Nov 26, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Nhân Đọc Được Một Bài Thơ
Trần Vấn Lệ * đăng lúc 04:55:28 PM, Feb 17, 2016 * Số lần xem: 1754
Hình ảnh
Trần Vấn Lệ
#1




T
ôi quen biết anh Sửu, Nguyễn Đăng Sửu, chừng đâu năm, sáu năm nay. Anh tên Sửu vì anh tuổi Sửu. Năm nay năm Kỷ Sửu, anh bảy mươi bốn tuổi rồi, anh hơn tôi sáu tuổi nhưng trông anh còn trẻ trung lắm, ấy cũng nhờ lúc nào cũng thấy anh vui, gặp anh em bè bạn là anh cười đón niềm nỡ, ở nhà hay ở quán nước. Tôi chưa thấy anh buồn bao giờ (có thể vì sự “hội ngộ” của anh và tôi không thường xuyên, mỗi tháng gặp nhau không hơn một lần, hơn nữa tôi cư ngụ hơi xa vùng anh và gia đình anh đã có cơ ngơi).

Độ hai tháng nay anh không ra chỗ bạn bè thường tụ họp sáng Thứ Bảy cuối tuần. Hỏi thăm thì nghe nói anh, chị và các cháu, về Việt Nam. Không ai thắc mắc gia đình anh “hồi hương” làm chi, bởi ai cũng nghĩ chuyện đi đi về về độ rày bình thường. Anh về Huế. Anh sinh trưởng ở Huế, trước 30 tháng Tư năm 1975, anh đã là một nhân hào thân sĩ ở đây; sau 30 tháng Tư liệu bề “chịu không nổi” anh dẫn cả nhà đi vượt biển và tới nơi mơ ước. Anh Chị đi học nghề lao lực kiếm sống, khá thành công, nuôi bầy con ăn học đàng hoàng, hiện thời đứa nào cũng xong Đại Học, có một cô gái tốt nghiệp Haward. Anh chị có một ngôi nhà rất bề thế ở thành phố Garden Grove thuộc Tiểu Bang California, gần đó có nhiều người gốc Huế quen biết với anh ngày xưa, ai cũng ham làm nên ai cũng có đời sống thoải mái và sự giao tiếp thêm đậm nét thân tình.

Đôi nét loáng thoáng về cái “tiểu sử” của anh mà tôi được biết, “rứa”, theo tôi là đủ để mình “thân ái” với anh và đáp lại, hình như chưa bao giờ tôi thấy anh giận dỗi tôi dẫu tôi hay “phát ngôn bừa bãi”nhất là những khi tôi nghe ai đó nói các chữ “thân thương”, “bức xúc”, “hoành tráng”...Anh không có ý kiến gì những lúc tôi “nổi cơn khùng” chỉ nhẹ nhàng khui thêm chai bia nữa, bảo bên tai tôi: “Chú em uống đi cho nguội!”. Anh Sửu, đặc biệt, chưa bao giờ tôi nghe anh nói những lời nào như người Cộng Sản nói, mà cũng ngộ thay anh cũng chưa hề “bệ vệ” như những người quốc gia có “máu mặt”. Trong giới báo chí, sách vở, nghệ thuật, anh từng là “mạnh thường quân” giấu mặt, giấu tên, có người thương nhớ anh, có người “phủi tay”. Tôi có cho ra đời vài cuốn sách, biếu anh, anh luôn luôn đáp ứng, dù tượng trưng, tôi nhủ lòng không quên ơn anh...

