Nov 23, 2024

Tin tức

Nhà Đà Lạt học Lê Phỉ qua đời
NGUỒN INTERNET * đăng lúc 03:22:09 AM, Jun 11, 2024 * Số lần xem: 155
Hình ảnh
#1
#2
#3

 


              

      'Nhà Đà Lạt học' Lê Phỉ qua đời


Ông Lê Phỉ, người được mọi người yêu mến gọi là 'nhà Đà Lạt học', vừa qua đời ở tuổi 97. Ông là người có dấu ấn lớn trong suốt hành trình phát triển của Đà Lạt.  

"Nhà Đà Lạt học" Lê Phỉ nhận huy hiệu Bạn đọc cùng làm báo của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: M.V.

Ngày 7-6, ông Lê Phỉ đã qua đời. Nhiều người Đà Lạt nghe tin bỗng bần thần. 3 ngày sau (10-6), khi gia đình sắp đưa ông về nơi yên nghỉ cuối cùng, cảm xúc đó vẫn chưa vơi đi được. 

Ông đi, Đà Lạt mất đi một người con yêu thương xứ sở đến tận những hơi thở cuối cùng.

Ông Lê Phỉ người Quảng Trị, nổi danh là "nhà Đà Lạt học"

Khi lớn tuổi, không di chuyển xa, ông Lê Phỉ dành thời gian nghiên cứu đông y và giúp được nhiều người -
Ảnh: M.V. 

Sở dĩ ông Lê Phỉ được người dân gọi là “nhà Đà Lạt học” vì ông là người được giới phóng viên tìm tới để ghi nhận những câu chuyện về Đà Lạt trong vài chục năm trở lại đây.

Mỗi câu hỏi về Đà Lạt cổ kim đều được ông lý giải cặn kẽ với những tài liệu xác thực, minh chứng khoa học.

Ông Lê Phỉ có khả năng lý giải Đà Lạt từ góc độ lịch sử và cả giai thoại khiến những câu chuyện về Đà Lạt lung linh, huyền ảo, hấp dẫn, dù ông là người sinh ra ở Quảng Trị. 

Sự xuất hiện thường xuyên trên những trang báo đã khiến nhiều người yêu mến gọi tên: ông Lê Phỉ - nhà Đà Lạt học.

Ông Lê Phỉ có những kiến giải sâu sắc về Đà Lạt ngoài sự tìm tòi cá nhân thì còn nhờ sự tích lũy trong quá trình làm trong ngành giáo dục và hướng đạo sinh.

Theo những tư liệu được ghi chép bởi nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, Trường tư thục Việt Anh được thành lập ngày 24-4-1958, tồn tại cho đến 1975. 

Với người sống ở Đà Lạt trước 1975 thì hai ngôi trường tư thục gắn với hai vị hiệu trưởng danh tiếng luôn được kể cùng nhau, đó là Việt Anh của thầy Lê Phỉ và Văn Học của thầy Chử Bá Anh.  

 Trường Việt Anh (Đà Lạt) khi xưa do ông Lê Phỉ sáng lập và làm hiệu trưởng - Ảnh tư liệu

Trong thời gian Trường Việt Anh mở cửa, ông Lê Phỉ vừa là hiệu trưởng vừa là giáo sư lý hóa.  

Ông tuyển dụng được nhiều giáo sư tâm huyết về dạy trong trường, phải kể đến: Tôn Thất Thanh, Mai Liệu, Lê Văn Phổ, Nguyễn Văn Cẩn, Dương Kỵ (dạy văn chương), Trần Thị Xuân An (dạy nữ công gia chánh), Lê Văn Luyện (thể dục, nhu đạo)... 

Đặc biệt là mời được thi sĩ Phạm Công Thiện về dạy sinh ngữ (những năm 1962-1964) hay nhà nhiếp ảnh Trần Văn Châu về dạy nhiếp ảnh.

Riêng ông Lê Phỉ, ngoài vai trò là một nhà giáo, ông còn được người dân Đà Lạt biết đến là một nhân sĩ trí thức nhiều năm làm chủ tịch Hội đồng thành phố (đầu thập niên 1960) và là huynh trưởng hướng đạo của đạo Lâm Viên. 

Ông là một chứng nhân quan trọng của lịch sử đô thị, đồng thời cũng là người lưu trữ nhiều tài liệu hình ảnh về Đà Lạt.

Khi về già, hạn chế đi lại, ông ẩn dật, nghiên cứu về đông y, châm cứu để chữa trị miễn phí cho nhiều người cần.

Không ganh tị nhưng phải tranh đua

Ông Lê Phỉ sống tại số 3 Tương Phố (P.9, Đà Lạt) gần 10 năm qua. Trước đó ông sống trong một căn nhà nhỏ tại đường 2 Bà Trưng (P.5, Đà Lạt).

Ông sinh ra tại xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Theo nhà văn Trần Ngọc Trác, ông Lê Phỉ đến Đà Lạt lúc ngoài 20 tuổi và gắn bó với Đà Lạt đến khi qua đời.

"Thầy không bảo các em háo thắng nhưng cần cố gắng, thầy không khuyên các em ganh tị nhưng phải tranh đua. Và hôm nay, cũng như bao nhiêu ngày qua, nhìn các em tung tăng vô tư như những con sáo, các thầy cảm thấy nhẹ nhàng và cứ muốn trẻ mãi với các em. Các thầy cũng còn thấy hãnh diện đã được đảm nhiệm một thiên chức cao quý và chẳng bao giờ nghĩ rằng đó là một công việc bạc bẽo...".

Những lời tha thiết đó trích từ bảng tưởng thưởng học sinh học tốt mà thầy giáo Lê Phỉ đọc trước học sinh niên khóa 1958-1959.

(Tư liệu của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên)


Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.