Nov 21, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Nho Học Là Cái Chi Chi ? 💛
Mạc Ngôn * đăng lúc 07:03:21 PM, Apr 29, 2024 * Số lần xem: 285

 

*


Nho Học Là Cái Chi Chi?

     (Phê bình Ngô Thị Quý Linh)

 [Xin tự giới thiệu để giải thích lý do cho bài viết này: Thân phụ của tôi là một trong những người đỗ cử nhân Hán học cuối cùng trên đất Việt. Ông đã từng là quan huyện và giữ chức thẩm phán. Ông có hoài bão chấn hưng Khổng học và thực hiên ảo vọng đó bằng cách trở thành là một sáng lập viên và biên tập viên của hội Cổ Học Quảng Nam; báo của hội xuất bản định kỳ mỗi tam cá nguyệt và nhân cơ hội đó, ông sai thằng con út đọc/dò lại các bài ông viết. Trong hoàn cảnh như thế, dù muốn dù không, chữ nghĩa thánh hiền cũng ít nhiều chui vào đầu người viết này và y viết bài này vì cám cảnh tình trạng kiến thức của một số người nghĩ ta có khả năng cầm bút.]

   Bài tiểu luận Nhìn Lại Triết Thuyết Nho-Học do nhà nghiên cứu văn hóa hải ngoại (Oregon, USA) Ngô Thị Quý Linh [viết gọn thành ‘tác giả’ trong các phần kế tiếp] viết năm 2017  nên tương đối mới nhưng các dữ kiện trong bài thì lại cũ mèm và chỉ phản ảnh khả năng thu nhặt những dữ kiện lâu đời trong sách báo. Người đọc có thể mở link màu xanh ở trên nếu muốn đọc bài tiểu luận nhưng những ý chính trong bài được trích đăng (chữ nghiêng, trừ các từ Anh-Pháp) trong các đoạn văn ở dưới.

   Đoạn chót của bài tiểu luận là thế này: “Sách vở bàn về Khổng-tử và Nho-học hãy còn nhiều. Thiển nghĩ cách hay nhất để tìm hiểu Nho-học là tự mình đọc các sách căn bản của Nho-học là Tứ-thư và Ngũ-kinh và tự mình thẩm định triết thuyết Nho-học, không qua một sự phê bình nào cả.”. Nếu đã đọc qua những đoạn đầu thì người đọc sẽ phải buồn cười, nhưng nếu chưa đọc thì ta phải phân vân tác giả dựa trên những dữ kiện nào để có thể tuyên bố chắc nịch như thế. Tác giả chắc phải là người rành Hán tự và có khả năng đọc/hiểu cổ thư của người Tàu, phải không? Muốn thấy Tứ Thư và Ngũ Kinh thì chỉ việc bước vào một thư viện đại học, hay đơn giản hơn, chỉ cần biết cách dùng máy vi tính để vào internet; sách vở bàn về học thuyết Khổng-Mạnh còn nhiều ít bất thành vấn đề. Thử xem tác giả học được gì khi đọc các sách vở đó.

   Nhìn thoáng qua thì bài tiểu luận này trông có vẽ công phu nhưng hình như tác giả không rành Hán tự nên chỉ có thể cho ý kiến về nho học sau khi đọc  những sáng tác, nghiên cứu do các tác giả người Việt viết về đề tài đó. Và vì tác giả không hiểu rõ nho học là gì nên vài trích văn bà đưa ra phản ảnh những tư tưởng trái ngược về triết lý Khổng-Mạnh. Tựa đề với câu  ‘Triết Thuyết Nho-Học’ cho người đọc thấy rằng tác giả không rành nghĩa của các từ bà dùng. Nho học (không dấu nối) cho người Việt là lối học tư tưởng trên đất Hoa Lục xưa bằng cách đọc các cổ thư Hán tự, và vì có nhiều tư tưởng, triết lý trên ở đó, câu ‘triết thuyết nho-học’ không có nghĩa gì cả; ta chỉ có thể luận bàn về triết lý trong nho học vì ‘triết lý’ (哲理) và ‘triết thuyết’ (哲說) là hai cụm từ khác nhau. Triết lý là philosophy/philosophie và là điều mà tác giả muốn nói trong tựa đề và trong bài viết. Triết thuyết, trái lại, không phải là một cụm từ chính thức người Tàu dùng để nói về bộ môn triết học và không có trên internet chữ Hán!

