• PHƯƠNG TRIỀU
Tiểu sử THY LAN THẢO: Sinh quán: Làng Tân Niên Trung, Gò Công. Cựu học sinh Khóa 5 Trung học Công lập Gò Công; cựu sinh viên Văn khoa Sài-gòn (ban Việt); Quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Đơn vị phục vụ: Tiểu đoàn 50 Chiến Tranh Chính Trị (Sài-gòn), Tiểu đoàn 20 CTCT (Pleiku).
- Tù Trại Hà Tây & Nam Hà.
- Thả tháng 7-1983.
- Định cư tại Houston, Texas, theo diện HO 14.
- Bài thơ đăng báo đầu tiên năm học Đệ Nhị.
- Hiện có thơ đăng rải rác trên một số tạp chí ở Mỹ, Canada, Đức...
- Bút hiệu chọn từ thời học Đệ Nhị Trung học Gò Công.
Đã xuất bản: Thơ Thy Lan Thảo (2003) – Vết Khắc Nửa Đời (Thơ, 2004).
Thơ in chung: Lai Láng Dòng Phù Sa (2001) – Những Đóa Hoa Nở Muộn (2002) – 25 Năm Thi Ca Hải Ngoại (2003).
•
Khí phách thơ
Trước khi vào bài, tôi xin dành giây phút tưởng niệm hai người bạn vừa mới đi xa: Nhật Trường Trần Thiện Thanh và Trần Thúc Vũ.
Trần Thúc Vũ trước ngày ra đi vẫn còn cảm khái:
Này Tử Thần,
Người đã đến, đứng chi ngoài ngõ
Vào, cùng ta chơi nốt cuộc tồn sinh
Cờ đã sẵn, đây cuộc cờ định số
Ta bật hồng rọi thấu cõi u minh
Ta đã sống, tất nhiên rồi sẽ hóa
Tội cho ngươi lén lúc những mê cung
Ta như lửa sá gì ngươi hù dọa
Thuở binh đao, sinh tử cũng bằng không
Ta dũng sĩ, ôm mối hờn quốc nhục
Lặng hờn căm, lửa bốc những canh khuya
Thân con nợ, núi sông chưa báo đáp
Mới đành cam lưu luyến buổi phân lìa
Này Tử Thần, hãy chờ ta bước nữa
Cõi trăm năm khoảnh khắc còn là bao?
Hãy ngồi đó nhâm nhi, và hãy ngủ
Chốn thiên thu thê thảm những thương đau
Xong việc nước, ta lay người thức dậy
Rủ ngươi về thiên cổ một phen chơi!
(Thơ Trần Thúc Vũ - 13.4.05)
Bỗng dưng tôi chợt nhớ hai câu thơ của nghệ sĩ Phong Trần Tiến, trước năm 1975:
Những thằng đáng chết sao không chết
Để chết chi thằng đáng sống lâu!
Sau tháng Tư Đen 1975, qua những trại tù từ Nam ra Bắc, tôi đã gặp rất nhiều bạn trẻ và rất quý mến họ. Hầu hết những người trẻ tuổi này đều giữ được khí phách và tiết tháo của những chàng trai thế hệ. Kẻ ngã ngựa, cho dù sa cơ thất thế vẫn ngẩng cao đầu và đứng vững trên hai chân.
Ở trại tù Sơn La, một người bạn trẻ nói với tôi, “Anh ạ, vào đây là chúng ta đã mất hết, chỉ còn lòng tự trọng nên phải ráng giữ thôi!”.
Những người bạn trẻ đó, qua bao năm tù vẫn hơn một lần cười nói hồn nhiên, “Nhằm nhò chi ba cái lẻ tẻ! Cứ mặc kệ, bi nhiêu bi!...”. Những người bạn trẻ đó sống đúng như lời nói, không hề chịu khuất phục, cũng chẳng bao giờ than van ca cẩm.
Phải chi ngày đó màu mây trắng
Đừng ngược trời xa mưa tháng Tư
Anh về áo trận buồn cay đắng
Bụi cuốn tương lai... cảnh mịt mờ... (*)
Chị ạ, cuộc đời em trôi nổi
Kể từ khi xếp chiến bào xưa
Tám năm em sống trong lao cấm
Đời vẫn thường quen với gió mưa! (*)
Tám năm hay mười lăm mười bảy năm, họ vẫn không hề lung lay khí phách. Trong phạm vi bài này, tôi chỉ xin nói về khí phách của người cầm bút, đặc biệt là của những người làm thơ. Khí phách thơ. Xin một ngoặc đơn ở đây. Rằng, nếu nghĩ theo một cách nào đó thì lời nhạc hay cũng là lời thơ trác tuyệt.
