Ký ức là khả năng quên.
La mémoire est la faculté d’oublier( Henri Bergson).
Nhận định trên có vẻ mâu thuẫn và nghịch lý, xin quý độc giả hạ hồi phân giải.
Tình trạng kinh tế tài chính những lúc gần đây xuống dốc thê thảm. Công nhân viên mất việc dài dài. Những vị cao niên, những người mắc bệnh được hưởng trợ cấp SSI bị cắt xén bớt trước đây lại bị cắt bớt thêm. Một số bệnh nhân già có, chưa già cũng có, đến Trung tâm ADHC xin ban giám đốc một phần xin được trị bệnh(bệnh Azheimer, bệnh thống phong, bệnh run Parkinson, bệnh đột quỵ tức bệnh tai biến mạch máu não như tôi), nhưng phần chính là được cùng chung sinh hoạt với những bệnh nhân khác. Chứng kiến những vị cao niên tới Trung tâm xin được điều trị, tôi chỉ biết nhưng không quen mỗi một bà cụ già là bà Tư. Kết quả cho đến hôm nay những tờ đơn xin gia nhập vào Trung tâm đều đi vào im lặng: kết quả tiêu cực. Trung tâm không được chấp nhận những vị cao niên hoặc những ngườI mắc bệnh. Lý do giản dị dễ hiểu. Tới ngày hôm nay, không một cơ quan chăm sóc và điều trị những người cao niên hoặc bệnh nhân có đủ khả năng thâu nhận những người mới. Cơ quan phải biết “ liệu cơm gắp mắm”.
Những vị cao niên hoặc những bệnh nhân chỉ được tới Trung tâm điều trị và sinh hoạt nhiều nhất năm buổi một tuần, riêng tôi chỉ được ba buổi một tuần, thứ ba, thứ tư và thứ năm. Có người chỉ được hai buổi. Như ông bạn già Phan Đỗ, như ông bạn già Dương Hữu, mỗi người hai buổi. Thậm chí mỗi người chỉ được một buổi. Như ông bạn người Việt gốc Hoa Trương Trung. Ông Trung khi đi tới Trung tâm, việc giải trí đấu sức trước tiên là soạn bàn cờ, sắp xếp những con cờ ra chơi: đánh cờ tướng cho tới giờ cơm trưa. Đấu thủ của cờ tướng là ông lão họ Trần ở đường Redwood, không biết số nhà. Trần tiên sinh và Trương tiên sinh đều vui vẻ tính tình hòa nhã. Đôi lúc tôi cũng muốn biết kết quả trận đấu ra sao giữa hai ông lão, Trương tiên sinh chỉ cười, đối đáp cho qua chuyện:
- Bất phân thắng bại. Lúc được lúc thua.
Sau khi uống nhấm nháp vài ngụm cà phê vô vị do nữ phục vụ viên Roxanne cung cấp không phục vụ điểm tâm( tôi đã ăn trước khi ra chờ tài xế), tôi bước ra phòng therapy tập gọI là thể dục, tập vật lý trị liệu. Nói nào ngay, phòng therapy tôi tập cho có tập để nhân viên hướng dẫn ghi vào danh sách những người có tập vào buổi sáng. Của đáng tội, những bệnh nhân người Hoa đa số là đàn bà tới phòng vật lý trị liệu chỉ cốt nói chuyện. Họ nói chuyện ồn ào như đang nhóm chợ, sôi nổI, tranh luận hoặc cãi cọ phân bua, tôi nghĩ có lẽ đó là tập tục truyền thong từ nghìn xưa để lại hậu duệ. Kín đáo nhìn vào những ngườI ngồi trên ghế tập đạp( thực sự họ chẳng đạp), kéo dây ròng rọc, tôi tự hỏi họ bị bệnh gì. Nhìn bề ngoài, tôi thấy họ chẳng có dấu hiệu triệu chứng gì bệnh cả. Rồi tôi tự bảo, đừng “ trông mặt mà bắt hình dong”, “ Tri nhơn, tri diện, bệnh môn trung” Như quan sát bà người Hoa Angy, ông người Mỹ William, ông người Mỷ Dennis, ông người Việt Nguyễn Tạo, bà người Việt Trương Bê,bà người Lào Barnett, ai biết được những người ấy bệnh gì, ấy vậy mọi người đều có bệnh như Biển Thước thời Đông Châu liệt quốc nói, suốt từ đầu giờ tới cuối buổi sau khi ăn trưa, hai bà Barnett và bà Bê chỉ...ngủ.
