|
Viết về tác giả & tác phẩmHà Thượng Nhân Đọc Trăm Mười Tám Bài Lục Bát Bát Huệ Thu Hà Thượng Nhân * đăng lúc 06:34:18 PM, May 31, 2023 * Số lần xem: 4769
#1 |
#2 |
* đăng lúc 12:53:44 AM, May 25, 2013 * Số lần xem: 2685
Hà Thượng Nhân Đọc Trăm Mười Tám
Bài Lục Bát Bát Huệ Thu
Huệ Thu là một hiện tượng kỳ lạ trong thi ca Việt Nam, thơ người gần gũi với ca dao, thứ ca dao của bây giờ. Tâm hồn ấy thực phức tạp. Lời thơ người hết sức giản dị. Đọc người ta chỉ cần cảm, không cần hiểu. Thơ người như bay, như lượn, không có biên giới. Những ý tưởng cơ hồ rời rạc, nhưng ta biết chúng gắn bó với nhau chặt chẽ.
Giận chi mưa ướt mặt trời
Sáng nay buồn quá, tôi ngồi ngó mưa
Nghe lòng buốt lạnh như thơ
Nghe thương chi lạ những tờ giấy thơm!
Thơ người phần lớn là thơ tình. Nhưng một thứ tình lãng đãng, như thực như hư. Tưởng là mộng nhưng là sự thật, tưởng là sự thật nhưng lại là mộng. Không có ranh giới nào giữa cái có và cái không.
Không phải Huệ Thu làm thơ mà như thơ trào ra tên đầu ngọn bút:
Ước gì ta hóa cành mai
Mùa Xuân hoa nở, mắt ai ghé nhìn
Ước gì ta hóa mái đình
Ai qua đếm ngói, thấy tình vô biên!
Bất cứ cái gì đến với Huệ Thu cũng trở thành thơ:
Hậu Giang
Mỹ Thuận có cầu
hai bờ sông
vẫn hai đầu con sông!
xưa,
mình đã nhớ, đã mong
nay,
đời viễn xứ, nghe lòng thêm xa...
Có ai nghĩ rằng tuyết làm ấm khu rừng mùa Đông chưa? Ý nghĩ ấy quả nhiên là độc đáo:
Trời hình như đã sang Đông
Rừng xanh tuyết trắng ôm vòng, ấm chưa?
Lá phong còn mấy lá chờ
Gió quên bứt rụng để mờ Thu xa...
Tuyết ôm lấy rừng phong như ôm một tình nhân. Tình yêu của tuyết, sự ân cần của tuyết hẳn là làm ấm rừng phong! Hai câu cuối vẽ nên một cảnh cuối Thu, tiêu điều buồn bã. Đang vui bỗng buồn, đang ấm, bỗng lạnh. Đó là Huệ Thu.
Lên non nhìn Lũng Hoa Vàng
Tưởng tà áo lụa đắp hoàng hôn xanh!
Sức tưởng tượng của người thơ thật phi thường.
Tả một trận động đất nhỏ, Huệ Thu viết:
Nửa đêm nghe đất trở mình
Ta không muốn trở cũng đành trở theo
Nhưng mà nhìn lên người thơ lại thấy:
Giữa trời một bóng trăng treo
Bình yên như thể mái chèo trong mây
Trong cơn địa chấn, trăng vẫn mênh mông sáng. Trong cái bất ổn, vẫn có cái gì đó hết sức ổn định. Ta tưởng là tiếng nói của một Triết gia. Không, Huệ Thu không định làm triết gia. Nhưng cuộc đời đã cung cấp cho Huệ Thu những ý tưởng đượm màu triết học:
Cảm ơn trời đất vô cùng
Cảm ơn Chúa, Phật trong lòng nhân gian
Lần tay kinh mở từng trang
Bỗng quên đi nỗi cơ hàn, lạ thay!
