Phật Giáo Hòa Hảo (sưu tầm- Tùy bút).
“ ...Còn nhớ hay chăng người ơi? Ngày nào thầm nghe lá rơi? Ta nắn cung đàn ưu sầu Thương ngàn cánh hoa phai mầu.” ( Thanh Nam- Hoa Bướm Ngày Xưa)
“ Người ngồi im bóng lắng nghe tháng ngày qua” ( Back to Sorriento- Trở về Mái Nhà Xưa)
Ấy là ca khúc “ Trở về mái nhà xưa” , Back to Sorriento, do nhạc sĩ người Ý Đại Lợi Curtiss sáng tác, nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt: “ Người ngồi im bóng, lắng nghe tháng ngày qua”. Tôi không rõ nhân vật trong bài hát là nhân vật nam hay nữ, tuổi thanh niên hay tuổi đã xế chiều, khỏe mạnh hay yếu đau bệnh tật, tinh thần còn sáng suốt tỉnh táo hay lú lẫn bệnh hoạn nhớ trước quên sau, “ ngồi im bóng, lắng nghe tháng ngày qua”.Tôi phỏng chừng, đoán non đoán già là một nhân vật tâm hồn cô độc, không bằng hữu, không bà con thân thích ruột thịt, gia đình chỉ mỗi một mình bởi chính tôi là chủ gia đình chủ hộ trong gian nhà trống vắng, trầm ngâm lắng nghe tiếng động của thời gian trôi về quá khứ. Thời gian cuốn hút, thời gian không trở lại, thời gian bất khả phản hồi dửng dưng tàn nhẫn. “ Đến bây giờ hồi tưởng lối chơi đã thành cảnh mộng. Ngán cho con Tạo trêu ngươi, đem tranh luân lạc vẽ đời phù sinh”( Kiếp phù sinh- Việt Ngữ).
Tôi là một kẻ lãng du giang hồ góc biển chân mây sông hồ tứ xứ lưu lạc, hay chỉ là một kẻ gián ngày ăn quẩn cối xay quanh năm suốt tháng không ra khỏi cửa? - Tôi là người tù trong chế độ cũ được học tập cải tạo ngót mười năm, được trả tự do bởi có ít nhiều “tiến bộ nhất định”. Về đến nhà, tôi được biết ngôi nhà hiện nay được một người tốt bụng chăm nom quản lý. Riêng vợ tôi, hai đứa con tôi lẳng lặng vượt biên từ hai năm trước không tin tức tăm hơi.
Người sáng lập đạo Phật Giáo Hòa Hảo là Đức Thầy, tục danh Huỳnh phú Sổ. Sinh ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Mùi(15-1-1920) tại làng Hòa Hảo, tỉnh Châu Đốc, một tỉnh xa xôi tiếp giáp biên thùy Việt Miên Nam Việt, ngài là trưởng nam của Đức Ông Huỳnh công Bộ và của Đức Bà Lê thị Nhâm, một gia đình trung lưu nhiều phúc hậu và nhiều uy tín với nhân dân địa phương.
Thuở nhỏ, vừa học hết cấp bậc tiểu học thì phải đau ốm liên miên nên ngài phải tời nhà trường về dưỡng bệnh. Tín đồ thì gọi Ngài là Thầy hay Đức Thầy và nền đạo của Ngài khai sáng được mang danh là Phật Giáo Hòa Hảo, một tông phái đạo Phật tại làng. Đến nay việc lấy địa danh làm tông danh là điều thường thấy như phái Thiên Thai Tông bên Trung Hoa sở dĩ thành danh là vì xây dựng già lam trên núi Thiên Thai.
Tính Ngài điềm đạm, ít chịu trửng giỡn nô đùa, thường tìm nơi thanh vắng ngồi trầm tư mặc tưởng, không thích đờn ca xướng hát, vì thế những nơi hội hè đình đám, những địa điểm tụ họp đông người, Ngài luôn luôn xa lánh. Ngài còn được đấng Tối Cao ban phép lạ chữa bệnh những bệnh nhân mắc bệnh nan y lâu ngày không chữa khỏi: Ngài chỉ cần cho bệnh nhân uống nước lã là tự nhiên khỏi bệnh, không cần những phương thuốc nào khác, khỏi phải mất tiền.
