Nov 21, 2024

Truyện ngắn

VẪN CÒN CÓ MỘT MÙA XUÂN
Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân * đăng lúc 05:04:52 PM, Apr 24, 2012 * Số lần xem: 3023
Hình ảnh
#1



Truyện của Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân


Cơn mưa thật dai dẳng. Từ giữa trưa đến hơn bốn giờ chiều vẫn chưa dứt. Lúc lớn, lúc nhỏ đã làm ngập con hẻm đến đầu gối. Đó là con hẻm sâu hun hút với những mái lá, mái tôn lụp xụp, nằm ở cuối đường Dương Bá Trạc, Quận 8, Sài Gòn. Nó cũng là con hẻm tự phát sau ngày thành phố được đổi tên. Hay nói đúng hơn, là sau ngày 30-4-1975 khi miền Nam Việt Nam hoàn toàn bị nhuộm đỏ.
Vì tự phát, hệ thống cống rãnh không có, nên hễ bị một cơn mưa nào hơi nặng hạt là phải như thế. Cho đến vài giờ sau nước mới rút đi hết được. Nhưng cũng chẳng phải những con hẻm tự phát như vầy mới bị, mà hầu như con hẻm nào trong thành phố cũng đều gặp cảnh tương tự, không nhiều thì ít. Đó là do nạn xây nhà bừa bãi. Nạn cống rãnh bị phá hư, hay bị tắc nghẽn lâu ngày không ai buồn thông, móc mà nên. Riêng con hẻm này, có thể nói là của dân tứ chiếng từ miền Bắc, miền Trung hay Cao Nguyên, và các vùng “kinh tế mới” đổ xô về lén lút cất chòi trên bãi tha ma mà ở. Lâu dần thành xóm nhà hỗn tạp, tối om và dơ dáy.
Cư dân cũng toàn là những người cùng đinh nhất. Trời chưa sáng, họ đã túa đi khắp nơi với những nghề như móc bọc ny-lông, đàn hát bán vé số hoặc ăn xin. Số khác, đứng xếp hàng trước cửa Trung Tâm Tiếp Huyết, hay Ngân Hàng Máu ở các bệnh viện, để bán máu cho Nhà Nước… lấy tiền độ nhật. Đến tối mịt họ mới trở về.
Chánh quyền sở tại cũng đã nhiều lần khuyến khích, rồi xua đuổi họ trở về nguyên quán, lấy lý do là họ không có “Hộ khẩu thường trú”, nhưng họ vẫn cố lì, vẫn bám trụ. Cuối cùng, đành phải cấp giấy chứng nhận “cư trú tạm” cho họ.
Dần dần, nhà tạm dựng lên bằng giấy bồi, giấy cạc-tông, được thay thế bằng lá, bằng tôn. Điện nước thì “câu nhờ” các nhà lâu đời ở xung quanh, tùy theo mức độ tiền bạc sòng phẳng. Duy cái tạp nhạp, nước đọng ứ bẩn thì càng nhiều hơn, bởi sự bùng nổ chung về dân số quá đà của thành phố.
Cuối con hẻm, mà họ gọi quen miệng là “Hẻm Tứ Chiếng”, lại là vách tường rào thẳng đứng, cao nghệu của “Trại Tế Bần” thuộc chế độ cũ. Nay đã biến thành trại giam của Quận 8. Ở đó, có một ngôi mộ lâu đời xây bằng đá vôi khá lớn. Phần chung quanh sát với ngôi mộ đều có xây thềm gạch cao khỏi mặt đất. Nhưng từ gần hai chục năm nay, không có ai đến viếng thăm hay tế lễ gì cả. Có lẽ tất cả gia đình của người trong mộ, đã di tản đi Mỹ trước 30-4-1975 rồi cũng nên. Đó là câu hỏi và cũng là câu trả lời của Tỉnh trong gần 15 năm nay, khi mà anh được người bạn cùng cảnh ngộ, cho tá túc nơi căn chòi Mả Vôi này từ năm 1980 đến giờ…
Anh là lính Biệt Động Quân của chế độ cũ. Bị thương cụt chân phải và mất đi mắt trái. Trong lúc còn nằm ở Quân Y Viện Pleiku, thì cả thành phố này được lịnh phải di tản gấp rút vào ngày 16-3-1975, vì nghe tin Việt Cộng sắp tấn công ? Thương bệnh binh gần như bị bỏ rơi. Mạnh ai nấy lê lết, tìm phương theo đoàn người dài dằng dặt chạy loạn hướng về tỉnh lỵ Phú Bổn. Từ đó, men theo Tỉnh Lộ 7 hoang phế, đi thêm hàng trăm cây số nữa để xuống thành phố Tuy Hòa, thuộc tỉnh Phú Yên mới tạm gọi là an toàn.
Lúc ấy, Tỉnh đã cố nán lại ở Quân Y Viện tới sáu giờ chiều, để chờ vợ và đứa con nằm trong bụng mẹ đến thăm. Rồi sẽ dắt díu nhau đi theo đoàn người lánh nạn sau cùng. Nhưng chờ mãi không thấy, Quân Y Viện lại vắng hoe, tất cả đều đã đi hết. Ngoại trừ một số đang hôn mê, hay bị thương nằm liệt giường thì không kể.
Cuối cùng, anh cũng phải chống nạng lần đi. Nhưng sức khỏe không có là bao, mới được vài cây số đã ngất xỉu, nằm bất động bên vệ đường như một thây ma, mặc cho hàng ngàn bước chân đi ngang qua thân xác của mình. Tuy họ phải chạy giặc để tìm đường sống trong cảnh hổn loạn hấp tấp, thế mà vẫn có người đắp phủ lên mình anh một tấm vải ny-lông, coi như món quà vĩnh biệt cho người xấu số, rồi vội vã bỏ đi… Đến khi tỉnh dậy anh mới biết, và nhờ đó, mà phần lớn thân thể không bị ướt đẫm sương đêm. Con đường xuôi về Phú Bổn giờ đã vắng lặng như tờ… Không biết làm gì hơn, anh chống nạng ngược đường trở lại tỉnh lỵ Pleiku, mặc cuộc đời rồi sẽ ra sao cũng được.
Lúc này thành phố đã tê liệt. Đèn đường hầu như không có. Vài đám cháy hồi đầu hôm do bọn xấu đốt phá, vẫn còn nghi ngút khói. Một số người vì thiếu phương tiện, hoặc vì một lý do bất khả kháng nào đó không di tản được, đang đứng núp ló trong nhà hoặc ở đầu các con hẻm. Có lẽ tâm trạng của họ đang hoang mang cực độ, vì lo sợ cho một cuộc đổi đời mà có thể họ là nạn nhân, hay chứng nhân đau khổ nhất.
