Nov 24, 2024

Biên khảo

Vì Sao Cứ Lẩm Nhẳm Nam Mô A Di Đà Phật
NGUỒN : FACEBOOK * đăng lúc 08:07:09 PM, May 04, 2024 * Số lần xem: 181
Hình ảnh
#1
#2
#3
#4
#5
#6

 

            
         
         
 
     VÌ SAO CỨ LẨM NHẨM
    
                "NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT" ???

 Nhân dịp scandal hết giải hạn chùa Phúc Khánh lại tới giải vong chùa Ba Vàng đang gây ồn ào dư luận, lần này tôi xin được tiếp tục serie những góc nhìn cá nhân về văn hoá Á Đông bằng tóm tắt các phái Phật giáo. Bài viết được đơn giản và "bình dân hoá" cho mọi người dễ đọc, cố gắng không sử dụng các thuật ngữ chuyên môn. Mong mọi người sẽ có cái nhìn trong sáng hơn về tôn giáo lớn nhất châu Á này.

Tiến trình mấy ngàn năm lịch sử từ ngày Thích Ca Mâu Ni giác ngộ 49 ngày dưới gốc cây Bồ Đề đến nay đã trải qua biết bao thăng trầm, sinh ra biết bao môn phái, phương pháp tu tập do người đời sau tạo ra với những biến thể cả tích cực lẫn tiêu cực.


☀️ PHẬT GIÁO NGUYÊN THUỶ (TIỂU THỪA)

Đây là sự khởi đầu và cơ bản nhất của Phật giáo. Đức Phật là một người bình thường, chỉ là đã GIÁC NGỘ. Phật giáo không phải là tâm linh tín ngưỡng duy tâm gì, mà là MỘT CON ĐƯỜNG. Diệt khổ, thoát khỏi vô minh để được giải thoát (tứ diệu đế). Phải gọi đây là một cách tư duy cực kỳ Duy vật biện chứng.
Các bạn vào những ngôi chùa ở Nam bộ (hay Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ) sẽ thấy chỉ thờ duy nhất một vị Phật (mang tính tượng trưng) dù với nhiều dáng vẻ khác nhau, thể hiện các tích cổ trong Kinh phật.

Phật giáo nguyên thuỷ đề cao nỗ lực TU TẬP của bản thân, chỉ chính mình mới giải quyết được các vấn đề của bản thân mình. Phật không tác động được cả hữu hình lẫn siêu hình lên khách thể. Nên không cho, không nhận, không thưởng không phạt. Đi chùa đừng xin gì!

Phật giáo nguyên thuỷ cũng không dạy phải ăn chay. Ăn gì cũng được, đi khất thực xin gì ăn nấy, miễn không phải vì mình mà sát sinh. Ăn để tồn tại và tu tập, ăn là "công cụ" chứ không phải là mục đích, không phải là để thưởng thức hay sinh ra dục. Khi coi mọi thứ là một sự thật hiển nhiên và không màng là được.

Vô thường và giác ngộ tuyệt đối, ai cũng có thể tu tập trở thành Phật.
Phật giáo thực ra lý thuyết vô cùng "đơn giản" như vậy đấy.

⭐️ PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA

Khi du nhập vào các quốc gia khác, đặc biệt là khi va nhập với văn hoá Trung quốc, Phật giáo đã biến đổi và tạo ra các dòng tu mới, các hệ thống kinh luận mới DO CON NGƯỜI ĐỜI SAU TẠO RA. Hệ thống thánh thần mới được sáng lập với vô vàn Phật, Bồ tát, La hán... với quyền năng & pháp thuật riêng, thậm chí có cả pet riêng (mà đa phần lại xuống hạ giới gây rối). Các bạn xem Tây Du Ký sẽ thấy được hệ thống thánh thần này rất rõ. Hiện nay, phật giáo đại thừa có rất nhiều nhánh khác nhau, xin được giới thiệu đến các bạn ba phái chính rất phổ biến hiện nay là Thiền tông, Mật tông & Tịnh độ tông. Phật giáo đại thừa còn được gọi là Phật giáo Đại chúng.

