Nov 23, 2024

Biên khảo

Ðôi Ðiều về tác giả Trương Kế voi Phong Kieu Da Bac
Trương Kế - 張 繼 * đăng lúc 09:22:04 PM, Sep 08, 2022 * Số lần xem: 2908
Trở lại với "Phong Kiều Dạ Bạc"

Hải Đà - Vương Ngọc Long

nhạc phẩm Phong Kiều Dạ Bạc (thơ phóng tác Hải Đà, nhạc Mai Đức Vinh)

(Chân thành cám-ơn TS Phạm-Vũ-Thịnh,Sydney, Australia và nhà báo Hà-Chính-Trực, Georgia, USA
đã đóng góp nhiều ý kiến quí báu cũng như cung cấp nhiều dữ kiện và tài liệu cho bài sưu-khảo này )

Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế là một trong những bài thơ Đường lừng danh như những bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, bài Giang Hán của Đỗ Phủ...
Học giả Trần Trọng San, trong bài bạt " Tôi bước vào cảnh giới Đường Thi từ bến Phong Kiều qua lầu Hoàng Hạc" đã tâm sự rằng "Phong Kiều Dạ Bạc và Hoàng Hạc Lâu là hai bài đã in trong tôi ấn tượng sâu đậm nhất trong số những bài thơ Đường mà gia-nghiêm dùng dạy tôi học chữ Hán trong lúc ấu thời ..." (TTS)

Trong Nguyệt-San Y-Tế số tháng 8-2001 , một tác giả có đặt vấn đề với chữ "Phong-Kiều" và "Sầu Miên" :
1-hai chữ Giang phong không phải là Sông với Cây Phong ( erable) mà tên của hai cây cầu.
2-còn hai chữ "sầu miên" thì không phải là Buồn và Ngủ mà là tên của một hòn núi
và tác giả đã đặt nghi vấn "hóa ra các Cụ Thâm Nho nhà mình đều dịch sai nghĩa Giang phong ngư hỏa đối sầu miên ?" và còn e ngại rằng " dẫu sao thì các học giả Trung Quốc mà đọc được chữ Việt sẽ cười thầm các cụ thâm nho nhà mình"( nguyên văn)
Do lời kêu gọi góp ý của tác giả, chúng tôi xin mạn phép có vài ý kiến làm sáng tỏ phần nào vấn đề " Giang Phong và Sầu Miên nghĩa là gì ?"

ĐÔI GIÒNG VỀ THI-SĨ TRƯƠNG-KẾ

Thi-sĩ Trương Kế tự Ý-Tôn, thuộc thời Trung-Đường (cùng thời với Thôi-Hộ, Mạnh Giao, Vương Kiến, Hàn Dũ ...) người Trương Châu, tỉnh Hồ Bắc. Năm 754, Ông thi đỗ tiến-sĩ , và được đề-cử làm Diêm thiết phán quan trong quân mạc phủ, trông coi về việc mua bán muối và sắt. Sau đó vào đời Đường Đại Tông, Trương Kế được vào triều làm chức Tư bộ viên ngoại lang , rồi sau đó về Hồng Châu trông coi việc tài-phú và mất tại tỉnh này . Suốt đời công việc chủ yếu của Ông là mua bán, thương mại . Nhưng Ông cũng là người đa tình, đa cảm, đa sầu, những lúc đi ngao du sơn thủy, ngắm cảnh thiên nhiên mà tức cảnh sinh tình, và trong những giây phút ngẫu hứng Ông làm thơ. Phong Kiều Dạ Bạc là một bài thơ nổi tiếng của Thi sĩ Trương Kế và đã gây ra nhiều cuộc bàn cãi văn chương nghệ thuật và địa danh lịch sử .

NGUYÊN VĂN BÀI THƠ và NGUYÊN TÁC CHỮ HÁN

PHONG KIỀU DẠ BẠC
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền .





Dịch nghĩa:
CẦU PHONG, ĐÊM NEO THUYỀN
Trăng lặn, quạ kêu, sương đầy trời
Cây phong bến sông, ánh đèn chài, trước giấc ngủ buồn
Ngoài thành Cô Tô là chùa Hàn Sơn
Nửa đêm tiếng chuông vọng đến thuyền khách .

Dịch thơ:

1-Tiếng quạ kêu sương bóng nguyệt mờ
Cầu phong đốm lửa giấc sầu mơ
Hàn Sơn khuất bãi Cô Tô vắng
Đêm điểm hồi chuông khách sững sờ ...

2-Nguyệt tà, quạ lảnh lót kêu sương
Ánh lửa cầu phong vỗ mộng thường
Bến vắng Cô Tô thuyền lẻ bóng
Hàn Sơn rền rĩ khách nghe chuông

3-Trăng lặn, sương đầy, tiếng quạ kêu
Bến phong, ánh lửa, giấc đìu hiu
Cô Tô quạnh quẽ thuyền neo bến
Chuông đổ Hàn Sơn vẳng tiếng đều

4-Quạ kêu, trăng lặn, sương đầy
Bến phong, lửa đóm, sầu say giấc hồ
Hàn Sơn khuất bến Cô Tô
Nửa đêm thuyền khách thẫn thờ nghe chuông ..

Hải Đà

BÀN VỀ ĐỊA DANH CỦA CHÙA HÀN SƠN

Chùa Hàn-Sơn (Hàn-Sơn-Tự) ở thị trấn Cầu Phong (Phong Kiều) , phía tây ngoài tỉnh Tô Châu. Chùa được xây vào triều-đại nhà Lương (502-557), thời Nam Bắc triều ở Trung Quốc. Vào thời Đường (618-907) , một vị sư nổi tiếng có tên là Hàn-Sơn (Hanshan) đã đến trụ trì và sửa sang lại ngôi chùa này và sau đó chùa được đặt tên là Hàn-sơn-Tự. Đây là 1 trong 10 ngôi chùa lừng danh của Trung Quốc. Bài thơ "Phong Kiều Dạ Bạc" (Đêm Neo Thuyền ở Cầu Phong, A Night Mooring by Maple Bridge) của Trương Kế rất là phổ thông và được quần chúng ưa chuộng. Bài thơ có nói về tiếng chuông chùa thường được đánh vang lên nửa đêm, làm Hàn-Sơn-Tự thành một địa danh được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Chùa bị phá hủy bởi thời gian, thiên nhiên và chiến tranh, nhưng cũng đã được trùng tu nhiều lần qua nhiều thời-đại. Ngôi chùa nằm trên một khu vực rộng khoảng 45 mẫu đất , được chia làm nhiều khu vực gồm có chánh điện, một bờ tường hình vòng cung có nhiều tranh họa, một tháp chuông được gọi là Tháp Phong Kiều, được coi là di-tích quan-trọng nhất của Chùa Hàn. Cái chuông đồng được nói đến trong bài thơ của Trương Kế thật sự đã bị thất lạc từ lâu, và cái chuông hiện giờ đang trưng lãm được đúc vào triều đại nhà Thanh vào năm 1906. Khi chuông được đánh lên, những âm thanh vang vọng rền rĩ dội vào tường , xen lẫn với những tiếng tụng kinh gõ mõ của các nhà sư đã đem lại cho người nghe những cảm giác nghiêm trang, cung kính , tâm hồn chơi vơi vào tận cõi hư vô. Theo truyền thuyết tôn-giáo ở Trung-Quốc , mỗi năm người trần tục phải chịu đựng 108 nỗi ưu phiền, khổ lụy (vexations) , và khi nghe một hồi chuông vọng lên có thể gột rửa đi được một nỗi ưu phiền trần ai . Hàn Sơn Tự trở thành một danh lam thắng cảnh của thế-giới , cứ mỗi dịp Tết, ngay đêm giao-thừa sắp sửa bước qua ngưỡng cửa năm mới, các du-khách Phật Tử thường hay ghé thăm chùa nầy để nghe chuông chùa được dánh đến 108 lần, và các thiện nam tín nữ kính dâng lòng thành cầu nguyện cho sự may mắn và hạnh phúc trên đời. Tục lệ nầy đã bắt đầu từ năm 1979 . Hiện giờ trong ngôi chùa có một vuông đá khắc trạm trổ bài thơ "Phong Kiều Dạ Bạc" của Trương Kế.

