Những tài xế buổi sáng
Tới sinh hoạt trung tâm
Người cao niên bệnh hoạn
Hai ba bận một tuần.
Một lần tài đưa dón
Buổi sáng sau ăn trưa
Độc nhất cơm một món
Có kẻ đón người đưa.
Đọc trên báo chợ hằng ngày Người Việt Tự Do, tôi thấy trên trang quảng cáo có mục giới thiệu chương trình Sức Khỏe cho những vị Cao Niên. Tôi xin nói ngay cho rõ, Người Việt Tự Do vốn là “ báo chợ”, báo được in, được phát hành hằng ngày, người mua không mất tiền và người bán khỏi phải thu tiền: báo free, phát không, chỉ nhận ấn phí bằng quảng cáo, như Cáo phó, Phân ưu, Rao vặt và đặc biệt Quảng cáo. Ngoài Người Việt Tự Do được phát free, còn có một số báo khác cũng được phát không tức được phát free, đọc thoải mái như Tiếng Việt, Thương Mại, Thời Mới, Chí Linh, Sài Gòn Nhỏ...
Nghe theo báo chợ Người Việt Tự Do, tôi quyết định xin đi sinh hoạt và trị liệu những vị cao niên và những bệnh nhân tại Trung tâm Horizons II tại đường University Avenue. Sau khi điền đơn từ và chữ ký, một nữ trợ tá xã hội social worker thẩm vấn bệnh nhân là tôi một số câu hỏi, thí dụ những câu hỏi về mặt tâm thần, câu hỏi về mặt trí nhớ, câu hỏi về ngôn ngữ, câu hỏi về dinh dưỡng, nuốt...Sau khi phỏng vấn chúng tôi ra về. Tuần lễ sau đó, trung tâm cho biết kết quả: bệnh nhân được đi sinh hoạt một tuần lễ ba buổi, thứ ba, thứ tư, thứ năm, có tài xế đưa xe từ nhà tới đón tại Trung tâm, sau đó ăn điểm tâm, tập thể dục, sinh hoạt, tới 12giờ ăn trưa. Sau buổi ăn trưa, tài xế đón xe về tận nhà. Những ngày kế tiếp là những ngày nghỉ, không phải dậy sớm trước 6 giờ để còn phải lo nhâm nhi một cốc cà phê hòa tan, ăn một bát oatmeal, thay quần áo, coi vậy mà đã suýt soát bảy giờ, tôi mới lếch thếch chống gậy bước ra khỏi nhà đợi viên tài xế.
Phần lớn những vị cao niên và những người có bệnh sinh hoạt tại Trung tâm Horizons II là những người Hoa, nói tiếng Quan thoại, một ít người Việt nói tiếng Việt. Người Việt có thể trao đổi ngôn ngữ với nhau bằng tiếng Việt nhưng trao đổi bằng Quan thoại dễ dàng hơn, thông suốt hơn. Như lão huynh Phan Đỗ. Như lão huynh Âu Dương Hữu. Có tất cả bảy bàn để cùng nhau sinh hoạt nhưng cũng tất cả đều bàn tròn, y chang những bàn tròn dành riêng cho những thực khách tại những nhà hàng, vừa tiện lợi vừa có thể xếp thêm mười ghế ngồi: nhà hàng Đồng Khánh tửu lầu ở Chợ Lớn, Việt Nam. Tại phòng sinh hoạt, hầu như không có gì ngoài một dụng cụ giải trí độc nhất: một cây dương cầm. Những lúc không biết phải làm gì sau bữa cơm trưa ngồi chờ tài xế, tôi chống gậy bốn chấu ngồi đàn piano độc nhất một tay phải, mà tôi đã ví von gọi “độc thủ dương cầm”, chỉ một tay phải, bấm phím, bấm nốt nhạc, đôi lúc bấm hòa âm hoặc hợp âm, trưởng hoặc thứ, nhưng muốn bấm hòa âm hợp âm bằng tay trái thì hoàn toàn không thể, bất lực, bất khiển dụng và điều này làm tôi đau khổ không ít. Rồi tôi tự an ủi bằng cách đàn trên cây đàn keyboard hiệu Yamaha, có thể cùng lúc chơi hợp âm nhưng phải nhìn nhận không dễ dàng gì mà chơi hợp âm cùng lúc với nhạc bản đang diễn tấu. Rốt cục, tôi đành phải lựa chọn một hợp âm cơ bản để chơi với bản nhạc. Tôi tự nhủ, nghề chơi cũng lắm công phu.