Đêm nay là hội Trung Thu, rằm tháng Tám, tết Nhi Đồng. Tại Việt Nam, thời tiết không may gặp mùa bão lũ, người chết mất tích lên tới một trăm, thủ tướng muôn vàn kính yêu ra chỉ thị toàn đảng toàn quân toàn dân tận lực cứu nguy phòng chống bão lụt. Cảm khái, tôi chạnh nghĩ đến Trung Thu, không đèn, không múa lân, không vịnh đèn kéo quân, không luôn cả bánh Mặt Trăng:
“ Trung Thu nguyệt sáng lắm em ơi.
Trải chiếu trăng treo chú Cuội ngồi,
Dưới gốc cây đa chờ Hậu Nghệ
Bắc thang pháp nạn hỏi ông Trời.”
Trung Thu ngỡ một dịp vui chơi
Một tỉnh Tây nguyên bão ngất trời.
Bát Nhã đuổi xua chùa Phước Huệ
Gặp thời mạt pháp nói không lời.
Riêng tôi và vợ chồng ông bà Nguyễn Sức hơi vui vào ngày thứ năm, vì hôm sau là ngày thứ sáu chúng tôi không phải dậy sớm, không phải mặc quần áo chống lạnh và nhất là không phải chờ tài xế đón xe đi tới Trung tâm sinh hoạt. Chúng tôi có quyền thức khuya một chút, dậy trưa một chút, ngủ nướng một chút. Kỷ niệm buổi xưa không thể nào quên vào thủa học trò, nghỉ hè, dậy muộn khi ánh nắng chan hòa lấp lánh xiên qua song cửa, ong bướm bay lượn vù vù trên cành cây mận đơm hoa, giấc ngủ đã đầy con mắt, tâm thần sáng khoái yêu đời.
Được nghỉ thứ sáu, chúng tôi được nghỉ cuối tuần, thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật. Chúng tôi không phải đi sinh hoạt ngày thứ hai tại Trung tâm, chúng tôi ở nhà tất cả bốn ngày. Xin lưu ý: thứ sáu, thứ bảy là ngày cuối tuần, công nhân viên được nghỉ. Chủ nhật là ngày bắt đầu cho một tuần lễ mới, những công nhân viên cũng được nghỉ, khác với nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, một tuần lễ chỉ được nghỉ độc nhất vào ngày chủ nhật: tha hồ quét dọn giặt giũ, tha hồ đi chợ, tha hồ tắm gội, tha hồ mua sắm nhất là vào thời chiến, tha hồ soạn bài, tha hồ chấm bài mệt nghỉ, ngày làm không đủ, tranh thủ làm đêm. Coi vậy chớ thời gian vùn vụt tháng ngày thấm thoắt chóng qua, lật bật chấm dứt cuối tuần, bước sang tuần lễ mới, lật bật rồi xuân qua, rồi hạ tới rồi thu đến cho tới đông sang mưa dầm gió bấc chấm dứt một năm, nhường chỗ cho những ngày tươi sáng của mùa xuân. Ngoảnh mặt lại, hầu hết những người quen biết họ hàng thân thuộc lần lượt ra đi, còn lại bơ vơ chỉ mỗi một mình, thật đã rất quen nhưng cũng rất đỗi lạ lùng.
“ Đào nguyên chỉ mỗi một mình tôi?
Từ Thức người tiên đã sống rồi.
Giã biệt Thiên Thai về cõi tục
Rượu đào ngọc nữ chuốc ly bôi.”
