Nov 21, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Cho và nhận(tiểu luận)
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 10:29:32 AM, Jun 20, 2010 * Số lần xem: 2121
Hình ảnh
#1

     

 
Năm 1958 tôi may mắn được trúng tuyển vào kỳ tuyển thi sinh viên khóa đầu tiên trường Đại Học Sư Phạm ban thường xuyên ba năm, môn Triết tại trường đại học Đà Lạt, xin nói lại, không phải trường đại học Sài Gòn mà là đại học Đà Lạt. Nguyên nhân như thế này.
              Tôi thi vào trường đại học Sư Phạm Sài Gòn và chỉ biết Sài Gòn, không quan tâm chú ý tới một trường đại học nào khác như Đại Học Huế, Đại Học Đà Lạt. Vào những năm 1954 về sau, hoàn cảnh gia đình còn eo hẹp bẩn chật, tuy đã hoàn tất ban Tú Tài phần Hai, tôi vẫn nghĩ cách tốt nhất là làm nghề gõ đầu trẻ. Tôi vẫn nuôi mộng trở thành người thầy thuốc chữa bệnh nếu không may không được làm nghề thầy giáo. Có duyên, tôi sẽ làm thầy giáo, nếu vô duyên, tôi sẽ chọn một con đường khác, và nếu vô duyên hơn nữa, tôi sẽ vô quân trường hoặc Thủ Đức, hoặc quân trường Đồng Đế. Các giáo sư thỉnh giảng năm thứ nhất ở các lớp đại học gồm các giáo sư linh mục, trước tiên có linh mục dòng Tên Gaultier, dáng người gầy ốm nhỏ thó đầu hói lúc nào cũng mang đôi mục kỉnh dày cộm tựa đáy ve chai xá xị; linh mục phụ trách bộ môn Lịch sử Triết học Tây phương. Tiếp theo là linh mục dòng Dominicain tức dòng Đa Minh Cras. Linh mục Cras còn có một tên Việt Nam nữa là linh mục Đỗ Minh Vọng, nói tiếng Việt thông thạo hơn cả dân An Nam Đại Cồ Việt. Linh mục Cras phụ trách triết học Đông phương chủ yếu là bộ Đại Học Grande Étude của Khổng Tử. Ngoài ra linh mục Cras còn phụ trách những bài textes philosophiques mà chủ yếu là Alain và Henri Bergson trong đó có những tác phẩm trích giảng như Matière et Mémoire, Énergie spirituelle, Les Deux sources de la Morale et de la Religion; nom linh mục Cras dáng người quắc thước khỏe mạnh như một triết gia, tính tình hòa nhã dễ chịu. Nói với các sinh viên trong khu đại học, linh mục Cras có ý định dịch ra tiếng Pháp tác phẩm đầu tay của nhà văn Trần Khánh Giư bút hiệu Khái Hưng Hồn Bướm Mơ Tiên. Đáng tiếc, Hồn Bướm Mơ Tiên không thể trở thành hiện thực được. Nguyên nhân vì duyên cớ gì, không rõ.
             Ngoài những giáo sư thỉnh giảng ở trường đại học Sài Gòn, còn có một giáo sư tương đối “ khác thường“  là giáo sư Michel Piclin. Ông phụ trách khá nhiều bộ môn là Tâm lý học, Luận Lý học và đặc biệt Siêu Hình học. Ông đào sâu triết học Descartes, nghiên cứu, phê bình những luận chứng sự hiện hữu Thượng đế. Trong thời gian phụ trách môn Tâm Lý học, Piclin chỉ độc diễn một bài học duy nhất: la personnalité et la caractérologie, nhân cách và tính tình học. Phải nhìn nhận là Piclin có biệt tài về phương pháp giảng bài. Lâu lâu nổi hứng, Piclin đưa cánh tay trái lên kéo đàn vĩ cầm, âm thanh cũng du dương réo rắt không thua gì âm thanh của vĩ cầm thật; từ lâu, Piclin là danh ca nổi tiếng, danh ca giọng trầm. Piclin thường kể lại mối quan hệ giao du với bạn đồng môn là Trần Đức Thảo, cùng học trường Đại Học Sư Phạm École Normale Supérieure đại học Sorbonne Pháp quốc. Piclin đã có lần tranh luận khá sôi nổi về triết thuyết duy vật biện chứng le matérialisme dialectique với Trần Đức Thảo. Sau khi tốt nghiệp, Thảo về nước, viết một triết thuyết biện chứng duy vật được xuất bản tại Việt Nam, không ngờ nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngay lập tức bị trù giập thừa sống thiếu chết. Cũng sau đó không lâu Lyotard có viết một triết luận bàn về Hiện Tượng học, le phénomé nologie trong đó Lyotard có nói về Trần Đức Thảo, nội dung và từ chuyên môn không kém súc tích rắc rối khó hiểu.
