
Ăn, ngủ, rên, khóc, ngâm thơ và… cầu nguyện.
Hãy mường tượng một người thơ đang sống
Được im lìm lẻ loi trong giãy động,
Cũng hình như em hỡi1 Động Huyền Không!
Mà đêm nghe tiếng khóc ở đáy lòng,
Ở trong phổi, trong tim, trong hồn nữa.

À té ra, một lời thơ năm xưa, mà nay thành sự thật.


Nguồn trích: Văn phẩm Quỳnh Dao.- H.; 1999 (2033);
KHPL: BĐ.04(91)
==================================






--------------------------------------------------------------------------------

tieuboingoan -> RE: Cuộc đời và sự nghiệp của Hàn Mặc Tử (21.6.2005 22:12:26)


Quy Hòa của Hàn Mặc Tử



Nguyễn Thanh Mừng


Quy Hòa là một vùng eo biển cát vàng xinh đẹp và thơ mộng , bao bọc bởi ba bề đồi núi. Chỉ cần qua một con đèo thanh mảnh là đến thành phố Quy Nhơn ồn ã sôi động nhưng nơi đây lại là một thế giới khác, êm đềm biệt tịnh. Đó là thế giới của sóng biển, của chim ngàn, của những cành xanh níu nhau làm thành con đường bóng rợp, của những bà phước nhân từ, những lương y và những kiếp người đau thương vì ác bệnh, Quy Hòa được khách văn chương lưu tâm hơn vì còn là nơi vị chúa của trường thơ loạn – Hàn Mặc Tử - đã sống những ngày tháng cuối cùng, vật vã với số phận, ký thác những vần thơ cân não “Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt – như mê man chết điếng cả làn da”.

Như chúng ta đã biết, bệnh phong của Hàn khởi phát từ thời còn làm báo ở Sài Gòn. Hàn về Quy Nhơn chạy chữa một thời gian, hết hy vọng đến thất vọng và ngày 20 – 9 – 1940, ông đành từ biệt bạn bè và gia đình để lên đường điều trị cách ly ở Quy Hòa. Lưu trú ở đây chưa đầy hai tháng, ngày 11 – 11 – 1940 ông đã trút hơi thở cuối cùng. Một người đồng bệnh là ông Nguyễn Văn Xê đã chứng kiến quảng thời gian này và ghi lại khá tỉ mỉ qua hồi ký Nhớ Hàn Mặc Tử (tạp chí Sông Hương số 26 – 1987). Ngoài gia đình, người yêu, những văn nhân đương thời đã tìm đến Quy Hòa sau khi Hàn Mặc Tử tạ thế ít lâu. Đó là nhà nghiên cứu phê bình văn học Trần Thanh Mại, sau đó đến nhà thơ Quách Tấn, hai người mà trước khi nhắm mắt xuôi tay, Hàn đã nhờ người ở lại báo tin cho họ,

Ngày 23 – 11 – 1940, nhà thơ Bích Khê, một bạn thân của Hàn đã viết trên tạp chí Người Mới, số đặc biệt về Hàn:

… Rùng mình ta nhìn ra
Huyền hồ đà như ma
Gần sao mà còn xa
Lại đâu là quê nhà
Hàn Mặc Tử ! Hàn Mặc Tử !
Quy Hòa ! Quy Hòa !

Từ đó đến nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, hai tiếng Quy Hòa dường như gắn bó mật thiết với cái tên Hàn Mặc Tử. Khách hành hương, ngoài ý nghĩ du lịch và tham quan bệnh viện phong, còn có một phần tình cảm dành cho nhà thơ tài hoa mệnh bạc. Gần đây nơi vị trí mộ cũ của Hàn đã mọc lên một biểu tượng đẹp. Đó là cụm kiến trúc mô hình trang sách mở ra bên vầng trăng khuyết, cái vẩng trăng đã từng rướm máu cùng đời thơ Hàn Mặc Tử. Công trình này do các độc giả ái mộ Hàn gửi tiền xây dựng.

Người phụ trách phòng lưu niệm (thiết kế từ phòng bệnh cũ của Hàn) đã tận tình cho chúng tôi xem một số tư liệu photocopy và các hiện vật ban đầu như chiếc giường Hàn từng nằm, sổ theo dõi trong đó ghi số hiệu và ngày nhập viện của bệnh nhân Nguyễn Trọng Trí, tên thật của Hàn. Ngoài ra còn một số sách báo về Hàn mới xuất bản và một số tranh của ông Nguyễn Bá Tín, em ruột Hàn vẽ phỏng theo những ý thơ của Hàn. Phòng lưu niệm rộng khoảng trên hai mươi mét vuông, có bàn thờ đặt tượng bán thân của Hàn ở giữa và lời đánh giá của Chế Lan Viên từ năm 1940 được phóng lớn trên tường: “Mai sau những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại ở cái thời kỳ này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử”.

