Nov 21, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Nét Bình Dân Trong Thơ Bùi Giáng
Nguyễn Thành Giang * đăng lúc 06:51:08 PM, Dec 09, 2009 * Số lần xem: 2349
Hình ảnh
#1

 

                   Cho đến bây giờ, Bùi Giáng vẫn còn là một hiện tượng lạ và kì thú trong dòng văn học Việt Nam. Những nhà phê bình trong và ngoài nước mấy chục năm nay đã tốn không ít giấy mực, thậm chí đấu khẩu nhau để nhằm chỉ một mục đích là giải thích hai câu hỏi: Bùi Giáng là ai? Nên hiểu thơ Bùi Giáng như thế nào? Có kẻ gói thơ thi sĩ họ Bùi và cả con người ông vào một chữ “Điên”. Người lạc quan thì dành cho ông hai chữ “Thiên tài”. Lại có ai đó trộn hai tên gọi trên để thành một cái tên nghe ngồ ngộ mà cũng có lí : “Thiên tài Điên

           Tôi là kẻ hậu sanh, đọc thơ Bùi Giáng cũng chưa nhiều, có bài hiểu hoàn toàn, có bài hiểu dở dang và cũng có bài không thể hiểu. Nhưng, trong mỗi bài thơ ông, tôi đều tìm thấy ít nhiều hơi thở cuộc sống được thể hiện một cách tự nhiên, chân thực. Nhiều người đọc thơ Bùi Giáng, mới vài câu chưa hiểu hoặc nghe ai đó nói rằng ông “Điên” thì đã vội vàng đưa ra kết luận không thật đúng. Tôi nghĩ rằng tại sao chúng ta không tiếp cận từ khía cạnh dễ hiểu nhất để rồi xích lại gần hơn để hiểu thêm thơ và người thơ ấy. Đó là nét bình dân trong thơ Bùi Giáng

         Trước tiên, trong thơ Bùi Giáng, có những bài hay những đoạn là nguyên mẫu của những cuộc nói chuyện hằng ngày. Không cầu kì, trau chuốt, những lời trao đáp rơi ra nhẹ nhàng từ trong thơ ông, mang đậm tâm hồn và văn hoá bình dân Việt : 
 

                                   - Mình ơi! Tôi gọi bằng nhà
                              Nhà tôi! Tôi gọi mình là nhà tôi
                                      Bây giờ xuôi ngược đôi nơi
                              Thôi mình ở lại tôi dời chân  đi                                   

                                      Thưa rằng: - Ở cái quái gì
                              Chàng đi thiếp cũng xin đi với chàng       

                                                     ( Về buôn bán)
 
 

          Rất rõ ràng và dễ hiểu, đoạn thơ là sự hợp lưu của những ngôn từ mộc mạc bình dị. Lời gọi “ Mình ơi!” và “ Nhà tôi!” nghe mới thân thương và trìu mến làm sao. Nó chất chứa biết bao tình cảm mặn nồng từ thuở “một ngày nên nghĩa”. Nếu không xuất phát từ một tình cảm thật, chân thành, không dễ gì buột miệng mà nói được hai tiếng thân thương mà thiêng liêng ấy (Trừ những kẻ giả dối ra). Còn, câu đáp cuối cùng buộc ra đúng như lời một phụ nữ chân quê, không câu nệ, khuôn sáo trong mỗi câu mỗi chữ :                                 

                                   Thưa rằng : - Ở cái quái gì
                              Chàng đi thiếp cũng xin đi với chàng 
 

         Nhưng, đằng sâu những từ tưởng chừng như thô ấy là cái đức “tòng phu” của người vợ, cái chung thuỷ đáng trọng, cái truyền thống dân tộc định hình rõ nét. Vả chăng, ở đây, ta còn nhận ra nét đặc trưng của người Quảng Nam : cái bộc trực nhưng chứa chan tình cảm. Nét đặc trưng ấy giúp cho người Quảng không thể lẫn đi đâu được dù ở giữa rất nhiều người. Ai nông cạn sẽ thấy khó chịu bởi cái sổ sàng bộc trực ấy. Nhưng, suy sâu một chút, sẽ thấy rất quý cái tính “trong mát ngoài nóng” ấy

         Ở một đoạn thơ khác, ta cũng dễ dàng bắt gặp cách đối đáp chân thành, cởi mở và hết sức dung dị: 
 

                                    Bảo rằng: Xích lại đây xem
                              Buồn hung quá vậy thì em chết mòn
                                      Bây giờ tính chuyện cỏn con
                              Em bằng lòng chứ? Em còn hai môi?
                                     Mở ra em thử ngượng cười
                              Rồi sẽ tính chuyện tháng mười chừ đây
                                     Anh về quảy gánh lên vai
                              Ra đi buôn bán kiếm vài  đồng lưng
                                      Trở về liều liệu xem chừng
                              Coi mà có đủ - Ta cùng cưới nhau

