*
Hoa Hướng Dương là tác giả của hai tác phẩm: tác phẩm đầu tiên trong đời viết văn và làm thơ của bà là Qua Biển & Gọi Hồn Dân Tộc xuất bản năm 2007 tại San José và tác phẩm tiếp theo là Kiếp Lục Bình, xuất bản năm 2009 cũng tại San José.
Cuốn Qua Biển & Gọi Hồn Dân Tộc là hai tác phẩm gói tròn trong một cuốn sách, Qua Biển, truyện dài thời chinh chiến, Gọi Hồn Dân Tộc gồm trên trăm bài thơ nói lên thân phận, cuộc đời và nỗi lòng của tác giả đối với nước non, dân tộc đang đắm chìm trong sự áp bức, đói nghèo.
Cuốn đầu tiên (thứ nhất), tác giả ghi ngoài bìa (bìa cứng, chữ mạ vàng) “Một đời người, Một quyển sách”. Tác phẩm này ra mắt tại San José (miền Bắc Tiểu Bang California, Mỹ) trước rồi sau mới diễn ra tại Orange County (miền Nam Tiểu Bang California, Mỹ). Lần ra mắt nào cũng được “mô tả” là thành công rực rỡ. Sở dĩ được vậy là…vì tác giả là một người không giống chúng ta: bà khiếm thị, hoàn toàn không thấy ánh sáng, bởi hai mắt bà đã mù trong vòng mười năm nay trong khi bà đang rất bình thường từ mười năm về trước, ở Mỹ cũng như hồi còn ở quê nhà. Bà mù. Thật sự Bà đã mù, không phải mù lòa. Mà mù hẳn. Bà rất đẹp, dung mạo dễ thương, vóc dáng thanh tao, nói năng nhã nhăn, là người vợ hiền của một sĩ quan hải quân cấp Tá thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trước 30 tháng 4 năm 1975, bà là người Mẹ Phúc Hậu của ba người con ngoan, đã thành nhân và thành danh trên nước Mỹ. Bà không nghèo. Gia cảnh bà sung túc, có nhà sở hữu. Chồng, con đều có lợi tức cao. Bà viết sách, ra mắt sách, mời nhiều người tham dự một là để “khoe” tài của mình, hai là muốn nói lên cho mọi người, nhất là đàn hậu tiến, biết mình đã phấn đấu như thế nào để có được một cuộc sống tại quê người khi Quê Hương đã mất đồng thời cũng muốn để lại cho người viết Sử (kể cả Địa Dư) biết về nơi bà được chôn nhau cắt rốn của bà, đảo Phú Quốc, quận Dương Đông, tỉnh Kiên Giang, nó xinh đẹp dường nào, bỏ đi thì tiếc mà khôi phục thì làm sao đây? Chuyện khôi phục (hay quang phục) là chuyên của thời gian. Tấm lòng bà trải ra trong cuốn Qua Biển & Gọi Hồn Dân Tộc là nội dung chính! Việc ra mắt sách của bà, cả hai cuốn, đều được đông đảo người tham dự, ai cũng xót xa cho một người khả ái mà không còn-thấy-gì khi đang sống trên một xứ sở ai cũng gọi là Đep, là nước Mỹ! Nói thế không phải người ta không quan tâm đến văn tài và thi tài của tác giả. Nếu nói không ngoa, bỏ đi sự hiểu là Thậm Xưng hay Cường Điệu, thì Hoa Hướng Dương rất xứng đáng có tên trong Văn Học Sử Việt Nam ở ngoài nước, từ sau 30 tháng 4 năm 1975. Tôi khẳng định: Hoa Hướng Dương là một Nhân Tài Việt Nam!
Hôm nay, tôi không bàn gì về cuốn Qua Biển & Gọi Hồn Dân Tộc của Hoa Hướng Dương mà “điểm nhấn” và “điêm nhắm” của tôi đặt vào cuốn Tự Truyện Kiếp Lục Bình của bà.
