Khi Tấn Hiến Công chết, nước Tấn sinh nội loạn. Sau, Di Ngô trở về nước giành được ngôi vua, muốn tìm cách diệt trừ Trùng Nhĩ, khiến Trùng Nhĩ phải long đong trốn tránh khắp nơi. Khi ở nước Tấn, Trùng Nhĩ là một công tử có tiếng tăm, nên nhiều đại thần tài giỏi tình nguyện theo công tử đi lưu vong.
Trước hết, Trùng Nhĩ ở nước Địch trong mười hai năm, sau phát hiện có người hành thích, liền chạy sang nước Vệ. Nước Vệ thấy Trùng Nhĩ đang bị thất thế, không chịu tiếp đãi. Cả đoàn đi tới Ngũ Lộc (nay ở đông nam Bộc Dương, tỉnh Hà Nam) thì quá đói, liền cử người đi xin ăn.
Trùng Nhĩ lưu vong lánh nạn
Nông dân dịa phương không ai chú ý đến họ, có một người còn đùa cợt, đưa cho họ một nắm đất bùn. Trùng Nhĩ nổi giận, thủ hạ của ông muốn xúm lại trị người đó. Nhưng Hồ Yển vội vàng can ngăn, nhận lấy nắm bùn và nói để an ủi Trùng Nhĩ: “Bùn cũng tức là đất đai, dân chúng cho ta đất đai là một điềm tốt”.
Trùng Nhĩ đành gượng cười, đi tiếp.
Đoàn của Trùng Nhĩ lưu vong đến nước Tề, lúc đó Tề Hoàn Công còn sống, tiếp đãi ân cần, tặng Trùng Nhĩ nhiều xe ngựa và nhà cửa, còn đem một cô gái trong họ gả cho Trùng Nhĩ. Trùng Nhĩ thấy vậy, rất muốn ở lại nước Tề, nhưng thủ hạ trong đoàn, ai cũng muốn trở về Tấn.
Những người tùy tòng họp riêng với nhau trong bãi dâu, bàn cách trở về nước Tấn, không ngờ có một nữ nô lệ đang hái dâu nghe lỏm được câu chuyện về nói lại với vợ Trùng Nhĩ là Khương Thị. Khương Thị bảo Trùng Nhĩ: “Thiếp nghe nói chàng và mọi người muốn trở về Tấn, điều đó rất phải”.
Trùng Nhĩ vội vàng biện bạch, nói: “Không hề có chuyện đó”.
Khương Thị ra sức khuyên Trùng Nhĩ về nước: “Chàng cứ ham vui sướng ở đây thì không làm nên chuyện gì đâu”. Nhưng Trùng Nhĩ vẫn không muốn về. Tối hôm đó, Khương Thị bàn với tùy tòng, chuốc rượu cho Trùng Nhĩ thật say rồi vực lên xe, đi khỏi nước Tề. Khi Trùng Nhĩ tỉnh dậy, thì đã cách nước Tề rất xa.
Sau đó, Trùng Nhĩ lại tới nước Tống. Tống Tương Công đang ốm nặng, quan lại dưới quyền nói với Trùng Nhĩ: “Chúa công tôi rất kính trọng công tử, nhưng chúng tôi không có quân đội để đưa ngài về nước”.
Hồ Yển nói: “Chúng tôi hiểu rõ điều đó. Chúng tôi sẽ không dám phiền các ngài nữa”.
Rời khỏi nước Tống, đoàn lưu vong lại đến Sở. Sở Thành Vương coi Trùng Nhĩ như khách quý, dùng nghi thức tiếp đãi các nước chư hầu để tiếp Trùng Nhĩ. Thành Vương đối đãi tốt và Trùng Nhĩ cũng rất tôn kính trở lại, hai người liền kết làm bạn bè.
Một lần, trong khi thết tiệc Trùng Nhĩ, Sở Thành Vương hỏi vui: “Nếu sau này công tử trở về nước Tấn, thì sẽ báo đáp lại tôi thế nào?”.
Trùng Nhĩ nói: “Vàng bạc của cải thì quý quốc không thiếu gì. Tôi biết lấy gì để báo đáp lại ân đức của đại vương được?”.
Sở Thành Vương cười nói: “Nói như thế, thì không báo đáp gì sao?”.
Trùng Nhĩ nói: “Nếu nhờ hồng phúc của đại vương, tôi được trở về nước Tấn, thì sẽ nguyện giữ tình hòa hảo với quý quốc, để nhân dân hai nước được sống thái bình. Nếu vạn nhất hai nước xảy ra chiến tranh, khi quân đội hai bên gặp nhau, tôi nhất định sẽ lùi nhường ba xá” (Ba xá =90 dặm).
