Biên khảo
Biên Khảo Binh Ngô Ðại Cáo
Bình Ngô Đại Cáo
Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh
Năm bính tuất (1406) Minh Thành-Tổ, mượn cớ giúp vua nhà Trần dẹp sự tiếm nghịch của Hồ Qúi-Ly, sai Thành quốc-công là Chu Năng làm đại tướng, cùng với hai phó tướng là Tân thành-hầu Trương Phụ và Tây bình-hầu Mộc Thạnh tuyển binh làm hai đạo sang đánh An-Nam. Khi tả quân từ Quảng Tây đến Long Châu thì đại tướng Chu Năng qua đời và Trương Phụ lên làm thống lĩnh, tiến quân đánh lấy cửa Ba Lụy, tức là Nam quan bây giờ, rồi tiến sang phía tây bắc, về mé sông Cầu. Từ Vân Nam, Mộc Thạnh chuyển quân theo đường Mông Tự sang đánh lấy cửa Phủ Lĩnh thuộc tỉnh Tuyên-Quang rồi tiến về phía Sông Thao để hội ở Bạch Hạc với đạo quân của Trương Phụ. Phó tướng Mộc Thạnh là người nhiều mưu lược, nhưng lại dè dặt trong việc dụng binh. Trong khi ấy thì Trương Phụ là người tham bạo, đi đến đâu là tàn sát, thây người xếp thành núi, người chết rồi còn nấu thịt để lấy dầu. Mặt khác quân xâm lăng nhà Minh còn chiêu dụ người bản xứ ra làm tay sai, nhận những chức quan nhỏ để cùng chúng vơ vét bạc vàng, bắt đàn bà con gái để đưa về Tầu. Người dân, tuy oán hận Hồ Qúi-Ly, nhưng cũng còn luyến tiếc nhà Trần, và cảm thấy nỗi nhục vong quốc nên vẫn còn có nhiều nơi nổi lên phù trợ hậu duệ vua Trần để chống quân xâm lăng. Trương Phụ và Mộc Thạnh phải hai lần kéo quân sang nước ta, quân Minh hung hãn đánh dẹp từ địa đầu quan ải cho đến tận đất Hoá châu. Tháng chín năm qúi tỵ (1413), Trương Phụ dẫn quân vào Thuận Hoá, phá được tàn quân nhà Hậu Trần, vị vua cuối cùng là Trần Qúi Khoách, cùng với những bọâ tướng trung kiên như Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy phải chạy vào ẩn núp trong rừng núi nhưng sau đó đều bị bắt, và trên đường bị giải về Yên Kinh vua tôi đều tuẫn tiết, mang cái chết báo đền cho non sông.
Sau khi chiếm trọn được lãnh thổ, bình định được hai châu Thuận Hóa và Tân Bình ở cực nam đất nước, giáp với Chiêm Thành, Trương Phụ làm sổ kiểm tra dân đinh, đặt quan cai trị, coi giang sơn gấm vóc của nước ta như vẫn còn là Giao châu đời nhà Đường khi xưa. Tháng tám năm giáp ngọ (1414) Trương Phụ và Mộc Thạnh về Tàu đem theo tiền bạc vơ vét được và một số đông phụ nữ bị ép buộc phải đi theo. Trong thời gian lệ thuôic nhà Minh tiếp theo đó (1414-1427), dưới sự cai trị thật dã man và tàn nhẫn của bọn tham quan Lý Bân và Mã Kỳ được cử sang thay cho Trương Phụ, dân ta bị sách nhiễu trăm đường khổ sở. Những chổ có mỏ vàng, mỏ bạc thì dân bị đốc thúc đi khai mỏ, thật là cực nhọc. Miền rừng núi thì người sơn cước bị lùa vào rừng, tìm ngà voi, sừng tê giác, săn bắn, đặt bẫy để bắt những loài chim qúy, những thú vật hiếm hoi để đưa về Tầu, dễ gây ra diệt chủng cho nhiều loài muông thú. Trong khi ấy thì lại có những người bản xứ, tuy cũng đã theo đòi nghiên bút, biết đôi chữ nghĩa, nhưng vì tham danh lợi, không cần liêm sỉ, ra làm quan với nhà Minh, ỷ thế vào giặc để tham nhũng bóc lột dân lành. Vào thời đại dân tình cực khổ, lòng người sầu oán, sĩ phu càng thấy tâm hồn ưu uất khi đọc lại mấy câu thơ cuối trong bài Thuật Hoài của liệt sĩ Đặng Dung
"Quốc thù vị phục, đầu tiên bạch, Kỷ độ Long Tuyền, đái nguyệt ma" tạm dịch là
"Thù nước chưa đền, đầu sớm bạc, Dưới trăng mài kiếm, đã bao phen."