Trung tuần tháng Bảy 2009, tôi ghé nhà thăm anh theo lời “yêu cầu” của anh qua điên thoại. Cuộc viếng thăm bình thường: ra patio ngắm hoa, hút thuốc và uống bia. Lúc chia tay, anh kéo tôi vào phòng của anh, đưa tôi hai tờ giấy có chữ, anh nói: “Anh nhờ chú coi lại giùm anh, sửa giùm anh nếu thấy anh viết chưa chỉnh”. Tôi đinh ninh anh “mần thơ”, tôi cầm lên đọc, quả đúng là bài thơ! Nhưng tôi xịu ngay, nói với anh “Đây là bài Điếu Văn mà! Em thật tình không biết Bác Gái đã mất, em xin lỗi anh đã không chia buồn.” Anh nói: “Chuyện riêng của gia đình, anh đâu muốn làm phiền lụy bạn bè, anh về Việt Nam vì vậy đó. Đây là những lời anh thưa với Mạ anh, em xem lại giùm, chỗ nào, chữ nào chưa chỉnh thì em sửa hộ anh để anh có chút gì “kỷ niệm”. Tôi rụng rời...Anh bắt tôi làm chuyện “lớn” quá, nhưng mà chẳng sao, “Em sẽ làm anh vui lòng và anh hãy yên tâm anh sẽ nhận được một cái gì đó, chính là Tấm Lòng Của Anh”. Tôi chia tay anh để đi “nhậu” cho hết ngày Thứ Bảy. Tối về nhà, mở ra đọc, trời ơi, một bài thơ Hay!

Bài thơ anh Nguyễn Đăng Sửu làm cho Mạ anh trong ngày bà lâm chung và vĩnh biệt con cháu. Lễ tang cử hành tại Huế mấy tháng trước. Nói là bài thơ vì anh Sửu trình bày như một bài thơ. Xét về nội dung thì đây là vạn vạn cuốn kinh điển được rút ngắn và cô đọng. Tôi chỉ còn một việc duy nhất: đánh máy lại thật đàng hoàng, in ra trên giấy loại đẹp và gửi anh. Chẳng dám sửa gì cả. Tuy nhiên, nói vậy mà không phải vậy, tôi có sửa: anh nói Mạ Về Tây Phương Cực Lạc, tôi sửa “Mạ Về Tây Phương Cõi Phật”. Cực Lạc là gì, là Vui Lắm, Vui quá xá là Vui, Vui như ở Sòng Bạc chăng? Không! Đạo Phật dứt khoát Vui, Buồn, dứt khoát Tham, Sân, Si. Đạo Phật là Đạo từ Tâm và dàn trải trong cõi Vô Thường. Cõi Phật là Cõi Nào, tôi không biết, chỉ mường tượng: Cõi Bình Yên, không hận thù, không tranh chấp, không so đo, không tính toán. Hễ có người Vui hẳn phải có người Buồn. Mà Vui, Buồn gì nữa khi chúng ta đã trút bỏ kiếp người! Tôi sửa mấy chữ Tây Phương Cực Lạc ra Tây Phương Cõi Phật và quyết không thay đổi gì nữa, tôi đánh máy và gửi cho anh, chịu hay không chịu, kệ anh!

Bài thơ của Anh Sửu viết cho Mạ, đọc cho Mạ trước anh em trong nhà ngày Mạ ra đi vĩnh viễn, tôi ứa lệ. Tôi thương anh Sửu quá chừng, có gì để nói anh Làm-Thơ-Chưa-Hay khi anh làm Thơ xuất phát từ tấm lòng anh nói cho Mẹ, một Kỳ Quan vượt bậc so với “hệ thống” kỳ quan trên thế giới này?

Tôi thêm câu tư tưởng (danh ngôn) nói về Kỳ Quan, nói về Mẹ và đặt nó trên đầu bài thơ coi như là cái Tựa Đề. Phần riêng Anh Sửu thì anh chỉ mở đầu bằng hai chữ Mạ Ơi! Tôi thành thật xin anh tha thứ nếu thấy tôi “ẩu xị” quá chừng, dám làm điều gì đó anh chửa biết...

TRÊN THẾ GIỚI CÓ RẤT NHIỀU KỲ QUAN
NHƯNG KHÔNG CÓ KỲ QUAN NÀO SÁNH
ĐƯỢC VỚI TẤM LÒNG CỦA MẸ.

*
Mạ ơi!