🌿 THIỀN TÔNG (ZEN) 🌿

Được sáng lập bởi Bồ Đề Đạt Ma vào khoảng thế kỷ 6, 7. Chủ yếu phổ biến ở TQ, Nhật Bản & Việt Nam. Kế thừa từ việc 49 ngày thiền của Thích Ca, Thiền tông cho rằng người tu tập TOẠ THIỀN là con đường ngắn nhất nhưng cũng gian khổ nhất để đến với giác ngộ.

Nôm na là môn đồ phái thiền học cách buông xả phiền não, ngồi thiền cho tâm tĩnh lặng và trống rỗng. Nhiều vị hoà thượng đã thiền định đến khi chết, cơ thể không cần ăn uống và cũng không mục ruỗng, hài cốt sau khi hỏa thiêu hoá thành xá lị.

Để nhận biết một môn đồ thiền tông đó là người thường có xu hướng trốn xã hội lánh vào với núi rừng, và ngồi tĩnh lặng ngày này qua tháng khác (khá giống anh Vũ Trung Nguyên).

Các thiền viện mọc lên khắp nơi cũng là để phục vụ cho phái này. Nhiều thiền phái nổi tiếng ở nước ta, điển hình như Trúc Lâm Yên Tử do Trần Nhân Tông sáng lập ra. Hay ngày nay việc thiền Vipapsana cũng rất phổ biến.

Thiền tông là sự tĩnh lặng, trái các phương pháp khác, không trì chú, không có những nghi thức rườm rà, những bài kinh khó hiểu. Thiền tông đưa sự sống con người về thiên nhiên, và tối giản mọi thứ. Thiền tông không cần chùa cao to rộng hoành tráng, thậm chí không cần tượng Phật, bát hương. Bất kỳ nơi nào thiền được trong tâm, đó là nơi thiền định.

Ngày nay, Zen chính là một lifestyle, một tinh thần và phong cách ứng dụng trong nhiều ngành nghề trong cuộc sống và được cả phương Tây hết sức chú ý và coi trọng.

👺 MẬT TÔNG

Cái tên nói lên tất cả, đây là một phái vừa ...bí mật vừa được bảo mật. Là sự kết hợp của Phật giáo đại thừa & Ấn độ giáo (từ thế kỷ 5,6) để giải quyết triệt để các nhu cầu giải đáp các hiện tượng siêu nhiên của con người, Mật tông lan sang TQ, Nhật, Việt Nam (Bắc tông) và Lào, Thái, Myanmar (Nam tông), và thực sự kết tinh và nở rộ tại Tây Tạng. Mật tông chia hai phái là Kim Cương Thừa & Chân Ngôn Thừa.

Nôm na cho các bạn hiểu là Mật tông có hệ thống trì chú, bùa phép phức tạp, thần chú, pháp khí, chuỳ kim cang với mandala tùm lum, chính vì vậy nó là sự bí mật và lưu truyền trong phạm vi rất hẹp, theo được & được theo là một sự khó khăn lớn. Hoà thượng còn đóng vai trò như một thầy pháp, trấn yêu, hàng quỷ. Pháp viện, chùa chiền, quần áo, bối cảnh, hành lễ rất cầu kỳ, hoành tráng (có thể nói là trái ngược với Thiền tông). Nhiều bộ phim Hollywood lấy cảm hứng từ những câu chuyện này. Hàng năm, những đại sư Mật tông hàng đầu thế giới thường tụ hội ở các đại lễ Phật giáo, trì chú, tụng kinh, làm phép để cầu cho hoà bình, cho thế gian được bình yên và giác ngộ.

