Nov 22, 2024

Tập thơ

Thơ Trần Vấn Lệ 3
Trần Vấn Lệ * đăng lúc 06:17:44 PM, Sep 20, 2011 * Số lần xem: 2359
Hình ảnh
#1


Một Truyện Tình

 

Người cho em viên ngọc

Em chẳng biết cất đâu

Em giấu trong áo ngực

Tạ lại chàng một câu:

 

Chúng mình có nợ kiếp sau

Còn duyên hạnh ngộ, em trao lại chàng!”

 

Hữu duyên thiên lý…không ra ngõ

Tương ngộ bao la … trước cửa nhà!

Mây trắng có tan rồi có hợp

Khác gì bươm bướm lượn vườn hoa?

 

Người ơi chắc nghĩ mình như bướm?

Em xót xa lòng em như hoa!

Hoa nở rồi tàn, bươm bướm biệt

Tàn hoa mấy cánh gió bay xa…

 

Sáng nay tôi đứng nhìn hoa nở

Cũng ấm lòng sao nắng buổi mai

Viên ngọc nhói tim, lòng lại nhớ

“Khi không mà mắc nợ vì ai!”

 

*

 

Người cho em viên ngọc

Nước mắt em của em!

Kiếp sau không thấy nhãn tiền

Dễ chi tái ngộ mà đem trả người?

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

Còn Gặp Nhau Còn Sống

 

Xe rẽ vào lô cô, nhớ bạn, dừng xe gọi:  “Ra quán nhậu với mình!”.  Bạn đang ăn, thình lình, nghe mình mời, buông đũa.

 

Một buổi trưa hiếm thuở gặp nhau ở quê người.  Thật rất hiếm người mời mà OK gặp mặt!

 

Cảm ơn bạn, nước mắt khi không mà muốn tuôn.  Nếu còn ở Quê Hương, gặp nhau đâu có hiếm…

 

Cơm ngon, lòng lại nghẹn!  Hai đứa ăn lưng chừng, uống cũng uống ngập ngừng, bạn nói rằng bạn bệnh.

 

Ôi chao thuyền tới bến, bến Tần Hoài hay sao?  Nhìn cốc bia bọt trào, nhìn sâu vào mắt bạn:

 

Thấy gì ngày không nắng?  Thấy gì nỗi sầu riêng?  Không một đứa nào điên…còn biết nghiêng cái cốc!

 

Hai đứa một Tổ Quốc, mỗi đứa một phương trời!  Gặp nhau đây, giữa đời, giữa vời…ôi cũng thế?

 

Một vài chuyện đem kể cho ấm bữa hàn huyên.  Có nhiều chuyện tưởng quên, không ngờ nhắc thì nhớ…

 

Rồi chia tay, ngờ ngợ mình ở bờ sông xưa!  Mẹ, Chị, Em tiễn đưa…mờ mờ câu Tống Biệt!

 

*

 

Buổi trưa nhiều tha thiết, không ai nói cạn lời.  Bạn lái xe đi rồi.  Mình lái xe đi tiếp.

 

Gặp nhau là chưa …chết!  Còn, Tình ơi Tình ơi!

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sinh Nhật

 

Mười giờ sáng Thứ Ba, tôi mở hộp thư ra: chưa có thư nào mới.  Và tôi bảo mình đợi, đó cũng là Niềm Vui.

 

Từng giây phút trôi, trôi.  Thư đến rồi, lúc xế.  Tôi mừng bao xiết kể…cũng buồn biết bao nhiêu! 

 

Không ai nhớ tôi sao? Hôm nay, tôi, sinh nhật!  Tôi ngậm ngùi, nhắm mắt.  Một ngày nữa trôi qua. 

 

Tôi ngủ lúc chiều tà bên món quà tưởng tượng.  Tôi có Niềm Sung Sướng:  tôi còn có tôi…thương!

 

*

 

Nhớ lại Vũ Hoàng Chương:  “Lửa tắt, bình khô rượu”.  Tôi thấy mình không thiếu, tôi “đầy ắp” Cô Đơn!

 

Tôi khui bia uống khan.  Tôi mừng tôi sinh nhật.  May Mẹ Cha đều mất…và nước mắt đã khô! 

 

Nhìn khói thuốc phất phơ, hồn tôi thơm, thơm ngát…Nửa đêm tôi úp mặt.  Ngày mai Thứ Tư rồi. 

 

Tôi nói thầm với tôi:  Mình đã thêm một tuổi! Tôi nhớ những con suối cạn khô sau mùa mưa.

 

Bạn bè tôi trong Thơ, đều là người trên giấy, tôi vẫn còn nhìn, thấy, còn…nắm tay, đi chơi.

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hãy Tưởng Tượng Chim Tha Cọng Cỏ

 

rồi bầy chim không về đây nữa!  Người chủ nhà không muốn thấy chim,  ông đuổi chúng bay và chúng đã im lìm / xa không hẹn một ngày nào trở lại.  Buồn làm sao nắng rơi trên ngói và những ngày mưa trên ngói bay bay. Buồn làm sao cả một vườn cây / chỉ lá chạm, lá lay khi gió!  Ông chủ nhà chiều chiều ra ngõ, ông chờ ai, không biết ông chờ ai…

 

…ngõ nhà ông, con ngõ không dài / nhưng hiu quạnh thấy như dài vô tận.  Hai hàng cây hai bên lấn cấn / ngó xuống đời, đời vắng đời hoe.  Bầy chim bay đi không hẹn buổi về, cây lạnh lẽo, lá vàng lác đác.  Ông chủ nhà không biết mình mất mát / một niềm vui ai cũng thiết tha!  Ôi bầy chim tôi nhớ lắm mà, đến ngọn cỏ nhớ chim cũng úa…Hãy tưởng tượng chim tha cọng cỏ / bay lên cây làm cái tổ, cái nhà.  Một đôi chim kết bạn không xa.  Cả bầy chim trên vườn hoa thơm ngát…Không ai thấy loài chim hờn mát / chỉ véo von những khúc nhạc tâm tình…

 

không còn gì trong những buổi bình minh.  Tiếng gà gáy ở quê mình xa quá!  Quê Hương mình xanh xanh đồng mạ / tôi mơ màng nghe tiếng chim reo.

 

Tôi mơ màng bóng ngựa qua đèo, mây lửng thửng hết tan rồi hợp.  Buồn có thể hàng hàng lớp lớp nhưng mình còn chỗ tựa lưng trưa…

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cà Phê Sáng

 

Nói với bạn tôi:  “Mày lộn xộn!  Cà phê không uống, uống nước trong?”.  Bạn cười:  “Cà phê mắc! Hãy gọi bình trà, ta uống chung!”. 

 

Hai đứa đều nghèo, thông cảm quá.  Thôi thì…Thầy Giáo tháo giày thôi!  Mà trà, có lẽ nên nhường nốt, “nhà trường nhường trà” không hỗ ngươi!   (*)

 

Bạn với tôi cười, không có tiếng.  Góc hiên quán gió, gió phơ phơ.  Tóc hai thằng bạc, phơ phơ tóc.  Nhớ nước thương nhà thuở nắng mưa…

 

Bạn với tôi ngồi hơn một tiếng.  Hai đồng / Một bữa điểm tâm suông.  Sáng nào mà cũng hai đồng mất, hết nói chuyện về thăm Cố Hương!

 

Đôi lúc xót xa mình nói thật (hơn là giả dối, có vui chi?).  Hăm hai năm sống đời-xa-xứ,  uống cạn chén trà lại cứ đi…

 

*

 

Bạn khuất đường xa, một ngã tư.  Tôi xa, ai thấy nữa bây giờ?  Cảm thương Ly-Khách-Con-Đường-Nhỏ, chí lớn chỉ là Một Giấc Mơ?

 

Ba năm xin Mẹ thôi đừng đợi, xin Chị, xin Em cái lắc đầu.  Tối tối nhìn trăng soi cuối bãi,  phủi tay giùm nhé áng mây Thu!

 

(*)  Thầy giáo tháo giày đi dép lốp

       Nhà trường nhường trà uống nước trong…

       Đổi đời đổi cả điều nhân nghĩa

       Thân thiết đừng ai nhé đổi lòng…

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

Tuổi Con Ngựa

 

Má tôi nói:  “Má sinh con sáng sớm, gà gáy rồi và xe ngựa đã đi.  Má sinh con, Má chẳng vui gì, con tuổi Ngọ, giờ sinh con…bận rộn”.

 

Má tôi mất năm tôi Năm-Mươi-Bốn, tôi chưa có một ngày nào thảnh thơi!  Tôi thương Má tôi…mà ghét quá ông Blời:  “Tuổi Nhâm Ngọ, đâu Nam Nhâm Nữ Quý”?

 

Mở Kinh Thánh, tôi thấy toàn Ma, Quỷ.  Tôi không tin Chúa thương Cáo, thương Chim, với Con Người, Chúa không có trái tim – Chúa bảo”Con Người Cái Gối Đầu Không Có!” (*)

 

Chúa còn phán nhiều điều thiệt…ngộ:  “Ta đến đây không đem đến Hòa Bình!”.  Chúa vỗ vai người đàn bà không giữ tiết trinh, Chúa không biết đến người đàn ông đã làm cho người đàn bà bị bắt! (**)

 

Chúa bảo đến nhà thờ, Chúa là Đấng Duy Nhất, không thờ ai, cả Cha, Mẹ, Thân Nhân.  Chúa nói Chúa đi rao Tin Mừng nhưng Chúa cũng mở ra nhiều tầng Địa Ngục!

 

Chúa còn bảo “Tương Lai đừng thắc mắc, chuyện hôm nay đã đủ hôm nay, những đau thương, khổ ải, trần ai, Chúa đã xếp đặt cho ngày nào ngày đó”!

 

Má tôi nói “Má sinh con năm Ngọ, mới hừng đông ngựa đã đổ mồ hôi, suốt đời con chắc không có ngày vui, Má xin lỗi sinh con tuổi Ngọ”!

 

Má tôi nói…nói lần nào cũng khóc.  Tôi đi nhà thờ, Má bàn Phật thắp nhang.  Má và tôi, như vậy lỡ làng, tôi tin Chúa:  có Thiên Đàng, Địa Ngục.

