Nov 21, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Giới thiệu nhà thơ Đoàn Như Khuê
Bùi Thụy Đào Nguyên * đăng lúc 02:18:11 PM, Jul 19, 2009 * Số lần xem: 3163
Hình ảnh
Bùi Thụy Đào Nguyên
#1

*

 



Đoàn Như Khuê (1883 – 1957), tự: Quý Huyền, hiệu: Hải Nam, là nhà báo, nhà thơ Việt Nam.
Ông người làng Hải Yến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Thuở nhỏ ông theo học chữ Hán, có đi thi Hương mấy lần nhưng đều hỏng.
Sau ông bỏ học chữ Hán, tự học Quốc ngữ rồi ra Hà Nội viết sách, dịch sách, và viết cho tờ Nam Phong tạp chí, Đông Dương tạp chí... Sau năm 1945 ông tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc Liên khu III.
Khi Hiệp định Genève 1954 được ký kết, hòa bình được tái lập; ông về định cư ở Hà Nội, và vẫn sống bằng nghề dịch thuật và văn triết cổ Trung Quốc cho đến khi mất (1957).
Sáng tác của Đoàn Như Khuê, gồm có:
    Một tấm lòng (thơ, in lần
§ thứ nhất tại nhà in Mạc Đình Tư, Hà Nội, 1917). Vũ Ngọc Phan cho biết khi Đoàn Như Khuê có mặt trong bộ Nhà văn hiện đại (1942), thì tập thơ này đã được tái bản lần thứ năm.
    Cảo thơm (thơ văn hợp tuyển, in tại nhà in Ngô Tử Hạ,
§ Hà Nội, 1924). Đây là tập thi văn hợp tuyển, trích lục từ thơ của vua Lê Thánh Tôn đến thơ của Trần Tế Xương, cả những bài phú, văn tế, câu đối của những nhà thơ có tiếng như Nguyễn Khuyến, Dương Khuê. Đề cập đến tác phẩm này, Vũ Ngọc Phan viết: Thơ văn trong Cảo thơm, biên giả xếp lộn xộn lắm; đã thế có nhiều câu lại chép sai, lầm lẫn cả tên, như chép Phò mã Võ Tính (Võ Tánh) thành Nguyễn Văn Tính.
    Luận ngữ cách ngôn
§ (sách Luận ngữ trích dịch ra văn vần dùng làm sách giáo khoa, Hà Nội, 1927)
    Minh đạo gia huấn (dịch ra văn vần dùng làm sách giáo khoa, chưa rõ năm
§ xuất bản)
    Gương đại gia đình (ký tên Nam Thăng Dã, chưa rõ năm xuất
§ bản)
Đoàn Như Khuê, sở trường về thơ Nôm. Ông được nhà nghiên cứu văn học Phạm Thế Ngũ xếp vào nhóm các nhà làm thơ ở giai đoạn 1907-1932, cùng lời giới thiệu như sau:
Ông là nhà thơ cùng thời với Tản Đà, có tác phẩm in ra sớm nhất trong giai đoạn này. Năm 1917, ngay lúc Nam phong tạp chí chưa ra, ông đã cho xuất bản tập thơ Một tấm lòng, và được Phạm Quỳnh chào mừng như một dấu hiệu tốt của nền văn Quốc ngữ khi còn sơ khai.
Một tấm lòng là tập thơ đầu và cũng là tập thơ duy nhất của ông. Ở đây thơ được làm theo đủ thứ thể loại: luật Đường, cổ phong, tứ lục, lục bát, song thất lục bát, hát xẩm, hát ả đào, phong dao..., và có đến ba phần tư tập thơ đều thuộc loại thù ứng, hiếu hỉ, như: Mừng bạn mới cưới vợ, Mừng một bà tiết phụ, Thay lời bạn khóc vợ, Khóc bạn thân,...Cho nên theo Vũ Ngọc Phan thì nó mắc phải cái bệnh Ý kiến đã không mới mẻ, nó lại còn không có tư tưởng gì, không ra khỏi cái vòng chơi chữ; còn theo Phạm Thế Ngũ thì nó mắc phải cái bệnh hời hợt, khách sáo, chắp ghép vụng về như thường thấy ở loại thơ này, như:
Cô dâu đeo những kim cương,
Rõ ràng giá đúc nhà vàng chẳng ngoa...
...Rất sang trọng vẻ vang tiệc ấy,
Tự xưa nay chưa thấy hai lần.
"'Nức danh đôi họ Châu Trần,
Người trong tiệc cũng dự phần vinh quang.
(Ghi chép đám cưới to)
Tuy nhiên, Phạm Thế Ngũ cũng như trước đó là Phạm Quỳnh và Vũ Ngọc Phan, đều có chung ý kiến là: Trong suốt tập thơ này, chỉ lựa được một hạt châu duy nhất, đó là bài Bể thảm (xem bên dưới). Đây là bài thơ nổi tiếng nhất, góp phần làm cho “thơ thời kỳ 1910 - 1930 đầy tính chất bi luỵ: người khóc vợ (Đông Hồ) , kẻ khóc chồng (Tương Phố), riêng Đoàn Như Khuê thì khóc đời!
Phạm Thế Ngũ cũng đã trích thêm hai đoạn thơ sau, kèm theo lời giới thiệu: Đây, một vài câu thơ buồn khác hòa chung với cái điệu buồn của cả thời đại.
Nước chảy chảy theo đôi dòng lệ,
Nhà xa xa cách mấy ngàn dâu.
Sông Thương sực nhớ đêm mưa gió,
Kẻ ngược người xuôi một chuến tàu.
(Chơi Việt Trì nhớ bạn)

