Văn bia ở đền thờ Quang Trung ...
Văn bia ở đền thờ Quang Trung
trên núi Dũng Quyết- T/P Vinh- Nghê. An
1. Nếu quan niệm Văn bia là lời văn khắc trên bia đá, hoặc nói rộng ra, khắc trên một diện tích bằng đá (1) thì ở đền thờ Vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết(2) có đến…hai bài văn bia. Để có thể đọc trực tiếp các văn bia đó khách bộ hành phải leo một lối dốc hình chữ z ngược dài khoảng 300m, mà mép đường bên tay trái của khách là một dãy 53 cây sao đen to cỡ vòng tay người ôm,cành lá sum suê - có tin những cây sao này lấy từ Bình Khê- Bình Định đem ra . Lên độ cao 99m so với mặt nước biển.là vị trí đền
Chính môn của đền là 2 cột đá xanh Thanh Hóa liền cao sừng sững với cặp đối dẫn:
Hạ chiếu kiến Trung Đô An Tràng lưu thánh chỉ
下 詔 建 中 都 安 場 留 聖 址
Đăng sơn trúc đại điện Vinh Thị phụng linh cơ
登 山 築 大 殿 榮 市 奉 靈 基.
Leo thêm 55 bậc đá trắng nữa là đến sân trước của tam quan. Sân rộng thoáng, quanh sân bày nhiều chậu cây thiên tuế già dưới hàng thông cao vút, tăng thêm vẻ uy nghi, trầm tư chồn thờ phụng.
Lối chính tam quan đón du khách bằng một cặp đối:
Dũng Quyết vân phiêu tinh kỳ phất phất
勇 決 雲 飄 旌 旗 弗 弗
Lam Giang ba động chiến cổ huy huy
籃 江 波 動 戰 鼓 揮 揮 .
Qua cổng chính tam quan du khách gặp một tắc môn bằng đá vĩ đại, có hai cặp đối nhằm giới thiệu thêm chốn địa linh nơi đây;
Dũng Quyết vân long vạn cổ anh linh phù xã tắc
勇 決 雲 龍 萬 古 英 靈 扶 社 稷
Lam giang nguyệt hiện thiên thu hương hỏa đối càn khôn
籃 江 月 現 千 秋 香 火 對 乾 坤
Phượng Hoàng phấn dực Trung Đô hội
鳳 凰 奮 翼 中 都 會
2.
Long hổ triều lai Dũng Quyết linh
龍 虎 朝 來 勇 決 靈
Phía sau tắc môn là hai nhà bia bề thế-“tả chung hữu cổ”- nhà bia phía trái treo chuông, phía phải treo trống.
2. Ở nhà bia treo trống chúng tôi đọc được bài văn bia như sau;
Công trạng vua Quang Trung
Tổ tiên của Nguyễn Huệ vốn họ Hồ ở làng Thái Lão, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Nguyễn Huệ sinh năm Quý Dậu (1753) ở thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn, nay là thị trấn Phú Phong,huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
- Lên 18 tuổi (1771) cùng anh là Nguyễn Nhạc phất cờ khởi nghĩa ở đất Tây Sơn.
- 22 tuổi (1775) đánh thắng trận Phú Yên, mở đầu một binh nghiệp bách chiến
bách thắng.
- Từ 24 tuổi đến 30 tuổi (1777- 1783) tham gia những cuộc tiến công lớn vào
Gia Định, đánh đổ chế độ chúa Nguyễn.
- 32 tuổi (1785) lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Xiêm, lập nên chiến công lẫy
lừng Rạch Gầm - Xoài Mút.
- 33 tuổi đưa phong trào Tây Sơn phát triển lên quy mô toàn quốc, chấm dứt tình trạng chia cắt đất nước, lập lại nền thống nhất quốc gia.
- 35 tuổi ngày 1/10/1788 hạ chiếu xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô trên
vùng đất giữa núi Phượng Hoàng và Kỳ Lân, thuộc thành phố Vinh - Nghệ An.
Phượng Hoàng Trung Đô là một kỳ tích của triều đại Quang Trung.
- 36 tuổi (1789) lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Thanh, lập nên chiến công Ngọc Hồi, Đống Đa hiển hách muôn đời.
- Từ 36 đến 39 tuổi (1789- 1792) thiết lập vương triều mới, đưa giang sơn về
một mối, ra sức xây dựng lại đất nước củng cố độc lập dân tộc .
Nguyễn Huệ là thủ lĩnh kiệt xuất đã đưa cuộc khởi nghĩa Tây Sơn phát triển tới đỉnh cao nhất của phong trào nông dân và phong trào dân tộc cuối thế kỷ XVIII, trở thành vị hoàng đế Quang Trung anh minh trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Huệ- Quang Trung là một thiên anh hùng ca bất diệt, như công chúa Ngọc Hân đã ngợi ca:
“Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước biết bao công trình”
***
3. Đây mà là văn bia tri ân, hoài niệm về một trong những anh hùng kiệt xuất nhất
của dân tộc Việt Nam ư! Chưa bàn về nội dung; hình thức bản văn này quá sơ sài, còn sơ sài và kém nghiêm cẩn so với một bản cáo phó bình thường, một tin buồn về ai đó đã qua đời, đăng tải trên TV! Chắc rằng trên đất nước Việt Nam này ít thấy ở đâu có lối viết văn bia như ở đất Nghệ An, nơi luôn tự hào là chốn văn vật,địa linh,sản sinh nhiều nhân kiệt, là miền đất học! Phải nói người soạn văn bia thiếu hẳn tri thức lịch sử, thiếu cả văn phong soạn bi ký.Xin đưa ví dụ: văn bia viết
3.
