Trường ca Roland -
Kiệt tác thi ca nước Pháp thời Trung Cổ-
Bài 1
Trường ca Roland hay Khúc hát Roland là một kiệt tác thi ca nước Pháp thời Trung Cổ, kể chuyện chiến đấu của vua Charlemagne năm 778 trong thế kỷ thứ IIX, vua Charlemagne lãnh đạo các lãnh chúa Âu Châu, Thiên Chúa Giáo đánh bán đảo Tây Ban Nha bị người Maure theo Hồi Giáo từ Bắc Phi sang chiếm đóng.
Hồi Giáo xuất hiện tại Arabie đầu thế kỷ thứ VII bởi Tiên Tri Mahomet. Trong 300 năm truyền đạo bằng quân sự đã chiếm toàn bộ vùng Bắc Phi, Hy Lạp, Albanie, Tây Ban Nha.. của Đế quốc Đông La Mã hay Byzantine và Đế quốc Sassanite. Năm 711, nhân trận dịch, nạn đói tại Âu Châu, Tariq Ibn Zyad, tổng trấn Tanger lập quân đội toàn người Berbère còn gọi là Maure, băng qua eo biển Gibraltar (do chữ djebel Tariq có nghĩa là núi Tariaq), qua eo biển Tariq cho đốt hết chiến thuyền của mình và tuyên bố « Quân thù phía trước, và biển phía sau » để khích lệ quân sĩ. Ngày 11-7-711, Tariq đánh bại vương quốc Wisigoth ông chiếm toàn bộ bán đảo Tây Ban Nha lập nước Al-Andalus theo Hồi Giáo, cuộc đánh chiếm tiếp tục và chỉ ngừng lại tại Poitier khoảng giữa nước Pháp vì bị Charles Martel, ông nội vua Charlemagne đánh bại năm 732, nhưng sự thống trị người Maure và các cuộc đấu tranh trên bán đảo Tây Ban Nha kéo dài gần 8 thế kỷ. Thế kỷ XV, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha mới đuổi được toàn bộ người Maure, và họ đã sáng chế ra chiếc thuyền từ ba đến năm cột buồm có thể vượt đại dương, mở đầu cuộc khám phá và chinh phục thế giới.
Trường ca Roland là một Odyssée, một Iliade của nước Pháp nhưng chúng ta không biết gì nhiều hơn tác giả Turold được ghi dưới văn bản « Turoldud declinet » là một du tử thi sĩ. Qua đoạn thơ Phần I, sứ giả Maure đề nghị vua thề nguyền trung thành ngày lễ thánh Saint Michel cứu người và Phần III Thánh Michel đưa hồn người Roland về cõi Thiên Đàng, là niềm tin vùng Normandie, các nhà nghiên cứu đoán biết Turold người Normandie, nơi có kỳ quan thắng cảnh Mont Saint Michel.
Các truyện thơ Âu Châu được các du tử « aèdes », hay « troubadour » những nhóm năm ba người, chuyên kể chuyện đọc thơ ca tụng anh hùng, và đệm đàn violon cổ và làm xiếc.. Các sử thi cũng được các du tử mỗi thời tùy hứng thêm thắt kể theo vần điệu, và được các tu sĩ ghi chép để lại trong các tu viện.. do đó Trường ca Roland bên cạnh các anh hùng như Roland, Olivier còn có giám mục Turpin.. Nếu Turold viết vào thế kỷ XI, thì được viết sau 300 năm chiến trận năm 778, Turold chỉ là một người tổng kết sáng tác lại theo những lời kể đời trước.
Các nhà nghiên cứu cho rằng Trường ca Roland được sáng tác và phổ biến rộng từ thế kỷ XI đến XIII do nhu cầu tám cuộc Thập Tự Chinh (1095-1291) nhằm chiếm lại Jésusalem, thánh địa Thiên Chúa Giáo bị Hồi Giáo chiếm đóng. Trường ca Roland ca ngợi vua Charlemagne và người cháu là Roland đánh quân Maure Hồi Giáo. Người nghe vào mùa biển động, mưa tuyết không đi đâu được, người dân ngồi nghe bắt chí cho nhau, nghe hát, và tưởng thưởng du tử vài đồng xu, các bữa ăn, manh áo. Các du tử kể chuyện thơ, từ lâu đài này sang lâu đài khác, thị trấn này sang nơi khác, họ được các lãnh chúa, người giàu có bao ăn ở và tưởng thưởng suốt thời gian, người nghe say mê, có các cô gái si mê trốn nhà đi theo các chàng du tử tài nghệ quyến rũ.. Nghề nghiệp này xuất hiện tại Âu Châu cách đây ba nghìn năm với nền văn minh Hy Lạp, La Tinh từ thời Homère với hai sử thi Odyssée và Iliade. Homère cũng chỉ có nghĩa là ông già mù, các nghiên cứu về sau, đưa ra nhiều giả thuyết phỏng đoán tên người du tử được kể trong truyện thơ.. Mãi đến thế kỷ XV, sáng chế ra máy in sắp chữ, các văn bản viết mới được phổ biến rộng, tên tuổi tiểu sử các tác giả mới được lưu ý tới.
Có thuyết cho rằng truyện được kể trên đường đi hành hương Saint Jacques de Compostelle. Từ nhiều nơi từ Pháp, Ý sang đến vùng Bắc Tây Ban Nha, họ đi bộ hàng tháng trời, trên đường đi có các trạm dừng chân trong các trang trại, tu viện.. họ kể truyện thơ để người hành hương quên đi những mệt nhọc trên đường.
Trường Ca Roland có một vai trò quan trọng trong việc hình thành lòng yêu nước của Pháp, từ sau sự sụp đổ Đế Quốc La Mã, Âu Châu bao gồm những lãnh địa nhỏ tranh chấp nhau. Từ các cuộc chiến tranh do Hồi Giáo đánh chiếm, họ cố gắng tập họp các lãnh địa theo Thiên Chúa giáo chống lại sự bành trướng của Hồi Giáo. Có thể nói Trường ca Roland có một vai trò quan trọng trong việc thành hình nước Pháp, cũng như Thần Khúc, La Divine Comédie của Dante từ vùng Florence đã hình thành tiếng Ý và nước Ý trong bảy thế kỷ. Trong Iliade các đoàn quân tập họp từ nhiều vùng khác nhau, một lệnh truyền phải qua “mười miệng thông dịch khác nhau”, cuộc đánh thành Troie và hai tác phẩm Odyssée, Iliade của Homère đã đóng góp phần quan trọng trong việc hình thành nên nền văn minh Hy Lạp.
Trường ca Roland là một tác phẩm văn chương nước Pháp đầy đủ và hài hòa nhất trong thời Trung Cổ. Nó khởi đầu cho hàng loạt các tác phẩm thi ca ra đời trước Tiểu Thuyết Hoa Hồng của Guillamne de Lorris và Jean de Meun. Thời kỳ rực rỡ và thăng hoa của nghệ thuật Pháp, ta không thể không so sánh với những công trình kiến trúc đồ sộ đương thời : « Thời đại các thánh đường »: các nhà thờ Đức Bà Paris, nhà thờ Aix La Chapelle, Saint Denis, Reim, Rouen, Beuvais… xuất hiện đồng loạt khắp Âu Châu các lâu đài Chambord, Chenonceau, Amboise.. dinh thự mọc lên khắp nơi.. những chạm khắc tinh vi trên đá, những tháp chuông tung lên trời xanh, những vòng tròn kính màu, những cửa sổ ánh sáng, cẩn lấp bằng chì thành tranh kể chuyện Thánh Kinh tuyệt mỹ, những không gian giữa các trụ đá cao vút hài hòa ánh sáng mặt trời..
Trường ca Roland là một ngôi thánh đường văn chương, một sử thi bố cục vững vàng, trong sáng, thanh nhã và mạnh mẽ chính trong sự đơn giản của nó. Hình ảnh của các nhân vật trong sử thi như được điêu khắc bên trên cánh cửa lớn. Các nhân vật anh hùng, vua chúa, chức sắc tôn giáo, đại thần triều đình chính diện và phản diện được mô tả sống động và đầy xúc động. Trường ca Roland là tác phẩm văn chương hàng đầu trong thời kỳ này. Nó được gợi hứng cho hàng chục truyện khác được sáng tác tại Pháp, Đức, Ý.. về sau.
