Nov 21, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Cao Bá Quát, cuộc đời và sự nghiệp
Bùi Thụy Đào Nguyên * đăng lúc 08:59:52 PM, Mar 14, 2010 * Số lần xem: 6875
Hình ảnh
#1


Phần I: Cuộc đời và sự nghiệp văn chương

Cao Bá Quát (1809? – 1855), tên tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, biệt hiệu là Mẫn Hiên. Ông là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương (nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội), và là một nhà thơ nổi danh ở giữa thế kỷ 19 trong văn học Việt Nam.

I. Thân thế & sự nghiệp:
Cao Bá Quát, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh nay là xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội). Ông là con Cao Tửu Chiếu, tuy không đỗ đạt nhưng là một nhà nho khá nổi danh; và là em (song sinh) với Cao Bá Đạt (cha Cao Bá Nhạ, tác giả Tự tình khúc).

Thuở nhỏ, Cao Bá Quát sống trong cảnh nghèo khó, nhưng nổi tiếng là trẻ thông minh, chăm chỉ và văn hay chữ tốt. Năm 14 tuổi, ông trúng tuyển kỳ thi khảo hạch ở Bắc Ninh. Năm Tân Mão (1831) đời vua Minh Mạng, ông thi hương đỗ Á Nguyên tại trường thi Hà Nội, nhưng đến khi duyệt quyển, thì bị bộ Lễ kiếm cớ [1] xếp ông xuống hạng cuối cùng trong số 20 người đỗ Cử nhân. Sau đó trong chín năm, cứ ba năm một lần, Cao Bá Quát vào kinh đô Huế dự thi Hội, nhưng lần nào cũng bị đánh hỏng.

Năm 1841, lúc này ông đã 32 tuổi, mới được quan tỉnh Bắc Ninh tiến cử lên triều đình, triệu vào Huế để nhận một chức tập sự ở bộ Lễ (Hành tẩu). Tháng 8 năm đó, ông được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên, thấy một số bài thi hay nhưng có chỗ phạm trường quy, ông bàn với bạn đồng sự là Phan Nhạ rồi lấy son hòa muội đèn chữa giúp 24 quyển . Việc bị phát giác, Giám trường thi là Hồ Trọng Tuấn đàn hặc, ông bị bắt giam, bị tra tấn rồi bị kết vào tội chết. Nhưng khi án đưa lên, vua Thiệu Trị đã giảm cho ông từ tội trảm quyết xuống tội giảo giam hậu, tức được giam lại đợi lệnh.

Sau gần ba năm bị giam cầm khổ sở, ông được triều đình tạm tha, nhưng phải đi xuất dương hiệu lực (để lấy công chuộc tội) trong phái bộ do Đào Trí Phú làm trưởng đoàn. Phái đoàn ông đi sang Batavia (Indonesia) và Campuchia với mục đích chính là đem đường bán cho nước ngoài để mua về những hàng xa xỉ cho triều đình.

Vào tháng 8 năm 1844, đoàn thuyền của phái bộ về đến Việt Nam, và sau đó Cao Bá Quát được gọi về bộ Lễ. Ở đây không lâu, ông bị thải hồi về quê. Trước đây, ông vốn ở phố Hàng Ngang (nay gần phố Nguyễn Thái Học), năm 24 tuổi ông vào kinh thi Hội, thì vợ ông ở nhà đã xin phép cha chồng cho sửa lại một ngôi nhà gần Cửa Bắc về phía Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch.

Về Hà Nội, ông dạy học nhưng luôn sống trong cảnh nghèo và bệnh tật [2] Ở đây những lúc rỗi, ông thường xướng họa với các danh sĩ là Nguyễn Văn Siêu, Trần Văn Vi, Diệp xuân Huyên...

Sau ba năm bị thải về, Cao Bá Quát nhận được lệnh triệu vào kinh (1847) làm ở Viện Hàm lâm, lo việc sưu tầm và sắp xếp văn thơ. Được hơn một tháng, ông nhận lệnh đi công cán ở Đà Nẵng, rồi trở về công việc cũ. Thời gian ở kinh lần này, ông kết thân với các văn nhân như Nguyễn Hàm Ninh, Đinh Nhật Thận, Nguyễn Phúc Miên Thẩm, Nguyễn Phúc Miên Trinh...và ông đã gia nhập Mạc Vân Thi xã do hai vị hoàng thân này sáng lập.

Năm 1851[3], không được lòng một số quan lớn tại triều, Cao Bá Quát phải rời kinh đô Huế đi làm Giáo thụ ở phủ Quốc Oai (Sơn Tây cũ). Một lần nữa, ông lại trở về quê để cùng khổ với dân, để suy nghĩ thêm về những chính sách hà khắc của triều đình, để thêm quyết tâm đánh đổ nó.

Giữa năm 1853, lấy cớ về nuôi mẹ già, ông xin thôi dạy học. Gặp lúc vùng Sơn Tây bị hạn nặng, lại có nạn châu chấu làm cho mùa màng mất sạch, đời sống người dân hết sức đói khổ. Phần thì phẫn chí, phần thì thương dân, khoảng cuối năm 1854, Cao Bá Quát tham gia lãnh đạo (tự lãnh chức Quốc sư) cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Lương (Sơn Tây), do Lê Duy Cự làm “Minh chủ”.

Đang trong quá trình chuẩn bị, thì việc bị bại lộ. Trước cục diện này, Cao Bá Quát đành phải phát lệnh tấn công vào cuối năm 1854. Buổi đầu cuộc khởi nghĩa giành được một số thắng lợi ở Ứng Hòa, Thanh Oai...Nhưng sau khi quan quân triều đình tập trung đông đảo và tổ chức phản công thì nghĩa quân liên tiếp bị nhiều thiệt hại.

Tháng Chạp năm Giáp Dần (tháng Chạp năm này rơi vào năm dương lịch 1855), sau khi bổ sung lực lượng (chủ yếu là người Mường và người Thái ở vùng rừng núi Mỹ Lương), Cao Bá Quát đem quân tấn công huyện lỵ Yên Sơn lần thứ hai. Phó lãnh binh Sơn Tây Lê Thuận đem quân nghênh chiến. Cuộc đối đầu đang hồi quyết liệt tại vùng núi Yên Sơn, theo sử nhà Nguyễn, thì Cao Bá Quát bị Suất đội Đinh Thế Quang bắn chết tại trận. Tiếp theo, thủ lĩnh Nguyễn Kim Thanh và Nguyễn Văn Thực cũng lần lượt sa vào tay đối phương (sau, cả hai đều bị chém chết). Ngoài những thiệt hại này, hơn trăm nghĩa quân bị chém chết và khoảng 80 nghĩa quân khác bị bắt.