   Tác giả viết về sự cần thiết của nho học nhưng muốn làm thế thì phải biết chữ “nho” và hình như tác giả không hiểu nho, và nho học, là gì! Thteo Thuyết Văn, từ 儒=nho là một từ hình thanh, gồm bộ 人=nhân chỉ nghĩa  và chữ 需=nhu chỉ âm. Nghĩa nguyên thủy của nho là “thuật sĩ / 術士”, để chỉ người có kiến thức và khả năng đặc biệt trong một lãnh vực nào đó và có thể dìu dắt hay dạy dỗ người khác. Thuật sĩ đây là từ tương đương với ‘chuyên gia’ và có thể dùng cho thầy thuốc, thầy giáo, thầy đồ, phù thủy, ảo thuật gia, đạo sĩ, v.v… Từ ‘nho’ không đồng nghĩa hay tương đương với từ ‘Khổng-Mạnh’ và nho học chỉ có nghĩa nôm na là học theo người xưa qua các tác phẩm viết bằng chữ Hán. Người thường hiểu nho học như là học triết lý Khổng-Mạnh nhưng thật sự ra, ngoài triết học, nho học gồm cả y học, dược học, chiêm tinh, phong thủy, bói toán, thủ công, nông nghiệp, v.v… theo lối người Tàu thời xưa. Nhiều nhà nho người Tàu xưa trở thành đạo sĩ lúc cuối đời.

   Và thế có nghĩa rằng trong lãnh vực triết lý, hay triết học, của nho học, ta học về tư tưởng của các triết gia khác ngoài Khổng Tử và Mạnh Tử, kể cả những người có nhân sịnh quan hay tư tường không giống hai bậc “thánh hiền” đó, như Lão Tử, Trang Tử chẳng hạn. Muốn làm chuyện nho học thì phải biết chữ “nho”, hay Hán tự. Biết Hán tự và hiểu được cổ thư là chuyện tối cần thiết nếu ta nhớ ra rằng triều đình thời Đường Huyền Tông thành lập Hàn Lâm Viện. thu thập những người văn hay chữ tốt trong toàn quốc Hoa Lục để đáp ứng nhu cầu đọc và hiểu cổ thư. Nếu người Tàu 12 thể kỷ trước còn gặp khó khăn trong việc đọc/hiểu cổ thư và kêu gọi thuật sĩ/chuyên gia Hán tự thì nói chuyện người Việt thời nay theo nho học là bàn việc không tưởng. Với người Việt thời xưa, nhà nho là người Việt biết chữ Hán (chân phương), còn gọi là chữ ‘thánh hiền”; chữ thánh hiền quý đến độ con dân nước Việt được dặn không dùng giấy có chữ nho để chùi đít khi đi cầu; có lý do gì để phải quý trọng sách báo với chữ giản thể bây giờ?