Theo Voltaire, Trường ca Roland là chuyện kể bằng thơ cuộc phiêu lưu anh hùng, nó tác động lên tinh thần dân tộc nước Pháp, trở thành niềm tự hào của đông đảo nhân gian. Nhà thơ đã cho vào các yếu tố siêu nhiên, kỳ diệu tương ứng với sự tin tưởng tôn giáo đương thời, đập mạnh vào trí tưởng tượng làm say mê nhân gian. Nó tương tự với Odyssée và Iliade hai kiệt tác của thi hào Homère, Hy Lạp, người và thần thánh kết hợp cùng nhau, cuộc chiến tranh dưới trần thế là do trên cõi Olympe, các thần bất đồng ý kiến với nhau, vì một quả táo bất hòa tặng người đẹp nhất. Trận động đất, núi lửa được nhân cách hoá thành những người khổng lồ ném đá vào đoàn thuyền Ulysse.. Với lối hành văn dịu dàng, sử thi đã nối kết một nghệ thuật sâu rộng thành một bản anh hùng ca tuyệt đẹp.
Người có óc khoa học ngày nay có thể cho rằng : anh hùng ca không đúng với sự thật. Sự phán đoán này vừa đúng lại vừa sai, vì văn chương có cấu trúc khác với khoa học, nó tùy thuộc vào thời đại người sáng tác kể lại. Không thể lấy lối hành văn thực nghiệm chứng minh của khoa học để so sánh với lối hành văn của văn chương hay tôn giáo. Văn chương đi vào ra dễ dàng từ các tầm sâu thẳm của trí nhớ, của kiến thức, của quá khứ, bay bổng trong hiện tại đến tương lai, người anh hùng chết trần thế được đi vào cõi thiên đường bởi các Thánh Michel, Thánh Gabriël, Thánh Raphaël.. theo niềm tin Thiên Chúa giáo đương thời.. cũng như Dante đi vào các cõi Địa Ngục, Tĩnh Thổ, Thiên Đường được mô tả tỉ mỉ từng chi tiết.
Các thiên tài văn chương nước Pháp như Chateaubriand, Lamartine, Michelet, Victor Hugo, Alfred de Vigny, Edgar Quinet.. học tập văn chương từ tác phẩm bậc thầy này. Victor Hugo lấy thi hứng từ Trường ca Roland để viết nên Aymerillot và la Mariage de Roland.
Các văn bản Trường ca Roland được tìm thấy tại nhiều nơi tại Paris, Versaille, Lyon.. và Oxford.
Từ thế Kỷ XIX, Gason Paris đã xuất bản lịch sử bằng thi ca vua Charlemagne năm 1865.
Năm 1837, Francique Michel xuất bản tại Pháp Chanson de Roland theo bản Oxford.
Trường ca Roland viết bằng tiếng Pháp cổ, đã được nhiều bản dịch bằng thơ, có thể kể tên bản dịch của Lehugeur, của M. Petit de Julleville của bá tước d ́Avril. Đầu thế kỷ 20, Léon Gautier dịch lại bằng thơ tiếng Pháp hiện đại, nghiên cứu và chú thích. Maurice Boucher dựa vào văn bản này dịch lại và làm tài liệu giảng dạy dùng trong các trường Sư Phạm, Trung học và Tiểu học từ đầu thế kỷ XX. Tôi dựa vào văn bản Maurice Boucher để dịch thành thơ song thất lục bát Việt Nam. Bản dịch này gồm 2424 câu, Phần I Phản Bội, gồm 86 khổ thơ, 688 câu, Phần II Thảm Họa, hay Trận Roncevaux, gồm 158 khổ thơ, 1264 câu, và Phần III. Trừng Phạt gồm 58 khổ thơ, 472 câu.
Tôi đã dịch thành thơ lục bát Việt Nam các Sử thi Odyssée, Iliade của thi hào Homère nước Hy Lạp. La divine comédie (Thần Khúc) của Dante nước Ý, Le Roman de la Rose của Gaullame de Loris và Jean de Meun nước Pháp. Os Luisades của Luis de Camões nước Bồ Đào Nha.. lưu trử trên nhiều site chimvietcanhnam, nghiêncứulichsử, saimônthidan.. đăng trên nhiều kỳ, bạn đọc tham khảo trực tiếp, các tác phẩm thi ca vĩ đại của nhân loại. Dịch thành thơ Việt Nam các tác phẩm thi ca vĩ đại của nhân loại, cũng như các thi hào Việt Nam viết bằng thơ chữ Hán, tôi chỉ có một niềm khát vọng muốn trao cho tặng các thế hệ trẻ ngày nay và tương lai một hành trang để đi vào văn học và thi ca thế giới.
Có 9 văn bản Trường ca Roland, nhưng văn bản Oxford thế kỷ XII được xem là đầy đủ và đáng tin cậy nhất được công nhận năm 1835. Văn bản gồm 4002 câu thơ, có câu ngắn 3, 5 chữ, nhưng cũng có văn bản thế kỷ XIII được viết thêm đến 9000 câu thơ. Nguyên tác được sáng tác bằng tiếng Pháp cổ, ngôn ngữ, lối hành văn cổ xưa, phải qua một bản dịch lại bằng tiếng Pháp hiện đại chúng ta mới hiểu được. Vì thế trong 80 năm ảnh hưởng văn hoá Pháp, người Việt Nam chúng ta gần như không nghe nhắc đến phần văn học tác phẩm sử thi thời Trung Cổ nước Pháp .
Sử thi Trường ca Roland kể chuyện và ca tụng anh hùng Roland, một hiệp sĩ lãnh chúa lãnh địa Bretagne cùng các hiệp sĩ đồng đội chống lại quân Maure , Hồi Giáo tại vùng Basque thuộc Tây Ban Nha hiện nay, Roland là cháu của, vua Charlemagne .
Charlemagne tiếng La Tinh là Carolus Magnus hay Charles Đệ Nhất, còn gọi « Le Grand ». Sinh khoảng năm 742 và mất ngày 26-1-814, tại thủ đô đế quốc là Aix la Chapelle (Aachen) nay thuộc Đức. Vua Royaume Francs từ năm 768, trải qua 35 năm chinh chiến khắp Âu Châu, được tấn phong tại Rome bởi Đức Giáo Hoàng Léon III ngày 25-12 năm 800. Là vị vua thống nhất Thiên Chúa Giáo Tây Phương, và đánh đuổi Hồi Giáo ở Al-Andalus, Charlemagne tạo lập nên Đế Quốc Carolingien, đế quốc thống nhất Âu Châu đầu tiên. Năm 806, Charlemagne chia đế quốc cho ba người con trai và năm 843 lại chia cho các cháu nội sau hòa ước Verdun. Sự phân chia này tạo ra các lãnh địa, chống đối, tranh chấp nhau.. Charlemagne đã tạo nên tiền đề nhiều cuộc chiến tranh cố gắng thống nhất các quốc gia Âu Châu, từ Saint Empire Romain Garmanique, Charles Quint thế kỷ XVI , Otton Ier, Napoléon Ier và cũng có thể nói đến Âu Châu ngày nay 27 nước.
Trận Roncevaux (778) là trận phục kích hậu quân Charlemagne bởi lính Vascon ngày 15-8-778 tại đèo Roncevaux dãy núi Pyrénées. Qua thung lũng hẹp đội hậu quân bị một lực lượng đông hơn gấp hai mươi lần phục kích, trong rừng rậm thung lũng. Quân Roland chiến đấu dũng cảm làm tiêu hao nhiều quân địch, nhưng trong trận này nhiều nhân vật quan trọng trong Royaume Francs bị chết, trong đó có hiệp sĩ Roland, chỉ huy đội hậu quân.
Quân Charlemagne đem đại quân vượt qua núi Pyrénée, đánh quân Maure Hồi. Quân phía Đông gồm quân các lãnh chúa Bavarois, Bourguignons, Austrasiens, Provencaux, Septimanens và Lombards vượt qua đèo Perthus. Quân phía Tây gồm quân Neitriens, Bretons, Aquitaines, Gascons. Thành Pampelune mở cửa ra hàng, Abu Taur đầu hàng giao con trai làm con tin.
Souliman dẫn Charles đến trước thành Sargosse với đội quân Gérone, Barcelonne và Huesca.
Nhưng tại Sargosse, El Hussays chỉ huy thành với Soleiman từ chối mở của thành cho quân Francs. Charlemagne do dự việc vây thành có thể làm suy yếu quân mình và bị cái bẩy có thể khép lại, bị đánh từ hai phía. Ông bắt Souliman làm con tin và cho phá thành Pampelune để tránh việc dùng thành làm cuộc đấu chiến lược và ông cho rút đại quân.
CÁC CHỮ, ĐIỂN TÍCH DÙNG TRONG VĂN BẢN CẦN LƯU Ý
Apollon : Nguyên là thần Hy Lạp, được người Maure thờ phụng. Hai vị khác là Mahom và Tervagan. Người sáng tác Trường ca Roland đã lầm lẫn khi dùng chữ Païens để chỉ những người Maure, tự điển tiếng Việt dịch là ngoại đạo, người không theo Thiên Chúa giáo, điều này không chính xác do đó tùy trường hợp tôi dịch thành quân địch, hay quân thù, để chỉ quân đối diện trên chiến trường.