Nhưng đất nước ta, qua cơn bĩ cực lại tới tuần thái lai. Nhờ vận nước trở lại hanh thông, vị anh hùng áo vải ở Lam Sơn là Lê Lợi, vào mùa xuân năm mậu tuất (1418) đã dựng cờ khởi nghĩa, tự xưng là Bình Định Vương, truyền hịch khắp nơi kể tội nhà Minh và kêu gọi người dân đồng lòng hiệp sức đuổi quân xâm lăng tàn bạo ra khỏi bờ cõi của non sông. Sau mười năm gian lao vất vả, Bình Định Vương nhờ được chính nghĩa, dùng sức yếu mà thắng được thế giặc mạnh, phá tan quân địch ở Tây Kinh, rồi kéo quân về uy hiếp Đông Đô, làm khiếp vía Chinh Di tướng quân là Vương Thông do Minh Đế cử sang cứu viện. Trong trận đánh cuối cùng, quân Minh lại tăng viện theo hai ngả, dùng Chinh Lỗ phó tướng quân Liễu Thăng theo đường Quảng Tây và Chinh Nam đại tướng quân Mộc Thạnh theo đường Vân Nam, những tưởng phen này lại phá thành dẹp lũy, đem bản đồ đất Giao châu về Minh triều dâng hiến. Nào ngờ quân của Bình Định Vương, đao mài lưỡi cho sắc, mũi thương nung cho nhọn, quân sĩ hăng say quyết lòng tử chiến với địch, ở trận Chi Lăng Liễu Thăng bị đại bại, để rồi tử vong tại Mã Yên Sơn, tướng nhà Minh thì Lương Minh tử trâin, Lý Khánh đâm cổ tự vẫn. Đám tàn quân do đô đốc Thôi Tụ và thượng thư Hoàng Phúc thu thập, kéo nhau chạy về Lạng Giang cũng bị những hổ tướng của Bình Định Vương là Lê Khôi và Nguyễn Xí đem quân thiết kỵ đuổi theo truy kích và vây bắt để rồi kẻ dập đầu tạ lỗi, người qùy gối đầou hàng. Bình Định Vương, lấy nhân nghĩa để thu phục lòng người nên mở đường cho Vương Thông dâng biểu về vua Tuyên Tông nhà Minh để xin cầu hoà. Đến tháng chạp năm Đinh Mùi (1427), Vương y lời hội ước, tha chết cho quân Minh, cấp cho thủy quân 500 chiếc thuyền và giao cho bọn Phương Chính và Mã Kỳ quản lĩnh để dương buồm ngược về Bắc phương, và cùng một lúc thả 2 vạn quân sĩ đã ra hàng cho Tham tướng nhà Minh là Mã Anh chấp lãnh, rồi đưa qua sông Nhị Hà để lục tục kéo về Tầu cùng với chủ tướng Vương Thông đi đoạn hậu. Đuổi được quân thù ra ngoài bờ cõi, toàn dân Việt đã hoan ca mở một kỷ nguyên mới, tự chủ cho giang sơn.
Bình Ngô Đại Cáo Sau khi đã dẹp xong nạn xâm lăng, đánh đuổi quân Minh trở về phương bắc, Vương ra lệnh cho công thần Nguyễn Trãi viết bản "Bình Ngô Đại Cáo" tại bờ sông Hồng, trong tư dinh Bồ Đề để tuyên cáo với quốc dân rằng can qua nay đã hết, quốc gia bắt đầu một thời đại bình trị. Bản văn viết từ năm 1427, cho tới nay đã trải qua gần 6 thế kỷ mà vẫn lưu truyền lại như là một áng văn chương tuyệt tác, nói lên tinh thần bất khuất của người dân Việt, khi đọc lên lại thấy từ chương hào hùng đậm tình dân, nghĩa nước, ý nghĩa lại xâu xa đềo cập tới những lý thuyết khoa học cao siêu như đề phòng muông thú tuyệt chủng, bảo vệ môi sinh, những điều mà các nước tiền tiến trên hoàn vũ phải sang hậu bán thế kỷ thứ hai mươi mới đề cập đến.
