Nov 21, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Lẽ Nào Đây Là Kiếp Nạn Của Người Tu 💛
NGUỒN : FACEBOOK * đăng lúc 04:03:43 AM, May 20, 2024 * Số lần xem: 171
Hình ảnh
#1
#2
#3

 

    *      
 

LẼ NÀO ĐÂY LÀ KIẾP NẠN CỦA NGƯỜI TU?
                          

                
Thử xét trên góc độ luật pháp, hoàn toàn không bàn về giáo hội và tăng đoàn thử xem sao?!

1. Sư Thích Minh Tuệ có xưng danh mình là sư không?

2. Sư Thích Minh Tuệ có nhận cúng dường không?

3. Sư Thích Minh Tuệ có kêu gọi Phật Tử cúng dường không?

4. Sư Thích Minh Tuệ có nhận đệ tử không?

5. Sư Thích Minh Tuệ có kêu gọi người khác đi theo mình không?

6. Sư Thích Minh Tuệ có đến các chùa hoặc tịnh xá để tá túc không?

7. Sư Thích Minh Tuệ có tuyên bố mình trực thuộc Giáo Hội Phật Giáo không?

8. Sư Thích Minh Tuệ có kêu gọi hay tuyên bố mình là Giáo Chủ của một giáo phái nào không?

9. Sư Thích Minh Tuệ có nhân danh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam để thuyết giảng triết lý nhà Phật không?

10. Sư Thích Minh Tuệ có hành vi nào gây rối trật tự công cộng không?
Với mười câu hỏi này, cần trả lời một cách rốt ráo. Đương nhiên qua những gì mạng xã hội ghi lại, vì sư không viết sách, không có trước tác, cũng không tạo bất kì thông điệp xã hội nào, ông chỉ tâm sự, trò chuyện và người ta ghi lại, tung lên mạng xã hội, bản thân ông chưa chắc đã biết rằng mình đang nổi tiếng trên mạng xã hội.

Ở câu hỏi thứ nhất, chúng ta, Phật Tử gọi ông là Sư, chứ bản thân ông không xưng Thầy hay Sư với bất kì ai, ông chỉ nhận/xưng mình là Con trước bất kì người nào (sự quan sát này thông qua các video clip trên mạng xã hội).

Ở câu hỏi thứ hai, sư Thích Minh Tuệ có nhận cúng dường, nhưng không nhận đại trà và đứng ở góc độ xã hội mà nhìn nhận thì những gì ông nhận từ bá tánh còn ít ỏi, khiêm cung và tằn tiện hơn cả những người ăn mày nghèo khổ.

Đến câu hỏi thứ ba, ông hoàn toàn không kêu gọi Phật Tử cúng dường, thậm chí chiếc bát ông mang trong người không phải là chiếc bát của nhà tu, mà chỉ là chiếc nồi cơm điện ai đó bỏ đi, ông nhặt và dùng làm bát khất thực, độ nhật để tiếp tục đi. Hơn nữa, ông chỉ nhận vừa đủ ăn, không nhận thêm thứ gì ngoài thức ăn và nước uống.

Những người đến xin qui y theo ông, ông lắc đầu từ chối, ông nói rất rõ ràng: "Con không nhận ai đi theo mình và con cũng không xua đuổi ai...", bởi đơn giản, ông đi con đường của ông, người khác thích thì đi cùng đường với ông, đường là của chung, của nhân dân, của quốc gia, của dân tộc, đâu có phải đường của riêng ai, nên ông đâu có quyền đuổi, và ông cũng không rủ rê. Giả sử người ta hâm mộ, theo đuổi và tôn sùng ông thì đó là quyền tối thiểu của mỗi người, ông đi đường ông, họ đi đường họ, tụ tập thành đám đông là do họ, việc đó có công an, chính quyền giải tán, ông không thể làm cái việc giải tán hay chịu trách nhiệm về các đám đông tự phát kia được..

Và, biểu hiện chính thức của một tu sĩ chính thống: Hoặc là đến các Tịnh xá (Vihara) hoặc các Chùa (Pagoda) để tá túc. Đặc biệt, các sư thuộc Phật Giáo Nguyên Thủy hoặc theo phái Khất Sĩ của Ngài Minh Đăng Quang thường chọn tịnh xá để tá túc. Xin nhấn mạnh, các tịnh xá mới là nơi các sư tu tập, chùa chỉ là nơi để sinh hoạt, có tính chất xã hội của Phật Giáo và nơi hoằng dương, thuyết giảng hoặc phổ biến kinh sách, hoàn toàn không phải là nơi tu tập. Nơi tu tập phải là Tịnh Xá, và các sư không ai được ở lại tịnh xá quá ba ngày (thời xa xưa), còn sau này thì không được ở lại quá ba tháng nhằm tránh tình trạng chấp thủ, lười đi hoằng dương và tu tập. Sư Thích Minh Tuệ không đến chùa hay tịnh xá, ông chỉ ngủ ở nghĩa trang, một nơi vắng vẻ nào đó hoặc giữa đồng.

Sư Thích Minh Tuệ hoàn toàn không tuyên bố mình trực thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và ông cũng tuyên bố mình không trực thuộc tăng đoàn nào cả. Điều này cho thấy thông báo (hình bên dưới) là bằng thừa, vì nó thông báo một điều người ta đã nói rồi, đã biết rồi.

Sư Thích Minh Tuệ không tuyên bố mình là Giáo Chủ bất kì giáo phái nào. Ông bộc bạch rằng bản thân ông tự tu tập và học hỏi trên đường đi, ông tu và nếm trải mọi nỗi khổ, gian nan của đời sống này để thấy rằng khi con người an nhiên với sự khổ nhọc thì chân hạnh phúc hiển lộ.