Sở Thành Vương không để ý lắm đến câu nói đó, nhưng đại tướng nước Sở là Thành Đắc Thần thì rất giận. Tan tiệc, khi Trùng Nhĩ đã ra về, Thành Đắc Thần nói với Sở Thành Vương: “Trùng Nhĩ nói như vậy, sau này tất là kẻ vong ân phụ nghĩa, chi bằng nhân lúc này, giết quách hắn đi để khỏi lo ngại về sau”.
Sở Thành Vương không chịu. Đúng lúc đó, có sứ thần của Tần Mục Công đến đón Trùng Nhĩ, Sở liền để Trùng Nhĩ vào nước Tần (Đô thành là Ung, nay ở đông nam Phượng Tường, Thiểm Tây).
Nguyên do là Tần Mục Công từng giúp Di Ngô, anh em cùng cha khác mẹ với Trùng Nhĩ về làm vua nước Tấn. Không ngờ khi Di Ngô lên ngôi, lại đối địch với Tần, Hai nước xảy ra chiến tranh. Di Ngô chết, con ông ta vẫn bất hòa với Tần. Tần Mục Công liền quyết định giúp đỡ, đưa Trùng Nhĩ về nước.
Năm 636 trước Công nguyên, Tần dùng đại quân hộ tống Trùng Nhĩ vượt Hoàng Hà. Sau 19 năm lưu vong, Trùng Nhĩ lại được trở về Tấn, lên ngôi vua. Đó là Tấn Văn Công.
Tấn Văn Công
Câu chuyện còn lưu lại sử sách và là điển tích của Tết Hàn thực ngày nay, đó là thái tử Trùng Nhĩ lúc đó vì gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo Trùng Nhĩ giúp đỡ mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Trùng Nhĩ sắp ngất đi trong cơn đói. Để cứu mạng Tấn Văn Công, Giới Tử Thôi tự tay cắt thịt ở đùi mình và nấu một bát cháo nóng dâng cho chủ nhân. Trùng Nhĩ ăn xong hỏi ra mới biết, nên vô cùng cảm kích.... Giới Tử Thôi theo phò Trùng Nhĩ trong mười chín năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về sau, Trùng Nhĩ giành được ngôi báu, trở thành Tấn Văn Công đã phong thưởng rất hậu cho những người có công trong khi tòng vong, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi.
Không oán giận gì, Giới Tử Thôi nghĩ là nghĩa vụ của kẻ bề tôi nên lẳng lặng trở về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Về sau, vào một ngày tháng ba, Tấn Văn Công nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt ba mặt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con đều chết cháy.
Tấn Văn Công đốt rừng ép Giới Tử Thôi
Thi thể Giới Tử Thôi sau đó được tìm thấy, dựa vào một cây liễu lớn. Một đoạn di cảo viết bằng máu trên một mảnh vải được tìm thấy bên trong hốc của thân cây đã cháy một nửa. Trên đó viết rằng:
Cát nhục phụng quân tận đan tâm đãn, nguyện chủ công thường thanh minh
Liễu hạ tác quỷ chung bất kiến, cường tự bạn quân tác gián thần
Thảng nhược chủ công tâm hữu ngã, ức ngã chi thời thường tự tỉnh
Thần tại cửu tuyền tâm vô quý, cần chính thanh minh phục thanh minh
Tạm dịch:
Chân thành cắt thịt phụng vua, mong chủ công luôn thanh minh
Ta chết dưới gốc liễu mà không gặp, hơn là trở thành một quan viên hầu cận vua
Nếu như chủ công nhớ đến thần, xin ngài lúc đó tự soi xét mình
Thần chết không hối tiếc, chỉ mong ngài thanh minh và thanh minh.
Nước mắt lăn dài trên má Tấn Văn Công. Nỗi buồn vô hạn khiến ông khóc thành tiếng. Ông cất mảnh di cảo của Giới Tử Thôi vào túi tay áo, và thề sẽ trở thành một vị vua anh minh sáng suốt, tạo phúc cho trăm họ.
Nhà vua thương xót, lập miếu thờ Tử Thôi trên núi và đổi tên núi này là Giới Sơn, rồi hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày (khoảng từ mồng 3 tháng 3 đến mồng 5 tháng 3 âm lịch), chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng nhớ. Tên gọi Tết Hàn Thực ra đời cũng vì lẽ ấy… Hằng năm, người Trung Quốc tổ chức ngày lễ này nhằm tưởng nhớ vị hiền sĩ Giới Tử Thôi.
Các món bánh trong Tết Hàn thực