Sao Đêm
Mẹ là thơ. Mẹ và thơ mãi khắn khít nhau như hình với bóng. Hình ảnh mẹ càng cần cù, mộc mạc bao nhiêu lại càng nên thơ bấy nhiêu. Trong ngôn ngữ thi ca của thế giới, dân tộc nào cũng có những vần thơ chứa chan tình mẹ. Mẹ hiển hiện trên đường về, trên từng ngõ hồn sâu kín. Mẹ là chất liệu kết tinh của tất cả những thiên anh hùng ca, những đại sử thi, những trường thiên tình sử và cả trong những vần thơ Haiku đơn sơ, thâm thúy.
Với dân tộc Nhật Bản, Haiku được xem như tinh hoa của văn hóa dân tộc. Dưới góc nhìn của Thiền tông, Haiku là thể thơ đặc biệt có thể hàm chứa được thực tại nhiệm mầu trong vỏn vẹn 17 âm tiết, vừa sâu lắng uyên thâm, lại vừa đơn sơ giản dị. Nghe qua, người ta khó tưởng tượng được rằng một thứ tình cảm dạt dào, mơn man bất tận như tình mẹ lại có thể ẩn mình trong những vần thơ gẫy gọn này. Không ! Hoàn toàn ngược lại : Hình ảnh mẹ trong thơ Haiku lại càng bát ngát, phiêu diêu hơn bao giờ hết.
Haiku (Hài cú) là thể thơ đặc biệt của Nhật Bản, kế thừa từ các dạng liên ca truyền thống. Từ Haiku được rút gọn từ Haikai và Hokku. Người có công đầu lập nên con đường "Tiêu phong" (Shofu) này, và đưa đến đỉnh cao nghệ thuật thi ca thế giới là Thiền sư Matsuo Basho.
Sau Basho, có ba nhà thơ lớn của Haiku lần lượt xuất hiện, hợp cùng Basho thành tứ trụ của Haiku Nhật Bản :
Basho 1644 – 1694.
Buson 1716 – 1784.
Issa 1762 – 1826.
Shiki 1867 – 1902.
Ngoài bốn vì sao đó, còn có vô số người đi theo con đường này, họ đưa Haiku lên bình diện niềm vui nghệ thuật và lấy làm lẽ sống đời mình, cũng như trà đạo, hoa đạo, nhu đạo... với một triết lý sâu thẳm hơn, có thể gọi là Hài cú đạo (Haiku đô).
Ngoài những mảng đề tài về thiên nhiên, Haiku còn có đề tài về mẹ. Hình ảnh Mẹ hiện lên với tất cả xúc cảm của khổ đau và vẻ đẹp nhẹ nhàng của sự giải thoát, chúng ta sẽ tìm thấy ở thơ Issa và thơ Basho.
Những hình ảnh vừa nhỏ nhoi vừa mong manh như hạt sương, giọt lệ đến với thế giới thơ Haiku trở nên lung linh, vĩ đại, như ẩn chứa một linh hồn.
Issa là người bất hạnh, năm lên 3 mất mẹ. Hơn ai hết, Issa hiểu Mẹ quan trọng biết dường nào.
Một ngày hội, trẻ nhỏ nô đùa với bạn bè, tung tăng trong vòng tay mẹ, Issa thấy mình lạc lõng cô đơn, nỗi buồn ập đến, và Issa tìm về với bầy chim để được chia xẻ :
Ore to kite/ Đến đây nào, với tôi
asobe yo oya no/ cùng chơi đùa chim sẻ
nai suzume./không còn mẹ trên đời. [*]
Mất mẹ là mất đi một phần quan trọng tạo thành sự sống. Cuộc đời Issa trở nên lang thang, lang thang khắp nước Nhật, kiếm sống đủ mọi nghề, những vẻ đẹp trên đời dường như vô nghĩa đối với Issa, thậm chí còn như địa ngục ám ảnh suốt cuộc hành trình :
Aki no kaze /Gió mùa thu
ware wa nairu wa/ địa ngục nào đây
dono jigo ku./ cùng tôi giang hồ.
