Dịch lại bài Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế.
Bài “Phong Kiều dạ bạc” ( Đêm đỗ thuyền ở bến Phong Kiều) xưa nay các cụ đều cho là một tuyệt tác. Nó tả ngoại cảnh, không gian bến nước và thời gian là lúc nửa đêm để tả nỗi cô đơn, nhớ nhà trằn trọc không ngủ được của một khách xa nhà.
Hai câu đầu bài thơ gồm 6 câu ngắn ( đề thuyết -chủ vị) : trăng lặn, quạ kêu, sương rơi đầy trời, cây phong bến nước, lửa chài ,đập vào mắt giấc ngủ buồn nhớ nhà...thật là súc tích và toàn bích. Nhưng đến hai câu sau, để bổ ngữ cho tiếng chuông nửa đêm vọng vào thuyền, tác giả đã dung tới 6 trạng ngữ chỉ địa điểm là Cô tô thành ngoại Hàn sơn tự thì xét ra bến Phong Kiều ai chả biết là nó ở gần chùa Hàn sơn ngoại thành bến Cô Tô? Vì thế cho nên bài thơ 28 chữ đã thừa mất 4 chữ. Vả lại, người ta cũng chưa hề nghe tiếng quạ kêu đêm như tiếng vạc bao giờ, trừ phi người khách đó ngủ dưới cây phong có tổ quạ và khua động nó.
Đến bản dịch KD ( có người cho là của Tản Đà) thì câu đầu không còn ba đoan ngắn nữa và không ổn nhất là câu cuối : người khách trong thuyền nghe thấy, chứ không phải là tiếng chuông chùa vọng tới tai trêu tức khiến mình mãi không ngủ được.
Vì thế tôi xin mạo muội như một thằng ngông, dịch lại bài dịch KD nổi tiếng xưa nay này.
Nguyên văn chữ Hán như sau:
枫桥夜泊
张继
月落乌啼霜满天,
江枫渔火对愁眠。
姑苏城外寒山寺,
夜半钟声到客船.
Phiên âm
Phong kiều dạ bạc
Trương Kế
Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,
Giang phong, ngư hỏa, đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Dịch thơ :
Trăng tà chiếc quạ kêu sương,
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiêng chuông chùa Hàn Sơn.
KD
Quạ kêu, trăng lặn, sương đêm,
Cây phong bến nước lại thêm lửa chài.
Chùa Hàn chuông đánh dẳng dai,
Vọng qua thuyền khách đêm dài tha hương!
Đỗ Anh Thơ ( dịch)(*)
(*) Tên thật là Nguyễn Đức Thành – nghiên cứu Hán học