Có thể Huệ Thu không là tín đồ của một tôn giáo nào cả nhưng người vẫn tin tưởng ở sự cần thiết của tôn giáo. Con người dựng nên Chúa - Phật vì con người vốn cô đơn, rất cần những niềm an ủi. Bởi vì Huệ Thu là là một con người hết sức cô đơn. Đọc người thấy nỗi cô đơn thấm vào từng chữ từng câu. Người nhớ người yêu. Muốn tạc tượng người yêu nhưng không bằng gỗ bằng sắt, mà bằng tuyết:
Tuyết đừng tan!
Tuyết đừng tan
tôi xây pho tượng
hình chàng mùa Đông
Sợ mà tuyết chảy ra sông
Rồi mai với mốt tôi không còn chàng!
Tạc bằng tuyết, rồi lại sợ tuyết tan. Trong cái mỏng manh, người muốn xây dựng hằng cửu. Xây bằng tấm lòng mình, bằng nỗi nhớ của chính mình:
Cho nên:
Chỗ ta ở,
chỗ ta lìa
Trăm năm rồi cũng tụ về phút giây
Kìa giàn bông giấy gió bay
Ở, đi như lá từ cây bỏ cành!
Lá rụng. Ai không nhìn thấy lá rụng nhưng chỉ có Huệ Thu nhìn thấy lá rụng là thấy cái ngắn ngủi của kiếp người, cái dững dưng đến tê buốt của sự vật, của thời gian.
Có ai ngộ nghĩnh như Huệ Thu khi viết:
Cành Thu còn chiếc lá vàng
Ai treo trước ngõ, hay chàng nhớ ta?
Chiều nay nấu một bình trà
Rót ra hai chén, ai mà uống chung!
Còn ngộ nghĩnh hơn khi người bảo:
Ông trời có lẽ cô đơn
Xưa nay là đấng chí tôn một mình
Tôi nghĩ đến một ông vua trong tiểu thuyết của Kim Dung. Ông vua bé con, xưa nay chỉ được người ta phục tùng, ca tụng bỗng một hôm bị một thằng bé vô lại (hình như là Vi Tiểu Bảo) đánh cho một trận. Thằng bé vô lại ấy trở thành bạn bè thân thiết của nhà vua. Chỉ từ bấy giờ ông vua mới thực sự được làm người. Ông trời vì lớn quá ”Chí Tôn” quá cho nên Huệ Thu thương ông trời cô đơn .
Tình thương cùa Huệ Thu thật là mênh mông, thương từ hạt cát, hạt bụi, từ chiếc lá mục đến cả...ông trời. Bởi thế ta không lấy làm lạ khi Huệ Thu khóc con cá:
Cá ơi! Cá chết nỡ nào?
Hai con mắt mở mà trào lệ tôi
Từ trước đến nay chưa ai nói đến những điều như thế trong thi ca. Cuộc đời Huệ Thu đầy thăng trầm sóng gió. Nhưng Huệ Thu vẫn đứng vững và vẫn nhìn đời bằng con mắt trẻ thơ. Vì Huệ Thu là Thi sĩ. Thi sĩ suốt đời là một đứa trẻ thơ:
Cơn mưa như chẳng có gì
Mà sao nước đọng trên mi bao giờ!
Nhớ người, lật những bài thơ
Những câu lục bát không ngờ còn thơm!
Thơ Huệ Thu buồn thì thật buồn nhưng đọc rồi lòng tự nhiên êm ả. Vì mất còn, thua được chỉ là giả tưởng.
Huệ Thu sống thơ, yêu thơ như cuộc sống. Một người như thế còn có gì có thể quật ngã được?
Lời thơ Huệ Thu tuy cay đắng, chứa chan nước mắt nhưng ta vẫn thấy tuồng như Huệ Thu bỡn cợt với cả chữ nghĩa. Buồn bỗng hóa thành vui.
Có phải Huệ Thu là một thứ Bồ Tùng Linh thi sĩ không nhĩ?
|
Hà Thượng Nhân
San Jose, 1999
|
|
Ý kiến bạn đọcVui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.
|
|