                                                          (Vòng tại thể) 
 

         Trước tiên, đọc đoạn thơ lên, ta cảm giác có  âm hưởng của những lời ca dao dân ca quen thuộc, lại như có tiếng nói hằng ngày hết sức gần gũi. Điều đặc biệt, tôi muốn tập trung đến hai từ “ hung” và “chừ”. Đây là hai từ được dùng khá phổ biến trong giao tiếp hằng ngày của người bình dân Quảng Nam ta. Từ “hung” tạm hiểu là “nhiều”, là “quá mức”. Bạn bè lâu ngày gặp nhau, câu đầu tiên sẽ hỏi rằng : “ Chu Choa! Răng bữa ni mi mập hung rứa mi?”. Sau ba điều bốn chuyện, đến chuyện làm ăn, nhà cửa, chắc chắn cũng sẽ hỏi nhau một câu : “ Răng mi làm hung rứa mi?”. Nghe rất gần gũi thân tình mà thể hiện được sự quan tâm, chu đáo với nhau. Từ “ chừ” diễn tả khoảng thời gian gần. Cái hay ở từ “chừ” mà người Quảng Nam ta hay dùng là dùng để nói về thời gian ngay lúc này cũng được mà dùng chỉ tương lai gần cũng được. Có gì đầm ấm hơn khi người chồng đi làm đồng về trưa, gọi vợ : “ Bà ơi! Múc cho tui gáo nước!”. Người vợ đang loay hoay dưới bếp nói vọng ra : “Để đó tui múc chừ!”. Nói là “ chừ” nhưng chị vợ cũng còn nấu xong nồi cơm nồi canh. Còn chồng, ngồi trên cái chõng trước sân dưới bóng cây mà phe phẩy cái nón cời cho đỡ nóng. Đấy, chúng ta thấy đẹp và tinh tế biết chừng nào hai từ “hung” và “ chừ” ấy. Bùi Giáng đã mang được cả xác và hồn của “hung” và “chừ” vào đoạn thơ trên để tạo ra một chút quan tâm nhẹ nhàng mà hết sức thành thực, một lời hứa để đối phương đợi chờ trong niềm vui và hồi hộp. Tài thay!

       Nét bình dân trong thơ Bùi Giáng còn được thể hiện bởi ông đã đưa vào thơ những vật cũng như những hành động hết sức đời thường. Ta thử đọc hai câu cuối của bài “ Tượng số”: 
 

                            Ù té ra sân ta chộp lấy
                            Gà con sợ hãi chui vô rào

Còn gì gần gũi hơn khi thơ là cảm xúc lúc “ù té ra sân”, hay khoảnh khắc trông thấy “gà con sợ hãi chui vô rào”. Cần gì phải đánh đố, chơi chữ với người đọc. Cứ ghi thật cảm xúc mình, ghi thật những gì xảy ra mà mình “chộp” được, xếp lại trên mặt giấy theo logich của chính mình. Đấy là thứ “thơ” nhất trong những loại thơ. Tôi tin như vậy.

       Và, điều cuối cùng tôi muốn lấy những bài thơ như “ Nỗi lòng Tô Vũ” hay “Anh lùa bò vào đồi sim trái chín” để làm sáng thêm nét bình dân trong thơ thi sĩ họ Bùi. Những cảnh chăn bò, chăn dê được ông đưa vào thơ, hoà cùng cảm xúc của mình, tạo thành những bức tranh tuyệt tác. Nhưng, ngắm những bức tranh ấy, ta vẫn luôn cảm thấy có một độ gần nhất định, thấy lòng rung lên những cảm xúc rất đỗi bình dị, hiền hoà. Tiếng kêu “be be” của đàn dê cùng những chiếc vòng mà “chàng” Bùi khoác lên cổ mỗi “em” là những nét đẹp không thể quên của bài “ Nỗi lòng Tô Vũ”. Còn hình ảnh của đàn bò gặm cỏ giữa bốn bề “tiếng cọ rì rào” sẽ làm ta nhớ mãi bài thơ “ Anh lùa bò vào đồi sim trái chín”. Từ những công việc bình thường, giản dị hằng ngày, dưới thơ Bùi Giáng vừa có hương thơm của đồng nội, lại mang thêm khối hồn rất “thơ” của ông.

      Có thể những điều tôi đưa ra ở trên chỉ là một phần rất rất nhỏ trong gia tài thơ Bùi Giáng. Song, tôi nghĩ đó là phần mà chúng ta - những người dân Quảng Nam nên tìm hiểu và cảm nhận để ít ra không phải phân vân khi nghe ai đó hỏi: “ Thơ Bùi Giáng nói cái gì vậy?”. Vâng, dù chắc sẽ nhiều người còn không hoàn toàn đồng tình nhưng tôi khẳng định “Thơ Bùi Giáng mang đậm nét bình dân

       Nguyễn Thành Giang

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.