Những người làm thơ này, có người tôi biết trước 1975, có người tôi chỉ mới biết sau này ở hải ngoại.
Thế hệ thanh niên hào kiệt
Thy Lan Thảo là một trong những người trẻ tuổi đã tiêu hao tuổi thanh xuân dưới những gông cùm khắc nghiệt qua những trại tù và sau này là tác giả những vầng thơ dâng tràn khí tiết. Có thể nói rằng Thy Lan Thảo cũng như những người trẻ tuổi đó là tiêu biểu cho cả một thế hệ thanh niên hào kiệt và hào hoa. Khi phục vụ dưới cờ, họ biết rõ ràng họ chiến đấu cho mục đích gì. Khi thất thế sa cơ, mang thân vào tù ngục, họ biết họ phải sống thế nào. Và, trong những năm tháng lưu vong, họ vẫn còn nguyên ý chí và ý thức trách nhiệm. Họ đã không tiếc công sức, tiếp tục đóng góp vào cuộc tranh đấu chung, bằng một thái độ hiếu hòa nhưng dứt khoát.
Những người trai thế hệ đó đã sống có thủy có chung trong tự tình dân tộc. Họ không ngăn được gió trở cờ, nhưng cũng cương quyết không chịu trở cờ theo gió. Họ đã trải qua một đoạn đời tù ngục điêu linh, nhưng giờ đây họ vẫn phơi phới hào sảng trong tình người. Họ quyết liệt chống lại ác gian, cực lực lên án độc tài, nhưng họ không vì bản thân mà kêu gọi hận thù, kêu gào sắt máu. Điều hiển nhiên là họ không bao giờ chịu rời vị trí để thỏa hiệp với những kẻ đày đọa đồng bào và làm cho đất nước lầm than.
Anh đã về đây giải phóng dân
Để người vô tội chết trăm lần
Xa con xa vợ tan nhà cửa
Bức tử miền Nam – giải phóng quân (*)
Vết chàm đậm đen của một giai đoạn lịch sử dân tộc, biết đến bao giờ mới phai mờ, bôi xóa được?
Trời tha hương - đất người lập xuân
Tháng ba giỗ hội của toàn dân
Ta quên sao được con đường máu
Từng bước về Nam - đất mất dần... (*)
Có người thiếu phụ chít khăn tang
Bên xác chồng tay ẵm xác con
Mắt khô dòng lệ xa xăm lắm
Ta thấy quanh ta gió oán hờn (*)
Một số không ít những người trai thế hệ bây giờ cầm bút. Họ đã chiến đấu, đã chịu lao ngục, đã hao hớt hình hài sức khỏe, bây giờ sống cảnh lưu vong. Họ viết. Bình tĩnh và khách quan. Niềm hy vọng là được nhìn thấy một quê hương tự do, dân chủ và nhân quyền.
Ngày mai giặc trả ta sông núi
Không phải dàn binh đánh trận thua
Không phải dựng cờ quân phục quốc
Mà nhân tâm dậy... sóng xô đùa! (*)
và ngọn cờ chính nghĩa sẽ phấp phới trên quê hương:
Chị ơi, nhắc Mẹ dùm em với
Gắng sống vài năm sẽ có ngày
Một sáng cờ vàng bay phất phới
Em về ôm Mẹ trọn vòng tay... (*)
và:
Bao giờ quang phục quê hương lại
Về đập Đồng Cam đến Sông Ba
Lập đàn cầu độ hồn oan trái
Giải bớt niềm đau của nước nhà. (*)
Nhà văn Hồ Trường An viết về thơ Thy Lan Thảo như sau:
“... Thơ của Thy Lan Thảo phản ảnh nguyên vẹn tiếng nói chung của một thời đại mất mát hạnh phúc, một giai đoạn đen tối lầm than của dân tộc. Tiếng thơ anh là tiếng thơ chung. Tiếng than van của anh là tiếng than van của đồng bào suốt hậu bán thế kỷ 20. Một loại tiếng thơ buồn, đóng góp vào nỗi buồn chung của chủng tộc, của tổ quốc chúng ta...
