Ðọc Một Bài Thơ
“ Xé Thơ Rồi Lại Làm Thơ ” là một bài thơ lạ và hay.
Huệ Thu nổi tiếng về thơ Lục Bát. Ở bài này, Huệ Thu càng chứng tỏ tài năng một cách thật rõ rệt.
Nửa đêm xé một bài thơ
Thơ nguyên thì nát, đêm thừa cứ nguyên.
Ðối với một người làm thơ thì không còn gì quý hơn thơ. Thế mà người làm thơ lại xé thơ. Không phải vì thơ dở. Thế thì vì lẽ gì nếu không phải vì một nỗi đau đớn cùng cực .
Thơ nguyên thì nát,
đêm thừa cứ nguyên.
Bài thơ mà người thơ trang trọng thì nát rồi, thì xé rồi, mất rồi nhưng cái đêm mà người thơ mong cho chóng tàn, chóng hết, chóng mất vẫn còn nguyên đó.
Chỉ là một cách chơi chữ. nhưng cách chơi chữ đau đớn, xé nát lòng người. Thi nhân đùa cợt với nỗi đau đớn của mình nhưng chính vì thế mà nỗi đau đớn càng thêm to lớn. Ðêm mà người thơ không muốn có vẫn còn nguyên đó, vẫn bất tận. Còn nguyên - không mất, không hết. Chữ nguyên như một nhát dao chém vào vết thương đang rỉ máu.
Giận gì ?
Ðến đây thì ta hiểu. Người thơ giận. Giận ai ?
Ðâu dám giận anh.
Người thơ đang nói “ lẫy ” đây ! Lại còn dùng chữ cay đắng - Ðâu dám - Giận anh, giận người yêu - nói không dám giận nhưng thật sự là giận. Rất giận . Giận đến không ngủ được, đến đêm dài cứ nguyên !
Yêu đâu dám giận
Lời thơ đầy nữ tính, mới đáng yêu làm sao ! Không dám giận có nghĩa là muốn giận mà không dám. Tình yêu của người thơ thật lớn.
Nhớ thêm lại buồn.
Lại hờn nữa, không giận. Chỉ nhớ thôi, chỉ buồn thôi, chỉ một mình em chịu đựng thôi.
Ô kìa !
Thơ đó lại tuôn.
Mới xé thơ đó, mới ghét thơ đó, người thơ lại làm thơ. Thi nhân lạ cho chính mình nên mới thốt ra hai tiếng “ ô kìa ”. Tưởng không làm thơ nữa mà vẫn làm. Cái đầu bảo đừng làm nhưng con tim vẫn thôi thúc phải làm. Bất bình tắc minh. Ðó là một định luật bất biến. Cây không kêu vì gió thổi nên kêu. Nước không kêu nhưng nước bị chặn lại phải kêu. Tôi không muốn làm thơ nữa nhưng lòng tôi đau đớn, tôi phải nói ra viết ra. Ðó là thơ ! Không phải làm thơ mà thơ tự tuôn ra, như một dòng suối, như những dòng lệ.
Vì giận người yêu - giận vì lẽ gì thì chỉ có người thơ biết với mình thôi - vì đau đớn nàng làm thơ. Dĩ nhiên lời thơ phải đau đớn. Nhưng ngòi bút vẫn không cùn. Ngoại vật thật vô tình. Ngòi bút không đau đớn với người thơ - Cũng hay. Cũng hay, hai chữ viết xuống như một lời nguyền rủa.
Viết rồi thì để đó hay sao ? Thơ viết phải có người đọc, lời nói phải có người nghe. Phải gửi đi. Nhưng gửi cho ai ? Chỉ có một người mà thi nhân muốn gửi. Là anh, là chàng. Nhưng giận anh rồi thì gửi làm sao ?
Ðể đây thì tủi.
Tủi quá đi chứ ! Tâm sự không được người yêu chia xẻ. Nỗi đau đớn của mình không được người yêu biết đến.
Thì xé. Nhưng :
Xé hoài tiếc chăng ?