ĐÔI LỜI DIỄN GIẢI

Như đã biết, Phong Kiều Dạ Bạc là một trong những bài thơ Đường nổi tiếng của Trung-Quốc và chính vì nhờ bài thơ nầy đã được dịch ra nhiều thứ tiếng mà chùa Hàn Sơn đã trở nên một danh lam thắng cảnh thu hút rất nhiều du-khách ngoại quốc đến viếng thăm hằng năm.

Một câu hỏi được đặt ra là, tại sao một bài thơ "tả cảnh thiên nhiên" với những cảnh sắc bình thường như cây cầu , bến nước, hàng phong, trăng tà, sương đầy trời, tiếng quạ kêu, khách thuyền thơ v.v... mà lại nổi tiếng và được lưu-truyền vượt thời gian và không gian ? Cái khung-cảnh "thiên nhiên" trong bài thơ này không lãnh đạm, vô tình , mà là một cảnh sắc trữ tình sống động, trầm lặng tịch liêu, bàng bạc cái tâm bao la của thiên nhiên vạn vật, làm người nhìn phải xao xuyến, đăm chiêu, rồi đắm chìm trong nỗi sầu nhớ triền miên, trong cái buồn bát ngát hư không, quay cuồng với muôn vàn nỗi nhớ thương : nhớ quê, nhớ nhà, nhớ gia-đình. Con người với một tâm thức lãng mạn, chỉ còn là một sinh-vật bé nhỏ , hữu hạn, cảm thấy cô đơn và lạc lõng , và bị bao trùm phong tỏa trong cái vũ trụ vô chung vô thủy, chìm ngập trong cái vô tận của màn đêm, cái bát ngát mênh mang của sương khói vô hình, không bến bờ. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng thi-sĩ Trương Kế, trong một đêm trăng mùa thu, neo thuyền tại bến nước Phong Kiều, lặng thầm nhìn trời đất chung quanh ... Một đêm cô liêu quạnh quẽ chỉ người và cảnh vật gợi cảm, gợi tình ... nhìn lên màn trời đen là hình ảnh của một một mảnh trăng vàng vọt đang từ từ lặn vào cõi vô cùng, và mờ mờ gần xa là một màn sương khói dầy dặt quanh thuyền mà Ông tưởng chừng hàng hàng lớp lớp sương mờ ảo hư vô đó đang tỏa dâng đầy ắp khung trời. Những làn sương khói hư ảo đó đã đem lại cảm giác liêu trai lành lạnh thấm dần vào cơ thể, cảm xúc và tâm hồn của nhà thơ. Khung cảnh đêm huyền ảo, mông lung, tịch mịch , và tiếng quạ kêu lanh lảnh như chọc thủng màn đêm cô quạnh ... Ở gần đó là cây cầu cong bắc ngang sông, chia cách kẻ bên này, người bên kia, và những lá phong đỏ ối, phơ phất trong gió, và chiếc thuyền nan neo trên sóng nước bập bềnh đã gợi lại nỗi nhớ nhà da diết , đem lại niềm sầu cảm vô biên ... Lá phong chuyển màu đỏ ối, như trong một câu thơ Kiều " Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san" , và cũng như một chiếc lá ngô đồng rơi xuống , cơn gió heo may tha thướt... là những báo hiệu cho một mùa thu đã trở về trên bến sông đất khách quê người ... "Ngô đồng nhất diệp lạc, Thiên hạ cộng tri thu " (Một chiếc lá ngô đồng rơi xuống, cả thiên hạ biết mùa thu đã trở về ...). Cái độc đáo của Trương Kế là làm cho những cảnh vật hiện hữu trở nên linh động và có hồn ... Bên cạnh những cái "tịnh" im lặng quạnh quẽ : trăng tàn, sương đầy, cây phong bên bến nước, chiếc thuyền neo lại, ngôi chùa vắng vẻ ... là những cái "động" làm bàng hoàng thảng thốt khách thơ: tiếng quạ kêu não nùng tha thiết, ánh lửa chài leo lắt, bập bùng đem lại cho người khách tha-phương một nỗi nhớ khôn nguôi, một xúc cảm lâng lâng vơi đầy . Và trong cái tĩnh lặng của màn đêm đầy sương đó , bỗng đâu rền rĩ, văng vẳng đong đưa từng hồi chuông hư vô, vọng đến thuyền chài và khách thơ nửa đêm, đã gây được sự cảm nhận tri-ngộ trong tâm hồn của người thơ khiến cho cảm xúc dâng đầy, bay bổng chơi vơi ..Trong cảnh trí buồn bã đó .... ai mà chẳng chùng lòng ....

Những cụm từ đơn lẻ và tĩnh lặng:"trăng lặn" (nguyệt lạc), "quạ kêu" (ô đề), "sương đầy trời" (sương mãn thiên), đã cho ta hình tượng được cái thời-gian xảy ra: khi trời vẫn còn đêm trước khi chạng vạng tranh tối tranh sáng ... một thời gian của buồn bã trầm thống để tạo ra sự "sầu miên". Và cái không gian của tĩnh vật: hàng cây phong bên bến sông (giang phong) , ngọn lửa chài trên thuyền (ngư hỏa) , ngoại thành Cô tô, chùa Hàn San . Trong cái thời gian và không gian huyền ảo , cô tịch đó đã văng vẳng tiếng chuông: sự độc đáo của bài thơ là đưa cái âm thanh huyền hão này vào.
Trong 2 câu thơ đầu: " Nguyệt lạc / ô đề / sương mãn thiên /Giang phong / ngư hỏa / đối sầu miên / có 5 biểu tượng cụ thể là những cảnh trí rời rạc nhưng đã liên kết lại thành một biểu tượng duy nhất để dẫn dắt đến cái biểu tượng thứ 6 mơ hồ và trừu tượng đó là sự "sầu miên" của người nhìn cảnh .