Chữ “sống” trong câu thơ thứ hai gói ghém tròn đầy ý nghĩa Từ Thức định nói: vừa gặp gỡ người tiên, vừa múa hát những vũ điệu xiêm y mỏng manh khêu gợi lẳng lơ, vừa chuốc rượu ngọt bồ đào mời Từ Thức uống, thưởng thức những sơn hào hải vị vắng bóng trần gian, và sau hết ái ân chăn gối. “ Ái ân chăn gối cùng tiên nữ mà Từ Thức tưởng như còn thục nữ trinh nguyên.” Sống”, tắt một lời, il a vécu. “ Ly bôi” là người tiên mời Từ Thức chung rượu tiễn đưa cuộc tiễn hành Tống biệt.
Đời người có tứ khổ, bốn cái khổ, sinh, lão, bệnh, tử, sống, già bệnh và chết. Hài nhi vừa mới cất tiếng oe oe khóc chào đời đã bất hạnh hứng chịu bẩm sinh khuyết tật, mắt chẳng thấy và tai chẳng nghe, khiếm thị và khiếm thính. Năm nay tôi đã ngoài thất thập, bệnh kéo dài đã suýt soát thập niên coi như nan y bất trị, nhờ trờI Phật đoái hoài thương xót sống sót đến ngày hôm nay, trí nhớ tuy chưa mụ mẫm lú lẫn vẫn còn tương đối sáng suốt. Ông lão ngoài bảy chục vẫn còn nhớ được ngày tháng năm sinh, vẫn còn nhớ được kỷ niệm ngày cưới mặc dù kỷ niệm ngày ấy suýt soát đã một phần hai thế kỷ, mấy con ông lão vẫn “chìm xuồng” trong lặng lẽ, có lẽ vợ chồng chúng tôi đều nhận thấy cảm thấy già rồi má hóp da nhăn mắt mờ chân tay run rẩy chậm chạp. Và cũng nhờ trời Phật đoái thương tấm thân gần đất xa trời, ông lão vẫn còn khả năng hì hục viết lách lăng nhăng cốt giết tháng ngày còn lại. Viết để viết, không mong gì lưu trữ kho tàng kỷ niệm, một khi ông lão mất đi, kỷ niệm rồi sẽ tan thành mây khói. Trí nhớ của tôi rất độc đáo, nhớ kỹ đến nỗi những kỷ niệm thiếu thời chìm sâu trong dĩ vãng một khi gợi lại, tôi vẫn nhớ rõ mồn một. Như những kỷ niệm thời tôi còn ẵm ngửa bị té ngã lăn từ bộ ván xuống nền nhà, như kỷ niệm thời tôi tập chập chững bước từng bước lúc tôi té nguyên con xuống thau nước bẩn ướt cả chim lẫn quần, như lần kỷ niệm tôi chết hụt trên con sông nước lớn khi tôi chửa biết bơi vì mải mê đuổi theo một con rạm bơi theo dòng nước chảy.
Mở máy điện toán, tôi được chứng kiến tai nghe mắt thấy một mẩu chuyện kỳ lạ, an amazing woman, một người đàn bà đáng gây ngạc nhiên. Bà ta là một phụ nữ xấp xỉ bốn mươi, người Hoa, nói tiếng...tôi đoán Hoa, bà mất trọn hai tay, hai cánh tay, chỉ còn hai chân cử động đi đứng bình thường. Bà mặc áo sơ mi ngắn tay, quần dài, rửa mặt, rửa chân lau mặt, chải đầu, kẹp tóc, nhồi bột, làm bánh, nấu cơm, nấu thức ăn, dọn dẹp, tăm gội, quét dọn nhà cửa, may vá, luồn kim chỉ, nhất nhất làm gì cũng xong, cũng được, vừa nhanh nhẹn vừa vén khéo nhưng bằng hai chân! Tôi vừa sửng sốt vừa ngạc nhiên cho người phụ nữ này. Trước kia, có lẽ bà ấy gặp tai nạn mất cả hai cánh tay, nhưng rồi nhờ ý chí nhờ nghị lực và với sức mạnh tinh thần, bà vượt qua tất cả những khó khăn vất vả. Luồn kim, xỏ chỉ với một bàn chân mà bà ta làm vẫn được, quả thực thế gian hi hữu. Trong bữa cơm gia đình, bà ta ngồi bên cạnh người phối ngẫu, chuyện trò huyên thuyên vui vẻ. Chắc có lẽ trong chuyện phòng the chăn gối, bà ta cũng tỏ ra sành điệu lão luyện trong chốn trường tình.