Đến câu hỏi thứ chín, sư Thích Minh Tuệ có nhân danh Giáo Hội Phật Giáo để thuyết giảng điều gì không? Hoàn toàn không, ông không nhân danh Giáo Hội Phật Giáo để thuyết giảng, và ông cũng chỉ bộc bạch, tâm sự về đường đi, đường tu của mình chứ cũng chẳng thuyết giảng thứ gì to tát. Ông là một hành giả, vô chấp, vô ngại, mang dáng dấp của tinh thần Phật Giáo nguyên ủy.

Tôi còn tưởng rằng Giáo Hội Phật Giáo sẽ hoan hỉ vui mừng vì có một sinh linh trong cuộc đời này mang dáng dấp khổ hạnh của Đức Cồ Đàm và kêu gọi các Phật Tử hãy mở lượng từ bi mà tạo không khí thật tốt để những người tuyệt vọng trong đời sống này thấy được một điểm tựa, đường thoát (dù là tạm thời). Đằng này, có vị còn đặt câu hỏi, tỉ như: "Ai cũng tu, cũng đi lang thang như Thích Minh Tuệ thì lấy gì để sống? Thích Minh Tuệ tạo ra được sản phẩm/thặng dư gì cho xã hội...?" chẳng hạn! Thì chúng ta đang rơi vào ngụy biện và ác ngôn.

Ngụy biện bởi nếu sờ lại ót mình, các sư chính thống cũng giật mình vì họ không tạo ra được sản phẩm gì cho xã hội, không tạo ra được thặng dư cho xã hội, thậm chí nhận tiền cúng đường hàng tỉ, hàng chục, hàng trăm tỉ cũng chẳng đóng thuế cho nhà nước. Tu là vậy, giá trị họ tạo ra là giá trị tinh thần, giá trị tâm linh, thặng dư của người tu là tinh thần, thặng dư yêu thương và tâm linh.
Vậy thì sư Thích Minh Tuệ chỉ ăn mỗi ngày một bữa, chẳng làm phiền tới ai, chẳng xin tiền bạc, chẳng kêu gọi đóng góp xây chùa, giá trị thặng dư của ông tạo ra là hình ảnh kham khổ, chân chất, tịnh khiết và khiêm nhu của một con người. Và, trong thời đại thực dụng này, hình ảnh ông tạo ra thật đáng quí và cao đẹp, lẽ nào chúng ta bụng dạ hẹp hòi đến mức bắt ông phải tạo ra thặng dư kinh tế sau khi ăn mỗi ngày một bữa của bá tánh sao?! Và khi chúng ta đặt câu hỏi về giá trị thặng dư của Thích Minh Tuệ thì vô tình đang đá xéo sang giá trị thặng dư của rất nhiều tăng ni đấy!

Và đến thời điểm này, sư Thích Minh Tuệ không có hành vi nào gây rối trật tự công cộng, cũng chẳng tụ tập đám đông. Bởi ngay từ đầu, ông đã khẳng định "không nhận ai đi theo và cũng không đuổi ai vì con không có quyền đó, đường con thì con đi...".

Với tất cả những gì đã và đang diễn ra, có thể nói rằng sư Thích Minh Tuệ hoàn toàn không vi phạm pháp luật, có chăng là ông không có giấy tờ tùy thân. Trong trường hợp khác, nếu ông có giấy tờ tùy thân, có chứng minh nhân dân (chứ không phải thẻ căn cước) để tên thế tục của ông thì tin rằng chính quyền, nhà nước sẽ can thiệp, giúp đỡ ông có được thẻ căn cước.

Và nói nghiêm túc, giữa lúc kinh tế suy thoái, giữa lúc thất nghiệp, hình ảnh của một người kham khổ, đạm bạc và yêu thương đời sống này đóng vai trò rất lớn trong việc lên dây cót tinh thần cho đại chúng. Bởi, thay vì nhìn thấy mọi thứ khó khăn, khốn đốn, người ta sẽ thấy tấm gương của người ăn mỗi ngày một bữa, không có tài sản mà vẫn hạnh phúc, an lạc. Biết đâu, đây là là chìa khóa tâm lý để con người tìm thấy sự bình yên, an lạc trong lúc khốn khó, thay vì bất mãn, người ta lại thấy viên mãn...!

Ngược lại, trong lúc kinh tế khó khăn, đất nước, con người phải gồng lưng vượt qua gian khổ mà có nhiều sư kêu gọi cúng dường, thậm chí hù dọa rằng cúng tiền lẻ là hà tiện, là cái tâm hẹp hòi, kêu gọi người ta cúng dường cả nhà để ra đường mà ở... thì e rằng mối loạn xã hội lại nằm chính chỗ này. Gia đình tan nát vì mái ấm bị lung lay, đây là đẩy người ta đến chỗ đường cùng bằng ngụy ngữ chứ chẳng phải gieo duyên gì!
 
Thiết nghĩ, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam nên xem xét lại tư cách, đạo đức cũng như hành trạng của các sư kêu gọi cúng dường vô tội vạ, nhằm vãn hồi trật tự tôn giáo và củng cố niềm tin, tâm linh của dân tộc thì đúng hơn!
Tôi tin rằng có thể một tập thể nào đó sai lầm, nhìn nhận sai tinh thần nguyên ủy của Đức Cồ Đàm vì một lý do hay mối lợi nào đó... Nhưng chính quyền, nhà nước sẽ có biện pháp xử lý sáng suốt, thông minh, hợp lòng dân và thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật. Tôi tin là vậy!

Nguồn : FB Liêu Thái



                          🌿💛🥀
 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.