... Đề tài của thơ Thy Lan Thảo vốn thật gần gũi với đa số độc giả đã trải qua bao cuộc thăng trầm của tổ quốc, bao vận nước nổi trôi từ cuộc chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh, kinh qua cuộc nội chiến giữa Quốc - Cộng, qua thời gian sau ngày Miền Nam thất thủ cho tới ngày sống tha hương nơi hải ngoại. Dĩ nhiên chúng đã được các nhà văn nhà thơ lưu vong vốn ưu thời mẫn thế của chúng ta khai thác trên 20 năm qua. Nhưng mỗi người khai thác một cách khác nhau, bằng thái độ, bằng góc độ cái nhìn, bằng khía cạnh nhân sinh quan khác nhau. Ở Thy Lan Thảo là thái độ dịu dàng, đôn hậu, đằm thắm. Anh không hung hăng với kẻ thù, anh không rền rĩ quằn quại với số phận cay nghiệt. Anh cũng không phóng mắt vào hoàn cảnh nào khác ngoài những hoàn cảnh và những biến cố kế tiếp nhau xảy đến cuộc đời anh. Anh không phóng chiếu cái nhìn vào viễn tượng lộng lẫy ở chân trời thi ca nào khác. Anh nắm bắt những gì anh cảm xúc, những gì anh hiểu biết, không để tham vọng lôi cuốn anh vào những cuộc phiêu lưu sa đà khi sáng tác thơ. Thơ anh do đó tuy không tân kỳ và lộng lẫy, nhưng được cái tính khiêm tốn và chân thật...” (Trích LAI LÁNG DÒNG PHÙ SA, Hoa Ô Môi xuất bản, 2001)
Dòng thơ liên tục
Tôi đã đọc thơ Thy Lan Thảo từ những năm đầu thập niên 60, khi tôi phụ trách trang thơ cho các nhựt báo Ngày Mới (Chủ nhiệm: Hoàng Phố), Nghị Luận (Chủ nhiệm: Việt Sơn Nguyễn Gia Luyến).)
Lúc đó Thy Lan Thảo ở trong Nhóm Thơ 20 – Gò Công. Và, hơn bốn mươi năm qua, Thy Lan Thảo vẫn không ngừng làm thơ. Thy Lan Thảo chỉ làm thơ, không viết văn. Đối với thơ, Thy Lan Thảo như một người tình thủy chung như nhứt. Anh gìn giữ tấm lòng đó như đối với quê hương đất nước và với đồng bào ruột thịt.
Thơ Thy Lan Thảo không phải chỉ có những lời cảm khái, những lời bi phẫn mà đã có không ít những bài nói về quê hương:
Canh tập tàng nêm thêm chút muối
Đọt bầu đọt bí lá mồng tơi
Ngan ngát rau dền bông bí đỏ
Mẹ húp con chan - ngọt ý đời (*)
Anh dẫn em về quê Tân Trung
Tháng năm còng lột, mắm thơm lừng
Khế chua, chuối chát, ngò om, quế
Tự Đức còn khen món bảo trân (*)
về người cha:
Đời của ba luôn thật thà chơn chất
Kính trọng thầy, mến bạn, quý bà con
Ba truyền lại cho con nhiều ý thật
Đạo đức, nhân từ - cao quý nào hơn... (*)
về tình mẫu tử:
Ngày tiễn con đi - mắt Mẹ buồn
Tuổi già tóc bạc - trắng như sương
Tám mươi ba tuổi còn đưa tiễn
Mẹ khóc - con đi ướt bước đường.
về tình yêu đôi lứa:
Anh vẫn nhớ tình yêu ngày mới lớn
Tuổi mười lăm - áo trắng ngọt sân trường
Của một thời vụng dại biết nhớ thương
Đôi mắt ướt - hàng mi che cong vút
Lòng rộn rã - mỗi lần tan lớp học
Theo em về bóng mát lá me bay
Bước theo sau nhìn đôi bóng ngã dài
Gió e thẹn đùa reo trên tóc rối (*)
về tình nghĩa vợ chồng:
Áo anh đã cũ nhưng bền chắc
Nhờ có tay em vá lại đời
Một chút ấm lòng bên đôi mắt
Nhìn nhau tha thiết ý song đôi... (*)
Điều đáng ghi nhận là ngay cả trong những bài nói về tình mẫu tử, gia đình, tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng cũng đều rạt rào tình cảm quê hương đất nước. Người con trai đất Gò Công này đã dâng trọn một tấm lòng sắt son cho quê hương đất nước. Anh đã bày tỏ được nỗi niềm của một thế hệ. Tuy nhiên, đọc thơ anh, ta thấy rõ là chính anh cảm thấy rằng những điều anh bày tỏ vẫn chưa hết. Và, anh sẽ còn tiếp tục viết.