 Những nhà trí thức học nhiều biết rộng nên tâm tính khá bất thường, thiên hạ thường kháo với nhau họ lập dị gàn bướng. Michel Piclin gần như thuộc “típ” đó. Y phục nhầu nát cẩu thả, quần dài scherkin trắng cháo lòng, áo veston không rõ thuộc màu gì không bao giờ thắt cà vạt, đầu tóc bù xù xoắn tít. Một bận, trong lúc giáo sư Tâm lý học đang say sưa giảng bài, người thư ký văn phòng nhà trường vô lớp mời giáo sư lãnh lương tháng. Piclin ký nhận, nhét tiền lương vô túi quần tây, tiếp tục thao thao bất tuyệt. Sau giờ nghỉ, sinh viên nam nữ lũ lượt kéo nhau ra về, Piclin cũng ra về. Tới một gốc thông, Piclin ngồi phịch xuống đất, tựa lưng vô gốc thông, thong thả rút phong bì thư tiền ra...đếm, “đồng tiền liền khúc ruột.”. Rất may, cuối năm học nhà trường khỏi phải thi lên lớp các bộ môn như môn Sư Phạm do giáo sư Lê Đình Tuế, môn Anh văn do Mme Lê Đình Tuế, tâm lý học Michel Piclin, môn Triết Học Đông phương linh mục Cras và nhất là bộ môn Tâm Lý học được phụ trách do linh mục giáo sư Bửu Dưỡng. Nói nào ngay, trước khi theo học trường đại học sư phạm Đà Lạt vì di dời địa điểm trường ốc và nhất là vì dư luận muốn biết thanh thế đại học mới được xây dựng như thế nào, tăm tiếng ra làm sao( nên nhớ: viện đại học Đà Lạt sở dĩ được thành hình có bề thế là do chính phủ Canada tức chính phủ Gia nã Đại viện trợ). Từ đại học sư phạm Sài Gòn, lớp sinh viên chúng tôi đành phải di dờI lên tận khu cao nguyên Lâm Đồng, trước đó đã có sẵn ba linh mục phụ trách là linh mục Gaultier, linh mục Cras và linh mục Bửu Dưỡng.
            Linh mục Bửu Dưỡng tu theo dòng Đa Minh áo trắng, dáng người lùn thấp, tướng đi hơi khập khểnh. Trước, linh mục tu theo Phật giáo, sau, bỏ đạo tu theo Công giáo, được du học sang Pháp, học tại thành phố Bordeaux, đậu tiến sĩ Triết tại đó, về nước linh mục định cư tại Đà Lạt, khu định cư là khu người Bắc di cư năm 1954, lập nghiệp tại khu trại Du Sinh, đa số là giáo dân Công giáo đạo nòi.
            Bộ môn chính là môn tâm lý học, linh mục không hề giảng, chẳng hề nói đối tượng phương pháp Tâm Lý học ngôi thứ nhất, đối tượng phương pháp ngôi Tâm Lý học ngôi ba, đối tượng phương pháp Tâm Lý học ngôi hai. Suốt ba tháng trường, ông chỉ say sưa mê mẩn nói về Xu hướng. Linh mục không muốn nói “inclinations” mà chỉ nói “tendances”. “ Inclinations”chỉ về “ khuynh hướng”, trong khi “khuynh hướng” là những xung lực có ý thức, tương đương với danh từ “ penchants” trong khi linh mục bảo “tendances” là những xung lực có tính cách hoàn toàn vô thức. Thí dụ: xu hướng bảo tồn kiên trì, tức xu hướng bảo tồn sự sống lúc nào cũng hiện hữu nhưng tiềm tảng trong vô thức không được nhận biết, chỉ được ý thức được nhận biết khi nào dạ dày kêu sôi sục ồn ào, khi một người cương quyết tuyệt cốc, nhất định nhịn ăn nhịn uống để phản đối ngược đãi chế độ ăn uống tồi tệ trong trại giam trong nhà tù: tuyệt thực. Thí dụ: xu hướng dục tính, xu hướng nghiêng về tính dục, nghiêng về giớI tính, nghiêng về âm dương nam nữ trai gái. Bình thường, xu hướng này có tính bẩm sinh, chưa có, không