Sách của Hoa Hướng Dương, hai cuốn, đều in đep, công phu. Đẹp từ ngoài vào trong và có bề dày đáng nễ, một cuốn dày hơn 500 trang (Qua Biển & Gọi Hồn Dân Tộc) và một cuốn dày hơn 400 trang (Kiếp Lục Bình). Đọc tác phẩm của Hoa Hướng Dương đúng là…Đọc Mệt Nghỉ! Văn bà viết hay, thơ bà làm dễ thương. Cái hay, cái dễ thương này không xét về mặt nghệ thuật mà nên xét về…nhịp đập của trái tim mình. Bà viết có sức thuyết phục người đọc, hai chữ “hấp dẫn” dùng thay cho “thuyết phục” thấy không chính xác. Cái gương kiên nhẫn của Bà: tự học dùng computer, tự học cách đọc chữ của người mù, dám nói ít ai đạt mục đích yêu cầu như bà. Bà mất rồi thị giác nhưng Trời cho bà lại cái Linh Giác, bà vẫn như chúng ta: có đủ năm giác quan! Bà không nhìn thấy hai đứa con tinh thần của bà xinh xắn thế nào nhưng bà vui lòng vì tự thâm tâm bà thấy chúng thật xinh! Tôi không quảng cáo sách của bà, tôi tin bạn đọc làm công việc đó thay tôi: hãy ra hiệu sách nhìn sách của Hoa Hướng Dương…và trầm trồ thế nào thì tùy “hảo tâm” và “mỹ cảm” của bạn.
Hai chữ Tự Truyện, thú thật lần đầu tiên tôi thấy đề trên bìa cuốn sách. Cụ thể là cuốn Kiếp Lục Bình của Hoa Hướng Dương. Tôi hiểu Tự Truyện là Truyên Mình kể lại Đời Minh. Thế thì nó thuộc dạng Hồi Ký rồi, còn gì!
Tôi đọc đã nhiều cuốn Hồi Ký. Từ cuốn Một Cơn Gió Bụi của Trần Trọng Kim đến Con Rồng An Nam của Bảo Đại, từ cuốn Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi của Đỗ Mậu, đến Đời Tranh Đấu Của Hồ Chủ Tịch của Trần Dân Tiên – một bút hiệu của Hồ Chí Minh - đến các cuốn hồi ký của Trần Văn Đốn, Phạm Duy, Nguyễn Chánh Thi, Nguyễn Cao Kỳ, Huỳnh Văn Lang, Võ Long Triều…Ấn tượng trong tôi mãi mãi còn là Một Cơn Gió Bụi của Trần Trọng Kim, Con Rồng An Nam của Bảo Đại và bây giờ là cuốn Kiếp Lục Bình của Hoa Hướng Dương. Tại sao gọi là ấn tượng? Xin thưa vì các cuốn này “đậm” chất thật thà, đậm cái thật tình, thật lòng. Còn những cuốn kia không “ấn tượng” là vì chúng…xạo nhiều quá, tác giả tự nói tốt cho mình, tự coi mình như cái ghế mục phải tự mình còng lưng đánh vẹc ni cho bóng, nghĩ sai câu nói Tốt Gỗ Hơn Tốt Nước Sơn, đọc trại ra thành Tốt Sơn Che Cái Xấu Gỗ!
Ở đây mình không bàn “tào lao” chỉ nên nói về cuốn Kiếp Lục Bình thôi. Tôi xin lỗi bạn đọc tôi có thói xấu cà kê, biết được thì chỉ biết xin lỗi!
Kiếp Lục Bình, đúng là sách Tự Truyên. Hoa Hướng Dương nói về bà, về thân phận và cuộc đời của bà: một cô giáo trước năm 1975 dạy tại đảo Phú Quốc, lấy chồng Hải Quân, theo chồng chạy giặc ngay ngày mất trọn miền Nam Việt Nam. Bà có duyên hơn triệu triệu người nhưng cũng không vô duyên chút nào khi bà thấm thía cái khổ, cái tủi, cái buồn của người vong quốc với hai bàn tay trắng, với tấm lòng ảm đạm. Nỗi đời, nỗi lòng của bà chỉ có hơn hai triệu người sống tha hương là thấu đáo nhất, có cả triệu người chết chìm dưới biển, góc núi, xó rừng thì phiêu giạt biết đâu mà thông cảm! Thà còn một người hiểu mình thì đời vẫn còn tri âm, nghí thế không sướng sao! Hoa Hướng Dương có hơn một người hiểu bà là chồng con bà, là bạn hàng xóm của bà…và mấy năm nay có rất đông độc giả…Tôi xin đứng khép nép làm độc giả của bà nhưng lòng tôi kính trọng bà, ngưỡng phục bà, nhất định là không thể khiêm tốn được: Hoa Hướng Dương là Đóa Hoa Mặt Trời!