Thêm vào đó là cảnh một chiếc thuyền lẻ loi, neo lại dưới chân cầu trước sự vật sầu thảm trong cõi vũ trụ mênh mông vô thường, và âm thanh của tiếng chuông chùa ngân vang . Cái đặc trưng của tác giả khixúc cảm thành thơ là không tự đưa cái "ngã" , cái "tôi" của mình để nhận xét sự việc chủ quan , mà chỉ xem mình như một "tha nhân", một người khách thơ trên thuyền để cái tâm tự tri-ngộ với cảnh sắc thiên nhiên một cách khách quan hơn .

BÀN VỀ ÂM THANH TRONG BÀI THƠ

Theo một truyền thuyết kể lại , trong một đêm trăng ở bến Phong Kiều, có một chiếc thuyền dạo mát đậu lơ lửng trên sông, trong đó có một nhà Sư và đệ tử trụ trì tại Chùa Hàn Sơn . Nhà Sư ngẫu hứng ngâm nga 2 câu thơ:

"Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung"
(Mồng ba mồng bốn trăng mờ
Nửa dường móc bạc nửa như cung trời)

Chú tiểu thấy hay quá mới làm tiếp hai câu sau :|

"Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không"
(Một bình ngọc trắng chia hai
Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không)

Khi về chùa đã nửa đêm rồi, Nhà Sư đánh chuông lên để xin cảm tạ Đức Phật về sự hoàn thành bài thơ tứ tuyệt kể trên . Tiếng chuông này đã vọng đến bến sông mà gần đó có chiếc thuyền của Trương Kế, gợi ý nên câu cuối của bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc" Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền"(trích trang http://www.geocities.com/SoHo/Study/1080/index.html)
Như vậy "âm thanh" của tiếng chuông chùa nửa đêm chính là nét đặc thù, biệt điệu của bài thơ nầy .

Các tác giả Trung-Hoa Cao Hữu Công - Mai Tổ Lân trong sách nói về"Nghệ Thuật Ngôn Ngữ Thơ Đường" (do Trần Đình Sử và Nguyễn Khắc Phi dịch) có bàn luận về đặc trưng của âm thanh trong nghệ-thuật thơ Đường. Thính giác được cảm nhận thông thường từ những biểu hiện do nhạc khí hoặc vật thể tạo ra tiếng, những sinh vật phát ra tiếng chẳng hạn như "nhân ngữ" (người nói) , "mã tiêu" (ngựa hí) , "điểu minh" (chim hót) . "Thanh" là biểu tượng của thính giác : chung thanh (tiếng chuông), tuyền thanh (tiếng suối), thủy thanh (tiếng nước) , lãng thanh (tiếng sóng) , trạo thanh (tiếng chèo) v.v...).

Bài thơ "Phong Kiều Dạ Bạc" đã nổi tiếng là nhờ tác-giả đã đưa tiếng chuông chùa vào câu cuối, đã gây ra sự bàn cải sôi nỗi, về thời gian và không gian . Hai danh từ ghép "Chung + Thanh" đã làm cho cái biểu tượng "thính giác" của sự nghe được tăng cao và gây một ấn tượng sâu đậm hơn . Chính cái âm-thanh của tiếng chuông rền rĩ này đã làm lay động được màn cô liêu tịch mịch, để diễn tả được nỗi lòng "sầu miên" của khách thuyền (tha nhân) mà cũng chính là người thơ . Từ những nhận thức về sự vật, phong cảnh chung quanh, của một thế giới ngoại cảnh khách quan, từ đó để dẫn dắt đến và khuấy động tư-duy và nhận thức của người thơ để đưa đến cái cảm giác vô hình trừu tượng , tình và cảnh đã gắn bó với nhau một cách mật thiết và hài hòa, qua kỹ thuật điêu luyện xử dụng ngôn ngữ thơ chắt lọc, lựa chọn và cô động trong một bài thơ chỉ có 4 câu và 28 chữ, nhưng đã nói lên được cái nghệ thuật sống động, cái tâm hồn thư thái, quan niệm nhân sinh, tư duy phóng khoáng, đa dạng và phong phú, làm cho người đọc cảm thấy một sự đồng tâm, đồng điệu kết giao giữa tình và cảnh. Cái âm thanh huyền diệu của tiếng chuông chùa trong bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc chẳng khác cái âm thanh của chiếc sáo gió vi vút mấy tầng không trong một câu thơ bất hủ của Đỗ Phủ :
"Lạc nhật lâu đài nhất địch phong" (chiều tàn, mặt trời khuất, trên lâu đài, có tiếng sáo gió vút lên cao )....

VÀI CẢM NGHĨ VỀ CÁCH DỊCH THƠ ĐƯỜNG

Chúng tôi xin trích dẫn vài dòng trong bài tham-luận "DỊCH LÀ ĐỐI THOẠI" của Nhà thơ và dịch giả Khương-Hữu-Dụng " Cám dỗ thứ nhất rủ rê ta quá nệ vào "nghĩa" . Thơ không phải có "nghĩa" mà còn có "chữ" , mà "chữ" trong câu thơ đều có giấy chứng minh riêng do nhà thơ cấp . Chính diện mạo riêng cũng như bố cục riêng của chữ tạo thành sức sống trường kỳ của câu thơ . Chỉ tập trung vào "nghĩa" mà quên "chữ" sẽ cho ta một bản dịch tưởng là đúng cực kỳ , nhưng mà sai ghê gớm vì người dịch đã vô tình mắc trọng tội giết chết bài thơ để cung cấp cho ta một cái "xác", giống thì giống thật, nhưng không có "hồn" ..."(KHD).
Mặt khác, một học giả Trung-Hoa cho rằng việc dịch thơ cần phải dưạ trên ba yếu tố căn bản và thiết yếu là " Tín , Đạt, Nhã".

"Tín" là đòi hỏi phải trung-thành với nguyên-bản của bài thơ, cần nghiền ngẫm chu-đáo kỹ lưởng, tìm hiểu lai lịch gốc tích, ý nghĩa của từng từ ngữ, cũng như điển tích của từ ngữ thơ , để cảm nhận nét hay vẻ đẹp của bài thơ gốc .

"Đạt" là đòi hỏi chính xác và thành đạt như bài thơ gốc, đúng như tư duy và cảm nghĩ, ý tưởng của tác giả bài thơ .

"Nhã" nghĩa là trang-nhã, đẹp và hay, đọc bài thơ dịch cần có âm điệu, đọc lên gây sự rung cảm sâu xa cho người đọc .