có lúc chưa phát triển dậy thì, tuy hiện hữu nhưng tiềm tang trong vô thức, chỉ khi nào “ con lợn lòng” thức dậy và đòi hỏi phải thực hiện thỏa mãn. Con chó đực chỉ động cỡn vào mùa hè tháng bảy; con chó cái không thiết tha ham muốn đòi hỏi giao cấu khi đã bụng mang dạ chửa. Thị Nở cũng biết khứng chịu kéo Chí Phèo vào lòng lúc gã tri hô ầm ĩ làng xóm “Bớ làng nước! Bớ làng nước!” Thị Mịch, một gái quê thực thà chất phác, hơi đần độn ngớ ngẩn lúc bị con quỷ xâu xanh Nghị Hách cưỡng hiếp, biết lần đầu tiên khoái lạc nhục dục. Lúc hồi tưởng khoái lạc nhục dục ấy, người đàn bà có chửa bởi Nghị Hách, thị thầm nghĩ: cũng không đến nỗi! Nàng Ma Đăng Già, một dâm nữ trong kinh Thủ Lăng Nghiêm dùng dâm thuật dụ dỗ ông A Nan vào buồng riêng của nàng, chút nữa ông A Nan bị phạm giới( lẽ dĩ nhiên ông A Nan biết rõ xu hướng dục tính rồi). Những người tu hành, hoặc theo Phật giáo, hoặc theo Công giáo đều biết sức cám dỗ dục tình đã ngủ say, nhưng một khi dục tình đã thức tỉnh thì khó mà kềm chế được. Theo tình dục học sexology và theo nhà khai sáng phân tâm học Sigmund Freud, xu hướng dục tính ấy được gọi là libido.
             Khi bàn về yêu và về ghét, linh mục Bửu Dưỡng đã phát biểu hai câu mới nghe có vẻ lạ lùng, tối tăm, khó hiểu: “ Khi anh yêu tôi, anh nghĩ đến anh. Khi tôi ghét tôi, tôi nghĩ đến tôi.” Mặc dù linh mục Dưỡng đã nhấn mạnh ý nghĩa và bản chất của hai câu nhận định, tôi vẫn chỉ hiểu một cách lờ mờ khiến về sau, khi viết bài ôn tập Tâm lý học, tôi vẫn không dám quyết định làm bài ôn tập ấy: khi anh yêu tôi, anh nghĩ đến anh; khi anh ghét tôi, anh nghĩ đến tôi. Về sau lúc tôi đi dạy tốt nghiệp tại trường trung học V. T. tôi thực sự hiểu ý nghĩa của hai câu nhận định trên trong một quyển sách tiếng Pháp mà tôi đã mua.
             “ Khi anh yêu tôi, anh nghĩ đến anh”. “ Anh yêu em.” Lời nói thú nhận một tâm tình ấy là một phản ứng hết sức tự nhiên, một bột phát, một lời gởi gấm, một giao phó, một hiến dâng, đối với người nữ là một trao thân một gởi phận mười hai bến nước trong nhờ đục chịu. Trong tập truyện của nhà văn Nhất Linh “ Hai Buổi Chiều Vàng”, nhân vật Triết đã tha thiết yêu Thoa, một gái có chồng nhưng rất yêu chồng. Tình yêu tuyệt vọng của Triết là một sự dâng hiến, một sự giúp đỡ hoàn toàn vô vị lợi, nào Triết đã kín đáo giúp mẹ ruột Triết cho đất cho ruộng cày cấy, nào mẹ Triết bảo Triết dặn dò Triết phải mua cho được chiếc áo cưới màu áo mỡ gà mừng ngày Thoa đi lấy chồng( oái oăm mỉa mai chua chát!), nào bản thân Triết lo ngày lo đêm xin được ân xá khỏi vòng tù tội những hai mươi lăm năm chồng của Thoa, người bạn gái đã từng tha thiết yêu những ngày còn nhỏ. Trong khi đó, trong khi Triết yêu Thoa là chỉ nghĩ đến Thoa. Khi Triết yêu Thoa, Triết nghĩ đến Thoa.
          Khi đã cố sức vận động xin xỏ người chồng của Thoa được xin ân xá tại Pháp, được ít lâu chồng Thoa được ...” đặc xá” quán ở Vĩnh Yên, chỉ ngày mai, người tù được đặc xá về song lại cùng người vợ bấy lâu xa cách, Triết thấy buồn bã lạ thường. Khi yêu, Triết chỉ nghĩ đến Thoa một cách tự phát, giờ đây, Triết lại nghĩ đến chính bản thân như một phản tỉnh, một hồi cố.