Quả tình, khung cảnh Quy Hòa nói chung và phòng lưu niệm của Hàn nói riêng đã gợi cho khách văn chương cũng như độc giả mến mộ Hàn rất nhiều điều. Từ vòm trời và mặt đất đầy yêu thương và đau khổ này, từ những kỷ vật đơn sơ từng in hẳn hình bóng Hàn, mỗi người có thể tái tạo lại gương mặt Hàn qua những cảm nhận riêng tư. Dường như những lời thơ hoặc điên cuồng như máu vỡ, hoặc trong sáng như thủy tinh, hoặc tinh khiết như trăng sao hãy còn ngự trị trên mỗi đợt sóng, trong từng làn nắng ửng và bíu chặt trái tim bao người tựa lời kinh giải thoát.

Quy Hòa của Hàn Mặc Tử là một Quy Hòa của phong cảnh thiên nhiên yên ả và những đời người khôn nguôi giông bão. Nó còn là nơi dành cho sự thánh thiện và cao khiết lên ngôi, như đã từng lên ngôi trong thơ văn Hàn.

Hy vọng những khách hành hương tìm về nơi ở cuối cùng của Hàn Mặc Tử ngoài ý nghĩa ngưỡng mộ tài thơ còn tìm được “Sự trong sạch của tâm hồn”, như nhan đề một áng văn cuối cùng của Hàn Mặc Tử.

Nguồn trích: Thanh niên.- 1999.- Ngày 19 tháng 12 (2.651);
KHPL: BĐ.04(91)
= ==============================






--------------------------------------------------------------------------------

tieuboingoan -> RE: Cuộc đời và sự nghiệp của Hàn Mặc Tử (21.6.2005 22:13:39)