Vợ anh cũng bặt tăm ! Có lẽ thừa dịp này đã đi theo đoàn di tản mà bỏ rơi anh rồi cũng nên ? Càng nghĩ, Tỉnh càng tê tái ngậm ngùi !
- Mà nàng hành động như vậy thì cũng đúng.
Anh tự tìm cách bào chữa, và cuối cùng, anh kết luận :
- Mình chỉ là phế nhân, một thương binh thù nghịch của bọn Việt Cộng sắp chiếm thành phố này, lại là gánh nặng cho nàng. Hơn nữa, vợ chồng mới sống với nhau có ngoài một năm theo kiểu : “gái giang hồ lấy trai biệt động” của thời loạn ly này, khó mà đòi hỏi một sự chung tình của người đàn bà đã từng bán phấn buôn hương như nàng được ! Cho dù anh đã nhiều phen cứu sống, yêu thương đùm bọc, khi đời nàng có lúc chán nãn đến cùng cực và tự tử mấy lần… Nhưng bây giờ tình thế đổi thay. Lính hay vợ lính của chế độ cũ, nếu bị bọn họ bắt được chắc cũng không tha. Nàng lại mang bầu ba tháng ! Bỏ anh để rảnh tay di tản mà lo cho đứa bé trong bụng, lo cho giọt máu còn sót của anh, chẳng hay hơn là cùng chết chùm với nhau sao ?
Nghĩ suốt được như vậy, lòng anh thấy nhẹ nhõm. Anh cũng không quên van vái cho mẹ con nàng được bình an. Rồi anh tỏ vẻ buông xuôi và ao ước trong tuyệt vọng não nề :
- Thôi thì tới đâu hay tới đó. Thân tàn này nếu bị chúng bắt đem ra tử hình, có lẽ còn khỏe hơn là cảnh sống dở chết dở như hiện tại.
Nhưng may nhờ cái chân cụt, và bên mắt băng bó đầy máu khô, nên không bị bọn Việt Cộng vào chiếm thành phố hành hạ. Anh lê lết ăn mót trong các đống rác và ăn xin sống qua ngày.
Thế rồi tin dồn dập đưa đến, Sài Gòn và cả miền Nam bị chiếm. Anh thầm khóc cho đất nước từ đây đổi chủ, toàn dân sẽ sống trong tù ngục gông cùm !! Mãi đến hai năm sau anh mới lần mò chống nạng ăn xin về tới quê nhà. Đó là một làng quê hẻo lánh thuộc tỉnh Cần Thơ. Nhưng người cậu ruột là thân nhân cuối cùng của anh, với đứa con trai đã chết banh thây vì bị đám du kích địa phương bắt đi gỡ mìn trong các đồn bót cũ. Ít lâu sau, vợ ông ta cũng chết vì đói rách và đau bệnh mà thiếu thuốc men chạy chữa.
Không còn thân nhân bà con, anh cố chống nạng lần lên Sài Gòn. Lại bắt đầu ca hát, lúc thì tân nhạc lúc thì vọng cổ, nhớ đâu hát đó theo mấy tuồng cải lương để xin sự bố thí. Giọng hát của anh khá lâm ly não nuột, càng lúc càng điêu luyện nhiều hơn.
Vào năm 1980, anh gặp một thương binh cụt cả hai chân tới đầu gối, đang ngồi ôm cây đàn ghi-ta sờn cũ trên chiếc xe lăn, vừa đàn vừa hát kiếm sống. Giọng hát thì không hay, mà tiếng đàn cả tân lẫn cổ của anh ta thì rất truyền cảm. Đàn hát mỗi bàn xong. Dù có được tiền hay không, anh ta vẫn vui vẻ dùng tay lần bánh xe lăn đến bàn khác. Họ kết hợp từ đó. Người đàn người hát dắt dìu nhau kiếm sống. Thật là một cặp nghệ sĩ lang thang vô cùng tương đắc. Có lẽ cái tương đắc nhiều hơn hết là họ cùng một sắc lính, và tình binh chủng càng khiến họ thương nhau chí thiết.
Chính căn chòi Mã Vôi này là của Tâm người nhạc sĩ xe lăn, từ đó lại thêm Tỉnh nữa. Tiếng hát và lời ca của họ càng lúc càng mùi mẫn, như khơi dậy trong lòng thực khách của thập niên 80 ở cái thành phố bị tiếm đoạt và đổi tên này – dù đó là thực khách của quán nhậu vĩa hè hay trong các cửa hàng ăn uống quốc doanh – tất cả đều thấm thía cho một cuộc đổi thay đầy nước mắt.
Những bản nhạc ca ngợi về tình yêu, tình người, tình lính của chế độ cũ hay những bản tân cổ giao duyên, dù đang bị liệt kê là loại nhạc vàng cấm hát cũng vẫn được yêu cầu. Họ đã đàn hát trong niềm đau xé ruột của đời họ, và cũng nhờ đó mà chiếc nón “bo” sờn rách may bằng vải rằn ri của Tỉnh, luôn được thực khách bỏ tiền vào. Tuy không thật nhiều, nhưng cuộc sống cũng đã dễ thở hơn. Căn chòi Mả Vôi cũng được tu bổ lần hồi bằng mái tôn, vách lá.
Cuộc đời của Tâm như thế nào ? Quê quán ở đâu ? Tỉnh cũng có hỏi qua, nhưng chỉ được trả lời nhát gừng, chỉ biết đại khái là anh ta hơn Tỉnh khoảng mười tuổi. Vào năm 1965 khi hành quân ở Quận Năm Căn thuộc tỉnh Cà Mau, Tâm đã đạp phải trái mìn 105 ly do Việt Cộng gài bẫy. Anh thoát chết, nhưng cặp giò đã bay mất đi phần dưới.
Lúc đó Tâm chưa có vợ. Hai mẹ con sống trong một căn trại cấp cho Thương Phế Binh bị tàn phế vĩnh viễn, với chiếc xe lăn và hưởng lương suốt đời. Nhưng sau khi chiếm miền Nam, bọn Việt Cộng đã đuổi Tâm ra khỏi căn trại đó. Hai mẹ con đành phải đi đàn hát ăn xin, lây lất sống qua ngày ! Một năm sau, bà mẹ chết vì bạo bệnh. Tâm được người bạn cũ hướng dẫn về đây, che chòi trên Mã Vôi làm chỗ dung thân. Và… Tỉnh ở đó được hơn một năm, thì Tâm cũng qua đời vì chứng đau gan cấp tính. Nhờ có học được ngón đàn truyền cảm của Tâm, mà Tỉnh bấy giờ vừa đàn vừa hát cũng kiếm ăn được.

