Nov 21, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Thương tiếc nhà thơ Tường Linh
Tường Linh * đăng lúc 03:19:01 PM, May 11, 2024 * Số lần xem: 142

Thương tiếc nhà thơ Tường Linh

15.03.2021
 

 

Thương tiếc nhà thơ Tường Linh

Nhà thơ Tường Linh có tên khai sinh Nguyễn Linh, sinh ngày 12-12-1931 tại làng Trung Phước, huyện Quế Sơn (nay là Quế Trung, Nông Sơn), tỉnh Quảng Nam. Ông xa quê từ năm 1954, ra sống ở Huế, Quảng Trị. Đến năm 1956 thì vào định cư ở miền Nam. Hiện này nhà thơ sinh sống cùng gia đình tại số nhà 72/6 đường Bạch Đằng, phường 24, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Tường Linh sáng tác nhiều từ những năm 1950, nổi tiếng với những bài thơ về tình yêu quê hương đất nước. Ông thuộc lớp các thi sĩ Quảng Nam xuất hiện vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bài thơ Chị Điện Hòa (1950) và Năm cụm núi quê hương (1954) của ông được nhiều người thuộc lòng, mãi cho đến nay. Năm 2011 Tường Linh đã thực hiện một tuyển tập thơ dày 672 trang do Nhà xuất bản Văn học phát hành.

Các tập thơ của Tường Linh đã xuất bản: Thơ tập làm thuở nhỏ (in thạch bản tại Tam Kỳ, 1950);  Mùa đi (in thạch bản tại Bồng Sơn, 1953); Mùa hoa cải (in tại Huế, 1955); Mây cố quận (NXB Tao Đàn, Sài Gòn, 1962); Nghìn khuya (NXB Tao Đàn, Sài Gòn, 1965); Thu ơi từ đó (NXB Tao Đàn, Sài Gòn, 1972); Giọt cổ cầm (NXB Đà Nẵng, 1998); Về hỏi lại (NXB Đà Nẵng, 2001); Thơ Tường Linh tuyển tập (NXB Văn học, 2011)

 Nhà thơ Tường Linh - một người con của quê hương xứ Quảng - đã ra đi ngày 5/2/2021 (nhằm ngày 24 tháng Chạp năm Canh Tý), hưởng thọ 91 tuổi. Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng chia buồn cùng gia đình và bạn hữu nhà thơ Tường Linh.

Tạp chí Non Nước trân trọng giới thiệu đến bạn đọc chùm thơ Tường Linh.

 

Đi giữa đôi bờ

Tôi về, thuyền ngược nước sông Thu

Thăm thẳm nguồn xa, núi mịt mù

Mưa vẫn còn mưa, chiều vẫn lạnh

Đôi bờ hiu hắt, bãi hoang vu

 

 Đứng lặng trong mưa Vĩnh Điện buồn

Chân cầu trắng xóa nước sông tuôn

Thuyền lên mắt nuối bờ sông khuất

Cổ tháp Bằng An lạnh lẽo hồn

 

 Qua nhánh sông này, mưa, vẫn mưa

Có gì khơi lại nỗi niềm xưa

Tình ơi, Giao Thủy hai nguồn nước

Gặp gỡ nhau sao chẳng đợi chờ?

 

 Bến mộng Gia Hòa xanh ngát dâu

Áo tơ vàng cũ biết tìm đâu

Con đường dương liễu reo ngày trước

Dương liễu chiều nay vọng nhạc sầu

 

Núi điệp trùng vây, quê ta ơi!

Về đây người lại nhớ nhung người

Chợ chiều Trung Phước mờ sương khói

Dâu biển bao nhiêu lắm đổi dời!

 

 Mai sớm tôi đi, thuyền xuôi dòng

Đôi bờ, xin gửi chút thương mong

Quê hương chớ gọi tôi là khách

Bài độc hành ca viết chửa xong.

 

Quê nhà, 9-9-1964

 

Mây Cố Quận

Dừng lại quán lưng đèo uống rượu

Một mình đối mặt với non cao

 

Khói dâng lũng thấp, sườn mây nhạt

Tiếng suối xa reo, phải núi chào?

