Truyện ngắn
Chuồng nuôi ngựa
Như Phong *
đăng lúc 09:52:13 PM, Jun 24, 2008 *
Số lần xem: 1814 Đã hai tuần nay, trong khi bận về việc hái lá tre, hay thái rơm, thay nước, quét dọn trong chuồng ngựa, Bình vẫn phải sốt ruột vì tiếng trẻ con lên cơn sài khóc ra rả, từ chiếc nhà lá thấp lùn, lụp xụp đằng cuối vườn đưa lại. Đứa trẻ có bệnh ấy là con trai đầu lòng của anh, mới hơn tám tháng. Trẻ con đau đớn chỉ biết chịu đựng một cách âm thầm hoặc chỉ biết khóc. Nhưng tiếng khóc yếu ớt, dai dẳng liên miên như những cơn đau ghê gớm dày vò cái thân thể bé nhỏ, non nớt, không biết chống cự, làm cho lòng người cha bối rối tan nát: anh đã đoán thấy một cách rõ rệt cái đau đớn day dứt trong người đứa trẻ không biết làm thế nào cho nó nhẹ bớt đi. Có lần anh đã mơ hồ ước được chịu thay cái phần đau đớn khổ sở ấy. Anh nghĩ thầm: "Dẫu sao, mình cũng chịu được hơn nó, vì mình là người lớn...".
Sáng hôm nay, những tiếng khóc ấy đã im bặt, chỉ thỉnh thoảng mới cất lên, nghe nhoe nhóe như tiếng mèo kêu. Đứa bé không khóc nữa, đó không phải là một sự đáng mừng: nó không còn sức để khóc. Từ đêm hôm qua, nó nằm lịm trong lòng mẹ, mắt nhắm nghiền, hơi thở ngắn lại, mệt lả như một cái mầm con bị cắt đứt. Sự bối rối bồn chồn đã làm cho Bình trở nên một người đần.
Anh ta vừa lúi húi rửa những máng ăn trong tầu ngựa, vừa để tai và ý nghĩ qua cái vườn rộng về phía chiếc nhà lá trong đó một sinh mạng bé nhỏ, trứng nước đương quằn quại, giãy giụa với những sự phá phách tối tăm, ác liệt của bệnh và cái chết... Yên lặng. Cái yên lặng lúc này như thành khối, đè nén và nặng nề... Mùi rơm ẩm lẫn với mùi nước đái ngựa hăng hăng đưa lên trong bóng mờ và ẩm của gian buồng hẹp. Mỗi lần Bình cử động lại khẽ chạm phải cái mình rắn và bóng mượt của con ngựa nâu đương đứng nép vào thành chuồng đưa đôi mắt bình tĩnh và quen thuộc nhìn anh. Qua cửa chuồng làm bằng những thân gỗ đẹp và chắc đóng theo chiều dọc, ánh nắng vàng rải trên mặt phẳng của mảnh sân đất rải rác những sợi lá tre và rơm khô. Có tiếng vó ngựa đập trên nền xi măng trong gian buồng bên cạnh.
Bình xách cái thùng sắt và cái chổi đi ra đóng cửa chuồng lại. Anh đã định đi sang gian bên, nhưng ngần ngừ một chút, anh bỗng đặt thùng và chổi lên thềm, trước cửa chuồng, rồi rảo bước đi qua sân, vào cái nhà lá ở cuối vườn.
Lách qua cái cửa phên, anh bước vào nhà. Hơi ẩm lạnh của những vách đất làm anh khẽ rùng mình vì anh vừa đi qua dưới nắng ấm. Tấm cửa phên khép, gian nhà lại chìm trong thứ ánh sáng mờ phớt xám. Những khe vách hở bừng sáng hẳn lên.
- Thế nào, con nó ra sao?
Người đàn bà đương ngồi bó gối trên phản ngửng lên nhìn chàng, rồi cúi xuống đống tã nâu đặt ở giữa giường.
Không một lời.
Bình bước lại bên giường nhìn đứa bé. Nhìn trong đống tã, mặt nó chỉ là một dúm thịt nhăn nheo, xám nhợt. Hai mắt lờ đờ, he hé mở. Cặp môi mất sắc há to. Hơi thở đưa lên yếu ớt, có một tiếng khò khè nhỏ nhỏ như đờm bị vướng ở cổ họng. Nước rãi tràn ra ở mép. Thỉnh thoảng, người nó rùng lên một cái, chân tay nó co quắp lại, miệng há to như muốn thở.