Nghe tin đại thắng, vua Tự Đức lệnh cho ban thưởng và cho đem thủ cấp của nghịch Quát bêu và rao khắp các tỉnh Bắc Kỳ rồi giã nhỏ quăng xuống sông.

II. Tác phẩm:
Ngay khi Cao Bá Quát tham gia cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Lương (Sơn Tây), các tác phẩm của ông đã bị triều đình nhà Nguyễn cho thu đốt, cấm tàng trữ và lưu hành, nên đã bị thất lạc không ít. Tuy vậy, trước 1984, nhóm biên soạn sách Thơ văn Cao Bá Quát, đã tìm đến kho sách cổ của Thư viện Khoa học kĩ thuật trung ương (Hà Nội), và sau khi loại trừ những bài chắc chắn không phải của ông, thì số tác phẩm còn sót lại cũng còn được trên ngàn bài được viết bằng thứ chữ Nôm và chữ Hán.

Cụ thể là hiện còn 1353 bài thơ và 21 bài văn xuôi, gồm 11 bài viết theo thể ký hoặc luận văn và 10 truyện ngắn viết theo thể truyền kỳ. Trong số này về chữ Nôm, có một số bài hát nói, thơ Đường luật và bài phú Tài tử đa cùng (Bậc tài tử lắm cảnh khốn cùng). Về chữ Hán, khối lượng thơ nhiều hơn, được tập hợp trong các tập:
-Cao Bá Quát thi tập
-Cao Chu Thần di thảo
-Cao Chu Thần thi tập
-Mẫn Hiên thi tập

III. Sự nghiệp văn chương:
Giới thiệu một vài nét chính trong sự nghiệp văn chương cùa Cao Bá Quát, GS Vũ Khiêu viết đại ý như sau:
Tuổi trẻ của Cao Bá Quát được ghi lại bằng hàng loạt bài thơ tràn đầy khí phách (Tài mai [Trồng mai], Thanh Trì phiếm châu nam hạ [Từ Thanh Trì buông thuyền xuôi nam], Quá Dục Thúy Sơn [Qua núi Dục Thúy]...). Trích hai câu trong bài Quá Dục Thúy Sơn:
Ngã dục đăng cao
Hạo ca ký vân thủy
Dịch:
Ta muốn trèo lên đỉnh cao ngất
Hát vang lên để gửi tấm lòng vào mây nước...

Nhưng rồi, mấy lần khăn gói vào Huế thi đều bị hỏng, nên mộng khoa cử đã tan. Năm 32 tuổi, lần đầu ông được bộ làm một chức quan nhỏ (Hành tẩu bộ Lễ). Ở đây, ông bắt đầu cảm thấy nhục chí và bế tắc khi nhìn thấy cảnh thối nát, bất công và hèn yếu của nhà Nguyễn. Đến khi bị tù, bị tra tấn vì chữa những quyển thi, ông càng đau khổ, uất ức và căm thù cái triều đình ấy (Cấm sở cảm sự, túng bút ngẫu thư [Nơi nhà giam nhân việc cảm xúc phóng bút viết ngay], Trường giang thiên [Một thiên vịnh cái gông dài], Đằng tiên ca [Bài ca cái roi song], Độc dạ cảm hoài [Ban đêm một mình cảm nghĩ]...). Trích mấy câu trong Trường giang thiên (dịch):
Gông dài!
Gông dài!
Mày biết ta chăng?
Ta chẳng có gì đáng hợp với mày cà!
Mày biết thế nào được ai phải ai trái!
Mày chẳng qua chỉ là cái máy làm nhục người đời mà thôi...

Sau thời gian dương trình hiệu lực, Cao Bá Quát bị thảy về quê quán. Ông càng có nhiều dịp tiếp xúc với đời sống của nhân dân. Những cảnh người dân vì túng thiếu đói rét, phải đi xin ăn hay những cảnh họ bị bắt phu bắt lính...đều đã làm ông đau xót, day dứt (Cái tử [Người ăn xin], Phụ tương tử [Người vác hòm], Quan chẩn [Xem phát chẩn]...).

Đứng trước những cảnh tình ấy, cộng thêm nỗi đau của bản thân, cuối cùng đã dẫn ông đến những ý nghĩ hành động:
Ta đã không nỡ nghe mãi bài thơ Hoàng Điểu nói lên cảnh ly tán của nhân dân do chính sự hà khắc, thì lẽ nào chỉ chịu gửi gắm mãi tâm sự vào khúc ngâm của Gia Cát Lượng khi chưa ra giúp đời (trích bản dịch bài Ngẫu nhiên nằm mơ đến thăm ông Tuần phủ...)

Tuy nhiên, mãi đến lần Cao Bá Quát bị đổi về làm Giáo thụ ở Quốc Oai, thì suy nghĩ mới trở thành quyết tâm đứng lên đánh đổ nhà Nguyễn (Đối vũ [Nhìn mưa], Trích Tống Nguyễn Trúc Khê xuật lỵ Thường Tín kiêm trí Lê Huy vĩnh lão khê [Tiễn Nguyễn Trúc Khê ra nhận chức tại phủ Thường Tín, đồng thời gửi cho ông bạn già là Lê Huy Vĩnh]...). Trích giới thiệu:
Mặt trời đỏ lẩn đi đàng nào?
Để dân đen than thở mãi...
(trích Đối Vũ)
Và:
Tài trai sống ở đời, đã không làm được việc phơi gan, bẻ gãy chấn song, giữ vững cương thường.
Lại ngồi nhìn bọn cầm quyền sói lang hoành hành,
Đến lúc tuổi già thì mặc áo gấm ban ngày về bôi nhọ quê hương.
Chỉ cúi đầu luồn xuống mái nhà thấp, nhục cả khí phách,
Đến lúc già thì gối đầu vào vợ con mà chết,
Giả sử hạng người ấy xuống suối vàng gặp hai cụ (Chu Văn An và Nguyễn Trãi),
Thì cũng mặt dầy, trống ngực đánh, thần sắc rũ rượi ra mà thôi…
(Trích bản dịch nghĩa bài Tống Nguyễn Trúc Khê xuật lỵ Thường Tín kiêm trí Lê Huy vĩnh lão khê).