   Có lẽ vì tác giả không rành chữ Hán nên không thấy rằng chính người Hoa Lục bây giờ cũng không giỏi đọc cổ thư gì hơn người Việt vì đại đa số người Tàu chỉ đọc được các văn kiện dùng lối giản thể. Chữ giản thể giải quyết được nạn mù chữ trên đất Hoa Lục nhưng đưa đến những hậu quả không ngờ như viễn ảnh rằng chữ chân phương có thể biến thành cổ ngữ tựa như chữ Latin, và các ngôn ngữ địa phương vùng Lĩnh Nam,Bách Việt ngày xưa chết dần. Người Tàu còn không đọc/hiểu được cổ thư của tổ tiên họ thì làm sao mà người Việt thành công? Tác giả biết và viết về nho học sau khi đọc các tác phẩm về nho học do người Việt dịch và luận bàn, nhưng có lẽ tác giả không biết, hay nhớ, câu “dịch là phản dịch”. Muốn dịch thành công, dịch giả phải  nắm vững ngôn ngữ của nguyên tác và văn hóa của tác giả; và đây là chuyện trời ơi đất hởi khi nói về chuyện dịch và hiểu cổ văn viết bằng chữ Hán chân phương.  Dù muốn dù không, dịch giả luồn ý kiến cá nhân vào đề tài hay vào nhân sinh quan của tác giả trong nguyên tác nên mới có chuyện  Trúc Khê-Bùi Công Trừng và Ngô Văn Triện, hai nhà hoạt động “cách mạng”, tay chân của Hà  Nôi đưa  ý kiến trái ngược nhau về tranh luận Khổng Tử là duy tâm hay duy vật; hay việc Phan Khôi xem Khổng Tử là một “vô thần luận giả”! Tại sao lại nêu ý kiến về nho học của những người  chủ trương diệt bỏ tàn tích quân chủ, phong kiến trong nền móng chính trị Việt Nam? Các người đó hiểu triết lý trong nho học thế nào hay hiểu tư tưởng của Khổng Từ thế nào? Người nào đọc về Khổng Học cũng biết rằng căn bản của triết lý Khổng-Mạnh là thuyết thiên mệnh.  Muốn tin có thiên mệnh vì phải tin có Trời, hay thượng đế, và đã tin vào thiên mệnh thì làm sao có thể là người vô thần?

   Tác giả viết trong đoạn dẫn nhập: “Nếu đời trước cho rằng nền giáo dục nho-học có một mục đích cao đẹp, tại sao ngày nay không còn ai ngó ngàng đến nữa …” Có thể rằng đa số người Việt, kể cả chính quyền Hà Nội không ngó ngàng đến nho học nhưng chuyện trái ngược đã và đang xảy ra ở quê hương Khổng Tử từ đầu thiên kỷ nguyên thứ XXI khi Bắc Kinh bắt đầu chính sách chấn hưng Khổng học để mị dân và khởi bước đầu cho việc Tận Cận Bình trở thành vua Tàu vĩnh viễn trong tương lai. Tôi đã nhận chân điều đó từ quanh 20 năm nay, tác giả có biết điều đó chăng hay đang hoặc vô tình, hoặc cố ý cổ võ đường lối của/cho họ Tập?  Nếu mưu đồ của họ Tập là thế, người Việt, hay mọi người trên thế giới có nên tính chuyện tái lập nho học?

   Tác giả muốn tái lập nho học hay nho/Khổng giáo? Người viết hỏi câu này vì hình như tác giả không phân biệt được nho học và Khổng giáo. Tác giả xem nho học là một trong “tam giáo” nên người đọc phải kết luận rằng, đối với tác giả, ‘học’ và ‘giáo’ là hai từ tương đương. Theo nghĩa thông dụng, học là hành động nhận, hấp thụ những dữ kiện mới mà ta chưa biết, là tư thế của đám đệ tử, tín đồ, người dân quèn; và giáo là hành động cho, ban phát, là tư thế của giai cấp trí thức hay lãnh đạo. Hiểu như thế thì nho học không phải và không thể là một trong tam giáo. Từ giáo đứng cho tông giáo, lối người Nhật dịch từ religion. Một yếu tố chung của mọi tông/tôn giáo là sự cả tin vào một, hay nhiều, cá thể/quyền lực siêu nhiên với khả năng dìu dắt, phù hộ, cứu vãn tín đồ. Với định nghĩa đó cho tôn giáo thì nho giáo hay Khổng giáo không phải là một tôn giáo vì không ai cầu khẩn đức Khổng ân huệ nào hết. Sự kiện người Việt và Tàu ‘cầu Trời, khẩn Phật’ khộng phải là một hình thức hay kết quả của nho học mà chỉ phản ảnh căn bản của một nền văn hóa dựa trên sự mê tín.