Bình nghẹn ngào hỏi vợ:
- Con nó nguy lắm, bây giờ làm thế nào?
Người đàn bà thở dài:
- Bây giờ giá mời được ông lang ích, họa may còn...
- Nhưng làm gì có tiền?
Yên lặng một chút.
- Hay là thầy nó thử nói với cậu xem...
- Không được. Mình đã vay trước hai tháng lương rồi. Bây giờ lại hỏi cậu vị tất đã được...
Đứa bé bỗng ú ớ rồi nấc lên một tiếng. Vợ Bình hốt hoảng cúi xuống bế con lên tay. Cả mình đứa bé run đây đẩy. Chân tay nó bé nhỏ co quắp, quằn quại như một cái gì bên trong giày vò, cấu xé. Mồm nó há hốc một cách đau đớn như bực tức vì không kêu lên được. Người mẹ ôm chặt lấy con vào lòng, ru đi ru lại, hai giọt nước mắt chảy trên gò má nhăn nheo. Bình tuy không khóc nhưng đứng nhìn vợ và con, lòng anh như thắt lại. Người đàn ông bình dị ấy, trong cảnh này, đã đau đớn một cách rất phiền phức. Đó không phải là cái đau đớn mạnh mẽ, thẳng tuột như của người mẹ! Trong sự thương xót máu mủ của anh còn lẫn một cái gì như là sự chua chát thấy mình bất lực, không làm gì được trước cái nguy ngập của con và nỗi đau thương của vợ. Cả tấm lòng làm cha cùng tính tự ái của người đàn ông đã bị một vết thương.
Môi anh mím chặt một đường nghiêm nghị, đau đớn. Anh quay mặt đi, ra phía cửa, hé tấm phiên nhìn ra ngoài.
Đầu vườn đằng kia, qua cái sân phẳng lì, là chuồng ngựa. Một dãy nhà dài xây gạch, quét vôi vàng, mái ngói mới lợp đỏ chót. Mười hai gian chuồng. Hai gian hiện thời bỏ không. Mười con ngựa, toàn là những giống ngựa tốt, cao lớn, đẹp đẽ, người ta nuôi cho chạy đua. Qua những song cửa sổ, thấp thoáng những bộ lông bóng mượt, những bắp đùi thon thả và rắn chắc, những cái bờm gọt kỹ đều như một bàn chải.
Người ta giao cho Bình trông nom chăm sóc chuồng nuôi ngựa này. Công việc anh là phải quét dọn chuồng và cho ngựa ăn uống. Anh đã biết việc nuôi ngựa đua này khó khăn và tốn kém là thế nào. Mỗi con một tháng ít ra cũng ăn đến ngót hai chục bạc. Đồ cho ngựa ăn phải là đồ ăn chọn lọc: lá tre tươi, ngô, khoai, mía, củ cải đỏ và cả trứng gà nữa. ở chuồng nuôi ngựa của ông đốc tờ L... cách ba ngày người ta lại tiêm cho mỗi con ngựa hai ống thuốc bổ.
"Trong khi ấy người nghèo chết đói, ốm không có thuốc mà dùng" - Bình nghĩ thầm.
Sự bất công ấy, mọi ngày, Bình không nghĩ đến, hoặc có nghĩ đến cũng chỉ nghĩ thoáng qua thôi, với cái lãnh đạm của hạng người không ưa nhìn xa ra ngoài công việc của mình. Những người giàu ấy nhiều tiền thì họ có quyền tiêu phí một cách vô lý như vậy! Việc ấy là việc của họ, can gì đến mình! Miễn cứ tháng họ giả lương cho mình là được! Nhưng hôm nay trong khi khổ sở đau đớn vì nỗi con ốm sắp chết không có tiền chạy chữa, Bình bỗng nhận ra, rõ rệt hơn bao giờ, cái mỉa mai cay đắng giữa sự thiếu thốn của người nghèo và sự vung phí của người giàu ích kỷ. Anh đi sâu mãi vào trong những ý nghĩ chua chát, bất bình, và lần đầu tiên, mang máng anh nhận ra rằng trong xã hội, người đối với người còn nhiều cái khó hiểu, phức tạp, không thể để nguyên như vậy được.