 

Lên Thiên Đàng toàn ông Sư, Linh Mục, mình mà lên quỳ lậy sói đầu.  Tôi bảy mươi rồi, tôi chết về đâu?  Chắc gặp Má và Thiên Thu…cười ngất?

 

 (*) Chúa phán: “Con cáo có hang, con chim có tổ, con người không có chỗ gối đầu!”.

(**) Một nhóm người bắt được một người đàn bà ngoại-tình-công-khai, dẫn đến thưa với Chúa:  “Đây là người đàn bà phạm tội dâm dục, xin Chúa trừng phạt”.  Chúa hỏi: “Trong đám các ngươi, ai không có tội hãy ném đá nó trước”.  Người đàn ông trưởng nhóm bỏ đi.  Cả nhóm tan hàng “Cố Gắng”.  Chúa đến vỗ vai người đàn bà: “Ta không bắt tội ngươi, đi đi!.  Chuyện chép trong Kinh Thánh không nói gì về người đàn ông làm cho người đàn bà bị bắt.  Chúa thật công minh.  Khi Chúa tạo ra Eva, thế gian ai cũng có tội.  Ghét đàn bà nhưng không bắt tội.  Quý thay lòng Bác Ái của Chúa Blời.

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

Một Ngày Trôi Qua

 

Sáng mộng.  Trưa mơ.  Chiều tưởng tượng:  Cuối ngày Sinh Nhật của mình Vui!  Người đưa thư đã…, đang dừng lại:  vài tờ quảng cáo.  Thế là thôi!

 

Bạn bè sinh nhật mình luôn nhớ, đến lượt mình “ta thương nhớ ta!”.  Từ nay ba chữ Mừng Sinh Nhật, trước mặt mình là…Một Đóa Hoa!

 

Một đóa hoa thơm ngát sẽ tàn.  Lòng không buồn bã chuyện thời gian.  Vàng còn phai huống chi là đá.  Còn chút mơ màng để tối trăng…

 

Hồi em còn ở xa anh lắm, em hứa quên đi tất cả buồn, chỉ nhớ mỗi anh ngày-đáng-nhớ, mừng anh dẫu một tiếng mừng suông…

 

Sáng mộng. Trưa mơ.  Chiều đã cạn…bao nhiêu rồi nhỉ những lon bia?  Mai anh gom lại đem đi bán, mua tấm thiếp mừng, ngắm cũng mê!

 

*

 

Em ạ, tự dưng anh nói nhảm, nhắc em như thế, có là Thơ?  Chắc không gì cả!  Kia, bầy quạ, vừa mới bay về kêu xót xa…

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

Vô Thủy Vô Chung

 

Anh nhớ hồi mình lên Burbank.  Anh lái xe, em nói “quạ, coi chừng”.  Anh chậm lại.  Một vài giây chớp mắt.  Quạ bay lên trong bầu trời trong vắt. 

 

Quạ bay lên. 

Một bầy quạ bay lên…

 

Trời Burbank xanh xanh mông mênh, bỗng đen sẫm:  quạ ai nuôi nhiều thế?  Em bật cười:  “chắc anh điên rồi quá, quạ của trời, đâu có ai nuôi”.

 

Chuyện chúng mình không có đầu có đuôi.  Khi nhớ lại, có một thời thật đẹp.  Một phần vì em chân thường mang dép, đôi dép xinh và hai bàn chân xinh!

 

Khi khổng khi không anh nói một mình:  phải chi mà hồi xưa em có cánh, em bay lên bỏ anh trong ngày lạnh, anh sẽ làm sao cho có nắng mặt trời?

 

Anh nhớ hồi, hồi đó xa xôi (hơn mười năm mà trôi qua hai Thế Kỷ).  Em bây giờ ở đâu trên nước Mỹ, hay châu Âu, châu Úc mịt mù?

 

Em có biết là mùa sắp chuyển vào Thu?  Anh vừa lên Burbank nhìn cây vàng lá.  Mai mốt Thu về chỗ nào anh tựa, để nhớ em, nhớ bầy quạ hồi xưa…

 

*

 

Em lâu rồi núp bóng trong Thơ.  Quạ lâu rồi trời mưa bay hết.  Hai bàn chân em dĩ nhiên là rất đẹp, anh đi nhìn từng đôi dép shopping.

 

Mở bài thơ, anh viết chữ Mình.  Khép lại bài thơ, viết thêm chữ Mình, không nỡ.  Em với anh không duyên không nợ, chỉ mơ hồ như khói như sương…

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngày Mới

 

Con kéc mồ côi bây giờ có bạn

Cảm ơn Trời!  Buổi sáng thật vui

Chúng rúc đầu vào nhau, tôi tưởng chúng cười

Tôi vẫy tay, tôi chào “hai đứa”.

 

Buổi sáng nào mà tôi cũng thế

Ngày sẽ vui, vui tự buổi bình minh!

Vườn đã xanh, hai con kéc cũng xanh

Nắng không đỏ mà long lanh màu đỏ!

 

Tôi dễ thương thấy mình như đứa nhỏ

Bây giờ tôi cũng…hết mồ côi

Chỉ khác hai con chim kia, vì chúng có đôi

Tôi đơn chiếc…nhưng đầy tình thân hữu!

 

Sợi dây điện rung rinh như níu

Bảo chúng đừng đậu một chút rồi bay

Một ngày vui, ở lại!  Một ngày…

Từng giọt nắng rớt hồng sân gạch!

 

*

 

Hai con kéc bây giờ thật hách!

Chúng bay, bay, và, đảo lại mấy vòng

Chúng làm tôi chìm đắm mênh mông

Trời buổi sáng, ôi trời ơi buổi sáng!

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tứ Tuyệt

 

Người xé lòng ta, người có đau?

Gặp nhau chi vậy?  Để xa nhau!

Đầu non cuối biển tim không thấy

Mãi mãi – Muôn đời – Cuộc biển dâu?

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Một Vòng Phố Thị

 

Lái xe chạy đúng một vòng

Tròn vo phố thị nhìn lòng thế gian

 

Nhìn cây lá nhuốm Thu vàng

Nhìn người homeless mơ màng ngó mây

 

Bụi đường trưa bụi đường bay

Một đôi trai gái chia tay buồn buồn

 

Vòng quanh không có đầu đường

Cười khan đâu cũng tròn vuông kiếp người

 

 Nhà thờ tiếng tháp chuông rơi

Chút heo may tưởng hơi người thở ra

 

*

 

Lái xe ngó đủ ta bà

Áo xanh, áo đỏ, áo tà rách bươm

 

Dám đâu dám nói đời buồn

Cười khan hồi nãy nghe còn vui vui

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mơ Hồ Hư Thực

 

Chiều ơi không biết chiều hư, thực?

Lòng mới hoàng hôn chạng vạng rồi!

Tháng Sáu mà mưa mưa quá tội

Buồn đây đầy ắp, đó, vơi, vơi?

 

Buồn đây quả thật không đong được

Mà nặng trong lòng nên thấy vun!

Không biết đó sao, buồn có giống

Như mưa mờ trắng ở đầu non…

 

Đầu non ngựa hí thời chinh chiến

Giờ chắc mờ trong cỏ nghĩa trang?

Giờ chỉ còn đây thương nhớ đó

Đêm mưa thêm lỡ bóng trăng vàng!

 

Nàng ơi ai biết ai về muộn

Ta muộn đầu xanh hết chải bồng

Người muộn chờ mong rồi lỡ hết

Đầu xanh chắc bạc nắng bên chồng?

 

*

 

Đêm mưa lỡ hẹn góc sân trăng

Vỡ nát lòng thôi hỡi nguyệt cầm

Chiều mới thoáng lên rồi tối xuống

Cũng đành…Thương chớ cuộc trăm năm!

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trời Mưa Tháng Sáu

 

Tháng Sáu trời mưa.  Tháng Sáu buồn.  Ai vừa nói thế lúc mưa tuôn từ trên mái ngói ra sân gạch lòng ngỗn ngang chăng vạn dặm đường?

 

Tháng Sáu trời mưa ở xứ người, cũng mùa mưa đó ở quê tôi.  Gió Nồm thổi ngược ra miền Bắc, những cánh buồm  thôi cuốn lại rồi!

 

Không ai đi biển giữa mùa dông.  Cơm cá khô ngon, quá, lạ lùng!  Cũng muốn trời mưa, mưa chớ bão, cơm xong chồng vợ lại ra đồng…

 

Nhớ ơi tháng Sáu mưa hồi đó, một đám tàn binh mặc áo tơi là lá chuối che lưng lửng ngực,  thấy mưa còn ít hơn mồ hôi!

 

Tháng Sáu nào qua cũng rất mừng, sau mùa lũ lụt nước đầy sông,  đêm đêm thao thức chờ đêm hết, nghĩ Nước Non rồi lại sáng trưng!

 

Tháng Sáu trời mưa, mưa tiếp theo.  Thương ơi con ngựa trắng lưng đèo:  mây sương đó chứ!  Thời gian khổ.  Nghe tiếng ve sầu tưởng nắng reo!

 

Tháng Sáu trời mưa mấy bữa này, em  ngồi bụm mặt lệ trong tay.  Bao nhiêu tuổi ngọc tung mưa vỡ, những hạt lệ buồn vung vãi đây…

 

Em ạ có khi anh cũng khóc, buồn lòng biết mấy trước mưa, mưa.  Mưa thêm nước để xanh đồng ruộng, mưa cũng bạc màu tóc phất phơ…

 

Lâu quá, có khi non Thế Kỷ,  mưa trời ngụ ý nỗi tang thương!  Người đi, người ở, ai còn, mất, đành nghĩ như mưa mới nửa đường…

 

Mai mốt trời ơi về với Ngoại, vườn cau tháng Sáu có còn xanh hay là cỏ vượt trên mồ Ngoại, mấy giọt mưa còn trên mái tranh…

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

Mưa Theo Chân Người Mưa Lang Thang

 

Mưa ở ngoài trời, mưa trong lòng”.  Một câu thật “sáo” thấy thương thương…Chỉ ai buồn lắm nên thơ thế.  Mình có buồn không, hay đang buồn?