Bây giờ xin trở lại những trang trên để luận về ký ức.
Theo định nghĩa tâm lý học, ký ức là khả năng gợi lại quá khứ được nhận biết là quá khứ. Xin lưu ý, một khi được gợi lại, quá khứ phải được nhận biết, bởi trong một tình huống bất bình thường quá khứ không được nhận biết, không được ý thức như là quá khứ. Tình huống này sẽ được đề cập sau. Khi nói về quá trình tiến hành từng bước của sự suy luận qua kiến thức, Socrate đã nhận định: “ Tôi chỉ có một nhận thức là tôi không biết gì cả “. Nhận thức sơ khởi đầu tiên là sự nhận thức về sự dốt nát, về sự mê muội, vô minh. Đồng thời với Socrate, Khổng Tử nước Tàu cũng nói: “ Ngã phi sinh tri chi giả dã”. Ta không phải là người sinh ra đã biết. Vào thế kỷ thứ hai mươi, triết gia Alain cũng đã xác nhận: “ savoir, c’est savoir qu’on sait”. Biết tức là biết mình biết vậy. Một thí sinh khi vào thi vấn đáp đã trả lời “ trúng cách “một vị giám khảo vì “ chó ngáp phải ruồi”. Câu trả lời đó không thể được coi là kiến thức của thí sinh ấy được bởi biết mà không biết mình biết,, vẫn là vô minh.Một vị giáo sư nay đã quá vãng hỏi một học sinh hiện đang theo học lớp đệ tứ niên khóa 1953-54 đã hỏi “ lá gan nằm ở chỗ nào?”. Học sinh chỉ thẳng vào rốn không ngần ngại, không đắn đo, không chút do dự. Vị giáo sư hỏi tiếp trước khi học sinh cho phép ngồi xuống chỗ ngồi:”Biết thuốc trụ sinh penicillin không?- Dạ biết. “ Pénicillin màu xanh hay màu đỏ?” - Dạ màu đỏ. Không biết, dốt, nhưng vẫn nghĩ vẫn tưởng mình biết. Lắm kẻ dốt đặc không biết gì cứ ngỡ mình biết thông suốt. Trong cõi vô minh hoàn toàn u tối, sống mông lung trong mê hồn trận loanh quanh trong trận đồ bát quái, cứ ngỡ là sáng suốt, là minh. Vô minh nhi bất vô minh. U mê chẳng phải u mê. Vào thời Lão tử, tà chính nhập nhằng, vàng thau lẫn lộn, thực thực hư hư, chân chân ngụy ngụy, không biết lẽ nào đằng nào phân biệt nên tiên sinh đề xướng thuyết vô vi chủ trương học thuyết vô chính phủ(anarchisme). Không làm, không hành động. Nhưng phải vô cùng thận trọng vì tiên sinh lên tiếng: không làm không có nghĩa không làm gì hết, không hành động chi cả. Vô vi nhi bất vô vi. Không làm mà chẳng không làm. Cao Bá Quát là kẻ bất phùng thời không khác Nho học vào thời buổi suy tàn Trần Tế Xương, đã buông ra những lời thơ cực kỳ yếm thế xem nhẹ cuộc đời không coi một ý nghĩa nhân sinh nào hết sắc sắc không không. Ông viết:
“ Mảnh hình hài không có có không.”
Nếu cuộc đời rốt cục chẳng có một ý nghĩa gì, chẳng có một lý tưởng nào thì tại sao thì tại sao giáo thụ Quốc Oai không tận hưởng một vài ly rượu, không nhấm nháp khề khà “tiêu khiển một vài chung lếu láo”? Cao Chu Thần biết trước cuộc tạo loạn của giặc Châu Chấu bị thất bại mà hậu quả bị triều đình nhà Nguyễn bắt được bị chém bêu đầu. Thực ra, ba vạn sáu ngàn ngày chẳng là bao, ba mươi sáu ngàn ngày mấy ai được sống thọ trăm tuổi, “ cảnh phù du trông thấy cũng nực cười.” Éphémère là con phù du, một loại côn trùng có cánh thường xuất hiện ban đêm, gặp ánh đèn ánh sáng liền bu vào bám vào ngọn đèn, trong khoảnh khắc ngã lăn ra chết rất giống bầy thiêu thân, phù du chỉ sống một thời gian rất ngắn.