- Bác Bình đâu, có nhà không?
Bình bước vội ra.
- Tôi đây!
ở cổng vào, một thằng con trai bé nhỏ, độ mười lăm mười sáu tuổi, mặc cái áo cánh vải dòng dọc và một cái quần đen, đương đứng đợi bên một cái sọt lớn. Đó là thằng Hợi, người nhà "cậu" thường buổi sáng mang ngô, mía, cà rốt... lên cho ngựa và cho ngựa đi quần.
- Bác ra giúp tôi một tay!
Hai người lễ mễ mang cái sọt vào. Vừa đi thằng Hợi vừa liến thoắng.
- Cà rốt hôm nay đắt quá. Những băm lăm xu một kilô, bác ạ. à, thế nào bác, con Xích Long có chịu ăn không? Hình như hôm qua nó chê cỏ thì phải... Cậu bảo có lẽ phải mang đi cho đốc tờ thú y xem mới được... khéo không lại giống con Phi Phi và con Flèche d'or...
Hai người đã đến trước cổng chuồng. Một con ngựa Bạch mồm còn ngậm mấy sợi cỏ, sát mũi vào giữa khoảng hai gióng cửa, hí ầm lên. Thằng Hợi cầm mấy củ cà rốt đút qua khe gióng và kêu rằng:
- Câm mồm ngay, làm gì mà nóng thế?
Nó cùng với Bình đem những đồ ăn trong sọt phân phối khắp các gian chuồng. Hồi lâu vang lên những tiếng răng nhai rào rạo, xen với tiếng đuôi vụt không khí và tiếng vó đập lộp cộp trên nền xi măng.
Đứng trên thềm, một chân để ghếch lên thành sọt đặt nghiêng trên mặt đất, thằng Hợi nhìn vơ vẩn ra sân và nói chuyện gẫu với Bình.
Bình chợt hỏi nó:
- Hôm nay cậu không lên?
- Có, chốc nữa, hơn mười một giờ, cậu mới lên.
- Chắc cậu còn bận gì?
- à, cậu còn ra nhà thương xem người ta chữa cho con Phi Phi và con Flèche d'or.
Rồi tự nhiên không cần hỏi, nó cứ liến thoắng:
- Người ta bảo con Phi Phi bị cái bệnh gì... cái bệnh gì lạ lắm... như có máu ứ lại trong mồm ấy. Còn con Flèche d'or chân trước đã bị bong gân đã gần khỏi rồi. Mỗi ngày tám hào bạc nhà thương! Mà có khỏi ra cũng phải nghỉ ít ra một tháng mới chạy giải được. Thực ra là hao quá!
Một lúc, nó đứng thẳng dậy, cầm lấy cái sọt:
- Thôi, tôi về đây, bác ạ.
Đi qua sân để ra cổng, nó bỗng như sực nhớ ra điều gì, quay lại hỏi Bình đang đi sau:
- à, thế nào, thằng bé con nhà bác khỏi chưa?
- Đã khỏi thế nào! Hôm nay lại có phần nặng hơn nữa!
- Tội nghiệp! Sao bác không chịu khó mời thầy thuốc cho nó?
- Anh tính làm gì có tiền?
Hợi đương đi, đứng hẳn lại. Một vẻ đứng đắn lộ ra trên mặt nó. Nó chép miệng một cái:
- ấy đó, người ốm sắp chết không có tiền chữa, mà ngựa thì hơi tý cũng được đi nhà thương.
Nó nhìn Bình ra vẻ ái ngại. "Thôi, chào bác chơi nhà".
"Cậu" không lên lúc mười một giờ như Hợi nói mà mãi đến tận chiều.
Lúc ấy, Bình đương ở trong nhà. Cả hai vợ chồng cùng cuống quýt lo lắng đến tuyệt vọng vì đứa bé vừa lên một cơn dữ dội nữa.
