Nov 23, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Cõi Nhạc Thênh Thang Trong Thơ Trần Ngọc
Phạm Hồng Ân * đăng lúc 09:29:48 PM, May 02, 2010 * Số lần xem: 2226
Hình ảnh
Tác Giả và nhà thơ Phạm Ngọc (phải).
#1
Tác Giả và nhóm Trăng Viễn Xứ.
#2





Nói đến thi sĩ Trần Ngọc, người ta không thể quên hai nhạc sĩ tài hoa đã phổ thơ ông thành các ca khúc trữ tình, đó là : Lâm Hoàng và Phạm Anh Dũng.

Nhạc sĩ Lâm Hoàng đã nổi tiếng trước năm 1975. Anh từng là nhạc sĩ, ca sĩ, và kiêm luôn tài tử đóng phim trong các thập niên 60 và 70. Lâm Hoàng hiện cư ngụ tại Canada.

Nhạc sĩ Phạm Anh Dũng sáng tác văn nghệ chỉ là nghề tay trái. Hiện anh đang hành nghề bác sĩ y khoa ở Mỹ. Phạm Anh Dũng vừa qua, rất thành công với CD " Tình Khúc Hồi Hương ". Chính nhạc sĩ danh tiếng Phạm Duy đã gọi là ca khúc "lãng mạn quý báu sau đúng nửa thế kỷ lạc loài ".

Nói đến thơ Trần Ngọc, là nói đến cõi nhạc thênh thang trong thơ, dẫn dắt người nghe lên đến đỉnh thanh âm diệu vợi. Cõi nhạc thênh thang, một phần do vần điệu trong thơ ông có sẵn nhạc, một phần do sự tài tình của các nhạc sĩ phổ thơ. Những tài hoa đó đã phối hợp nhau...đưa dòng nhạc thênh thang...

Điều này, dĩ nhiên, khiến tên tuổi Trần Ngọc bay cao, khi CD :"Tình Yêu Màu Thiên Thanh" thành công rực rỡ vào năm 2001. Tiếp nối sự thành công đó, ông sắp trình làng CD thứ hai :"Con Yêu Của Mẹ".

Chúng ta hãy lắng nghe giây lát, đôi dòng thơ thênh thang nhạc của Trần Ngọc :

"Lòng mẹ cao sâu nào ai hiểu thấu ?
Mẹ gánh niềm đau cho con bớt sầu
Mây trắng bay bay xuân hồng phơi phới
Đẹp ngát niềm vui bên tiếng con cười"...

Bài "Xuân Mong Anh Về" man mác như sóng nước Cửu Long :

"Nhận được thư em bên trời xứ lạ
Nghe gió đông về chợt nhớ thiết tha
Nhớ dáng cha yêu tóc sương bạc trắng
Nhớ má em hồng nhớ nước Cửu Long"...

"Trà Vinh Thương Nhớ" nhắc nhớ đến quê hương, nhắc nhớ đến mối tình đầu một đời gắn bó :

"Quê hương em đất lành chim đậu
Chung đôi mình nghĩa nặng tình sâu
Lời yêu nhau như chim trời vỗ cánh
Hoa mai về ta bước trọn bên nhau"...

"Tình Tự Mùa Thu" lãng mạn và héo hon như những chiếc lá vàng bay :

"Nhớ đôi mắt mùa thu quyến rũ
Nhớ tiếng cười rạng vỡ pha lê
Em nũng nịu như con mèo nhỏ
Chiều bâng khuâng quên mất đường về"...

"Nỗi Niềm" như một ẩn dụ tình yêu :

"Hỏi mây, mây chẳng thấy
Hỏi gió, gió không hay
Hỏi mưa, mưa lặng lẽ
Hỏi nắng, ngắng ngập ngừng"...

"Thoáng Hương Xưa" lay bay những kỷ niệm vàng son, bên trời Sài Gòn ngày trước :

"Mùa thu xưa mưa giăng trời nhung nhớ
Cơn mưa tình môi thắm dệt mộng mơ
Trời Sài Gòn bên em lòng xao xuyến
Buổi ban đầu ta nhớ mãi không quên"...

"Điệp Khúc Mùa Xuân" ướt át và trữ tình như một cơn mưa tình hồng :

"Anh mang tới cho em
Một mùa xuân hy vọng
Anh mang tới cho em
Một cơn mưa tình hồng"...

Bài "Công Cha Nghĩa Mẹ" thắm thiết yêu thương, ghi lại công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha :

"Mẹ dạy cho con từ thuở nằm nôi
Hai tiếng YÊU THƯƠNG xây đắp cuộc đời
Cha dạy cho con từ khi mới lớn
TÌNH NGHĨA vuông tròn một dạ sắt son"...

"Ru Em Ngọt Ngào" lãng đãng đưa tình vào cõi mê hoang :

"Tình ta như ngàn hạt nắng
Lung linh lóng lánh bên đường
Tình ta như giòng suối mát
Ru đời vào cõi yêu đương"...

Và "Hà Nội Mưa Bay" lất phất đưa nhau về thuở ban sơ, thuở chưa có dấu vết chia cắt của chiến tranh :

"Hà Nội ơi! Có còn nghe tiếng mưa rơi
Có còn ngây ngất chơi vơi
Có còn thương nhớ xa xôi"...

Thơ Trần Ngọc trào tuôn như ngọn sóng, cuồn cuộn đưa chúng ta về nguồn cội xa xưa. Ở đó, chỉ có tình yêu, chỉ có hạnh phúc, chỉ có những lãng mạn đầu đời. Ngần thứ ấy, đủ để thành nhạc, thành âm thanh diệu kỳ...thênh thang mang chúng ta vào cõi mê cung.

*PHẠM HỒNG ÂN (Tháng 11/2002)

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.