Tôi chợt nhớ mấy câu thơ của Nguyễn Bính, xin chép lại đây để tán thán bà:
Lòng anh như Hoa Hướng Dương
Trăm nghìn đỗ lại Một Phương Mặt Trời
Lòng em như chiếc bè trôi
Chỉ về Một Bến, chỉ xuôi Một Dòng.
Tôi tin chắc bà Nguyễn Ngọc Minh (bút hiệu Hoa HướngDương) có tấm lòng thủy chung với Tổ Quốc, với Ông Bà Cha Mẹ, với chồng con.. Đối với ai tôi không biết, riêng đối với tôi, tôi không úp mở: Tôi Kính Phục Bà! Đọc sách của bà tôi thấy tấm lòng “trước sau như một” của bà, của một người Trung Hậu. Bà không “diêm dúa” trong lời văn, bà dịu dàng trong ứng xử…kể cả với ma (hiện tượng ma bà kể trong sách). Vì (hay nhờ?) bệnh mà bà gặp những người “kỳ ơi là kỳ” như thầy Bảo Truyền, như thầy Lương Minh Đáng. Bà gọi họ bằng Ngài, bà trao tiền cho họ…và bà bị họ lường gạt một cách…ngon ơ! Bà câm, may mà chưa câm thiệt nhưng sau đó bà mù mắt thiệt! Đúng là cá ăn kiến, kiến ăn cá. Những kẻ vô công rỗi nghề lại giỏi trò bá đạo, luật pháp của nước Mỹ còn bó tay huống gì “quý Đồng Hương” của họ! Tôi nhớ ngay trường hợp nữ ca sĩ Mỹ Lan, thứ thất của nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh, bị một vị “giáo sư” (cũng lại là Thầy”) gạt lấy một trăm ngàn đô la . Lấy giữa ban ngày, ban mặt. Khi Mỹ Lan biết mình bị lừa thì…ông Thầy ngồi sờ sờ đó không ai kiện thưa ổng được, chỉ vì Mỹ Lan Không Có Tiền Mướn Luật Sư! Ông “giáo sư” đã dõng dạc trả lời báo chí: “Tôi có bị ai thưa kiện gì đâu!”. Quả thật vậy, ai thưa gửi ông trong hoàn cảnh họ chẳng-có-gì ngoài hai hàng nước mắt! Cô Mỹ Lan đã nói cho báo chí biết, đã lên đài truyền hình trình bày, người ta vẫn gặp ông “giáo sư” đó trong sinh hoạt cộng đồng, trong chính phủ Việt Nam Tự Do của ông Nguyễn Hữu Chánh, ông “giáo sư” vẫn phốp pháp, vẫn vô tư, vẫn yêu đời…Hoa Hướng Dương chỉ là một “phần tử” trong biết bao “phần tử” lâm cảnh Tiền Mất Tật Mang, ngậm miệng là phải thôi…vì tiền mồ hôi nước mắt kiếm được, dành dụm đươc có là bao. Người Việt Nam theo nhiều Đạo, theo cả cái Đạo “Của Đi Thay Người!”.