"Cậu" là một người trai trẻ độ ngoài hai mươi tuổi. Mặt đẹp, nhưng đầy một vẻ kiêu hãnh đáng ghét của hạng người tự mãn một cách nông nổi. Thân thể tầm thước, cử chỉ dễ dàng, lịch sự trong bộ quần áo thể thao cắt rất khéo. Miệng ngậm một cái tẩu thuốc lá.
Chàng ta là con một nhà cự phú, không cần làm gì mà vẫn cứ sống một cách đế vương. Trong cái chốn ăn chơi đài các ở Hà thành, chàng cũng đã nổi tiếng.
Có một hạng người sống không làm gì cả, chỉ biết chơi bời thỏa thích, kiêu sa, dâm đãng, vậy mà cũng được nổi tiếng một cách lừng lẫy, nổi tiếng lại chính vì sự hư hỏng, phóng đãng của đời họ! Chàng cũng là một trong hạng người đó, một trong những ông hoàng ăn chơi, ai cũng biết mặt, biết tên! Sự say mê của chàng, lúc này là ngựa thi. Chàng mê chơi ngựa cũng như ông công tử con quan, nhà giàu xưa kia mê chơi chó săn, gà chọi hay chim họa mi vậy!
- Lạy cậu ạ!
Hình như không để ý tới lời chào của Bình, chàng hất hàm hỏi ngay khi thấy mặt anh:
- Thế nào, con Xích Long hôm nay vẫn chê cỏ?
Câu hỏi hách dịch ấy nói bằng giọng khô khan và cứng nhẵng.
- Vâng, thưa cậu, hình như nó không chịu ăn...
Chàng công tử cau mặt lại:
- Hết con Phi Phi, con Flèche d'or lại đến con Xích Long! (Quay lại Bình). Hay là tại anh không chịu trông nom cẩn thận?
- Bẩm cậu, quả thực con...
- Bẩm với báo cái gì! Tôi vẫn biết anh là đồ vô tích sự!
Bình không dám nói gì nữa. Anh chạy đi lấy chiếc ghế đặt trước cửa chuồng ngựa, để cho chủ ngồi. Đoạn anh chạy ra vun đống rơm phơi ở ngoài sân.
Hồi lâu, sau khi đã liếc mắt nhìn trộm chủ mấy lần, anh vun gọn đống rơm lại một chỗ. Rồi anh bỗng buông chổi xuống, đứng thẳng người lên như đã quyết định một sự gì. Tuy vậy anh vẫn còn đứng nguyên chỗ, lấy tay phủi những bụi rơm bám trên tấm áo nâu. Sau cùng anh hắng giọng một cái, cả quyết đi lại phía chủ ngồi.
Chủ anh đương ngồi ngắm chăm chú con ngựa Bạch tên là con Blanche - Neige, một con ngựa chàng thích nhất. Thấy Bình lại gần, chàng lấy cái tẩu ngậm ở miệng ra rồi hỏi:
- Cái gì nữa thế?
- Bẩm... bẩm...
- Lại bẩm với báo cái gì... Con khỉ!
- Bẩm cậu, cháu nó sài, con muốn xin cậu ban cho trước ít nhiều để cháu uống thuốc...
Vẻ bực mình lại hiện ra trên mặt chàng công tử. Lúc này là lúc không ai nên quấy nhiễu chàng. Hai con ngựa bị ốm. Hôm nay, có lẽ lại con nữa! Thế chưa đủ để cho chàng bực tức, cáu kỉnh hay sao?
- Bẩm lạy cậu, xin cậu thương cho. Tính mạng cháu nó đã nguy ngập lắm...
Bình cứ nói lải nhải mãi. Sự khó chịu của chàng trẻ tuổi cũng tăng lên. Mọi khi, đối với chàng, một vài đồng bạc, chàng có coi vào đâu! Tính chàng rộng rãi vứt tiền ra đã quen. Vả lại, chàng cũng không phải là kẻ tàn nhẫn lắm! Nhưng hôm nay chàng có nhiều cớ để bực mình. Ngựa, hai con ốm! Đêm qua chàng đi chơi khuya, bây giờ người còn mệt mỏi. Lại hôm chủ nhật mới rồi, trên trường đua có mấy giải lớn thì chàng hỏng ăn cả! Một đứa con anh Bình ốm, chứ giá tất cả trẻ con trong nước ốm nữa, chàng có cần chi. Chàng đứng phắt dậy, gắt:
- Đã bảo mặc kệ, không biết, con khỉ!