Trích đánh giá trong Từ điển văn học (bộ mới):
Cao Bá Quát là một nhà thơ rất có bản lĩnh. Từ những tác phẩm đầu tiên đã thấy lòng tin của nhà thơ vào ý chí và tài năng của mình. Ông sống nghèo, nhưng khinh bỉ những kẻ khom lưng uốn gối để được giàu sang, và tin rằng mình có thể tự thay đổi đời mình.
Đến khi làm quan, muốn đem tài năng ra giúp đời, nhưng rồi Cao Bá Quát sớm nhận ra rằng vấn đề không hề đơn giản như ông tưởng.
Có những lúc cảm thấy bất lực trong việc thay đổi, ông muốn hưởng nhàn, vào hưởng lạc như Nguyễn Công Trứ. Thế nhưng mỗi khi nghĩ đến những người cùng khổ bị áp bức, ông lại thấy cách đó là không thể, mà phải tìm một con đường khác. Cuối cùng, con đường mà ông chọn là đến với phong trào nông dân khởi nghĩa chống lại triều đình.
Ngoài những chủ đề nêu trên, ông còn viết về vợ con, bè bạn, học trò và quê hương. Bài nào cũng thắm thiết, xúc động. Ông cũng có một số bài đề cao những anh hùng trong lịch sử, để qua đó thể hiện hoài bão của mình. Ông cũng có một số bài thơ viết về chuyện học, chuyện thi mà ông cho rằng chỉ là chuyện "nhai văn nhá chữ". Trong dịp đi sang Indonesia, ông cũng có những bài thơ phản ảnh cảnh bất công giữa người da trắng với người da đen...
Về mặt nghệ thuật, Cao Bá Quát là một nhà thơ trữ tình với một bút pháp đặc sắc. Ông làm thơ nhanh, có lúc "ứng khẩu thành chương", nhưng vẫn thể hiện được cảm xúc vẫn dồi dào và sâu lắng. Và mặc dù hình tượng trong thơ ông thường bay bổng, lãng mạn, nhưng trong những bài viết về quê hương thì ông lại sử dụng rất nhiều chi tiết hiện thực gợi cảm. Ngoài ra, đối với thiên nhiên, ông cũng hay nhân cách hóa, coi đó như những người bạn tri kỷ tri âm...(tr. 209).

Trích thêm một số nhận xét khác:
-GS. Dương Quảng Hàm:
Cao Bá Quát là một văn hào có nhiều ý tứ mới lạ, lời lẽ cao kỳ.

-GS. Thanh Lãng:
Tư tưởng độc lập của Cao Bá Quát khác cái chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ. Ông Trứ lập nghiệp là để giúp vua, để chu toàn nghĩa quân thần; còn ông Quát mang cả cái mộng thay đổi thời cuộc và chuyển vần số mệnh...Về mặt nghệ thuật, sở trường của ông là thể phú và thể ca trù. Hai thể này, với ông đã vươn tới một trình độ nghệ thuật tuyệt vời. Có điều ông hay lạm dụng chữ nho và điển tích, vì vậy có thua kém Nguyễn Công Trứ về thể loại ca trù.

-Thi sĩ Xuân Diệu:
Cao Bá Quát trước mắt chúng ta, tượng trưng cho tài thơ và tinh thần phản kháng. Còn triết lý của ông chính là bền bĩ phục vụ cho đời.

-Sách Văn học 11 và Ngữ văn 11 (nâng cao):
Cao Bá Quát là một nhà thơ lớn. Thơ ông phong phú trong nội dung cảm hứng: tình cảm thiết tha gắn bó với quê hương xứ sở, với người thân, sự đồng cảm nhân ái với những con người lao khổ; niềm tự hào với quá khứ lịch sử dân tộc và có thái độ phê phán mạnh mẽ đối với triều chính đương thời.
Đặc biệt qua thơ văn, Cao Bá Quát còn bộc lộ một tâm hồn phóng khoáng và một trí tuệ sáng suốt tiếp nhận những hương vị, những màu sắc mới lạ khác với cái nhìn truyền thống.
Nhờ tất cả những điều ấy mà thơ văn ông mới mẻ, phóng khoáng, chú trọng tình cảm riêng của con người, được người đương thời rất mến mộ. Xét về vị trí lịch sử, ông là nhà thơ lớn sáng tác bằng chữ Hán kế sau Nguyễn Du [4].

VI. Vài vấn đề liên quan:
4.1. Năm sinh, năm mất:
Về năm sinh của Cao Bá Quát, sử sách triều Nguyễn không ghi ngày sinh của Cao Bá Quát. Khẳng định ông sinh năm 1809 là căn cứ vào bài “Thiên cư thuyết” của ông. Trong bài có chỗ viết: "Với cái tuổi ta mới hai kỷ mà núi sông thành quách cũ, đã thấy thay đổi đến ba lần”. Cuối bài ghi: “Tháng mạnh thu, năm Nhâm Thìn, Chu thần thị viết bài thuyết này”. Năm Nhâm Thìn tức là năm 1832 - nếu ông đủ hai kỷ tức 24 tuổi (tính theo âm lịch) thì tức là ông sinh năm Kỷ Tỵ, Gia Long thứ 8 (1809).

Về năm mất, có một vài tác giả cho rằng Cao Bá Quát mất năm 1854. Nhưng theo Trần Công Nghị thì:
Sự thực, Cao Bá Quát mất ngay tại trận tiền vào tháng Chạp năm Giáp Dần. Sở dĩ có sự nhầm lẫn là vì khi đổi qua dương lịch là năm 1854. Các nhà nghiên cứu ấy quên rằng tháng Chạp năm Giáp Dần chuyển qua dương lịch như sau: Ngày 01 tháng Chạp, năm Giáp Dần nhằm ngày 18 tháng 01 năm 1855. Ngày 30 tháng Chạp, năm Giáp Dần nhằm ngày 16 tháng 02 năm 1855. Như vậy nguyên tháng Chạp năm này đều rơi vào năm 1855. Cho nên, năm qua đời của Cao Bá Quát phải ghi là năm 1855 mới đúng.