0 0 0

Nửa năm sau, Tỉnh gặp được Ngộ, một thương binh của chế độ hiện tại, cũng chống nạng lê lết đi hát dạo như anh. Lúc đó là gần 12 giờ đêm. Các quán nhậu lộ thiên ở Bến Bạch Đằng đã dọn bàn ghế đi gần hết. Tỉnh đàn hát xong bài Đêm Tàn Bến Ngự thì hai vị khách cuối cùng cũng ra về, sau khi dúi vào tay anh tờ giấy bạc hai ngàn. Tỉnh mang đàn chống nạng bước ra đường cố ý tìm xích lô về nhà. Bỗng có tiếng nói nhỏ nhẹ sau lưng :
- Ông anh nghề quá ! hát bài vừa rồi rất “đạt”. Em nghe mà nao nao trong dạ ! Ngón đàn lại cũng thật là “chuyên”.
Tỉnh quay lại nhìn, đó là một phế binh suýt soát tuổi anh. Chân phải bị cụt giống anh, nhưng mù mắt phải chứ không là mắt trái như anh. Hắn mặc bộ đồ bộ đội cũ rách và đội chiếc mũ tai bèo bạc màu. Tỉnh biết là thương binh Việt Cộng, nên hỏi cho qua chuyện :
- Còn anh, đêm nay kiếm được khá hôn ?
- Yếu lắm… ngày mai chỉ ăn cháo cầm hơi !
Nói xong hắn thở dài, có vẻ chán ngán cho cái kiếp tàn phế của mình. Tỉnh hỏi tiếp, chừng như có ý mỉa mai :
- Nhưng có đủ tiền xích lô về nhà không ?
Hắn chỉ về phía đường Nguyễn Huệ trả lời :
- Tôi thường ngủ ở lề đường đó, chớ đâu có nhà cửa gì. Lúc rày, đêm nào tụi công an cũng xua đuổi. Ngủ lề đường mà cũng chẳng yên thân. Thật cái chế độ khốn nạn quá chừng !
- Anh là thương binh của họ mà ! Bộ không được đãi ngộ sao ? Lại phải đi ngủ đường ngủ chợ, và hát dạo đi ăn xin như thế này ?
Hắn lắc đầu nói :
- Đãi ngộ ?! Hừ, chế độ vắt chanh bỏ vỏ mà, anh còn lạ gì nữa ??
Rồi niềm căm tức như nước vỡ bờ, hắn nói một hơi dài :
- Biệt động thành như tôi từng vào sanh ra tử, phục vụ cho chế độ đến tàn phế như vầy mà rồi cũng chẳng được gì. Hơn mười năm chiến đấu, không tiếc xương máu hy sinh cho Bác và Đảng. Nay nghĩ thật ngu xuẫn vô cùng…
Tỉnh tò mò hỏi thêm :
- Anh không có thân nhân à ? Vợ con anh đâu ?
- Thân nhân đã làm liệt sĩ hết rồi ! Con thì chưa có. Vợ cũng theo tên cán bộ khác. Tôi chỉ còn có một mớ giấy lộn, gồm tưởng lục với bằng khen anh hùng cứu nước mà thôi !
Tỉnh thở dài than, như an ủi cho chính mình :
- Đã mang thân tàn phế, thì trách phiền chi kẻ bạc tình !
- Tôi không biết tình cảnh của ông anh như thế nào, chứ trường hợp của tôi thì không gì để trách. Bởi vợ tôi là do “lãnh đạo” chỉ định lấy nhau hồi ở trong “bưng”, chớ có thương yêu sâu đậm gì đâu ?
Rồi hắn giải thích thêm :
- Anh không nghe câu ví : “Gái công trường như cái giường bệnh viện” đó sao ? Gái công trường là gái ở trong “Mật Khu”, trong “Bưng Biền” hay trong Sư Đoàn của Việt Cộng. Nó giống như cái giường ở các Bệnh Viện, hết người này nằm tới người khác nằm…
Tỉnh rất thấm thía câu nói này. Tuy vợ anh không là “giường bệnh viện” như các “chiến sĩ gái” của họ, nhưng cũng xuất thân bằng nghề bán trôn nuôi miệng, thì có khác gì đâu ? Nghĩ đến đây, anh thấy có cảm tình với hắn không ít. Mặc dù trước đó, anh ghét cay ghét đắng bọn lính Việt Cộng, ngay cả xác chết của chúng anh cũng ghét nữa nói chi là phế binh. Bất chợt câu : “Cùng một lứa bên trời lận đận” trong Cung Oán Ngâm Khúc, mà thưở nhỏ đã từng học qua lại hiện đến trong anh. Nó khêu lên lòng thương yêu hơn là nỗi hận thù…
Lúc đó, phía bên kia đường, một chiếc xe xích lô vừa đạp tới. Tỉnh ngoắc xe rồi quay sang nói với hắn :
- Anh về chỗ ở với tôi chịu hôn ?
Hắn có vẻ ngạc nhiên vì biết chắc người mặc đồ rằn ri rách và đội nón “bo” kia, là thương binh của chế độ cũ. Thế mà lại tốt bụng đến thế sao ? Nhưng nhìn cử chỉ của anh ta, nhất là đôi mắt, tuy dưới ánh sáng mờ nhạt của ngọn đèn đường, cũng thấy lộ ra vẻ hiền hậu thật tình. Nên hắn gật đầu. Tỉnh giục như ra lệnh :
- Leo lẹ lên xe đi ! Khuya lắm rồi ! Có chuyện gì… mai sẽ tính.
Hắn tên là Ngộ. Sự hiện diện của hắn ở căn chòi Mả Vôi này, khởi đầu là như vậy. Hai kẻ thương binh. Hai chế độ. Hai cuộc đời ! Bổng chốc họ xích lại gần nhau hết sức là đơn giản. Rồi từ đó họ trở thành đôi bạn đùm bọc với nhau, bằng một thứ tình người chân thành và thông cảm !
Cũng từ đó, hai chiếc nạng gỗ chống cặp kè bên nhau đi khắp các quán ăn quán nhậu, đàn ca những bản nhạc vàng, giao duyên cùng những bài ca vọng cổ ăn khách trước năm 1975…

