Sau hơn bốn tiếng lái xe từ Hoa Thịnh Đốn, phái đoàn chúng tôi 8 người gồm anh chị Phạm Cao Hoàng, anh chị Nguyễn Minh Nữu, Trần Thị Nguyệt Mai, Nguyễn Quang, Phạm Văn Nhàn, và tôi, đã có mặt ở nhà quàn Memorial Funeral Home, thành phố Fanwood, NJ. Dọc đường, chúng tôi không hẹn mà tình cờ gặp "Nhóm Tuyển Tập Doãn Dân" gồm 4 ái nữ và nghĩa tế của nhà văn Doãn Dân, cùng với nhà văn Lê Văn Trạch, nhà thơ Như Thương và nhà báo Nguyễn Đình Hiếu ¹
Đám tang đông khách đến dự hơn chúng tôi dự tưởng. Khoảng hơn 30 người. Nhiều người đến từ các tiểu bang xa như Florida, Tennessee, Texas. Sau lời trang trọng chào đón quan khách của cháu Trần Quí-Hưng ² đại diện tang gia, anh Phạm Cao Hoàng kể lại những kỷ niệm chồng chất trong gần 60 năm tình bạn chí thiết với anh Thư, về mối tình đằm thắm của anh Thư với chị Yến qua loạt bài "Theo Em" anh Thư viết từ khi chị Yến bị đột quỵ. Tựa loạt bài này đến từ một bài thơ anh Thư làm tặng chị Yến thuở ban đầu, “𝑇ℎ𝑒𝑜 𝑒𝑚 𝑏𝑜̉ 𝑛𝑢́𝑖 𝑣𝑒̂̀ 𝑐ℎ𝑎̂𝑢 𝑡ℎ𝑜̂̉ / 𝐵𝑜̉ 𝑚𝑎́𝑛 𝑣𝑒̂̀ 𝑘𝑖𝑛ℎ 𝑙𝑎̀𝑚 𝑟𝑒̂̉ 𝑥𝑎”. Anh Phạm Cao Hoàng cũng đã đọc bài thơ đầy tình cảm anh viết tiễn biệt Trần Hoài Thư. Sau đó là bài ai điếu của anh Phạm Văn Nhàn. Anh mới nói được một câu thì nước mắt đã giàn giụa, nghẹn ngào không nói nên lời, cháu Trần Quí-Hưng phải đọc thay anh. Nhiều người cũng sụt sùi khóc theo. Theo tôi thì anh Phạm Văn Nhàn đã nói rất nhiều, không nói bằng âm thanh mà bằng nét mặt và nước mắt. Anh Nguyễn Minh Nữu sau đó kể lại những kỷ niệm với Trung úy Trần Hoài Thư ngang tàng khi mới về trình diện ở Ban Mê Thuột, và đọc 2 bài thơ của 2 người bạn nối khố của anh Thư là Lê Văn Trung và Phạm Văn Nhàn.
Tiếp theo phần nghi lễ và tụng kinh theo truyền thống Phật Giáo, anh Trần Trung Đạo đến từ Boston kể lại những hoạt động mà anh và anh Thư đã sát vai nhau trong nỗ lực nói lên tiếng nói của người dân miền Nam lưu vong trước sự lấn tiếng vào chính trường Hoa Kỳ của những người trong nước. Tôi thì lên tiếng về THT từ một góc nhìn khác, một THT Toán học và kỹ thuật. Anh không những đã sống, đã chơi đùa với con chữ, với con số mà còn với cả những con ốc, mạch điện, bù lon, kìm búa. Thỉnh thoảng anh vẫn hỏi ý kiến tôi về những việc như tìm cách cải sửa một vài bộ phận như bàn may, suốt chỉ, của máy khâu giày để có thể dùng khâu sách thay vì khâu bằng tay, hay bàn với tôi về việc dùng đèn infrared để diệt vi khuẩn Covid. Con người ấy chẳng bao giờ chịu ngồi yên. Anh luôn có niềm tin là chẳng có gì ở trên đời mà anh không làm được. Việc càng khó anh càng hăng hái. Nhưng với tôi, điều tôi nhớ mãi về anh là cái tiếng cười sang sảng, tiếng cười có thể xoa dịu mọi khổ đau ở trần gian. Tôi từng gọi đùa anh là Kim Mao Sư Vương không chỉ vì mái tóc bạc trắng mà còn vì tiếng cười ấy. Xưa Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn có môn võ công Sư Tử Hống, ngẩng đầu hú lên là đối thủ vỡ tim lăn ra chết. Nay Sư Vương Trần Hoài Thư có món võ Cao Thanh Tiếu, anh cất tiếng cười vang dội thì những muộn phiền trong tim người nghe sẽ tan biến.