4.2. Những giai thoại:
Hiện vẫn còn tồn tại nhiều giai thoại liên quan đến nhân cách và tài thơ của Cao Bá Quát (như Bịa thơ tài hơn vua, Chữa câu đối của vua, Cá nuốt người- người trói người, Trên dưới đều chó, Câu thơ thi xã v.v…). Tuy nhiên, theo GS. Vũ Khiêu thì đa phần chúng đều thiếu căn cứ và chưa được xác minh. Bởi vậy theo ông chỉ có thể hiểu Cao Bá Quát và đánh giá đúng tư tưởng cùng hành động của ông trên cơ sở phân tích nguồn gốc xã hội, diễn biến trong cuộc đời và trong thơ văn của ông mà thôi. Ở một đoạn khác, giáo sư lại viết:
Khác với một số giai thoại có ý nói Cao Bá Quát là một con người kiêu căng, ngỗ ngược; và qua số một bài thơ cùng bài hát nói được gán cho ông, có người còn muốn coi ông là kẻ thích hưởng lạc, chè rượu, trai gái… Trái lại, qua cuộc đời và thơ văn ông, chỉ thấy ông là một người biết giữ gìn phẩm hạnh, đối xử đúng mực với cha mẹ, anh em, vợ con, hàng xóm và biết yêu quí đất nước, quê hương.

Đề cập đến Trần tình văn [5] của Cao Bá Nhạ, theo giáo sư thì rất có thể người cháu này đã đỗ lỗi cho chú để minh oan cho mình.

V. Thơ liên quan:
Không chỉ tác phẩm của Cao Bá Quát bị thu đốt, cấm tàng trữ và lưu hành; mà những bài thơ của các tác giả khác có nói đến ông đều không được in ấn hay phổ biến. Sau đây là hai bài thơ còn sót lại:

Nghe tin Cao Bá Quát bị bắt đi hiệu lực, buồn rầu Thương Sơn công (tức Tùng Thiện Vương) đã làm bài thơ như sau:

Giữa đất trời một tấm thân khốn khổ
Nơi chân trời chỉ có hình và bóng tự thân thiết với nhau.
Vườn cũ, ba lối cúc tùng hoang lấp
Đêm tàn, trong sương gió nhớ hai người.
(Nghĩ đến chuyện) sừng ngựa không mọc, luống rơi nước mắt
Muốn bói ngày về lại chẳng có nguyên do
Tình bạn bè vì ông, ngoảnh nhìn về phương Nam lo lắng
Ngày này bao lần trông được ân xá.
(Dịch nghĩa bài Tặng Cao Bá Quát) [6]

Nghe tin ông mất, bạn ông là danh sĩ Nguyễn Văn Siêu có bài thơ truy điệu, được dịch ra rằng:
Đàn còn bên vách, sách bên màn
Một giấc nghìn thu bặt tiếng vang,
Điên đảo non sông nhòa lối cũ,
Âm thầm đất nước ngấm bi thương.
Duyên văn đã kết đây cùng đó,
Nghĩa cũ dù ai nhớ chẳng buồn!
Đạo học tỏ mờ chưa dễ biết,
Cửa người khép nép mãi sao đương [7].

Sau này, khi đọc tập thơ Cao Bá Quát, nhà chí sĩ Phan Bội Châu đã cảm khái làm ba bài thơ đề hậu, trích một:
Ừ, thế non sông mới thấy tài,
Tài cao há lẽ núp như ai.
Xung lên, trời muốn hai tay đấm,
Hứng tới, vời toan một cẳng bơi.
Mây gió xoay tròn đầu ngọn bút,
Càn khôn chốt lỏng nửa tròng ngươi.
Khí thiêng đất nước còn nguyên đó,
Chín suối ai ơi đứng dậy cười![8]

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn
Chú thích:
[1] GS. Phạm Thế Ngũ giải thích: Vì ông không chịu khuôn phép trường quy. Như có lần, ông viết quyển thi bằng bốn kiểu chữ: chân, thảo, triện, lệ. Ngoài ra, văn ông rất có khí phách ngang tàng. Bởi vậy, mà các khảo quan đâm ra ghét và tìm cách đánh hỏng (sách đã dẫn, tr. 438).
[2] Nhà ông có lúc không có gạo thổi cơm chiều (Bữa chiều không cơm, viết đùa ghi việc). Ông bị bệnh đái ra máu, chạy chữa cả năm mới khỏi. (Chi tiết chép theo Thơ văn Cao Bá Quát, tr. 235).
[3] Năm Cao Bá Quát rời kinh nhận chức Giáo thụ ghi theo Xuân Diệu (tr. 13). Nguyễn Lộc trong Từ điển văn học ghi năm 1852 (bộ mới, tr. 209). Phạm Thế Ngũ ghi 1854 (tr. 445). Thái Vũ (tr. 142) và Nguyễn Anh (tr. 272) đều ghi năm 1950.
[4] Văn học lớp 11 (tập 1. Nxb Giáo Dục, 2003, tr. 19) và Ngữ văn 11 (tập I, lớp nâng cao. Nxb Giáo dục, 2007, tr. 45.
[5] Trích Trần tình văn:
Chú tôi (tức Cao Bá Quát) cậy tài càn rỡ, vốn tính ngông cuồng, thường bè bạn với bọn rượu chè, kết giao với con buôn, tiếng là ở nhà nuôi mẹ, nhưng thật ra đạo thần tôn vẫn còn thiếu sót. Vả lại túng thiếu đâm ra liều, xoay ra lối kinh doanh trục lợi. Bạn bè khuyên răn thì cãi lại, anh (tức Cao Bá Đạt) ngăn bảo thì xé cả thư. Cho nên bạn bè vì thế mà tuyệt giao, gia đình vì thế mà sinh bất mục...
[6] Sừng ngựa không mọc (Mã giác bất sinh): Theo Sử ký, Thái tử Đan nước Yên phải sang Tần làm con tin. Vua Tần bảo: Chỉ khi nào quạ trắng đầu, ngựa mọc sừng mới cho về. Xem nguyên tác bằng chữ Hán trong Thơ Tùng Thiện Vương (sách đã dẫn, tr. 51). Cũng theo sách này thì bài thơ không được in trong Thương Sơn thi tập. Sở dĩ tồn tại là vì trước đó nó đã được đưa vào tập Phong nhã thống biên do vua Tự Đức sai soạn để tặng cho sứ bộ nhà Thanh.
[7] Nguyễn Văn Siêu (1795-1872) và Cao Bá Quát đã được vua Tự Đức khen ngợi qua câu thơ: Văn như Siêu Quát vô tiền Hán, có nghĩa văn như ông Siêu và ông Quát, thì đến văn đời Tiền Hán cũng không có giá trị gì. Xem nguyên văn bài thơ chữ Hán trong sách Từ điển nhân vật Việt Nam do Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế biên soạn (Nxb KHXH, Hà Nội, 1992, tr. 68).
[8] Chép theo Thơ văn Phan Bội Châu. Nxb Văn học (do Chương Thâu biên soạn & giới thiệu), 1985, tr. 285.