0 0 0

- Mưa hoài chán quá ! Nước ngập hết rồi mà vẫn chưa dứt ! Không chừng một hồi nữa, có nhà bị sập cho mà coi !
Tỉnh vừa vương vai vừa nói, rồi uể oải ngáp dài. Nơi anh nằm co ro trong cái mền bằng vải ny-long xám xịt, là trên cái Mả Vôi. Anh leo lên đó từ lúc nước ngập ùa vào căn chòi. Bậc thềm xi măng xung quanh ngôi mộ cao khoảng bốn tấc tây, nơi hai anh dùng làm giường ngủ mỗi đêm giờ đã bị chìm dưới nước. Họ chỉ dám ngủ ở bậc thềm đó tuy rằng có hơi chật bề ngang một chút, chứ không dám trèo lên nằm trên ngôi mộ, có lẽ vì kính nễ người chết chăng ? mặc dù bề ngang của ngôi mộ khá rộng được xây bằng đá vôi phẳng lì. Nay vì nước ngập nơi bệ xi măng, nên Tỉnh mới dám leo lên đó nằm tạm vậy.
Còn Ngộ thì ngồi co rút trên cái ghế đẩu chỉ có ba chân còn nguyên vẹn, cái chân thứ tư là một khúc cây tràm, được đóng ghép vào mặt ghế với cột nhà chỗ cửa ra vào, thành thử nó không bị nổi lên khi nước ngập. Anh đang ngoái cổ nhìn ra con hẻm nơi có đám trẻ con chừng mươi đứa, đang trầm mình nô đùa dưới dòng nước đục ngầu dơ bẩn. Ngộ thừa biết lũ trẻ này đều bị thất học. Hàng ngày chúng phải đi bươi rác, móc bọc ny-lông dọc theo cầu chữ Y, rồi đem bán kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Nếu có cơ hội chúng cũng không từ bỏ chuyện chôm chỉa, hoặc ăn cắp vặt của các nhà gần đó.
Cuộc sống quá nghèo túng đã dạy cho chúng như vậy. Chúng được sinh ra và lớn lên trong chế độ này ! Cái chế độ được mệnh danh là “Cách Mạng”, là “Giải Phóng”, mà gần 30 năm về trước khi anh mới vô “bưng” làm du kích – đã được học tập như một thiên đường ?! Nay xem ra, lũ trẻ con này còn sống khổ hơn thời con nít của anh hàng chục lần, mà thời con nít của anh được Đảng cho là thời thực dân đô hộ ! Hóa ra thời thực dân đô hộ lại sướng hơn bây giờ là thời non sông thống nhất, Đảng lãnh đạo, Nhà Nước quản lý và Nhân Dân làm chủ sao ?
Nghĩ đến đây, anh lắc đầu lẩm bẩm :
- “Giải Phóng !”, “Cách Mạng !”, “Xã Hội Chủ Nghĩa !”. Hừ ? Chỉ đem lại lầm than cơ cực mà thôi !
Nghe Ngộ than, Tỉnh ngồi bật dậy hỏi, như có ý mỉa mai hay trêu chọc gì đó :
- Nè ! Anh từng cho tôi biết : Ông Tiểu Đoàn Trưởng cũ của anh, cũng là người cùng chăn vịt chung với anh ở Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, đúng vậy không ?
Như gãi vào chỗ ngứa, Ngộ trả lời một hơi không cần suy nghĩ :
- Thì đúng vậy ! Nói ngoa làm chi ? Chúng tôi cùng chăn vịt mướn đâu được khoảng hai năm. Nhưng vì hắn hơn tôi bảy tuổi, nên được tổ chức cho vô “bưng” trước. Hắn lại có anh ruột là Đảng viên gộc ở trỏng nữa, nên luôn được đề bạt lên cấp liền liền !
Rồi ho khan mấy tiếng, y tiếp :
- Năm năm sau, tôi 15 tuổi, đi du kích thì hắn đã là Tiểu Đoàn Trưởng rồi. Nhiều lần tôi phải viết thơ giùm, gởi về Giồng Trôm cho mẹ của hắn là Bác Sáu. Mặc dầu tôi mới học được lớp Nhứt trường quận, thế mà cũng hơn anh em họ chỉ mới lớp Ba trường làng.
- Vậy mà bây giờ, theo anh nói, tên Tiểu Đoàn Trưởng đó được chuyển ngành, sang làm Tổng Giám Đốc Công Ty Xuất Nhập Khẩu Hàng Cao Cấp ở thành phố này chớ gì ?
- Thì đúng rồi ! Chưa kể mấy năm đầu chiếm miền Nam, hắn có lần làm đến Tỉnh Ủy Bến Tre nữa chớ bộ. Tôi căm thù nó còn hơn con chó ghẻ !
- Vậy thì anh còn than cái câu “Giải phóng, Cách Mạng chỉ đem lại lầm than cơ cực” để làm chi ? Than cũng vô ích ! Vì hiện thời đa số những tay chóp bu của cái cách mạng giải phóng đó, đều xuất thân là vậy ! Thử hỏi đất nước này không mạt rệp sao được ? Còn anh của hắn ta nếu còn sống, chắc cũng làm đến Bộ trưởng rồi cũng nên ?
- May mà đã theo lão Hồ từ năm 1972 rồi !
- Thật ra, anh đã kể chuyện này cho tôi nghe từ lâu. Nhưng ban nãy nghe anh than, tôi mới vui miệng hỏi chơi vậy thôi. Chắc cũng làm anh buồn thêm, về chuyện vợ con anh đã theo tên Tiểu Đoàn Trưởng đó chớ gì ? Xin lỗi anh nghe.
- Buồn thì không có, vì như anh đã biết, người vợ đó là do Đảng bố trí, để làm cái bẫy xua tôi ôm mìn phá kho đạn ở căn cứ Mỹ. May mà tôi không chết, và đã trở thành một thứ “anh hùng sẵn sàng lao vào cửa tử”, bất cứ lúc nào đảng muốn…
Đó cũng là cái nguyên nhân, khiến Ngộ xung phong vào Biệt Động Thành, để tỏ lòng biết ơn Đảng đã chu toàn chuyện hôn nhân. Cũng như người vợ đó sau này phản bội, và đã chết một cách đau thương, đều được anh kể đi kể lại nhiều lần.
Tỉnh cũng thừa biết trong lòng Ngộ, luôn đau khổ và ấm ức về chuyện này, hễ được dịp là tuôn ra bất cứ lúc nào… Anh tuôn ra với một nỗi căm thù cái mà anh gọi là Đảng đó, đã dùng những mỹ từ nào là cách mạng, giải phóng, nào là Liên Sô vĩ đại thiên đường hạ giới… để rồi ru ngủ những thanh niên thiếu nữ như anh, như vợ anh, làm những con thiêu thân lấy nhau do tập thể chỉ định, cùng tác động lẫn nhau để muôn đời biết ơn Đảng, mà hy sinh không tiếc đến mạng sống của mình.
Căn bản đạo đức cũng không có trong những cặp vợ chồng do Đảng chọn lựa như vậy, và hiển nhiên là tình nghĩa cũng chẳng có mặn nồng. Ngay người vợ của Ngộ, cũng đã từng được Đảng gã cưới cho một Biệt Động Thành khác, và hắn đã bị phe Quốc Gia bắn chết trong một lần nhận lệnh quăng lựu đạn vào chợ Bến Tre. Rồi sau mới đến lượt anh.
Tỉnh đang ngẫm nghĩ, tức cười cho chuyện vợ chồng kiểu Cộng Sản đó, thì Ngộ tiếp lời :
- Nói đến tên Tiểu Đoàn Trưởng của tôi, tôi lại nhớ đến ông Tiểu Đoàn Trưởng của anh đó anh Tỉnh à ! Thật là một vực một trời !
- Anh đã cảm kích ông ta vì đã cho tôi cái “cẳng cây” đó chớ gì ?
Vừa nói, Tỉnh vừa hướng mắt nhìn lên vách lá, nơi có treo cái chân gỗ, mà mỗi khuya đi ca hát về, anh đều tháo ra máng lên đó.
- Không cảm kích sao được ? Anh tuy có lần dũng cảm ở ngoài chiến trường, bắn yểm trợ cứu ông ta thoát chết thật đấy. Nhưng đó cũng là bổn phận tác chiến với nhau, chớ có ân nghĩa sâu nặng gì đâu ?
Ngừng một chút, Ngộ chắt lưỡi rồi tiếp :
- Nhưng nay thì mỗi người đều khốn khó. Ông ta lại mới đi cải tạo về. Vợ con nheo nhóc. Thế mà dám mua cái “chân giả” này cho anh. Thật tình nghĩa vô cùng ! Cả chỉ vàng chớ ít đâu ?
- Anh nói đúng ! Nhưng cũng có cái may ! Ông ta vừa bán được căn nhà để đi Mỹ theo diện H.O. nên mới giúp đỡ tôi như vậy.
- Tôi cũng biết rõ chuyện đó. Nhưng đáng buồn là ổng phải bán đổ bán tháo. Rồi còn phải cho “tụi nhà đất” của thành phố đớp đi một nửa chớ bộ !
Tỉnh hơi nhún vai trả lời có vẻ ởm ờ :
- Đành vậy chớ sao ! Của đổ hốt lại mà !
- Nhưng đó là căn nhà nhỏ trong hẻm sâu. Của cha mẹ để lại, chớ chẳng phải do “hút máu của người dân”, theo như họ lập luận đâu ?
Tỉnh lại nhún vai, nhưng yên lặng. Ngộ hãy còn ấm ức, nói như nguyền rủa :
- Thế mà tụi nó cũng kiếm chuyện làm khó dể giấy tờ, để ăn chận hết 4 cây vàng. Phần ông ta chỉ còn lại 4 cây ! Thật là ăn cướp giữa ban ngày. Tàn nhẫn không chịu được !
Tỉnh cúi đầu xuống đưa tay sờ cái chân cụt của mình. Đôi mắt lim dim như cố nhớ lại hình ảnh gầy guộc của vị Tiểu Đoàn Trưởng khả kính kia. Bây giờ ở bên Mỹ, chắc ông ta đã mập lên nhiều. Trong khi đó, Ngộ vẫn tiếp tục nói, nhưng đổi giọng hằn học hơn :
- Chẳng bù cho cuộc đời tôi. Tôi cũng đã từng cứu tên Tiểu Đoàn Trưởng khốn nạn đó mấy lần. Khi hắn bị thương, tôi cõng hắn lội băng đồng lầy suốt đêm. Ngờ đâu, nó trả ơn bằng cách tò tí với vợ mình ! Tệ nhứt là sau khi bị thương ở bên Kampuchea được lành trở về, tôi có chống nạn vào gặp hắn, xin nhờ giúp đỡ cho làm thủ kho trong Công Ty của hắn, hoặc làm chuyện gì cũng được miễn là vừa sức và đủ sống. Nhưng hắn lại tìm cách đuổi khéo, mà chẳng cho được một đồng nào.
Tỉnh hỏi luôn :
- Lúc đó hắn đã là Giám đốc Công ty rồi hả ? Sao không nhờ vợ anh nói với hắn ?
- Chưa, mới là phó thôi. Còn vợ tôi thì đã bị bỏ rơi, đang ghen lồng lộn với hắn dường như muốn phát điên. Với lại… tôi cũng không muốn gặp người đàn bà bạc tình đó nữa. Dầu chết tôi cũng không gặp ! Nghe nói ít lâu sau, cô ta bị cuồng tâm nhảy xuống lầu năm tự vận, hay là do hắn xô xuống cũng chưa biết chừng. Thật đáng đời cho một kẻ lăng loàn !
Rồi hắn thở dài. Dường như ngán ngẩm cho thế thái nhân tình ! Hay là hắn thở dài vì cơn mưa còn chưa dứt hột cũng chưa biết chừng. Điều chắc chắn là nếu mưa cho đến bảy tám giờ tối, thì thực khách sẽ ít đi nhậu đêm. Họ sẽ không kiếm đủ tiền để chi dụng cho ngày mai.
Tỉnh cũng là người bị vợ bỏ ! Hoàn cảnh tuy có khác hơn, nó không quá phủ phàng như của Ngộ. Còn có lý do để bào chữa cho vợ anh được. Nhưng lòng dạ đàn bà, cũng không biết đâu mà lường ! Hai mươi năm rồi, nàng sống chết ra sao ? Đứa con đó là trai hay gái ? Nó có biết và đau khổ cho cuộc đời của người cha tàn phế này không ?
Anh trầm ngâm suy nghĩ. Cuộc đời của anh và Ngộ tuy dị biệt, nhưng cũng có điểm tương đồng. Bởi vì cả hai đều đang sống đau khổ dưới chế độ này. Tương lai cùng mù mịt như nhau ! Cái đáng lo trước mắt là nếu cơn mưa cứ dai dẳng hoài, thì đêm nay kiếm không đủ sở hụi là cái chắc ! Bất giác anh cũng buông tiếng thở dài !
Đó là hai tiếng thở dài của hai con người khốn khổ ! Tuy trước sau vài phút, nhưng cùng chung một tâm trạng chua chát não lòng !