 

Mình không buồn mà!  Mưa thì buồn.  Chắc ông Trời khóc, nước mưa tuôn?  Người ta nước mắt, buồn sa lệ.  Trời với người ta…ai buồn hơn?

 

Trời mưa làm biển đầy thêm chút, sông cũng đầy thêm, nước ngập bờ.  Ngồi đợi đò trưa rồi tới tối.  Đò ơi!  Không có tiếng nào ơi…

 

Chủ quán cà phê nói “có cầu, đò không có khách đã từ lâu bỏ đây để bến con sông vắng, đêm mới có người đi giăng câu…”

 

Đêm mới có người…Tội quá đêm!  Lỡ mưa chìm mất những con thuyền.  Lỡ trăng cũng lặn…Thôi thì hết!  Về đợi con đò…tuổi hết duyên?

 

*

 

Tôi khuấy cà phê nhìn sóng gợn.  Mưa ngoài trời đó, lạnh trong tim.  Hai mươi năm có là lâu lắm để giọt mưa trời khóc nấc lên?

 

Tôi có ngồi lâu mấy cũng đi.  Em ơi mãi mãi chúng ta lìa!  Hai mươi năm trước không ngờ nhỉ, trong một ngày mưa có kẻ về…

 

Mưa theo chân người mưa lang thang.  Tôi đi như thể bước theo nàng…là bùn trước mặt mưa tung tóe, là cái bóng mờ, ôi bóng trăng!

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngày Về

 

Tôi trở về.  Trước ngõ, bấm chuông.  Kia em!  Mở hé cửa, ra dòm…Bóng ai đứng khuất sau chòm lá.  Hoa nở một cành trưa nắng sương…

 

Bữa đó, hôm nào?  Mới bữa qua?  Sáng nay xao xác tiếng chim hòa cùng cây lá động khu vườn Ngoại, vẫn một thuở nào của chúng ta…

 

Tôi trở về như thể giấc mơ.  Lá cây dừa nước đẹp không ngờ có con nhện cả đêm không ngủ, sáng thả mình buông mấy sợi tơ…

 

Nhện vừa níu được con bươm bướm.  Con bướm hoảng hồn con bướm bay!  Em hoảng hồn không chuông mấy tiếng, hoảng hồn thì hãy ngã trên vai…

 

Một năm có thể trăm ngày hội, nhưng một ngày vui gặp lại vui!  Em nói dễ thương, em tập nói:  “Đừng đi anh nhé, bỏ em hoài…”.

 

*

 

Anh về trước ngõ, chuông ba tiếng, một tiếng mừng thôi, “anh” và “em”.   Lúc đó chuông Chùa trên tháp núi cũng vừa tỉnh dậy giấc sầu miên…

 

Từ đó, Quê Hương bừng nắng mới.  Và khu vườn Ngoại lá thêm xanh.  Luống hoa của Má trồng đua nở.  Em cũng là hoa, hoa của anh!

 

Tôi trở về, tôi sẽ không xa…bởi em xinh quá áo bà ba.  Bà Năm bà Sáu tôi không thiết, chỉ một mình em tôi thiết tha… 

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

Chào Mừng Ngày Của Cha

Sửa Lại Ca Dao Cho Đúng

 

Đấng sinh thành là Cha là Mẹ

Ơn Mẹ Cha là bể là trời

Ngộ thay ai cũng là người

Mẹ  thường được nhắc, Cha thời…cứ quên!

 

Người Việt mình vô duyên dễ giận

Công ơn Cha đem sánh Núi Tàu

Thái Sơn nào biết ở đâu

Hỏi quanh, đáp quẫn:  “Bên Tàu” … là xong!

 

Còn Nghĩa Mẹ:  nước trong róc rách

Chảy từ nguồn thành rạch, thành sông

Sông đi ra biển mênh mông

Cái Tình của Mẹ:  tấm lòng bao la…

 

Tình của Cha:  sương sa trên núi

Rất mơ hồ, ai tủi ai thương?

Bản đồ không có Thái Sơn

Nước Tàu lạ nhỉ, lối mòn ta đi?

 

Hoàng Sa đó, nghĩa gì mà tiếc?

Trường Sa kia không biết bảo toàn

Thì thôi đất nước tan hoang

Rồng Tiên không khéo lỡ làng mãi thôi!

 

Một tiếng Mẹ, gọi hoài thảm thiết

Một tiếng Cha, mất biệt bao giờ?

Ai người dệt những câu thơ

Biết chăng Cha thác không mồ, biết chăng?

 

Đời quanh quẫn ôm chân người Mẹ

Nước chiến tranh không thể vài ngày

Cha đi Lính, Cha đi đày

Quên Cha đi để Cha bay về trời…

 

Đó, có phải là lời “lưu loát”?

Mẹ thường thường có mặt bên con:

“Công Cha ai nói Thái Sơn

Hèn chi Mẹ sống mỏi mòn quạnh hiu!”

 

Lịch Sử Việt trăm điều “ai oán”

Chữ Công Bằng không đáng một xu!

Cha, sống hay thác, Thiên Thu

 Mẹ thì nhớ để đền bù công sinh?

 

Không  có Cha, có mình không nhỉ?

Chắc là không!  Sao lại quên Cha?

Thái Sơn núi của người ta

Hay ho gì lại thêu hoa vẽ hình?

 

Nay, phải đổi nó thành câu nói:

“Công của Cha là núi là non

Nghĩa Mẹ là nước trong nguồn

Núi soi bóng nước, con còn Mẹ Cha!”

 

Nói thật đó!  Thiết tha lắm đó

Xin ai người còn nhớ Ca Dao

Mỗi khi mở miệng câu nào

Gạt phăng đi cái của Tàu, gạt phăng!

 

Từ nay nhé:  Nước Non trên hết

Mẹ Cha đừng phân biệt thiệt hơn:

Công Cha là núi là non

Nghĩa Mẹ là nước trong nguồn chảy ra!

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hỡi Tất Cả Đồng Bào Đứng Dậy

 

Hỡi tất cả đồng bào!  Đứng dậy!

Kể từ nay quyết lấy lại Quyền:

Con người được sống bình yên

Công Dân phải có cái Quyền Công Dân!

 

Gần trăm năm cúi gầm tủi nhục

Gần trăm năm non nước tủi hờn

Trên đầu hai chữ Giang Sơn

Trong lòng bốn chữ Linh Hồn Đại Nam!

 

Hãy đứng dậy tay cầm biểu ngữ:

“Chúng Tôi Liều Chết Giữ Núi Sông!”

“Bắc Nam, Nam Bắc Một Lòng

Một Tấc Đất Cũng Quyết Không Cho Tàu!”

 

Hỡi tất cả đồng bào!  Đứng dậy

Tất cả thuyền cùng đẩy ra khơi

Giặc Tàu giỏi đến đây chơi

Thì mạng bây thác, thì đời bây tiêu!

 

Không phải nói những điều vô cớ:

Nước nhà ta Lịch Sử còn ghi:

Bao nhiêu lớp tuổi Xuân Thì

Phơi gan trải mật chỉ vì Quê Hương!

 

Hỡi tất cả!  Kết Đoàn Chung Sức

Tay cầm tay, một Lực, một Tâm

Tổ Tiên khổ bốn ngàn năm

Cháu con không thể khóc thầm đợi may!

 

Hãy đứng dậy!  Một ngày đứng dậy

Hãy như là Nguyễn Trãi bình Ngô

Như Quang Trung dõng dạc hô:

“Xung Phong!  Quyết Giữ Cõi Bờ Nước Ta!”

 

Gương sáng rực nước nhà còn đó!

Có sợ gì máu đổ thịt rơi?

Chúng ta đạp đất đội trời

Một câu tâm nguyện, một lời thiết thân:

 

Hãy đứng dậy Vì Dân Vì Nước

Hãy từng người tiếp bước Tiến Lên

Tiến Lên!  Tất Cả Tiến Lên!

Chúng ta thực hiện Cái Quyền Công Dân!

 

 Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tứ Diệu Đế

 

Ngày buồn nhất:  Ngày hôm qua:  Người tôi thương nhất vừa xa Mẹ hiền!  Mặt trời buổi sáng mọc nghiêng, từng tia nắng ngọt đâm xuyên tim người!  Mẹ nằm đó đã ngậm cười, người con chí hiếu vẫn ngồi một bên.  Mặt trời lúc đó đang lên, từng giọt nước mắt người viền chân mây…

 

Ngày buồn nhất!  Ngày hôm nay.  Mẹ quần áo mới, giữa ngày ngủ ngon.  Buổi chiều, lúc đó hoàng hôn. Người tôi thương nước mắt còn rưng rưng.  Bao lâu Mẹ với con từng ngọt chia buổi sáng, ấm nồng mỗi khuya…Nếu đừng có cuộc ngăn chia, con đâu có ngược đường về, Mẹ xa…

 

Ngày buồn nhất…sẽ trôi qua.  Liệu ai có nở nụ hoa môi hồng?  Hay nhang kia vẫn cháy bừng từng đêm thao thức từng vòng trầm hương?

 

Ngày buồn nhất,  Đà Lạt sương, trắng ôi trắng quá con đường nghĩa trang.  Quạ bay mà cũng xếp hàng!  Mẹ yên một chỗ từng đàn quạ bay…Ở, đi, không ai chia tay.  Ở đi, Trời ạ, chỗ này Quê Hương!  Mẹ rồi dưới mộ còn xương, mai kia mốt nọ cỏ vương sương chiều…

 

Người tôi thương nhất buồn hiu.  Hôm nao sáng nắng, nay chiều muốn mưa!  Tôi buồn lòng cũng ngẩn ngơ tưởng đâu mưa nắng như vừa ngỗn ngang…

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bâng Khuâng

 

Chờ em cho tới bao giờ

Vạc bay về núi, trăng mờ đỉnh non…

 

Hai ngày không thấy em e mail.  Mở máy, nhìn chơi, sáng lại chiều.  Nói nhớ, nói thương mà lặng lẽ,  buồn không thèm biết buồn bao nhiêu!