Sau khi một vài người khác lên tiếng bày tỏ lòng tiếc thương, chúng tôi theo đoàn xe đưa linh cữu anh đến nhà hỏa táng. Tại đây, cháu Thoại và vợ là Tạ Hoàng Kim Cương cùng với hai người con đã ngỏ lời cảm ơn quan khách. Nhân dịp, tôi cũng lên tiếng chuyển lời phân ưu của các anh Lữ Kiều, Lương Thư Trung, Cái Trọng Ty, Lữ Quỳnh, Nguyễn Khôi Việt, của 2 người con anh chị Tô Thùy Yên là Quỳnh Giao và Kinh Hiệt, rằng mới tháng trước Thoại đã là ‘ai tử’ (motherless child), các chú các bác, các người thân ngậm ngùi không về dự tang lễ của mẹ cháu được. Thì nay cháu đã là ‘cô nhi’ (orphaned son), từ nay cháu thật sự mồ côi trên đường đời. Ai cũng có cha, có mẹ, và ai rồi cũng sẽ mất cha, mất mẹ. Ai cũng tự đáy lòng luyến tiếc những hình ảnh đẹp của cha và của mẹ mình. Nhưng với Thoại thì đặc biệt hơn thế. Ít ai được như Thoại, vì để riêng ra thì mẹ Yến của Thoại là một người đôn hậu, đáng mến vô cùng, cha Sách của Thoại là một kẻ sĩ ngang tàng, cao thượng, nhưng hợp lại, đứng cùng nhau, thì cha mẹ của Thoại trở nên đẹp đẽ gấp bội. Đời sống lứa đôi của cha mẹ Thoại đã tưới vô vàn thương yêu lên cuộc đời của các chú các bác, đã làm cho cái trần gian này trở nên tươi đẹp và có ý nghĩa hơn. Hãy nhớ đến điều ấy mà từ nay bước những bước tin yêu trên đường đời Thoại nhé.
Rời nhà hỏa táng, chúng tôi theo nhau đến ngôi nhà số 719 trên đường Coolidge ở thành phố Plainfield, NJ. Khóm hoa đỗ quyên năm nào tươi thắm nay đã trơ cành, trụi lá. Bước xuống hầm nhìn các máy cắt, máy in, nhớ năm nào đứng bên Trần Hoài Thư nghe anh nói chuyện cách in nổi, cách phơi giấy, giờ đây nằm ngổn ngang, cô quạnh tôi không khỏi thắt cả lòng. Từ căn nhà cũ của anh Thư, theo lời mời của các ái nữ của nhà văn Doãn Dân, chúng tôi đến một tiệm phở mà các cháu đã có lần đưa anh Thư đến ăn. Anh đã ăn hết cả tô phở to tướng và khen ngon rối rít. Riêng tôi và thi sĩ Nguyễn Quang ngồi bên cạnh chỉ ăn được non nửa. Lại thêm một điều chúng tôi phải chào thua Trần Hoài Thư. Sức sống của anh ở mọi phương diện thật đáng ngả nón khâm phục.