Tôi đề cập những người tài xế lái xe tại Trung tâm Quantum. Theo tôi nhận xét, không có tài xế nào là người Hoa cả. Những vị cao niên những người bệnh người Hoa cũng nhiều, kể cả những nhân viên social workers, những nhân viên làm những công việc giúp đỡ bệnh nhân, phục vụ điểm tâm, những bữa ăn trưa, tôi thấy những nhân viên ấy cũng hiện diện. Như bà người Hoa Chu Phan. Như cô người Hoa Sylvia nói tiếng Việt rất sõi. Như cậu Nhã tên Wayne người Hoa nói tiếng Việt rất thông thạo. Coi đi coi lại, tôi thấy những người tài xế hầu hết đều có quốc tịch Mỹ nhưng gốc gác khác nhau. Như anh Juan, quốc tịch Mỹ gốc Mễ Tây Cơ. Như ông Raphael, quốc tịch Mỹ gốc Mễ Tây Cơ. Như tài xế Roberto quốc tịch Mỹ, gốc Philípin. Như tài xế tên Ricky tên Việt Nam là Nghĩa, gốc Việt. Nghĩa làm việc hơn nửa năm, rốt cục bỏ việc vì lương quá “ bèo”, sau ba tháng, lương Nghĩa chỉ được tăng 25cents. “ Bèo” ở đây có nghĩa thời thượng rẻ mạt. Bình thường, tới mười hai giờ rưỡi trưa, tất cả tài xế tề tựu đông đủ đợi người già và bệnh nhân leo lên xe van đưa về nhà. Riêng Nghĩa thường đến trễ, sau mười hai rưỡi, có lúc gần một giờ trưa, mọi người chờ đợi đều khó chịu, bất mãn ra mặt. Thì ra Nghĩa còn có thêm một job thứ hai nữa. Tôi được Nghĩa nói lại, Nghĩa cùng gia đình vợ con lên mở tiệm kinh doanh tại thị trấn San Marcos, cách Santa Ana phía bắc độ một giờ lái xe.
Riêng tài xế người Mỹ gốc Mễ Raphael, tôi đặc biệt có cảm tình thân thiện với tài xế ấy. Tuy đã lớn tuổi, tôi e chừng Raphael đã nghỉ việc đáo hạn hồi hưu, Tìm thêm việc, tôi nghĩ Raphael mục đích kiếm thêm đồng tiền, nhất là vào thời buổi kinh tế suy trầm. Thích góp chuyện, Raphael tính tình vui vẻ tế nhị, sẵn lòng giúp đỡ những khi cần thiết. Chỉ có một điều làm tôi không vui khi Raphael đã bỏ mặc tôi tự biên tự diễn, đã vội vội vàng vàng bước lên xe tiếp tục lái xe chở nốt những bệnh nhân còn lại trên xe, bỏ mặc bệnh nhân là tôi chống walker khập khiễng bước từng bước trên con dốc thoai thoải vô hiên nhà.
Như thường lệ, tôi đã yên vị ngồi trên ghế trước bên cạnh ghế ngồi của tài xế. Buổi sang hôm nay, trời không có nắng chỉ có từ đàng xa trên con đường thẳng tắp một áng mờ nhạt sương mù:
“ Buổi sáng mờ sương trời thiếu nắng.
Không gian tĩnh mịch âm thinh lặng.
Ao sen nở muộn thoảng mùi hương,
Nửa tách cà phê thơm giọt đắng.
Vẳng tiếng còi xe nhấn mạnh ga,
Dư âm vẳng vọng người im ắng.
Trầm tư bách kế bất như nhàn(1).
Trở tiết cao niên ho hung hắng.”
1. Thơ hát nói của Cao Bá Quát, Uống rượu tiêu sầu.
Tôi mạn phép chép lại một bài tứ tuyệt, nằm chiêm bao đêm hôm trước, tôi nhớ lại bài thơ tứ tuyệt dường như ngụ ý có điều mâu thuẫn; tôi xin chép lại bài tứ tuyệt ấy:
“ Năm tháng lần trôi theo dĩ vãng.
Mộng vàng phút chốc hóa tương lai.
Hoàng kim thức giấc khuya về sáng,
Trọn giấc Nam Kha tiếng thở dài.”