Lịch sử thường chứng nhận trong những hoàn cảnh xã hội băng hoại, nhân tâm ly tán thế đạo suy đồi, lòng người hung ác, mê muội bạo tàn...là lúc Thánh Nhơn ra đời dìu dắt nhơn dân cải ác tùng lương chấn chỉnh luân thường đạo nghĩa. Như đức Phật Thích Ca ra đời vào lúc xã hội Ấn Độ phân biệt giai cấp trầm trọng, các mối ngoại đạo thạnh khởi mê hoặc lòng người gây thành một trạng huống hỗn loan làm cho tâm trí con người đảo điên, đời sống mê mờ tăm tối. Ngài ra đời để đem trí huệ soi sáng lòng người phá tan giai cấp xã hội. Ở Trung quốc đức Khổng tử ra đời vào thời Xuân Thu Chiến quốc, các nước thôn tính lẫn nhau, trật tự xã hội rối reng, đời sống nhơn dân cùng khốn, luân lý suy đồi, cang thường đảo lộn. Ngài ra đời, đem lại đạo nghĩa chấn chỉnh nhơn luân xây dựng lại trật tự xã hội băng hoại, đào tạo nên hạng người quân tử làm mẫu mực trong đời. Trong hoàn cảnh đen tối ấy đức Huỳnh giáo chủ ra đời.
Vào rằm tháng giêng âm lịch Tết năm nay, lực lượng Công an đã dùng bạo lực để ngăn cản tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đến cúng chùa Quang Minh ở An Giang. Thời gian gần đây liên tục xẩy ra nhiều vụ trấn áp hành hung bôi nhọ khác. Ông Trần Hoài Ân, thành viên khối tín đồ Phật Giáo truyền thông, người từng bị công an đấu tố sau khi lên tiếng qua đài RFA yêu cầu tự do tôn giáo, sơ lược về tình hình chung thời gian gần đây. Những hành vi gây khó khăn cho Phật Giáo Hòa Hảo vẫn tiếp diễn và người dân Việt Nam không biết đến khi nào chủ trương sử dụng bạo lực với tôn giáo mới chấm dứt.
Trước khi Hà Nội trả tự do cho luật sư Lê thị Công Nhân, nhóm Công An đã “ dạy” Công Nhân một bài học” vỡ lòng”:
- Chị có thấy rằng chị đã thất bại chưa?
- Chị có thấy rằng cuộc đời của chị có dang dở hay không?
Đành rằng trách nhiệm dở dang,
Đã toan thất bại đầu hàng sớm sao?
Đời tôi chỉ chịu thua chào,
Nguyễn Thái Học chịu rụng đầu hi sinh.
Bao giờ tôi chịu nín thinh,
Thì xin chịu đọc hồi kinh chiêu hồn.
Thành công thất bại đôi lần,
Không thành công cũng thành nhân(1) là thường.
(1) Không thành công thì thành nhân: lời son sắt của nhà cách mạng yêu nước Nguyễn Thái Học trước khi lên đoạn đầu đài
Nhà thơ Hữu Loan, nhiều thế hệ người Việt thuộc lòng, đã ra đi tối thứ năm, mười tám tháng ba, tỉnh Thanh Hóa, thọ 95 tuổi.
NgườI viết( tôi không biết tên) lấy làm thương tiếc một người suốt đời lận đận dang dở vì bị trù dập chụp mũ bởi một chế độ không bao dung không thông cảm, nên đã có vài giòng thơ cho một người đã nhắm mắt xuôi tay:
Đồi sim hiện hữu đời đời,
Hoa sim nở rộ vừa rời trần gian.
Hồn đi về dưới suối vàng,
Tên người hát bản Thu Vàng thiên thu(1).
Trời đêm chẳng quá âm u,
Vời trông bốn hướng mịt mù mây bay.
Vẩn vơ nhẩm hát vài giây,
Áo anh sứt chỉ đường may mất rồi.
(1) Thu Vàng, nhạc phẩm đầu tay của nhạc sĩ Cung Tiến lúc còn ở Hà Nội.