Armure : giáp binh: gồm có chiếc mũ đồng để bảo vệ đầu áo bằng lưới sắt dan dày để che thân thể, nhưng mềm để có thể cử động được và écu hay targe là chiếc khiên để che đỡ gươm, lao. Khiên bằng sắt, đồng nhưng không quá nặng. Có khiên được sơn, có cái được kết lên bằng đá quý rực rỡ. Trường hợp áo lưới sắt ngắn, ống chân được che bằng một mảnh sắt cong. Ở Á Đông, ống chân được quấn vải gọi là xà cạp.
Aumaçour : có nguồn gốc từ tiếng Á Rập Al-mansour hay almansor nghĩa là Kẻ chiến thắng hay Kẻ được Thượng đế bảo vệ. Trong trường ca chức vụ này được gọi cho thủ lãnh.
Barge: con thuyền ván phẳng với cánh buồm vuông.
Baron: danh gọi cho tất cả mọi lãnh chúa, bất cứ nước nào, có nguồn gốc Đức nghĩa là người đàn ông thật sự, người đàn ông hùng mạnh gần giống trong tiếng La Tinh chữ vir và trở thành viril. Về sau baron thành ra một danh gọi đặc biệt như duc, comte hay marquis. Trong Trường ca Roland, hoàng đế được gọi là một ‘baron thật sự’. Trong các danh hiệu thời quân chủ Việt Nam có :Vương, Công, Hầu, Bá, Tử, Nam tạm dịch Vương tước, Công tước, Hầu tước, Bá Tước, Tử Tước, và Nam Tước. Trong thơ tước Duc được phong cho Naimes, Samson, tước Comte được dùng cho Roland, Olivier và Ganelon.
Besant: đồng tiền cổ bằng vàng và có đồng tiền bằng bạc.
Bliaud: quần áo mặc bên trong dưới áo giáp lưới sắt hay dưới áo lông bằng vải hay bằng lụa.
Bref: thư, thông điệp viết; vài bức thư Giáo Hoàng ngày nay còn gọi là Bref.
Calife: nguyên chữ Á Rập có nghĩa là người nối nghiệp Đấng Tiên Tri. Trong trường ca, chức Calife được gọi cho chú vua Marsile.
Chaland: xà lan, tàu lớn có mặt bằng rộng chở hàng và xe.
Chape: áo choàng, còn có nghĩa là bầu trời : ‘sous la chape des cieux.’
Chapelle: vua Charlemagne đã đặt tại Aix-la-chapelle nay Aachen thuộc Đức làm kinh đô. Theo các thơ cổ cung điện Aix la Chapelle gồm 12 lâu đài tráng lệ, chung quanh một lâu đài lớn đẹp hơn.
Chevalerie: hiệp sĩ, người chiến sĩ thuộc giới quý tộc, được làm lễ phong Thiên Chúa giáo. Nhưng trong bài thơ, nhà thơ cho rằng ngoại đạo cũng có chức vụ tương tự Valdabrun, cha đỡ đầu vua Marsile cũng là hiệp sĩ. Nghĩa của chữ được dùng cho những chiến sĩ có tinh thần và nghĩa cử hào hiệp, diệt gian trừ bạo, giúp đỡ người..
Clerc: hàng giáo phẩm, ngoại đạo cũng có hàng giáo phẩm nhưng họ thờ ma quỷ.
Émir: chức vụ của vài thủ lĩnh sarrasins, có khi tất cả mọi thủ lĩnh, đó là nguồn gốc chữ amiral. tiếng Việt dịch là Đô đốc.
Empéreur : Hoàng đế. Charlemagne được Giáo Hoàng Léon III tấn phong năm 800 tại Tòa Thánh Saint Pierre ở Rome. Nhưng trong trận đánh Tây Ban Nha năm 778 về lịch sử Charlemagne chưa được gọi là Empéreur nhưng thi sĩ đã gọi không phân biệt. Trong Iliade mỗi một vùng đều gọi là vua, khi họp binh lại mới bầu lên vua các vị vua để lãnh đạo cuộc chiến, trường hợp vua Agamemnon. Tại Á Đông vua Trung Quốc tự xưng là Hoàng đế, và phong vương cho vua các nước triều cống.
Đế Quốc: Truyền thuyết phóng đại đế quốc rộng lớn của Charlemagne, Roland vinh danh đã chiếm được đất Anh vùng Aquitaine, Pas de Calais nhưng không đánh qua vùng Grande Betagne và Irlande ngày nay.
Thanh gươm: thanh gươm các hiệp sĩ thường có tên như Durendal của Roland và Hauteclaire của Olivier. Các thanh gươm được mô tả sự kỳ diệu, cán gươm bằng vàng tay cầm có đặt xương thánh tử đạo.
Gonfanon : phần sợi dây ruban vải trang trí buộc sau ngù ngọn lao, có ba dây.
Haubert: áo dài bằng lưới sắt, khởi đầu các hiệp sĩ mặc áo bằng da có kết lên những mảnh kim loại, băng thép, hay các vòng tròn.
Jeux: Trò chơi các hiệp sĩ có đánh cờ vua, trictrac và đấu kiếm.
Mahommerie: chỉ các nhà thờ Hồi giáo.
Marche : một vùng lãnh thổ quân sự. Roland được phong làm lãnh chúa Marche de Bretagne.
Montjoie: tiếng kêu người Pháp trong quân đội Charlemagne. Có nghĩa là ‘La monjoie Saint Denis’, tên ngọn đồi gần Paris nơi thánh Saint Denis tử đạo, nơi thánh tử đạo là nơi vui vẻ vì là nơi thánh ban cho phước ân.
Pairs: Mười hai khanh tướng đồng đội dũng cảm tuyệt vời, gắn bó với nhau bởi tình bạn thân thiết tiền phong chiến đấu trong các cuộc chiến. Ngày nay Thượng nghị sĩ cũng được gọi là Pairs, các chức vụ trong quân sự cổ nước Pháp rất phức tạp nước ta chỉ có đại tướng và tiểu tướng và đô đốc. 12 Pairs của vua Charlemagne gồm: Roland, Olivier, Ivd, Ivoire, Gérin, Gérier, Samson, Anséism Engelier, Othon, Bérngier, Girard de Roussillon.
Saint Michel, Saint Michel du Péril : vị thánh cứu người trên biển. Suốt thời Trung Cổ, Mont Saint Michel mang biểu tượng quốc gia nước Pháp, từ sau chiến tranh trăm năm chống Anh, trở thành nơi hành hương nước Pháp. Ngày lễ Saint Michel là ngày 16 tháng 10, vua Marsile đề nghị sẽ đến thề nguyền cùng Charlemagne ở Ais-la-Chapelle. Do sự sùng kính Saint Michel các nhà nghiên cứu chắc chắn rằng, tác giả Trường ca Roland là người Normand, nơi có Mont Saint Michel.
Saragosse : thành phố nằm trên dãy núi Pyrénée. Sự thật lịch sử Charlemagne vây thành rồi rút lui không chiếm thành.
Tervagan: Các nhà nghiên cứu về Trường ca Roland cũng không tìm ra nguồn gốc vị thần này đến từ đâu mà họp với Mahom và Apollon thành ba vị thần của Saragosse. Để trừng phạt vị thần này không cứu giúp và làm bại trận họ lôi Tervagan bỏ vào trong bùn.
TÓM LƯỢC : Trường ca Roland gồm 3 phần :
Phần I. PHẢN BỘI :
Marsile, vua Maure chiếm đóng kinh thành Saragosse đang bị vua |Charlemagne tiến đánh. Roland là cháu vua Charlemagne là một hiệp sĩ ưu tú, Marsile đề nghị thương thuyết, nhà vua không thể gửi các hiệp sĩ ưu tú của mình, cuối cùng Roland đề nghị gửi Ganelon. Ganelon là anh rể nhà vua, cha dượng Roland. Nhưng Ganelon là một quyền thần tham nhũng, ganh tị vua Charlemagne đã giao cho Roland chỉ huy đoàn hậu quân. Hắn tìm cách trả thù, phản bội nước Pháp và nhà vua. Hắn lên kế hoạch thông đồng với Marsile giả vờ ký hiệp ước hoà bình để vua Charlemagne lui quân, Roland chỉ huy đoàn hậu quân. Marsile thừa cơ tấn công Roland chỉ huy hậu quân ít binh sĩ đi sau, đại quân vua Charlemagne sẽ không cứu kịp. Marsile đồng ý chương trình hành động.