   Trung và Hiếu là hai ý niệm phát xuất từ Nho-học.  Có thật vậy không? Trung và hiếu là hai nhu cầu tâm lý cần thiết cho trật tự xâ hội và hòa bình trong cộng đồng loài người. Nếu không có trung thì người dưới sẽ nổi loạn chống người trên, không có hiểu thì con sẽ phản cha mẹ. Có thể rằng đa số nhân loại không ý thức các nhu cầu tâm lý này nhưng các nhà “thuật sĩ” triết lý, tôn giáo và chính trị trên toàn thế giới thì biết rõ và sử dụng chúng như là công cụ để thao túng tha nhân. Và thế có nghĩa rằng không cần phải học ‘chữ nho’ người Việt hay bất cứ người nước nào cũng đương nhiên hành xử theo hai chữ trung và hiếu.

   Tác giả trích từ Phạm Quỳnh đoạn văn “Cái tên “nhà nho” không những là để chỉ người biết chữ, học đạo thánh-hiền trong Nho-giáo, lại là chỉ một giai-cấp trong xã-hội, tức là hạng thượng-lưu trí-thức trong nước” nhưng tác gải không để ý rằng các thầy đồ cũng là một loại nhà nho nhưng thường là nghèo mạt rệp và rất có thể không có kiến thức gì nhiều ngoài việc biết đọc chữ Hán. Cho tới khi thi đỗ trong các kỳ thi hương, hội và đình, người ‘tú tài bất xuất môn’ chưa chắc đã ‘tận tri thiên hạ sự’ vì một lý do chính của sự kiện thi hoài không đỗ là vì học chữ Hán và cổ thư không dễ gì; viết không đúng nét hay không hợp ý giám khảo thì không những không được chấm đỗ mà còn có ngày mất đầu vì tội phạm húy. Có sao Trần Tế Xương mới viết câu thơ “Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy”! Đa số tú tài thi hoài không đỗ có thể vì học từ những thầy đồ  chỉ biết lõm bõm nho học như thế. Và đoạn trích đăng trên hoàn toàn tương phản ý đoạn này, cũng từ Phạm Quỳnh: “Hương-nguyện là kẻ giả đạo-đức, ngoài mặt làm ra cái thái-độ cung-kính cẩn-nghiêm, mà kỳ-thực sẵn lòng hòa-đồng với lưu-tục, a-dua với kẻ hương-nhân bỉ-tiện. Hương-nguyện chính là thầy đồ quê biển-hiệp, không có nghị-lực, không có khí-khái gì, học đạo thánh-hiền mà hình như học đến đâu chỉ làm cho đạo hẹp đến đó, uốn nghĩa-lý của thánh-hiền cho vừa bằng cái tầm nhân-cách nhỏ-nhen của mình.” (“Nhà Nho”)….

   “Nay đạo Nho là vừa gồm cả luân-lý, cả tôn-giáo.” Đạo là  đường đi, lối sống, và đạo Nho là một cụm từ người Việt dùng để gọi thứ triết học cho luân lý học từ sách vở chữ Hán. “Đạo Nho” không phải là một tôn giáo vì điều kiện thiết yếu để xem một hệ thống tư tưởng như tôn giáo là sự thờ phụng một cá thể siêu nhiên để được hưởng ân huệ. Cho dù ta có thể thấy tượng Khổng Từ trong các đền thờ, không ai thờ Khổng Từ theo lối thờ Phật, Jesus/Marie, hay các vật tổ.