         Triết gia Jean Lacroix, triết gia chịu ảnh hưởng nặng nề học thuyết nhân vị, le personnalisme như Emmanuel Mounier có sáng tác một tác phẩm đượm màu nhân vị, Tình Cảm và đời sống đạo đức, Les sentiments et la vie morale. Trong Tình Cảm và đời sống đạo dức ấy, có những đề mục như “ Bản năng và Chúng ta”, “ Ân Hận và Hối Hận “, “ Tôn kính và Bất kính”, “ Thời Gian và Vĩnh cửu”, “ Nghĩa Tình Yêu “. Đề mục chúng ta muốn đề cập đến là “ Nghĩa Tình Yêu”: tình yêu sở hữu, tình yêu chiếm đoạt và tình yêu dâng hiến. Tình yêu dâng hiến hoàn toàn có tính cách vô vụ lợi, cao thượng. Chủ thể một khi đã yêu chỉ biết cho, không cầu mong được hưởng lợi phúc, không cầu mong được nhận. Đây là trường hợp, là hoàn cảnh, là tình huống của Triết, chỉ cho, chỉ giúp đỡ mà không mảy may cầu mong nhận. Chính vì thế, trong tình yêu dâng hiến luôn luôn bao hàm đau khổ, luôn luôn bao hàm chấp nhận một hi sinh, một thiệt thòi, một mất mát, một cái chết hiểu theo một ý nghĩa nào đó. “ Yêu là chết ở trong lòng một ít”(aimer, c’est mourir un peu). Nhưng tình yêu dâng hiến đó sẽ được “lý tưởng hóa”, sẽ được thăng hoa vượt lên trên những ý tưởng ít nhiều vật chất ít nhiều tầm thường để rồi sống mãi, tồn tại với tình yêu cao thượng hồn nhiên trong sáng tựa ánh trăng rằm không một bợn nhơ. Tình yêu không chết. Tình yêu sống mãi trong ít nhiều đau đớn. “ Yêu là chết nhiều lần để tái sinh.” Aimer, c’est mourir plusieurs fois pour renaitre”.
       Một kỷ niệm thiết thân của bản thân tôi từ thuở thanh niên về ý nghĩa triết lý của danh từ cho và danh từ nhận. Vào lúc theo học năm thứ nhất trường đại học sư phạm Đà Lạt, tôi đã quen một người bạn gái, kém hơn tôi bốn tuổi, nàng tên là Sunflower. Thường thư từ qua lại, viết thư bằng giấy trắng pelure, đứng đắn, không màu mè hoa hòe hoa sói, không văn hoa tán tỉnh. Mỗi lúc nghỉ lễ đạo Công giáo, về Sài Gòn tôi thường xuyên lân la đến địa chỉ Bùi Viện chơi, chuyện trời mưa chuyện trời nắng, chuyện lớp đệ nhị rồi lớp đệ nhứt trường trung học tư thục Hưng Đạo rồi trường nữ Trung Học Gia Long. Nữ Trung Học Gia Long, tôi nghĩ một chuyện lạ. Gia Long là một ông vua, đàn ông đực rựa 100%, trong khi Trung Học Gia Long là một trường nữ; Nữ Trung học Đồng Khánh là một trường ban giám hiệu và học trò toàn là đàn bà con gái thì Đồng Khánh lại là một vị vua đực rựa đàn ông. Thế còn trường Trung học Lê văn Duyệt là trường nam con trai hay trường nữ con gái?
              Đáp: trường nữ, riêng đức Tả Quân Lê văn Duyệt thuộc lại cái, ái nam ái nữ. Vì đực rựa đức ông không có con nên Lê văn Khôi là con nuôi của ông.
              Vào dịp lễ Phục Sinh, tôi về Sài Gòn thăm Sunflower, mang theo một gian nhà sàn nhỏ gốc gác Thượng, mục đích làm quà người bạn gái. Tôi xin nói thêm, gian nhà sàn ấy không phải là món đồ cho. Cho là cho ai, cho con vật, cho con chó nhai mẩu xương, cho con mèo ăn vụng, cho kẻ nghèo khổ. Cho chó nó ăn. Cho kẻ ăn xin một đồng bạc.
                       Nhưng cho không phải biếu, khác biếu. Biếu đồng nghĩa với cho, nhưng cho một cách cung kính. Không người con đứa cháu nào đem cho ông nội bà ngoại một bát phở, một đĩa gà luộc, chúng nó chỉ biếu ông bà nội, ông bà ngoại những thức ăn đó. Quà biếu chỉ được sử dụng một thời gian ngắn, nếu để lâu, thức ăn sẽ hư, thiu, thối, cơm thiu, thịt thiu, mắm thối. Tặng khi cho ai một người nào thân tình như ruột thịt như những bậc mẹ cha, anh chị, chồng vợ, tình nhân, người bạn chí thiết: một quyển sách, một tấm ảnh, một chiếc đồng hồ đeo tay mừng lễ sinh nhật, một tấm áo dài nhung lam. Tôi nghĩ, lúc trao Sunflower cỗ nhà sàn tí hon từ Đà Lạt về Sài Gòn, tôi đã tặng người bạn gái làm quà, dĩ nhiên không phải cho, cũng chẳng phải biếu.