Phần II. THẢM HỌA (TRẬN RONCEVAUX) :
Khi thấy quân địch quá đông, Olivier khuyên bạn thổi kèn đồng (cor) báo động, nhưng Roland tin sức mạnh mình và không muốn phiền vua Charles phải quay trở lại nên không thổi. Roland và bạn hiệp sĩ Olivier, cùng giám mục Turpin chỉ huy hậu quân anh dũng chiến đấu quân Sarrasin đông hơn gấp hai mươi lần quân mình, làm tiêu hao phần lớn lực lượng địch, nhưng thanh lao của chàng bị gãy chàng dùng kiếm Durendal thay thế, nhưng lực lượng hai chục ngàn hiệp sĩ cũng tiêu hao lớn, còn ba trăm và rồi chỉ còn sáu mươi. Roland hối hận nhận ra lỗi mình và thổi kèn báo động, nhưng không còn kịp nữa. Dùng ngọn gươm Roland chặt được tay vua Marsile, giết con trai hắn, quân địch bỏ chạy, chỉ còn mình chàng và giám mục Turpin. Họ mang tử thi 12 tướng quân và làm phép lành trước khi chết. Turpin kiệt sức chết sau khi làm lễ cho các bạn, còn Roland còn sức, không để thanh gươm Durendal quý báu của mình lọt vào tay địch toan hủy gươm nơi tảng đá, nhưng sức đã tàn, chàng chết đối diện Tây Ban Nha. Thánh Raphaël, Thánh Michel, và thánh Gabriel đưa hồn Roland về cõi Thiên đường.
Phần III VUA CHARLEMAGNE TRẢ THÙ SARRASIN.
Roland thổi cor để báo động cho vua Charlemagne nhưng quá trể vì Ganalon che dấu giả vờ bảo Roland thổi kèn đi săn thỏ. Nhưng vua nhất định quay trở lại, suy nghĩ biết lời dối trá, vua cho bắt xiềng Ganelon. Khi đại quân cứu viện hay tin quay lại thì Roland đã chết, Charlemagne trả thù cháu đánh tan quân Sarrasin với niềm tin sức mạnh Chúa Trời.
Sau trận đánh Charlemagne đem Ganelon ra xử tội phản bội, xé xác Ganelon.
PHẦN I
PHẢN BỘI
HỘI ĐỒNG TRIỀU ĐÌNH VUA MARSILE – SỨ GIẢ TRƯỚC HOÀNG ĐẾ – TRIỀU ĐÌNH VUA CHARLEMAGNE – GANELON ĐI SỨ – HAI BẠN ĐỒNG HÀNH TRÊN ĐƯỜNG – GANELON TRƯỚC VUA MARSILE – HIỆP ƯỚC – GANELON TRỞ VỀ – ROLAND CHỈ HUY HẬU QUÂN – ĐẠI QUÂN ĐI XA.
HỘI ĐỒNG TRIỀU ĐÌNH VUA MAURE MARSILE
Tại triều đình Sarrasins thất vọng việc cứu thành Saragosse. Vua Marsile bàn với các đại thần việc cứu nguy. Blancandrin, vị đại thần mưu lược bàn chuyện giả vờ hứa đầu hàng và hẹn ngày tuyên thệ trung thành tại Aix la Chapelle, khi vua Charles trở về. Marsile xin trấn giữ Al-Andalus như một lãnh chúa của Hoàng đế Charlemagne, và xin dâng con tin, triều cống, nộp thuế.
1.
Charles hoàng đế, vua ta cao quý,
Từ bảy năm chinh chiến Tây Ban Nha.
Thanh gươm uy dũng xông pha,
Lâu đài chiếm lại, vườn hoa, cánh đồng..
Tận biển cả, chon von đỉnh núi,
Một kinh thành, (Saragosse là tên).
Sức Charlemagne ai địch nên,
Ai cũng kính phục không quên anh hùng.
2.
Ai cũng biết vua Marsile tàn bạo,
Chống lại ngài, là kẻ thù Trời,
Phòng vệ hai chục ngàn người.
Bên vườn, quanh điện thềm ngời đá xanh.
Cúi đầu nhận đấu tranh gian khó,
« Hỡi quần thần, thắng Charles phải làm sao ? »
« Dù triệu dũng sĩ là bao,
Ai lời trình tấu, cách nào giúp ta ? »
3.
Thảy im lặng, Blancadrin cất tiếng,
Vị đại thần đứng dậy một mình :
« Lo là lo lắng tình hình,
Vì vua kiêu ngạo, lời trình thẳng ngay.
Ngài đã tin, dùng người xoàng xỉnh,
Hứa hẹn bao chức tước bạc tiền.
Không dùng kẻ có tài năng,
Quên người tài sức đấu tranh, thưa ngài. »
4.
« Dâng tất cả trước bờm sư tử,
Mà chó khôn, gấu giỏi chẳng cầu.
Tặng lừa chở nặng trân châu,
Kẻ khua tay khỏi đỉnh đầu huênh hoang.
Ngàn lạc đà từ phương xa tới,
Địch quân đấu tranh, chẳng ngại khổ đau.
Dù quân mơ ước biết bao,
Trở về Pháp quốc khát khao, dịu hiền. »
5.
« Công hầu họ trở về quê quán,
Dạy người mau mau đến nhà thờ,
Đổi đời theo Chúa phụng thờ,
Những lời sáo rỗng dối lừa đẹp thay.
Vua Charles nghe nhiệt tâm vui thích,
Vì mọi người trọng lãnh chúa người.
Trung thành mãi mãi cuộc đời,
Thuộc hạ trung tín lời người xứng danh. »
6.
« Họ thận trọng, con tin phải có,
Dù cho vài con trẻ muốn mong.
Gia tài nào họ chẳng cần,
Vào tay người Pháp quyết lòng phải trao.
Bước nhẹ nhỏm lòng bao tin tưởng,
Tây Ban Nha chúng ta tỏ tường nào.
Trong xứ Aix chờ từ lâu,
Ngày ngày than khóc, âu sầu hờn căm. »
7.
«Charles bị lừa bịp, chém đầu chẳng nể,
Chẳng ngại ta, đầu đến hiến dâng,
‘Tôi một con trai’, vuốt râu cằm,
‘Đời đèn trước gió’, tôi còn ngại chi.
Để cứu vớt một đường tốt nhất,
Thật khó khăn đồng ý điều này,
Bỏ Tây Ban Nha, xứ mặt trời soi,
Hay lất lây đói, chết thôi tàn đời. »
8.
«Họ còn nói, ấy điều tốt nhất ».
Vua Marsile dưới trướng chẳng ai.
Mười tay chân, phản cả mười,
Quan ngoại đạo trốn, chẳng người theo ta.
Lúc họ phục vụ, từ lâu tôi biết,
Bọn công hầu theo ân sũng lộc to,
Đất, vàng, của cải ban cho,
Cordoue vì lợi ra vô cúi đầu. »
9.
« Cỡi ngựa chiến, họ chẳng lòng hãnh diện,
Nhưng cỡi lừa rực rỡ yên vàng.
Vòng ô liu, trán vinh quang,
Trước vua kinh hãi, lệnh ban thi hành.
Theo thời bình, sợ gươm chém giết,
Còn ai tin ngay thẳng nói ra,
Blancandrin mưu trí triều ca.
Hắn biết dối trá, vua đà cả tin. »
SỨ GIẢ MAURE TRƯỚC NHÀ VUA CHARLEMAGNE
Vua Marsile cử mười sứ giả do Blancandrin lãnh đạo đến thương thuyết đầu hàng.
Trước khi trả lời, vua Charles họp triều bàn luận.
10.
Charles vui sướng, Cordoue chiếm được,
Hiệp sĩ vua thắng lớn chiến công.
Quanh Ngài thích thú vui chung,
Những trò thanh lịch vườn vang tiếng cười.
Ngài ngồi dưới cội tùng râm mát,
Hãnh diện nhìn các lãnh chúa như ông,
Mọi người ca tụng đồng lòng,
Quân vương tay vuốt râu cằm nở hoa !
11.
Thật đẹp lão, vua già quắc thước,
Khác công hầu, dễ nhận nhìn ra,
Sarrasin sợ biết sức ta,
Trốn nhanh rời khỏi bầy lừa Sicile.
Râu nhẹ trắng, mọi người kính cẩn,
Đến bên ngài, sứ giả kỵ binh,
Vua Marsile mong muốn hoà bình,
Trên tay cầm một lá cành ô liu.
12.
« Kính tâu ngài, danh Trời vinh hiển,
Sứ thần Blancandrin, phụ chính vua tôi.
Biết ngài hiền đức tuyệt vời,
Biết: ngài uy vũ chúng tôi phục tòng.
Ban ân đức, xót thương kẻ dưới,
Ngài trở về nước Pháp dịu hiền.
Ban lễ tuyên thệ trung thành,
Chúng tôi quy thuận chẳng còn ngại chi. »
13.
« Vào mùa xuân tháng tư xanh cỏ,
Tâu Quân Vương ghi nhớ việc này :
Lễ Thánh Michel cứu người,
Cùng ngài cầu nguyện ở nơi giáo đường.