 

Vươn cánh đại ngàn chạm trắng mây

Quần sơn, thạch trận vẫn bày đây

Không là tráng sĩ hồi nguyên quán

Rượu đón, đèo xưa chén mãi đầy

 

Ngứa tay, đâu có gươm mà vỗ

Bi tráng... phân vân tiếng khóc cười

Vó ngựa ruổi qua thời lửa rực

Không còn về với tuổi đôi mươi

 

Chủ quán! Rót riêng ly rượu mới

Để ta mời núi luận anh hùng

Núi im, chẳng lẽ mình ta luận?

Lại uống mà suy chuyện thủy chung

 

Mây lượn ngang đèo sang hướng tây

Hướng tây mẹ đợi vóc hao gầy

Lời kinh khuya nuối liềm trăng khuyết

Tuổi hạc nghe tường ý cỏ cây

 

Cố quận ngày về ta với ta

Đèo cao nắng hửng phía quê nhà

Uống thêm ly nữa và đi tiếp

Rượu bốc lời thơ gởi gió xa.

 

Uống rượu với ông lái đò bến cũ

Ngồi nán lại ngắm trăng cùng với lão

Khuya rồi khỏi ngại khách sang sông

Rượu còn hơn nửa chai cũng đủ

Nhớ lung tung và chuyện thêm nồng

 

 Ngày chú nhỏ bỏ làng đi biệt

Lão cũng vừa chí tuổi trung niên

Tuổi đời cách chẵn hai con giáp

Ba mươi năm, chú lưu lạc bao miền?

 

 Thưa, cụ vẫn đưa đò không nghỉ

Đưa đò ròng rã bấy nhiêu năm?

 

 Cũng như chú nhỏ làm thơ vậy

Nào khác đưa đò cho thế nhân

Phần lão đi hoài không thấy đến

Trên sóng đâu quyền được mỏi chân?

 

Chén này chú phải cạn nguyên chén

Ơ kìa sao mắt lại se buồn?

Chú về khuya khoắt gay tôm cá

Chỉ có trăng đầy với rượu suông!

 

 Cháu hỏi câu này không phải lắm:

Cụ có bao giờ muốn đổi thay

Cái nghề đi mãi mà không đến

Lắm dập vùi xưa, bạc bẽo nay?

 

 Ông lão ném chai vừa hết rượu

Làm xao nhẹ mặt sóng lăn tăn

Trả lời, chỉ tiếng cười khanh khách

Chỉ tiếng cười lay buốt ánh trăng...

 

Sinh nhật 12-12-1991

 

Tuổi con ngựa

Mẹ kể rằng tôi sinh vào tháng chạp

Tiết trời sau đông chí lắm sương mù

Quê thung lũng như được dầm trong sữa

Bấc khuya luồn lạnh cóng cả lời ru

 

 Mẹ lo lắng cho đứa con tuổi Ngựa*

Chạy cả đời danh lợi chẳng bằng ai

Mâm thôi nôi lại bốc nhầm cây bút

Lượm hòn xôi, xấp bạc vứt ra ngoài

 

 

Mẹ thường kể vào một ngày tháng chạp

Như món quà thêm tuổi của thằng con

Chỉ có vậy, không tiệc mừng sanh nhật

Tiếng thác ngàn dội lại giữa sườn non

 

 Và sương trắng cứ tầng tầng lớp lớp

Quánh đặc trời buổi sáng lúc vào đêm

Đường liên ấp hai bờ tre sướt mướt

Những ngọn đèn xóm vạn hắt hiu thêm

 

 Sương sa đậm tận mấy ngày giáp tết

Đến chợ làng bóng mẹ tựa trong mây

Sông thức giấc phả ngược luồng gió chướng

Thổi cong rèm sương phủ, hạt sương rây

 

Vó câu nhi lên đường chiều tháng chạp

Mang theo đời ký ức tháng mù sương

Hí gió bấc từ góc miền luân lạc

Chạm hồn mùa sương lạnh phía quê hương.

 

* Tác giả tuổi Canh Ngọ, chào đời cận tết nguyên đán nên sang năm dương lịch 1931.


Nguồn : Internet

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.