Thêm vài chi tiết về cuộc đời và mộ chí của Hàn Mặc Tử ở bệnh viện phong Qui Hòa



Ngọc Minh


Vừa qua, chúng tôi có dịp vào bệnh viện phong Qui Hòa, nơi trước đây Hàn Mặc Tử đã đến điều trị và đã qua đời để tìm hiểu thêm về quãng đời cuối cùng của nhà thơ và những nghi vấn chung quanh hài cốt của thi sĩ.
Dưới sự giúp đỡ nhiệt tình của bệnh viện, chúng tôi đã tìm được cuốn sổ dày cộp ghi lại danh sách của các bệnh nhân do bà sơ người Pháp ghi bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Chúng tôi nhìn thấy tên Nguyễn Trọng Trí ở hàng số thứ tự 1134 tính từ người đầu tiên nhập viện. Tại đây cũng ghi rõ ngày vào viện 20-9-1940 và ngày mất 11-11-1940; như vậy nhà thơ đã qua đời chỉ vỏn vẹn chưa đầy 2 tháng.
Trong cuộc gặp gỡ trao đổi với bác Trần Kế, năm nay 72 tuổi là một bệnh nhân cùng thời và nằm cùng buồng với Hàn Mặc Tử và các bác Bùi Tuất, Lê Lừ là những bệnh nhân vào bệnh viện sau vài ba năm nhưng đã được nghe kể lại, chúng tôi được biết trong những ngày điều trị ở đây Hàn Mặc Tử tỏ ra là người trầm tư ít nói, thường lang thang một mình ra các ghềnh đá ven biển vào các buổi chiều. Trừ một phụ nữ không rõ là chị em hoặc người yêu thường đến, nhà thơ sống cô độc, ít có ai đến thăm, và cũng ít tiếp xúc với ai. Thỉnh thoảng người ta thấy người thanh niên trẻ ngồi viết dáng điệu tư lự nhưng không ai biết viết gì, mãi đến khi qua đời người ta xếp dọn chỗ ở mới thấy những bài thơ viết và truyền tay nhau đọc. Sau người nhà thu lại một ít còn một số thất lạc.
Bác Kế còn cho biết Hàn Mặc Tử chết vì một bệnh gì khác giống như thương hàn chứ không phải vì bệnh phong. Chúng tôi đem vấn đề này trao đổi với bác sĩ Ngoạn, giám đốc bệnh viện, anh cho biết nguồn tin này có lý bởi ngày nay khoa học đã xác nhận bệnh phong rất khó lây và rất khó làm chết người. Thực tế ở bệnh viện nhiều bệnh nhân thọ rất cao dù đã mắc bệnh ba bốn mươi năm. Một người trai trẻ khó có thể chết nhanh chóng vì bệnh phong!
Về hài cốt của Hàn Mặc Tử, bác Kế cho biết : đám tang Hàn Mặc Tử rất thê lương lặng lẽ chỉ một vài người lo chôn cất và đưa tang. Nấm mộ được đắp thêm mấy hòn đá để làm dấu (thời ấy chưa có bia mộ). Bác để ý bởi chỉ cách 3 nấm là đến mộ cuả người con sinh non tháng của bác. Đến khi Quách Tấn vào tìm để chuyển hài cốt ra Ghềnh Ráng bác có đến chỉ dẫn nhưng không hiểu sao nấm mộ ấy vẫn còn nguyên. Theo bác hài cốt đã chuyển ra Ghềnh Ráng là của ai khác do người ta chỉ nhầm chứ không phải của Hàn Mặc Tử. Chúng tôi cũng đã gặp anh Huỳnh Ngọc Hải là một bệnh nhân đời sau nhưng anh cho biết đã có lần nghe ông Bửu Căn, một bệnh nhân cùng thời với Hàn Mặc Tử người đã chỉ cho Quách Tấn dời mộ Hàn Mặc Tử chuyển ra Ghềnh Ráng sau này, nói đại ý: Hồi đó cũng chỉ đại chứ có nhớ gì đâu! Nhưng đáng tiếc là sau đó cả khu nghĩa trang này đã được bốc dời sang một địa điểm mới và người ta cũng không để ý phân biệt là mộ của ai. Nên nếu giả thuyết hài cốt đã được chuyển ra Ghềnh Ráng không phải của Hàn Mặc Tử thì cũng không cách gì tìm được hài cốt thật của nhà thơ hiện nằm ở chỗ nào Xin nói thêm, bằng tấm lòng ngưỡng mộ một nhà thơ lớn, để phục vụ khách tham quan du lịch, bằng những tư liệu thu thập bước đầu, bệnh viện phong Qui Hòa đang suy nghĩ kế hoạch phục hồi những hiện vật có liên quan đến Hàn Mặc Tử như buồng bệnh bàn ghế và các vật dụng khác lập thành một phòng lưu niệm nhà thơ. Tại khu vực trước đây đã mai táng nhà thơ sẽ lập nên ngôi mộ tượng trưng và tượng của thi nhân.
Thiết tưởng đấy là những việc có ý nghĩa đối với nền văn hóa dân tộc.

Nguồn trích: Bình Định.- 1990.- Ngày 13 tháng 3 (799);
KHPL: BĐ.04(91)






--------------------------------------------------------------------------------

tieuboingoan -> RE: Cuộc đời và sự nghiệp của Hàn Mặc Tử (21.6.2005 22:14:54)