Tôi, khá tâm đắc nhà thơ Hữu Loan, đã sáng tác một bài thơ mạn phép cách nay trên dưới mười năm đằng đẳng, được thay đổi lời thơ cho phù hợp tâm trạng với người đã khuất:
Giữa một bài thơ tản mạn,
Hữu Loan nhắm mắt chín lăm.
Chết giữa hâu trường bàn tán,
Vườn sau suối lệ tuôn tràn.
Hiện tại thường gì dĩ vãng,
Tài hoa oan khuất ngỡ ngàng.
Cánh hạc lung trời lãng đãng,
Bầy heo ưỡn ẹo về làng.
Lá rụng đêm sương giá lạnh,
Chìm trong bóng tối mịt mùng.
( Chết giữa lời thơ)
Lại một lần nữa, kiến thức tôi vốn đã nghèo nàn còi cọt về nghệ thuật, về hội họa( mặc dù tôi có một vốn kiến thức về triết lý về hình nhi thượng học trong quan điểm Phật giáo và các tôn giáo khác. Riêng về đạo Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, tôi mù tịt như đi trong mê hồn trận, biết rất mơ hồ về Bình Xuyên, về Phật Giáo Hòa Hảo kể từ sau năm 1954 sau ngày đình chiến hai phe Quốc Cộng. Kể từ khi ông Ngô Đình Diệm từ Mỹ về Việt Nam được Mỹ nâng đỡ o bế lên làm thủ tướng chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, ông ra lệnh quân đội dẹp tan lập tức nhóm Bình Xuyên theo quân đội viễn chinh Pháp ngày trước.
Năm 1954, lúc tôi đang còn mài đũng quần trên ghế nhà trường lớp đệ tứ, đùng một cái, tin Trình Minh Thế, thiếu tướng vốn trước đó theo quân Bình Xuyên nay về hàng, theo đuổi truy sát đám tàn dư quân tạo loạn. Trong lúc thiếu tướng đang thị sát cuộc hành quân trên cầu chữ Y, một viên đạn không rõ bắn từ đâu tới khiến tướng Thế gục ngã chết tại trận. Ai đã giết tướng Thế? Quân đội Bình Xuyên? Một nhóm sát thủ của phe quân đội Quốc Gia nay trở thành trực thuộc quân đội Việt Nam Cộng Hòa? Thôi, cứ gọi là phe ta thanh toán tướng Thế sau đó ém nhẹm việc sát thủ cho êm chuyện. Sau cái chết, cố thiếu tướng Trình Minh Thế được vinh thăng trung tướng. Liền ngay sau đó, nhà trường theo sự hướng dẫn điều động của Tòa Hành Chính tỉnh Khánh Hòa và của ty Thông tin cũng của tỉnh Khánh Hòa, học sinh trường lớp kéo nhau đến tập trung biểu tình về cái chết dường như oan khuất tức tưởi của trung tướng Trình Minh Thế. Giáo sư Việt Văn Nguyễn Suyên đọc bài văn tế thương tiếc cho người xấu số, từ nay thủ đô Sài Gòn lấy tên đường Trình Minh Thế, tức khu 5 bến cảng gần Thủ Thiêm.
Trong lúc thủ tướng Ngô đình Diệm ra sức trấn áp diệt trừ giáo phái Phật giáo Hòa Hảo, môn phái Phật giáo này cũng muốn thẳng thừng chống lại. Tiêu biểu nhất là có ông Trần văn Soái, tục danh Năm Lửa. Theo lời ông Tỉnh trưởng tỉnh Cần Thơ lúc ấy là tỉnh Phong Dinh, thủ tướng Diệm cho ông Tỉnh trưởng biết, ông Trần văn Soái nên theo ông mà về quận Cái Vồn và sẽ được phong chức tướng. Tướng gì, tướng nhỏ hay tướng lớn, thiếu tướng hay trung tướng, ông Tỉnh trưởng không thấy nói. Về sau, Trần văn Soái chịu ra đầu hàng dưới trướng ông Diệm, được phong chức tướng.