Những lúc gần đây ông bạn vong niên tôi thấy dường như sức khỏe của ông có phần sút giảm. Vào những buổi sáng giữa tiết mùa trung thu, trời khá lạnh, ông Dương đã phải mặc áo dày cộm chống gậy ra cổng chờ tài xế đi tới trung tâm chăm sóc sức khỏe những người già không quên lỉnh kỉnh mang theo những bị những túi xách cần thiết. Thường ông Dương chẳng chịu yên vị khi ngồi vào ghế. Ông cho những ông bạn cũng đã già cho biết ông phải đi sinh hoạt hai lần một tuần, thứ ba và thứ năm do sự chỉ định của văn phòng điều hành. Được một lát độ nửa giờ sau đó, ông Dương lại nói ông quên mất những ngày ông phải đi sinh hoạt, có phải thứ ba và thứ tư, có phải thứ tư và thứ năm? Nói nào ngay, thật tình tôi có thể nhắc lại với ông Dương ông chỉ phải đi sinh hoạt mỗi tuần vào ngày thứ ba và thứ năm thôi, thứ tư, thứ sáu ông ở nhà, không phải đi sinh hoạt. Ấy thế mà ông không nhớ, phải hỏi đi hỏi lại tôi đoán những năm sáu lần, rút cục vẫn hoài nghi, ông phải hỏi lại tất nhiên không chỉ một lần. Tôi phải dùng bút bi viết rõ ràng trên trang giấy trắng, sau đó giao lại cho ông để giữ làm tin. Vợ chồng ông bà Nguyễn Sức tủm tỉm cười, mặc nhiên cho rằng trí nhớ ông Dương bắt đầu có triệu chứng lú lẫn. Bergson xác nhận:” Ký ức là khả năng quên”. Ngày trước, tuổi thanh niên tràn đầy sinh lực, học đến đâu, nhớ đến đó, ghi giữ hoài niệm, khêu gợi hoài niệm, nhận biết và định chỗ hoài niệm.
Ai được giải Nobel hòa bình, thưa quý độc giả? Những nhà khoa học nhận được giải Nobel về Hóa Học, về Vật Lý đa số là những khoa học gia Mỹ, ai ai cũng biết cả, thế nhưng giải Nobel Hòa bình năm 2009 thuộc về ai, quý độc giả đoán thử xem? Bà Radeer? Linh mục Nguyễn văn Lý? Đại lão hòa thượng Thích Quảng Độ? Nhà đấu tranh dân chủ Ngụy kinh Sinh? Thiền sư Nhất Hạnh? Tất cả đều không đúng. Tôi vừa nghe người được trao giải Nobel Hòa Bình năm 2009 khiến tôi sửng sốt bàng hoàng tưởng tôi nghe lộn. Nghe xong, tôi thất vọng tràn trề.
Người được giải Nobel Hòa bình năm 2009 chính là vị tổng thống thứ 44, được đắc cử năm 2009, thuộc sắc dân da màu người gốc châu Phi, xin được miễn nêu tên họ
Trở lại câu chuyện về ký ức. Thì ra, ông bạn Âu Dương vẫn còn trăn trở thắc mắc nghi ngờ về cái chuyện sinh hoạt hàng tuần của Trung tâm. Hiện giờ tôi thật sự mỏi mệt về cái chuyện lẩm ca lẩm cẩm của ông Dương, không muốn nhắc tới chuyện ấy nữa, chỉ nói một câu đơn giản:
- Trước ngày đi sinh hoạt, tôi sẽ gọi phôn cho anh. Số phôn của anh là(858) 371- 1170, có phải không? Số phôn của anh, anh còn nhớ không?