“ Năm tháng lần trôi theo dĩ vãng”. Rõ ràng hai lần năm thành mười tôi thấy như in trong giấc mộng. Như tôi đã viết, đã ghi rành mạch trên tờ giấy trắng. Phải chăng có một nghịch lý, một mâu thuẫn? “ Năm tháng lần trôi theo dĩ vãng trong hiện thực không phải trong chiêm bao có một ý nghĩa gì? “ Theo thiển nghĩ, “năm tháng” được hiểu là “ thời gian”, nói rộng hơn “ năm tháng” được hiểu là hiện tại. Lời thơ thứ nhất “Năm tháng lần trôi theo dĩ vãng” được biến thái và đổi thành “ Hiện tại lần trôi thành dĩ vãng”; và dĩ vãng - quá khứ là hai chị em song sinh:” Hiện tại lần trôi thành quá khứ”
Theo các triết gia kinh viện sách vở, nói cho đúng theo các nhà tâm lý học bị tiêm nhiễm triết học cổ điển, thời gian được chia làm ba thành phần liên tục nhau và không ngừng xô đưổi nhau: quá khứ đã qua, không bao giờ trở lại, hiện tại nhất thời vụt hiện vụt biến và tương lai là cái chưa có, chưa hiện hữu.
Chịu ảnh hưởng khá sâu đậm thuyết duy nghiệm của triết gia David Hume, Kant quan niệm một cách vừa chủ quan vừa khách quan rằng không gian và thời gian là những hình thức tiên nghiệm, formes a priori, vừa có vừa không, vừa hiện hữu vừa không hiện hữu. Thật khó mà thuyết phục rằng thời gian không thực hữu bởi quan niệm bình dân nói rằng “ thời gian sờ sờ ra đó còn hoài nghi nỗi gì.”
Theo quan niệm Phật giáo, hiện tại là một sát na, một thực hữu không còn hoài nghi gì, nhưng một sát na còn nhanh hơn một giây đồng hồ tích tắc và ông Nghiêm xuân Hồng đã phát biểu khách quan rằng “Thời gian là sự phóng chiếu của tâm thức”. “Sự phóng chiếu của tâm thức”, tôi nghe như thể mờ mịt tối tăm ở trong mê hồn trận. Nếu “ thời gian là sự phóng chiếu của tâm thức” như cư sĩ Nghiêm xuân Hồng nói, lẽ đương nhiên phải có quá khứ và phải có tương lai như một hệ quả. Nhưng quá khứ- tương lai là những phạm trù thực hữu như thế nào, không một ai người nào có thể cảm thức được. Như lời nhận định của đấng Giác Ngộ “ một khi chúng sinh đạt quả A La Hán, đạt chứng quả Bồ Tát, lúc đó mới trực giác bản chất của Niết Bàn”; riêng Niết Bàn vốn tự tính, bất khả tư nghì, chẳng thể suy bàn. Tương tự, Lão tử nói, “ đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh”.
“ Cảm thức thời gian bằng trực giác
Hoa sen một đóa hương ngào ngạt.
Ngôn từ mật ngữ khó trình thưa,
Ngữ pháp thông ngôn rành đối đáp.
Khói lửa thanh bình đượm ấm no,
Mưa hòa gió thuận hằng khao khát.
Chân mềm đá cứng buổi hoàng kim.
Nước mắt mồ hôi cao giọng hát.”
Giáo lý Phật giáo chủ trương cơ bản về nghiệp chướng luân hồi. Hành động của những người làm lành tránh dữ tất phải nhận lãnh hậu quả của nghiệp báo, điều ấy đã quá hiển nhiên. Đã có vay thì phải trả. Đã trót ăn mặn tất phải khát nước. Vụ xử phạt Huỳnh ngọc Sỹ ba năm tù ở cùng đồng lõa Lê Quả hai năm tù vì viên chức Nhật Bản đã “ vi thiềng” đút lót xơ múi tám trăm hai chục ngàn mỹ kim, mục đích được trúng thầu xa lộ Đông Tây. Hóa ra sự thật phũ phàng: hậu duệ nước Phù Tang cũng tập tễnh học đòi hối lộ tham ô móc ngoặc.
“ Thời buổi thanh liêm nghe thật uổng,
Mèo trao miệng mỡ sao không hưởng?”
Thời gian ngồi gỡ lịch ba năm, tháng ngày ắt hẳn dài lắm, nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại, thời gian vật lý khác thời gian tâm lý.
“ Một ngày gỡ lịch ở tù,
Khác chi du hí nghìn thu ở ngoài.”
Một giờ phải một giờ đâu,
Thanh hương dự ước một bầu đó thôi ( giáo sư N.Đ. D. lược dịch).