Trình độ học lực của Trần văn Soái không qua cấp bực tiểu học, trí thức võ biền. Khi được thăng lên chức tướng, Trần văn Soái tức Năm Lửa thường vỗ ngực tự xưng ta đây là “ Général.dit Cinq Feux”, ta đây là tướng, tức là Năm Lửa. Dư luận cũng nghe ông Nguyễn Giác Ngộ cũng là đệ tử trung kiên của giáo phái Hòa Hảo cũng được phong cho cấp tướng, tướng Nguyễn Giác Ngộ. Riêng ông Lê Quang Vinh, tức Ba Cụt, theo nhóm Bình Xuyên bị quân đội Việt Nam Cộng Hòa bắt sống, chính quyền đem ra xử bắn. Về sau, tôi không còn được ai nhắc đến, nói đến các nhân vật Trần văn Soái tức Năm Lửa và Nguyễn Giác Ngộ, chắc là đã bị chìm vào quên lãng, tôi chỉ nhớ ông Huỳnh văn Cao người theo đạo Cao Đài theo về chính phủ Việt Nam Cộng Hòa được phong tới chức thiếu tướng Huỳnh văn Cao.
Triết học là môn học về người đời và về người đời.
Theo linh mục Paul Foulquié, triết học là “môn học về tinh thần người ta và những gì bên kia địa hạt hữu hình tinh thần ấy có thể biết được”
Tâm lý học là “khoa học về những sự kiện tâm lý(faits psychologiques), xác định nguyên nhân và những định luật của chúng”.
Toán học là “ khoa học về lượng và về thứ bậc”.
Thế còn sử học? Phải chăng sử học là một khoa học? L’histoire est-elle une science?
Thật không dễ gì khi định nghĩa lịch sử là một khoa học.
Những năm tôi theo học lớp đại học sư phạm, vào năm thứ hai, tôi theo học ban luận lý học. Khi đề cập đến môn sử học, tôi đã để dành riêng một quyển sách nói về sử học, cố gắng định nghĩa dẫn chứng trưng bày tài liệu về những điều được gọi là những sự kiện lịch sử, rốt cục quyển sách vẫn chưa, vẫn không thể xác định, kết luận sử học có phải là một khoa học hay không.
Sử học, theo định nghĩa đơn giản, là một khoa học về dĩ vãng. Dĩ nhiên, tất nhiên rồi, nhưng thế nào là một môn học về dĩ vãng, về quá khứ, về cái không còn?
Khi giải thích những khó khăn, những cái gọi là vấn nạn về những sự kiện lịch sử, Fénelon đã phát biểu một kết luận rất sâu sắc nhưng đồng thời cũng rất chua chát mỉa mai rằng sử học là một sự nghiên cúu đi vào ngõ cụt. Ông viết: “ Sử gia phải là người sinh ra không thuộc một thời đại nào, không thuộc một giai cấp nào, không thuộc một tôn giáo và không thuộc một xã hội nào.”
“ Sử gia phải là người sinh ra không thuộc vào thời đại nào.”. Nhà sử học không thuộc không gian và không thuộc thời gian, khai thiên lập địa chưa thành hình, chỉ có hỗn mang, chỉ có hồng hoang, không có...lịch sử, không có tiền sử, không có khuyết sử, chỉ có một đấng độc nhất vô nhị, đấng Tối cao hiện hữu từ vô thủy vô chung. Nhà viết sử Lê văn Hưu đã trót sinh ra không thuộc một thời đại nào hết, chỉ có Thiên Chúa Thượng Đế là đấng hiện hữu trong tuyệt đối ở cõi vĩnh hằng.
“ Sử gia phải là người sinh ra không thuộc một giai cấp nào”. Nhà viết sử phải từ dưới đất đen chui lên không lý lịch, không xuất xứ, phải là người như Chí Phèo vô sản, vô giai cấp như nhân vật Gletkin không có cột rún, sans cordon ombilical, như nhân vật Long, một trẻ mồ côi, được nuôi dưỡng trong các nhà Bảo Anh theo tiểu thuyết Giông Tố của Vũ Trọng Phụng, như Chử Đồng Tử xuất thân từ... vô sản, không có giai cấp, kết duyên với Tiên Dong thuộc giai cấp quyền quý, như Xuân Tóc Đỏ thuộc thành phần vô sản trong tập truyện Số Đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng và như sử gia Trương Chi(Mỵ Nương xuất thân từ ...không một giai cấp nào hết: một gã thuyền chài sớm tối nghêu ngao hát hò hát xướng).