Cũng vừa lúc đó, có em bé trai đang hướng dẫn một người thiếu phụ đi tới. Thiếu phụ mặc đồ vải bông sậm màu, đội nón lá khuất nửa khuôn mặt. Tay phải cầm dù che mưa, tay trái ôm chặt cái túi xách đen. Hai ống quần xăng lên khỏi đầu gối. Bà ta lội bì bõm theo thằng bé, đi dần đến trước cửa chòi của Tỉnh.
Anh và Ngộ nhìn người thiếu phụ một cách hững hờ. Bỗng nghe thằng bé chỉ vào chòi của hai người mà nói :
- Chòi của chú Ngộ thương binh đó ! Bà hỏi đi.
Người thiếu phụ vừa nói cám ơn, vừa bước vào hàng hiên. Bà móc trong túi xách, lấy hai tờ giấy năm ngàn trả công. Thằng bé mừng quá, cầm tiền đút vội vào ngực áo, chạy luôn ra đầu hẻm. Nó quên cả việc cám ơn người đàn bà thưởng công quá hậu hỉ cho nó.
Ngộ hết sức ngạc nhiên. Bởi anh thấy người đàn bà này chưa từng quen biết, mà nghe thằng bé chỉ chỗ tìm mình ! Còn Tỉnh thì quay mặt vào trong vách. Có lẽ anh muốn để bạn mình tự nhiên tiếp người thân.
Bây giờ, Ngộ càng nhìn rõ mặt thêm khi bà ta bước vào trong chòi. Cũng chẳng có nét nào thân quen. Tuy ăn mặc theo lối bình dân không son phấn, nhưng vẻ trắng đẩy đà, đã tố cáo phần nào sự sang trọng của bà.
- Thưa bà tìm tôi phải không ?
Thiếu phụ không trả lời Ngộ, mà bước hẳn vào trong đứng đối diện với Tỉnh, rồi kêu lên với giọng nghẹn ngào xúc động :
- Trời anh Tỉnh ! Nhớ em hôn ? Lan đây !
Tỉnh bàng hoàng với cái tên đó ! Anh nhìn sửng người đàn bà. Thật sự anh không thể ngờ được người thiếu phụ này là Lan. Nhưng đúng là người vợ gần 20 năm trước của anh rồi !
Lúc ấy, bà ta bước tới, một tay vịn vào vách Mả Vôi, tay kia nắm lấy cái chân không bị cụt của Tỉnh. Vừa lay nhẹ, vừa nói trong tiếng khóc :
- Em là Bùi-Thị-Lan đây ! Trời ơi ! Anh khổ đến thế này sao ?
Rồi bà ta thút thít khóc. Tỉnh cũng ứa nước mắt cầm tay vợ trong nỗi rụt rè, vì sự việc xảy ra quá đột ngột ngoài sức tưởng tượng của anh.
Còn Ngộ, thì cũng chỉ há hốc miệng ra nhìn người thiếu phụ, rồi nhìn Tỉnh. Một lúc sau mới lên tiếng hỏi :
- Anh Tỉnh, bà xã năm xưa đó hả ?
Tỉnh khẻ gật đầu, hai dòng nước mắt tự nhiên rơi xuống. Lan càng thút thít nhiều hơn, vì mấy tiếng “bà xã năm xưa” đó như một vết dao cứa vào lòng nàng !
Cả ba người không ai nói một lời gì nữa. Dường như mỗi người đang đeo đuổi ý nghĩ riêng. Lan cũng còn thút thít, nhưng nhỏ dần.
Có lẽ người bị xúc động nhiều nhất là Ngộ, chớ không phải là Lan hay Tỉnh. Bởi vì từ sau khi bị vợ bỏ, anh rất căm hận và coi rẻ phái nữ. Nay lại thấy sự xuất hiện của Lan – nhất là tiếng khóc có vẻ thật tình, pha lẫn hối hận của bà ta – làm anh thấy mí mắt cũng cay cay…