Lòng trung thành quân thần tuyên thệ,
Dâng kho tàng giàu có bao la,
Toàn thể xứ Tây Ban Nha,
Trong tay Ngài, lãnh địa nhà từ đây. »
14.
Charles ít muốn những lời tâng bốc,
Ngài cúi đầu, mặc kệ Blancandrin.
Ngợi ca xứ sở kho tàng,
Rồi ngài ngẩng mặt, nói lên chân tình :
« Lời vua người thật lòng, tốt lắm,
Hay mưu mô cái bẩy giăng ra,
Bảo rằng quy thuận, hiếu hòa,
Có thể tin tưởng để mà vinh danh. »
15.
« Chúng tôi quy thuận ». Sarrasin nói tiếp :
« Được an bình, hai ba chục lần hơn. »
Charles lặng im, sứ tiếp thêm :
« Để cho bảo đảm giao toàn con tin,
Kẻ ưu tú hay người hoàng tộc,
Con trai tôi trong số con tin. »
Charles đứng lên, tuổi tác mặc tình,
« Vua người tuân phục, mở thành, giải vây. »
16.
Rồi sai dẫn bầy lừa vào trại.
Ánh chiều soi rạng rỡ trời hồng.
Đãi sứ, sai đặt bàn ăn,
Nơi nhà chiêu đãi giấc nồng mê man.
Vua thức dậy khi trời hừng sáng,
Cầu kinh lâu, cầu Chúa Thánh Cha.
Quần thần đông đủ triều ca,
Chờ ngài phán quyết xem là làm sao ?
HỘI ĐỒNG VUA CHARLEMAGNE
Vua Charles bàn với quần thần, gửi sứ giả đến để ký hiệp ước quy hàng. Roland và các hiệp sĩ xin đi nhưng vua không đồng ý. Giám mục Turpin, Naimes xin đi nhưng vua cũng không cho. Roland tiến cử Ganelon cha dượng chàng, mặc dù có bất đồng, Ganelon ganh ghét Roland được chỉ huy Hậu Quân thay vì giao cho mình, cả triều đồng ý.
17.
Chiếc ngai bằng vàng ròng đã đặt,
Bên khu vườn đua nở tầm xuân.
Giữa Charlemagne đứng hai hàng,
Và ngài ngồi xuống khi tan lễ cầu.
Các hiệp sĩ thanh cao hùng dũng,
Ấy Anséis, Richard tấm lòng trung.
Geoffroi lãnh chúa đất Angevin,
Tay cầm quyền trượng lệnh truyền hoàng gia.
18.
Naimes lão trượng dáng người cao lớn,
Và Thibaut, Guérin và Gérier theo cùng,
Đây Turpin tu sĩ anh hùng,
Cất cây thập tự thay bằng thanh gươm.
Ông chiến đấu giỏi như cầu nguyện,
Các công hầu theo tấm gương soi,
Roland sát cánh Olivier,
Ganelon phản bội ngồi kề ai hay.
19.
Cả triều bàn : « Thật điều khó xử. »
Charles cho rằng dối trá nhử lời.
« Sứ thần , vua ngoại đạo thôi,
Theo ta họ chiếm xứ người Tây Ban Nha,
Để Mahom thay các thần các thánh,
Bỏ đạo ta, luật Chúa Trời,
Tưởng ta điên hết cả rồi. »
Và ngài nhắc lại cùng người cháu yêu.
20.
Chàng đứng dậy, Roland giận nói :
« Chúng ta đà chiến đấu bảy năm,
Vì vua Charles tôi tiến công,
Ba mươi kinh thành, đông đảo quân binh.
Công khó nhọc lòng vui gắng sức,
Thành hư không ? Saragosse dối dang :
Hưu chiến để chúng vững vàng,
Xây thêm vững chắc bức tường thành cao ».
21.
« Hòa với Marsile, ta nên nghĩ lại,
Bên núi kia ngoại đạo từng là :
Chém đầu sứ giả chúng ta.
Basan với Basile qua nghị hòa. »
Đánh quân dữ cả đời ta đó.
Muôn tâu Ngài, việc bắt buộc thôi,
Đánh con sói dữ giết người,
Máu đòi nợ máu trải nơi đất lành. »
22.
Charles ngẫm nghĩ, suy tư không nói,
Mắt cúi nhìn xuống đất, bàn tay,
Vuốt râu càm, râu mép dài,
Các công hầu ở quanh đây luận bàn.
Ganelon cất cao tiếng nói :
« Lời điên cuồng, bàn bạc làm sao ?
Chẳng nên nghe lời ấy nào,
Chẳng gì lợi ích, gươm đao việc này. »
23.
« Vua ngoại đạo khép mình tuân phục,
Muốn hội thề tay chắp khẩn cầu.
Dâng cả lãnh địa qui đầu,
Ta không thể nói việc hầu dối dang. »
Roland dũng sĩ cháu vua thét lớn :
« Đánh nghịch thù chẳng ngại ngùng gì,
Máu hồng đổ xuống gian nguy.
Dẫu rằng đau đớn xá chi chiến trường. »
24.
Naime đứng nói : « Trời khi đồng ý,
Cho công thần góp sức góp công :
« Vâng người có thể xót lòng.
Bằng thương thuyết giải bất đồng tốt hơn.
Làm thế nào thi hành nhiệm vụ,
Gửi sứ thần trong nội hôm nay,
Lập hòa bình mong ước này. »
Triều thần đồng ý tâu bày cụ Naime.
25.
Charles do dự, cụ già nói tiếp :
« Ấy là điều nguy hiểm điên rồ,
Marsile đem cả cơ đồ,
Đâng ngài tự nguyện, thời cơ quy hàng.
Cũng chẳng nên chối từ cứng rắn,
Đòi hỏi hơn lầm lỗi. Thưa ngài,
Bảy năm chinh chiến kéo dài. »
Ngẩng đầu vua Charles suy lời, trầm ngâm :
26.
« Hỡi quần thần để mà giao ước,
Sang Marsile, ai tình nguyện sứ thần ? »
« Tôi, nếu quân vương bằng lòng. »
Nhưng hoàng đế chẳng thuận tình cho đi.
« Chúng ta ít người hiền hơn kẻ dại.
Trung quân râu dài, yêu mến lòng ta,
Ta cần người ở cạnh ta,
Cụ Naime, người chẳng thể xa triều đình. »
27.
« Các công hầu ai người tình nguyện,
Cần chọn người tài trí là ai ? »
« Tôi đi », Roland đáp lời,
Olivier ngăn cản : « Tính người nhiệt tâm. »
Quá thẳng thắng không từng tranh luận.
« Tôi muốn đi », bao mắt long lanh.
Từ hàm râu, vua thì thầm :
« Mười hai dũng tướng miễn công việc này. »
28.
Turpin de Reime, nói to đứng dậy,
« Hãy để yên cho các công hầu ».
Tôi, giám mục giảng kinh cầu,
Cho tôi quyền trượng giao đầu, găng tay.
Tôi sẽ nói cùng vua ngoại đạo,
Hai ba lời : « Việc tốt, dịp may. »
Vua Charles : « Người ngồi xuống đây,
Người chỉ nên nói, ta sai lệnh truyền. »
29.
Và quân vương nói lời trầm ấm :
« Các tướng khanh hãy chọn người hiền,
Giỏi lời tranh biện hiệp thương. »
Roland cất cử chẳng phiền đắn đo :
« Ganelon, cha dượng, tôi xin tiến cử,
Giữa triều đình ai khéo khôn hơn,
Đủ tài, sứ mệnh hiệp thương. »
Ganelon đi sứ, triều cung đồng tình.
30.
« Hãy đến đây, vì người xứng đáng,
Nhận lệnh truyền quyền trượng, găng tay.
Cả triều đồng cử người đây. »
Nhưng Ganelon nói : « Việc này do Roland,
Tôi ghét hắn, tôi ghét người làm tướng,
Olivier thương hắn suốt đời,
Cho nên tôi ghét cả đôi,
Với tôi họ chẳng xem coi ra gì. »
31.
«Hãy nguôi giận, » Quân vương đáp lại,
«Điều ta mong, sứ mệnh hoàn thành. »
«Nếu tôi chết, nghiệp sứ thần,
Như Basan, Basili đó vì công việc này,
Con trai tôi, vì tôi hãnh diện,
Hãy sóc chăm chu đáo tiến thân,
Như là chị, mẹ yêu thương,
Khi tôi nhắm mắt không còn thấy trông, »
32.
Vua Charles nói: «Lòng ta ưu ái. »
Nhưng Ganelon, cử chỉ hung hăng,
Ném áo lông chồn nổi khùng,
Một lời chát chúa nhắm cùng Roland.
«Thật điên rồ, ngông cuồng xúi dục,
Ai cũng biết ta, cha dượng của người,
Ta chết vì lỗi người thôi.»