Nhưng nếu theo đúng khuôn mẫu, phép tắc của ba yếu tố "Tín, Đạt, Nhã" thì e rằng việc dịch thơ sẽ khó khăn vô cùng ....Cho nên dịch thơ đôi khi cũng cần sự phóng khoáng, cởi mở và không phải gò bó theo đúng khuôn phép, tuy nhiên tránh việc làm lệch lạc "ý" của bài thơ gốc , nghĩa là phải lựa chọn chữ để đem được cái "ý tưởng" , "tâm hồn" và "thần sắc'' vào bài thơ dịch, để độc giả khi đọc bài thơ đó tự-nhiên có cảm tưởng biết ngay cái nguồn gốc của bài thơ dịch là từ đâu ... Chứ không thể thêm thắt bừa bãi để biến thành "dịch" là "phản" thì thật là bất công và vô tâm đối với tác-giả bài thơ gốc . Theo thiển ý của chúng tôi , các địa-danh (danh từ riêng của tên, họ, địa điểm ....) nên giữ đúng nguyên văn, như thành Cô Tô, chùa Hàn Sơn, hoặc nếu cần để bài dịch đúng âm điệu và thi-pháp thì có thể nói một cách khái quát như "thành" hoặc "bến" (Cô Tô) , hay chùa (Hàn Sơn). Chứ một địa-danh như Chùa Hàn Sơn mà dịch là "Núi Lạnh" (Cold Mountain) thì không hiểu rằng có "phản bội" ngôn-từ nguyên-bản hay
không ?
Thơ không phải là ngôn ngữ của "khoa học" (một cộng với một là hai ) mà thơ là nguồn tinh-khôi của cảm nhận và ý tưởng hòa đồng, và từ sự vật cụ thể để dẫn dắt đến cái trừu tượng bao la khó diễn tả, không thể sờ, mó, ngửi ... mà chỉ cảm nhận bằng tâm hồn và cảm xúc . Thơ là một ngôn ngữ của trực quan , có sức truyền cảm mãnh liệt . Sở dĩ chúng tôi xin nêu ra vài quan-điểm về sự dịch thơ để tìm một giải đáp có thể chấp nhận trong việc tìm hiểu và giải thích ý nghĩa những từ ngữ "sầu miên" và "phong kiều"

"SẦU MIÊN" CÓ PHẢI TÊN CỦA NGỌN NÚI HAY KHÔNG ?

Trong Nguyệt San Y Tế số tháng 8-2001, tác giả bài viết đã đặt nghi vấn : "Hay là chỉ tại vì chữ Nho không có lối viết hoa khác với lối viết thường để phân biệt danh từ thường (nom commun) với danh từ tên (nom propre) nên các cụ Thâm Nho nhà mình đã hiểu lầm? "( nguyên văn)
Để hiểu rõ "sầu miên" không phải là danh từ riêng, không phải là tên của một ngọn núi, tưởng chừng cũng nên nhắc lại sơ lược diễn tiến cấu tạo chữ Hán.
Hán tự có nguồn gốc lâu đời như lịch sử Trung Hoa. Khởi thủy người ta phỏng vẽ lại hình tượng các vật để làm chữ, gọi là đơn tự. Lấy ví dụ hình ô vuông là chữ khẩu (cái miệng ).
Khi nền văn hóa tiến triễn, nhu cầu chữ viết gia tăng, những chữ mới được thiết lập thêm bằng nhiều cách như vẽ thêm nét hay ghép những chữ đã có với nhau, để có nhiều đơn tự mới. Lấy ví dụ như chữ khẩu nói trên, nếu thêm chữ thập, tức là dấu cọng, vào ở giữa để chia ô vuông ra làm bốn phần, thì hóa ra chữ điền có nghĩa là thửa ruộng hoặc là ghép 3 chữ khẩu gần nhau thì ra chữ phẩïm nghĩa là giá tri, tốt xấu.
Sựï thêm thắt sáng tạo này đươc hệ thống thành từng bộ. Các bộ chữ này được đặt tên như Kim, Mộc, Thủy, Thổ, Hỏa, vân vân... để tiện cho việc thiết lập và tra khảo.
Văn minh tiếp tục tiến lên, nhiều đơn tự được kết lại thành từ ngữ hay chữ kép, nhằm đáp ứng nhu cầu diễn đạt ý tưởng của con người. Khác loài thú, homo sapiens có khối chất xám biết suy tư , biết cái thú vị của Cầm, Kỳ, Thi, Họa...
Chữ Hán qua tiến trình sáng tạo như vậy trở thành một ngôn ngữ lớn, có đầy đủ các từ chung (commun), từ riêng (propre), từ đơn , từ kép . Chỉ có điều là chữ Hán không phân biệt chữ hoa chữ thường như lối viết của chữ Việt hay Anh, Pháp ngữ, mà người ta thường phải dùng lối viết hoa để phân biệt một danh từ riêng.

Nhưng đừng vội kết tội cho cái sự kiện đó là nguyên nhân gây ra việc dùng chữ Hán bị hiểu lầm ý nghĩa giữa danh từ riêng hay chung bởi hai lẽ:
Lẽ thứ nhất : Hán văn có nhiều đơn từ đồng âm nhưng dị nghĩa vàdị tự, nghĩa là có nét chữ viết hoàn toàn khác biệt và dĩ nhiên khác nghĩa. Lấy ví dụ như chữ HÀN có nghĩa là lạnh, đây là một từ chung, khác với chữ HÀN là Triều Tiên, và đây là một danh từ riêng, không thể lầm lẫn qua nét viết. (Hán Việt tự điển, NVK, quyển thượng, trang 353).
Lẽ thứ hai: Như đã nói Hán văn có từ ngữ , chữ kép, để định rõ trường hợp một danh từ riêng. Hãy lấy ngay ví dụ chữ hàn , tựï nó là đơn tự, chỉ có nghiã chung, nhưng khi Thi Sĩ Trương-Kế gieo vần thơ, Ông đã kết hợp với chữ sơn và chữ tự, thì Hàn Sơn Tự biến thành danh từ riêng, chỉ tên của một ngôi chùa.
Qua nhận xét về cách viết của Hán tự và căn cứ vào các nguyên bản chữ Hán của bài thơ, cùng tra cứu nhiều tựï điển chữ Hán, chúng tôi, một lần nữa, không ngần ngại đồng ý với các dịch giả Đông Tây Kim Cổ rằng "sầu miên" trong bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc không phải là danh từ riêng, không chỉ tên của một ngọn núi, trừ khi Thi Sĩ họ Trương tái thế, cầm bút mực gieo lại vần thơ làm sao cho có thêm chữ "sơn" hay "san" đi kèm , thì sầu miên sơn hay sầu miên san, lúc ấy mới đúng là một danh từ riêng chỉ tên một hòn núi.