Đức Đạt Lai Lạt Ma là người đứng đầu của hệ thống Mật tông Tây Tạng. Tại Việt Nam có những vị hoà thượng theo Mật tông rất nổi tiếng như cố hoà thượng Thích Viên Thành (trụ trì chùa Hương, hàng yêu sông Tô Lịch mới đâu đó 20 năm nay), hay trong lịch sử xa hơn như hoà thượng Minh Không, Từ Đạo Hạnh... với những câu chuyện tài phép trong lịch sử.

Tuyệt nhiên, không có hoà thượng phái Mật tông nào thu tiền để giải vong bằng chuyển khoản cả.

🌙 TỊNH ĐỘ TÔNG

Câu hỏi ban đầu là tại sao người Việt Nam đi chùa thì 99,99% là lẩm nhẩm câu Nam mô A di đà Phật?

Vì chúng ta đang (hầu như vô thức) niệm danh hiệu của Phật A di đà, là cốt lõi của phái Tịnh độ tông.

Ra đời thế kỷ thứ 4 tại Trung quốc do hoà thượng Huệ Viễn (TQ) sáng lập, chủ yếu chỉ phổ biến ở TQ, Việt nam & Nhật. Các hoà thượng phái này cho rằng khi vào giai đoạn Mạt pháp thì tự tu tập ...không ăn thua nữa, thứ hai là vất vả tu tập thiền định thì ...khó quá nên ít có thể phổ biến Đạo Phật rộng rãi đại trà cho nhiều tầng lớp.

Đặc trưng của phái này là niềm tin tuyệt đối vào Phật A Di Đà (một trong hàng vạn vạn vị Phật, theo những truyền thuyết phái Đại thừa). Vị này có phát nguyện là sẽ cứu độ tất cả ai chăm chỉ ...tưởng nhớ đến mình.
 
Vậy nên câu niệm "Nam mô A di đà Phật" nó không khác gì tính chất của câu "Oh my God" cả. Lúc này Phật trở thành một vị thánh thần tôn giáo với quyền năng cõi trên.

Chính vì vậy, trong hệ thống Phật giáo, phái này được xem là phái "dễ" nhất vì tin tưởng vào sự cứu rỗi từ bên ngoài, trông cậy vào sự cứu giúp của đấng siêu nhiên bề trên & khác với cốt lõi của Phật giáo nguyên thuỷ. Không cần tu tập đức tính bản thân nhiều, không cần ngồi thiền liên miên, không cần luyện tập, chỉ cố gắng tụng kinh niệm phật A di đà ...càng nhiều càng tốt (đây là nói nôm na ngắn gọn cho các bạn dễ hiểu). Và Phật A di đà sẽ phái Quán Thế Âm Bồ tát & Đại Thế Chí Bồ tát có mặt cứu khổ cứu nạn lập tức (nhưng lại phụ thuộc tuỳ vào sự "thành tâm" của người cầu, chính từ cái này mới sinh ra những cái gọi là công đức, cúng dường ngày nay). Cái này các bạn cũng có thể thấy ngay qua phim Tây du ký.

Và chính vì thế QUÁ HỢP với bản chất của người Việt!

☕️ LỜI KẾT

Bất kỳ phái Phật giáo nào cũng đều tốt đẹp và hướng thiện. Ngay cả Tịnh độ tông, cũng là mong muốn được an yên trong tâm, được cứu khổ cứu nạn, tai qua nạn khỏi, ốm đau thì được gặp thầy gặp thuốc, là những nhu cầu rất chính đáng của con người. Chỉ là để phù hợp với dân trí & những tầng lớp, năng lực khác nhau tạo ra những phương pháp tu tập hành pháp khác nhau. Bản thân tôi cũng cố gắng niệm Phật hàng ngày để cho an lòng, cũng gọi là một người đang mày mò tập thực hành tịnh độ.

Còn ngày nay, trong xã hội Việt Nam thực sự là vừa loạn pháp, vừa mạt pháp, tất cả là do dân trí & đạo đức quá kém và tín ngưỡng nửa vời.
---------
Nguồn : Fb Đóa hoa vô thường

                                  
     

 *

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.