000

Thì ra, trong ngày 16-3-1975, toàn thể dân chúng ở hai tỉnh Kontum và Pleiku hoản hốt chạy loạn trong sự hoang mang, vì nghe tin Chánh Phủ Trung Ương có kế hoạch rút quân bỏ ngỏ hai tỉnh này. Mặt khác, lại nghe đài phát thanh BBC loan tin bịp, là giặc Cộng sắp tràn vào chiếm lấy thành phố. Lúc đó Lan đang ở trong trại gia binh của Tiểu Đoàn. Người chỉ huy hậu cứ của trại gia binh đó, cho tất cả vợ con của quân nhân các cấp, phải lên xe GMC di tản theo lệnh của cấp trên. Đồ đạc nặng nề đều phải vất bỏ. Riêng lính chiến đấu, thì đã được điều động đi án ngữ ở những nơi hiểm yếu, đề phòng sự truy kích của giặc.
Lúc đó, Lan có hỏi về tình trạng của Tỉnh đang còn nằm trị thương tại Quân Y Viện Pleiku, thì được biết sẽ có phương tiện đặc biệt đưa thương bệnh binh về Nha Trang. Hậu cứ trại gia binh này cũng đi về Nha Trang và sẽ gặp lại họ. Lan yên trí cùng các gia đình vợ con lính lên xe di chuyển.
Thế là, những đoàn hậu cứ trại gia binh của tất cả các quân binh chủng đồn trú trong hai tỉnh Pleiku và Kontum, cùng với dân chúng chạy loạn trên Tỉnh Lộ 7 hướng về thành phố Tuy Hòa, cách đó hàng trăm cây số đường chim bay. Ai ngờ, đi được nửa đường thì bị tắc nghẽn. Người và xe cộ quá đông, mà đường thí quá chật hẹp. Bọn giặc lại pháo kích theo lộ trình nữa, thành ra tất cả phải bỏ xe mạnh ai nấy chạy. Người chết, kẻ bị thương, cùng với những tiếng gào khóc kêu la. Thật ghê rợn hãi hùng !
Lan cũng cố chạy theo đoàn người. Họ chạy đâu, nàng theo đó. Băng rừng lội suối mà chạy, mãi đến tuần sau mới ra đến được Thị Xã Tuy Hòa. Hai bàn chân sưng húp, mặt mày rám nắng xạm đen. Nàng lại cùng theo một số vợ con lính khác, mướn xe đò về Nha Trang tìm chồng. Khi đến nơi mới ngã ngửa ra, vì hay tin tất cả thương bệnh binh ở Quân Y Viện Pleiku còn kẹt lại.
Phần thì bị thất lạc hậu cứ trại gia binh của Tiểu Đoàn, tứ cố vô thân, tiền bạc không có là bao ! Phần thì nghe tin Pleiku đã bị Việt Cộng chiếm, Lan không biết phải làm sao ? Nàng dự định ở lại Nha Trang để mong có cơ hội gặp chồng. Nhưng rồi, Nha Trang cũng di tản nữa. Nàng lại phải theo đoàn người tị nạn lũ lượt chạy về Cam Ranh. Cũng may, tại đây nàng và một số người, được tàu Hải Quân Việt Nam chở ra đảo Phú Quốc tỵ nạn. Cuối cùng, thì cả miền Nam Việt Nam đều bị giặc Cộng cưỡng chiếm. Từ Phú Quốc, nàng lại lên tàu theo thiên hạ đến Đảo Guam, và rồi được đưa vào đất Mỹ.
Cái thai trong bụng lớn dần… Nàng sinh Minh, đứa bé trai kháu khỉnh, ngay tại căn cứ Pendleton ở California. Tuy không biết nhiều về sinh ngữ, nhưng nhờ có đôi chút nhan sắc, nàng được một Trung Sĩ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ tỏ lòng thương yêu và lấy nàng làm vợ.
Một năm sau, viên Trung Sĩ đó được giải ngũ, đưa nàng về sinh sống tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn. Vừa đi học, đi làm, hắn vẫn luôn chăm sóc và thương yêu mẹ con nàng. Có điều là hắn rất ghen. Luôn tìm cách hạn chế sự qua lại của nàng với Cộng Đồng Việt Nam tại đây, hoặc là việc viết thư về Việt Nam.
Nói thật ra, thì việc ghen tương lẩm cẩm này của hắn, cũng không thể ngăn cản được nàng tiếp xúc với đồng hương người Việt trong vùng, cũng như viết thư gởi cho thân nhân ở quê nhà. Có điều là nàng không thể nào hỏi thăm tin tức của Tỉnh một cách rõ ràng chính xác được. Còn việc viết thơ về Việt Nam cũng trở ngại, vì nàng biết viết cho ai ? Bởi khi chung sống với Tỉnh, nàng cũng chỉ biết anh ta là người Cần Thơ, mà khai sinh thì ở Sài Gòn. Chứ không có chi tiết nào khác !
Về phía Lan, quê nàng là một thôn hẻo lánh, nằm dưới chân một dãy núi ở tỉnh Quãng Nam, và đã bị bom bỏ tan nát, vì Việt Cộng từng dùng nơi này làm căn cứ, chống lại Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa. Gia đình nội, ngoại cùng cha nàng đều chết trong lần đó. Nên từ thưở ấu thời, nàng đã theo mẹ ra thành phố Đà Nẵng kiếm sống. Mẹ nàng đi ở mướn cho người ta, thay đổi không biết bao nhiêu là chủ. Từ Đà Nẵng trôi dạt vào Quãng Ngãi, rồi Qui Nhơn, rồi Pleiku. Cho đến năm 16 tuổi, nàng đã bị kẻ xấu phá hư đời con gái. Rồi mẹ qua đời ! Nàng phải sa chân vào nghề mãi dâm. Hai lần quyên sinh, đều được Tỉnh ra tay cứu sống. Cuối cùng, Lan làm vợ anh cho đến ngày tản lạc cùng nhau…

…Sau vài năm, người chồng Mỹ lấy được bằng luật sư, và cũng là lúc bé David ra đời. Mức thu nhập của gia đình mỗi ngày một cao hơn. Phần thì nhờ chồng làm ăn giỏi giắn, phần thì bên chồng giàu sẵn hỗ trợ thêm cho. Riêng chồng nàng, lúc nào cũng dành hết tình yêu thương cho mẹ con nàng. Gia đình nàng như vậy là quá hạnh phúc đủ đầy.
Nhưng thật tình mà nói, trong lòng Lan, lúc nào cũng nhớ tới hình ảnh của Tỉnh qua bóng dáng của Tony Bùi – tức bé Minh – đứa con Việt Nam của hai người. Hơn nữa, bây giờ Tỉnh đã ra người tàn phế… càng nghĩ Lan càng khổ tâm vô cùng ! Mẹ con nàng thì đã yên thân, còn Tỉnh không biết có sống nổi trong cái cảnh đổi đời tàn nhẫn đó hay không ?
Năm 1993, ông chồng Mỹ vì bị ung thư phổi đã lìa đời, để lại cho nàng một gia sản hàng triệu mỹ kim trong ngân hàng, và rất nhiều những bất động sản cho thuê. Cha mẹ, và người anh chồng – hiện là một Thượng Nghị Sĩ cấp Tiểu Bang đương thời, đều tán thành ý định, khi nàng cho biết là sẽ về thăm Việt Nam, để tìm ba của bé Minh. Bà mẹ chồng Mỹ có vẻ xúc động mạnh, về chuyện nàng dự định sẽ nối lại duyên xưa với Tỉnh, nếu anh còn sống. Bà hỏi như dò xét :
- Nếu Tỉnh đã có vợ khác ?
- Thì con cũng sẽ tìm cách bảo lãnh toàn gia đình anh ấy sang đây, để trước hết, là cho bé Minh được gặp mặt và gần gủi cha. Sau là cho gia đình họ được thoát khỏi cảnh sống thiếu tự do dân chủ, và nghèo khổ như chúng ta thường đọc trên báo chí.
- Còn nếu y chết ?
- Thì con sẽ ở vậy !
Nàng nói một cách cương quyết rồi giải thích thêm :
- Trong đời con đã chính thức có hai đời chồng, mà người nào cũng tận tình thương yêu con. Con nợ họ quá nhiều, nên không muốn phụ tình mà lấy thêm người thứ ba nữa. Vả lại, nếu anh Tỉnh còn sống, con tin rằng anh ấy vẫn chờ con.
- Thật mẹ không ngờ người đàn bà Việt Nam chung tình như vậy. Con bây giờ vẫn còn trẻ, lại đủ điều kiện để lấy một người chồng trong giới Hoa Kỳ thượng lưu giàu có. Nhưng vẫn quyết tâm tìm lại ba của bé Minh. Tính thủy chung như vậy, rất hiếm trong người đàn bà Tây phương. Mẹ sẵn sàng ủng hộ việc làm của con.
Ông anh Thượng Nghị Sĩ còn hứa, sẽ hết lòng giúp đỡ bằng mọi cách có thể làm được, để sớm đưa Tỉnh sang Mỹ, kể cả vợ con sau này của Tỉnh nữa, nếu có…
Cuối năm 1994, Lan đã về Việt Nam ở ba tháng liền. Nàng đã đi nhiều lần lên Pleiku và xuống Cần Thơ. Gặp bất cứ một người tàn phế nào, nàng cũng tìm cách dò la hỏi thăm về Tỉnh. Nhưng chỉ hoài công ! Nàng cũng có đăng qua trong mục “tìm thân nhân” của nhiều tờ báo ở thành phố này. Nhưng cũng chẳng có được tin tức gì…