Sách tham khảo phần I:
-Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu. Trung tâm học liệu xuất bản, Sài Gòn, 1968.
-Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn học giản ước tân biên (quyển trung). Quốc học tùng thư, Sài Gòn, 1963.
-Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam (quyển thượng). Nxb Trình bày, không ghi năm xuất bản.
-Nhiều người soạn, Từ điển Văn học (bộ mới, mục từ do Nguyễn Lộc soạn). NXb Thế giới, 2004.
-Nhiều người soạn, Thơ văn Cao Bá Quát. Nxb Văn học, 1984.
-Xuân Diệu, Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (tập 2). Nxb Văn học, 1987.

Phần II: Khởi nghĩa Cao Bá Quát

Khởi nghĩa Cao Bá Quát hay Khởi nghĩa Mỹ Lương (sử cũ gọi là Giặc Châu Chấu [1]) là tên gọi một cuộc khởi nghĩa do Lê Duy Cự làm Minh chủ, Cao Bá Quát (1809-1855) làm Quốc sư, đã nổ ra tại Mỹ Lương thuộc Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội, Việt Nam).
Theo GS. Nguyễn Phan Quang, tuy cuộc khởi nghĩa chỉ tồn tại trong khoảng hai năm (1854-1856), nhưng chứng tỏ rằng cho đến giữa thế kỷ 19, phong trào chống triều Nguyễn không hề lắng dịu và sẽ còn tiếp tục trong những năm sau đó với khởi nghĩa Cai Tổng Vàng, khởi nghĩa Chày Vôi....

I.Bối cảnh:
Đến giữa thế kỷ 19, nền kinh tế Việt Nam hết sức suy đốn trì trệ. Thêm vào đó, là các nạn chiếm đoạt và tập trung ruộng đất của giới địa chủ, sự tham nhũng của nhiều quan lại, chế độ tô thuế và lao dịch khắc nghiệt; là các nạn bão lụt, hạn hán, ôn dịch và vỡ đê xảy ra luôn. Tất cả đã đẩy người dân lao động xuống tận đáy khốn cùng. Một bài vè lưu hành ở thời vua Tự Đức có đoạn mô tả cảnh đói khổ, lưu vong của dân như sau (trích):
Cơm thì chẳng có
Rau cháu cũng không
Đất trắng ngoài đồng
Nhà giàu niêm kín cổng
Còn một bộ xương sống
Vơ vất đi ăn mày
Ngồi xó chợ lùm cây
Qua kêu vang bốn phía
Xác đầy nghĩa địa
Thây thối bên cầu
Trời ảm đạm u sầu
Cảnh hoang tàn đói rét
Dân nghèo cùng kiệt
Kẻ lưu lạc tha phương
Người chết chợ chết đường...
...Là cái thời Tự Đức.

Cuối cùng những nỗi hờn căm vì bị bốc lột, bị áp bức...biến thành những làn sóng đấu tranh quyết liệt của nhân dân lao động ở nhiều miền trên đất nước, chống lại chế độ thống trị của nhà Nguyễn. Chỉ tính riêng khoảng thời gian từ 1847 đến 1862, tức trước khi vua Tự Đức ký hòa ước nhường cho Pháp 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, đã có hơn 40 cuộc nổi dậy, trong đó có cuộc khởi nghĩa Cao Bá Quát (1854-1856) ở Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) là tiêu biểu nhất.

II. Nguyên nhân trực tiếp:
Năm 1851[2], không được lòng một số quan lớn tại triều, Cao Bá Quát phải rời kinh đô Huế đi làm Giáo thụ ở phủ Quốc Oai (Sơn Tây). Một lần nữa, ông lại trở về quê để cùng khổ với dân, để suy nghĩ thêm về những chính sách hà khắc của triều đình và thêm quyết tâm đánh đổ triều đình.
Giữa năm 1853, lấy cớ về nuôi mẹ già, ông xin thôi dạy học. Vào tháng 6, tháng 7 năm ấy tại miền Bắc, châu chấu bay mù trời, lúa má bị chúng cắn sạch, nạn đói hoành hành, mọi người đều ta thán.
Theo một số nhà nghiên cứu thì nhân lúc ấy, Cao Bá Quát đã đứng lên tụ tập nhân dân (hoặc tham gia lãnh đạo) bí mật chuẩn bị một cuộc khởi nghĩa chống Nguyễn tại Hà Nội. Đề cập đến vấn đề này, GS. Nguyễn Phan Quang viết:
Thực ra, cũng như bao sĩ phu khác, Cao Bá Quát vào đời bằng con đường khoa cử và muốn giúp đời bằng con đường làm quan, nhưng càng ngày ông càng cảm thấy bế tắc. Hàng ngày, ông nhìn thấy bao cảnh đói khổ của nông dân và bất công của xã hội. Tuy có lúc ông tỏ ra bi quan chán nản, nhưng vốn tính kiên cường, ông không thể tìm lối thoát nào khác ngoài con đường vùng dậy đấu tranh. Và cuộc khởi nghĩa do chính ông vận động và tổ chức là một hệ quả tất yếu.
.
III. Diễn biến:
3.1 Chuẩn bị:
Phần thì phẫn chí, phần thì thương dân như vừa nêu sơ lược ở phần trên, Cao Bá Quát bí mật liên hệ với những thổ mục người dân tộc ở Tây Bắc là Vũ Kim Thanh, Đinh Công Mỹ, Bạch Công Chân... Rồi dựa vào lòng người còn tưởng nhớ tới nhà Lê, ông suy tôn một người thuộc dòng dõi ấy làm minh chủ đó là Lê Duy Cự, còn tự mình lãnh chức Quốc sư.
Để nêu rõ ý nghĩa của cuộc nổi dậy, ông cho thêu hai dòng chữ lớn trên lá cờ, đó là:
Bình Dương, Đồ Bản vô Nghiêu Thuấn;
Mục Dã, Minh điều hữu Võ Thang.
Tạm dịch:
Ở Bình Dương và Đồ Bản không có những ông vua tốt như vua Nghiêu, vua Thuấn;
Thì ở Mục Dã, Minh Điều phải có những người như Võ Vương, Thành Thang nổi dậy.
Chẳng bao lâu sau, ông tập hợp được một lực lượng đông đảo, chủ yếu là những nông dân nghèo khổ ở miền xuôi và trung du. Ngoài ra, còn có mặt của giới trí thức, giới võ quan và lang đạo Mường, như: Tiến sĩ (năm 1838) Đinh Nhật Thận (người Nghệ An, nguyên là Hàn lâm biên tu), Vũ Văn Đống, Vũ Văn Úc (cả hai đều là người Hưng Yên, học trò của Cao Bá Quát), Nguyễn Kim Thanh (hào mục), Đinh Công Mỹ (Lang đạo Mường), Nguyễn Hữu Vân (Suất đội thủy vệ Hà Nội), Bạch Công Trân (Suất đội cơ Sơn Dũng tỉnh Sơn Tây)...