                  Sunflower không nói một lời, một câu cám ơn tôi, nhưng về sau, người bạn đã gián tiếp trả ơn bằng cách khác. Trước tiên, nàng biếu tôi một túi quà được gói bằng giấy xi măng trên đường từ Sài Gòn về Nha Trang bằng xe lửa. Túi quà nàng biếu cho tôi những gì?
                       - Một túi nhãn chín.                                                             
               Tại Nha Trang, tôi được bổ nhiệm giáo sư trung học tại trung học Võ Tánh. Những lúc gần đây, mối quan hệ giữa chúng tôi trở nên thân mật hơn, đậm đà hơn. Thư từ giữa chúng tôi trở nên thường xuyên hơn. Sunflower gởi tặng tôi một mớ tác phẩm của nhà văn Albert Camus, thật tình tôi chỉ đọc phớt qua không thể đọc hết xem kỹ đánh giá: La Peste, Les Noces, l’Étranger,l’Envers et l’Endroit, l’Exil et Le Royaume. Bên trong mỗi tác phẩm, Sunflower có viết họ và tên của tôi, đủ biết người bạn gái đã tỏ ra quan tâm ưu ái đối với tôi như thế nào. Kể ra cũng khá lạ lùng, tôi đã không chịu nói một lời cám ơn đối với người bạn gái. Vẫn nhớ như in, ngày tôi xúng xính bận áo thụng xanh làm chú rể, loay hoay rót ly rượu trắng mời bà nhạc mẫu, bà nâng ly rượu nốc cạn, nói một câu cùng chú rể:
-           Má cho con con gái của má đó.
     Tôi chỉ lặng thinh không thốt một lời cám ơn cùng bà nhạc mẫu. Thực quái đản!
         Một khi đã cho ai, người nào, bình thường người đó phải nhận. Đứa con xin tiền đóng học phí hàng tháng, bà mẹ cho đứa con, đứa con mau mắn nhận. Tôi tặng Sunflower một cỗ nhà sàn làm kỷ niệm, ngườI bạn gái nhận. Một vị khất sĩ sắp tới giờ ngọ, chậm rãi bước ra đường, lặng yên đứng đợi khách thập phương “ bố thí “ một hình thức “cho” bữa cơm trưa, vị khất sĩ đó đã khất thực: xin ăn bữa trưa. Một khi khách thập phương đã “ cho” xong những thức ăn, vị khất sĩ chỉ lặng thinh, không nói một lời cám ơn khách thập phương đó, nhưng vị khất sĩ thừa hiểu rằng một khi khách thập phương đã “cho”, đã “bố thí”một bữa cơm trưa, tức là đã ban cho một phước đức, một hạnh nguyện cho kẻ tu hành, cũng như người phóng sinh tha cho mạng sống chim chóc, rùa, cá, vào lễ Vu Lan tức là đã ban cho một phúc đức, một hạnh nguyện lớn lao.
      Xin nhắc lại, quà biếu và quà tặng là những biếu vật và tặng vật có những ít nhiều khác biệt. Quà biếu chỉ cho người được hưởng thụ, cộng them lòng tôn kính người được hưởng thụ: một con gà quay, một cái thủ lợn thân hành mang tới tận nhà. Ngày xưa, lúc người còn sinh tiền, thân phụ tôi đã lãnh chức đại bái chánh tế tại đình làng tôi vào dịp tế kỳ yên hằng năm, xuân thu nhị kỳ, dâng đại lễ các vị thành hoàng. Buổi lễ hoàn mãn, thân phụ về nhà nghỉ ngơi, thân hào kỳ mục có bổn phận trả lễ, ngỏ ý biết ơn nghiêm đường đã thân hành cúng tế cầu an các vị thành hoàng. Hội tề sai người đàn ông y phục áo dài đen quần trắng thân hành đội trên đầu một mâm xôi nếp trắng và một người đàn ông khác đội cái thủ lợn gọi là “kỉnh “ và “kỉnh”đây là “ kính biếu” những vị chức sắc trong làng trong xã.
               “ Em cứ yêu đi, thực thủy chung.
                  Yêu đi rồi chị tặng khăn hồng.
                  Bao giờ vui nhỉ về ăn cưới,
                  Chắc chả như khi chị lấy chồng!”
                         ( Lỡ Bước Sang Ngang- Nguyễn Bính)
 