Xin đọc hai bài thơ tiêu biểu của Thy Lan Thảo:
MỘT CHÚT LÒNG XIN GỞI QUÊ HƯƠNG
Biển oán hờn ai dậy sóng trào
Miền Trung - oan khốc nổi ba đào
Thê lương đâu chỉ riêng đền miếu
Mà cả trời Nam khóc thảm đau!
Đất tự ngàn năm vốn cỗi cằn
Dân cày sỏi đá chẳng no ăn
Trời đày lũ lụt hàng năm đến
Dậy sóng miền Trung - tựa thác ngàn...
Thiên tai đe dọa hoang mầm sống
Bạo đảng đâu cần nghĩ tới dân
Chỉ biết gom tiền chăm sóc đảng
Rượu ngon, gái đẹp - rất ân cần
Cũng giống da vàng nguồn Lạc Việt
Bạo quyền hoang dã tựa hùm beo
Sói lang nhìn đảng còn kinh dị
Đất nước thê lương - dân khổ nghèo...
Sông Hương một thuở dòng xanh mướt
Núi Ngự mơ màng ẩn đế kinh
Thọ Cương - vẳng tiếng gà xao xác
Vỹ Dạ hương cau ngập ý tình
Hôm nay nước bạc reo đầu sóng
Cuồn cuộn âm binh - dáng tử thần
Núi đá ngàn năm hoang lở sụp
Sá gì đền miếu với nhà dân!
Hương Giang chắc hẳn buồn cay đắng
Bởi lượn nước xanh đã trở dòng
Bao xác thân trôi đùa nước trắng
Lệ buồn vét cạn - khóc dòng sông
Tìm đất nào chôn được xác cha
Mẹ nằm không chiếu đắp thân già
Tuổi thơ ngơ ngác không nơi tựa
Đảng có nhìn - có thấy xót xa?
Vạn dặm tình xa một giống giòng
Mù khơi đục mắt khóc miền Trung
Thê lương Trời hỡi sao dành cả
Con cháu Âu Cơ - đất Lạc Hồng?
Một giọt máu đào - vạn xót xa
Non sông ngàn dặm vẫn quê nhà
Xác trôi rã xác - tan nhà cửa
Người sống - lạc thần, xương bọc da!
Một chút lòng riêng xin gửi đến
Đau buồn chia xẻ với quê hương
Nước ơi! Đã tạo cơn hồng thủy
Sao chẳng dìm sâu lũ giặc cuồng?
19-12-1999
THY LAN THẢO
BÀI THƠ TRẢ LỜI
Người viết bài thơ gửi đến tôi
Bằng lời chua chát trách trêu đời
Bài thơ nhớ Mẹ tôi thường viết
Là lúc lòng tôi vắng tiếng cười
Nỗi nhớ khôn nguôi ngày xa xứ
Lòng tôi tan nát buổi ra đi
Người ơi có biết từng câu chữ
Phân tấm lòng tôi - bước viễn ly!
Lòng tôi trân quý thương và nhớ
Nhưng buổi thay cờ - loạn nhiễu nhương
Tôi vẫn không quên lời minh thệ
Trước nghĩa trung đài tỏa khói hương
Tổ quốc điêu tàn trước bạo quân
Toàn dân nghèo đói khổ trăm lần
Uổng đời chiến sĩ không tròn ước
Chịu tiếng ươn hèn - sống nhục thân
Người trách tôi thương tôi nhớ Mẹ
Sao lại không về thăm Việt Nam
Nhỡ mai nhang khói buồn cô lẻ
Bóng Mẹ bơ vơ khuất nẻo trần!
Tôi hiểu người ơi, Trung với Hiếu
Một thân nhiễu loạn xẻ làm đôi
Tôi về Mẹ có tăng thêm tuổi
Hay để giặc kia ngạo nghễ cười?
Mẹ tôi, tôi hiểu lắm người ơi!
Người đã cho tôi cả cuộc đời
Mẹ vẫn khuyên tôi ngày trở lại
Là lúc cờ xưa ngập cả trời
Quê hương quang phục người sẽ thấy
Bước giữa rừng cờ có bóng tôi
Giặc thù trả lại ta sông núi
Mắt Mẹ lòa mây vẫn rạng ngời.
9-8-99
THY LAN THẢO
Texas, tháng 7 – 2005
PHƯƠNG TRIỀU
____
(*) thơ THY LAN THẢO