 

Buồn của anh …là không của em.  Ai người có nhớ mà không quên?  Ai người mới đó môi hồng thắm, không nói cười thôi cũng rất duyên!

 

Có lúc làm thơ như cắn giọt mưa trời, con quạ mới kêu vang.  Nhìn ra cánh cổng im lìm khép, ngày đứng sững ngày, ai đi ngang…

 

Dĩ nhiên không phải là em nhé!  Đường của người ta, xe chạy qua, một chiếc rồi hai, ba bốn chiếc, chỉ cành hoa nở, một cành hoa…

 

Em à, anh đợi hai ngày đã buồn lắm như chưa biết nỗi buồn nó đã khiến mình đau đến đớn đến lòng tím rịm lúc hoàng hôn!

 

Thôi em không nhớ gì anh nữa thì chẳng làm sao, chỉ có chờ.  Lòng nhủ:  chim bay về núi đậu,  trăng kia có lúc cũng trăng mờ!

 

Câu ca dao nhắc rồi anh lắc cho tóc trùm lên một mối tình,  cho trọn đời anh thơ thổn thức một câu nào đó rất bâng khuâng…

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

Trưa Hoàng Hôn

 

Thật tình tôi chẳng biết làm sao nói để cho em lệ bớt trào.  Tử Biệt Sinh Ly, Trời đã định, mình tu không vượt ý Trời đâu!

 

Không phải Trời không thương chúng sinh.  Chúng ta tất cả được sinh thành:  Ai ai cũng ở trong ràng buộc, số phận mỗi người rất mỏng manh.

 

Em khóc bởi vì em mất Má.  Má già như gió thổi đèn khuya.  Ba mươi năm trước, tôi đau đớn, Má mất, tù binh, tôi chẳng về…

 

Tôi khóc trong tù, bạn có khuyên, có chia, có sớt để tôi quên, mà thưa, em ạ, làm sao nguội giọt lệ lăn dài chảy tới tim?

 

Bây giờ em khóc, ờ em khóc, còn chút duyên là tiễn Má đi.  Còn chút duyên là tôi có biết, còn đây nước mắt kịp tôi chia…

 

Em khóc, Trời ơi em đứng khóc.  Em nằm, em cũng khóc trong khuya.  Từ nay, em, Má, không kề cạnh, đến tấm hình kia nhang cũng che!

 

Tôi biết em buồn, tôi rất buồn.  Ngày đang trưa nắng vẫn hoàng hôn!  Mới hay trong nỗi buồn tê tái,  mở mắt nhìn đâu cũng khói sương!

 

Em khóc, Trời ơi em đứng khóc, em ngồi, em khóc Má không nghe!  Đường ra nghĩa địa đường thăm thẳm, mà cuối đường, ôi, Một Chỗ Về!

 

Em về thăm Má, Má Về Trời!  Thôi thế thì em khóc ngất thôi!  Đất Nước đổi thay buồn chẳng một, Âm Dương Trời nỡ khiến chia đôi! 

 

Em cứ khóc đi, em cứ khóc, lòng tay tôi mở hứng buồn em.  Mong mai có buổi bình minh đẹp, em lại cười như thuở rất duyên…   

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

Một Trời Đà Lạt Hai Thềm Đại Dương

 

Em đưa Má đến nghĩa trang, ngồi cho cháy hết cây nhang mới về!  Má nằm ngủ giấc trưa Hè giữa trời Đà Lạt mây che núi rừng.

 

Em đi bước bước lại dừng.  Đau lòng cộng với đau chân, lại buồn.  Nỗi buồn kéo nước mắt tuôn.  Em đi buồn bã, hoàng hôn tới nhà…

 

Từ nhà ra nghĩa trang xa, em đi thăm Má đủ ba ngày đầu.  Má giờ hồn đã về đâu, em mường tượng thấy con cầu Má đi…

 

Con cầu nước đuổi sân si.  Con chó Ngao sủa từng giề bèo trôi…Em đau lòng:  Má quên rồi, trần gian và những chuyện đời bể dâu!

 

Em têm cho Má dĩa trầu.  Em bổ cho Má trái cau đầu mùa.  Rồi em để trên bàn thờ.  Rồi em lại khóc…Không ngờ Má xa!

 

Tụng Kinh xong trước Phật Bà, em lau nước mắt, em ra ngoài vườn.  Nâng hoa thiên lý Má thương.  Nhặt lên cả chiếc lá vàng mới rơi…

 

Em à em ạ em ơi, em đưa tiễn Má mà tôi không về.  Đường không ngàn dặm sơn khê, tại sao tôi lại chẳng kề bên em?

 

Nói gì?  Nói nữa, khóc thêm.  Đường xa muôn dặm hai thềm đại dương!  Coi như tôi đã lạc đường.  Coi như em mỗi mình buồn…Má ơi!

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

Thơ Lục Bát

 

trời hết nắng thì mưa, hết mưa thì bão…

 

- Ai vừa xót xa?

 

Câu thơ Lục Bát, ôi chà, dễ như móc ở túi ra…cái tài!  Mười bốn chữ mà kéo dài, khéo tay thì được một bài trường ca? 

 

Nguyễn Du đó, khó ai qua.  Rồi Nguyễn Đình Chiểu!  Rồi bà Tùng Long!  Làm thơ Lục Bát là đong từng con chữ để thấy lòng mình thôi!

 

Lục Bát là thơ làm…chơi, ngay ông Lông Hội bật cười cũng Thơ!  Trời không Thơ, Trời bơ vơ, đi đi chỗ khác, vật vờ đóm khuya.  Từ khi “ta” đuổi Mỹ về, ông Blời đứng ngoài lề đại dương!  Ông Blời hết dễ thương để cây Thánh Giá chỉ đường chia đôi!

 

Sinh ra làm kiếp con người thua cây thông đứng giữa trời, tại sao?  Phải chăng vì cây thông cao, phải chăng không có ai nào dám leo?

 

Nguyễn Công Trứ một thời nghèo, làm thơ như lấy cái hèo đuổi mây!  Bây giờ người ta theo Tây, làm thơ như lấy cái chày nện sương!

 

Nhớ khi còn ở lao trường, anh em ngó mặt buồn buồn ngâm nga:  “Chúng mình không Mẹ không Cha, cám ơn Bác, Đảng, sống qua tháng ngày”.

 

Tháng ngày đó khói hay mây?  Hỡi ơi nước mắt trên tay đầm đìa.  Học tập một tháng rồi về!  Mười năm chưa biết cái gì cái vui!

 

Mưa, cầm như giọt sương rơi…

Bão, cầm như cái thằng Trời ngủ quên!

 

Kìa cây Thánh Giá đứng yên mà sao thiên hạ vượt biên đùng đùng?  Bác Hồ chết đúng ngày trùng…nên con cháu Bác vẫy vùng ngoài khơi? Tôi làm Thơ, tôi làm chơi.  Làm cho nát cái mặt trời, được không?

 

 

 

 

Vài “chuyện” ngày nao:

 

1, Thơ  trong Trại Cải Tạo:

-          Mưa nhỏ, coi như không mưa /Mưa lớn, coi như mưa nhỏ / Bão, coi như mưa lớn.

-          Làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm! / Làm đêm chưa đủ, tranh thủ làm thêm! / Làm thêm chưa đủ, tranh thủ làm hoài!

 

2, Ca Dao Hiện Đại:

“Thằng Giời hãy đứng một bên

Để ông Lông Hội đứng nên nàm Giời!”

 

Bác Hồ chết đúng giờ thiêng

Nên con cháu Bác đứa điên đứa khùng!

Bác Hồ chết đúng giờ trùng

Nên con cháu Bác đùng đùng vượt biên!

 

“Lê Nin người ở nước Nga

Mà sao ông giống như là Việt Nam

 

3, Thơ Tố Hữu:

Thương Cha, thương Mẹ, thương Chồng

Thương mình thương một, thương ông (Xít Ta Lin) thương mười!

 

Vui biết mấy nghe con tập nói

Tiếng đầu lòng gọi Xít Ta Lin

 

Tôi giẫm giày đinh trên phố Huế

Lòng dửng dưng không chút cảm tình chi!

 

4, Thơ Chế Lan Viên:

Bên kia biên giới là nhà

Bên nay biên giới cũng là Quê Hương!

 

5, Thơ Bảo Định Giang:

Cầu trời bên ấy bình yên

Em về em cứ thiên nhiên mà về

 

6, Thơ Bùi Giáng:

Bác Hồ nói với Bác Tôn:

Người ta chỉ có cái…miệng là xinh!

 

Bác Hồ nói với Bác Tôn:

Việt Nam chỉ có Sài Gòn là vui!

 

7, Thơ Hoàng Trung Thông:

Hai bàn tay làm nên tất cả

Với sức người sỏi đá thành cơm!

 

….

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

Nói Trong Giấc Mơ

 

Hôm nay, em nhỉ, Má yên rồi.  Trên chỗ Má nằm mây trắng trôi.  Bên chỗ Má nằm con dế gáy.  Mỗi ngày đầy ắp một niềm vui…

 

Niềm Vui, ồ lạ, sao em khóc?  Mình chúc gì khi Má đã đi?  Thượng Lộ Bình An, ai cũng nói với ai khi biệt, với ai về…

 

Thôi, Má không còn ở với em, với dương thế nữa…Má không thèm, trầu cau còn bỏ, cơm không thiết, còn nhớ gì đâu! Thôi, Má quên!

 

Để Má quên đi!  Để Má nằm, cầu cho hồn Má chạm cung trăng, cầu cho Má gặp Ba trên đó trước nụ cười xinh của chị Hằng!

 

Em cũng cười xinh, thử chút coi!  Buồn em, anh đúc tượng trên đồi -  Đồi thông Đà Lạt xanh muôn thuở và nỗi buồn em gió bốc hơi…

 

Hai đứa mình chưa bỏ thế gian, tại em chưa dứt nỗi mơ màng, tại anh chưa thuở sa trường gục, ai cấm mình, hai đứa dễ thương!

 

Hãy vòng tay lại, em yêu quý, nói với Má rằng: “Đây, đóa hoa, con tưởng trở về ôm ấp Má, nào ngờ Trời khiến Mẹ Con xa. 