Thêm một tư liệu mới về Hàn Mặc Tử



Phạm Xuân Tuyển


Là người chuyên tâm nghiên cứu, sưu tầm tư liệu mới về nhà thơ Hàn Mặc Tử (HTM) gần 30 năm qua, tôi đã đi gần hết các nơi ông sinh sống, làm việc và qua đời.
Tôi vui mừng khi đến tư gia nhà thơ Quách Tấn ở 12 Bến Chợ - Nha Trang xin được tập thơ “Một tấm lòng” xuất bản năm 1939, có nhiều bài thơ Đường luật xướng họa giữa HMT và Quách Tấn, mà trong đó có chữ ký “bệnh hoạn” của HTM ở cuối bài Lời Bạt. Và nhân tiện cũng tại Nha Trang, tôi đến xin giáo sư Võ Văn Côn (tức nhà văn Châu Hải Kỳ) bản sao học bạ trường Pellerin Huế mà cậu học trò Nguyễn Trọng Trí học từ năm 1928 đến năm 1930. Năm 1991, tôi ra khu điều trị phong Qui Hòa - Qui Nhơn, gặp bác sĩ giám đốc Nguyễn Hữu Ngoạn và xin ông lục cho giấy nhập viện của bệnh nhân số 1134 Nguyễn Trọng Trí ngày 20-9-1940. Đầu năm 1996, trên đường đi tìm tư liệu bổ sung cho cuốn sách “Đi tìm chân dung Hàn Mặc Tử” của tôi sắp ra đời, tôi đã được ông Nguyễn Đức Trinh - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hòa Khánh (QNĐN) và linh mục Joe. Nguyễn Văn Thông - chánh xứ Hòa Khánh chân tình giới thiệu đến giáo xứ Tam Tòa - Đà Nẵng tìm “giấy rửa tội” của cậu bé trai sinh ngày 22-9-1912 tại làng Lệ Mỹ, tổng Võ Xá, huyện Phong Lộc, tỉnh Đồng Hới.
Khi được biết tôi là người đã gửi thư nhờ giáo sư lục trước đó, Linh mục chánh xứ Phao Lô Lê Đình Chiến nói rõ ông đã tìm không có và ông nghĩ chắc chắn HMT không được “phép rửa tội” tại giáo sứ Tam Tòa (trước đây ở Đồng Hới). Nghe vị chánh xứ Tam Tòa đời thứ 63 khẳng định HMT không phải là con chiên của họ đạo mình, nhưng lòng tôi vẫn tin tưởng là có nên tôi đã khẩn khoản xin ông lục lại kỹ hơn.
Sau một giờ lần giở, chăm chú đọc kỹ từng trang ở cuốn thứ 2 từ 1905 đến 1914 của giáo xứ và hỏi “kiểm tra” thấy tôi hiểu biết về cha mẹ HMT, tên thật, Thánh danh, thì ông vui mừng bảo tôi lại gần xem trang ghi ngày, số thứ tự giáo dân bằng chữ la tinh. Ông đã dịch cho tôi nghe bằng chữ Việt như sau: “- Số thứ tự 437 - ngày 15 tháng 9 năm 1912 - tại giáo xứ Tam Tòa - một bé trai sơ sinh - sinh ngày 22 cùng tháng như trên ( tháng 9) - tại làng xứ Tam Tòa - con ông Vincent Thầy Toản và bà Maria Duy được chịu phép rửa tội do tôi ký tên dưới đây mang tên Thánh Francois (Phan xi cô) - người cha đỡ đầu là Francois Thầy Thông Hài ở cùng địa phương giáo xứ. Tôi chứng nhận - giuse Trần Phan-Linh mục bản quốc”.