Xé mãi lòng mình, xé mãi thơ mình thì dĩ nhiên là phải tiếc. Chữ chăng nghe thật tội nghiệp !
Mạch thơ tự nhiên chuyển:
Nửa đêm,
tròn một vầng trăng.
Bốn bề tĩnh mịch, đêm dài vô tận. Người thơ chỉ có một mình. Với trăng. Không còn ai cả. Nỗi cô đơn thật là thấm thía. Cho nên :
Phải chi trăng rớt
mình cầm đi chơi !
Cầm trăng đi chơi. Hình ảnh thật ngộ nghĩnh. Hồn nhiên như con trẻ. Cầm trăng như cầm một cái lồng đèn đi chơi Tết Trung Thu những ngày còn nhỏ dại.
Bất chợt người thơ lại nhớ đến hoàn cảnh mình.
Tự nhiên
Hết muốn làm người
Kiếp sau
làm đám mây trời chắc vui...
Ở trên người viết: cũng hay ( thơ đau mà bút không cùn cũng hay ) ở đây thì: chắc vui. Ngẩn ngơ lạ ! Bùi ngùi lạ. Muốn làm mây - chỉ là một ước vọng. Từ Thức có lên tiên đó. Nhưng lên tiên rồi cũng trở về. Người thơ cũng phải về. Về với anh:
Hỏi anh
gió đáp ngậm ngùi.
Gió làm sao trả lời ? Gió chỉ bay qua. Như một nỗi ngậm ngùi. Người yêu không có ở đó nhưng người yêu vẫn mãi hiện hữu trong thi nhân:
Tóc thơm lừng lựng
trong mùi dạ hương.
Lừng lựng là một chữ mới của riêng Huệ Thu. Nó xuất phát từ chữ lựng. Thơm lựng. Nhưng thơm lựng thì thơm quá. Chỉ lừng lựng thôi. Ngây ngất mà man mác. Thơm như mùi dạ hương quanh quất đâu đây. Câu thơ thật đẹp, thật tài tình.
Mùi thơm lừng lựng của tóc anh chỉ là một cơn mơ. Người thơ chợt tỉnh nên mới hỏi:
Anh đâu rồi ?
Hỏi làn sương.
Trước hỏi gió, bây giờ thì hỏi sương. Nghĩa là hỏi để chẳng hỏi gì cả.
Ta đưa tay vuốt,
giữa đường anh tan.
Giấc mộng tình không dài. Người thơ đưa tay vuốt. vuốt mặt mình, anh tan biến ngay ! Và người thơ tỉnh lại :
Thơ ta
viết đã đầy trang
Thơ viết đã đầy trang. Giận quá. Cầm lên tính xé. Lại tính xé một lần nữa.
Cầm lên tính xé
thương chàng lại ngưng.
Ðang là anh, ở đây chuyển thành chàng. Tại sao chàng ? Vì chàng là của nàng, vì nàng là thi nhân - Chàng là thơ là mộng, là “ anh ” nhưng một thứ anh xa vời.
Biết đâu
mai mốt không chừng
ai đem mở đọc
bỗng dưng thấy buồn...
Là anh, là chàng rồi là ai. Yêu đấy nhưng giận đấy, hờn đấy. Ở trên là giận, ở dưới cũng là giận. Xé thơ là giận. Ðầu đề bài thơ lẽ ra nên để là “ Giận ”. Giận cho nên mới “chàng”, mới “ai”. Cũng một người yêu nhưng mỗi lúc một thấy xa, một thấy lạ !
Lời thơ Lục Bát nhẹ nhàng và thấm thía. Từng chữ, từng chữ viết như trong một cơn mơ. Không phải Huệ Thu viết mà tấm lòng của người thơ viết. Tấm lòng yêu thương và nhẫn nhục. Của những bà Tú Xương của bây giờ: những người đàn bà Việt Nam. Tôi ít thấy một bài thơ tình kín đáo và hàm súc như vậy.
Hà Thượng Nhân