|
Thơ dịchHồi Hương Ngẫu Thư - Hạ Tri Chương
#1 |
Ngẫu Nhiên Khi Về Quê
(Hồi Hương Ngẫu Thư)
Hạ Tri Chương tự Quý Chân, người quê Vĩnh Hưng thuộc Việt Châu (nay là Hợp Phố tỉnh Quảng Đông) . Ông đỗ Tiến Sĩ đời Vũ Hậu, làm quan đến chức Bí thư giám. Ông hơn Lý Bạch đến hơn bốn chục tuổi nhưng hai người kết bạn rất thân. Hạ Tri Chương giỏi về văn từ, có tài hùng biện, kiến thức uyên bác và trí nhớ đặc biệt , tính tình phóng khoáng , tự phong hiệu là “ Tứ Minh Cuồng Khách” . Ông mất năm 86 tuổi. Thơ văn của ông phần nhiều phục vụ cung đình. Có một số ít bài thơ xuất sắc phải kể đến là hai bài Hồi Hương Ngẫu Thư của Ông sáng tác khi từ quan về quê thăm nhà sau hơn năm mươi năm xa cách . Bài thơ dạt dào tình cảm, đã diễn tả những nỗi niềm chất phát bộc trực từ con tim và đáy lòng của nhà thơ. Ông đã từ giã quê hương ra đi để mưu tìm công danh sự nghiệp vào những năm còn trai trẻ, và qua bao nhiêu thăng trầm dâu bể của cuộc đời, bây giờ tóc đã rụng thưa, phơ phơ sương điểm, nhưng giọng nói quê cũ của ông vẫn chẳng bao giờ đổi thay, đã chứng tỏ tình cảm của ông vẫn luôn còn gắn bó tha thiết với quê hương cố quận, cho dù sống tha phương ngàn trùng xa cách , tận chân trời góc bể nào… Đã bao nhiêu năm xa cách nơi chôn nhau cắt rún, chắc hẳn không phải là điều ngạc nhiên khi người thơ về thăm quê cha đất tổ và gặp đàn trẻ nhỏ chạy chơi quanh quẩn, nhìn ông như một người khách từ phương xa đến đây :
Còn trẻ ra đi, lão mới về
Tóc thưa cằn cỗi, tiếng còn quê
Trẻ con trông thấy mà không biết
Cười hỏi " Khách từ mô đến tê ? "
Ông về đó để tìm lại những kỷ niệm dấu yêu thời hãy còn thơ ấu, để tìm lại bạn bè thuở hàn vi … nhưng những người bạn cũ đó, nếu may mắn còn sống được đến ngày nay như tuổi của ông thì thật là hiếm có vô cùng. Bạn bè kẻ mất người còn , "bán tiêu ma" (vắng đi một nửa).. nhưng thật ra khó mà tìm được bạn cũ người xưa còn nhớ ông để mà tri âm, kể lại chuyện vui buồn dĩ vãng thời niên thiếu .. Thương nhớ bạn bè xưa để mà suy ngẫm thân phận mình, về chuyện đời lắm nỗi thăng trầm dâu bể .. Tất cả đều đổi thay .. tang điền thương hải. Cuộc đời như giấc mộng, như gió thoảng, mây bay cuối trời .. Có còn lại chăng là cái hình ảnh của thiên nhiên vô thủy giữa cảnh trời đất mênh mông vô tận … mặt Hồ Kính trước nhà vẫn lung linh , sóng nước lăn tăn vẫn còn đó, vẫn còn nguyên vẹn trước gió Xuân, dẫu qua bao cuộc bể dâu :
Năm tháng xa nhà chắc đã lâu
Bạn bè mất nửa, nửa về đâu
Hồ Gương trước cửa lung linh nước
Gió chẳng làm thay gợn sóng sầu
Bài thơ Hồi Hương Ngẫu Thư - Kỳ Nhất (nguyên tác) :
Hồi Hương Ngẫu Thư – Kỳ Nhất
Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi
Hương âm vô cải mấn mao tồi
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn khách tùng hà xứ lai
Hạ Tri Chương
Ngẫu Nhiên Khi Về Quê (Bài Một)
1-
Còn trẻ ra đi, lão mới về
Tóc thưa cằn cỗi, tiếng còn quê
Trẻ con trông thấy mà không biết
Cười hỏi " Khách từ mô đến tê ? "
2-
Trẻ ra đi, lão mới về
Tóc bông thưa thớt, tiếng quê dạt dào
Trẻ con lạ lẫm lao xao
Hỏi cười " Khách lạ phương nào đến đây? "
Hải Đà
Bài thơ Hồi Hương Ngẫu Thư - Kỳ Nhị (nguyên tác):
Hồi Hương Ngẫu Thư (Kỳ Nhị)
Ly biệt gia hương tuế, nguyệt đa
Cận lai nhân sự bán tiêu ma
Duy hữu môn tiền kinh hồ thủy
Xuân phong bất cải cựu thời ba
Hạ Tri Chương
Ngẫu Nhiên Khi Về Quê (Bài Hai)