Giờ đây, vào đầu thiên niên kỷ hai ngàn, khi mà vì vận nước, hơn hai triệu người dân Viêit đã phải sống lưu vong, dàn trải ở hầu hêùt mọi quốc gia trên thế giới, khi mà giới trẻ Việt sống ở nước người khao khát được trở về nguồn, tìm tòi học hỏi để biết đến nền văn hoá dân tộc, đọc những trang sử hào hùng của giòng giống Lạc Long để gây niềm tin và tìm lấy hướng đi cho cuộc đời, thì sự truyền bá những áng cổ văn siêu việt như "Hịch Tướng Sĩ Văn" của đạii nguyên soái Trần Hưng Đạo hay "Bình Ngô Đại Cáo" của nhà văn hào thượng đẳng Nguyễn Trãi là một điều rất cần thiết. Cũng vì nghĩ như vậy mà ở San Jose, vào miền Bắc Cali, một "Ban Phổ Biến Văn Hoá Cổ Truyền Việt Nam" đã ra đời, dưới sự hướng dẫn của Bà Trùng Quang, một vị nữ lưu đã tới tuổi chín mươi mà vẫn còn gắng công sức đảm đương thụ ủy một công trình văn hoá rất là hệ trọng. Ban tu thư này có bẩy vị, gồm toàn những danh sĩ đã có nhiều công lao đóng góp về văn hóa và giáo dục. Ngoài nữ sĩ Trùng Quang và hai vị đã vào hàng trưởng thượng là giáo sư thạc sĩ Nguyễn Cao Hách, cựu khoa trưởng luật khoa Viện đại học Sài Gòn và nhà thơ uyên bác Hà Thượng Nhân, ban văn hoá còn có thêm qúy ông Đỗ Quang Trị, Trường Giang, Vũ Quang và Đỗ Doãn Quế. Cuốn sách đầu tiên của ban phổ biến văn hoá cổ truyền của dân tộc đưa ra là cuốn "Phụ Chú Bình Ngô Đại Cáo". Đây là một công trình rất mực hàn lâm và đầy đủ để giới thiệu bản hùng văn tuyệt phẩm của Nguyễn Trãi. Sau lời tựa, cuốn sách được mở đầu bằng văn bản Hán tự "Bình Ngô Đại Cáo", chụp từ "Ức Trai Tập" in trên giấy bản được lưu trữ tại thư viện quốc gia Pháp ở Ba Lê. Cùng với nguyên bản Hán tự có kèm theo phần phiên âm và phiên dịch cho người đương thời theo tân học hiểu được lời văn và dụng ý của người xưa. Ban văn hoá lại có sáng kiến độc đáo là in bản Hán văn và những phần phiên âm và phiên dịch trên một cuốn thư để làm thành một bức tranh, có thêm nét bút son thư họa của họa sĩ Vũ Hối, để khi treo trên tường trông rất trang trọng và cổ kính. Đi cùng với bức tranh, ban tu thư đã sưu tầm khá đầy đủ những tài liệu liên hệ đến áng văn "Bình Ngô Đại Cáo" và thiên tài Nguyễn Trãi để in thành một tập sách dầy 162 trang và cùng phổ biến với một giá tượng trưng như là một món quà văn học cho cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại. Trong cuốn sách, ngoài phần Hán tự được in theo mộc bản do nhà Phúc Khê khắc năm Mậu Thìn (1868) là năm Tự Đức thứ 21, lại có bản Hán văn đã được chép trong tập "Hoàng Việt Văn Tuyển" và in trong cuốn Việt Nam Sử Lược của học giả Trần Trọng Kim. In tiếp theo là bản dịch nghĩa rất đặc sắc của cụ phó bảng Bùi Kỷ. Để so sánh với lời dịch chân phương của danh nho Bùi Kỷ, cuốn sách cũng trình bầy bản dịch của nhà văn Nhượng Tống như một tân văn, đọc lên nghe thật lưu loát.