- Thì số phôn của tôi là 858- 371-1170 chớ gì
- Đúng rồi, bây giờ anh nghỉ đi, sắp tới giờ an trưa rồi, còn mười phút nữa thôi.
Bữa trưa, trên dĩa thức ăn, chỉ vỏn vẹn hai miếng bánh sandwich được cắt làm đôi, bên trong có vài ba khoanh thịt gà lôi xắt mỏng, một chén giấy tráng miệng có nho trái, một nửa trái chuối chin cắt đôi, một chén nhỏ cocktail, vài miếng đào hộp.. Cách vài bữa thức ăn trưa được thay đổi món cho ra vẻ: cũng vẫn hai khoanh bánh mì sandwich, bên trong có chả trứng omelette trộn sauce. Kinh tế suy thoái, người già người bệnh không còn được những món ăn trưa ngon lành như trước nữa, giờ đây, họ chỉ có hai món độc nhất. Hết rồi những bữa cơm có thịt gà nướng. Hết rồi những phần bánh pizza ngon lành còn nóng hôi hổi.
Sau bữa ăn trưa, ông Dương và tôi cùng nhau ngồi trên ghế đợi tài xế. Trong lúc chờ đợi, tôi thường cùng ông Dương trò chuyện để giết thì giờ. Ông năm nay đã ngoại tám mươi, ở một mình trong một gian nhà nhỏ được chính phủ cho housing, vợ đã mất cách nay ngót chục năm. Bà mất vì bệnh Alzheimer, mất trí nhớ, nôm na là bệnh lú lẫn, hoàn toàn không nhớ gì hết, ngu ngơ tựa một đứa trẻ con, không biết quá khứ, xa lạ đối với ngày hôm sau, thậm chí người nhà hỏi hôm nay là ngày gì cũng không nhận ra. Tôi có một bà bạn học ngày trước, bà Ngọc T. Bà Ngọc T. còn có một bà chị nữa, là bà Thân P., hiện giờ đang sinh sống tại thành phố những người Việt định cư ở Santa Ana. Khi còn ở tại Việt Nam, bà P. làm nghề hộ sinh tại con đường Hồng Bàng, nhà số mấy tôi không nhớ. Sau năm 75, gia đình vượt biên sang Mỹ, sống tại tiểu bang Florida. Bà P. tiếp tục học lại, cả ngày lẫn đêm, quên ngủ quên ăn, đến nỗi bà P. bất hạnh gặp phải một bệnh tuy không đến nỗi mạng vong nhưng vô cùng khốn khổ: bà bị mắc bệnh quên, Alzheimer. Học hành bị bội thực không tiêu hóa nổi bị trả một giá quá đắt.Bị bệnh lú lẫn, bà P. không còn biết đến khái niệm thời gian, không biết thế nào là quá khứ, không có ý niệm tương lai và chỉ biết hiện tại. Đừng nói ngày hôm qua, năm ngoái, cũng đừng đề cập đến ngày hôm sau.
Trong lúc chuyện vãn, tuy không tiết lộ một cách công khai, tôi e ngại ông Âu Dương đã phát hiện ông đã chớm bệnh lú lẫn, Alzheimer. Bệnh hoạn là chuyện tất nhiên, bởi ông Dương nay đã ngót bát tuần ngoài tám chục. Hơn nữa, ông bị bệnh lú lẫn theo giòng máu gia đình: chính vợ ông Dương cũng bị bệnh Alzheimer.
Henri Bergson là một triết gia thượng thặng, đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Ngoài những tác phẩm Les Données immédiates de la conscience, l’ Évolution créatrice, l’ Énergie spirituelle, le Rire, les deux Sources de la Morale et de la Religion, Bergson còn để lại một tác phẩm đầy tính chất tâm lý và tính chất siêu hình: Matière et Mémoire, Vật chất và Ký ức, trong đó, Bergson nhấn mạnh tương quan giữa vật chất và tinh thần, giữa mối liên hệ óc não và tâm lý nói chung và ký ức nói riêng.