Thử thay thế một chữ tặng bằng một chữ biếu:
 
               Em cứ yêu đi thực thủy chung.
               Yêu đi rồi chị biếu khăn hồng.
Thưa quý độc giả, câu thơ lời thơ của nhà thơ Nguyễn Bính đọc lên, nghe thuận tai, êm tai xuôi tai không? Yêu đi, rồi chị biếu khăn hồng. Lời thơ ý thơ chắc chắn sẽ mất chất thơ, hồn thơ sẽ cứng ngắt sượng sùng. Không một người chị nào đã xuất gíá lại biếu khăn hồng cho người em gái hoặc em trai.
                          “ Tặng em một chiếc khăn này
                      Để làm kỷ niệm những ngày xuất chinh”.
                                       ( Lên Đường- Thơ Ái Lan)
Lên Đường là một thi phẩm được xuất bản từ thuở kháng chiến chống thực dân và nữ sĩ Ái Lan được khá nhiều người biết. Nếu trí nhớ của tôi không đến nỗi tồi tệ, bà Ái Lan sau năm 75 được trọng dụng, làm một chức vụ gì đó dường như có quan hệ trong sinh hoạt xã hội văn nghệ. Từ dạo đó, tôi không còn biết thêm gì nữa thi phẩm Lên Đường, không rõ Ái Lan vẫn còn sống hay đã qui tiên:
                         “ Em tôi từ độ lên đường,
                       Rủi may không rõ hà phương lạc loài.
                            Chiến tranh khắp bốn phương trời,
                     Ba thu bằn bặt không lời nhắn tin.
                           Bên trời còn bận hi sinh,
                 Hay phơi xuơng trắng đầu xanh chốn nào?
                     May ra mệnh hệ chẳng sao,
                Khuyên em cố gắng trước sau vuông tròn.
                     Hiến thân trả nợ nước non,
               Sao dời vật đổi sắt son vẹn thề. 
                     Ra đi là chẳng mong về,
               Thà lìa cốt nhục vẹn bề núi sông...”
Tôi nghĩ them một thuật ngữ mới nghe ra có vẻ mới lạ: động từ hiến.
Mười năm, sau năm 1980, gia đình vợ chồng con cái chúng tôi nộp đơn xin xuất cảnh sang Mỹ theo diện gia đình đoàn tụ ODP. Mãi gần mười năm sau, hồ sơ xin xuất cảnh mới nhúc nhích, chính phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam mới chịu cho đương sự cùng vợ chồng con cái di dân ra nước ngoài. Xin nhắc lại, gia đình tôi cho di dân theo diện gia đình đoàn tụ, nhưng không chấp nhận theo diện HO, tị nạn chính trị học tập cải tạo, chính phủ chấp nhận nhưng phải tuân hành một số điều kiện sau đây:
         1.- Phải đóng đầy đủ thuế vụ buôn bán làm ăn dịch vụ kinh doanh suốt năm 1989 tại phòng Thương Mại thành phố Nha Trang. Sau đó phải đóng đầy đủ thuế nhà thuế đất hàng năm tại ty Nhà đất thành phố Nha Trang.
       2.- Phải hiến nhà cho Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam: nhà cửa, cơ ngơi, bất động sản được xây cất trên nền nhà, trên mặt bằng. Nên nhớ, Đảng, Nhà Nước, Chính phủ không bao giờ đòi hỏi phải hiến nhà, không xin xỏ, không van xin năn nỉ sở hữu chủ. Đương sự phải có bổn phận hiến nhà và nhà cửa được đảm trách do Sở Nhà Đất tỉnh Khánh Hòa và Ty Địa Chính Thành phố Nha Trang.
                              “ Cống hiến những gì cho Tổ Quốc?
                                 Yêu ma cống hiến đều ngu ngốc!
                                 Cơ ngơi Mỹ Ngụy phải dùi cui,
                                 Nhà cửa chung cư xông gậy gộc.
                                 Vận động tuyên truyền thật mỹ miều,
                                 Hô hào quảng bá khua tâng bốc.
                                 Rừng vàng biển bạc dễ gì tìm?
                                 Hiến đất dâng nhà ăn bánh đúc.
      Xứ lạ quê người, tôi trở thành một hành nhân cô độc, bạn bè chỉ còn độc nhất một người cao niên, ông Tô văn Xiêm. Năm nay ông Xiêm tuổi đã ngoài tám mươi, thấy rõ dáng dấp đã lụm cụm. Mỗi khi ra đường, ông thường cúi đầu lầm lũi bước, không nhìn chẳng ngó một ai, vợ con anh em thân thích không có. Tôi cũng xin nói thêm: vợ ông chết vì một tai nạn máy bay của hãng hàng không dân sự. Từ đó, ông Xiêm không còn nghĩ đến việc tục huyền. Nhờ Trời, ông Xiêm được thiên nhiên ưu đãi nên ít bệnh vặt. Lúc nhàn hạ rỗi rãi ngồi chuyện gẫu trên bàn khách, nhìn vô gương mặt hom hem cằn cỗi của ông Xiêm đồng thời liên tưởng tới cái chết tất yếu nay mai chửa biết năm nào tháng nào ngày nào, tôi hỏi ông bạn lão niên:
-           Khi nhắm mắt trăm tuổi già rồi, anh sẽ liệu trước được chôn cất bằng cách nào, mai táng, hỏa táng...hay thủy táng?
        Ông Xiêm dứt khoát mau mắn trả lời, dường như câu thắc mắc về việc chôn cất đã được giải quyết từ trước:
-           Hiến họ,cho họ, muốn làm gì thì làm.
-           Cho họ,hiến họ? Họ là ai, những người nào?
-           Họ là những bác sĩ, những sinh viên y khoa thực tập tại nhà xác, nhà quàn, họ muốn giải phẫu những bộ phận như lục phủ ngũ tạng tim gan phèo phổi ruột non ruột già ngọc hoàn dương vật qui đầu tử cung âm hộ âm hạch vú để thử nghiệm khám nghiệm nghiên cứu tìm hiểu. Chết là hết, biết gì nữa đâu.