1-
Năm tháng xa nhà chắc đã lâu
Bạn bè mất nửa, nửa về đâu
Hồ Gương trước cửa lung linh nước
Gió chẳng làm thay gợn sóng sầu
2-
Quê nhà xa cách tháng năm
Bạn bè thưa thớt biệt tăm phương trời
Mặt Hồ Gương trước ngõ soi
Gió xuân chắc chẳng đổi đời sóng xưa
Hải Đà
Hồi Hương Ngẫu Thư (Thơ phổ nhạc)
Thơ phóng tác: Vương Ngọc Long
(Ý thơ Hạ Tri Chương)
Nhạc: Mai Đức Vinh
Ra đi thuở hãy còn thơ
Tuổi già mới được ngày mơ trở về
Thưa rằng chẳng mất giọng quê
Tóc sương điểm bạc lòng tê tái sầu
Người quen cảnh cũ còn đâu
Bạn xưa chẳng nhận ra nhau...nghẹn ngào
Trẻ con lạ lẫm lao xao
Hỏi cười “ Khách lạ phương nào đến đây ? “
Đời như gió thoảng mây bay
Xa quê nào biết tháng ngày trôi qua
Chơi vơi lá rụng sân nhà
Đìu hiu vườn cũ nhạt nhòa lệ rơi
Long đong góc bể chân trời
Bạn bè đếm được mấy người còn đây
Thoảng nghe con nước thở dài
Lung linh Hồ Kính nhà ai gợn sầu
Mặc đời lắm cảnh bể dâu
Gió Xuân chẳng đổi thay màu sóng xưa …
Ý kiến bạn đọcVui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh. Nguyễn Ngọc Kiên dịch thơ Nhà thơ Hạ Tri Chương và bài thơ Hồi hương ngẫu thư
Nguyễn Ngọc Kiên dịch thơ
Tiểu sử: Hạ Tri Chương (賀知章; 659 - 744), tự Quý Chân, khi từ quan về làng tự xưng là Cuồng khách, là nhà thơ đời Đường, người Cối Kê, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ông đỗ tiến sĩ vào năm 695, được bổ làm Thái thường bác sĩ. Trong thời Khai nguyên, đời vua Đường Huyền Tông, ông làm Lễ bộ thị lang kiêm Tập hiền viện học sĩ, đổi làm Thái tử tân khách, rồi Bí thư giám. Đầu đời Thiên Bảo, ông xin từ quan về làm đạo sĩ.
Ông cùng với Trương Húc, Trương Nhược Hư, Bao Dung được người đương thời gọi là Ngô trung tứ sĩ (Bốn danh sĩ đất Ngô). Ông là bạn vong niên với Lý Bạch, từng gọi Lý Bạch là "trích tiên" (tiên bị đày). Hạ Tri Chương thích uống rượu, tính tình hào phóng. Ông còn để lại hai mươi bài thơ, trong đó bài Hồi hương ngẫu thư là nổi tiếng nhất.
(Theo Wikipedia)
回鄉偶書其一
少小離家老大迴,
鄉音無改鬢毛摧。
兒童相見不相識,
笑問客從何處來。
Phiên âm:
Hồi hương ngẫu thư kỳ 1
Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
Tiếu vấn, khách tòng hà xứ lai.
Dịch nghĩa:
Viết ngẫu hứng khi về làng (Bài 1)
Lúc nhỏ rời xa nhà, nay già mới trở về,
Giọng nhà quê vẫn không đổi, tóc mai đã thưa bạc.
Trẻ con trông thấynhưng không biết là ai,
Cười hỏi khách từ đâu đến?
Dịch thơ 1:
Xa nhà lúc trẻ, lớn về đây
Tóc mai thưa rụng, giọng chẳng thay
Trẻ con gặp mặt không quen biết
Cười hỏi: khách đâu đến chốn này?
Dịch thơ 2:
Xa quê già mới về nhà
Tóc mai thưa rụng giọng đà chẳng thay.
Trẻ con gặp mặt không hay
Cười hỏi: khách đến nơi này là ai?
回鄉偶書其二
離別家鄉歲月多,
近來人事半消磨。
惟有門前鏡湖水,
春風不改舊時波。
Phiên âm:
Hồi hương ngẫu thư kỳ 2
Ly biệt gia hương tuế nguyệt đa,
Cận lai nhân sự bán tiêu ma.
Duy hữu môn tiền Kính hồ thuỷ,
Xuân phong bất cải cựu thời ba.
Dịch nghĩa:
Viết ngẫu hứng khi về làng (Bài 2)
Xa cách quê nhà đã bao nhiêu năm tháng,
Gần đây chuyện người một nửa đã mòn mỏi, tiêu điều.
Chỉ có Kính hồ ở trước cửa.
Gió Xuân không thay đổi con sóng xưa (làn sóng trên mặt hồ)
Dịch thơ 1:
Xa cách quê hương đã bấy chầy
Nửa phần nhân sự đã đổi thay
Chỉ riêng hồ Kính kia trước cửa
Sóng cũ gió xuân chẳng chuyển lay.
Dịch thơ 2:
Xa quê năm tháng đã nhiều
Nửa phần nhân sự tiêu điều bấy nay
Chỉ hồ Kính trước cửa này
Gió xuân chẳng thể đổi thay sóng hồ.
|
|