 

Hoa, con xin để trên mồ Má, hương ngạt ngào hương, Má của con!  Con biển lại qua, bờ lại tới, trong lòng con, Má – Một Quê Hương!”.

 

*

 

Thôi, mình đi xuống con đường dốc.  Đà Lạt, Trời ơi trong giấc mơ…Anh biết chừng nao về lại được, gặp em, tưởng tượng giữa đường hoa…

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

Buổi Mai Và Bầy Quạ

 

Bầy quạ tới từ sáng.  Không gì cho chúng ăn.  Chúng đậu như đậu nán.  Rồi chúng bay.  Xa.  Xăm.

 

Bầy quạ mang tối tăm, đến đây từ buổi sáng.  Mặt trời thức dậy muộn.  Tôi ngâm câu thơ.  Suông.

 

Nhớ Hàn Mạc Tử buồn cũng thường ngâm thơ sảng.  Hàn Mạc Tử nói Gắng.  Nằm Gắng Cũng Không Thành Mộng Được, Ngâm Tràn Cho Đỡ…Chút Buồn Thôi!

 

Mây trắng trôi trôi trôi.  Núi tiếp đồi sương phủ.  Tôi cắn từng hạt đậu, thấy lòng mình vỡ.  Đôi.

 

*

 

Ôi em cũng xa xôi.  Chân trời và góc biển.  Còn kia mây lưu luyến.  Còn kia xanh lá.  Me!

 

Tôi nhớ những ngày xưa.  Sài Gòn yên ả sáng.  Bao nhiêu cuộc Cách Mạng vẫn xanh xao đường.  Xa.

 

Và hồi đó chúng ta nhìn nhau như người lạ.  Tóc thề em che má, má hồng ơi, tuổi.  Thơ!

 

Tại sao em bây giờ nở chi nụ cười gượng?  Lẽ nào mình đã lớn gặp giữa đời, ngã.  Ba!

 

Giữa đời gặp rồi xa.  Mái tóc em nhè nhẹ gió như bàn tay ghé vuốt một trời mênh. Mông…

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Buổi Mai Và Bầy Quạ

 

Bầy quạ tới từ sáng.  Không gì cho chúng ăn.  Chúng đậu như đậu nán.  Rồi chúng bay.  Xa.  Xăm.

 

Bầy quạ mang tối tăm, đến đây từ buổi sáng.  Mặt trời thức dậy muộn.  Tôi ngâm câu thơ.  Suông.

 

Nhớ Hàn Mạc Tử buồn cũng thường ngâm thơ sảng.  Hàn Mạc Tử nói Gắng.  Nằm Gắng Cũng Không Thành Mộng Được, Ngâm Tràn Cho Đỡ…Chút Buồn Thôi!

 

Mây trắng trôi trôi trôi.  Núi tiếp đồi sương phủ.  Tôi cắn từng hạt đậu, thấy lòng mình vỡ.  Đôi.

 

*

 

Ôi em cũng xa xôi.  Chân trời và góc biển.  Còn kia mây lưu luyến.  Còn kia xanh lá.  Me!

 

Tôi nhớ những ngày xưa.  Sài Gòn yên ả sáng.  Bao nhiêu cuộc Cách Mạng vẫn xanh xao đường.  Xa.

 

Và hồi đó chúng ta nhìn nhau như người lạ.  Tóc thề em che má, má hồng ơi, tuổi.  Thơ!

 

Tại sao em bây giờ nở chi nụ cười gượng?  Lẽ nào mình đã lớn gặp giữa đời, ngã.  Ba!

 

Giữa đời gặp rồi xa.  Mái tóc em nhè nhẹ gió như bàn tay ghé vuốt một trời mênh. Mông…

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Em Là Một Giọt Mưa

 

Có khi nào không nhỉ em về như trong mơ?  Có khi nào, bây giờ niềm mong thành hiện thực…em là một giọt mưa?

 

*

 

Điều anh tha thiết đợi không bao giờ tới đâu.  Cả những giọt mưa Thu cũng bên nhà hàng xóm!  Bên này bờ giậu vướng xác con bướm buồn hiu…

 

Người ta nói Tình Yêu đừng mong lời giải nghĩa.  Ồ thì ra nói thế … bởi Tình Yêu gian nan?  Chỉ một chút nắng vàng cũng là hoàng hôn đó?

 

Có ai  bắt đựợc gió để gói lòng tương tư?  Có ai mở phong thư thấy một tờ giấy trắng?  Em ơi lòng anh nặng em đâu buồn săm soi!

 

Anh trải tờ giấy phơi cho khô như giấy mới.  Có nhiều điều muốn nói mà nói với ai đây?  Em không so tóc mai thấy sợi dài sợi vắn.  Anh xin trời thật nắng cho màu giấy vàng đi…

 

Có khi nào có khi em về như bóng nắng?  Có khi nào trời nặng bỗng mây và bỗng mưa?  Em ơi những bài thơ chim bồ câu đã gậm bay trong trời u ám, bay đi tình anh bay…

 

Có khi nào, hôm nay, anh rất buồn anh chết.  Em cầm bút, chấm hết một câu thơ cuối dòng.  Em biết chưa tận cùng…nhưng nửa chừng cũng đủ để anh yên anh ngủ một giấc dài Thiên Thu.

 

Em ơi trái mù u lăn theo vòng trái đất.  Anh lậy xin Trời Phật cho em quên em vui…

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

Hoài Niệm

 

….và giọt mưa bay qua

Qua bên nhà hàng xóm

Đêm lập lòe đom đóm

Tắt rồi như sao sa…

 

…và những gì diễn ra

Chỉ là trong chớp mắt

Em không hề có thật

Thơ tôi là Thơ Suông!

 

…và những gì là buồn

Không là lời định nghĩa

Những gì tôi muốn kể

Chính thơ đã nói rồi!

 

…và ở rất xa xôi

Chỉ còn là kỷ niệm

Nhớ em hồi áo tím

Nhớ tôi hồi áo xanh…

 

…kẻng nhà trường lanh canh

Đạn chiến trường cắc cụp

Chén nước mưa bưng húp

Một thời ôi thời xưa…

 

…em cô bé học trò

Bưng hai con mắt đỏ

Chắc em không còn nhớ

Giọt mưa trên mái trường?

 

*

 

Có một điều rất thương

Nằm ở em ngón út

Có một điều rất thật:

“Mưa là nước mắt bay…”.

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

Dòng Thời Gian

 

Một năm qua.  Một năm rồi.  Em xa đất nước,  đang ngồi ở đây.  Nhìn trời, trời vẫn mây, mây.  Nhìn biển, biển nước dâng đầy chiều hôm…

 

Biển trời không khác Quê Hương, khác chăng là nỗi vui buồn mênh mông!  Vui…sao dao cứa trong lòng?  Buồn ơi có phải buồn chùng tâm tư?

 

Một năm ồ một năm mơ, em hai con mắt mờ mờ đường xa.  Chỗ nào dừng cũng là hoa.  Chỗ nào chợt nhớ cũng là gian nan…

 

Một năm qua, mộng em tàn.  Mơ tan khỏi tản theo làn yên ba.  Bữa cơm làm nhớ thêm nhà, bát canh chua kiếm đâu hoa lục bình?

 

Bát canh chua nhạt theo tình, theo chân ngàn dặm, theo mình từ nay?  Nếm chơi chút ớt còn cay, còn nghe con mắt còn đầy thương yêu…

 

Nhỏ cho anh giọt lệ chiều lát mưa có tới thì xiêu bước về.  Nhà người có mái hiên che,  thấy em ở đó, thấy bè gỗ trôi…

 

Một năm qua.  Một năm rồi.  Thời gian nước chảy, lở, bồi con sông…Bên nay là những cánh đồng, bên kia lồng lộng gió bồng bềnh…em!

 

Bên kia lồng lộng gió lên, cỏ bờ ảo vọng bỗng mềm như Thơ!  Như bàn tay lúc tiễn đưa, như khăn áo buộc bây giờ…một năm!

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngộ

 

Tôi hay nói về Tình Yêu / buổi mai, buổi trưa, buổi chiều, buổi xế…Nói cho qua ngày, cho giọt lệ khô đi. 

 

Có khi tôi nói về Tình Yêu giữa khuya.  Cơn mưa nhỏ rì rào gió thoảng.  Nói một mình cho bao giờ thấy chán, uống một viên thuốc ngủ cầm hơi.

 

Có khi tôi nói về Tình Yêu ở chỗ tôi ngồi:  trên nghĩa địa, ngoài công viên vắng vẻ.  Tôi nói chuyện về Tình Yêu với những con chim sẻ.  Nghe chúng cười…ríu rít, rồi bay.

 

Tôi ở đâu đây?  Tôi ở đâu đây?  Tôi hỏi những cành cây quạ vừa đáp xuống.  Không ai trả lời tôi cho đến chiều xuống muộn.  Trăng lên, vàng, mướt rượt mộ bia.

 

Có những bài thơ nói về Tình Yêu của ai đó tôi say mê.  Tôi không giỏi để làm hơn họ được.  Tôi quay mình làm dòng nước ngược / trở về nguồn cắn nát chữ Tương Tư!

 

Tôi nói về Tình Yêu không biết đã bao giờ.  Hồi đó, tôi trên rừng trong rú?  Hồi đó tôi là người tàn binh cú rũ?  Không!  Em à, tôi mới nói với em…

 

Với ánh trăng khuya chải mướt mặt thềm, chải mướt tóc của người yêu tưởng tượng.  Tôi  như gió một đêm lạc hướng, gõ mõi mòn khung cửa nhà ai.

 

Chuyện Tình Yêu là một chuyện dài / mà ngộ ghê thường nằm trong những bài thơ rất ngắn!  Không có thứ gì đem cân thấy nặng / hơn chữ Tình, ngộ thiệt, thưa Em!

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lời Ở Trong Trái Tim

 

Em nghe nhạc hòa tấu, những bản nhạc không lời, em nhớ lại một thời, thời em muốn im lặng.

