Jan 10, 2025

Biên khảo

Xuân giang hoa nguyệt dạ
Webmaster * đăng lúc 03:30:11 AM, Mar 23, 2015 * Số lần xem: 1731
Hình ảnh
#1
#2

Xuân giang hoa nguyệt dạ

 
“Thơ Đường là một bộ phận tinh hoa nhất trong lịch sử văn học cổ điển Trung Quốc, có sức cuốn hút về văn học. Với khổ thơ ngắn gọn, câu thơ hoàn chỉnh, từ ngữ súc tích, nhà thơ đã tạo nên một bức tranh đầy ý thơ cuốn hút, khiến độc giả chìm đắm trong cảnh tượng được miêu tả trong bài thơ. Nhà thơ Trương Nhược Hư là nhân vật tiêu biểu sáng tạo bức tranh đầy ý thơ ở đời Đường Trung Quốc, bài thơ “Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ” (Đêm hoa trăng trên sông xuân) là một bàithơ khổ dài thể hiện phong cách duy mỹ của nhà thơ Trương Nhược Hư.

Trương Nhược Hư là một nhà thơ sinh sống trong thời kỳ giữa những năm đầu đời Đường và thời thịnh Đường (trước sau năm 700 công nguyên). Nhà thơ Trương Nhược Hư chỉ để lại hai bài thơ lưu truyền đến ngày nay, “Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ” là một trong hai bài thơ này, nhưng duy nhất bài thơ “Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ” đã xác định địa vị nhà thơ lớn của Trương Nhược Hư trong lịch sử thơ Đường. Qua bài thơ này, nhà thơ đã thể hiện đầy đủ sở trường về miêu tả cảnh đẹp trong thơ.

Bài thơ “Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ” kết hợp cả cảnh vật, cảnh thơ lẫn sự thể hội của nhà thơ đối với bí mật vũ trụ và triết lý nhân sinh. Tiêu đề của bài thơ này gồm 5 cảnh vật: mùa xuân, dòng sông, hoa, mặt trăng và ban đêm, kết hợp thành một bức tranh có cảnh đẹp giờ lành.

Trong phần mở đầu, bài thơ đã miêu tả cảnh đẹp tĩnh mịch về một dòng sông dưới ánh sáng mặt trăng trong ban đêm mùa xuân, câu thơ viết rằng

 

“Xuân giang triều thủy liên hải bình,
Hải thượng minh nguyệt cộng triều sinh.
Diễm diễm tùy ba thiên vạn lý,
Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh!
Giang lưu uyển chuyển nhiễu phương điện,
Nguyệt chiếu hoa lâm giai tự tiển;
Không lý lưu sương bất giác phi,
Thinh thượng bạch sa khan bất kiến.”

Tạm dịch là: Biển vắng sông êm gợn nước bằng, lung linh trăng tỏ sóng triều dâng. Mênh mông theo sóng trôi ngàn dặm, xuân thắm sông nào chẳng có trăng! Sông quanh đất ngát thoảng hương đầy, trăng sáng rừng hoa ngỡ tuyết bay; Lất phất sương rơi nào có thấy, sông dài cát trắng chẳng ai hay.

Trong mùa xuân ấm áp, sóng sông dạt dào, dòng sông rộng mênh mông, chảy về biển cả, sóng nước dập dềnh hình như đang ôm một vầng trăng sáng từ từ dâng cao. Ánh trăng chiếu trên mặt sống lấp lánh, sóng nước lung linh liên miên nghìn dặm xa, thử hỏi dòng sông nào chẳng có ánh sáng mặt trăng trong mùa xuân. Dòng sông uốn khúc quanh co và hoa cỏ đan xen nhau, ánh trăng chiếu trên rừng hoa trông như tuyết trắng nở trên cây. Bất ngờ có sương trắng mưa từ trên không, đó là ánh trăng chiếu sáng trần gian, khiến cát trắng bên sông lúc ẩn lúc hiện.