Công tước, to lớn ra oai hằm hằm.
33.
Các hầu tước quay nhìn thán phục :
« Người thế mà ta chực quên đi. »
Cẩn thận, Trời có quên chi,
Mắt quay nhìn nét mặt khi tái chàm.
Ganelon: «Điên cuồng, kiêu ngạo, »
Bảo Roland : « Người muốn chẳng qua,
Muốn tiến cử ta để mà,
Đi đến chổ chẳng chết già, vì ngoại nhân.»
34.
«Người không thay ta, đến Marsile đi sứ.»
Ganelon rằng: «Ta chẳng chúa ngươi.
Lệnh Quân vương đã khiến sai,
Thi hành nhiệm vụ lòng thời lo âu.
Dã tâm nào dối lòng ta được».
Roland cười : « Sứ mệnh lớn lao,
Ganelon khổ biết chừng nào,
Nghe chừng như trái tim đào xẻ đôi.»
35.
Roland : « Người ta không yêu mến,
Ta chết đi, người sẽ vui cười,
Coi chừng », một bước lên thời :
« Sẵn sàng chờ lệnh, riêng tôi sẵn lòng. »
« Sứ giả tốt phải người nói giỏi,
Với kẻ thù rắn rõi lời ngay,
Bảo rằng tôi muốn việc đây,
Chẳng lễ xưng tội, việc hay sẵn lòng.»
36.
«Tôi khổ đau, tình nào thương xót,
Chắp hai tay, quỳ gối mong là.
Được chia lãnh thổ Tây Ban Nha,
Một phần lãnh địa nước nhà ngài mong.
Chia Roland nếu ngài ghét bỏ,
Không muốn tôi, tôi sẽ đến tận tay,
Sẵn sàng lên đạn súng này,
Thề kinh đô Aix, chết ngay tủi hờn.»
37.
«Hãy trao hắn giấy da ghi tắt,
Lệnh thẳng ngay, vua sai viết đôi lời ».
Charles trao cùng với chiếc găng.
Nhưng Ganelon, đã tái xanh mặt mày.
Để vua chọn dẫu lên trời khốn khó.
Người Francs cùng nguy hiểm khó khăn.
Sứ giả nói cộc lốc rằng:
«Vua tôi sẽ trả lời thông điệp này.»
38,
Cầm găng, nói với lời hãnh diện :
«Xin thưa ngài, tôi lãnh sứ mệnh này »
«Vinh danh Jésus và chúng ta đây. »
Vua Charlemagne nói lời đầy, âm vang.
Và nói thêm: «Thi hành ngay thẳng. »
Bảo chúng nghe tất cả sai lầm.
Vua ban dấu thánh đặc ân,
Tay trao quyền lệnh và cùng quốc thư.
GANELON KHỞI HÀNH
Diễn tả hình ảnh người phản thần thật thú vị. Ganelon vừa quý phái vừa nham hiểm.
Ganelon mang gươm bao vàng trắng, đai Mundes, được trao yên cương ra đi và nói lời mỉa mai từ biệt.
39.
Công tước được gươm bao vàng trắng.
Đai Mundes gươm đẹp oai hùng.
Ngựa Tachebrun. Chú hắn Guinemer
Thật là vinh hạnh dắt về yên cương .
Ngựa oai dũng chờ mong cất bước,
Tất cả mọi người theo ý Roland,
Hổ ngươi thay, cuộc khởi hành,
Chính vua Charles chẳng đoán thâm ý nào.
40.
Lòng cảm động tin lời thành thật,
« Cảm ơn ngài ân lộc ». Ganelon.
Vĩnh biệt, từ biệt triều đình :
« Chẳng muốn khanh tướng chết cùng với ta.
Ta một mình, người bạn thân thiết,
Pinabel luôn chẳng sai lời.
« Hãy chăm sóc con trai tôi. »
Giật cương, cất bước, đầu thời ngẩng cao.
HAI NGƯỜI ĐỒNG HÀNH TRÊN ĐƯỜNG.
Blancandrin cỡi ngựa đi trước, theo sau Ganelon và trò chuyện thử lòng, quan sát thấy Ganelon có ý trả thù, kích động thêm thù hận. Sau hồi im lặng nghi nan, nhận xét Ganelon cuối cùng bàn luận việc hứa hẹn phản bội trả thù.
41.
Blancadrin đồng hành tiếp bước,
Đôi ngựa đi đủng đỉnh chung cùng.
Hàng ô liu lớn bên đường,
Hắn và hầu tước kề bên luận bàn.
Hai lập luận sẵn sàng thương thảo,
Kẻ bảo rằng : « Tôi phục nhà vua.
Chẳng ngừng chiến trận xông pha,
Làm cho chiến địa trải qua kinh hoàng. »
42.
Kẻ rằng : « Vâng, trải bao gian khó.
Được làm chi, ai muốn điều này.
Ai thắng, Francs hãnh diện thay. »
Blancadrin nói : « Tôi đây phục Ngài. »
« Rằng vua Charles tâm tư u tối,
Nhờ triều thần can đảm phải không ?
Đuổi theo bao trận chiến tranh,
Có khi thảm bại một lần mất đi ?»
43.
«Đáng chê trách !» Ganelon nói.
«Một điều sai, Roland được tấn phong.
Mới đây vua giao Hậu Quân,
Không giao tôi, thật sai lầm », cười to.
« Mỗi vị vua biết người phụng sự,
Cả triều đình ngự trị quản cai,
Chẳng lo cắt cổ, giết hoài,
Mặc ai sống chết, cuộc đời sướng vui.»
44.
Sarrasin liếc nhanh đôi mắt,
Quan sát người hầu tước lớn cao,
Thân hình đẹp đẽ làm sao,
Nhưng đôi mắt có chút nào xảo gian.
Mặt xanh tái rẩy run từ cổ.
Lời đoán rằng : « Muốn trả thù chăng ?
Hãy giao ta tên Roland. »
Ganelon cúi mặt, lặng thinh giữ lời.
45.
Đôi ngựa đi kéo dài để đủ,
Bàn mưu mô trao đổi nhau cùng.
Kẻ rằng : « Marsile rộng lòng,
Nhà ngươi sẽ được thưởng công sang giàu. »
Một lời hứa, lòng tham thúc đẩy,
Đôi ngựa đi chầm chậm thật lâu,
Cội tùng chậm chạp qua mau,
Thành Saragosse đã vào bên trong.
GANELON TRƯỚC VUA MARSILE
Sứ giả can đảm trước sự hăm dọa của triều Marsile, bất bình vì thông điệp đòi trao con tin và cả chú vua, cựu Calife. Hoàng tử rút muốn chém sứ giả Ganelon, nhưng Blancandrin đến tai vua nói nhỏ, mang Ganelon đến chổ kín đáo bàn chuyện phản bội.
46.
Trên ngai bọc da, lòng hãnh diện,
Cung Marsile xinh đẹp khu vườn.
Một quan tâu: «Thông điệp sang ».
Đến cùng là một vị quan sứ thần.
Blancadrin dẫn người khách lạ,
Trước mặt vua giây phút lặng im.
Sarrasin đoán loanh quanh.
« Hòa bình có phải ? hay thông điệp nào ? »
47.
Marsile nói : « Chúng ta muốn biết,
Chuyện hoà bình giải quyết làm sao.
Công tước chậm chạp nói vào :
« Nhân danh con Chúa Trời cao thấu cùng,
Vua tôi muốn để ngài thỏa nguyện,
Lãnh địa bằng nhau vua chia ra,
Roland đất Tây Ban Nha,
(Ôi lòng kiêu ngạo ấy là mấy ai?) »
48.
« Vậy phân nửa Tây Ban Nha người lấy,
Làm chư hầu kẻ thắng rộng lòng,
Chối từ vua Charlemagne,
Hay là phải chịu bị trừng phạt thôi. »
Vua ngoại đạo bật mình đứng dậy,
Muốn bắn cho sứ một mũi tên,
Râu vàng nổi giận dựng lên,
Muốn đánh, hoàng thúc vội vàng cản ngăn.
49.
Công tước đặt bàn tay trên kiếm,
Trên lưỡi gươm sắt thép chói chang,
Mới vừa khỏi vỏ một gang,
Murgleis tên ngọn kiếm mang đẹp này.
« Ai có thể nói xứ người khác đạo,
Tôi chết một mình tôi thuộc quyền Ngài,
Đem máu đào tranh cải sao ?
Mà trả lời được thế nào ngoại nhân ».
50.
Vị Calife cũ, hoàng thúc vua hạ giọng :
« Xin mời ngài trấn tỉnh đôi lời. »
Công tước rằng : « Điều khó vui thôi,
Tôi nói phải vượt những lời nghịch nhau ?
Sarrasin ngài, nghe điều tôi nói,
Điều tôi đớn đau », « dai dẳng trong lòng.