Đỉnh núi bơ vơ đàn nhạc lạc,
Tường đông lốp đốp hạt mưa mau.
Năm canh một ngọn đèn xanh ngắt,
Thêm giật mình cho trận gió lau.
(Trời thu nhớ nhà)
Bài thơ Bể thảm
Đây là bài thơ 7 khổ, làm theo lối "Đường luật trường thiên tứ cú liên hoàn", được Phạm Quỳnh khen rằng: Chỉ một bài Bể thảm cũng đủ vớt lại những khuyết điểm ở toàn tập.[1] và Vũ Ngọc Phan có lời bình: So với cái tư tưởng yếm thế của Tản Đà, cái tư tưởng yếm thế trong bài thơ của Hải Nam cao hơn nhiều. Lời buồn, ý man mác. Bởi ông là một thi sĩ có tư tưởng chán đời, nên chỉ những câu thơ buồn của ông là hay.

Bể thảm
Bể thảm mênh mông sóng lụt trời!
Khách trần chèo một lá thuyền chơi.
Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió,
Coi lại cùng trong bể thảm thôi.

Coi lại cùng trong bể thảm thôi,
Nổi chìm, chìm nổi biết bao người!
Kiếp người nghĩ cũng lênh đênh quá,
Quá cánh bèo trên mặt nước trôi.

Quá cánh bèo trên mặt nước trôi,
Nước trôi bèo nổi, ngán cho đời.
Cuộc đời đổi đổi, thay thay mãi,
Trải mấy lần dâu hóa bể khơi.

Trải mấy lần dâu hóa bể khơi,
Một hai ba tuổi, chín mười mươi.
Xiết bao mừng rỡ bao thương xót!
Khóc mấy mươi phen, mấy trận cười!

Khóc mấy mươi phen, mấy trận cười!
Dẫu cười chưa hẳn đã là vui.
Trần vui sao lại cho là tục;
Mới lọt lòng ra đã khóc rồi.
Mới lọt lòng ra đã khóc rồi,
Kiếp trần ngán lắm khách trần ơi!
Một lần mình khóc, lần người khóc,
Sống thác đôi lần, giọt lệ rơi.

Sống thác đôi lần, giọt lệ rơi.
Cảnh phù du cũng khéo trêu người.
Bể bao nhiêu nước, bao nhiêu thảm!
Lấp chẳng đầy, cho tát chẳng vơi![2]
Bùi Thụy Đào Nguyên, giới thiệu.
Chú thích
1.    ^ Dẫn lại theo Việt Nam văn học sử giản ước tân biên quyển 3, tr. 400.
2.    ^ Nguyên văn tác giả viết trời là giời. Bài thơ chép theo sách Nhà văn hiện đại.
Sách tham khảo
* Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại (trọn bộ). Nxb Sống mới, Sài Gòn, 1959, 397-404.
* Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên quyển 3. Nxb Quốc học tùng thư, 1965,

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.