Đọc Kiếp Lục Bình thấy bao nhiêu cảnh ngộ của đời tị nạn. Hoa Hướng Dương dù sao cũng bám được chồng nguyên xi Sĩ Quan Hải Quân chạy tới bến an toàn, biết bao nhiêu người bị đứt xích xà lan trôi mất tiêu, biết bao nhiêu người bị hải tặc làm nhục và thảm sát, biết bao nhiêu người bỏ thây trên rừng Trường Sơn, biết bao nhiêu người bão xô sóng cuốn…Những gì Hoa Hướng Dương kể lại chỉ trong phạm vi thân phận riêng của bà, của gia đình bà, của một số ít bạn đồng thuyền của bà…là những gì rất hạn chế, nước biển không rữa sạch nỗi buồn Việt Nam, trúc rừng cán thành bột làm giấy viết không hết nỗi thảm sầu của con Hồng cháu Lạc! Bà tự ví mình như lục binh trôi. Lục bình trôi vẫn nở hoa. Ôi hoa đó không ai chưng bày ở tiệm bán hoa để điểm tô bất cứ lễ lạc nào…
Hoa Hướng Dương không bất lực trước mọi hoàn cảnh. Còn nước còn tát. Chuyện bà sử dụng computer, cố gắng đọc chữ theo cách của người mù, bà giỏi lắm, giỏi lắm! Chỉ tội cho chồng con bà, chiều vợ, chiều Mẹ, nếu có đôi hồi rên thì chỉ rên nhè nhẹ; sợ họ không bền tâm bền chí theo đuổi “nguyện vọng” tha thiết cuối đời của bà…vì nước Mỹ không có quá khứ, nước Mỹ chỉ hướng tới tương lai. Nước Mỹ từng là đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa, chuyện đó chưa cũ rích nhưng không là chuyện mới! Chính phủ Mỹ giúp đỡ người Việt tị nạn chẳng qua là “kế sách” chung của quốc gia Mỹ đối với mọi chủng loại tị nạn trên toàn cầu. Ta biết thân, ta biết phận, ta sống còn…Thân! Phận! Trời ơi, ai chẳng có. Hiểu thân, hiểu phận thì không giống nhau. Đó, các ông Bảo Truyền, Lương Minh Đáng…và người Anh-Kết-Nghĩa của vợ chồng ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh! Họ bây giờ là giai cấp nào, chúng ta thấy rõ. Họ không thấy ta buồn, ta khổ. Ai có đi vượt biên đều được nhắc nhỡ câu: “Hồn ai nấy giữ”. Ai giữ được hồn mình? Bao nhiêu lời kêu gọi Đoàn Kết, ba mươi lăm năm rồi chỉ thấy kết quả là…Đếch Còn. May mà có Hoa Hướng Dương, có một số nhà văn nhà thơ còn để trong tác phẩm mình ít nhiều bằng chứng một khúc quanh lịch sử, một thưở nhân tình thế thái!
Hoa Hướng Dương không là “cây bút chuyên nghiệp” mà bà viết hay, đọc bà không biết chán, thương bà không giới hạn. Bà là người thứ nhất trên nước Mỹ bị bệnh mù mắt lạ lùng, trước bà có hai người, họ không là Mỹ. Coi như Trời kêu ai nấy dạ. Chia sẻ cùng bà không gì hay hơn tìm đọc sách của bà cũng là cách soi rọi bản thân mình vậy!
*
Trước khi khép lại bài này, tôi còn ba điều tự thấy cần viết thêm: Một là chép lại bài thơ nhà thơ Hà Thượng Nhân tặng Hoa Hướng Dương trong buổi Ra Mắt Sách Qua Biển & Gọi Hồn Dân Tộc, Hai là Tiểu Sử của tác giả Hoa Hướng Dương chắc chắn là đúng nhất vì chính tác giả viết và in theo sách, ba là nhờ Hoa Hướng Dương nhắn thăm em tôi, đồng nghiệp dạy học tại Rạch Giá hồi xưa…
Đây, bài thơ Hà Thượng Nhân tặng Hoa Hướng Dương khi ra mắt cuốn Một Đời Người Một Quyển Sách (tức Qua Biển & Gọi Hồn Dân Tộc):
HỒN DÂN TỘC
Tuy khiếm thị vẫn kiên trì viết sách
Yêu văn chương đến thế thật phi thường!
Tôi đến đây không chỉ bởi Tình Thương
Mà thật quả vì Vô Cùng Kính Phục.
Đủ tai mắt làm sao không biết nhục
Cư rong chơi lần lữa sống qua ngày
Dù trăm năm chưa nếm vị chua cay
Chưa hề biết thế nào là cao cả.
Hoa Hướng Dương mấy năm trường vất vả
Để hôm nay Qua Biển được Ra Đời
Chị làm Thơ không chỉ để mà chơi
Nhưng chính để Gọi Về Hồn Dân Tộc!
