Con rắn mướt ngẩn ngơ tìm chỗ ngủ
con dế mèn trông ngóng dải cát êm
con cú vọ buồn tênh không muốn quày trở lại
thả tiếng kêu thương nhớ những cây điều.
@
Anh quì xuống tạ ơn và tạ lỗi
đám cỏ tranh và những ngọn lá điều
cả côn trùng thú vật và chim muông
những mốc đá nằm yên như thiền định.
Anh tạ ơn và tạ lỗi với muôn loài
bỏ tất cả khung trời tương mộng
đi về đâu ai chẳng biết đi về đâu.
Anh chỉ biết đất nầy của họ
em dẫm lên bên dấu bước của học trò
một lũ trẻ hồn nhiên như dế mọn.
@
Đây một thuở rừng cây hoang dại
nắng cháy nồng mà cỏ mát êm nhung
gió đùa lạnh mà côn trùng không rên xiết.
Lời cây cỏ anh nghe rõ từng ngày
nhạc của trời vương nhẹ nhánh me khô.
Có những lúc anh tưởng là Đào Nguyên trong tay áo
lạc vào rừng nghe hát tiếng trong xanh
ru thống khổ hồn ai lưu lạc.
@
Và giờ đây anh bước vào khung ngọc
một khung trời tuổi ngọc của em thơ.
Anh vẫn gọi Vườn Đào nơi ấy
chút Đào Nguyên anh mơ mãi trong lòng.
Thôi hãy nhận Bồng Lai là có thật
để tâm hồn ngơi nghỉ ước mơ
để không chết khô cằn trong cuộc sống.
@
Sau một chuyến đi dài trên nước
sóng thuyền ru hơi ngộp gió ngàn
ta đã thấy biển mây là một
cả cỏi trời dốc ngược đảo điên.
Ta không thấy ánh trăng ngà ngọc
trăng hiền lành trăng nhẹ trên cành cây.
Rồi tâm cảm nổi lên dông tố
xoáy cõi lòng bão lửa đắng cay.
@
Nhưng khung ngọc giờ đây in nếp
tấm gương lành như mặt nước hồ yên
em soi sáng tâm hồn mẹ dựng
anh soi sáng hồn thơ ý nhạc
ta thắp sáng tâm hồn của trẻ.
Em nghe đây một mẫu chuyện đời xưa
chuyện trong rừng Ấn Độ
chốn tư duy của Châu Á nín thinh.
Tiếng săn đuổi người la người hét
hổ mẹ già đang đợi phút sinh con
nhưng phải chạy rớt rơi con ở lại
lạc vào rừng không tìm được dấu con thơ.
Và hổ bé lớn lên bên đàn sói
và tưởng mình là sói,
nói tiếng sói, uống sữa sói.
Nhưng hôm ấy, hổ con
bước lửng lơ hồ yên lặng gió
nhìn xuống nước hổ không thấy mình là sói
mà giòng dỏi của một loài vương giả
Chúa Sơn Lâm ta mang giòng máu trong người.
Hổ kiêu hảnh hổ đã thấy được mình
tung buồng phổi làm loa gọi núi
báo tin lành cho muôn loại thần dân
giờ sinh hạ của một hoàng tử hổ
truyền quan thái sử ghi vào đá
ngày sinh đích thực: ngày hôm nay
ngày ta gióng tiếng gọi rừng.
@
Anh đã nói em soi tâm hồn mẹ dựng
cho lắng yên như mặt nước hồ yên
em khơi lại những gì đã mất
trong phi nhân trong ý hướng bạo tàn.
Trên hồ lắng lòng em trải rộng
một cánh đồng em gieo mạ tình thương.
Anh muốn nói "tâm điền" danh từ của các cụ.
Đây một lời ta mượn của Nguyễn Du:
"cái tâm kia mới bằng ba chữ tài"*,
một kết luận xây lên bằng từng khúc ruột;
ôi đoạn trường ta biết sau mấy ngọn dáo dâm;
những khúc ruột em cắt ra em để lại
trên quê nhà mà không phải quê ta.
@
Anh biết chứ
lòng nhớ nước buồn quay cát bụi
nỗi nhớ nhà ai hát nước mắt rơi.
Nhưng bi thảm sầu thương xin gói lại
dấu trong lòng như một khối riêng tư
cho trổi dậy khi nguồn cơn thác lũ
khi hét lên trong giấc ngủ loạn mê.
Ai cũng khổ trên đoạn đường hiện hữu
tấm thân nầy đời dập tấm thân tôi
"mãnh quần hồng hoen ố rượu rơi"**
Tỳ bà dạo tiếng ca trên nước
vẽ tranh đời vẽ khuôn mặt mọi người.
Dù thế ấy vẫn tin yêu mà sống
mãnh vườn ta ta trồng xới cho ngày mai
tìm thăng hóa từ tim ta thăng hóa
tình thăng hoa nơi lũ trẻ tinh hoa.
