Nov 23, 2024

Tùy bút - Bút ký

QUÊ HƯƠNG – KẺ ĐI NGƯỜI Ở
Phạm Đức Nhì * đăng lúc 12:08:44 PM, Jun 20, 2024 * Số lần xem: 204
Hình ảnh
#1

 

 


                                                 Nhi Pham


               QUÊ HƯƠNG – KẺ ĐI NGƯỜI Ở
                       Một Chút “Kể Lể Nguồn Cơn”:

Tôi biết đến Đỗ Trung Quân và tài thơ của anh qua bản nhạc Quê Hương – thơ anh được Giáp Văn Thạch phổ nhạc. Lúc ấy – còn ở trong tù – tôi chưa biết, chưa được đọc nguyên bài thơ Bài Học Đầu Cho Con của anh. Mặc dầu hơi có cảm giác khó chịu khi nghe đoạn cuối:

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không hiểu (sau này đổi “hiểu” thành “nhớ”)
Sẽ không lớn nổi thành người

nhưng phải công nhận phần còn lại của bản nhạc (phổ thơ) là những bức tranh về quê hương thật dễ thương.

Rồi một lần về thăm quê vợ ở Đồ Sơn, Hải Phòng tôi được bạn thơ Trịnh Anh Đạt đưa thư mời tham dự Ngày Thơ  Nguyên Tiêu tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Đêm đó, sau khi rời Văn Miếu về khách sạn tôi cùng một nhóm người, từ mọi miền đất nước, tụ tập ở quán cháo lòng gần đó “tán” chuyện thơ văn.

Biết tôi là Việt Kiều về thăm quê, một nhà thơ có vai vế ở Huế vừa bắt tay làm quen, vừa đọc vui hai câu thơ:

Quê hương là chùm khế ngọt
Ai cao thì hái được nhiều.

Và trong một lần đi hớt tóc tôi được bác thợ, chắc cũng là dân chơi thơ, bất mãn đọc 4 câu:

Thiên đường còn đang thối
Hạ giới thơm làm sao?
Bất cứ địa phương nào
Sờ vào đâu thối đấy.

Tết Canh Dần (2010), tình cờ đọc bài thơ Tạ Lỗi Trường Sơn (1) của Đỗ Trung Quân và sau đó là vài bài viết khác của anh trên Tiền Vệ tôi nổi hứng viết bài thơ Quê Hương – Kẻ Đi Người Ở.

Cuối tuần qua (Thứ Bảy ngày 8 tháng 6, 2024), tham dự cuộc họp giới thiệu Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt (Vietnamese Heritage Museum) do anh Châu Thụy từ Cali về tổ chức, trong đó những ý kiến phát biểu đều nhắm vào 2 điểm chính: QUÊ HƯƠNG và TỰ DO, tôi bỗng có ý định chia sẻ bài thơ này với mọi người.
Mong anh Châu Thụy và những người cùng chung chí hướng coi bài thơ như một đóng góp nhỏ cho Công Trình To Lớn ấy.

    QUÊ  HƯƠNG – KẺ  ĐI  NGƯỜI  Ở

  Ngày xưa anh hát:
“Quê hương là chùm khế ngọt”
sao bây giờ
cắn quả khế nào anh cũng che mặt bảo…chua?

Có phải tại ngày xưa khế chua
nhưng muốn được lòng người anh yêu (2)
anh nói bừa là khế ngọt?

Hay tại sống với kẻ vô tình
lâu rồi khế ngọt cũng thành chua?

Ngày xưa anh hát:
“Đường đi học
con về rợp bướm vàng bay”
giờ sao chỉ thấy rợp trời bay cờ đỏ?

Có phải tại ngày xưa anh thổi phồng con số?
hay tại bướm vàng… sợ cờ đỏ bay đi?

Anh còn hát về con diều biếc, con đò nhỏ, chiếc cầu tre
cả hàng cau đầu hè hoa trắng xóa
như muốn nài nỉ:
“Người Việt ơi! Bỏ quê hương đi, sao nỡ!”
Nhưng những thứ ấy làm sao đổi được áo cơm
và một chút tự do
để sống cuộc sống của con người?

Có những khung cảnh bình thường
gần gũi lâu ngày thành thân thương
có người gọi là quê hương
có người gọi là kỷ niệm

Tôi tên lái buôn liều lĩnh
một lần đem hết kỷ niệm của đời mình
đổi lấy hai chữ tự do
rồi ngày lại ngày lênh đênh trên con thuyền viễn xứ
kỷ niệm hiện về
lòng quặn thắt nhớ thương

Nhưng bù lại tôi có thể ung dung
hát những bài ca, ngâm những vần thơ
mà ở nơi gọi là quê hương người ta cho là đồ quốc cấm

Còn người ở lại
được sống giữa lòng kỷ niệm
không bồn chồn khi trời nắng
chẳng ray rứt lúc trời mưa
nhưng cắn phải quả khế chua
lắm khi phải gượng cười
nói là khế ngọt

(1) Bạn chuyển qua E-mail
(2) nhưng lại không yêu anh

Viết tại Đồ Sơn sau Tết Canh Dần 2010
Phạm Đức Nhì


Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.