Vì bản văn "Bình Ngô Đại Cáo" thật đúng là một kim cổ hùng văn nên có thể nói là danh sĩ nào dưới trời Nam mà có chút lòng hoài niệm những ngày vàng son, đại nghĩa bừng lên vang lừng trong sử sách, cũng đã có lần múa bút đóng góp từ chương, thêm ý kiến của mình vào phương cảo. Cuốn sách đã trình bầy thêm bản dịch âm theo nguyên văn chữ Hán bài "Bình Ngô Đại Cáo" được viết lại ngắùn gọn hơn bởi thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Bản dịch nghĩa của bài này khi xưa được tiên sinh đăng vào "An Nam tạp chí" cũng dược đăng lại để người đọc hiểu thêm ý nghĩa của bài đại cáo với quốc dân.
Tuy bài văn chủ đích được viết như là lời bá cáo của vua Lê Thái Tổ gửi đi xa gần tới trăm họ rằng sau khi công thành đại định, nay bốn phương phẳng lặng, mở hội vĩnh thanh, nhưng người chấp bút là bậc danh thần Nguyễn Trãi cũng đã phổ vào đó tình yêu nước, thương dân của riêng ông mà người đọc không thể nào không nhận thấy. Để biểu lộ nỗi lòng của con người trung nghĩa, ban văn hoá đã chọn đăng bài "Tâm sự của Nguyễn Trãi qua thi ca" của sử gia Phạm Văn Sơn. Trong bài này, ngoài những vần thơ tâm sự của tướng công ta còn được đọc những văn từ mà người đã gửi cho các tướng nhà Minh, và tùy theo tình thế chiến tranh giữa ta và địch lúc ấy mà có những câu viết như phân giải hơn thiệt giữa chiến hay hoà, hay cũng có những câu khuyên nhủ và như dạy bảo, có lúc lời văn lại trở nên đe dọa khi quân Minh ở thế đường cùng nhưng cùng một lúc tỏ uy thế của Bình Định Vương tiên sinh cũng lộ cho đối phương rằng quân ta cũng sẽ mở cho một sinh lộ để họ có cơ may rút về cố quốc. Sử gia Phạm Văn Sơn cũng ghép trong bài viết này một bài thơ dịch bản văn "Bình Ngô Đại Cáo" theo thể song thất lục bát của một người có bút hiệu là Phi Khanh. Đoạn cuối của tập Phụ Chú còn in hai bài thơ không rõ tên tác giả, mà bài xướng nói lời Nguyễn Phi Khanh, là thân phụ của Nguyễn Trãi trước ải Nam Quan khuyên con nên trở về lo việc phục quốc, và bài họa là lời Nguyễn Trãi bái biệt cha già. Cảnh cha con tiễn biệt này cũng đã được Á Nam Trần Tuấn Khải viết thành một bài trường thi và Hoàng Cầm dựng thành vở kịch thơ "Hận Nam Quan". Sau hai bài thơ nổi tiếng này, cùng được in lại trong cuốn sách là bài thơ cảm đề văn tập "Bình Ngô Đại Cáo" của thi sĩ Hà Thượng Nhân, viết như là lời bạt.
Gửi Cho Thế Hệ Sau Bài thơ của Hà thi bá là một bài nhị thâip bát cú, ý hay lời đẹp, và chỉ cần trích ra bốn câu là biết được tấm lòng của nữ sĩ Trùng Quang là người khởi xướng, chỉ mong sao cho thế hệ trẻ, tương lai của đất nước, biết đến cái hùng khí của tiền nhân khi cần bảo vệ non sông gấm vóc của giòng giống Lạc Hồng, và cùng một lúc khi đọc lại những lời văn tuyệt phẩm của một nhà văn hào thượng đẳng và cũng là một vị tham mưu tinh thông chiến lược, giới trẻ ngày nay có thể khám phá ra được rằng trước đây gần sáu thế kỷ những tư tuởng tân kỳ như bảo vệ muông thú tránh nạn diệt chủng cùng những nỗi lo âu đề phòng sự ô nhiễm cho môi trường sinh sống của người dân đã được danh thần Nguyễn Trãi nhắc nhở tới. Để nói tới sự cố gắng của cụ Trùng Quang, Hà tiên sinh đã viết
"Tuổi người già. Người tóc bạc như sương, Lòng người trẻ. Người luôn luôn tha thiết,
Đem truyền bá những điều Người hiểu biết. Gạn tinh hoa gửi lại lớp người sau."