Khi Issa có dịp trở về với biển, do ngoại dáng mênh mông và mùi hương đậm đà vị mặn của biển, nhà thơ đã tìm thấy hơi ấm và tình thương của mẹ :
Naki haha ya /Mẹ yêu ơi !
umi miru tabi na/ mỗi khi nhìn thấy biển
miru tabi ni. /khi thấy biển khơi.
Một khám phá mới làm thăng hoa tâm hồn Issa. Mẹ được hóa thân vể biển, một cảm giác vừa bao la của tình mẹ, vừa mặn mà ấm áp của vòng tay. Về với biển, Issa và Mẹ không còn ranh giới nữa, cùng hòa vào bản thể nhiệm mầu. Giờ đây, trước mắt Issa, một Thiền sư, tất cả đều có cuộc sống, có Phật tính, có sự bình đẳng trong ánh sáng và trong cát bụi. Nơi hạt bụi chứa tam thiên đại thiên thế gió驮 Mỗi hình ảnh pháp trần là hiện thân của Mẹ :
Tsuyu no tama/ Ôi những hạt sương
hitotsu hitosu ni/ trân châu từng hạt
furusato ari./ hiện hình cố hương.
Mẹ là tất cả, tất cả đều là hiện thân của Mẹ. Issa đã chấm dứt nỗi cô đơn ! Bên cạnh những bài thơ về mẹ của Issa, Basho cũng có một bài thơ về mẹ rất xúc động :
Te ni toraba kien /Tóc mẹ còn đây
namida zo atsuki/ tan trong lệ nóng
aki no shimo./ sương mù thu bay.
Một đoạn Basho viết trong cuốn nhật ký năm 1684 như sau :
"Cuối cùng tôi về đến quê nhà vào đầu tháng 9, cây hoa hiên mà mẹ thường trồng trước phòng bây giờ không còn nữa, có lẽ đã chết vì sương giá. Tất cả mọi thứ khác cũng đã đổi thay - Gương mặt anh tôi đã hiện nếp nhăn trên trán và tóc bạc nơi thái dương.
Chúng ta vẫn còn sống, anh chỉ nói thế. Rồi, không lời nào nữa, anh mở một chiếc túi kỷ niệm mà nói : Hãy nhìn mớ tóc sương của Mẹ đây này. Đây là chiếc hộp linh thiêng của Urashima đấy, ta cũng sẽ bạc đầu".
Urashima là chàng ngư phủ huyền thoại, đã cưới công chúa thủy cung mà còn nhớ nhà. Chàng về quê, mang theo chiếc hộp của công chúa tặng, dặn đừng mở ra, nhưng chàng đã mở, và tuổi già đã ập xuống, tức thì tóc bạc và da nhăn.
Mỗi chúng ta là một Urashima, nghĩa là một kẻ nhớ cố hương, muốn ngược thời gian để tìm lại mẹ. Nhà thơ, Urashima và chúng ta không thể không mở chiếc hộp này.
Tóc mẹ còn đây
tan trong lệ nóng
sương mùa thu bay.
Basho đã khóc khi nhìn thấy tóc sương của mẹ, lệ nóng của nhà thơ nhỏ xuống, và nhà thơ không dám nâng tóc mẹ lên vì sợ tóc ấy sẽ tan đi như sương mùa thu. Tóc sương của mẹ và sương mùa thu lẫn vào nhau, chúng ta khó lòng phân biệt được tóc mẹ tan hay sương mùa thu tan vì lệ nóng, có lẽ cả hai !
Mẹ không còn nữa ! Nỗi dằn vặt giữa mất và còn làm những giọt lệ hiếm hoi của Thiền sư rơi. Để chuyển hóa nỗi đau, Thiền sư thi sĩ đưa mẹ về với thiên nhiên, tóc mẹ trở về với sương mùa thu, tất cả hòa vào vũ trụ bao la – thế giới vô ngã. Để rồi, nơi những cánh hoa đào, những bông tuyết trắng, những cỏ cây... đều có phần của mẹ.
Mẹ không còn, nhưng bài thơ bất hủ của Basho, của Issa vẫn còn đó. Nó tỏa những vầng sáng dịu hiền trên nền trời thi ca thế giới.
Mẹ trở thành vĩ đại !
Ghi chú
(*) Những vần thơ Haiku trong bài này đều do Nhật Chiêu dịch.