Anh quì xuống xin em soi sáng
những em thơ như hổ nhỏ lạc đàn
rồi phải sống trong vùng lang sói
tìm nơi em hồ gương gió lắng
một hồ gương soi rõ ánh trăng sao
và lũ trẻ soi lên tìm nhân tính,
biết tình người và được khai sinh.
Anh quì xuống vì trong em có Mẹ
Mẹ Nhân Từ và Mẹ Quán Thế Âm.
@
Chính vì thế anh theo em vào khung ngọc.
Có những lúc anh ngồi bên ghế đá
nặng trĩu lòng cho đá cuội lên mây
cho ý tưởng giam cầm nơi thiên đàn hay địa ngục
phá then vàng đốt cháy bức tường ngăn
dù ở đó là nơi Cung quản xứ loài tiên
và địa ngục có bầy ác qủi.
U tịch lắng trầm buồn tiếng gọi
não nề trĩu cánh tay.
Dành tất cả cho em nguồn tâm cảm
như ánh sáng còn vương màu nắng.
Anh nhỏ bé như côn trùng xới đất
sợ tiếng sét chiều dông mưa gió.
Anh xin em một bóng cây im rậm
mống cầu vồng nối lại hai vùng mây.
@
Chiều hôm ấy một buổi chiều nắng ấm
anh đứng mãi nhìn ngôi trường em dạy
gió bồng bềnh tóc lạc theo đường mây.
Anh chờ nghe nhạc nắng của ngày
ngày hôm đó em quên anh đi vào lớp.
Anh trở lại con người ích kỷ
anh thầm ghen với lũ học trò.
Ai hóa kiếp cho tôi thành đứa nhỏ
tôi ngồi nghe cô giáo giảng bài
tôi sẽ viết một khúc ca rất dẻo
vì cô tôi mặc chiếc áo màu hồng nhạt
hoa không cài nhưng vẽ nhẹ tà áo bay
màu hồng ngọc như khung trời tuổi ngọc.
Tôi quá sợ cô giáo hỏi bài
những công thức toán học mà cô dạy
không giúp tôi hiểu được tà áo bay
không hiểu được màu hồng ửng nhẹ
chuổi hoa màu rất dẻo như bàn tay
cô tôi vẽ đường bay vòng qũi đạo
đưa con người khám phá cõi lòng sâu
nơi trú ấn của vườn hoa nhân loại.
Tôi lơ đãng nhìn hàng rào xanh ngắc
giải mây hồng lơ lửng trời cao
tôi hoản sợ vì mất cô giáo
tà áo bay bay mãi vời cao.
Mắt quay lại nhìn lên bảng
cô còn đây, cô vẫn mặc chiếc áo hồng
và từ đó tôi chăm chú như người ngoan đạo.
Bờ suối tóc hoa vàng đã trổ
mimosa hoa nở hoa màu vàng
phấn tre mọt rơi từ mái lá,
phấn thông vàng trời thả trên tóc ai.
Một buổi chiều sao trời đẹp thế
cây câm nín nghe lời yên lặng
nghe thì thầm sỏi đá kề nhau
khúc đường ngắn giăng ngang khung ngọc.
Anh muốn nghỉ như ngày xưa nghỉ học
xuống bến đò xem những con đòi đi
tà áo trắng dài theo mạn gỗ
dòng sông Hương xanh biếc đã đổi màu
màu trắng đẹp thiên nga trường Đồng Khánh.
Nhưng lũ trẻ kéo anh về với thực tại
giờ sinh ngữ một tuần mấy buổi.
Bên danh từ thực tế như đồng lúa
anh vẫn giảng một lời thơ bình dị:
Đường Sữa trắng hay Ngân Hà vịt lội
kéo hoa sen phơi nhụy trưa hè
mùa nghỉ nắng ve kêu gốc phượng
chia tay nhau rồi gặp lại mùa thu.
Xin đừng trách đem lời ru ngủ.
Tâm hồn trẻ là bài thơ tuyệt diệu
trẻ làm thơ khi mấp mé nụ cười
và hát nhạc khi ê a gọi mẹ.
Ai dạy được một bài thơ nhân loại
ở nơi em, ở nơi lũ học trò.
Ai xóa được một bài thơ nhân loại
dấy trong em rồi chuyển đến ngàn sau.
Trại TN Thái Lan 12.1982
(chưa hoàn tất như dự định và sẽ không bao giờ hoàn tất. Khung cảnh là ngôi trường tranh tre trong trại tỵ nan Cô giáo trong bài đã được hải tặc buông tha, thà xuống biển với một miếng gỗ làm phao trôi vào bờ).
* Kiều, Nguyễn Du
* *Tỳ Bà Hành, Bạch Cư Dị
tôn thất tuệ