Tưởng cũng nên nói thêm về chữ SẦU ở đây, đã được tra xét trong sách vở, không có một đơn tự nào đồng âm dị nghĩa hay dị tự với nó. Dẫu rằng Sầu mang ý nghĩa trừu tượng , nhưng qua quá trình thành lập chữ, người xưa cũng đã sáng kiến gài vào đó chữ Tâm có hình vẽ và ý nghĩa thực tế của một quả tim với bộ đồ lòng quen thuộc trong lục phủ ngũ tạng của con người . Thì ra, từ gốc rễ , chữ nghĩa cũng cần có sự giao lưu để diễn đạt ý và để có thể nói rằng thực tế và trừu tượng là hai yếu tố như hình với bóng bất khả phân ly, trừ khi vạn vật đắm chìm trong u tối.
( Trích Sưu Khảo của Vương-Huệ trong http:// phanchautrinhdanang.com )

Và trong thơ văn cho rằng cái cụ thể bắt buộc phải đối với cụ thể, nghe chừng như nghịch nhĩ ...
Bài viết của tác giả (NSYT 8-01) có đề-cập đến một đoạn nhận xét của Mai-Nguyệt trong bài Đi tìm Di Tích Lịch Sử Bách Việt Qua Thi Ca Kim Cổ Hoa Việt của học giả Hương Giang TVK rằng : 2 chữ Sầu Miên là tên hòn núi lớn đối diện với bến Phong Kiều, là cầu bắc ngang sông có trồng nhiều cây phong, tức là hai cảnh trí cụ thể vật chất mới đối diện (opposite) với nhau được, chớ một vật cụ thể không thể đối diện với sự ngủ buồn vô hình dung (và sự dẫn chứng bằng ... một bức tranh màu...)
Thiết tưởng một vật cụ-thể đối diện với một cụ thể chỉ là một dẫn chứng có tính-chất khoa-học vật thể khô khan, chứ không phải là một dẫn chứng và diễn giải áp dụng cho ngôn ngữ Thơ nữa . Còn đâu là "tức cảnh sinh tình" ...." Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ....." . Chúng ta hãy tưởng tượng ở một bến sông, với mùa thu có gió heo may, một chiếc thuyền lơ lửng bên một cây cầu với những cành cây phong khẳng khiu, lá đỏ rụng buồn xơ xác, một đốm lửa chài chập chờn leo lắt ... thì chắc chắn không cần phải có một tâm hồn thi-nhân mới cảm thấy bâng khuâng xao xuyến để mà "sầu miên " được hay sao ? Và nếu hòn núi đó không có cái tên "Sầu Miên" và có một cái tên khác sáng chói hơn, rực rỡ hơn ....chẳng hạn như ngọn núi có tên "bồng tiên" (bồng lai tiên cảnh ,một nơi chốn, cỏ cây xanh tươi tốt, đàn ca vui vẻ) hoặc có cái tên thật bi đát như "trường miên" (ngủ luôn = chết) v.v.." thì hỏi thử nhà thơ Trương Kế có đem tên hòn núi đó vào thơ hay không ???

Nếu chúng ta lạc lõng vào thế giới Thơ, thì có lẽ không ai bắt buộc "cụ thể" không được đi đôi với "trừu tượng", chúng ta thử đọc 4 câu thơ thể loại mới sau :

"Đối diện đêm là núi sầu bất tận
Chỗ tim tôi, máu chảy ngược khơi nguồn
Nơi yên vắng chốn đi về ẩn mật
Tình lênh đênh trên sóng nhớ, biển cuồng "

Những chữ "núi , sóng , biển " là những chữ "cụ thể" nhưng đã đem lại cho người đọc tưởng tượng và hình dung được những cái "trừu tượng" như "sầu" chất ngất như "núi", nỗi "nhớ" vời vợi như sóng cao và cái "cuồng" nhiệt mênh mang, bập bềnh, và triền miên như biển rộng .

Cũng như trong một bài Đường-thi Y CHÂU CA của Vương-Duy có 4 câu:

"Thanh phong minh nguyệt khổ tương tư
Đãng tử tùng nhung thập tải dư
Chinh nhân khứ nhật ân cần chúc
Quy nhạn lai thì số phụ thư "

"Trăng thanh, gió mát, muôn trùng nhớ
Chinh chiến mười thu vắng bóng chàng
Một thuở người đi còn nhắn lại
Nhạn về xin gửi cánh thư sang"
Hải Đà phỏng dịch

Những hình ảnh cụ thể như Trăng (thấy được) , Gió (cảm nhận được) đã đưa đến một sự "trừu tượng" là "khổ tương tư" (nhớ nhau da diết) . Một đêm trăng giữa trời đêm mênh mông bát ngát và cơn gió hiu hiu thổi làm chạnh lòng tê tái người thiếu phụ nhớ chồng đi lính đồn xa một cách tha thiết và trữ tình, trong một trạng thái "tương tư ", nếu cụ thể đối với cụ thể, thì chẳng lẽ phải đem ra một giả-thuyết là có trăng thanh, gió mát, trên một con sông có tên là "Tương Tư " ? Những hình ảnh trong bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc : chiếc cầu quạnh quẽ với hàng cây phong cô liêu, lập lòe ánh lửa chài , mà chẳng mang lại sự sầu cảm nhập vào cõi mơ của người "đối" diện với những cảnh vật buồn não nuột và hiu hắt này hay sao ?
Theo Hán-Việt Tự-Điển của Đào-Duy-Anh Chữ "Đối" có nhiều nghĩa như :đáp laiï, ứng với (cùng với) , thành đôi (cặp đôi), bằng ngang nhau, hợp với, xoay về ...Từ ngữ Hán rất phong phú và đa dạng trong việc giải thích cái nghĩa, cần phải dựa vào nguyên văn cả bài thơ, ví dụ có những thành ngữ hán-việt như : "Đối hoa huy lệ" = trước cành hoa mà gạt nước mắt ( đa sầu đa cảm vì nhìn cánh hoa), "Đối thiên phát thệ" = đối với trời nói lên lời thề (người có niềm đau riêng)....
Trong bài thơ "Nguyệt Hạ Độc Chước" (Dưới Trăng Uống Rượu Một Mình) của Lý-Bạch , có 4 câu như :

Hoa gian nhất hồ tửu
Độc chước vô tương thân
Cử bôi du minh nguyệt
Đối ảnh thành tam thân ....

Giữa hoa một bầu rượu
Khề khà chỉ mình ta
Nâng ly mời trăng tỏ
Với bóng nữa thành ba
(Chữ "đối" có nghĩa là "cùng, với" , giữa 2 cái cụ thể là "ta, trăng" cùng với cái trừu tượng là "bóng")

Dẫn chứng ngọn núi "Sầu Miên" bằng bức tranh ....cũng chỉ là sản phẩm tưởng tượng của người họa sĩ mà thôi vì "Tranh chỉ là ... Thơ không lời ". Thành Cô Tô trong câu thơ thứ 3 cũng chính là một dãy núi rồi . Trong 4 câu thơ ngắn ngủi và nổi tiếng này nếu Trương Kế đem hết vào 4 địa-danh cụ thể đối chọi với nhau thì đâu còn cái cảm xúc chân thành của "hồn" thơ nữa !
Cũng bàn về sự vật cụ có thể dẫn dắt đến cái trừu tượng là sự tưởng tượng , chúng ta hãy thưởng ngoạn hai câu thơ của Đỗ Phủ như trăng lồng nước, như bóng trong gương sau đây , thực mà hư, hư mà thực:

"Hương vụ vân hoàn thấp
Thanh huy ngọc tí hàn"
(Sương thơm mây thẫm ướt
Ánh xanh ngọc lạnh lẽo"