                        Tôi nghĩ đến cái chết được yên bề chôn cất như thế nào, bằng cách nào. Dòng họ tổ tiên tôi khi chết hầu hết đều được mai tang chôn cất. Như ông cố tôi, Hữu quân Võ Doãn Triêm được mai táng tại lãnh địa tỉnh Bình Định. Như ôngVõ Doãn Thanh, thân phụ của thân phụ tôi, lúc mất được mai táng tại lãnh địa Sài Gòn tỉnh Gia Định, cầu Kiệu. Riêng hầu hết những tu sĩ Phật giáo một khi đã viên tịch đều được hỏa táng như cố đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết, như cố Tăng Thống Thích Huyền Quang, một khi đã được hỏa thiêu được trở về cùng cát bụi, linh hồn sẽ hòa đồng cùng  Đại Ngã. Riêng nàng Mỵ Ê vợ vua Chiêm Thành là Xạ Đẩu bị giết, đã nhảy xuống sông quyên sinh để giữ tròn trinh tiết, “ ninh thọ tử bất ninh thọ nhục,” thà chịu chết không thà chịu nhục cùng vua nhà Trần: nàng được thủy táng. Như những thuyền nhân liều chết vượt biển mong tìm tự do, không may bị bất hạnh cạn lương thực đói khát bệnh tật ngặt nghèo phải chết trên thuyền, đành phải ngậm ngùi xót xa cay đắng thả tử thi xuống lòng biển cả: thủy táng. Như hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị đã trầm mình trên giòng Hát giang, quyết không chịu nhục với Phục Ba: thủy táng. Như huyền thoại trong truyền thuyết “ vợ chàng Trương “ khiến người chinh phụ phải đi tìm cái chết bằng cách tự trầm: thủy táng. Như những cái chết thật oanh liệt hào hùng vào ngày đầu năm 1974 của những chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa quyết tâm bảo vệ quần đảo Hoàng Sa Trường Sa, đã anh dũng hi sinh cùng hạm trưởng Ngụy văn Thà: thủy táng, chết theo tàu chiến. Như Hùng vương thứ 18 trong huyền thoại đã nhảy xuống giếng tự tử “ hỏa táng” lúc nhà vua thua trận Thục Phán. Phải chăng Thúy Kiều đã phải chảy xuống sông Tiền Đường để kết thúc chấm dứt cuộc đời bạc mệnh: thủy táng? Rất may, Thúy Kiều chưa chết!
           Tôi biết nhà văn Vũ Anh Khanh là một người đầy nhiệt huyết, không may mất sớm trong thời kỳ thực dân chống Pháp kháng Nhật. Ông có một tác phẩm truyện dài “ Nửa Bồ Xương Khô” khá nổi tiếng. Nhân vật chính là Cải, tình nguyện tham gia vô một nữ cứu thương chuyên chăm sóc giúp đỡ những vệ quốc quân bị thương. Cải có một người bạn, cũng tham gia kháng chiến chống quân phiệt Nhật. Riêng với người nữ cứu thương, Cải từ lâu đã có tình ý, riêng đối với thanh niên vệ quốc, Cải chỉ là bạn. Một hôm, thanh niên bị toán lính Nhật bắn trọng thương, máu tuôn xối xã, tình hình nguy ngập, các bác sĩ bảo cần phải tiếp máu mới hi vọng cứu sống. Bệnh viện dã chiến lại thiếu máu, một việc cấp bách tối ư cần thiết. Cải tình nguyện xung phong làm người hiến máu cho máu truyền máu. Nhờ vậy thanh niên bị thương được cứu sống và kể từ đó, dòng máu huyết quản đã nuôi người thanh niên cũng là dòng máu của người nữ cứu thương; Cải cảm thấy hơi thở nơi người vệ quốc quân cũng là hơi thở của Cải, dòng máu đang nuôi sống châu thân tiếp dưỡng hàng ngày của Cải chính là của người thanh niên vậy. Tình rộng quá, đời không ranh giới nữa. Mình với ta tuy hai là một. Ta với mình tuy một mà hai.
           Trong quan hệ đối đảo âm dương nam nữ trai gái, trong tình huống giao hoan hoan lạc ân ái dục tình, xét về môn tâm lý học người nữ thường có khuynh hướng bẩm sinh cho hơn nhận. Phụ nữ, xét về mặt tâm lý thích cho hơn nhận. Nhìn người tình say sưa lăn lộn trong khoái cảm của nhục dục, dường như người đàn bà quên bẵng hai người hai kẻ đang yêu nhau, như một đứa trẻ đang hùng hục trò chơi đập phá, một bản năng bẩm sinh sadisme bạo hành, sinh thực khí cương cứng len lỏi luồn lách bên trong âm đạo mở rộng cọ xát cho đến khi chất lỏng phát xuất. Người tình nằm yên, nhắm mắt bất động, hơi thở dồn dập. Post quatum, alle animal triste. Sau cơn giao hợp, mọi vật đều buồn. Sau màn ân ái gối chăn gã đàn ông thanh thản tựa tâm hồn của một trẻ con, ngây thơ chơn chất.. Chất lỏng nhờn trơn len lỏi luồn lách qua âm đạo, hứa hẹn một noãn phôi tạo hình bào thai sự sống. NgườI nữ thì thầm trong yên lặng: ta sẽ có bầu, có chửa, có mang thai nghén mất.
           Cũng xét theo quan niệm tâm lý học, người cho thì sung sướng trong hành động cho, ban, phát, trong khi người được cho thì lại không có, thiếu thốn, trống vắng. Người cho là kẻ ban ân huệ. Người cho thấy mình đầy đủ hơn, sung túc hơn, giàu có hơn trong chừng mực nào đó. Người cho là kẻ có lòng bác ái, là người có tâm từ bi, vì vậy, xét về hình nhi thượng học, người cho sung sướng, hạnh phúc hơn kẻ được cho. (Thánh Gioan. Lời Chúa trên Cây Thánh Giá)
          Những kẻ đối đãi “ cho” và “nhận” thường được thù tiếp qua lại, kẻ tung người hứng. Người “nhận “thường “ cho lại”, một hình thức “ đáp lễ.” Người “cho” trước kia trở thành người “nhận”. Giờ đây họ trở thành hai kẻ “ cho”nhau, những kẻ yêu nhau, những kẻ từ giờ phút khoảnh khắc này bắt đầu cho nhau, san sẻ ngọt bùi chia sớt lẫn nhau. Người nữ thì thầm khẽ vuốt tóc người yêu sau khi hoan lạc gối chăn:
-           Anh sướng không?
-           Có chứ! Nhưng em có sung sướng không?
-           Có. Em cũng sung sướng nữa. Em chỉ lo có bầu. Nhưng em không ngại. Em muốn có một đứa con.
                             
