Nov 23, 2024

Tùy bút - Bút ký

“CÒN GẶP NHAU…”
BS Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê) * đăng lúc 02:36:50 PM, May 12, 2010 * Số lần xem: 1857
Hình ảnh
#1


 
Giữa lúc nhiều nhà thơ đua nhau làm mới thơ, “lạ hóa” thơ nào hậu hiện đại nào tân hình thức… thì mấy câu thơ rất đỗi đời thường như một sự buột miệng, một tiếng thở dài, một lời tự nhủ của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương có vẻ như… lạc điệu mà Tết này bỗng xuất hiện hằng loạt trên lịch, trên thiếp xuân, trên Agenda và cả thư pháp các loại với đủ mọi chất liệu đá, cát, giấy, lụa… không khỏi làm cho ta phải ngạc nhiên! Có chút gì đó trái ngoe trong thi phú buổi này chăng?
Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời…
(Tôn Nữ Hỷ Khương)

Và cứ thế, “Còn gặp nhau…”, “Còn gặp nhau….” lặp đi lặp lại, những lời tuồn tuột tự đáy lòng, có vẻ gì đó như một giật mình, thảng thốt, bùi ngùi trong những buổi hàn huyên giữa những bạn bè gần xa. Thơ như nói, như chẳng hề có chút đẽo gọt, dụng công…- tạm gọi là “thơ nói”- cũng đã có từ xưa xa:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người tới chốn lao xao…
(Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Làm sao mà những câu “thơ nói” đó rung động lòng người, khiến người ta giật mình đánh thót, mà ngộ, ai cũng nhớ, cũng thuộc, và mỗi khi có dịp thì lẩm nhẩm: còn gặp nhau, còn gặp nhau…
Thì ra giữa thời buổi trái đất chỉ còn là một hòn bi xanh, một “thế giới phẳng” nhỏ xíu trong lòng bàn tay, mọi chuyện trên trời dưới biển gì cũng mồn một trước mắt, truyền thông đa phương tiện tràn ngập đến không còn chút thong dong, người người vẫn thấy nhau, vẫn “thơn thớt nói cười” với nhau mà hình như chẳng bao giờ gặp nhau!
Rồi hình như người ta bỗng sực nhớ, bỗng ngộ ra, bỗng cảm nhận được cái mong manh của đất trời, của thiên hà trong ngàn tỷ thiên hà trôi dạt, của kiếp người sương khói trong bối cảnh lạ lùng chiến tranh, dịch bệnh, bão lũ, sóng thần, động đất… triền miên!
Rồi hình như người ta bỗng sực nhớ, bỗng ngộ ra, bỗng cảm nhận sờ sờ trước mắt cơn đại hồng thủy sẽ ập tới vì trái đất nóng lên, con người đua nhau hủy diệt thiên nhiên, môi trường sống của mình, để rồi đâu đâu cũng thấy “những cảnh sửa sang tầm thuờng giả dối/ hoa chăm cỏ xén lối phẳng cây trồng (Thế Lữ) với dừa giả, cau giả, hoa giả, đồi giả, núi giả… !.
Thú vị là những câu thơ dung dị đó của Tôn Nữ Hỷ Khương được nhiều người thuộc lòng, buộc miệng nói ra… đến nỗi người viết thiệp cũng viết, in lịch cũng in, đục đá cũng đục… mà chẳng cần biết tác giả là ai. Tôi nghĩ chẳng bao lâu nữa nó sẽ trở thành những câu ca dao như “Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân…” bởi thế hệ nào mà chẳng có người trèo lên cây bưởi, thế hệ nào mà chẳng có người kêu lên “Còn gặp nhau…” ?
Có lẽ Tôn Nữ Kỷ Khương mang cái gene của phụ thân, cụ Ưng Bình Thúc Giạ. Những câu hò “Chiều chiều trứơc bến Văn lâu/ ai ngồi ai câu / ai sầu ai thảm/ ai thương ai cảm/ ai nhớ ai mong.. thuyền ai thấp thoáng bên sông/ đưa câu mái đẩy chạnh lòng nứơc non… nhiều ngừơi vẫn thuộc mà vẫn tưởng là một khúc hát dân gian, chẳng nhớ tác giả là ai! Cụ Ưng Bình cũng đã viết nên những câu thơ tưởng như câu nói bình nhật:
Thuở ra sân khấu không làm rộn
Khi hạ vai tuồng ít hổ ngươi!
để nói về một thuở làm quan của mình. Hay:
Biết đủ dầu không chi cũng đủ/
Nên lui đã có dịp thì lui…
lúc ung dung trở gót.
Do đâu mà những câu thơ của nhiều ngàn năm trước trong Kinh Thi vẫn còn làm cho lòng ta xao động? Ấy bởi vì nó nói từ nỗi lòng, “thốn tâm thiên cổ”, nên dù đựơc viết dưới bất cứ dạng ngôn ngữ nào, hình thức nào thì cái hồn của thơ vẫn là cái cảm xúc nhân tình. Hư Chu, ngàn năm trứơc, viết tựa Kinh Thi đã nói: Thơ tại sao mà làm ra? ( Thi hà nhi chi tác dã?) Để rồi trả lời: vì nó là tiếng kêu của cõi lòng!
Còn gặp nhau thì hãy cứ vui!… 

Đỗ Hồng Ngọc

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.