Cho ngoại đạo thành công khanh. »
Vị sứ giả nhắc lời hăm dọa rồi.
51.
Rồi hắn đến tâu trình nhanh chóng,
Và nhà vua cầm lấy bức thư.
Bẻ sáp bọc, đầu lắc lư,
Thét lên giận dữ cùng chư công hầu.
« Vua Charles chẳng muốn ta thần phục,
Nhắc lại lời giận dữ xót thương,
Hai sứ giả bị chém, bị giam,
Hắn muốn hoàng thúc sang làm con tin. »
52.
Vị hoàng tử chẳng dằn nóng giận :
« Giết Ganelon đi, cho tôi xử việc này,
Kiêu ngạo tôi trừng phạt đây,
Như cây thông, nước Pháp lăn quay đổ nhào. »
Vung kiếm sắc toan vây máu đổ,
Blancadrin tâu nhỏ vua trên :
« Hầu tước này lòng tổn thương,
Muốn trả thù đấy, ta nên mưu đồ. »
53.
Marsile cùng cận thần thảo luận,
Rời đám đông, ra chổ nghỉ ngơi,
Trong vườn hoa trái xanh tươi,
Gần bên thác nước họ thời dừng chân.
Để hoàn thành âm mưu bí mật,
Gọi Ganelon đến chỗ luận bàn,
Blancadrin dẫn đến quần thần,
Vị sứ địch đã sẵn lòng phản vua.
GIAO ƯỚC
Nhìn quà tặng áo lông hải ly, Marsile ủng hộ Ganelon không phản bội Charlemagne, mà chỉ để trả thù Roland. Mưu kế phục quân tại thung lũng Ronceraux để tàn sát đội Hậu quân ít người của Roland. Người Sarrasin tặng quà cho Ganelon hậu hĩnh.
54.
« Hỡi sứ thần », đang cúi đầu chờ lệnh,
Phút giây này vua chẳng biết chi.
Quà tặng áo lông hải ly,
Các áo sang trọng, nói chi giá tiền,
« Hãy để ta thử mang lên cổ,
Quà tặng trao quý giá sứ thần. »
« Chối từ kẻ khác là điên,
Ta lòng chấp nhận, Trời ban ơn lành. »
55.
« Tôi quý Ngài, càng yêu càng mến,
Với bí mật này, bàn luận thẳng câu.
Tôi với vua Charles từ lâu,
Bất đồng vua có hàm râu đẹp người.
Lòng tôi tưởng hai trăm năm.. cai trị,
Lòng hăng say đã giảm đi rồi,
Bao nhiêu hiệp sĩ gian lao,
Mong về Aix nghỉ ngơi bao nhọc nhằn ?.»
56.
“Ôi ! thật sự hầu tước danh xứng đáng !
Ganelon, tất cả đồng lời:
Vua tôi, dù Trời sáng soi,
Tôi chẳng phụng sự suốt đời này hơn,
Chết còn hơn, mặc dù bao quý tốt,
Tôi trước sau rời bỏ hắn, công khanh.”
“Tốt lắm, hắn đầy sai lầm,
Cho nên theo đuổi chiến tranh bạo tàn.”
57.
“Chẳng bao giờ !”, thưa ngài, lời giận dữ,
“Khi Roland sống ở cõi đời này,
Dưới bầu trời có hắn đây,
Olivier giúp sức trận bày tiên phong.
Mười dũng tướng hợp đồng trận chiến,
Cùng vây quần chung sức đấu tranh.
Lòng tin sâu đậm chiến công,
Nên Charles mới mãi cuộc chinh chiến này.”
58.
“Sứ cao trọng,” vua Marsile nhắc lại.
“Dân tôi tốt lòng, chiến sĩ can trường.
Động viên còn bốn trăm ngàn,
Ai người có thể địch ngang sức này ?”
“Nếu người thuyết phục hay vua Pháp,
Một ngày xa chẳng ngại đề phòng,
Không cần hai mươi con tin,
Thì người có thể nên công tuyệt vời.”
59.
“Ta tính địch sa mưu lầm lẫn..
Tóm tắt là chẳng trể việc này.
Biết rằng vị vua già đây,
Giao Roland lực không dày hậu quân.
Đèo Roncevaux hậu quân về tới.
(Nơi hiểm nguy ai tránh được nào.)
Tập trung đánh quân đi sau,
Từ trên đánh xuống, tung mau sức hùng.”
60.
“Cuộc giáp trận ở nơi hiểm trở,
Chắc chắn làm bao kẻ thương vong,
Roland thung lũng phận đen,
Hậu binh quân ít cuối cùng bại vong.
Charles sẽ phải cúi đầu bóp trán,
Mặt tái xanh trong sự tình này,
Muốn ngừng chiến trận từ đây,
Chẳng còn tham vọng đất ngày giàu to.”
61.
Vua Marsile ôm Ganelon thân mật:
“Ta muốn đây phương án thi hành,
Trong thung lũng hẹp chắc rằng,
Quân ta sẽ bắt Roland bất ngờ.
Lời chắc chắn giọng lên cứng cỏi,
Công tước rằng việc sẽ thành công.
Nắm thanh gươm sáng trong ngần,
“Có di hài Thánh”, viên thành ước mong.”
62.
“Anh tin tôi, lòng tôi hãy nhận.”
Lời Tây Ban Nha, trên đồng tiền trắng nguyện thề.
Trước ngoại đạo vẹn lời thề,
Luật Apollon, Mahom và Tervagan.
“Ta thề đánh Roland tan tác,
Khi vua sai vào vị trí hậu quân.
Đứa cháu kiêu hãnh.” sứ rằng :
“Ngài hãy dũng mãnh, còn phần khác, tôi.”
63.
Chuyện đã rõ, Valdabrun cười tiến tới,
Tướng chỉ huy đội ngũ kỵ binh.
“Đây gươm quý, hãy cầm lấy dùng.
Người Pháp chẳng có, thép ròng này đây.”
“Quả báo vật”. Climborin sững sốt,
“Mũ chiến tôi, cũng vậy gia tài,
Bạc nạm vàng, đá quý tinh khôi,
Sáng lên lấp lánh trên nơi mũi vàng.”
64.
Và đến phiên Bramimonde hoàng hậu,
Cười tươi vui kẻ phản bội Ganelon.
“Chư hầu không tin, Trời lẫn lầm!
Riêng ta trao tặng phu nhân, công hầu.
Nữ trang đẹp diễm kiều hơn cả,
Kho tàng Rome sánh cũng nghèo nàn.”
“Tôi nhận ơn ngài”, giọng cúi luồn,
Cầm lấy châu báu tay ôm vào lòng.
65.
Vua Marsile gọi Blancandrin hỏi :
“Con tin nào đã chọn.” “Thưa vâng.”
“Đã có đầy đủ điều cần,”
Và vua bảo, công tước cần dẫn ra.
“Giữ lời thề, hơn là phải nói,
Ta sẽ thưởng cho bao châu báu, dành phần.”
Hắn thưa: “ Xin được lui chân.”
Và rồi chẳng trể lên yên ngựa về.
GANELON TRỞ VỀ
Ganelon trở về báo cáo cùng vua Charles sứ mệnh hoàn thành, nhưng nói dối các con tin bị đắm thuyền đã chết. Vua Charlemagne không nghi ngờ, cho nhổ trại đem đại quân trở về Pháp.
66.
Gã bá tước mang theo mũ chiến,
Dưới mặt trời rạng rỡ ánh dương.
Charles đứng lên, kề quân vương.
Trong thành Valterne, Roland hầu kề.
Chàng đã chiếm trải bao xương máu,
Sau thế kỷ dài chiếm đóng địch quân.
Nơi đây khanh tướng đợi mong,
Nào hay phản bội rắp tâm hại người.
67.
“Kính tâu ngài, nhân danh ơn Chúa,
Kẻ giữ thành Saragosse đầu hàng.
Đã trao chìa khóa cổng thành,
Bao điều ta muốn sẵn lòng thực thi.
Cả vàng ngọc sẽ giao, đêm sáng,
Đặt dưới chân ngài kính cẩn mà thôi,
Chúng ta chẳng còn Calife rồi,
Điều chẳng quan trọng phải vơi nhọc nhằn.”
68.
“Chú vua Maure bởi cơn giông bão,
Cùng tùy tùng trên biển đi theo.
Bỗng trời đen nghịt, nước cao,
Một cơn bão tố đổ ào không gian.
Tất cả chết đuối, tôi còn thấy,
Cháy con tàu lão trượng. Tôi mang,
Hai mươi trẻ quý, con tin,
Và bao vàng bạc từ vùng Arabie.”
69.
“Trời thương xót.” Nhà vua cảm động,
Không nghi ngờ lời nói dối dang.
Sứ giả giỏi về triều cung,
Chẳng ai nhận biết ra lòng xảo gian.