“Sử gia phải là người không thuộc một tôn giáo nào”. Sử gia phải là kẻ vô thần, không tin bất cứ một thần linh nào, không thờ phượng, không cầu xin ban phép lành, không Công giáo, không Tin Lành, không Phật giáo, không Cao Đài, không Phật giáo Hòa Hảo, không Hồi giáo, không Lão giáo. Sử gia phải là sử gia của Nietzsche, của Zarathoustra, thượng đế không hiện hữu và Siêu Nhân phải tự tạo xác định giá trị của Siêu Nhân. Raymond Aron, sử gia của Pháp ngày trước không hiện hữu. Nguyễn Tất Thành cũng không tin mê tín dị đoan, chỉ biết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, matérialisme dialectique et matérialisme historique. Rốt cục lời phát biểu của Fénelon về định nghĩa của sử học đi vào bế tắc.
“ Rải rác ngô đồng lá rụng,
Chạnh lòng giếng trúc triều sương.
Cuốn ngõ rèm thưa tựa bóng,
Hồn quê nhuộm ánh tà dương.”
“ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Nhịp cầu nho nhỏ bắc ngang qua.
Cành đào trước ngõ rung trong gió,
Cố quốc vời trông bóng ngựa qua”.
“ Quê nhà xa cách mịt mù trông,
Bát ngát mây che núi chập chùng.
Khắc khoải bâng khuâng buồn chất ngất.
Vời trông ráng đỏ áng mây hồng.”
“Mõ này kín tiếng lẫn im hơi.
Mật lệnh loan truyền đủ sức chơi.
Lóc cóc âm vang lan một xứ,
Rêu rao dõng dạc khắp nhiều nơi.
HộI đồng chuột họp bàn muôn luật,
Làng nước kêu ca quyết một lời.
Lãnh đạo làng thôn riêng một cõi.
Bàn hươu tán vượn một mình ngồi.”
( Thơ Thằng mõ)
Tôi loáng thoáng nghe tin đồn đại nói đến bàn về kỷ niệm một “Ngàn năm Thăng Long”, chắc chắn sẽ được tổ chức rất đỗi xôm tụ vào tháng 10 năm 2010 sắp tới, tôi mạn phép ngẫu hứng sáng tác mấy bài “thơ con cóc” ra cống hiến quý độc giả:
“ Đại lễ mừng “ ngàn năm Thăng Long”
Đưa tay Công Uẩn chỉ thuyền rồng,
Đại La Bộ Lĩnh than cằn cỗi,
Thăng Long văn vật có sông Hồng.
Kiến thiết đầu tư mấy tỉ đồng,
Đầu voi đuôi chuột vẫn hoàn không.
Đầu heo nấu cháo khen hoành tráng.
Thùng rỗng kêu to khéo nhọc công.
Hí viện con chiên gặp hội trường.
Màn đêm tối mịt ngập trời sương.
Ngàn năm văn hiến đa văn hóa,
Vạn kỷ thiên niên vạn kỷ cương.
Nước vẫn an nhiên hờn vọng quốc,
Hồn còn khắc khoải khóc ly hương.
Đêm hè Thục Đế kinh thành cũ.
Bắc quốc vong nô luống đoạn trường.
Huỳnh Phú Sổ khai lập năm 1939 lấy pháp môn Tịnh Độ Tông làm căn bản và chủ trương tu hành tại gia. Số tín đồ Hòa Hảo ước tính độ hai triệu người, tập trung chủ yếu ở miền Tây Nam Bộ. Hiện nay trong thư viện của hơn ba mươi quốc gia trên thế giới vẫn còn giữ những tài liệu sách báo về đạo Hòa Hảo.