Cùng tham dự niềm vui mừng khôn tả với linh mục chánh xứ và tôi hôm ấy còn có ông Nguyễn Thanh Kim-Phó chủ tịch Uỷ ban đoàn kết công giáo tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng đến viếng thăm giáo xứ trong dịp đầu năm.
Hàn Mặc Tử ơi! Từ 55 năm sau khi ông qua đời đến nay, ai cũng đều viết sai về Thánh danh “rửa tội” theo tôn giáo (công giáo) của ông. Đến cả ông Nguyễn Bá Tín (em ruột kế HMT) trong sách hồi ký “Hàn Mặc Tử-Anh tôi-NXB Văn nghệ TPHCM 1991” cũng đã ghi nhầm tên Thánh rửa tội là Phêrô, Thánh thêm sức là Phan xi cô Xavit (trang 12 chương “Một ít lịch sử dòng họ” sđd).
Còn ông Quách Tấn là nhà thơ, bạn thân HTM được gia đình giao toàn bộ di cảo, thế mà vẫn viết từ năm 1959 ở “Đôi nét về Hàn Mặc Tử” là “tên Thánh là Phêrô Phanxicô” (trang 27 thơ Hàn Mặc Tử - Sở VHTT Nghĩa Bình xuất bản 1988, in lần thứ hai có bổ sung).
Nhà thơ Chế Lan Viên là bạn thân cận nhất ở Qui Nhơn mà khi làm “Tuyển tập Hàn Mặc Tử NXB Văn học 1987” ở trong tiểu sử vẫn viết HMT “tên Thánh là Pierre kế đó là Prancois” (sách trên tái bản 3 lần).
Để xác minh “giấy rửa tội” có tên Thánh danh cha mẹ nhà thơ HMT đúng như mộ phần tôi đã cùng nhà thơ, nhà giáo Mai Văn Hoan đang giảng dạy chuyên văn trường Quốc học Huế và nhà văn nhiếp ảnh Lê Đức Bổn đến viếng mộ cụ Vincent Nguyễn Văn Toản ở ngọn đồi sau nhà thờ Phường Đức, gần đền thờ Thánh tử đạo Tống Viết Bường và đình làng Dương Xuân Thượng, thuộc thôn Thượng Bôn, ấp Sơn Điền, xã Thuỷ Xuân, ở ngoại vi thành phố Huế.
Trước đó, vào dịp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm (8-12-1995), tôi đã cùng các bạn văn: Nguyễn Thanh Xuân, Trần Viết Dũng và Trần Hoa Khá ở Qui Nhơn đến kính viếng mộ mẹ HMT là cụ Maria Nguyễn Thị Duy ở Gồ Bồi, thôn Tùng Giảng, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Sau khi công bố tư liệu quý này, tôi sẽ tiếp tục đi tìm “giấy thêm sức” (với người Công giáo, sau khi chịu phép rửa tội lúc mới sinh. Từ 6 đến 10 tuổi được cho học giáo lý và chịu phép thêm sức) của HTM xem có phải tên Phêrô hay không vì “Phanxicô” đã rõ tên là Thánh rửa tội rồi.
Tiện đây, tôi xin thành thật cám ơn đối với Linh mục Phao Lô Lê Đình Chiến đã khổ công lục sao tặng “giấy rửa tội”, ảnh nhà thờ Tam Tòa nguyên vẹn khi xưa và băng nhạc phổ thơ Duyên kỳ ngộ của HTM. Và tôi cũng không bao giờ quên truyền thống mẫu mực của giáo xứ Tàm Tòa vì đã gìn giữ tốt đẹp những hồ sơ, sổ sách vẹn toàn qua gần hai thế kỷ thành lập với những cuộc chiến ác liệt, phải di dời từ Đồng Hới đến Đà Nẵng.