Đó là cả một đoạn đời, mà nàng lần lượt kể lại cho Tỉnh và Ngộ nghe, khi họ đã được đưa lên xích lô về cái “khách sạn mini” yên tịnh và sang trọng này. Sau đó, nàng hỏi :
- Bộ hai anh không thường đọc báo sao ?
Cả hai lắc đầu, rồi Tỉnh lên tiếng :
- Ăn còn không đủ, tiền đâu mà mua báo đọc nữa hở em !
Ngộ giải thích thêm :
- Chị nghĩ coi ! Đêm nào cũng quá một, hai giờ khuya, tụi tôi mới mò về đến chòi. Ngủ một giấc cho đến 12 giờ trưa mới dậy. Cơm nước qua loa thì cũng đã 2 giờ chiều rồi. Hai đứa lại mang đàn ra đi. Lội thí mạng khắp nơi. Quán ăn uống nào cũng nhào vô để đàn hát kiếm ăn. Cứ như vậy, kéo dài ngày này qua tháng khác. Có thì giờ đâu mà đọc báo.
- Hôm nay, nhờ trời mưa từ lúc giữa trưa cho đến khi em tới đó, nên tụi anh mới có ở nhà mà gặp nhau. Chắc trời cũng cảm động trước tấm chân tình của em, mà xui khiến như vậy.
- Tỉnh vừa cười vừa nói xong, thì Ngộ tiếp lời :
- Ờ ! Sao chị biết chòi tụi tôi, mà tìm đến ?
Lan chưa kịp đáp thì có tiếng chuông reo. Nàng đứng lên mở cửa. Bên ngoài có hai người đàn ông mặc theo kiểu bồi bàn, đang bưng thức ăn vào. Đó là thức ăn của nhà hàng Bát Đạt trong Chợ Lớn, do nàng đặt đem tới. Ngộ trố mắt ngạc nhiên hỏi :
- Ủa ! Chị kêu thức ăn hồi nào vậy ? Coi bộ nhà hàng sang thế này, mà cũng chịu khó bưng tới nhà cho mình ăn nữa sao ?
- Hồi nãy, khi mấy anh vừa ngồi đây. Em có vào trong lấy hình của bé Minh cho anh Tỉnh xem, đã gọi luôn điện thoại cho nhà hàng đó.
Nàng chỉ trả lời câu hỏi đầu, còn câu hỏi sau thì lờ đi, vì biết chắc rồi Ngộ sẽ hiểu. Hai người bồi dọn thức ăn lên bàn xong, Lan trả tiền và cho cả số thối lại. Họ rối rít cám ơn, rồi mở cửa bước ra. Lan quay lại nói :
- Bây giờ hai anh nhậu lai rai trước nghe ! Có bia ướp lạnh vừa mới mang tới đó. Em phải vào rửa mặt và thay quần áo một chút.
Trong khi Lan vào phòng tắm. Tỉnh dìu Ngộ ngồi nơi bàn. Mùi thức ăn thật hấp dẫn. Tuy chưa nếm, mà Ngộ đã thấy khoái khẩu rồi. Tỉnh mở hai lon bia Tiger, trao cho Ngộ một :
- Uống đi anh ! Mừng tôi vừa gặp lại bà xã.
Tỉnh hớp một hơi bia. Ngộ cũng hớp theo, lòng thấy lâng lâng vô tả. Tỉnh yên lặng, tiếp tục uống. Có lẽ trong lòng anh đang suy nghĩ một điều gì đó.
Còn Ngộ vừa uống bia vừa nhấm nháp mấy miếng thức ăn, rồi chép miệng quan sát. Lúc này anh mới có dịp nhìn rõ căn phòng rộng rãi của khách sạn. Tất cả mọi thứ trang hoàng ở đây đều sang trọng, sạch sẽ, thơm tho và mát lạnh ! Anh tự nghĩ, cả một đời của mình từ lúc cha sanh mẹ đẽ cho đến nay, chưa hề bước chân được vào căn phòng sang quá là sang như vầy.
Còn thức ăn của nhà hàng “cao cấp” này hả, thật là ngon tuyệt. Nếu không có Việt kiều cho ăn hả, mình muốn liếm dĩa thừa cũng không có mà liếm nữa. Bởi cái nhà hàng “cao cấp” loại này đều có người gác cửa, kẻ đàn hát ăn xin bẩn thỉu như mình làm sao vào được mà húp canh thừa !
Bất giác, Ngộ quay sang nhìn Tỉnh, dường như để chia vui với người bạn cùng tàn phế. Trực giác cho anh biết, Lan còn thương Tỉnh rất nhiều. Rồi đây, nàng sẽ bảo lãnh cho anh ta đi Mỹ. Một chân trời hạnh phúc sẽ mở ra ! Nghĩ lại thân phận của mình, anh khẽ thở dài…
- Lại thở dài gì nữa đó ông bạn ?
Tỉnh quay qua hỏi rồi nói thêm :
- Cứ uống cho đã đi. Chúng mình hết hạn ăn xin rồi ! Trời cho Tỉnh lên hương thì bạn cũng đỡ khổ. Đừng tủi thân nghe Ngộ !
Không hẹn mà hai người cùng nắm lấy tay nhau. Bốn con mắt đều đỏ hoe ! Vừa lúc đó, Lan đã thay quần áo xong, bước ra lên tiếng :
- Đồ ăn có ngon không hả các anh ?
Tỉnh gật đầu, còn Ngộ nhanh nhẩu đáp :
- Thật ngon quá chị à !
Cả hai người đều nhìn Lan thầm khen, vì nàng mặc chiếc áo ngủ màu cặn rượu, dài đến mắt cá, vừa kín đáo, vừa làm tăng thêm vẻ đẹp quí phái dịu hiền.
Riêng Tỉnh cũng không ngờ, người vợ gần 20 năm về trước, giờ đây đối với cái thân xác của mình, thật là một vực một trời !
Lan bước vào phòng ngủ, lát sau mang ra 2 quần jean, và 2 áo sơ mi trắng tinh, nói :
- Tắm cho khỏe đi anh Tỉnh, rồi tạm thay đồ này. Em có mua quần áo từ bên Mỹ mang qua cho anh nhiều lắm. Để ngày mai mới soạn ra được. Không ngờ, anh Ngộ cũng cùng một cỡ, thật là tiện.
Thế rồi, nàng cúi xuống vén ống quần rằn ri của Tỉnh, để tháo sợi dây buộc cái chân giả. Tỉnh hơi lúng túng, cúi xuống cùng tháo. Xong, nàng để cái chân giả ở cạnh tường, rồi vừa ôm quần áo, và đỡ tỉnh dìu đi, vừa quay lại nói :
- Anh Tỉnh tắm xong, rồi tới anh Ngộ nghe. Quần áo em để hết ở trong nhà tắm đó.
Ngộ khẽ gật đầu. Nhìn cái hạnh phúc bất chợt này của bạn, mà thấy cảm xúc trong lòng.
Sau khi chỉ cho chồng những vật dụng cần thiết trong phòng tắm. Nàng đóng cửa lại, rồi bước đến bên Ngộ thong thả hỏi :
- Quê anh Ngộ ở đâu vậy ? Anh cùng sống với anh Tỉnh lâu chưa ?
- Tôi sống với ảnh khoảng 10 năm rồi đó chị. Còn quê tôi thì ở Giồng Trôm, Bến Tre.
Trong lúc Ngộ nói, nàng lấy đũa gắp một con sò huyết xào theo kiểu Tứ Xuyên bên Tàu, bỏ vào chén của Ngộ rồi giục :
- Ăn đi anh ! Sò này ngon lắm.
- Dạ… để tôi tự nhiên… Bộ chị từ Mỹ mới qua sao ?
- Tôi tới hồi sáng nay. Làm thủ tục nhập cảnh xong, về đây tắm rửa rồi đi tìm mấy anh liền. Nhưng lại gặp mưa, nên phải mượn nón lá và cây dù của chị bồi phòng mà dầm mưa đi đó. Cũng may, là cái hẻm “Tứ Chiếng” của mấy anh cũng dễ tìm.
Nói xong, nàng lại gắp một miếng thịt Bát Bửu bỏ vô chén của Ngộ, tỏ dấu bảo Ngộ phải ăn nhiều thêm, và lại khui cho anh ta một lon bia nữa.