Từ Houston lên NJ tiễn Trần Hoài Thư còn có vợ chồng nữ sĩ Thục Uyên. Hai người đã bay thẳng đến phi trường Newark và gặp chúng tôi tại nhà quàn, rồi cùng chúng tôi lái xe về sum họp tại nhà anh chị Phạm Cao Hoàng ở Virginia. Về cách nhà nửa tiếng, anh Phạm Cao Hoàng gọi điện thoại cho cô trưởng nữ Thiên Kim bảo nấu món gì cho mọi người ăn. Và thế là cô đã nhanh nhẹn xoay sở cho chúng tôi được ấm lòng bằng một nồi cháo gà nấu với trứng bắc thảo. Riêng Nguyệt Mai ăn chay trường thì được một bát cháo hoa.
Tối hôm ấy, và ngày hôm sau, dưới mái nhà ấm cúng chan hòa yêu thương của anh chị Phạm Cao Hoàng-Cúc Hoa, chúng tôi đã rất hạnh phúc bên nhau. Anh Nhàn và tôi có dịp hiểu rõ thêm và vô cùng quý mến cô em Nguyệt Mai đã nhiều lần thư từ qua lại nay mới gặp mặt lần đầu. Trưa hôm sau là buổi họp mặt có thêm Lãm Thúy từ Maryland xuống, anh Nguyễn-Tường Giang cùng với chị Nguyễn-Tường Nhung, hiền thê của Tướng Ngô Quang Trưởng, và anh Nguyễn Mạnh Hùng. Gặp lại Lãm Thúy lòng bồi hồi kỷ niệm cũ. Chị vẫn là người bạn ban phát tình thương và thức ăn cho bạn bè. Anh Nhàn và tôi mỗi người được một gói xôi để hôm sau ăn trên đường về lại Texas. Rất tiếc là dịp này tôi đã không được gặp anh Trương Vũ còn đang ở Việt Nam. Đã hơn mười năm từ lần gặp cuối. Chai rượu vang chị Nguyễn-Tường Nhung đem đến lấy từ trên bàn thờ tướng Trưởng đã khai mở câu chuyện. Anh Nhàn, anh Hoàng, Nguyệt Mai, Lãm Thúy, Thục Uyên và tôi thay nhau đọc thơ, kể chuyện về Trần Hoài Thư. Chị Cúc Hoa cũng đã thay chồng đọc bài “Nhớ Căn Nhà Khu Sáu Qui Nhơn”, nhắc lại tình bạn giữa anh Hoàng và các anh Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Lê Văn Trung, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Phương Loan, Hoàng Ngọc Châu thật cảm động.
Đêm cuối cùng ở DC, theo ước muốn của tôi, chúng tôi đi ăn ở tiệm Bắc Kinh Phạn Điếm (Peking Gourmet Inn), nổi tiếng ở vùng Hoa Thịnh Đốn với món vịt Bắc Kinh mà tôi đã được ăn mười mấy năm trước. Tối hôm ấy anh chị Nguyễn Minh Nữu cũng vừa từ NYC về đến. Anh Nữu hào hứng bàn thảo về những điều có thể và nên làm đối với những công trình anh Trần Hoài Thư để lại. Con vịt Bắc Kinh ngon là thế bỗng trở nên nhạt nhẽo vô vị vì những kế sách sôi nổi anh đưa ra. Công việc ấy còn đòi hỏi nhiều buổi thảo luận lâu dài, nên chúng tôi rời nhà hàng và quyết định đưa anh Phạm Văn Nhàn đi một vòng thăm thủ đô nước Mỹ. Anh Nguyễn Quang, thổ công ở DC, định đưa đi thăm tòa Bạch Ốc và các đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam, tưởng niệm Lincoln, Jefferson v.v., nhưng chỉ đi được một quãng để anh Nhàn chụp mấy tấm hình lưu niệm trước Tháp Bút Washington thì phải đi về vì chân anh đau không đi bộ nhiều được.