Nguồn trích: Bình Định nguyệt san.- 1996.- Số 4.- Tr. 22 (780);
KHPL: BĐ.04(92)






--------------------------------------------------------------------------------

tieuboingoan -> RE: Cuộc đời và sự nghiệp của Hàn Mặc Tử (21.6.2005 22:16:14)


Hàn Mặc Tử và tôi



Trinh Đường



Trên tấm phản gỗ, Cụ Phan Bội Châu đắm hồn vào trang sách cổ nhân, quên mình đang ở trong nhà, cũng quên nốt đang ở trong vòng trong vòng ngoài của mật thám ma tà. Nghe có tiếng động cửa, cụ bỏ mục kỉnh trông ra thì thấy có bóng người thập thò phía ngoài rồi một chú bé dáng thư sinh khép nép bước vào nha. Giọng huế của cụ trầm xuống, bao dung, khi chú bé đến gần bên phản " trò có việc gì cần đến cụ ?" Đứng trước một ngọn núi về thơ và về mặt chí sĩ, chú bé ấp úng mới nói thành tiếng " dạ, dạ ... cụ cho phép cháu được gặp cụ " vẫn giọng độ lượng cha già, cụ chậm rãi: " Cháu là ai, tên gì, đến với cụ có việc gì ? ". Như được khuyến khích, chú bé đáp trôi chảy hơn " cháu, cháu là Nguyễn Trọng Trí". Như bị điện giật. Như bị điện, cụ Phan giật mình ngồi thẳng lên " Trí à ? có phải Trí là tác giả mấy bài thơ giử cho tôi và đã đăng báo Tiếng Dân đó phải không ?". Chú bé mạnh dạn hơn " Dạ thưa cụ phải ạ ".
Cụ già Bến Ngự bỗng à lên một tiếng, ngồi lùi về phía bên kia, đưa tay trỏ bên này phản, mời chú bé, giọng không còn bình thường " Thế thì, mời trò ngồi lên đây, nói chuyện ". Chú bé sợ quá, lùi lại mộ bước và khúm núm từ chối " Thưa cụ cháu không dám, cháu đâu dám... Cháu chỉ dám xin cụ cho ý kiến về mấy bài thơ cháu giử cụ duyệt lãm thôi". Cụ Phan vẫn đưa tay trỏ bên kia phản" không, không tài thơ của cháu đáng được ngồi ngang với cụ, cháu cứ ngồi đây". Thấy cụ kiên trì ý kiến, chú bế bèn leo lên phía trong phản, nép mình sát tường - giọng ngâm thơ của cụ Phan sang sảng như có lửa:
Ấp úng không ra được nữa lời
Tình thu bi thiết lắm thu ơi
Vội vàng cánh nhạn bay đi trót
Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi
Nằm gắng đã không thành mộng được
Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi...
Cụ Phan vỗ đùi đánh đét" Hay, hay lắm, bạc đầu trong làng thơ, không dễ gì viết được đâu... Lại còn bài khác, trò viết:
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối
gió thu lọt cửa cọ mài chăn...
" Tuyệt ! Trác tuyệt ! Vừa đại khoa, vừa tài tử ! Cứ yên tâm, trò đáng được ngồi ngang với cụ ! Xưa nay thơ hay có ai tính tuổi đâu..." .
Chú bé có cái tên quai nôi là Trí trong lần đầu tiếp xúc với nhà chí sĩ kiêm nhà thơ Phan Bội Châu ấy tên là Hàn Mặc Tử. Và từ đấy trổi lên trên mặt bằng thi ca Việt Nam một thiên tài trác tuyệt: Hàn Mặc Tử của chúng ta !.
Từ nhỏ, tôi tìm đọc và thuộc không thiếu một dòng nào của Hàn Mặc Tử,
Từ Gái Quê đến thơ Hàn Mặc Tử đến các vở kịch thơ, đến lời đề tựa cho Tinh Huyết của Bích Khê, đến bản Tụng ca Thượng đế bằng tiếng Pháp, cả bản anh tự dịch trước khi lìa trần, làm ánh sao băng chói loà cả ba ngàn thế giới thi ca đến tận ngày nay và mãi mãi về sau này.
Cũng từ nhỏ mê thơ đến chết, nhận định của tôi về ngọn cờ thơ mới 30 - 45 vẫn không thay đổi cho đến ngày nay. Phan Khôi đề xướng, Thế Lữ mở đầu, Xuân Diệu âu hoá thơ Việt, " một thiên tài sớm lộ " ( Chữ trên bọc ngoài tập Thơ Thơ của Tự Lực Văn Đoàn) Huy Cận sâu sắc một nổi buồn nhân thế, Chế Lan Viên ma Hời, Lưu Trọng Lư làm thơ bằng hồn chứ không bằng tay, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng rất mực tài hoa, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân trầm hùng, Nguyễn Bính truyền thống và dân dã... Nhưng vượt lên trên những đỉnh cao nói trên vẫn là Hàn Mặc Tử với châu tuần một vệ tinh là Bích Khê.