- Tôi nghe nói Bến Tre là Quê Hương Đồng Khởi đó phải không anh ?
- “Đồng Khổ” chớ đồng khởi gì đâu chị ơi ! Toàn là bị gạt, bị lừa bịp hết a ! Dân chúng ở Bến Tre, bây giờ đã hiểu sự tuyên truyền láo khoét của Việt Minh Cộng Sản rồi chị ơi ! Tôi cũng có một điều này muốn hỏi chị, là tại sao chị biết tên tôi mà tìm đến hẻm “Tứ Chiếng” vậy ?
- Thì tôi sẽ nói rõ cho anh nghe, nhưng anh phải ăn miếng thịt Bát Bửu này cái đã.
Ngộ đành phải cúi xuống gắp thịt ăn, nhưng vẫn thắc mắc muốn biết rõ câu trả lời của Lan. Trong khi đó, Lan lại gắp cái đùi Vịt Tiềm thuốc bắc bỏ vào chén Ngộ, rồi thong thả kể :
- Tôi biết được tên và nơi ở của anh cũng như anh Tỉnh, là nhờ gặp Ông Tiểu Đoàn Trưởng cũ của anh Tỉnh ở bên Mỹ…
Vừa nói đến đó, thì Tỉnh đã bước ra, đang lần vách phòng tắm nhảy cò cò. Lan nhìn thấy, vội đứng lên dìu anh và trách nhẹ :
- Tắm xong sao không kêu em vào dìu anh ra ? Nhảy như vậy, rủi té nguy hiểm lắm !
Tỉnh không trả lời Lan, mà hỏi lại :
- Em nói là có gặp Ông L. Tiểu Đoàn Trưởng cũ của anh ở bên Mỹ à ?
- Dạ ! Không dè ổng sống cùng một thành phố với em. Tuần trước tình cờ gặp ổng ở tiệm phở Việt Nam. Em ngờ ngợ hỏi đại. Thế mà trúng phóc.
Ngộ nóng lòng hỏi :
- Rồi ổng kể “tụi này” cho chị nghe chớ gì ?
- Thì đúng vậy !
Lan trả lời cho Ngộ, rồi quay sang Tỉnh nói :
- Nghe anh còn sống, em mừng quá. Lập tức mua vé máy bay cấp tốc về đây liền. Vậy mà cũng phải mất một tuần mới đi được đó. Thật cám ơn trời đất, đã cho em gặp được ông L.
Ngộ còn có vẻ thắc mắc :
- Hình như hồi chiều, chị hỏi thăm tên tôi với thằng nhỏ chỉ đường phải hôn ?
Lan gật đầu mĩm cười :
- Đó là Ông L. dặn rõ em lúc lên máy bay. Khi tới hẻm “Tứ Chiếng” phải ăn mặc bình dân. Đừng có cho người ta biết mình là Việt kiều. Đừng hỏi thăm tên anh Tỉnh, mà phải hỏi tên Ngộ. Vì anh Ngộ là thương binh của chế độ này, sẽ không có người để ý.
- Như vậy là đúng ! Khỏi bị dòm ngó lôi thôi.
Trong lúc Ngộ nói bâng quơ. Lan bước đến lấy cái chân giả, định tra vào chỗ chân cụt cho chồng. Nhưng Tỉnh cản lại :
- Em ngồi đó đi. Anh muốn mang nó mình-ênh được rồi. Cái cẳng cây này cũng do ổng tặng cho anh đấy. Thật mang ơn ổng quá nhiều !
- Ổng có kể cho em nghe về cái cẳng cây này, và em cũng đã trả ơn cho ổng thế anh rồi.
Tỉnh hỏi dồn, trong khi đang cột giây của cái chân giả lên đùi :
- Trả ơn bằng cách nào ?
- Em có căn nhà khá rộng và đẹp, chưa có người mướn, nên cho gia đình ổng ở một năm không lấy tiền. Hôm qua, ổng đã dọn vô rồi đó.
Tỉnh sung sướng hiện lên nét mặt. Anh đứng lên nắm lấy tay Ngộ dẫn vào phòng tắm :
- Tới phiên anh, xong rồi nhậu tiếp.
Lan ngồi nhìn họ dìu nhau chầm chậm bước đi, lòng thương vô hạn. Hai con người của hai chế độ, đều cùng là nạn nhân đau khổ của một cuộc chiến tranh tương tàn vô nghĩa. Tội nghiệp ! Họ mất mát và đau khổ quá nhiều !
Tỉnh trở lại bàn, ngồi bên cạnh hỏi Lan :
- Bây giờ em dự tính ra sao ?
- Đêm nay hai anh cứ ăn uống thoải mái, rồi ngủ lại đây. Ngày mai em sẽ đánh Fax về Mỹ để lo thủ tục bảo lãnh cho anh. Mau lắm, không đầy một năm là đi Mỹ được rồi.
- Nhưng anh không còn giấy tờ chi cả…
- Đừng lo ! Giấy tờ của anh như khai sinh, hôn thú vv… lúc rời Pleiku em có mang theo, giữ kỹ tới giờ. Được Fax là ở bển tiến hành bảo lãnh anh ngay. Bên này, mình cũng mướn luật sư làm cho nhanh.
Tỉnh thở phào nhẹ nhõm. Điều anh lo lắng đã được giải tỏa hết. Anh nắm lấy tay vợ, nửa như biết ơn, nửa như muốn cầm giữ cho chắc cái hạnh phúc muộn màng này. Lan cũng nắm chặt tay anh. Dường như nàng không muốn Tỉnh phải bị vuột mất, như hồi gần 20 năm về trước nữa.
Còn rất nhiều điều Tỉnh muốn nói với Lan, như bé Minh học hành tới đâu ? Nàng bảo lãnh anh vì thương hại, hay vẫn còn yêu đương như trước ? vv… Mà thôi, để thong thả rồi sẽ hỏi. Nhưng cho tới giờ phút này, anh vẫn còn tin tưởng, gần như chắc chắn là Lan không dối anh, vì tình sâu nghĩa nặng giữa hai người.
Trong khi đó, Lan mở thêm bia, gắp thức ăn cho chàng. Cử chỉ như một người vợ thân thương, bằng ấy cũng đủ đánh tan mặc cảm của Tỉnh rất nhiều.
Ngộ đã lần ra khỏi phòng tắm. Tỉnh bước tới dìu anh ta, nói :
- Bây giờ mình vừa ăn, vừa trò chuyện sáng đêm nghe bồ !
Lan cũng mở một hộp bia đưa cho Ngộ :
- Ăn uống nhiều đi anh ! Rồi ngủ ở sa lông đó, sẽ có mền gối đầy đủ. Ngày mai còn phải đưa anh đến bác sĩ chỉnh hình, để đo cái chân giả và làm mắt giả cho anh nữa.
- Chừng nào chị về bên ấy ? Ngộ hỏi.
- Em dự định ở đây ba tháng, để lo cho các anh mọi thứ cần thiết, rồi mới về bển.
Tỉnh gắp thức ăn bỏ đầy chén cho Ngộ, rồi giục :
- Tự nhiên ăn uống đi anh ! Cả đời mình đây là lần đầu tiên, mới có được bữa ăn sang trọng và ngon như vầy !
Ngộ gật đầu, lúng túng cầm đũa. Trong khi Lan lên tiếng, như bày tỏ thực tâm của mình :
- Thấy hai anh quá khổ, em cũng thật đau lòng. Trước khi anh Tỉnh đi Mỹ, em sẽ sắp xếp cho anh Ngộ có cuộc sống đầy đủ hơn.
Rồi nhìn Ngộ như dò xét, nàng tiếp lời :
- Cho phép em làm thế, nghe anh Ngộ ? Dầu sao em cũng coi anh, như anh cả của em vậy !
Nghe câu nói chí tình của Lan, Ngộ hết sức cảm động. Anh vội đưa lon bia lên uống, để cố che dấu hai hàng nước mắt. Nhưng rồi không dằn được, bật khóc nghẹn ngào.
Anh khóc thật sự. Khóc như một đứa trẻ con, vì không ngờ cuộc đời mình… vẫn còn có một mùa xuân !

Nhật Hồng Nguyễn-Thanh-Vân

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.