Sang năm 1941, đạo Hòa Hảo tiếp tục gia tăng số lượng tín đồ một cách nhanh chóng. Khi Nhật vào Đông Dương, Pháp lo ngại Nhật tranh giành ảnh hưởng giáo phái Hòa Hảo nên đã hối thúc Huỳnh Phú Sổ ở Châu Đốc, Bạc Liêu, Cần Thơ. Năm 1942, Nhật vận động được giáo chủ Hòa Hảo về Sài Gòn, tại đây ông đã vận động được nhiều nhân vật hoạt động chính trị thân Nhật vào đạo Hòa Hảo để gây thanh thế, đồng thời thời gian này nhiều thanh niên theo đạo Hòa Hảo cũng tham gia các tổ chức chính trị của Nhật.
Chính phủ đệ nhất Cộng Hòa sau khi thành lập năm 1965 các lãnh tụ Hòa Hảo như tướng Trần văn Soái rút về cố thủ Đồng Tháp, tướng Lê Quang Vinh đem quân về chống giữ ở Châu Đốc, Long Xuyên, Rạch Gíá. Bị ráo riết truy nã, tướng Trần văn Soái phải ra đầu hàng, còn Lê quang Vinh thì bị bắt, sau đem ra xử tử.
Lịch sử Việt Nam trải qua biết bao nhiêu triều đại, nhiều vị vua bị thích khách hoặc nghịch thần giết chết nhằm thực hiện ý đồ lắm khi đen tối mờ ám tộI lỗi. Đời nhà Triệu đến vua thứ tư bị vua Ai Vương, Cù Thái Hậu và sứ nhà Hán Thiếu Quý bị lão thần Lữ Gia đem quân vào cung giết chết. Vua Đinh Tiên Hoàng bị ngươi Đỗ Thích giết trong lúc nhà vua đang ngủ. Hồ Quý Ly đã giết ông vua cuối cùng đời nhà Trần lên làm vua. Mạc Đăng Dung giết bỏ Lê Cung Hoàng ông vua cuối cùng nhà Hậu Lê lên làm vua lập ra nhà Mạc.
Nhưng ai đã giết loạn quân Bình Xuyên tướng Trình Minh Thế đã qui thuận chế độ đệ nhất Cộng Hòa? Thủ tướng Ngô Đình Diệm? Ai đã giết tướng Bình Xuyên Lê quang Vinh lúc tướng này bị bắt? Điều không một ai phủ nhận là ông Ngô Đình Diệm là thủ phạm đưa tướng Ba Cụt ra pháp trường, cũng như tướng Dương văn Minh ra lệnh giết cả hai anh em họ Ngô lúc họ bị bắt, vẫn biết ông Diệm gia đình theo đạo Công giáo nòi. Đã có ai xuống tay giết chết một đối thủ chính trị khi người đó là một tín đồ mộ đạo Công giáo?
Hôm nay, mùng mười tháng 2 âm lịch Canh Dần là ngày giỗ mẹ tôi, hiển nhiên là tôi không vui khi nhớ tới ngày húy kỵ ấy: một kẻ tật nguyền, bất khiển dụng, không làm cách nào để phụ một tay giúp đỡ trong ngày cúng giỗ. Mâm cỗ được chưng bày trên bàn lễ chỉ làm cỗ chay, đứa con gái đã đề nghị cúng cỗ chay như thế, tôi không phản đối bởi có phản đối cũng không có kết quả. Lúc sinh tiền, mẹ tôi thường ngày vẫn ăn mặn không được ăn chay, bởi chẳng có ai, không có con cháu chuẩn bị cho mẹ những món chay.
“ Hồn bướm hoa xưa còn đâu”... Hồn của hoa và phách của bướm đã không còn. Hương của hoa và sắc của bướm cũng phôi pha theo ngày tháng, còn chăng chỉ còn một thoáng dư âm, chỉ còn hoài niệm phảng phất.
“ Vườn cũ quê nhà yêu dấu.” Tôi gửi hồn vía tôi trong giấc ngủ, trong giấc chiêm bao lang thang trở về chốn cũ vưòn xưa thân thuộc của buổi trưa hè vắng gió vẳng vọng tiếng gà eo óc xếp cánh ngủ, cái bướm cải tí hon chấp chới nhởn nhơ trong nắng trưa, cánh bướm cải chắc vẫn là con bươm bướm cải ngày xưa của nhà văn Hoàng Đạo hút nhụy hoa trên giàn đậu ván trong tác phẩm Con Đường Sáng./.
Võ Doãn Nhẫn