Trong chương I, Bergson viết: “ Conscience signifie d’abord mémoire”. Ý thức có nghĩa trước tiên là ký ức. Ký ức là biết như triết gia Alain nói “ biết, tức là biết mình biết”. Nhưng ở đây, ý thức có hai ý nghĩa rõ rệt, ý thức tự phát và ý thức phản tỉnh, conscience spontanée và conscience réfléchie. Ở đây, ý thức tự phát chính là ký ức có tính tự phát, như một thứ tập quán. Học thuộc lòng một bài thơ, một đoạn văn, tôi đọc vanh vách cho tất cả lớp cùng nghe một cách máy móc, gọi là ý thức tự phát. Đứa trẻ say mê theo dõi một con diều giấy phất phơ lượn lờ trong gió, không để ý gì tới cảnh vật chung quanh lúc này bị hư vô hóa, đó là ý thức tự phát. Nhưng ý thức phản tỉnh hiện đến khi tôi hồi tưởng, nhớ lại vào lúc đang học bài thơ đoạn văn, tôi nhớ một người đàn ông đi qua trước cửa, hỏi tôi số nhà địa chỉ tên đường. Ý thức phản tỉnh cũng xảy ra khi đứa trẻ vấp suýt ngã nhào, đau đớn, suýt xoa chỗ bầm trầy chảy máu, quên mất cánh diều đã bị vong thân.
Theo thiển ý, một khi chúng sinh còn trầm luân trong cõi vô minh, hoàn toàn không nhớ gì về tiền kiếp. Như thái tử Tất Đạt Đa hoàn toàn quên lãng những kiếp trước. Như tôi, dù có muốn biết kiếp trước của bản thân cũng chịu, vì chịu vô minh, chịu nghiệt cảnh tham sân si. Nhưng một khi thái tử Tất Đạt Đa đã đạt đạo, đã giác ngộ dưới cội bồ đề, bao nhiêu tiền kiếp đã hiển hiện lồ lộ trước con mắt thần nhãn của ngài. “ L’inconscience, c’est l’ignorance; conscience, réminiscence, mémoire ensuite”. Vô thức vô minh là một trạng thái bình thường; ý thức, hồi tưởng là một trạng thái xuất phàm, một trạng thái được “chiếu sáng”.
Nhưng cũng có thể khi Bergson nói thêm rằng “ ký ức là khả năng quên”, la mémoire est la faculté d’oublier. Lời phát biểu ban đầu nghe như có vẻ nghịch lý, dường như có điều mâu thuẫn.
Khi một người đã có một ký ức tốt, một trí nhớ có khả năng thu giữ chat chứa nhiều hoài niệm nhiều kỷ niệm, lúc ấy ký ức người ấy chắc chắn sẽ bị bão hòa, tương lai không xa sẽ bị bội thực, sẽ không tiêu hóa nổi. Nhà tâm lý học khi ấy sẽ có một lời khuyên, một câu một lời nhắn nhủ: nên nghỉ xả hơi, nên chơi giải trí, hoặc đi chơi picnic, đi xem một xuất xi nê. Kinh nghiệm bản thân cho tôi biết rằng vào mùa thi ( Tú tài phần Một) phải chúi cổ ra mà học gạo, từ môn Việt văn, môn sinh ngữ, môn Toán, môn Lý Hóa vân vân, học bù đầu, học túi bụi, nhồi nhét một chương một sách kiến thức kinh điển. Gần ngày thi, kiểm điểm lại bài vở, tôi thấy đầu óc gần như trống rỗng, trí nhớ không còn biết phải ghi trong óc những điều gì. Sau cùng tôi tự nhủ: chỉ nhớ những chi tiết chính, những điều cốt lõi, còn tất cả, quên hết, quên tuốt. Bergson nhắc nhở: “ Ký ức là khả năng nhớ, nên quên những điều râu ria phức tạp, những tình tiết éo le phiền toái. Tôi chỉ nhớ một khung sườn, một lộ đồ, một phác họa, theo đó tôi có thể đào sâu trong chi tiết, viết thành một bài luận Văn, những giải đáp một bài Toán. Tắt một lời, ký ức là khả năng quên”.
Con dế buồn tự tử giữa đêm sương,
Bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ./.