Tôi đọc Chị mà thật tình muốn khóc
Mong mọi người yêu quý bậc Anh Thư
Nửa đời người qua mấy cuộc di cư
Ta vẫn có những Con Người Kiệt Xuất.
Nước còn họ, nước không bao giờ mất
Cộng Sản kia còn sống được bao lâu?
Khi chúng ta cứ vẫn ngẩng cao đầu
Khi chúng ta có những anh hùng Lý Tống…
Những cô gái đứng lên đòi quyền Sống
Nước chúng ta có hàng chục Kinh Kha
Làm sao thua lũ quỷ quyệt điêu ngoa?
Việt Nam đó! Non Sông còn, vẫn đó!
Tôi nghe dường mơ hồ trong tiếng gió
Cờ Tự Do bay rợp Bắc Nam Trung
Ánh Tự Do đang tỏa sáng hào quang
Tình Sông Núi chan hòa Tình Dân Tộc!
HÀ THƯỢNG NHÂN
San José, 18-4-2007
Đây, Tiểu Sử của tác giả Hoa Hướng Dương:
Tên thật: Nguyễn Ngọc Minh
Bút hiệu: Hoa Hướng Dương
Nơi sinh: Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, VN
Nghề nghiệp: Cựu Giáo Chức
Định cư: Hoa Kỳ: 1975
Sinh hoạt văn học trước năm 1975: Thơ và Tùy Bút đăng trên Tuần Báo Văn Nghệ Tiền Phong và Phụ Nữ Mới.
Và, đây, những lời tôi nói riêng với Hoa Hướng Dương: Thưa Chị, Chị là cô giáo Nguyễn Ngọc Minh, tùng sự tại Ty Văn Hóa Giáo Duc & Thanh Niên Kiên Giang trước 30-4-1975, chắc Chị có biết cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Mai? Mai là em cô cậu của tôi, nó ra trường năm 1961, bổ về dạy tại Kiên Giang dù gia đình ở tận Nha Trang, Khánh Hòa. Tôi cũng ra trường Sư Phạm Quốc Gia năm đó nhưng được về dạy tại Đà Lạt. Anh em chúng tôi ít liên lạc nhau, vài lần thôi, biết được bình yên là mừng. Tôi nhập ngũ năm 1966, anh em đứt liên lạc nhau luôn vì nó không có địa chỉ lính của tôi, tôi thì lười thư từ thăm hỏi . Sau 30-4-1975, tôi đi Cải Tạo, Má tôi cho biết Con Năm Em Mày Nó Đi Tu Rồi. Tôi không có liên lạc gì thêm với gia đình Mợ Tư tôi ở Nha Trang…vì toàn chuyện buồn: thằng Hai, đai đen nhu đạo, cận vệ cho Tướng Lê Văn Hưng hi sinh tại An Lộc, con Ba, chồng là Đại Úy hi sinh ở Ban Mê Thuột, thằng Ngôn đi Thủ Đức trước tôi hai khóa không lập gia đình, sống bất cần đời chỉ lo nghiên cứu về Công Binh Tạo Tác, chế độ mới dùng nó mà không bắt đi Cải Tạo…Con Năm, em tôi đi tu thật à? Mười lăm năm nó dạy học cũng bằng thời gian tôi ăn lương Thầy Giáo, chấm hết? Chị Minh ơi, Chị có thư từ về Rạch Giá, có nhớ gì Ngọc Mai, xin Chị nhắn giùm: anh em mình ở xa, tôi mong nó đi tu đạt thành sở nguyện.
*
Có chừng đó, tôi xin kết thúc bài này. Nhìn lên trời xanh, mây trôi. Nhìn dòng sông ở Mỹ, sạch quá, không có giề lục bình nào nổi. Tôi nhớ sông Tiền chi lạ, Vàm Cống, Vàm Bình Đức, Bến Đò Thới Sơn…những nơi tôi từng vốc nước rữa mặt mà lạ ghê nơi, hai con mắt cứ còn ướt tới bây giờ.
Viết về Hoa Hướng Dương, ấm áp làm sao: Trong lòng tôi Hoa Bình Minh Đang Nở!
TRẦN TRUNG THUẦN