 

Hồi đó trời không nắng.  Hồi đó trời không mưa.  Tháng Bảy ngày mờ mờ.  Đêm mưa Ngâu nhè nhẹ.

 

Hồi đó em rớt lệ.  Nhạc buồn như tiếng mưa.  Nhạc buồn như võng đưa. Nhạc êm như nắng nhạt…

 

Em ngước nhìn ngơ ngác.  Cơn gió mát qua thềm…Nhạc bay lên bay lên như bàn tay ai vuốt…

 

Trái tim em bị sướt một thời ôi một thời!  Tại sao người xa người?  Tại sao em trơ trọi?

 

Em chờ nghe tiếng gọi như tiếng chim bình minh.  Em chỉ nghe giật mình, nhạc trầm buồn thống thiết…

 

Người xa người, mất biệt, còn tiếng nhạc long lanh, còn ánh đèn mong manh.  Còn đôi môi vàng úa…

 

…và em mặc áo lụa đi chơi chiều-hoàng-hôn.  Và những gì rất buồn nghe hòa trong điệu nhạc…

 

Em cắn môi em hát…và nhạc bỗng có lời người ơi người ơi tình ơi là tình ơi…

 

*

 

Em nghe nhạc không lời, những bản nhạc hòa tấu.  Ở đời ai tốt xấu?  Em nghĩ xấu cho người. 

 

Em đâu muốn xa người! Em bật cười rồi khóc…Ai ở đâu có đọc bài thơ này, buồn không?

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

Trong Mưa Tháng Sáu

 

Tháng Sáu trời mưa.  Tháng Sáu mưa.  Thường năm như vậy, chuyện không chờ.  Chỉ thương ai đó đi ngang ngõ, áo mũ che người, đôi mắt mơ…

 

Tháng Sáu trời mưa.  Tháng Sáu buồn.  Bình minh lạnh ngắt tới hoàng hôn!  Đêm đêm rả rích như mưa khóc, ô lạ trời như trời Cố Hương!

 

Tháng Sáu lâu rồi, Mẹ với Cha, mồ xanh cỏ mượt, mưa mưa sa.  Những cơn lũ chắc rung bia mộ, những bóng hình nhang khói thoáng qua…

 

Tháng Sáu Quê Hương đã mịt mùng.  Đây, trời tháng Sáu giống như Đông, chỉ không có tuyết, không băng giá, chỉ có đầy vơi mặt biển sông…

 

Tháng Sáu buồn ơi dai dẳng buồn.  Cây xanh vừa mới, lá vàng vương,  Chim nhiều ngày chẳng bay ra tổ.  Người, tội nghiệp người, vẫn kiếm cơm!

 

Vẫn biết ở đây đường lắm lối, nhà cao nhà thấp có ngăn chia, nhưng người giàu có, người cơ cực, định mệnh đời ai một khắc lìa?

 

Ngồi ngó mưa sa rồi đứng dậy.  Ô giương mường tượng chút bình an.  Biết đâu ai đó sau khung cửa, cũng thấy mình thương kẻ thoáng ngang?

 

Tháng Sáu trời mưa, tháng Sáu ơi…Thương nhau hãy lắng tiếng mưa rơi.  Thương nhau hãy nói bằng hơi gió cho ấm lòng thơm một chút môi…

 

Trần Vấn Lệ

 

   

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhật Ký Tinh Sương

 

Sáng nay không nắng.  Chắc không mưa.  Thời tiết như Thu đang chuyển mùa.  Kéo cổ áo lên ngăn gió lạnh, thả vòng khói thuốc tới đâu chưa?

 

Tới đâu?  Tới bụi hoa hàng xóm?  Tới nóc nhà thờ chuông mới ngân?  Tới chỗ hôm qua mình đứng nán nhìn trời ngơ ngẩn bóng phù vân?

 

Hôm qua, hồi tối, mưa vừa tạnh, man mác hơi sương thở cũng buồn.  Không hỏi nữa sao mình lại thế vì câu chờ đợi sẽ thêm thương…

 

Nghĩ về xa lắm, mùa dông bão.  Nghĩ Thái Bình Dương chẳng thái bình. Tàu chiến chạy quanh vòng nước xoáy, muôn đời thì biển vẫn sâu xanh…

 

Sáng nay thăm thẳm.  Sầu thăm thẳm.  Những kẻ ra đi nuốt lệ hờn.  Những người còn lại đời lê lết.  Ôi chỗ ra đời sao Cố Hương?

 

Làm một đoạn thơ, nhìn lại, khóc.  Vụng về.  Tan nát tấm lòng thôi.  Đù cha cái kiếp con dân Việt, vượt biển trèo non, tủi hỗ hoài!

 

Nghĩ về xa lắm.  Nghĩ về đâu?  Người Lính trời ơi tóc bạc đầu.  Gửi xác quê người không phải phúc.  Thả hồn ra biển – biển hay dâu?

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thiên Thu

 

Một đêm trăng nào đó có gió nhẹ đùa mây có lá vàng trên cây đẵm màu trăng rụng xuống.  Em ơi đêm rất muộn anh vẫn chờ em về.  Nghĩa trang lạnh bốn bề.  Tấm bia nào không lạnh khi anh vẫn ngồi cạnh ôm em áo mù sương.  Ôm em tình cô đơn.  Con dế mèn đã khóc.  Té ra nó thao thức, nó chờ ai như anh?

 

Một đêm trăng long lanh phải chăng vì nước mắt?  Có trái tim nào cắt làm năm làm sáu phần?

 

Một đêm trăng phân vân em không về đây nữa.  Trần gian quên lời hứa chờ em mùa trăng nao?  Anh nhớ em nghẹn ngào thương sao tà áo mỏng, em đi như bọt sóng tan hồi cuộc biển dâu!  Em xa như sao sâu chìm trên đầu cổ thụ.  Anh nhớ hồi lính thú anh nằm trên tha ma.  Hồi đó em là hoa nở mừng anh ngày phép.  Ngày đó anh không chết, anh về, về thăm em…

 

Bây giờ, em mông mênh lòng đêm trăng lồng lộng.  Bây giờ mình anh sống, sống như vì sao sa.  Rồi trăng kia sẽ tà.  Rồi đêm dài cũng tận.  Em ơi em là nắng lăn anh giọt mồ hôi!  Em ơi anh mồ côi tại vì em hết đó!  Bao giờ anh là cỏ, em nghĩ sao thời gian?  Em là chiếc lá vàng cho anh mùa trăng cũ.  Em là một giấc ngủ cho anh kề Thiên Thu…

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ Bữa Đó Trời Mưa

 

Tháng Sáu vẫn còn, chưa hết tháng.  Mưa còn cho tháng Sáu buồn tênh.  Mưa hoài cho trắng con sông trắng, và trắng tóc người một chút thêm!

 

Tháng Sáu mưa đầy con ngõ trưa.  Chân em vẫn đẹp tự bao giờ.  Ngồi trong xe kín mưa không ướt, mở cửa chân người nở đóa hoa…

 

Tháng Sáu không ngờ tôi lãng mạn, yêu em như thể ở Sài Gòn, mưa trong con hẽm hôm nào đó, tôi ngẩn ngơ nhìn đôi gót son…

 

Tháng Sáu mình đang ở xứ người, cũng mừng phiêu giạt chỗ xa xôi, em, tôi, hai đứa hai hàng xóm mà dưới trời chung một khoảng trời…

 

Tháng Sáu có ngày cũng nắng xanh – xanh vì cây lá đẹp như tranh, xanh vì hoa bướm xinh như mộng, mà cũng xanh vì em tóc xanh!

 

Tháng Sáu, em còn con gái, đó, và tôi thì đã bạc đầu, đây!  Ước chi đừng nắng đừng mưa nhỉ, đừng có tương tư dẫu một ngày…

 

Tháng Sáu, biết rồi, chưa hết tháng, tôi cành Thu níu em cành Xuân.  Thương sao con ngõ triền miên nước, tôi một mình tôi trôi dửng dưng!

 

Tháng Sáu xé lòng khi xé lịch.  Nhủ lòng đừng mở miệng ra thơ.  Em từ bữa nói “Thơ anh dở”.  Từ đó mưa hoài, tháng Sáu mưa…

 

Trần Vấn Lệ

 

  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Điềm Lạ

 

Sáng nay lạ quá, chim đâu hết?

Chẳng thấy con nào bay kiếm ăn!

Sắp động đất chăng?  Hay sắp bão?

Đại dương sắp sửa nổi cơn khùng?

 

Sáng nay, mưa dứt, trời yên ả

Đã thấy mặt trời trên ngọn cây

Đã thấy màu xanh trên đỉnh núi

Và trời xanh lắm, biển xanh xanh…

 

Sáng nay, hiếm thấy bình minh đẹp

Mà thấy rồi đây, đâu bóng chim?

Nghe nói Rằm này không có nguyệt

Và đêm Rằm sắp…đúng là đêm?

 

Động đất.  Sóng Thần.  Hãy bão lụt

Ông Trời để mặc tiếng chuông rơi…

Thế gian tỉ tỉ người chen chúc

Đời sẽ sao khi tắt nụ cười?

 

Sáng nay dây điện song song chạy

Vắng lặng.  Đìu hiu.  Lạnh lẽo lòng

Tận thế hay là không tận thế,

Nghĩa gì!  Bầy sáo đã sang sông! (*)

 

(*) Ca dao: 

Ai đem con sáo sang sông

Để cho con sáo sổ lồng nó bay…

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

Tiền Duyên Hay Nghiệp Chướng

 

Ai cũng nói:  “Chao ôi buồn muốn khóc”. 

Câu dễ thương tôi nghe “nhột” lòng rồi!. 

Nguyễn Công Trứ nói ngược:  “Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười”. 

Nguyễn Công Trứ không có một ngày vui,

trọn đời ông ưu tư không dứt…

 

Hơn tám mươi tuổi, ông dâng sớ lên Vua xin đi đánh Pháp.  Dĩ nhiên là Vua Tự Đức không cho. 

“Khanh đã già rồi! 

Để đàn trẻ chúng lo. 

Khanh là tấm gương sáng. 

Khanh là mặt trời chiếu rạng. 