   Câu “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ …” đến từ chương Đại Học của Lễ Ký và có thể xem là ý tưởng tóm tắt của việc học chữ nho nhưng người đọc/nói phải hiểu rằng đây là những bước tuần tự trong việc tu thân và thành nhân. Điều phiền toái đầu tiên trong câu này là từ 修=tu; tu là một khái niệm nhân tạo, mỗi người tu một lối, cho một mục tiêu khác nhau. Tu trong chùa khác với tu trong nhà thờ Kito hay đền thờ Hồi giáo, và những người tu lối ẩn dật vẫn có thể thành người, theo chí nguyện của họ. Bước thứ nhì ‘tề gia’ cũng phiền phức không kém vì gương của các chính khứa hay tu sĩ đầy tai tiếng vì ấu dâm, ngoại tình, ly dị, biển lận công quỹ, v.v… cho ta thấy hình như họ tu chưa xong nên không thể … tề gia, khỏi nói đến chuyện trị quốc hay bình thiên hạ. Rất nhiều chính trị gia thế giới thành công trong việc trị quốc nhưng mấy ai tu thân theo lối nhà nho Việt? Ta phải chờ bao lâu mới có thể biết chắc là đã tu thành công, và đời có bao nhiêu người tề gia đúng lối, chưa nói đến các câu hỏi tất nhiên là lối nào, theo tiêu chuẩn nào?!

   Đức Khổng, con người biết thuận theo các định-luật của trời đất (Lễ)… Có thật vậy không? Giữa các luật vật lý và các nguyên tắc sinh lý, di truyền, tiến hóa  mà khoa học đã khám phá, lễ nằm ở phần nào? 禮=lễ là nghi thức, phép tắc hành xử với mục đích gìn giữ trật tự xã hội, và lễ chỉ là một khái niệm nhân tạo cho xã hôi loài người. Súc vật không có lễ nhưng vẫn trường tồn và thường chỉ tuyệt diệt vì thiên tai hay nhân tai. Lễ lối sharia của Hồi giáo hình như đã giúp đạo đó trường tồn hơn mười mấy thế kỷ, trong khi đó Phật tử lại lo viễn ảnh mạt pháp – pháp của Phật giáo có thể hiểu là một từ tương đương với lễ của Khổng giáo - 500 năm sau khi Thích Ca qua đời. Tại sao lại có những người muốn canh tân nước Tàu chủ trương bỏ nho học nếu lễ thật sự quan trọng hay cần thiết cho sự trường tồn của dân Hoa Lục?

   Đức Khổng, con người linh-động và uyển-chuyển (Dịch) … Đức Khổng, một chính-trị-gia (Luận ngữ, Đại Học) Không ai cãi rằng Khổng Tử không phải là một chính trị gia, nhưng ngài cũng là một chính trị gia hầu như luôn luôn thất bại, không phải vì thiếu tài trị nước an dân nhưng vì không gặp thời, hay không thức thời. ‘Dịch’ có linh động và uyển chuyển chăng là vì căn bản của dịch mù mờ, phản khoa học. Phần âm-dương của dịch còn có thể áp dụng trong nhiều lãnh vực nhưng căn bản ngũ hành đã lối thời từ khi hoa học khám phá ra các đơn chất và thành phần của các hợp chất. Và nếu không chấp nhận khái niệm ngũ hành thì khồng thể chấp nhận dịch, cũng tựa như nếu không mê tín thì không thể làm tín đồ một tôn giáo.  Và Khổng Tử có linh động và uyển chuyển chăng thì người viết này không hay, chỉ nghĩ rằng bỏ phí 15 năm tìm vua hiền, có thiên mệnh để phò tá để rồi phải tự tri thiên mệnh và rút lui khỏi chính trường thì hình như không linh động và thức thời cho lắm!

   Đức Khổng, một thi sĩ (Kinh Thi) Khổng Tử có thể là một thi sĩ nhưng các bài thơ, ca dao, đồng dao trong Kinh Thi là kết quả của việc sưu tập thi ca để bảo tồn hay tái lập nền văn hóa của nhà Chu. Người viết này không biết bài thơ nào do Khổng Tử sáng tác và chưa hề thấy ai gọi Khổng Tử là một nhà thơ hết.

   Đức Khổng, con người nghệ-sĩ (Nhạc) Nhạc và lễ đi chung với nhau và nhạc là một phần của lễ. Có thể rằng Khổng Tử thấy sự quan trọng của hòa âm và nhịp điệu trong đời sống và khi hành lễ, nhưng có thật Khổng Tử là một người có thể sáng tác, trình diễn hay thưởng thức nhạc trên phương diện nghệ thuật thì ta không biết.