Tôi đã viết nhiều chân dung nghệ sĩ bằng văn xuôi, cả bằng thơ, nhưng nghĩ hoài, vẫn không sao lấp được hai khoảng trống lớn trong đầu tôi: Nguyễn Du và Hàn Mặc Tử. Tôi đã dám bình nhiều đoạn về Kiều, nhưng dẫu đã đi thăm vẫn chưa dám viết về mộ Nguyễn Du và Hàn Mặc Tử. Cứ mỗi lần cầm bút định viết một trong hai người, tôi đều có cảm giác ớn lạnh và " run như run thần tử thấy long nhan". Mãi đến khi trường viết văn Nguyễn Du có một hội thảo về thơ Hàn Mặc Tử mà tôi có phần trách nhiệm, tôi phải động viên tôi nhiều đêm mới dám động đén cái thế giới thơ huyền hoặc kỳ bí ấy - cũng để, trên hết, thắp một nén hương nguyện, trả một món nợ tinh thần canh cánh trong lòng đã suýt gần nửa thế kỷ nay với người tôi tôn thờ từ nhỏ : Hàn Mặc Tử.
Cái gì đã làm tôi tự nguyện cúi đầu trước thần tượng nói trên của tôi ? Trên hết mọi điều ở thiên tài này là phần tâm linh, phần huyền nhiệm, không một ai vươn tới được của anh. Với một mức độ tài năng nào đó, ta có thể bắt kịp Thế Lữ, đến gần Xuân Diệu, Huy Cận, nhưng không thể có được cái hồn trời cho của Lưu Trọng Lư và xa đến tuyệt mù với Hàn Mặc Tử và phần nửa Bích Khê, đang chiếm lĩnh cho riêng hai người cả vòm trời, cả thế giới tâm linh. Cùng ở mặt đất, không thể bén gót ngay cả việc tả chân một người lao động vốn là " nghề " sở trường của chúng ta trong nhiều thập kỷ qua, Chị ấy năm nay còn gánh thóc, dọc bờ sông trắng nắng chang chang (một vần trong ai đó đã ảnh hưởng mà người chưa đọc Hàn, cứ cuống cả lên !) đến một thương tiếc rất đời" Ngày mai anh bỏ làm thi sĩ, em lấy chồng rồi hết ước mơ" (Không còn ước mơ, không còn thi sĩ, em ở đây là cái bóng dáng hạnh phúc riêng và chung). Anh để chúng ta lại dưới trần khi đi vào cõi biếc hư linh Nhớ xưa kia ta là chim phượng hoàng , vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất, bay từ Đạo Lỵ đến cung Đâu xuất, và hùa theo không biết mấy là hương... hay Như Song lộc triều nguyên ơn phước cả, dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng, Thơm tho bay cho tới cõi thiên đàng, huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thế... Cả hiện thực ở Hàn Mặc Tử cũng huyền hoặc. Chim hay tin ngọc đá biết tuổi vàng hay ngửa nghiêng đời cao bọc trăng ngủ... Áo em trắng quá nhìn không ra. Đến cả một hiện thực không hư ảo, anh cũng vượt xa mọi người Lá trúc chen ngang mặt chữ điền... Và thật không sao hiểu được khi bên những câu tân kỳ cả về hình thức này " Trăng, trăng là trăng, trăng trăng. Ai mua trăng tôi bán trăng cho, không bán đoàn viên bán hẹn hò... lại có những câu rung động ta bằng hầu hết những từ cổ, có sẵn " Trăng cố độ hết vươn cành trúc, hẹn đoàn viên tình thực chiêm bao hay Huyền Tiên hỡi, Sao em không hội ý, đôi ta xưa vầy hiệp nợ Châu Trần... Tưởng như mọi từ ngữ đã chết đều trỗi dậy sống động dưới ngòi bút thiên tài của anh.
May mà chúng ta có đâu đó một người thương nhớ để ta nhớ họ. Thật vô cùng hạnh phúc khi trên cái bình diện thơ ca chúng ta có Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm,... và cận đại là những đỉnh thơ 30 - 45 mà chọc trời là Hàn Mặc Tử - người đầu tiên nối bước Nguyễn Du(1) chắp đôi cánh linh thần cho thơ Việt Nam bay đi chinh phục mọi tầng trời..
==========
(1) Xin ghi nhận các câu trong Kiều "Ở đây âm khí nặng nề, Bóng chiều đã ngã dặm về còn xa - Sương in mặt tuyết phá thân, Sen vàng lảng đảng như gần như xa..."