Công cuộc còn đang trong giai đoạn chuẩn bị, thì bị người tố giác. Vua Tự Đức liền lệnh cho Tổng đốc Hà Ninh Lâm Duy Hiệp (GS. Vũ Khiêu ghi Lâm Duy Thiết), Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên Nguyễn Bá Nghi, hiệp cùng Tổng đốc Bắc Ninh là Nguyễn Quốc Hoan đi truy bắt "đảng nghịch".
Để nhanh chóng đánh dẹp, nhà vua còn phái Vệ úy Hoàng thành Huế đem ngay một vệ lính tuyển phong, 15 võ sinh cùng 20 súng thần cơ ra ngay Hà Nội để hỗ trợ việc tiễu phạt.

3. 2 Đối đầu:
Trước cục diện này, Cao Bá Quát đang ở Bắc Ninh vội trở về Sơn Tây bàn ngày khởi sự. Do lực lượng ở các tỉnh chưa được chuẩn bị chu đáo, nên khi lệnh khởi nghĩa được phát ra thì chỉ có nghĩa quân ở Mỹ Lương (huyện Mỹ Lương tỉnh Sơn Tây, nay là phần đất phía Tây huyện Chương Mỹ Hà Nội và đất huyện Kim Bôi Hòa Bình) do Cao Bá Quát và Đinh Công Mỹ trực tiếp chỉ huy là kịp nổi lên.
Trận mở đầu xảy ra vào tháng 11 âm lịch (1854) tại Ứng Hòa. Sau khi đánh chiếm được phủ thành này, Cao Bá Quát cho quân tiến lên hướng Bắc đánh chiếm luôn huyện lỵ Thanh Oai (cả hai đều thuộc Hà Nội). Nhưng chiếm giữ hai lỵ sở trên chỉ trong mấy ngày, sau đó ông cho chuyển hướng tấn công nơi khác.
Tháng 12 âm lịch (1854), cánh trung quân do Đô thống Nguyễn Văn Tuân chỉ huy từ Thanh Oai tiến đến Hà Nội, thì gặp quân triều đón đánh ở khu vực xã Đồng Dương và Thạch Bích (cả hai đều thuộc huyện Thanh Oai thời nhà Nguyễn, nay là Đồng Mai Hà Đông và Bích Hòa Thanh Oai). Cuộc chiến diễn ra ác liệt, quân của đôi bên đều bị chết nhiều. Nhưng vì yếu kém hơn về người và vũ khí, nên sau đó cả đoàn nghĩa quân bị đánh tan, các thủ lĩnh là Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Đình Huấn, Hoàng Đình Nho, Lê Văn Trường…đều lần lượt bị bắt.
Cũng khoảng thời gian này, một cánh nghĩa quân khác đang trên đường tiến đánh huyện lỵ Kim Bảng (nay thuộc tỉnh Hà Nam), thì bị đoàn quân của Lãnh binh Lê Tố đón đánh tan ở chân núi Quyển Sơn bên bờ sông Đáy, cách huyện lỵ trên khoảng 4 km.
Còn Cao Bá Quát sau khi cho quân rút khỏi Ứng Hòa và Thanh Oai, liền tiến đánh huyện Yên Sơn (Yên Sơn thời nhà Nguyễn) và vây phủ thành Quốc Oai. Đốt phá phủ thành xong, nghĩa quân đón đánh quân triều do Tổng đốc Nguyễn Bá Nghi chỉ huy. Cuộc giao tranh nổ ra ác liệt tại làng Sài Sơn, cách phủ thành 4 km. Rồi cũng vì không cân sức, quân khởi nghĩa buộc phải rút lui về huyện Phúc Thọ thuộc phủ Quảng Oai. Bị truy đuổi, Cao Bá Quát lại cho quân vượt sông Hồng sang phủ Vĩnh Tường (tỉnh Sơn Tây thời nhà Nguyễn, nay thuộc Vĩnh Phúc).
Tiếp theo, sau một lần tấn công đốt phá phủ thành Tam Dương ở địa phận xã Tích Sơn (ngoại vi thị xã Vĩnh Yên ngày nay), cánh quân chủ lực do họ Cao chỉ huy đã giảm sút nhiều, nên phải quay về Mỹ Lương hội quân với thủ lĩnh Bạch Công Trân, rồi cùng lo chấn chỉnh đội ngũ, lấy nghĩa binh miền núi bổ sung lực lượng.
Trong khi đó, nhà vua điều thêm 500 lính từ Thanh Hóa đến Sơn Tây hỗ trợ, lại cử thêm Đô đốc Nguyễn Trọng Thao đang làm nhiệm vụ phòng giữ kinh thành Huế, ra Hà Nội trực tiếp chỉ huy cuộc đàn áp, và còn xuống dụ treo thưởng rằng: Không kể quan, quân, dân, dõng hoặc người theo bọn giặc; người nào bắt sống được Cao Bá Quát đem giải quan thì thưởng cho 500 lạng bạc, giết chết thì thưởng 300 lạng, lại còn thưởng thụ chức hàm để khuyến khích.