                              Triết lý bàn tròn thuyết nhận cho.
                              Từ bi bố thí thảy đều cho,
                               Công bằng bác ái hân hoan nhận,
                               Biếu thết làm quà nghĩa cử cho.
                               Khất thực cúng dường cơm đúng ngọ,
                               Phóng sinh cải tạo sắn khoai ngô.
                               Đóng đinh chịu chết loang tim máu.
                       Thánh giá tình thương chỉ biết cho ./.
 
VDN

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.
Cho và nhận (Không biết tên tác giả)
Hue Thu Jun 20, 2010
Cho và nhận

Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên "người bạn của sinh viên" vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh.

Trên đường đi, hai người bắt gặp một đôi giày cũ nằm giữa đường. Họ cho rằng đó là đôi giày của một nông dân nghèo làm việc ở một cánh đồng gần bên, có lẽ ông ta đang chuẩn bị kết thúc ngày làm việc của mình.

Anh sinh viên quay sang nói với vị giáo sư: "Chúng ta hãy thử trêu chọc người nông dân xem sao. Em sẽ giấu giày của ông ta rồi thầy và em cùng trốn vào sau những bụi cây kia để xem thái độ ông ta ra sao khi không tìm thấy đôi giày."

Vị giáo sư ngăn lại: "Này, anh bạn trẻ, chúng ta đừng bao giờ đem những người nghèo ra để trêu chọc mua vui cho bản thân. Nhưng em là một sinh viên khá giả, em có thể tìm cho mình một niềm vui lớn hơn nhiều nhờ vào người nông dân này đấy. Em hãy đặt một đồng tiền vào mỗi chiếc giày của ông ta và chờ xem phản ứng ông ta ra sao."

Người sinh viên làm như lời vị giáo sư chỉ dẫn, sau đó cả hai cùng trốn vào sau bụi cây gần đó.

Chẳng mấy chốc người nông dân đã xong việc và băng qua cánh đồng đến nơi đặt giày và áo khoác của mình. Người nông dân vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào một chiếc giày thì cảm thấy có vật gì cứng cứng bên trong, ông ta cúi xuống xem đó là vật gì và tìm thấy một đồng tiền. Sự kinh ngạc bàng hoàng hiện rõ trên gương mặt ông. Ông ta chăm chú nhìn đồng tiền, lật hai mặt đồng tiền qua lại và ngắm nhìn thật kỹ. Rồi ông nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng thấy ai. Lúc bấy giờ ông bỏ đồng tiền vào túi, và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày còn lại. Sự ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp bội, khi ông tìm thấy đồng tiền thứ hai bên trong chiếc giày. Với cảm xúc tràn ngập trong lòng, người nông dân quì xuống, ngước mặt lên trời và đọc to lời cảm tạ chân thành của mình. Ông bày tỏ sự cảm tạ đối với bàn tay vô hình nhưng hào phóng đã đem lại một món quà đúng lúc, cứu giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn, người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn.

Anh sinh viên lặng người đi vì xúc động, nước mắt giàn giụa. Vị giáo sư lên tiếng: "Bây giờ em có cảm thấy vui hơn lúc trước nếu như em đem ông ta ra làm trò đùa không?" Người thanh niên trả lời: "Giáo sư đã dạy cho em một bài học mà em sẽ không bao giờ quên. Đến bây giờ em mới hiểu được ý nghĩa thật sự của câu nói mà trước đây em không hiểu: "Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về".

Không biết tên tác giả