Vẫn biết cuộc đời vốn Sinh Ly Tử Biệt
“Sống gửi, thác về” là chuyện của nhân gian
Nhưng chúng con vẫn đau đớn vô vàn
Khi bóng Mạ của chúng con Không Còn Nữa!
Mạ ngày xưa cả một đời gian khổ
Dưới lũy tre xanh bên họ Ngoại Đốc Sơ
Giúp đỡ mẹ Cha, nuôi nấng em thơ
Thời con gái biết bao năm vất vả.
Đến khi lấy chồng, Mạ lại càng tất tả
Chạy ngược xuôi với chồng, nuôi nấng đàn con
Bà Ngoại ốm đau, Mạ thức suốt canh tàn
Mạ chăm sóc các Dì còn thơ bé
Bao cực nhọc, Mạ nửa lời không hé
Bao gian truân, Mạ cũng chẳng thở than
Trước như sau, chỉ một Tấm Lòng Vàng
Một Tấm Lòng Của Người Con Hiếu Thảo!
Khi về làm dâu nhà họ Nguyễn Đăng
Cha Mạ thương nhau như muối mặn gừng cay
Sinh ra chúng con: năm trai, chín gái, mười bốn người
Một đàn con sớm hôm quây quần bên Mạ
Lấy gì nuôi con trong thời kỳ giặc giã?
Ba mươi năm chiến tranh gian khổ vô cùng
Thế là Mạ chúng con lại phải còng lưng
Một nắng hai sương đầu tắt mặt tối!
Ngày mua lúa, đêm về xay, giã gạo
Lấy cám nuôi heo, rau cháo qua ngày
Nuôi nấng đàn con đứa ốm, đứa gầy
Tất cả lớn lên bằng Tình Thương Của Mạ!
Trăm đắng ngàn cay, Mạ quên tất cả
Gian khổ bao nhiêu, Mạ cũng sống thật thà
Xóm dưới làng trên, nội ngoại gần xa
Thuận hòa với nhau để Phúc Đức Cho Con Cháu.

Mạ yêu thương ơi!
Hơn bảy mươi năm qua
Từ đứa con đầu lòng đến cô em út
Tất cả chúng con khôn lớn trưởng thành
Có đứa bán buôn, có đứa học hành
Có đứa ở gần, đứa xa ngàn dặm
Dâu Rễ Nội Ngoại sống trong đằm thắm
Sống trong Lục Hòa theo Đạo Từ Bi.
Thế mà nay Mạ đã ra đi
Chúng con xót xa chưa báo ân Từ Mẫu
Tấm lòng chúng con xin Mạ hiểu thấu
Xin nguyện một lòng Nuôi Dạy Cháu Con
Hiếu Thảo với Cha Mẹ, Tử Tế với Xóm Làng
Để Mạ được yên lòng về Tây Phương Cõi Phật.

Mạ ơi!
Dẫu biết Chín Mươi Mốt Tuổi Trời, Mạ ra đi thanh thản
Nhưng với chúng con
Đau Thương Này Là Vô Hạn, Vô Cùng
Xin nguyện cầu hương hồn Mạ vãng sinh
Xin dâng lên Mạ tấm lòng thơm thảo
Của Đàn Con Yêu Quý Mạ!
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

Kính Lậy Mạ
Con của Mạ, xin thay mặt cả nhà,
Nguyễn Đăng Sửu


*
Bài thơ Mạ Ơi của anh Sửu tôi đánh máy đã xong, in ra và gửi cho anh rồi. Một đô ba mươi chín xu, tiền tem...Tôi sợ Thứ Bảy này (cuối tháng Bảy) tôi không xuống Orange County, không gặp anh được, bưu điện làm giùm tôi việc chuyển trao, nghĩ cũng là tình.
Sắp tới Rằm Tháng Bảy, Rằm Trung Nguyên, Rằm Xá Tộäi Vong Nhân, Rằm Báo Hiếu, anh Sửu nhất định là sẽ làm hết phận mình lo cho Mẹ ở dưới Cửu Tuyền: Một Bữa Cúng Mạ với đủ thức ngon vật lạ, nhưng thấm thía nhất là Trái Tim của một đứa con.
Bữa Cúng đó chắc anh sẽ làm ở Huế. Tôi nghe nói anh sắp về, mà tháng Bảy Âm Lịch cũng sắp tới. Tôi chỉ muốn nói với anh: “Trong đời người chỉ cần một bài Thơ thôi cũng đủ.”. Anh Sửu là Thi Nhân, dù chưa là của Đời, đã là của Mạ anh, của các em anh, của tôi – một người, với anh, là lang bạt kỳ hồ. Vui chớ, đâu đó chúng ta đã gặp nhau trong ấm áp của cái Tình!

Trần Vấn Lệ


Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.