3.3 Tàn cuộc:
Sau khi bổ sung lực lượng (chủ yếu là người Mường và người Thái ở vùng rừng núi Mỹ Lương), vào tháng Chạp năm Giáp Dần (tháng Chạp năm này rơi vào năm dương lịch 1855[9]), Cao Bá Quát đem quân tấn công huyện lỵ Yên Sơn lần thứ hai. Phó lãnh binh Sơn Tây Lê Thuận đem quân nghênh chiến. Cuộc đối đầu đang hồi quyết liệt tại vùng núi Yên Sơn, theo sử nhà Nguyễn, thì Cao Bá Quát bị Suất đội Đinh Thế Quang bắn chết tại trận. Tiếp theo, thủ lĩnh Nguyễn Kim Thanh và Nguyễn Văn Thực cũng lần lượt sa vào tay đối phương (sau, cả hai đều bị chém chết). Ngoài những thiệt hại này, hơn trăm nghĩa quân bị chém chết và khoảng 80 nghĩa quân khác bị bắt. Nghe tin đại thắng, vua Tự Đức lệnh cho ban thưởng và cho đem thủ cấp của nghịch Quát bêu và rao khắp các tỉnh Bắc Kỳ
rồi giã nhỏ quăng xuống sông.

Mặc dù mất Quốc sư và nhiều thủ lĩnh, nhưng nghĩa quân vẫn cố hoạt động thêm một vài năm nữa. Trần Trọng Kim viết: Cao Bá Quát chết đi rồi, Lê Duy Cự còn quấy rối đến mấy năm sau mới dẹp yên được. Từ đó trở đi, không năm nào là năm không có giặc....

Và sau lần tiến đánh không thành công ở huyện lỵ Phù Cừ (thuộc Hưng Yên), đến năm 1856, đội ngũ nghĩa quân đã gần như tan rã hẳn.
Nhìn lại, cuộc khởi nghĩa chỉ mạnh mẽ ở cuối năm 1854 đến đầu năm 1855. Sau những thắng lợi ban đầu ở Ứng Hòa, Thanh Oai, thì nghĩa quân bị đàn áp và khủng bố dữ dội, nên liên tiếp chịu nhiều thiệt hại. Sau trận thua ở Yên Sơn, Cao Bá Quát bị giết chết, sức chiến đấu của nghĩa quân kể như không còn gì. Trận Phù Cừ chỉ phản ánh những cố gắng cuối cùng của nghĩa quân mà thôi.

IV. Lý do thất bại:
Ở nửa đầu thế kỷ 19, cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương, là một trong vài cuộc nổi dậy lớn, tuy ngắn ngủi nhưng có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Tuy nhiên, như nhiều cuộc nổi dậy trước và sau nó, mặc dù quyết liệt, nhưng vẫn đi đến thất bại.
Theo nghiên cứu chưa đầy đủ, thì đây cũng chỉ là một cuộc nổi dậy mang đậm tính địa phương riêng rẽ, tổ chức chưa được chu đáo, chiêu bài phò Lê đã mất tính chất hấp dẫn, thiếu một phương thức chiến đấu, thế lực hào mục yếu ớt, vũ khí hãy còn thô sơ,...Vì lẽ ấy, cuộc khởi nghĩa sớm bị đập tan bởi sự trấn áp mạnh mẽ bằng quân sự của triều Nguyễn.

V. Vài vấn đề liên quan:
Tuy thất bại, nhưng cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương và cái chết của Cao Bá Quát cũng đã gây được một tiếng vang lớn, và đã làm xúc động nhiều người. Vì vậy, có nhiều giả thuyết và giai thoại liên quan đến cuộc đời ông.

5.1 Về vai trò Cao Bá Quát trong cuộc khởi nghĩa Minh Lương, hiện tồn tại hai ý kiến:
•Một, ông chính là người khởi xướng. Theo ý này có Vũ Khiêu, Nguyễn Phan Quang,...
•Hai, ông chỉ là người đi theo (hoặc được mời) rồi cùng tham gia lãnh đạo. Theo ý này có Trần Trọng Kim, Nguyễn Lộc, Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế, Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Anh,...

Một vấn đề nữa, đó là:
Có người cho rằng Cao Bá Quát nổi dậy không phải vì thương dân mà chỉ vì bất mãn cá nhân, trong số này có sử gia Trần Trọng Kim. Ông viết:
Cao Bá Quát có tiếng là người văn học giỏi ở Bắc Kỳ, mà cứ bị quan trên đè nén, cho nên bức chí, bỏ quan về đi dạy học, rồi theo bọn ấy (Lê Duy Cự) xưng là Quốc sư để dấy loạn ở vùng Sơn Tây và Hà Nội.
Có người lại cho rằng ông làm loạn là do bất mãn vì địa vị (quan điểm của Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện), là do ông có tính tình ngỗ ngược, hay chửi đời, bị nhiều người ghét (quan điểm của Cao Bá Nhạ trong Trần tình văn [3]), của nhà văn Trúc Khê (trong Cao Bá Quát danh nhân truyện ký), là do ông bị ám ảnh “cái mộng đế vương” (không rõ tác giả, tập san Bách Khoa số 142, ra ngày 15 tháng 12 1962 tại Sài Gòn).
Có người lại cho rằng Cao Bá Quát không có ý "làm phản", mà chỉ là người bị Tổng Đốc Nguyễn Bá Nghi vu cáo, vì hiềm riêng [4]. Trong số này có Kiều Oánh Mậu, Phạm Văn Sơn.
Quan điểm của GS. Vũ Khiêu:
Chỉ có thể hiểu Cao Bá Quát và đánh giá đúng tư tưởng và hành động của ông trên cơ sở phân tích nguồn gốc xã hội và diễn biến trong cuộc đời ông. Cao bá Quát là một trí thức xuất thân từ một gia đình nhà nho nghèo. Những cảnh đói rét khổ cực ở khắp nơi hàng ngày day dứt ông làm cho ông phải luôn suy nghĩ mong tìm ra cách giải quyết. Chế độ phong kiến hà khắc, vua quan ngày một tỏ ra bất tài và nguy cơ mất nước cho phương Tây đã khiến ông căm ghét triều đình nhà Nguyễn. Từ chỗ phê phán và phản kháng nó (điều này rất dễ thấy trong thơ văn ông), ông đã tiến tới nổi dậy đánh đổ nó...
Đây cũng phải là sự "nổi loạn", mà chính là sự phản kháng bắt nguồn từ phẩm chất của ông.
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm,
Nhất sinh đê thủ bái hoa mai
Có nghĩa:
Mười năm bàn đạo giao du, khó như tìm gươm cổ,
Một đời ta chỉ cúi đầu sùng bái hoa mai.
Hai câu đối rất được truyền tụng này của Cao Bá Quát đã phản ánh đầy đủ tinh thần phản kháng của ông. Chúng vừa nói lên khí phách anh hùng, quyết tâm đứng lên trừ bạo cứu dân, vừa bộc lộ một tâm hồn trong sạch thanh cao, đẹp như hoa mai trắng.