Lẽ thường châm ngôn tục ngữ có câu “ giơ cao đánh sẽ. Thật ra, mặt sắt Bao công xử án không phải vậy đâu. “ Công thì thưởng, tội thì trừng”. Quan xử án trước khi kết án, bao giờ cũng xin tham vấn những đầu sỏ chóp bu trước. Người Anh Cả, Anh Hai những Big Brothers tuy không xuất hiện nhưng bao giờ cũng...hiện diện sờ sờ trước mặt. Tuy ở tù nhưng Huỳnh ngọc Sỹ khác với phạm nhân: cực kỳ thoải mái. Ở tù mà chẳng phải ở tù, lên xuống trong ngoài trại giam, sang sớm trưa chiều, tù thong dong đi dạo bất cứ lúc nào. Cơm nước đã có kẻ hầu lo, truyền hình giải trí đã có người cung phụng hầu hạ, báo chí đã có người cung cấp hằng ngày.Vợ con dâu rể thăm chồng thăm cha thăm bố chồng thăm bố vợ hàng tuần, động viên khuyến khích trấn an chăm lo sức khỏe ủy lạo động viên tinh thần. Ở tù khỏi phải lao động chủ nghĩa xã hội. Ở tù ba năm chẳng có gì lâu, nếu nhằm ngày đại lễ Quốc Khánh, không khéo tù nhân Huỳnh ngọc Sỹ được đại xá vì biết ăn năn hối cải và có hạnh kiểm tốt! Vào những lúc nhàn nhã, tù nhân Sỹ nên ôn lại quá khứ, rút tỉa kinh nghiệm, rút ưu khuyết điểm, hòng hi vọng “ ôn cố tri tân “, ôm ấp hoài bão “ luận cổ suy kim”. Đầu tư tham nhũng được coi như lỗ vốn, hóa ra khôn mà không ngoan.
Trong lúc những vị cao niên đều nhận thấy một cách rõ rang không thể nào chối cãi được rằng thời gian trôi đi quá nhanh. Mới thấy chúa xuân sang, rồi lửa hạ tiếp theo, rồi thu đến với tiết mùa thu ấp ủ cho trái mau chín, lá mau vàng để rồi phải lìa cành trong những ngày đông thiên lạnh giá, gió bấc mưa dầm, trong lúc trẻ con đợi chờ sốt ruột thời gian trôi lê thê dằng dặc:
“ Sự đời ngẫm nghĩ mà hay,
Trăm năm là ngắn một ngày dài ghê.”
Một con chó già, tuổi thọ vật lý hai mươi năm mới chết trong lúc con chó xét về tuổi “ chó” có thể nhẩm đếm non một trăm tuổi hay hơn thế nữa, chỉ biết con chó hoàn toàn không có không biết khái niệm thời gian, cũng như một hài nhi chửa biết thời gian là gì (Thật ra, khi đã bảy mươi tuổi ngoài, sau khi nghiền ngẫm tác phẩm siêu hình “ Hiện hữu và Thời gian” Sein und Zeit của Martin Heidegger, tôi vẫn như đi lạc vào Thời gian trong mê hồn trận).
Cũng theo giáo lý Phật giáo, con người khi còn sống đã phạm phải nhiều tội ác, khi chết tất phải chịu nghiệp báo. Lúc còn sống, con người đã không biết coi trọng của cải cơm ăn áo mặc, phung phí đổ vãi những thức ăn như cơm canh thịt cá, đến khi chết, những cơm canh ngày trước bị đổ vãi sẽ biến thành giòi bọ bò lúc nhúc, vong hồn người chết sẽ phải lượm nhặt những giòi bọ ấy ra mà ăn vì quá đói khát. Khi còn sống, người mẹ của bồ tát Mục Kiền Liên là Thanh Đề đã độc ác cho vay nặng lãi, lúc chết rồi, vong hồn Thanh Đề phải chịu nghiệp báo. Trong hầm lửa địa ngục Vô Gián, hồn ma Thanh Đề phải chịu bọn quỷ Dạ Xoa hành hạ. Sự trừng phạt hành hạ trong địa ngục Vô Gián do hồn ma Thanh Đề phải thọ hình trong thời gian bao lâu? Một trăm năm? Một ngàn năm? Mười kiếp? Muôn vạn kiếp? Thời gian nào làm chuẩn cho bản án được hồn ma Thanh Đề thọ hình trong lửa địa ngục, trong hang hầm rắn rết, trong hố cầu tiêu bọ giòi lúc nhúc? Lúc sinh tiền, có lẽ bà Thanh Đề biết rất rõ ý nghĩa của thời gian lúc bà cho vay, bà thầm tính nhẩm trên các lóng tay vàng ngọc đầy tay đầy cổ đáo hạn phải tính lãi xuất cùng các con nợ; đến lúc chết bị trừng phạt đọa đày chín tầng địa ngục, hồn ma Thanh Đề trở thành mê muội chịu hình phạt quá tàn bạo quá khốc liệt không còn biết ý niệm của thời gian, sáng cũng như tối, ngày cũng như đêm, không còn ý thức thời gian, chỉ còn trừng phạt và... trừng phạt. Đến lúc bồ tát Mục Kiền Liên xuống địa ngục tìm thăm mẹ Thanh Đề, gặp mẹ mà lòng xót xa đau khổ vì chứng kiến tận mắt hồn ma phải chịu hình phạt, thấy chén cơm Mục Liên đưa cho hồn ma mẹ ăn mà chẳng được: chén cơm được hồn ma đưa vô miệng đã lập tức cơm hóa thành lửa!