Mới đọc ta chúng ta chỉ nghĩ đây là những hình ảnh cụ thể, đâu có gì thâm thúy và sâu sắc, nhưng thật ra nhà thơ Đỗ Phủ đã dùng hình ảnh cụ thể chỉ để nêu lên cái hình ảnh "trừu tượng" khác ẩn hiện trong trí tưởng tượng của ông mà thôi là hình ảnh "mây" là "tóc mây" , hình ảnh "ngọc" là "tay ngọc" của hiền-thê Ông trong một đêm nhìn trăng nhớ chồng đi xa .
Từ những sự thể nhỏ bé ở trong cái không gian bao la của vũ trụ ( bầu trời đầy sương xem như cõi vô tận), nhờ có một tâm hồn thơ, một tinh thần ung dung tự tại, thi-nhân mới có thể cảm nhận và chiêm nghiệm và từ đó đưa đến và hình thành những câu thơ vi diệu và độc đáo , chi phối mãnh liệt tâm hồn người đọc, và dẫn dắt người đọc thơ đi "dạo" chơi giữa cái lâng lâng vô cùng ... mà không hề hay biết ...
"Thiên địa vô cùng cực, nhân mệnh nhược triêu sương (Tống Ưng Thị của Tào Thực )
(Đất trời vô cùng tận, kiếp người tựa sương mai)

Một đặc trưng khác của thơ Đường là "thiên, địa, nhân" nối kết và liên hợp và con người chỉ muốn hòa nhập, gắn bó mật thiết vào không gian và thời gian diễn tả trong bài thơ mà chúng tôi đã đề cập ở trên .
Nếu cụ thể phải đối với cụ thể thì làm sao nẩy sinh ra những câu thơ rất là trừu tượng và mơ hồ từ những cảnh trước mặt như :

"Tôn lý ngộ phong vũ
Song tiền động ba đào"
(Trong chén rượu gặp gió mưa
Trước cửa sổ động sóng dữ)

hoặc những ẩn dụ hay ám chỉ mơ hồ:
"Thuyền tại hải thượng canh vân"
(Thuyền cày trên biển cả)
Đi vào cõi thơ là những bước chân hụt hẫng chênh vênh giữa tịnh và động, giữa cụ thể và trừu tượng, giữa xác thực và mơ hồ......

"GIANG PHONG" CÓ PHẢI LÀ TÊN CỦA HAI CÂY CẦU ?

Cũng trong bài viết của tác giả trong NS Y-Tế 8-2001, có đề cập đến một đoạn văn của Thi Sĩ Tiểu Quỳnh : "theo lời thuật lại của các tăng-lão của chùa này thì hai chữ "giang phong" trong câu "Giang Phong ngư hỏa đối sầu miên ", chữ Giang chỉ Giang-Thôn-Kiều và chữ Phong chỉ Phong-Kiều là hai cầu ở phía Đông và Tây , nay vẫn còn, bắt qua con kinh trước chùa, cách xa nhau lối 100 thước, đều là cầu vồng cao, dưới cầu có một hang để ghe thuyền qua lại " (tác giả dẫn chứng bài "Đàm Cổ Luận Kim Hàn-Sơn-Tự" viết trong tạp chí Trung-Hoa Kiến-Thiết số 6-1983) .

Theo một tài liệu khác, dưới đề mục Những Sự Kiện và Giai-Thoại Cũ đã bàn về sự kiện là có hai cây cầu ở Giang Phong (Maple River) đối diện với chùa Hàn-San. Ở phía Bắc là Cầu Phong = Phong Kiều (Maple bridge) và phía Nam là Cầu Làng = Thôn Kiều. Sự khác biệt giữa hai chữ phong (maple) và thôn (village) đã đưa đến sự diễn-giải khác nhau về bài thơ nầy . Nhiều ý-kiến khác nhau , nhưng đến nay cũng chưa có một kết luận cụ-thể nào cả. Hơn nữa, tác giả Wang Zhi-fang trong một cuốn sách luận bàn về Thơ có trích lời của tác-giả Yang-Xiu : Thành phố cổ Giang Tô (SuZhou), nơi có ngôi chùa Hàn-San, trong thuyền tôi nghe tiếng chuông chùa như trong bài thơ đường của Trương Kế . Như vậy có người bàn rằng có sự khác biệt về nơi chốn (không gian) là ở gần thành Cô To â(by the city) hay ngoại thành Cô Tô (outside the city) . Nhiều sự giải thích khác nhau, nhưng cũng không ảnh hưởng gì đến bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc đã được quần chúng chập nhận là đúng như bản ghi ở trên ."
(Past Events and Anecdotes - Various Versions of The Poem "Night Anchorage at Maple Bridge: The fact is that there are two bridges over the Maple River opposite to Han Shan Temple. The northern one is Maple Bridge and the southern one Village Bridge. The difference between "maple" and "village" would produce different interpretation of the poem. As opinions vary, no unanimous conclusion can be drawn thus still. Furthermore, Wang Zhi-fang quoted in his "On Poetry" what was said by O Yang-xiu "There is ‘By the ancient suzhou city lies Han Shan Temple, At midnight I hear in my boat its bell’ composed by a Tang poet." Then there is also difference between "by the city" or "outside the city". Various versions as there have been, anyway, they still make no influence upon the generally accepted one at present.)
(trích dẫn :http://www.sz.js.cn/english/culture/custom/past/past15.htm)


Lẽ đó, theo những tài liệu và dữ kiện mô tả dẫn thượng, về địa lý địa danh, thi sĩ Tiểu Quỳnh đã dẫn chứng rằng có hai cây cầu ở gần chùa Hàn Sơn là rất đúng, và thật ra tên của hai cây cầu nầy là "Phong Kiều" và"Thôn Kiều"; nhưng mặt khác, chữ"Giang Phong" theo cái nghĩa trong bài Phong Kiều Dạ Bạc mà các học-giả nhà Nho Việt Nam gọi là "dòng sông có cây phong " (bến phong) rất là chính xác đúng ý đúng nghĩa, duy chỉ còn vấn đề mà người ta thường bàn cải là tác-giả Trương Kế khi cảm tác bài thơ nầy là nằm trên thuyền ở bến "Phong Kiều" hay " Thôn Kiều" mà thôi (không có cầu nào gọi là "Giang Thôn Kiều" ). Nhưng dù ở cầu nào chăng nữa thì cái gợi cảm của bài thơ không phải là địa-danh của cây cầu mà chính là những hàng cây phong lá đỏ úa báo hiệu một mùa thu chuyển mùa (thời-gian của bài thơ) và tiếng chuông chùa ngân vang nửa đêm. Cái người ta bàn cãi là bàn cãi về đề tựa của bài thơ là "Phong Kiều Dạ Bạc" hay "Thôn Kiều Dạ Bạc" mà theo quần chúng cũng như các nhà nghiên cứu văn-học-sử Trung Quốc thì họ vẫn chấp nhận cái nơi chốn không gian đúng của bài thơ nầy là ở bến Phong Kiều mà thôi. Sỡ dĩ có sự tranh cãi vì chữ Phong (cây phong có tên khoa-học Liquidambar formosana ) .... và chữ Thôn (làng) trong chữ Hán nét viết gần giống nhau, chữ khắc trên đá do sự xoi mòn của thời gian nên bộ chữ bên phải hơi bị mờ nên mới có sự "tam sao thất bổn" gây ra ngộ nhận nầy ....
(Another difference is between "maple" and "village". When inscribing the poem "Night Anchorage At Maple Bridge", Yu Yue wrote in its postscript, "Originally, there was the poem of ‘Night Anchorage At Maple Bridge’ written by Wen Dai-zhao. While so long as it was, the characters have become dim. In 1906, the minister Zhong Cheng had several pillars built in the temple and entrusted me to make the inscription." At the back of the slabstone there is also an appendix---the poem ‘Night Anchorage At Maple Bridge’ of Zhang Ji in Tang dynasty has been enjoying great popularity. )