Nhà thơ hình như là một họa sĩ có thủ pháp điêu luyện, chỉ dùng nét bút một cách nhẹ nhàng đã vẽ nên cảnh đêm sông có sóng nước lung linh, trong sáng, nhà thơ chỉ dùng 4 câu thơ ngắn, câu nào cũng có trăng, đã thể hiện cảnh ngời sáng của đêm trăng. Khi đứng trước cảnh trăng và sông, nhà thơ đưa ra một câu hỏi, nảy sinh những điều suy nghĩ về nhân sinh, câu thơ viết rằng:

“Giang thiên nhất sắc vô tiêm trần,
hạo hạo không trung cô nguyệt luân.
Giang bạn hà nhân sơ kiến nguyệt?
Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân?
Nhân sinh đại đại vô cùng dĩ,
Giang nguyệt niên niên chỉ tương tự;
Bất tri giang nguyệt đãi hà nhân,
đản kiến trường giang tùng lưu thủy.”

Tạm dịch là: Tinh khiết trời sông một sắc màu, trăng soi vằng vặc suốt đêm thâu. Hỏi ai đã thấy vầng trăng cũ, có nhớ năm nao rực bến đầu. Kiếp người dâu bể mãi sinh sôi, trăng chiếu bên sông cũng thế thôi; chẳng biết vì sao trăng rạng rỡ, sông dài giục giã nước buông trôi. Nước sông cùng trời cùng một màu sắc, trong sáng, trăng sáng treo cao, nhưng suốt cả đêm chỉ có một mình. Ai đầu tiên ngắm thấy mặt trăng khi đứng bên sông, và năm nào mặt trắng bắt đầu tỏa sáng trần gian? Con người kiếp kiếp luân hồi, dòng sông và mặt trăng năm nào cũng tương tự.

Chẳng biết vào giờ phút này ai đang tắm ánh trăng ở bên sông? Trước mắt chỉ có nước sông chảy không ngớt, không bao giờ trở về. Đối mặt cảnh đẹp về dòng sông mùa xuân, nhà thơ một mình đứng bên sông ngắm trăng, cứ suy nghĩ triền miên, thời gian và không gian vô tận, cuộc sống cứ nối tiếp, chỉ có tuổi thanh xuân trôi đi nhanh như tên. Cảnh thơ thiên nhân hợp nhất vừa duy mỹ vừa thơ mộng này làm cho người ta cảm nhận tính chu kỳ của thiên nhiên, tuổi thanh xuân trôi đi nhanh chóng.

Trong những suy nghĩ triền miền này, nhà thơ nghĩ tới tình cảm sầu muộn về sự chia lìa giữa người ở đất khách quê người và người vợ đang chờ đợi ở nhà, như vậy đã tăng thêm chút ít tình cảm đau buồn cho bài thơ. Câu thơ cuối viết rằng:
“Bất tri thừa nguyệt kỷ nhân quy,
Lạc nguyệt dao tình mãn giang thụ.”
Tạm dịch là: Mấy kẻ cưỡi trăng nào có biết, bến cây trăng lạnh nghĩ mà thương. Dưới ánh trăng có mấy người có thể về quê như ý muốn, chỉ có mặt trăng xuống về phía tây đong đưa tình cảm chia lìa, ngả bóng vào rừng cây bên sông. Sau khi đọc song bài thơ, độc giả càng nghĩ càng thấm thía.

Nhà thơ Trương Nhược Hư kết hợp sự thể nghiệm chân thật của mình về đời sống vào cảnh tượng tươi đẹp, tình cảm kết hợp với hình ảnh, tạo nên bầu không khí tình cảm nồng nàn và cảnh thơ duy mỹ, điều này nói rõ sự sáng tạo về cảnh đẹp trong thơ Đường đã bước sang giai đoạn chín muồi, đây có lẽ là nguyên nhân bài thơ “Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ” của nhà thơ Trương Nhược Hư rất được thế hệ sau tôn sùng.”

Nguồn :internet

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.