“Lên 18 tuổi (1771) cùng anh là Nguyễn Nhạc phất cờ khởi nghĩa ở đất Tây Sơn ”; nên viết: Năm 1771 Nguyễn Huệ mới 18 tuổi đã cùng anh là Nguyễn Nhạc phất cờ khởi nghĩa ở đất Tây Sơn. Ở chỗ khác văn bia ghi ”36 tuổi(1789) lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Thanh…”Nêú đổi “ Năm 1789 Nguyễn Huệ (36 tuổi) đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Thanh….” Chắc hợp quy cách văn bản bi ký hơn v v v.
4. Chúng ta thử xét nội dung bản văn trên
Thiếu gì?
Thiếu ngày, tháng, năm Nguyễn Huệ xưng đế. Chưa là hoàng đế làm sao mà hạ chiếu:” 35 tuổi ngày 1/10/1788 hạ chiếu…”
Sai sự thực lịch sử?
- Trên thực tế không thể nói Nguyễn Huệ đã đánh đổ chế độ chúa Nguyễn.
- Quang Trung Nguyễn Huệ chưa bao giờ thống nhất được quốc gia. Những cụm từ ”lập lại nền thống nhất quốc gia”,” đưa giang sơn về một mối”không hề tồn tại dưới thời Tây sơn đền thời Quang Trung. Sự nghiệp này thuộc Nguyễn Ánh trong tương lai.
- Tại thời điểm 1/10/1788 ( hạ chiếu xây dựng Phượng Hoang Trung Đô…) chưa tồn tại địa danh Thành phố Vinh; viết như văn bia thì con cháu sẽ hiểu thành phố Vinh nhà choa đã có từ thời Nguyễn Huệ!Người viết chỉn chu, chỉ cần thêm, (nay) vào trước dòng “thuộc Thành phố Vinh- Nghệ An” là ổn.
- Suốt chiều dài lịch sử dựng nước, bảo vệ lãnh thổ, giải phóng đât đai của nhân dân ta chưa hề có phong trào nào danh xưng là phong trào dân tộc như bản văn trên đã tạc vào đá- phong trào dân tộc là phong trào gì?.
- Quang Trung qua đời đột ngột là một tổn thất vô cùng to lớn cho phong trào Tây sơn lúc đó và cũng là tổn thất của dân tộc Việt, đã có nhiếu lời điếu, nhiều bài văn tế tưởng niệm nhưng chưa ai tri ân đúng mức, và thương khóc thảm thiết như Bắc
Cung Hoàng Hậu LÊ NGỌC HÂN. Vậy mà bản văn lại khắc trên đá là” công chúa Ngọc Hân đã ngợi ca”.
Văn bia là một loại sử liệu,ở đây nhà viết văn bia không phân biệt nổi khi nào thì xưng công chuá, khi nào thì xưng Hoàng hậu, thật ngao ngán.
5.Tri thức tối thiểu cuối cùng phải nhắc: thông thường phải khắc tên tác giả văn bia, tên người khắc văn bia vào một vị trí quy định của bia, mà ở bia này lại thiếu!
Dến đây bạn đọc sẽ đoán ra bản văn bia ở nhà bia treo chuông có độ tin cậy đến đâu, xin mời quý vị có điều kiện tản bộ để chiêm ngưỡng vẻ kỳ vĩ 53 cây sao đen bên đường, bước thêm 55 bậc đá trắng với đôi bờ thông cao vút, qua lối chính tam quan rẽ phải là có thể đọc bản văn bia thứ hai, Chúc quý vị đừng chồn chân mỏi gối trên đường tìm sự thật.
Vinh những ngày cuối tháng quý đông Canh dần
Đào Văn Khởi
Email<daovankhoi2009@zing.vn>
4.
Tài liệu dẫn
1. GS Lê Trí Viễn- GS Đặng Đức Siêu- P.T.S Nguyễn Ngọc San- Đặng Chí Huyền
Cơ sở Ngữ Văn Hán Nôm tập 4 NXB Giáo Dục 1987
2. Thư viện tỉnh Nghệ An- Câu lạc bộ Hán Nôm Nghệ An - Xứ Nghệ với hoàng Đế Quang Trung . NXB Nghệ An 2008..Trích dẫn”Đền thờ vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết xây dựng theo Quyết Định số 2721/QĐ-UB-CN ngày 23/7/2004 của UBND tỉnh Nghệ An. Khởi công xây dựng ngày 15/8/2005, hoàn thành cuối năm 2007”