Ba mươi lăm năm lòng vẫn nhớ
một thời hoa bướm, một trời thơ.
Thuở chiến tranh nỗi chết bất ngờ!
Người nơi đây biết sống, biết yêu…
và cho nhau những gì chân thật.
Sau hòa bình Bắc-Nam thống nhất,
môi nào tươi vội sớm phai tàn…
bao mừng vui là bấy ngỡ ngàng!
nhói đau lòng người còn tin sự thật.
Phe chiến thắng sững sờ lên tròng mắt,
nhận diện ra bao dối trá kinh hoàng!
lấy hân hoan che lấp nỗi bẽ bàng…
khi đối diện những vùng ta “giải phóng”!?
Cả miền Bắc đi thăm “miền Nam ruột thịt”
cả khối “đồng bào” nói chuyện như nhau…
vô tình màn kịch tính bỗng dậy lên,
một nửa nước bật cười trong mắt lệ!
“Giải Phóng Miền Nam” sao là như thế?
biết bao nhiêu là thứ của miền Nam,
đêm lẫn ngày rời khỏi miền Nam,
cho tất cả xuôi ra miền Bắc.
Buổi ban đầu Bắc-Nam nhìn rõ mặt
ai “giải phóng” ai dưới ánh mặt trời?
nước mắt nào rơi? mặt nạ nào rơi?
chân-ngụy mang ra cho đời chiêm ngưỡng.
Quê hương hòa bình, quê hương đau thương…
Mấy kẻ ăn ăn cho nỗi đau này?
Bao nhiêu cảnh đời chìm sâu tận đáy?
Bao nhiêu con người ngục tối giam đời?
Bao nhiêu con người bỏ xác trùng khơi?
khiến lương tâm nhân loại phải kinh hoàng!
Quê hương hòa bình chìm trong ai oán
trang sử buồn ghi dấu lệ quê hương…
Ba mươi lăm năm buồn chưa phai xóa,
nhận diện thời gian, nhận diện quê hương
hôm nay đây bao nhiêu nỗi bất thường
còn yên ngủ trong đêm dài dối trá.
Ba mươi lăm năm buồn chưa từ giã,
khi đất nước còn bao nỗi xót xa…
người Việt nào không thấy nỗi xót xa !?
(Viết tặng cho những ai còn mang nỗi buồn có tên Việt Nam)
Mồng Mười Tết Canh Dần_’2010
MINH SƠN LÊ