Về đến nhà nói chuyện một lúc thì Nguyệt Mai về phòng đi nghỉ sớm vì sáng mai phải ra phi trường từ 5 giờ sáng. Anh Nhàn cũng đi ngủ sớm, còn lại mình tôi ngồi độc ẩm với anh Phạm Cao Hoàng đến đêm khuya khoắt, đến lúc chai rượu đã cạn. Sáng ra tôi vừa thức giấc thì chị Cúc Hoa đã tươm tất trà và cà phê. Các ái nữ của nhà văn Doãn Dân cùng với chị Như Thương, anh Nguyễn Đình Hiếu cũng đã ghé thăm, mang đến đủ cả các bánh trái, và đã cùng chúng tôi ăn sáng, trò chuyện rất vui. Ngày hôm ấy chúng tôi không đi đâu, chỉ ngồi nhà hàn huyên cùng các anh Nguyễn Minh Nữu và Nguyễn Quang. Câu chuyện văn chương thì chẳng bao giờ dứt, tôi được anh Minh Nữu tặng quyển Trăng Huyết, một cuốn tiểu thuyết tôi nghe nói là vẽ lên một cách rất sống động giai đoạn 50 năm 1925-1975 đầy máu lửa bi thương của dân tộc, và rất lạ là có những 2 người, một Mỹ một Việt, Anthony Grey và Nguyễn Ước, là đồng tác giả. Trước khi ra phi trường anh Nhàn được chị Cúc Hoa đãi thêm một chầu bánh căn ăn với nước cá nục, tráng bằng khuôn đất đặc biệt của quê hương Phan Thiết của anh. Tôi thì được cháu Thiên Kim đãi một tô phở đuôi bò nước dùng thật ngọt mà thoảng nhẹ hương thơm đúng kiểu phở Bắc.
Trên chuyến bay về đến Houston lúc nửa đêm hẳn nhiên là anh Nhàn và tôi mệt đứ đừ sau 4 ngày hân hoan tột cùng với các bạn cũ, bạn mới, nhưng lòng chúng tôi vô cùng vui sướng, thấy mình thật may mắn đã có một chuyến đi tràn đầy ân sủng. Phải chăng đã xuất phát từ tấm lòng vô vàn thượng cả của Trần Hoài Thư mà lan tỏa khắp bạn bè? Cảm ơn các anh chị Hoàng-Hoa, Nữu-Mai, Quang-Trang, Uyên-Lược, Nguyệt Mai, Lãm Thúy. Quả là văn chương đã làm tình bạn thơm hương, ngọt vị một cách lạ thường.
Cũng xin được nói thêm là trước hôm lên đường đi NJ dự đám tang chúng tôi cũng đã được dự hai buổi tiệc do hai vị nữ lưu miền Đông là Nguyễn Thị Thanh Bình và Hoàng Thị Bích Ti khoản đãi. Được gặp chị Kiều Loan tiếng nói vang khắp DC. Lại còn được tặng sách. Riêng Bích Ti đã tự tay cắm một chậu lan hồ điệp trắng thật đẹp mà chúng tôi đã đem lên nhà quàn để phúng tiễn anh Thư và để cháu Thoại đem về nhà sắp cúng chị Yến.
(1) Đây là nhóm sinh hoạt chặt chẽ trong suốt 3 năm qua để sưu tập các sáng tác của anh Doãn Dân tưởng đã thất lạc sau khi anh bỏ mình vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, và đã cho ấn hành Tuyển Tập Doãn Dân vào cuối tháng 4/2022 với sự trợ giúp của anh Trần Hoài Thư. Công cuộc đi tìm các sáng tác của thân phụ sau hơn 50 năm đã gặp những cơ duyên kỳ thú trên đường tìm kiếm và đã thu phục được hầu hết các tác phẩm của nhà văn Doãn Dân, ngoại trừ một truyện mang tựa đề "Cái Vòng" đăng trên nguyệt san Chỉ Đạo ngày trước, mà họ đang còn nỗ lực tìm kiếm. Vị nào biết xin mách giúp. Đa tạ.
(2) Con trai của anh Trần Quí-Phiệt, trưởng huynh của anh Trần Quí-Sách.
Nguon : Fb Tô Thẩm Huy
|