Rồi chàng đi luôn ra phía cổng.
Bình như một cái máy đi theo chàng vài bước rồi lại dừng lại.
Đứng ở giữa sân, anh nhìn ra ngoài cổng.
Chàng trẻ tuổi lịch sự bước lên chiếc xe hơi hai chỗ ngồi sơn màu ngà, những chỗ bằng kim khí mạ thiếc bóng loáng như gương. Tiếng cửa xe sập mạnh. Tiếng máy rít. Tiếng động cơ chạy... Loắng một cái chỉ còn một làn bụi vẩn bay hất lên đầu giậu găng lởm chởm...
o0o
Đứa con Bình đã chết.
Tới nay năm ngày rồi, người ta đã mang con Phi Phi và con Flèche d'or về. Cậu lên chuồng nuôi kiểm tra người ta chăm sóc ngựa. Vì có mặt chủ ở đấy, Bình và thằng Hợi phải làm việc luôn tay. Vừa cắt lá tre, thằng Hợi vừa thì thầm với Bình:
- Hôm nay trông mặt cậu đã vui hơn mọi ngày.
Thật vậy hôm nay, những bóng mờ trên mặt chàng công tử đã biến đi. Chàng vui vẻ hút thuốc lá, ngồi ngắm nghía những con ngựa béo tốt, đẹp đẽ trong chuồng. Con Phi Phi và con Flèche d'or đã về! Còn con Xích Long sau mấy ngày chê cỏ, hôm nay đã lại bắt đầu ăn như thường. Bên ngoài, nắng đầu xuân sưởi ấm. Trời xanh láng, êm dịu, chảy lọt qua những cành lá non. Rơm khô ngoài sân thoáng bốc lên một mùi thơm lành...
Trong khi vui, chàng trẻ tuổi muốn cho ai cũng bằng lòng cả: tính ích kỷ của chàng trong lúc này dễ được người ta nhận lầm là lòng tốt.
Chàng nhận thấy Bình có một vẻ mặt đăm đăm và nặng nề. Tuy Hợi nói chuyện luôn mồm mà Bình vẫn giữ yên lặng trong lúc làm việc.
Chàng bèn gọi anh ta lại gần:
- Sao hôm nay trông anh ủ rũ thế? à, thế nào, đứa bé nhà anh đã khỏi chưa?
Người cha cúi mặt xuống đất không trả lời. Thằng Hợi mau miệng nói luôn:
- Thưa cậu, nó chết đã được mấy hôm nay rồi. Con đã thưa chuyện với cậu mà có lẽ cậu đã quên chăng?
- ờ nhỉ, bây giờ tao mới nhớ.
Chàng móc túi lấy ra một đồng hai đưa cho Bình:
- Này, cầm lấy mà tiêu vặt.
Bình cầm lấy, một ý nghĩ chua chát thoáng qua đầu anh: "Nếu đồng bạc này đến sớm dăm hôm..." Cái cảnh tượng đau đớn khi con anh chết lại hiện ra. Cái bụng chướng căng lên như quả bóng, chân tay ngắn ngủn giãy đành đạch; cái miệng há hốc với một mẩu lưỡi đen sì hơi thò ra, một ít nước miếng đùn ra ở cạnh mép.
Con anh đã chết vì không có thuốc. Anh vân vê đồng bạc cầm trên tay. Anh nhận thấy đời anh như không phải thuộc về anh mà về một người khác; người ấy chỉ vì có tiền của mà có thể làm chủ được cả từ cái sướng cho đến cái khổ của anh. Chỉ do một cái không đâu, một tính tình thay đổi thất thường, một cơn bực mình nho nhỏ của người ấy mà anh đã phải chịu mất một cái yêu quý nhất đời: đứa con máu mủ của anh! Anh thấy sự căm hờn ứa ra trong nước mắt...
Có tiếng hí vui vẻ của con Phi Phi trong chuồng.
Ông chủ thiếu niên của nó ngừng nói với Bình, quay sang huýt sáo để trả lời con ngựa "Favôri" của mình. Vẻ mặt hân hoan lạ.
HẾT
Ý kiến bạn đọc
Vui lòng
login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin
ghi danh.