Cũng nhằm mục đích sửa soạn tập phụ chú này để cho giới trẻ khi đọc thật thấùu hiểu những tinh diệu của áng hùng văn mà trong cuốn sách còn có bản dịch, đầu tiên và hiện nay là độc nhất, sang Anh ngữ thật khúc triết của giáo sư Nguyễn Cao Hách dưới tựa đề là "Proclamation Concerning The Vietnamese Victory Over the Northern Invaders" và một bản dịch sang thơ song thất lục bát, lời chau chuốt mà lại tươi trẻ của nữ sĩ Trùng Quang. Để giới thiệu với những người đọc trong lớp thanh thiêùu niên thời nay lời văn hùng tráng và những ý kiến tân kỳ của người xưa, người viết xin được trích dẫn dưới đây những đoạn chính trong bản phiên dịch của học giả Bùi Kỷ cùng đi song hành với lời thơ dịch của nữ sĩ Trùng Quang.
Đoạn văn mở đầu đã minh định rằng nước Việt ta là một nước văn hiến, độc lập, cùng với các triều đại Trung quốc, hai phương khác nhau. Từ đoạn dịch văn suôi
Như nước Việt ta từ trước, Vốn xưng văn hiến đã lâu,
Sơn hà cương vực đã chia, Phong tục bắc nam cũng khác. Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, hùng cứ một phương. nay chuyển sang lời thơ
Đất nước Việt, quốc gia văn hiến, Bờ cõi xưa phân biệt rõ ràng,
Núi sông Đại Việt phương Nam, Bắc phương Trung quốc cách ngàn dặm xa, Mọi phong tục đều là cách biệt,
Đinh, Lý, Trần,... kiến thiết, sửa sang. So cùng Trung quốc Hán, Đường, Tống, Nguyên,... xem cũng một phường khác chi.
Bản văn nhắc lại những chiến tích diệt xâm lăng trưóc kia, quân ta đã đánh bại nhiều danh tướng uy dũng của thiên triều
Lưu Cung sợ uy mất vía, Triệu Tiết nghe tiếng giật mình, Cửa Hàm Tử giết tươi Toa Đô,
Sông Bạch Đằng bắt sống Ô Mã. cùng với lời thơ dịch
Lưu Cung kẻ cậy tài thất trận, Triệu Tiết kia thiển cận bại vong,
Bắt Toa Đô lập kỳ công, Mã Nhi mất mạng tại sông Bạch Đằng.
Quân Minh đã vơ vét tài sản của dân Việt mang về và người trí lự có kiến thức bác học là Nguyễn Trãi đã nghĩ ngay tới sự thiệt hại lâu dài, những loài muông thú qúy hiếm có thể bị diệt chủng, cảnh vật thiên nhiên trở nên tiêu điều thiếu sự cân bằng. Chúng ta thử đọc đoạn phiên dịch văn suôi của cụ phó bảng Bùi Kỷ
Bại nhân nghĩa nát cả càn khôn, Nặng khoa liễm vét không sơn trạch.
Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống biển mò châu, Nào hố bẫy hươu đen, nào lưới dò chim sả,
Tàn hại cả côn trùng thảo mộc, Nheo nhóc thay! quan quả điên liên.
Những lời than phiền báo động này, thường được nghe ở thế kỷ hiêin hữu từ các nước tiền tiến, thế mà đã được Quan phục hầu Nguyễn Trãi viết ra từ đầu thế kỷ thứ 15, và nay được cụ Trùng Quang viết thành thơ cho giới trẻ dễ đọc, dễ nhớ
Nghĩa nhân, đạo đức tiêu hao, Bao nhiêu tài lợi thu vào túi tham. Dân lên núi đào vàng dâng chúng,
Mò ngọc trai dưới vũng biển sâu, Lam sơn chướng khí dãi dầu,
Dòng sâu đành phận thảm sầu vùi thân. Săn lộc nhung trong ngàn rừng thẳm,
Chăng lưới tìm muôn hạng chim muông... Toàn dân điêu đứng, kinh hoàng, Mất chồng, mất vợ,... muôn vàn khổ đau.
Trong mười năm kháng chiến, trải bao gian khổ, nhiều lúc Vương thấy thật là cô đơn vì thiếu ngưòi có tài năng trợ giúp. Nguyễn Trãi đã bộc lộ được sự khao khát cầou hiền của minh chủ qua những lờùi viết thật tha thiết
Tuấn kiệt như sao buổi sớm, Nhân tài như lá mùa thu,
Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần, Nơi duy ác hiếm người bàn bạc.