Thêm MỘT BÀI THƠ nói về Chùa Phong Kiều

Vào đời Tống, có thi-sĩ Tôn-Định khi đi ngang qua bến Phong Kiều này cũng cảm hứng làm một bài thơ cũng với nội dung tương tự như thế :

QUÁ PHONG KIỀU TỰ

Bạch thủ trùng lai nhật mộng trung
Thanh sơn bất cải cựu thời dung
Ô đề nguyệt lạc kiều biên tự
Ỷ trẩm do văn bán dạ trung
(Tôn Định - Đời Tống)

GHÉ QUA CHÙA PHONG KIỀU

Tay trắng hoàn tay giấc mộng suông
Cảnh xưa sắc núi mãi xanh cùng
Quạ kêu, trăng lặn, bên chùa vắng
Tựa gối, đêm nằm, vẳng tiếng chuông
(Hải Đà phỏng dịch)


BẢN DỊCH ANH NGỮ CỦA VĂN-THI-SĨ TRUNG HOA TRÊN LIÊN MẠNG

1- NIGHT MOORING AT MAPLE BRIDGE
The moon descends, and crows cry in the frost-filled sky.
I gaze at the riverside maples and fisherman's light in melancholy sleeplessness,
Then, outside the town of Suzhou, the night bell of Han Shan Temple,
Reaches as far as my boat.
(http://www.apec2001fm.gov.cn/suzhou/e-suzhou/suzhou.htm)

2- ANCHORING AT NIGHT BY THE FENGQIAO BRIDGE
The moon sets and crows crow in a frosty sky,
the fisherman dozes off by his fishing light at the Feng Bridge;
the bell in Hanshan Temple on the outskirts of Suzhou chimes,
and arrives the passenger boat at midnight
(http://www.shanghai-rr.com/e-shrr/surround%20areas/main-3.htm)

3- A NIGHT'S MOORING AT THE MAPLE LEAF TREE
Moon sets, crows cry and frost fills all the sky;
By maples and boat lights, I sleepless lie.
Outside Suzhou Hanshan Temple is in sight;
Its ringing bells reach my boat at midnight.
(http://www.chinapage.org/poet.html)

4- OVERNIGHT STAY AT FENG QIAO
The moon goes down and in frost-filled air rings crow's cry,
Sleepless, in the shadow of riverside maples, I stare at the fisherman's lantern.
Away from the town of Suzhou stands Han Shan Temple,
The chime of its mid-night bell reaches as far as my boat."
(http://202.84.17.73/english/temple12.htm -Xinhua News Services)

5 MOORING FOR THE NIGHT AT FENGQIAO BRIDGE
The moon goes down, crows cry under a frosty sky,
Dimly lit fishing boats' neath maples sadly lie.
Beyond the Suzhou walls the Temple of Cold Hill
Rings bells, which reach my boat, breaking the midnight still.
(http://www.chinatour1.com/Jiangsu.htm -Jiangsu)

6- NIGHT-MOOR AT MAPLE BRIDGE
Moon set, crows caw, frost fills the sky
River maples, fishing fires, drowsing in sorrow
Outside Gusu City, the Cold Mountain Temple
At the midnight bell, arrives the visitor's boat
(Zhang Ji)

7- A NIGHT-MOORING NEAR MAPLE BRIDGE
While I watch the moon go down, a crow caws through the frost;
Under the shadows of maple-trees a fisherman moves with his torch;
And I hear, from beyond Suzhou, from the temple on Cold Mountain,
Ringing for me, here in my boat, the midnight bell.
(Witter Bynner)

Ngoài 1 bản dịch của tác-giả người Mỹ (bản dịch số 7), các bản dịch khác kể trên (6 bản) đều của các văn-thi-sĩ Trung Quốc, người bản xứ và chắc chắn là thông-hiểu ngọn ngành gốc tích ngôn ngữ của họ, giới thiệu phong cảnh du-lịch của ngôi Chùa Hàn Sơn (Cold Mountain = Núi Lạnh ?) này, chúng tôi không thấy có một bản dịch nào đã đề cập và giải thích "hai cây cầu" hoặc một ngọn núi có tên là "Sầu Miên" như trong bài "Giang Phong và Sầu Miên" đã đăng trên NSYT 8-01.

Có một ghi chú cần phải nhắc đến là trong China The Beautiful : Readers' Discussions, Comments & Inquiries - Subject : A Night-Mooring Near Maple Bridge, thi-sĩ Julian Yiu không đồng-ý với câu số hai của bài dịch 3 Under the shadows of maple-trees a fisherman moves with his torch, có nêu ra một giả thuyết chưa được chứng minh là có ngọn núi tên là "Sầu Miên" Và trong trường hợp nầy có thể dịch là The Maples leaves are red as fire; I sleep facing the Sau Min mountain. Nhưng chính thi-sĩ Julian Yiu đã đề-nghị và thích câu dịch này hơn The Maples leaves are red as fire; I sleep with loads of sadness. (I prefer this interpretation as it is more poetic - Julian Yiu) . Ngọn núi có tên là Sầu Miên chỉ là một giả thuyết tưởng tượng, không nghiêm chỉnh và lịch sử và địa-lý Trung-Hoa không ghi chú tên ngọn núi này ngoài tên ngọn núi Hàn Sơn ( được dịch là Cold Mountain ?), là nơi danh-lam thắng cảnh đã thu-hút rất nhiều du-khách ngọai quốc đến thăm viếng hàng năm .


NHỮNG BÀI THƠ DỊCH VIỆT NGỮ CỦA CÁC THI-SĨ MUÔN PHƯƠNG

Bản dịch Tản Đà :
Trăng tà tiếng quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

Bản dịch Trần Trọng Kim :
Quạ kêu trăng lặn sương rơi
Lửa chài cây bãi đối người nằm co
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn

Bản dịch Ngô-Tất-Tố:
Quạ kêu sương tỏa trăng lui
Đèn chài cây bến đối người nằm khô
Chùa đâu trên núi Cô Tô
Tiếng chuông đưa đến bên đò canh khuya

Bản dịch Phạm Khắc Trí:
Bài 1:
Quạ kêu, trăng lạc, sương mờ,
Hàng cây phong ngủ bên bờ sông xưa,
Lửa chài leo lét đong đưa,
Nửa khuya, vẳng tiếng chuông chùa... mù khơi.
Bài 2:
Trăng lẩn, quạ kêu, sương mênh mông,
Đốm lửa chài xa lạc bến Phong,
Nửa đêm thanh vắng, trong thuyền khách,
Vẳng tiếng chuông khuya... những não lòng.
Bài 3:
Trăng lẩn, quạ kêu, trời đầy sương,
Ánh lửa chài xa quyện vấn vương,
Hàng cây phong ngủ bên bờ vắng,
Văng vẳng chuông khuya vỗ mộng thường.