Khanh hãy về dưỡng già, Trẫm biết ơn Khanh!”.

 

Trước vận nước mong manh,

tuổi nào đành nhắm mắt? 

Nhưng chúng ta, hãy một lần nói thật: 

“Tại sao mình chưa giải ngũ mà lại là Cựu Quân Nhân?”.  Câu trả lời, câu rất chung chung: 

“Ai cũng xưng thế thì mình cũng theo cho hợp lẽ…”.  Chuyện nước non rối như nồi canh hẹ.

Chuyện cà phê hiên sôi nổi từng ngày…

 

Tôi buồn buồn ngồi ngó trời mây

Hai hàng nước mắt chảy lúc nào không biết

Bọn Tàu Ô chúng rất thèm nước Việt

Chúng ta thì…chỉ phản ứng cầu an!

 

Những hồi chuông Chùa vang vang. 

Những hồi chuông Giáo Đường thánh thót. 

Ai đã nói:  “Chao ôi buồn muốn khóc”,

dám ném không ba chữ Cựu Quân Nhân? 

Hay chúng ta tay chắp nói trăm lần: 

“Xin Chúa cho con mỗi bữa ăn vừa đủ”. 

“Xin Phật cho con đóa hoa sen vừa nở

dẫu trong bùn mà chẳng vướng mùi tanh!”.

 

Cây thông xanh,

vút cao triền núi, bị đốn rồi…từ ngày Ba Mươi tháng Tư!  Nguyễn Công Trứ chắc đang cười, 

ai đang khóc trên dòng đời trôi nổi? 

Chắc không phải chúng ta – những người chết đuối

được kéo lên bờ…lo tương lai cho cháu con! 

Những ông Bác Sĩ trẻ, những ông Kỹ Sư non…

Thế hệ đó làm vẻ vang nòi giống!

 

Lạc Long Quân tại sao thành Lạc Lõng? 

Bà Âu Cơ…là Mẹ, cứ Âu Lo?

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thu Hằng

 

Đêm đó, đêm mùa Thu, tôi, dưới trời trăng sáng.  Không phải đêm tháng Tám nhưng vẫn là mùa Thu…

 

Mùa Thu ba tháng, lâu.  Tháng Bảy, Tám và Chín.  Gió heo may lành lạnh, lạnh hơn sắp tháng Mười…

 

Tôi, một mình, tôi ngồi.  Trăng một vầng trăng sáng trên đầu tôi, mây tản và sương tan mờ mờ.

 

Tôi ngồi trên chiếu thơ, đêm trăng tròn, trăng khuyết, ba tháng dài bất tuyệt mà thơ không thành thơ!

 

Em à em, tôi mơ có em ngồi bên cạnh.  Trăng nhiều khi lóng lánh.  Tôi biết tôi thật buồn…

 

Em như nước trên nguồn chảy ra sông ra biển.  Trước tôi em không hiện.  Sau tôi em thì thào…

 

Có đêm mưa dạt dào, tôi cuộn trăng trong chiếu.  Tôi biết tôi vẫn thiếu một em – em trong đời…

 

*

 

Đêm đó, đêm nghẹn lời.  Gọi em mà ứa lệ.  Từ khi em tạ thế, mùa Thu tôi thê lương.

 

Em, bây giờ linh hồn trong màu trăng tê tái.  Tôi nhìn trăng tê dại, tôi, đời tôi hoang vu…

 

Ôi em ơi mùa Thu con trăng còn biết lội tôi chờ em về tối từng đêm trăng mùa Thu!

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Rằm Tháng Năm Nguyệt Thực

 

Rằm tháng Năm, Nguyệt Thực, bắt đầu từ nửa đêm.  Đất và trời tối đen kéo dài gần tới sáng…

 

Rằm tháng Năm lãng mạn, sóng cũng buồn ngưng ngang.  Biển trong giấc miên man thở bay làn sương khói.

 

Rằm tháng Năm chờ đợi ánh trăng vàng như mơ.  Chỉ chút hồi đầu khuya, tối tăm từ bán dạ.

 

Rằm tháng Năm, điềm lạ, báo những gì tương lai?  Núi cao và sông dài, Quê Hương, hoài thương hải?

 

Rằm tháng Năm kỳ quái, trăng chìm lâu quá lâu.  Những ngọn đèn trên cầu cũng nghẹn ngào muốn khóc…

 

Rằm tháng Năm, Tổ Quốc, chắc buồn đồng lúa chiêm?  Không trăng mất một đêm, lúa không chừng lép hạt.

 

Rằm tháng Năm bát ngát ở giọt lệ người lăn, ở một nước Việt Nam rào che và cổng khóa!

 

*

 

Một hiện tượng kỳ lạ bao trùm khắp thế gian.  Ngọn sóng Thần chưa tan nên che trời tối mịt?

 

Rằm tháng Năm nước Nhật chắc buồn hơn nước mình? Con dế mèn làm thinh. Đêm buồn hiu.  Câm lặng!

 

Rằm tháng Năm im vắng, em và các vì sao.  Cây, gió chạm, thì thào.  Cây gió chạm thì thào…

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

Trời Mưa Tháng Sáu

 

Không hẹn chiều nay hay ngày mai

Cơn mưa tháng Sáu cứ bay bay…

Gió không đủ mạnh cho thành bão

Nước chẳng đầy sông, thêm nhớ ai!

 

Mưa nhớ, mưa thương, mưa tháng Sáu

Hình như câu đó chẳng riêng mình?

Ngó qua hàng xóm, cô hàng xóm

Giương cái ô kìa, rất đỗi xinh!

 

Trời chưa lạnh lắm bởi chưa Thu

Nhưng mọi người đi đều cúi đầu

Có lẽ sợ mà khi ngước mặt

Tóc còn chút biếc sẽ bay thôi?

 

Không hẹn chiều nay hay ngày mai

Cơn mưa ấm ức chắc lâu dài?

Không gì báo hiệu bình minh muộn

Chỉ thấy tà dương trong gió bay…

 

Chỉ thấy tà dương, không thấy em

Trời mưa tháng Sáu nhớ nhiều thêm

Cơn mưa tạnh nhỉ thì…ngưng nhớ?

Bỗng sợ vô cùng nếu nói…quên!

 

Em ạ lòng anh mưa mấy hạt

Chắp đi sẽ thấy biển, sông, trời

Thấy Ban Mê Thuột ngày anh lính

Tựa gốc thông nhìn nước mắt rơi…

 

Một Đất Nước chưa ngày nắng đẹp

Một Quê Hương chẳng má ai hồng

Trời mưa tháng Sáu làm thêm tủi

Đời Lính chưa tròn Nợ Núi Sông!

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

Nghĩ Đến Nước Non Lòng Bất Nhẫn

 

Một Đất Nước chưa Ngày Nắng Đẹp, một Quê Hương chẳng Má Ai Hồng!’.  Tôi làm Thơ vậy, làm cho…Có!  Bởi lẽ nào tôi viết chữ…Không!

 

Bởi lẽ nào tôi…Vô Cảm được khi Hoàng Sa đó, Trường Sa kia,  giữa trời giữa biển mênh mông nước như mắt tôi đang đẵm với đìa!

 

Làm Lính, khởi đi từ rất trẻ.  Làm Tù, ở tuổi mới ba mươi.  Nhiều đêm thao thức nhìn đêm trắng, tự hỏi lòng “Ai Khiến Bể Dâu?”.

 

Ai khiến hai tay bưng cái cuốc,  trồng khoai trồng sắn chẳng ngày no.  Trồng người, trời ạ, trăm năm đợi có được hay không Một Nấm Mồ?

 

Cái Có cái Không, nhìn, đã thấy!  Hỡi Hoàng Sa với Trường Sa ơi!  Gia Long vượt biển, bia đem đặt, chữ tạc lòng son, tạ đất trời…(*)

 

Chưa mấy trăm năm, phai nhạt hết  Người sau không nhớ tình người xưa!  “Bình tâm!  Phản Ứng Nên Nhè Nhẹ!” . Giận chớ!  Đời nay không có Vua!

 

Chỉ lũ theo thời, quân cướp nước!  Chỉ toàn bịp bợm, sử bôi đen!  Trời Đông không thấy Bình Minh hiện thì chắc trời Tây đã nhá nhem?

 

Cái tối cái tăm lòng chó má làm cho Non Nước mãi điêu linh!  Làm cho Non Nước thành dâu biển.  Mà chẳng làm sao trước bất bình!

 

Đù mạ bút ta mòn hết bút!  May mà còn kịp mấy câu thơ…”Quân Bây!  Một Lũ Quân Ăn Cướp…Tàn Cuộc Phơi Thây Giống Quỷ Hồ!”.

 

Nghĩ đến Nước Non, lòng bất nhẫn!  Vì sao Trời đọa mãi dân ta?  Vì sao Chùa Miếu xây san sát mà chẳng ai xây lại Nước Nhà?

 

 

*

 

(*) Năm 1818, vua Gia Long ra đảo Hoàng Sa cắm bia ghi rõ ranh giới của nước Nam. Biển của ta, ông gọi là Nam Hải.  Con cá Voi, ông phong cho Tước Hiệu Nam Hải Ngạc Thần Ngư Ông. Nam Hải là Biển-Của Nước Nam, Nam Hải không là biển của Tàu.  Chữ South China Sea thực dân phương Tây đặt, thực dân Pháp thì gọi là Mer De L’Indochine, tức Biển Đông Dương (thuộc Pháp), một Outre Mer De France, tức một Hải Ngoại của Pháp.   Năm 1955, Tổng Thống Ngô Đình Diệm muốn thiết lập nhà máy chế tạo phân phốt phát mà nguyên liệu lấy từ phân chim đầy ắp trên Hoàng Sa và Trường Sa, kế hoạch này bị “Đồng Minh” Mỹ bác bỏ!  Trên đảo Hoàng Sa có cơ quan Khí Tượng do Pháp xây dựng.  Năm 1945, sau khi đầu hàng, Nhật đã long trọng trao trả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho Pháp.  Năm 1951, tại Hội Nghị San Francisco, Thủ Tướng Trần Văn Hữu được Hội Nghị đồng ý  “Quốc Gia Việt Nam có chủ quyền về Hoàng Sa và Trường Sa”. Năm 1972, sau khi cùng Nixon đi thăm Bắc Kinh về, Kissinger ra trước Quốc Hội Mỹ yêu cầu hai viện tán thành việc phải ký Hiệp Định Paris, ban đầu Quốc Hội Mỹ không chịu vì cho rằng Mỹ chưa hề Thua, nhưng sau khi Kissinger đưa ra bản đồ không ảnh cho thấy Thềm Lục Địa Việt Nam toàn mỏ dầu…thì Quốc Hội Mỹ OK!  Ngày 17 tháng 1 năm 1974, quân Trung Cộng tấn chiếm Hoàng Sa, Hạm đội 7 Mỹ gần đó, câm!  Không quân VNCH chuẩn bị cất cánh từ Phú Bài và Đà Nẵng…Mỹ ra lệnh…Tắt Máy!  Hỡi ơi là hỡi ơi! “Nọ bức dư đồ thử đứng coi, sông sông núi núi khéo bia cười…”. (thơ Tản Đà làm trước năm 1930).