   Tổng-luận: Đức Khổng ích lợi gì cho chúng ta? Khổng Tử thất bại trong nghiệp chính trị một phần vì thời ngài chưa có môn tâm lý học và chưa có ai như Richard Dawkins nghĩ rằng đời có cái gọi là the selfish gene. Nếu nho học thật sự có ích cho thể chế quân chủ Hoa Lục thì tại sao bao nhiêu triều đại ở đó thay nhau sụp đỗ từ thời nhà Chu, cho dù mọi triều đại đều do những nhà nho lãnh đạo, điều khiển? Khi mà con người còn sống trong ảnh hưởng của nỗi bất an hiện sinh và của cơ nhân tự kỷ thì các nguyên tắc lễ nghĩa của học thuyết Khổng-Mạnh chỉ làm lợi giới có địa vị, ưu quyền, hay tiền của. Đó là lý do Tập Cận Bình khởi xướng việc trùng tu các đền thờ đức Khổng. Văn hóa nào cũng tôn trọng các nguyên tắc trung hiếu trong đạo làm người, cũng phản ảnh khuynh hướng hành thiện, tránh ác, thưởng thức nghệ thuật, khuyến khích sáng tạo, v.v…; đâu cần phải học chữ nho mới biết làm những điều đó?

   Tác giả bài viết là đàn bà thì đúng ra phải hiểu rằng triết thuyết Khổng-Mạnh, hay nho học, phản ảnh sự thực đáng buồn bất bình đẳng nam-nữ trong mọi nền văn hóa toàn cầu. Câu ‘tam tòng tứ đức’ hoàn toàn lỗi thời rồi, ngay trong những xã hội chưa có phong trào nữ quyền/feminism.

   Người viết này có chút ít Hán học nhưng chắc chắn không phải là một nhà nho vì y học chữ Hán chỉ cốt để tìm hiểu nguồn gốc và chữ nghĩa của tiếng mẹ đẻ, không phải để trở thành một thuật sĩ chuyên bàn chuyện viễn vông và lỗi thời. Đã đành rằng ta có thể chấp nhận chính Khổng Tử là người khởi xướng nho học nhưng ta phải hiểu và nhớ rằng từ nho không đồng nghĩa với tên Khổng và điều Khổng Tử muốn khi san định kinh thư là trở lại lề lối chính trị thời Chu để thực hiện câu “nho dĩ đạo đắc dân” (nho là lối để được lòng dân, 儒以道得民, Chu Lễ). Thế có nghĩa rằng thầy Khổng muốn hành xử như chính trị gia, và học lại từ người xưa là cách độc nhất thầy có thể nghĩ ra để thực hiện cái hoài bảo an bang tế thế hay trị quốc, bình thiên hạ. Khổng Tử đã không thành công trong nghiệp chính trị, tại sao ta lại muốn theo vết xe đỗ, đi lại đường của thầy khi mà chiến chinh, nhân tai vẫn tái diễn hoài trên toàn thế giới? Trung Cộng trở thành một cường quốc bây giờ không phải nhờ Tập Cận Bình mị dân với triết lý Khổng-Mạnh mà nhờ đảng viên cộng sản Đặng Tiểu Bình khởi đầu việc cải cách kinh tế cuối thập niên 1980, vậy thì người Việt ly hương có nên ủng hộ Hà Nội hay ghi ơn già Hồ đã  khởi xướng việc “giải phóng” quốc gia?

  Tình trạng suy đồi của nền văn hóa quốc nội là chuyện đáng buồn và đáng lo, nhưng ta có nên khuyến khích việc không tưởng và vô bổ là học làm nhà nho thay vì tìm cách giúp người dân quốc nội giảm thiểu nạn Hán hóa trên quê hương?

Mặc Ngôn

Nguồn : Internet

💛

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.