Đôi phen vùng vẫy, vẫn đăm đăm con mắt dục đông, Mấy thuở đợi chờ, luống đằng đẵng cỗ xe hư tả.
và lời thơ dịch của người thời nay cũng theo sát được hết ý từ
Những lo lắng trên đường phục quốc, Nhân tài như lá trút mùa thu.
Bình minh nhạt ánh sao thưa, Anh hùng hào kiệt bây giờ mấy ai! Xuôi, ngược vẫn thiếu người mưu lược,
Sớm tối mong gặp được nhân tài, Ôi! nhưng âm tín xa vời, Người không! lương cạn rối bời tâm can.
Trong "Bình Ngô Đại Cáo" có những câu mà nay trở thành kinh điển, được nhiều đoàn thể trích dẫn in trong những thông cáo gửi cho thành viên hay kèm theo hịch văn phổ biến ra đại chúng. Những câu hay được nhắc nhở đến là
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí nhân mà thay cường bạo.
Trận Bồ Đằng sấm vang sét dậy, Miền Trà Lân trúc phá tro bay.
Sỉ khí đã hăng, Quân thanh càng mạnh. Những câu thơ đối chiếu, đời nay viết ra, tuy nhịp nhàng nhưng không kém phần uy dũng
Đem đại nghĩa thắng hung tàn, Trí, nhân thu hút hoàn toàn niềm tin. Trại Bồ Đằng vang rền sấm nổ,
Trận Trà Lân trúc vỡ khói lan... Tinh thần chiến đấu vượt ngàn,
Quân ta từ đấy tiếng vang lẫy lừng. Trước khi vào đoạn kết, báo cho toàn dân biết giang sơn từ đây mở mặt, xã tắc từ nay vững bền, đại công thần Nguyễn Trãi, người đã từng theo Bình Định Vương bao năm, trải nhiều gian truân, cam khổ, đã biết phơi bầy lòng dạ nhân từ của Vương khi tha chết cho tàn quân Minh, giờ đây đã run sợ quy hàng. Trong bản phiên dịch của cụ Bùi Kỷ ta đọc được những câu
Suối máu Lãnh Câu, nước sông rền rĩ, Thành xương Đan Xá, cỏ nội đầm đìa.
Hai mặt cứu binh, cắm đầu trốn chạy. Các thành cùng khấu, cởi giáp xuống đầu.
Bắt tướng giặc mang về, nó đã vẫy đuôi phục tội. Thể lòng trời bất sát, ta cũng mở đường hiếu sinh.
Nhửng câu văn tả những chiến tích oai hùng diệt ngoại xâm của vua Lê Lợi, nhưng cũng nói lên lượng hải hà của Vương. Nữ sĩ Trùng Quang đã dịch lại như sau
Tại Lãnh Câu, sông tràn máu địch, Đan Xá thây chồng đỉnh núi cao.
Cứu binh, hai đạo quân Tàu, Nát tan có một tên nào thoát đâu. Rồi ... khắp nơi bảo nhau cởi giáp,
Tướng xin hàng cúi rạp van cầu. Hiếu sinh lấy Đức làm đầu, "Võ Thần Bất Sát" là câu ghi thường.
Đây là cuốn sách đầu tiên của "Ban Phổ Biến Văn Hoá Cổ Truyền Việt Nam", đã quy tụ được một số những danh sĩ còn nặng lòng vì tương lai của đất nước, những mong thu thập tinh hoa văn hoá để truyền tới thế hệ sau. Các vị, nhiều người đã lớn tuổi, lại cư ngụ người phương nam. kẻ phương bắc cách xa nhau hàng ngàn dặm nên sự phối hợp trong công việc cũng có phần khó khăn và sách in ra cũng có đôi điều sai lệch. Người viết bài điểm sách này cũng đã ghi nhận những chỗ in nhầm để gửi đến ban tu thư điều chỉnh lại những trang Hán tự đã để nhầm thứ tự, và những bản phiên dịch đã để nhầm tên tác giả. Mong rằng bản in hoàn chỉnh sẽ được độc giả ân cần đón nhận và lưu giữ như báu vật trong tủ sách gia đình.
Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh
Ý kiến bạn đọc
Vui lòng
login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin
ghi danh.