 

Trần Vấn Lệ

 

.    

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ Đại Cồ Việt

Đến Nhược Tiểu

 

Khi sông núi từng ngày đổi khác

Rồi biển rừng thay mặt đổi tên

Một non nước sẽ dần quên

Một câu thương hải nằm trên phận người…

 

Đại Cồ Việt một thời hiển hách

Chẳng bao lâu gió rách cờ lau!

Đại Việt được tiếp máu mau

Nước ta đứng đó, ai nào dám xô?

 

Buồn lắm chứ, Đại Ngu, mất hết

Bảy năm thôi lũ Chệt đổ vào

Nước ta lại thuộc nước Tàu

Dân ta Nam Bắc chia nhau cõi bờ!

 

Thời Trịnh Nguyễn…bây giờ, giống quá

Ở Bắc thì chó má xưng danh

Nam thì tham nhũng rung rinh

Một cơn lừa phỉnh, nóc dinh đổi cờ!

 

Kìa quân Hán dày mồ xéo mả

Kìa ngoài khơi tàu lạ, là ai?

Tang Thương hóa chữ Mĩa Mai

Dân chết, dân sống, kệ ai, nhịn người…

 

Ôi một thời đổi thay chóng mặt

Băng Đờ Rôn khéo cắt Chữ Vàng!

Mười sáu chữ rất dễ thương

Mà lòng dạ thú, hết  nương hết nhờ…

 

Đó, cái thời ta chờ tận thế?

Đó, cái thời dâu bể ngang nhiên?

Dân vùng dậy, dân đứng lên

Công An xáp trận đẩy liền:  Cút ngay!

 

Ôi đau đớn thời Tây, thời Mỹ

Chưa bằng nay thời quỷ Bắc Kinh!

Bao nhiêu là chuyện bất bình

Nói ra không biết ai Mình với Ta!

 

*

 

Nói ra tủi Nước Nhà quá đỗi

Hỡi triệu người trôi nổi tính sao?

Biểu tình chống Cộng chống nhau

Ngày về…nếu có, tự đào hố chôn?

 

Đù mạ nó, cái giường gãy giát (*)

Đù cha bây, cái giặc Cụ Hồ

Dân chết không mả, không mồ

Quân bây xây dựng cơ đồ âm ty!

 

 

(*) Thơ Trần Tế Xương:

Đù mạ đù cha cái giát giường

Đêm nằm chỉ thấy những đau xương

Mai ông mua nứa đi mần lại

Đù mạ đù cha cái giát giường!

 

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mai Thứ Bảy

 

Em không nhớ ngày mai Thứ Bảy. 

Anh chờ em đến mãi tối trời.

Anh chờ em nghe nói một lời:

“ Mai, anh đến với em, Thứ Bảy!”.

 

Anh chờ em, chớp trời nhấp nháy

Mưa rồi em!  Tối nay em đâu?

Phải chi anh là một nóc lầu

Anh ngó xuống đời sâu thẳm thẳm!

 

Em biết anh nhớ em nhiều lắm

Sáu ngày qua.  Một tuần trôi qua

Những tuần trước em là đóa hoa

Nở cho anh buổi mai Thứ Bảy.

 

Sao tuần này, em đâu không thấy?

Đường phố, chiều, rồi tối, quạnh hiu

Trời mùa mưa xe chạy không nhiều

Em “số ít”,  một thôi, màu xám…

 

Mưa tỉ tê, đêm càng ảm đạm

Chiếc xe chờ không thấy đi qua…

Em à em em ạ em à

“Em gặp bạn, em về nhà bạn?”

 

*

 

Anh không đợi chờ em tới sáng

Ngày mai anh Thứ Bảy vô duyên!

Anh nhủ lòng mình cũng cố quên

Buồn có mấy không đền ai được…

 

Mai Thứ Bảy, Chúa Trời ban phước

Không có em và không có anh

Rồi thời gian từng bước qua nhanh

Như chuông rớt trên cành cây bưởi…

 

Cây bưởi đó có hoa anh hái

Xuống ruộng cà hái tiếp Tầm Xuân

Em quên anh Thứ Bảy, một lần

Hay nhiều nữa, không chừng.  Có thể!

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

Một Mình

 

Nhiều khi ngồi lẩm nhẩm mấy câu thơ My Sơn:

 

Phải chi em đừng nhân chia trừ cộng

Phải chi em đừng tính chuyện sang giàu

Thì…hai đứa mình còn tha thiết yêu nhau!

 

Tôi giấu không được nỗi đau, “Tại sao mình yếu vậy?”.

 

Tôi bao nhiêu tuổi rồi?

Tôi học tới lớp mấy? 

Toán Cộng, toán Trừ, toán Nhân, toán Chia

Có một thời tôi quên đi, chỉ biết mình có Toán Quân dẫn dắt, đi giữa rừng sâu chỉ sợ muỗi, sợ vắt, còn địch thì không bởi súng đạn đã lên nòng.

 

Tôi nhớ về một con sông.  Tôi nhớ những chiều ngắm bông phượng nở.  Tôi nhớ em, cô học trò nho nhỏ “tóc đờ mi gạc xon”.  Tôi nhớ một đỉnh non, tôi nói đùa với em “có ngày anh tới đó”.

   

Và tôi đã tới đó!  Và em hết rồi tuổi nhỏ khi tôi về hỏi thăm “người xưa”

 

*

 

Nhiều buổi chiều trời mưa, tôi âm thầm lau mặt.  Phải chi có em hỏi tôi sao “anh không lau mắt?”.  Không chào chia ly mà sao mình xa cách?  Em chắc không còn mở sách đêm đêm?  Em chắc không còn nói câu hờn câu dỗi.  Cộng Trừ Nhân Chia bây giờ của tôi là bóng tối trong quãng đời rừng rú âm u…Em ơi em ơi, dòng sông Thu nước biếc!

 

Tôi nhớ em tha thiết.  Chưa bao giờ nhớ hơn.

Khi người ta cô đơn, nói gì nghe cũng nghẹn…

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

Giọt Nước Mắt Khô

 

Ngày mai trong đám Xuân xanh ấy…”.  Hàn Mạc Tử làm thơ, không vui.  Ở tuổi chưa ba mươi, ông đã ngậm ngùi.  Trong đám Xuân xanh ấy…Ngày mai ngày mai!

 

Không ai có tương lai, chỉ đầy tâm tư nỗi niềm quá khứ.  Và tâm tư, những gì mình gìn giữ là những giọt nước mắt khô!

 

Hàn Mạc Tử làm thơ.  Thơ ông buồn chất ngất.  Đi trọn vòng trái đất, ông về ngó trăng sao.  Trăng một nửa, nửa lòng ai khuyết?  Nước đầy vơi, sông nước chao ôi!

 

Ở tuổi chưa ba mươi, có một người đã chết.  Những bài thơ da diết, người sau ai tương tư?

 

Tôi cũng làm thơ, bơi bơi trong giấc mộng.  Nhớ lại thời mình sống, bây giờ mây phiêu du…Chiều ngó trời âm u, thương con trăng nguyệt thực.

 

*

 

Tháng Sáu mưa ấm ức.  Một trời phượng tím bay.  Những người đã xa đây, có người tôi yêu quý.  Thời Xuân xanh ích kỷ, tay lại vuột bàn tay…

 

Thứ Bảy, sáng hôm nay, tôi soi gương chải tóc.  Sợi nào rơi như ngọc, sợi nào mỏng như sương? 

 

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh. Ai biết tình ai có đậm đà!”.  Ngày Thứ Bảy sẽ qua và vườn Xuân khép cửa.  Em, ngàn năm nỗi nhớ như khói chiều trên sông…  

 

Ôi khói chiều trên sông.  Em, Quê Hương vời vợi…Và vườn cau của Ngoại nghe xào xạc. Gió ơi!

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Một Nỗi Đôi Đường

 

Thế là em, thế là tôi, mình chia một nỗi buồn đôi đường về.

 

Thế là đã tối rồi khuya nán chân có muộn cũng lìa tay thôi!

 

Nhớ em tôi nhớ nụ cười cũng như cổ tích nhớ hồi bé thơ.

 

Nhớ tôi xin nhớ bao giờ tôi nhường em một chỗ đò chiều đông…

 

Thế là từng nhớ từng mong bây giờ quay lại dễ chừng khói sương…

 

Khi em ở cuối con đường là tôi cũng đã không còn ngã ba…

 

*

 

Thế là mỗi bước một xa, một sương cỏ lợt, một nhòa tâm tư!

 

Coi như mình đã tạ từ.  Coi như, như vậy, em ừ đi em!

 

Thế là không nói gì thêm.  Nhớ không còn giữ thì quên dẫu buồn!

 

Chúng ta hai đứa hai đường, sầu chan chứa lệ trong hồn sẽ khô?

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nụ Cười Ai Rớt

 

Giữa sông, cúi vớt nụ cười

Cầm lên, ồ té của người ngồi bên!

Nụ cười ôi nụ cười duyên

Lát chia tay chắc bắt đền chút công?

 

Trần Vấn Lệ

 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.