Bản dịch Phạm-Vũ Thịnh
Đêm Neo Bến Phong Kiều
Bài 1:
Trăng tà quạ rúc trời đầy sương
Cây im lửa đóm người nằm suông
Cô Tô bến lặng đêm già nửa
Chùa cổ Hàn Sơn vẳng tiếng chuông
Bài 2:
Trăng tà quạ rúc trời sương
Cây im lửa đóm nằm suông hững hờ
Nửa đêm neo bến Cô Tô
Hàn Sơn vẳng tiếng chuông chùa buồn tênh

Bản dịch Vương Uyên
Bài 1:
Trăng khuất quạ kêu trời phủ sương
Lửa chài bến nước cõi sầu vương
Cô Tô đêm vắng thuyền ai đậu
Tĩnh lặng Hàn San vọng tiếng chuông
Bài 2:
Trăng tàn sương phủ quạ kêu
Lửa chài, bến nước, dệt thêu mộng sầu
Cô Tô tĩnh mịch đêm thâu
Hàn San chuông điểm thuyền câu lặng tờ

Bản dịch Ngọc Ẩn - (Tokyo 2001)
Quạ kêu, trăng lặn, sương mù
Đêm nằm không ngủ, cây ru lửa chài
Cô Tô đậu chiếc thuyền ai
Nửa đêm vọng tiếng chuông dài Hàn Sơn

Bản dịch Bùi Khánh Đản:
Trăng lặn sương mờ nghe tiếng quạ
Lửa chài cây ánh giấc chưa yên
Cô Tô bên mái Hàn sơn tự
Đêm muộn chuông ngân vẳng đến thuyền

Bản dịch Trần Trọng San :
Quạ kêu trăng lẩn sương trời
Buồn hiu giấc ngủ lửa chài bến phong
Đêm Cô Tô vẳng tiếng chuông
Chùa Hàn Sơn đến thuyền sông Phong Kiều

Bản dịch Nguyễn Thế Nữu:
Quạ kêu, trăng lặn, trời đầy sương
Phong bến, lửa chài, sầu mộng vương
Chùa ngoại thành Tô, trên núi Lạnh
Nửa đêm thuyền khách nằm nghe chuông

Bản dịch Đinh-Vũ-Ngọc :
BAN ĐÊM ĐẬU THUYỀN Ở BẾN PHONG KIỀU
Quạ kêu, Sương phủ, Trăng thâu
Lửa chài, Cây bến lặng sầu trong mơ
Cô Tô, Chùa vắng khuya mờ
Tiếng chuông tìm viếng khách thơ trong thuyền

Bản dịch Ngô-Văn-Phú:
ĐÊM ĐỖ THUYỀN Ở PHONG KIỀU
Quạ kêu, trăng xế ngang đầu
Lửa chài cây bến gối sầu ngủ mơ
Thuyền ai ngoài bến Cô Tô
Nửa đêm lạnh tiếng chuông chùa Hàn san ....

Bản dịch Lê-Nguyễn-Lưu:
Sương mờ, quạ giục ánh trăng phai
Cây bến sầu mơ ngọn lửa chài
Ngoài ngõ Cô Tô chùa núi Lạnh
Nửa đêm chuông vọng tới thuyền ai

Bản dịch Ái Cầm:
THUYỀN ĐẬU BẾN PHONG KIỀU
Quạ kêu trăng khuyết trên cành sương
Đốm lửa hắt hiu giữa đêm trường
Cô Tô thuyền đỗ sầu in bóng
Hàn Sơn Chùa vọng tiếng chuông ngân

Trăng khuyết trên cành sương quạ kêu
Lửa chài sông quạnh bến cô liêu
Cô Tô thuyền đậu trong đêm vắng
Chuông Hàn Sơn động sóng đìu hiu

Bản dịch Nguyễn Khuê:
Trăng lặn quạ kêu trời phủ sương
Lửa chài cây bến giấc sầu vương
Chùa Hàn ngoài ải Cô Tô vắng
Thuyền khách đêm khuya vẳng tiếng chuông

Bản dịch KD:
Trời sương, trăng lặn, quạ kêu luôn
Ngủ đối cầu phong lửa cá buồn
Thuyền đậu thành Tô chùa núi Lạnh
Nửa đêm chuông nện tiếng boong boong

Bản dịch Nguyễn Hà:
Tiếng nhạn kêu sương, nguyệt cuối trời
Bờ phong sầu hắt lửa thôn chài
Hàn sơn chuông vẳng Cô tô lại
Khuya khoắt lay thuyền động giấc ai

Bản dịch Nguyễn Hùng Lân:
Trăng tà quạ gọi sương lên
Bờ cây chài lửa đôi bên giấc sầu
Chùa Hàn San giữa đêm thâu
Tiếng chuông thành ngoại đưa vào thuyền nhân


KẾT LUẬN:

Bằng những dữ kiện và tài liệu mô tả dẫn thượng mà cụ thể nhất là những bài thơ dịch qua Anh-ngữ của các thi-dịch-giả Trung Quốc đối chiếu với những bài dịch Việt-ngữ của các thi-dịch-giả Việt Nam, chúng ta hiểu được phần nào ý nghĩa của hai chữ Giang Phong và Sầu Miên trong bài Đường thi Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế .
Nhừng nghi vấn:
-hai chữ "Giang phong" không phải là Sông với Cây Phong ( erable) mà tên của hai cây cầu.
-hai chữ "sầu miên" thì không phài là Buồn và Ngủ mà là tên của một hòn núi
đã dựa trên một giả thuyết tưởng tượng được mô tả như thiếu nghiêm chỉnh , không những trái với căn bản Hán tự, lịch sử địa lý Trung hoa mà còn ngược lại với đặc trưng Thiên Địa Nhân cũng như cái Tịnh, cái Động của Đường thi trong tinh thần thơ không phải là ngôn ngữ của "khoa học" (một cộng với một là hai ) mà thơ là nguồn tinh-khôi của cảm nhận và ý tưởng hòa đồng...

Các học giả của Trung Quốc mà đọc được chữ Việt chắc chắn phải thán phục các nho gia Việt Nam chúng ta đã hiểu rành mạch xuất xứ và ý nghĩa của bài Phong Kiều Dạ Bạc nên đã tài tình và dịch đúng nghĩa đúng ý như những văn-thi-sĩ bản xứ Trung Hoa đã dịch bài thơ này ra Anh-ngữ .

Hải Đà ( tháng 8 năm 2001)

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.