“Các khanh tướng, chiến tranh chấm dứt,
Khải hoàn ca, muôn chiếc kèn đồng.
Dân Pháp, đất nước ơn lành.
Hoan ca vui sướng theo cùng công khanh.
ROLAND GIỮ HẬU QUÂN
Hội đồng triều thần vua Charlemagne cùng Ganelon dẫn Đại quân đi đầu, không nghi ngờ.
Vua Charles nằm mơ thấy các sự kiện kinh dị, vua trao cho cháu gươm nỏ điều khiển phân nửa binh đoàn. Nhưng Roland từ chối cho rằng hai mươi ngàn kỵ binh tinh hoa dũng cảm đã đủ không cần thêm binh. Roland cho Gautier de l ́Hun lãnh một ngàn quân trinh sát trên núi và tự mình dẫn hậu quân qua Roncevaux.
70.
Chiều đỏ thẩm, tối tăm mặt đất,
Quân Roland cắm trại đỉnh non.
Cờ bay phấp phới gió lồng,
Nhưng Đại quân đóng hãy còn cách xa.
Bởi thung lũng đại quân cẩn thận,
Bước chân đi sau đám rừng che,
Bao hiểm nguy đến gần kề,
Chẳng người Pháp đoán biết về mưu mô.
71.
Vị hoàng đế say trong giấc mộng,
Thấy trong mơ lực lượng tiến công,
Hiện ra lối hẹp núi non.
Chính Ganelon. Bỗng phóng lên bất ngờ.
Nhắm quân vương với đòn mạnh bạo
Làm gãy đôi thanh kiếm, ánh sáng choang,
Bay lên trời. Tất cả lại yên,
Charles mê say ngủ, chẳng buồn dậy đi.
72.
Giấc mơ khác. Vua trong nhà nguyện,
Con gấu cắn vào tay thấu tận xương,
Máu chảy ra, vua gọi lên,
Con báo xông tới. Chẳng còn hoảng kinh.
Bổng chó săn nhà vua chồm dậy,
Cắn vào con gấu rách lỗ tai,
Đoán sao hai giấc mơ này?
Charles lại say ngủ, nồng say giấc dài.
73.
Đêm đi qua, bình minh sáng bạc,
Vua dậy thôi, có tiếng kèn vang.
Charles âu lo: “Các bá tước xem.
Vì đâu vang dội tiếng kèn báo nguy.
Phong vị tướng chẳng chi nghi ngại,
Để chỉ huy binh đội hậu quân.”
Kẻ phản : “Roland ai bằng,
Chẳng ai có thể tấn công sức này.”
74.
“Người quả thật là loài ma quỷ !”.
Vua nói rằng : “Ta thấy người đây.”
“Quỷ ám điên dại cuồng say,
Mà ai, mi dẫn đến lần này đến ta.
Tiền phong ta ?” Ogier, anh hùng Đan Mạch.”
Kẻ phản rằng : người ta biết xứng tài ba”
Roland tiến gần nói lớn là,
Hiệp sĩ, hãnh diện, ta đà cử lên.
75.
“Tôi kính mến người, việc này, nhạc phụ,
Nhờ dịp may người giúp đỡ ta,
Dù bao nguy hiểm dẫu là,
Cám ơn người đã xông pha báo giùm.
Và hoàng đế chẳng hề tổn thất.
Dù ngựa lừa hay cả chiến binh.
Lưỡi gươm chẳng trả nợ giùm.”
Ganelon nói: “Tốt lòng đợi mong.”
76.
Rồi quay lại vua Charlemagne tấu :
“Hãy cho tôi cung nỏ sức hùng,
Với Roland, tôi ước mong,
Vì chàng giúp chẳng quản công nhọc nhằn.
Ngón tay tôi chưa buông tên bắn,
Dù xãy cho nhạc phụ thanh cao,
Găng tay còn chứng nhận nào.”
Charles ngồi im lặng thương đau đắng lòng.
77.
Vị vua già chẳng ngừng tay vuốt,
Trắng hàm râu : linh tính đau thương,
Chẳng ngăn ai khóc trong lòng :
Hỡi các khanh tướng, phải làm ra sao ?”
Lão Naimes nói : “Roland can đảm,
Hãnh diện thay nhiệm vụ phải làm,
Chẳng ai dành chổ chia phần,
Mà còn giúp đỡ khó khăn dẫu nhiều.”
78.
“Đây nỏ ta.” Vua trao tay: “Cầm lấy.
Roland can trường nào có ai hơn,
Hãy chỉ huy phân nửa quân binh,
Vì đường nguy hiểm đấu tranh còn nhiều.”
“Nửa quân đội, không cần nhiều thế.
Quân càng nhiều, càng khó chóng nhanh,
Hai mươi ngàn, là đủ cho Roland,
Tôi hổ thẹn, nếu không xứng danh giống dòng,”
79.
Sẽ thấy rõ, ai yêu hay khác,
Chàng bước lên gò đất, giáo cầm,
Tay phải cờ hiệu trắng mang,
Tua vàng phấp phới theo làn gió bay.
Ngựa Veillantif dục chàng phóng tới,
Ngù tiền đồng tô điểm sắc hoa,
Kiếm bên sườn mắt sáng lòa,
Lặng yên binh đội tinh hoa anh hùng.
80.
Tướng Olivier bên chàng tiến bước,
Gérin, Gérier hiệp sĩ đồng hành,
Kề bên dưới ngọn cờ hùng,
Girard lão tướng, Ive và cùng Samson.
Engelierle Gascon tay nắm.
“Theo tướng ta. Turpin nói đồng lòng!”,
Dưới cờ giục giã anh hùng.
Roland cười điểm : “Hai mươi ngàn tinh binh.”
81.
Gautier de l ́ Hune được truyền trinh sát.
“Mang ngàn quân người Pháp, Pháp quân,
Trấn núi hiểm lộ khó khăn,
Đội quân trinh sát đề phòng hiểm nguy.”
“Nhiều đoạn đường khó khăn hiểm trở,
Roland rằng “ta trấn giữ trên cao,
Gautier theo núi non vào,
Sẵn sàng chiến đấu đi vào cuộc tranh.”
ĐỘI QUÂN CÁCH XA
Đại quân đi qua dãy núi Pyrénées. Quân tướng hân hoan ngày trở về nước Pháp dịu hiền gặp lại vợ con, người mong gặp hôn thê sau bao năm cách xa. Mọi người chia xẻ giấc mơ kinh dị nhà vua. Nghĩ rằng Roland can trường không có gì để nghi ngại trong rừng núi hiểm trở. Nỗi nghi ngờ Ganelon cũng vơi đi.
82.
Núi cao ngất, tối tăm thung lũng,
Charles tiến quân qua đám rừng già.
Không còn thấy bóng cờ xa,
Tiền quân Đan Mạch tiến xa canh chừng.
Đường gian khó, đôi lời than vãn,
Tiếng lừng vang mười lăm dặm đường trường.
Quân Pháp với bao chiến công,
Thể nào cũng vượt đỉnh non xanh rờn ?
83.
Nhưng vừa vào Gascogne thì bỗng,
Tim đập nhanh, quân tụ đằng sau.
Nước Pháp vườn mát ngọt ngào,
Nghĩ đến đất nước lòng nào mơn man.
Bao mộng đẹp khóc thương yêu mến,
Hạnh phúc sao, tìm lại nhớ mong,
Vợ con, hoa mộng thanh xuân,
Vị hôn thê với nhẫn vàng trên tay.
84.
Dù có buồn, Charlmagne tiến bước.
Để lại sau, dũng tướng Roland.
Quay chào tất cả núi rừng,
Bao nhiêu nguy hiểm kinh hoàng dọa hăm.
Vị lão vương chỉ huy cao cả,
Dấu đôi dòng nước mắt dung nhan,
Naimes tiến đến bên ân cần:
“Tâu ngài. tiến bước, lòng buồn sẽ vơi.”
85.
Vua linh tính, ôi điều sẽ đến,
Ganelon hại nước Pháp dịu dàng.
Nỗi đau thương giấc mộng đêm,
Bàn tay rách bởi ngọn thương kẻ này.
Đầy lo lắng cho Roland nghĩ đến,
Hắn có thể làm việc bất ngờ thay,
Cho đoàn quân dũng cảm này,
Mà trong tình huống một ngày thương đau.
86.
Mọi người thấy Charlemagne chợt khóc,
Bởi xót thương nước mắt ngập tràn.
Hát cười phút trước hân hoan,
Mà không cảm thấy kinh hoàng đến nơi.
Roland làm gì trong rừng u tối,
Vì Ganelon ganh ghét mà thôi,
Bán quê hương, tim bồi hồi,
Trong giây phút chẳng nghi người phản gian.
(Hết phần I.
Còn tiếp Phần II. THẢM HỌA)
|