5.2 Về một số giai thoại:
Có người vì mến phục chí khí Cao Bá Quát, mà phao lên rằng trong nhà ngục, ông có làm cặp đối: Một chiếc cùm lim chân có đế/ Ba vòng xích sắc bước thì vương. Hoặc trước khi thụ án, họ Cao còn ngâm: Ba hồi trống giục mồ cha kiếp/ Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời.
Cũng có người phao lên rằng khi họ Cao bị giải về Hà Nội, vì muốn cứu ông, mà ai đó đã đem một người tù phạm có nét mặt giống ông để thay vào, rồi đưa ông lên Lạng Sơn, giả làm nhà sư để lánh nạn.
Lại có người cho rằng ông không bị hành hình ở khu vực Hàng Hành (Hà Nội) ngày nay, mà là ông bị chém chết ở làng Phú Thị với hai con (Bá Phùng, Bá Thông) và nhiều quyến thuộc.
Trước khi soạn quyển Thơ văn Cao Bá Quát (xuất bản năm 1984), nhóm tác giả (trong đó có GS. Vũ Khiêu), đã về làng Phú Thị, đến phủ Quốc Oai và vùng đất Mỹ Lương. Mặc dù, sau cuộc khởi nghĩa, cả dòng họ ông bị quan quân săn đuổi, Văn thơ ông bị thiêu hủy và cấm tàng trữ...nhưng qua những gì còn sót cũng đủ để GS. Vũ Khiêu kết luận rằng:
Những câu chuyện trên đây đều không có căn cứ, vì đã được dựng lên do những tình cảm khác nhau của người ta đối với ông mà thôi.
Cao Bá Quát tử trận là điều có thật, đúng như sử nhà Nguyễn đã chép. Và không phải ngẫu nhiên mà triều đình nhà Nguyễn đã khen thưởng và thăng chức Cai đội cho Đinh Thế Phong, người đã bắn chết ông.

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn

Chú thích:
[1] Sử gia Trần Trọng Kim giải thích: Nhân vì mùa tháng năm ấy (1854) ở vùng tỉnh Bắc Ninh và Sơn Tây có nhiều châu chấu ra phá hại mất cả mùa màng, rồi đến cuối năm lại có giặc ấy, cho nên người thời bấy giờ gọi là giặc châu chấu (Việt Nam sử lược, tr. 501).
[2] Năm Cao Bá Quát rời kinh nhận chức Giáo thụ ghi theo thi sĩ Xuân Diệu (tr. 13). Nguyễn Lộc trong Từ điển văn học ghi năm 1852 (bộ mới, tr. 209). Phạm Thế Ngũ ghi 1854 (tr. 445). Thái Vũ (tr. 142) và Nguyễn Anh (tr. 272) đều ghi năm 1950. Tuy nhiên, căn cứ lời chua ghi cuối bài Thương Sơn công thi tập hậu tự, thì năm 1950 Cao Bá Quát vẫn còn làm quan ở Huế, nên ở đây tạm ghi theo Xuân Diệu.
[3] Trong Trần tình văn của Cao Bá Nhạ có đoạn: “Chú tôi (tức Cao Bá Quát) cậy tài càn rỡ, vốn tính ngông cuồng, thường bè bạn với bọn rượu chè, kết giao với con buôn, tiếng là ở nhà nuôi mẹ, nhưng thật ra đạo thần tôn vẫn còn thiếu sót. Vả lại túng thiếu đâm ra liều, xoay ra lối kinh doanh trục lợi. Bạn bè khuyên răn thì cãi lại, anh (tức Cao Bá Đạt) ngăn bảo thì xé cả thư. Cho nên bạn bè vì thế mà tuyệt giao, gia đình vì thế mà sinh bất mục” . Tuy nhiên, qua cuộc đời và số thơ văn còn sót lại của Cao Bá Quát, thì không thấy con người ông có gì tệ bạc như cháu ông đã viết. Xem chi tiết ở trang Cao Bá Quát.
[4] Tương truyền, một hôm Cao Bá Quát ngồi uống rượu với Tùng Thiện Vương, thì có Nguyễn Bá Nghi đến vái chào trước khi trở ra Bắc. Họ Cao không những không lui ra chỗ khác, mà sau đó còn nói rằng "Nguyễn Bá Nghi chẳng biết chính sự thế nào, chứ văn thì còn dốt lắm". Nghe được, ông Nghi đâm ra thù họ Cao (lược theo sách Bản triều bạn nghịch liệt truyện của Kiều Oánh Mậu). Cùng quan điểm này có nhà sử học Phạm Văn Sơn và nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật (Cái án Cao Bá Quát đăng trên tạp chí Bông Lúa. Theo Phạm Văn Sơn, tr. 158).

Sách tham khảo phần II:
-Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược. Nxb Tân Việt, Sài Gòn, 1968.
-Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên (quyển 5, tập thượng). Tủ sách sử học Việt Nam xuất bản, Sài Gòn, 1961.
-Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn học giản ước tân biên (quyển trung). Quốc học tùng thư, Sài Gòn, 1963.
-Nguyễn Phan Quang, Lịch sử Việt Nam (1427-1858), Quyển 2, tập 1. Nxb Giáo dục, 1977.
-Nguyễn Phan Quang, Việt Nam thế kỷ 19 (1802-1884). Nxb TP. Hồ Chí Minh, 2002.
-Nhiều người soạn, Thơ văn Cao Bá Quát. Nxb Văn học, 1984.
-Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam (quyển thượng). Nxb Trình bày, không ghi năm xuất bản.
-Xuân Diệu, Các nhà thơ cổ điển Việt Nam [tập 2]. Nxb Văn học, 1987.
-Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nxb KHXH, 1992.
-Nhiều người soạn, Từ điển Văn học (bộ mới, mục từ do Nguyễn Lộc soạn). NXb Thế giới, 2004.
-Nhiều người soạn, Danh nhân đất Việt (quyển 3). Nxb Thanh Niên, 1995.
-Thái Vũ, Chuyện hay nhớ mãi. Nxb Thuận Hóa, 1987.

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.