Nguồn trích: Bình Định nguyệt san.- 1992.- Số 9.- Tr.10 (701;
KHPL: 04(91)






--------------------------------------------------------------------------------

tieuboingoan -> RE: Cuộc đời và sự nghiệp của Hàn Mặc Tử (21.6.2005 22:17:35)


Dòng sông của Hàn Mặc Tử



Ông Phạm Xuân Tuyển, soạn giả cuốn Đi tìm chân dung Hàn Mặc Tử có lần nói với tôi, đại ý: Có người cho rằng câu thơ “Dọc bờ sông trắng nắng chang chang” của Hàn được viết về một dòng sông nào đó ở mạn mấy tỉnh từ Quảng Ngãi vào Phan Rang, Phan Thiết. Nghĩ cũng Chế Lan Viên có lý, bởi cái nắng miền đất ấy là nắng lửa.
Ý kiến trên có thể đúng, bởi Hàn Mặc Tử sống nhiều nhất ở miền đất ấy. Nhưng đi tìm địa chỉ cho bài thơ là việc không nên làm, nhất là với thơ Hàn Mặc Tử, ngay cả những bài thơ như Đây thôn Vĩ Dạ, ai dám bảo bài thơ viết về làng Vĩ Dạ ở Huế? Thực tế là có những bài thơ viết về một địa danh, một con người cụ thể, vẫn có những câu, những ý bắt nguồn từ vốn ấn tượng trong lịch lăm đường đời, trong vốn học và đọc trực tiếp hay gián tiếp có khi tận từ thời thơ ấu.
Đọc Mùa xuân chín, quả là không thể xác định được không gian và thời gian trong đó, ta chỉ bắt được mạch cảm xúc của nhà thơ, từ đó mà đi vào tác phẩm, mà cảm nhận. Hơn nữa, nếu theo ý kiến trên, thì cái dòng sông nào đó lại phải là dòng sông chảy giữa làng quê có người phụ nữ đang gánh thóc bên bờ nữa kia. Đến thế thì ngay cả tác giả bài thơ cũng không thể nói chắc dòng sông ấy tên gì, nằm ở đâu, còn nếu nhắm mắt nhận bừa đi, thì cũng không còn là Hàn Mặc Tử nữa!
Vậy dòng sông trong câu thơ “Dọc bờ sông trắng nắng chang chang” ấy nằm nơi nào? Xin thưa, dòng sông ấy nằm trong lòng Hàn Mặc Tử, trong lòng chúng ta, như bến My Lăng, như dòng sông Thương vậy. Nó là dòng tạo nên từ nhiều con sông có thật và những dòng chảy của cõi đời, của niềm vui là nỗi buồn của một thi nhân tài hoa mệnh bạc; dòng sông ấy có vô số địa chỉ, và nói đến địa chỉ nào cũng phải có cơ sở của nó. Chúng tôi xin đưa ra một địa chỉ đáng tin cậy của dòng sông ấy: sông Nhật Lệ.
Như ta biết, Hàn Mặc Tử sinh ngày 22-9-1912 tại làng Lệ Mỹ (tức phường Đồng Mỹ ngày nay) thuộc thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Đồng Mỹ là một phường hẹp, nằm kẹp giữa Quốc lộ 1A và kéo dài dọc đoạn cuối của con sông Nhật Lệ đổ ra biển. Đó là đoạn đẹp nhất của dòng sông, bên này là phố thị với thành luỹ xưa in dấu một thời trận mạc, bên kia là làng bảo Ninh với dải cát trắng đâm dài ra biển như một dải lụa khổng lồ. Không rõ ngôi nhà xưa của gia đình Hàn Mặc Tử nằm ở đâu, nhưng nhất định cũng chỉ định vị trong rẻo đất hẹp chạy dọc sông Nhật Lệ này (và tôi cứ tin rằng nó nằm rất gần khu nhà thờ Tam Toà, ngay trên đường Hàn Mặc Tử ở Đồng Hới bây giờ). Hà đã chào đời và cả tuổi thơ của hàn đã tắm trong không gian ngày đầy nắng, đêm đầy trăng này, đã ngược xuôi, xuôi ngược không biết bao nhiêu lần dọc con sông thơ mộng này…Chính cái không gian nước xanh – cát trắng - nắng vàng đôi bờ Nhật Lệ đã theo Hàn Mặc Tử suốt bao năm tháng trong vốn ấn tượng có được thuở ban đầu vô cùng quý báu, làm chất men khơi dậy bao ý thơ về sau. Hàn Mặc Tử sống 28 năm trên đời thì đã 8 năm, từ khi sinh đến lên 8 tuổi, gắn bó với Đồng Hới và sông Nhật Lệ cùng tổ ấm gia đình, bởi vậy nhiều bài thơ của hàn sau này dù viết trong điều kiện nào cũng có thể nói đã được bắt nguồn từ cái vốn cảm xúc đầy ắp về mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình. Trăng, Biển, Chúa Trời là ba nét lớn trong thơ Hàn Mặc Tử, thì cả ba thứ ấy làng Lệ Mỹ xưa lúc nào cũng sẵn. Rõ ràng hồn thơ của Hàn Mặc Tử được mở ra từ sông Nhật Lệ. Không thể nói dòng sông trong câu thơ “Dọc bờ sông trắng nắng chang chang” là sông Nhật Lệ, nhưng không có sông Nhật Lệ, chắc không có câu thơ này, và thậm chí sẽ không có cả …Hàn Mặc Tử! Không nhà thơ nào thoát ly khỏi cảm xúc huy hoàng của tuổi thơ về sông núi quê hương hay chốn sinh thành mà thành nhà thơ được …
Nói đến Quảng Bình là nói đến gió Lào, cát trắng và nắng chang chang. Ai đến đất này cũng đều chung cảm nhận ấy, xưa nay đều thế. cứ lấy từ Nguyễn Du trở đi mà xem. Hình ảnh “Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia” trong Truyện Kiều chắc cũng được thoát thai từ cảm xúc về những cồn cát chạy dọc suốt bờ biển Quảng Bình thời ông làm quan cai bạ nơi đây. Riêng hình ảnh nắng chang chang thì được nhắc đến nhiều hơn. Tố Hữu trong bài thơ Mẹ Suốt có câu:
Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình
Gần đây nhà thơ Nguyễn Hoa trong bài thơ Trưa Nhật Lệ lại viết:
Biển xanh, sóng trắng, cát vàng
Trời ong óng nắng chang chang Quảng Bình
Sẽ còn nhiều bài thơ viết về Quảng Bình với hình ảnh nắng chang chang, hoặc cảm nhận cái nắng chang chang của mảnh đất này để đưa vào thơ, nhưng đừng ai quên người đưa cái nắng chang chang vào thơ đầu tiên chính là Hàn Mặc Tử. Nhật Lệ là dòng sông tuổi thơ của Hàn Mặc Tử.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.