Một ngày, một tháng, một năm bị nhục hình bị trừng phạt hóa thành triền miên vô tận, không cả năm, bất kể tháng, không màng ngày! Khi mãn hạn thời gian bị trừng phạt chuộc tội, vong hồn được hóa kiếp đầu thai qua một kiếp mới. Kiếp gì? Kiếp người? Kiếp A Tu La? Kiếp Ngạ quỷ? Kiếp Súc Sinh? Diêm vương cũng không biết được kiếp gì. Theo triết gia Platon, trước khi được chuyển kiếp, linh hồn phải đi qua một giòng sông gọi là sông Léthée tức giòng sông Quên lãng; khi thuyền trôi giữa sông, linh hồn phải uống một ngụm nước, hồn người chết sẽ quên tất cả những chuyện quá khứ, tựa đứa hài nhi mở mắt khóc chào đời, quá khứ hoang sơ tiền sử phi lịch sử, linh hồn đi theo thuyền trôi trong bóng đêm đen hun hút dày đặc ghê rợn, tương tự chuyện dân gian “ cháo lú”: trước khi chuyển kiếp luân hồi, hồn ma người chết sẽ tới quán cháo lú ăn một bát cháo để không còn nhớ gì những sự cố đã xảy ra.
Theo đà suy thoái kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của từng chu kỳ, tôi được người social worker tới nhà cho tôi và gia đình biết trước tiền trợ cấp người già người bệnh kể từ tháng mười một sắp tới chắc chắn sẽ bị cắt bớt. Cắt bớt bao nhiêu, liệu có đủ để trả tiền nhà housing mỗi tháng, phải trả tiền điện nước, tiền gas, chi phí điện thoại, tiền đi chợ, tiền đổ xăng không, cái đó...chưa biết. Thậm chí có bốn nhân viên phục vụ tại Quantum cũng bị nghỉ việc vì ban giám đốc Trung tâm không đủ khả năng tiếp tục ký giao kèo nữa. Bốn nhân viên bị nghỉ việc ấy là Kim, Noreen, Mariasa và nữ tài xế người da màu Shalleen. Theo chỗ riêng tư, tôi được biết mỗi chi phí dành riêng một bệnh nhân, người cao niên, chính phủ phải đài thọ mỗi ngày là bảy mươi mỹ kim.
“ Thương hải biến vi tang điền.” Biển xanh biến thành ruộng dâu. Theo truyện thần tiên( không biết truyện có thực hay không), cứ mỗi ba nghìn năm, biển xanh hóa thành ruộng dâu và ngược lại, cứ ba nghìn năm ruộng dâu hóa thành biển xanh, chứng tỏ thế gian hoàn vũ vật đổi sao dời. Căn cứ theo khoa học khách quan, cứ mỗi một triệu năm sẽ có một cuộc chuyển dời biển và núi gọi là nguyên đại. Núi từ nguyên đại thứ nhất có hình dáng đầu tròn và nhẵn. Núi từ nguyên đại thứ tư tức nguyên đại sau cùng, nguyên đại mớI nhất có hình dáng cao, đỉnh núi nhọn hoắc. Có thể ước đoán mà không sợ sai lầm, quan sát ngọn núi biết núi già núi trẻ. Mọi sự mọi vật biến thiên theo vật lý địa cầu tổng số tới bốn triệu năm.
VDN